T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: VĂN CHƯƠNG RẺ HƠN BÈO.

     HIện nay trên đài Truyền hình ở Sài Gòn thường chiếu một trò chơi gọi là “Thách Thức Danh Hài”. Trong trò chơi này, thí sinh ra đứng trước mặt danh hài Trấn Thành và Trường Giang, họ chỉ cần làm hề cho một trong hai người nầy cười  là được tiền. Cười lần 1 lãnh 2 triệu, cười  lần 2 được ngay 10 triệu và nếu chọc cho  họ cười đến lần thứ 5 thì  thí sinh ôm về cho mình trọn 100 triệu. Đã có nhiều thí sinh trong vòng 5 phút, lãnh gọn số tiền lớn ấy.

Vừa qua nhân kỷ niệm 255 ngày sinh và 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, một cuộc thi viết văn tế cho đại thi hào đã được tổ chức. “Cuộc thi “Sáng tác Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” do Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà Văn Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức từ tháng 2 năm 2019 đến tháng 7 năm 2020 nhằm hướng tới Lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du.” “Tại trụ sở Hội Kiều học Việt Nam, Ban tổ chức Cuộc thi “Sáng tác Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” đã tiến hành họp hội đồng Chung khảo. Ban tổ chức nhận được nhiều bài dự thi của các cây bút trong nước và nước ngoài thể hiện rõ sự công phu trong việc sưu tầm tư liệu, được sáng tác theo thể Văn tế (tức là bài viết gồm hầu hết các cặp câu biền ngẫu và gieo một vần trắc từ đầu đến cuối bài) nhằm tôn vinh và tái hiện lại cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du.”  

Chung khảo, bài văn tế Nguyễn Du của nhà thơ Kha Tiệm Ly đoạt giải nhất toàn quốc.

Nhận được lời mời của Ban Tổ Chức cuộc thi, nhà thơ Kha Tiệm Ly cất công từ Mỹ Tho ra Hà Tĩnh để nhận giải thưởng lớn và vinh dự của đời mình. Ai cũng tiên đoán lần nầy Kha Tiệm Ly trúng lớn, số tiền ít nhất cũng cao hơn nhiều lần so với trò chơi diễn hề trên TV, hoặc bằng một cuộc nhậu của các vị tai to mặt lớn. Có lẽ nhà thơ Kha Tiệm Ly cũng nghĩ thế, ông mời thêm hai thi hữu tâm đắc là Du Phong và Ngã Du Tử cùng tháp tùng ra Hà Tĩnh tham dự buổi lễ trọng đại kia. Tiền vào tay thi sĩ thì ai cũng biết sẽ như gió bay thôi, họ dự trù lãnh thưởng xong sẽ bay ra Hà Nội, vào Huế, đến Đà Nẵng, dùng tiền thưởng ấy để chia sẽ niềm vui cùng bạn bè, bù khú cho đến hết thì thôi.

Kết quả: Nhà thơ Kha Tiệm Ly được  vinh dự đứng hàng đầu để chụp ảnh. Phần thưởng vật chất, theo Kha Tiệm Ly cho biết, bằng tiền mặt là 10 triệu đồng, cộng thêm 500 ngàn đồng hỗ trợ tiền di chuyển từ Mỹ Tho ra Hà Tĩnh và trở vào. Số tiền nầy bằng số tiền thưởng cho người diễn hề để Trấn Thành cười trong phút thứ hai.

Tiền thưởng ít quá, không đủ để đài thọ bạn mình tiếp tục di hành, Kha Tiệm Ly đành để hai bạn mình lên xe quay về Nam trước, còn  Kha Tiệm Ly vẫn giữ lời hứa, tiếp tục  ghé thăm bạn văn chương bằng cái  túi rỗng của mình. Cũng may, người người đều yêu mến Kha, chỉ cần gặp bạn văn, uống rượu gạo, ăn trái ổi chua  để chúc mừng tài năng của bạn mình là thỏa lòng lắm rồi.

Thật ra nếu đem so bài văn tế Nguyễn Du của Kha Tiệm Ly với câu khẩu hiệu mỗi chữ 1 tỷ đồng,  hay so với các cổng chào của huyện của tỉnh dựng trên quốc lộ thì bài văn của Kha Tiệm Ly đạt giá trị cao hơn nhiều. Những thứ vật chất kia rồi sẽ không còn nữa nay mai, nhưng phú của Kha Tiệm Ly sẽ đi vào văn học, để lại cho trăm  năm sau vẫn còn đó bài văn tế kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du, làm dấu ấn cho thế hệ hậu sinh của chúng ta, kính trọng thế hệ cha ông nó.

