T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 186)

clip_image002

 

Danh nhân miền Nam gốc Minh Hương

Trong lịch sử khẩn hoang ở miền Nam, sự đóng góp của người Minh hương từ xưa đến nay về lịch sử và văn hóa thật là to lớn. Bao nhiêu danh nhân Việt nam trong lịch sử là có gốc Minh hương, từ Trịnh Hoài Đức, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản, v…v… đến những nhân vật có tên tuổi trong văn hóa nghệ thuật gần đây như Hồ Dzếnh, Trịnh Công Sơn, Vương Hồng Sển, v…v… Họ đã hòa nhập thành người Việt.

(Vài nét về lịch sử người Minh Hương – Nguyễn Đức Hiệp)

 

Câu đối thợ nhuộm

“Xuất đối dị, dị đối nan” hiểu theo nghĩa là “ra đối dễ, đối lại khó” . Tuy nhiên một đôi khi lại ngược lại “xuất đối dị, dị đối…dị” như vợ khóc chồng là thợ nhuộm:

Thiếp từ khi lá thắm duyên xe, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ

Chàng ở suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh

Câu phúng trên do cụ Nguyễn Khuyến viết cho chị hàng xóm khóc chồng, có đủ mầu sắc của nhà thợ nhuộm: thắm, tía, đen, điều, đỏ, vàng, hồng, trắng, tím, xanh…

(Nguyễn Kiến Thiết – báo Thời Báo)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

@

Chữ “@” trong địa chỉ điện thư từ tiếng Anh là “at” là “ở”.

Người Việt gọi nó là “con còng”

Người Đức gọi nó là “chữ A đuôi khỉ”..

Người Phần Lan gọi nó là “chữ A đuôi mèo”.

Người Ba Lan gọi nó là “chữ A con khỉ con”

Người Ý gọi nó là “con ốc”

Người Na Uy gọi nó là “chữ A đuôi heo”

Người Hung Gia Lợi gọi nó là “con sâu”

(Trà Lũ – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

 

Bánh chưng, bánh tét

Người miền Nam gọi bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét là tiếng đọc trạnh kiểu miền nam của bánh tết. Và nhân đây xin thanh toán một “ngộ nhận văn hóa”. Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh trong Nam, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa, Đông Anh ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy người cố đô Cổ Loa gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thảng hoặc mới gói thêm bánh chưng vuông.

Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dầy tròn tượng Trời là một “ngộ sự văn hóa”. Trời tròn đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).
Bánh chưng tròn dài tượng dương vật, như cái chày, cói nô. Bánh dầy tròn dẹt tựa âm vật, như cái cối, cái nường.
Đó là tín ngưỡng và triết lý nô-nường-chày-cối chưng dầy của dân gian, của tín ngưỡng phồn thực dân gian. Ngay như khi đã gói bánh chưng vuông, dân gian ngày trước vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh một sấp, một ngửa đặt trên bàn thờ và khi biếu họ hàng khách khứa ngày trước dân gian cũng giữ tục biếu một cặp bánh chưng (cũng như trước đây bao giờ dân ta cũng mua một đôi chiếu) chứ không bao giờ tặng một chiếc bánh chưng (cũng như không bao giờ mua một chiếc chiếu).

Nhân tiện nói thêm: việc mua hay chặt cây mía cả gốc cả ngọn đặt bên bàn thờ với giải thích hữu thức ngày sau đó là “gậy chống của ông vải” về nguyên thủy cũng thuộc về tín ngưỡng phồn thực.