Kha Tiệm Ly đã  phải bỏ 3 tháng để tư duy ngày  đêm vì bài văn tế kia, số tiền mười triệu trả không đủ 1/10 công lao động trí tuệ của ông, còn  9/10 kia không trả cho ông mà đem bài văn tế của ông in vào sách để xuất bản tức là “bóc lột thặng dư lao động trí tuệ” theo Karl Marx có đúng không nhỉ?

Với giá trị của một áng văn chương như bài văn tế của Kha Tiệm Ly, thiết nghĩ chỉ một tờ báo đăng bài văn tế ấy, trả tiền nhuận bút 10 triệu vẫn còn ít. Vậy mà một cuộc thi do 3 đơn vị tầm cỡ Việt Nam tài trợ, lại trao giải thưởng quán quân chỉ 10 triệu đồng  và 500 ngàn đồng tiền xe di chuyển gần 2000 Km đến lãnh thưởng thật là quá ít, ít đến  không ai tưởng tượng nổi.

Phải chăng văn chương ngày nay rẻ hơn bèo?

Châu Thạch  

 

 

Phụ lục:

Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du

Kha Tiệm Ly

Than ôi!

  1. Gió dìu mây, mây phủ màu tang,
    Sương thức lá, lá rơi nước mắt.
  2. Khóc người tuấn kiệt, núi thẳm ngậm ngùi,
    Chạnh khúc đoạn trường, dòng sâu man mác!

Nhớ văn hào xưa,

  1. Vốn nòi thế phiệt, lời lời hoa thêu gấm dệt, hàng hàng ý ngọc lời châu,
    Nhằm cửa danh gia, ngày ngày ngọc dát châu đeo, bữa bữa đũa ngà chén bạc.
  2. Hồng Lĩnh đỉnh cao vòi vọi, muôn khí thiên hun đúc bậc anh tài,
    Lam Giang bờ rộng thênh thênh, vạn nguồn mạch sản sinh người khoáng dật.

    5. Thông minh đĩnh ngộ, bút văn chương sánh bậc Đỗ, Vương, (1)
    Hòa ái khiêm cung, điều nhân nghĩa noi thầy Khổng, Mặc. (2)

  3. Cao bằng hiền hữu luôn chọn bậc trọng nghĩa khinh tài, đâu hiềm nhà cao cửa rộng hay điếm cỏ cầu sương,
    Tri kỉ hồng nhan, chỉ lựa người nhả ngọc phun châu, chẳng màng cổng kín tường cao hay lầu ca viện hát.
  4. Tài năng đó khó khăn chi bảng hổ danh đề, vinh hiển tổ tông?
    Nhân cách ấy trở ngại gì tế thế an bang, chấn hưng xã tắc?

Ngờ đâu,

  1. Thời li loạn hốt bạch vân thương cẩu, còn đâu hồi áo gấm hài thêu,
    Lửa chiến chinh biến thương hải tang điền, nào ngờ lúc nhà tan cửa nát!
  2. Buổi giao thời chia đường hai lối, về phương nào khi thay chúa đổi tôi,
    Tiếng đao binh tạo khúc đoạn trường, đàn làm sao khi lạc cung sai bậc?
  3. Kinh luân một bụng, đâu anh hùng, đâu tri kỉ, đường trần ai ngoảnh lại bơ vơ.
    Kinh điển năm xe, nào trung can, nào khí tiết, đạo thần tử ngẫm càng chua chát!
  4. Hùng tâm tráng khí, mà bóng quần hào sau trước vắng tênh,
    Viễn trí cao tài, nhưng đường tiến thoái dọc ngang bế tắt!
  5. Mộng phù Lê tàn phai lần lữa; làm được gì khi bóng lẻ thân cô?
    Vọng cố hương đau xót não nùng; thương biết mấy ngày canh rau cơm lạt!
  6. Dằn câu khí tiết, chốn sân chầu che mặt uốn lưng tôm,
    Ngậm tiếng thị phi, nơi cửa khuyết nén lòng khum gối hạc!
  7. Đã trót đánh rơi thanh kiếm, vinh dự chi lơ láo phận hàng thần.
    Thôi đành nương náu bệ rồng, thẹn thùng lắm lất lây hồi đầu bạc!
  8. Qua quan ải, giận cuồng ngôn tên ác tướng Phục Ba, (3)
    Nhớ Hát Giang, trọng khí tiết vị nữ vương Trưng Trắc.
  9. Dù Đồng Trụ chữ đã rêu xanh,
    Nhưng Đằng Giang cọc còn nhọn hoắt!
    (4)
  10. Đến viễn phương thấy đời đau khổ, kẻ tù đày, người đói rách, nhớ quê xưa tấc dạ bồi hồi.
    Viếng danh nhân chạnh nỗi đoạn trường, nào oan khiên, nào bi phẫn, cảm thân phận cõi lòng u uất.
  11. Bởi bạo quyền giấu nanh che vuốt, nhai xương người ngọt tợ cao lương. (5)
    Nên lê dân bóp bụng thắt hầu, ăn rau dại thường hơn cơm vắt!
  12. Đầu Ban Siêu (6) phơ phơ màu tóc, nợ sơn hà tấc đất ngọn rau,
    Mây Hoành Sơn bàng bạc đầu non, xót phần số hồng nam nhạn bắc!
  13. Đường công danh phủ bao lớp trần ai,
    Màu danh lợi nhuộm mấy lần bạch phát!
  14. Mãi trông đàn nhạn vỗ cánh nhịp nhàng hướng đỉnh Hồng Sơn,
    Mà mặc vó ngựa gõ nhịp u buồn về miền Kinh Bắc!
  15. Mỗi bước li hương, mỗi bước não nùng,
    Từng hồi nhớ quê, từng hồi quặn thắt!

Mới hay,

  1. Li ngự tửu không ngon ngọt lại đắng cay,
    Tình đồng liêu chẳng mặn mòi mà nhợt nhạt!
  2. Chốn quan trường lỡ thầy lỡ tớ, ích lợi gì chữ tốt văn hay?
    Nơi triều trung gượng nói gượng cười, sượng sùng lắm mũ vàng đai bạc!
  3. Chán khòm lưng quỳ nơi chín bệ, thùng thình vướng áo rộng hài cao,
    Muốn phanh ngực nằm dưới cội tùng, thư thả ngắm trăng thanh gió mát.
  4. Sờ tóc trắng thẹn cùng Hồng Lĩnh, thẹn cùng tảng đá, chòm cây,
    Nhìn mây chiều nhớ đến Lam Giang, nhớ đến cội tùng, dòng thác.
  5. Thanh Hiên Thi Tập, gởi gắm phận mình lỡ thời thất thế, đá nát vàng phai,
    Bắc Hành Tạp Lục, xót thương bao người ách nước tai trời, mưa vùi gió dập.

Dù cho,

  1. Sao văn chương xé toạc ngang trời,
    Lòng nhân ái trải dày mặt đất.
  2. Viết văn tế độ người thảm tử, xót thập loại chúng sinh sống đọa chết đày,
    Mượn tân thanh phổ khúc đoạn trường, thương lắm phận hồng nhan hoa trôi bèo dạt!
  3. Cảnh tang thương triền miên khắp hướng, nơi ta bà bao người lạc chợ, trôi sông,
    Khói binh đao mờ mịt chín tầng, xương vô định bấy kẻ chôn nghiêng, liệm sấp!
  4. Sổ đoạn trường hàng hàng lớp lớp, nào giai nhân, nào tài tử, lượn sóng đời dập cuồn cuộn oan khiên,
    Đường định mệnh lối lối thênh thênh, nào trung can, nào nghĩa khí, dây oan nghiệt kết trùng trùng u uất!

Ôi!

  1. Mang chữ “mệnh” thì nơi đâu không phải bến Tiền Đường?
    Chẳng chữ “duyên” làm sao dễ náu nương Quan Âm các?
  2. Phận bạc luôn đọa đày bậc khoát luận cao đàm, tú khẩu cẩm tâm,
    Con tạo khéo ghét ghen kẻ ngọc diện hồng nhan, thiên hương quốc sắc!
  3. Dù bể tang thương nghìn trùng gió bão, đầu bút thần vẫn tỏa ánh hào quang,
    Ngặt lửa sa trường ngun ngút núi sông, câu khí tiết làm đau lòng ngọc phác!
  4. Đâu má hồng mười lăm năm trường đoạn, mà bên tình, bên hiếu luôn sắt son cùng sông núi thênh thênh?
    Đâu danh nhân chịu nửa kiếp phong trần, mà chữ tiết, chữ nhân vẫn mênh mang như trăng sao vằng vặc?