(Trong cõi – Trần Quốc Vượng)

 

Họ và tên

Nghiên cứu tất cả hệ thống tên họ các dân tộc trên thế giới cho thấy người Việt có lẽ là một dân tộc đầu tiên, cùng với người Trung Hoa và Đại Hàn, có một hệ thống tên họ đơn giản và hợp lý nhất. Người Nhật mãi đến năm 1872 mới được quyền có họ, trước đó chỉ có các ngài đại-danh (samourais) là có đặc quyền đó. Theo lịch sử Trung quốc, việc đặt họ tên bắt đầu từ năm 2852 trước Công nguyên, khi vua Phục Hi ra lệnh bắt dân chúng phải có một “gia tính” hay “tộc tính” để phân biệt các hệ phái gia đình và định phép tắc hôn nhân. Đến thế kỷ thứ V trước Công nguyên ở Trung quốc đã có hai loại “gia tính” được dùng: “tính” là “họ gốc”, do cha truyền con nối hoặc do vua ban, và dành cho nam giới; “thị” là “họ cành”, tức tên đặt khi mới sanh dùng cho cả nam lẫn nữ. Giới quý tộc vừa có Tính vừa có Thị, dân giả thì chỉ có tính. Từ đó phát xuất thành ngữ “bá tính” hoặc “bách tính”. Con trai đàn ông xưng “thị” để phân biệt sang hèn, phụ nữ xưng “tính” để phân biệt hôn nhân.

(Văn hóa người Việt qua tên họ – Nguyễn Vy Khanh)

 

Phúc biến hoá thành phước

Phúc và phước lại là đồng nghĩa dị âm. Chính âm là phúc. Biến âm thành phước. Vấn đề đặt ra: sự biến âm ấy diễn ra từ bao giờ? Vì sao? Đâu là giới hạn?

Mọi người đều biết rằng hiện tượng “viết chệch, đọc lệch” từng xuất hiện trong lịch sử do kiêng húy. Chữ phúc bị kiêng, thoạt tiên từ thời Tây Sơn. Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng (1797 – 1864) có đoạn: “Xã tôi xưa gọi là Long Phúc, vì Nguyễn Huệ có tên giả là Phúc, nên đổi gọi là Long Phú”.

Vậy là Phúc biến thành Phú, tức thay hẳn cả chữ lẫn nghĩa.

Còn Phúc biến thành Phước thì giữ nguyên chữ nghĩa, chỉ đổi âm, thực sự phổ biến kể từ năm Quý Mùi 1883 – thời điểm công tử Ưng Đăng lên ngôi vua, chọn niên hiệu Kiến Phúc.Từ đấy hoàng thân quốc thích đến quan quân lẫn thứ dân thảy đều gọi kiêng. Dòng họ Nguyễn Phúc được đọc trại ra Nguyễn Phước.

 

Đại học và Cao đẳng

Nền giáo dục phổ thông Pháp-Việt là hễ có bằng Tú Tài Toàn Phần thì đương nhiên được vào học các trường Đại Học (Université) (1), nhưng muốn vào các trường Cao Đẳng thì phải qua một kỳ thi tuyển rất khó.  Trước 1945, Việt Nam chỉ có một trường Đại Học và vài trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp ở Hà Nội như Sư  Phạm, Canh Nông, Thú Y, Công Chánh và Mỹ Thuật.

(1) Chữ “faculté” thường được dịch là ” khoa”.  Nhưng trong tổ chức đại học  (université) của Pháp thì faculté thực sự là một trường đại học, còn université là viện đại học.  Trong qui chế đại học Pháp “faculté” cao hơn “école supérieure” (trường cao đẳng) vì faculté đào tạo và cấp học vị tiến sĩ (docteur).

(Nền giáo dục VN dưới thời Pháp thuộc – Trần Bích San)

Những cái cũ & xưa nhất của Saigon
Nhà văn hóa cổ nhất

clip_image004

Nhà hát thành phố do kiến trúc sư người Pháp xây dựng hoàn tất vào ngày 17/1/1900. Các phù điêu bên trong được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ XIX. Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Năm 1956, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện chế độ cũ; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát thành phố với 750 chỗ ngồi. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài Nhà hát được phục chế lại như nguyên mẫu ban đầu.

 

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Tôi xin nêu lên cái nghề mới ở Việt Nam không kém phần dị hợm như nghề “Nhà Làm Văn Hóa”. Thỉnh thoảng tôi thấy dưới tên ông giáo sư , ông tiến sĩ ở Việt Nam ngày nay, có thêm hàng chữ: Nhà Làm Văn Hóa, hay Nhà Văn Hóa. Miền Nam trước năm 1975 không bao giờ tôi thấy có ai làm cái nghề đó. Mấy ông làm văn hóa ơi. Mấy ông có biết không? Văn hóa của một dân tộc, một quốc gia phải trải qua trăm năm, ngàn năm, phải kinh qua nhiều thế hệ, xã hội, nhiều đời nhiều người mới hình thành. Chớ có ai mà tự mình làm ra văn hóa! Tra ra thì mấy ông kẹ cộng sản Việt Nam bắt chước ông cộng sản Tàu như đúc. Ở Tàu có người đề là Văn Hóa Gia dưới tên mình, phải dịch đó là nhà (người) nghiên cứu văn hóa, chớ không phải là Nhà Làm Văn Hóa, hay Nhà Văn Hóa. Văn Hóa Gia không phải là học vị, bằng cấp như bác sĩ , tiến sĩ, kỷ sư… mà dịch nguyên chữ.

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)

 

Tờ nhật báo đầu tiên

Gần 4 năm sau khi thành lập, báo Trung Bắc Tân Văn ở miền Bắc tăng tần số phát hành và trở thành tờ nhật báo đầu tiên của Việt Nam, tính từ tháng 1/1919. Trung Bắc Tân Văn do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút..Tờ báo tồn tại đến tháng 4/1941 mới đình bản, ra tổng cộng 7.265 số.

 

clip_image006

Trung Bắc Tân Văn là tờ báo ra hàng ngày

duy nhất phát hành rộng ở Bắc và Trung Kỳ

(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)

Những cái cũ & xưa nhất của Saigon
Khách sạn cổ nhất

clip_image008

Khách sạn Continental tọa lạc tại 132-134 Tự Do, xây dựng năm 1880 do Kiến trúc sư người Pháp thiết kế, tên khách sạn có ngay từ những ngày đầu. Sau ngày cướp được miền Nam bị tụi Bắc Việt đổi thành Hải Âu. Đến năm 1989, khách sạn được nâng cấp, chỉnh trang và lấy lại tên cũ Continental có diện tích 3430m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng. Ngày nay, khách sạn Continental là một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế

 

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Tiếng nói, tiếng Việt.

Có năm tôi về Sàigòn, có dịp đến thăm cụ Vương Hồng Sển, được Cụ tiếp tại nhà. Cụ có tặng tôi quyển sách “Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam”. Trước khi viết lời tặng, ký tên vào quyển sách, Cụ Sển gạch ngang chữ “Việt” trong tựa của quyển sách, mà sửa lại là “Nói”. Cụ có nói “ Cán bộ tài khôn, sửa mà không hỏi ý kiến tác giả”. Dân miền Nam nói anh “tài khôn” không có nghĩa là nói anh “tài cán, khôn ngoan” mà hoàn toàn có ý ngược lại. Tiếng Việt thì miền nào cũng là tiếng Việt. Còn tiếng nói thì mỗi miền mỗi 9 khác. Đơn giản vậy thôi. Nhưng có viết sai thì mới thấy “sai một li, đi một dậm”. Nôm na tiền bạc là ” trật con tán, bán con trâu”.

Tiện đây tôi xin chân thành nhắn nhủ quí tác giả một khi có trích dẫn quyển “ Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam” thì xin để ý đừng viết là “ Tự Vị Tiếng Việt Miền Nam” như nhà xuất bản ấn hành, vì nó sai, vì đó không phải ngươn ý, nguyên tác của cụ Sển, mà xin viết là “ Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam” cám ơn.

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search