Đáng xứng danh:

  1. Không tiền nghệ sĩ aó bố hài gai,
    Khoáng hậu thi hào lòng son bút sắt.
  2. Sánh với nguyệt thì sáng trong hơn nguyệt; trong rừng bảo điển vĩ nhân, cụ Tiên Điền xứng danh “vạn đại thi hào” .
    Chẳng là hoa lại thơm ngát hơn hoa; trong vườn phong tình cổ lục, truyện Thúy Kiều đáng gọi “kỳ thư tuyệt tác”.
  3. Cạnh muôn hoa, vua mẫu đơn chẳng muốn tỏa hương, (7)
    Giữa quần điểu, chúa phượng hoàng đâu cần khoe sắc! (8)
  4. Đẹp làm sao! Nhân dân ngưỡng mộ ngài với biết bao lời châu ngọc thiết tha,
    Xứng làm sao! Thế giới tôn vinh ngài cùng trăm linh bảy danh nhân lỗi lạc! (9)

Ôi! Hỡi ôi!

  1. Đang cơn mây tạnh ngờ đâu gió thổi ngậm ngùi,
    Trong lúc trời quang bỗng dưng mưa bay lất phất!
  2. Thu vừa chớm mà vùng đất Tiên Điền (10) mây nhuộm âm u,
    Chướng chưa về mà hàng cây Nghi Xuân (10) lá rơi lác đác!
  3. Đao định mệnh luôn cướp đường sinh tử, dù thân chẳng còn mà tiếng để danh lưu,
    Trận phong lôi sao át sấm tài danh, nên đèn vẫn tỏ dù mưa lùa gió tạt.
  4. Lẽ vô thường lại đùa cợt nhân sinh,
    Đò li biệt luôn đưa sầu vạn vật!
  5. Ơn văn hào tợ trái đồi trái núi, chừng như nước lấp đại dương,
    Lời hậu sinh như hạt bụi hạt sương, cầm bằng cát rơi sa mạc!

Hôm nay,

  1. Chưa ba trăm năm, mà cả non sông đã đổ lệ vì người nghệ sĩ phong lưu,
    Bởi khắp bốn cõi, cứ mỗi tấm lòng đều nghiêng mình trước một thi hào uyên bác.
  2. Dù văn chương, dù son phấn, khi thác rồi hậu thế còn ghi,
    Dù vô mệnh, dù hữu thần, lúc lìa đời người sau vẫn nhắc.
    (11)
  3. Ba tuần rượu kính dâng người tài đức, lượng thứ chúng hậu sinh ý thiển lời thô,
    Nén tâm hương tưởng nhớ bậc cao hiền, cung thỉnh đấng tiền bối lòng thành lễ bạc.
    Thượng hưởng!

Kha Tiệm Ly

Chú thích:

(1) Đỗ, Vương: Đỗ Phủ, Vương Bật

(2) Khổng, Mặc: Khổng Tử, Mặc Tử

(3) Sau khi đánh thắng Hai Bà Trưng. Mã Viện dựng trụ đồng ở biên giới với hàng chữ khắc trên đó: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (nếu trụ đồng mà bị gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong”

(4) Trộm ý của hai câu:

“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục,
Đằng giang tự cổ huyết do hồng”

(Trụ đồng đến nay rêu còn xanh biếc,
Nước sông Bạch Đằng từ xưa đến giờ vẫn còn đỏ au)

(5) Cao lương: Trong “cao lương mỹ vị”, chỉ thức ăn ngon. Nguyên câu trộm ý 2 câu trong bài Phản Chiêu Hồn của cụ Tiên Điền:

“Bất lộ trảo nha dữ giác độc,
Giảo tước nhân nhục cam như di!”

(Không để lộ ra nanh vuốt và sừng (có nọc) độc
Mà cắn xé thịt người ngọt như kẹo như đường)

(6) Ban Siêu: Vị tướng tài thời Đông Hán. Bình định Tây Vực hồi 40 tuổi, đến 71 tuổi mới trở về kinh đô Lạc Dương; lúc đó đầu ông đã bạc trắng .

(7) (8): Mẫu đơn là chúa loài hoa; Phụng hoàng là chúa loài chim (theo quan niệm xưa)

(9) Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15 phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới. Theo đó, hoạt động tôn vinh được triển khai ở Việt Nam và tại các nước trong cộng đồng UNSESCO (niên độ 2014 – 2015). (Nguồn: Danh nhân văn hoá thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015))

(10) Làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Tỉnh Hà Tĩnh là quê hương của cụ Nguyễn Du (mộ cụ nằm tại làng Tiên Điền)

(11) Trộm ý 2 câu trong bài “Độc Tiểu Thanh Kí”:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.”

(Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết .
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở).

 

Bài Mới Nhất
Search