T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (13)- TRỞ VỀ VỚI SỐ KHÔNG !

 

Cõi người ta – Tranh: Thanh Châu

 

Ai sinh ra ta?

Mẹ!

Ai sinh ra mẹ?

Mẹ của mẹ!

Ai sinh ra mẹ-của-mẹ?

Mẹ-của-mẹ-của-mẹ!

Hỏi tới chiều thì đến Mẹ Âu Cơ!

Hỏi tới sáng thì Mẹ Trái đất!

Hỏi nữa, thì Tạo hóa!

Rồi ai sinh ra Tạo hóa?

Tự nhiên!

Tự nhiên là cái gì?

Là nơi “không có đâu” (chữ Nhượng Tống dịch Nam Hoa kinh của Trang tử), tức là một nơi không có trên thế gian này, nên ngay như Trang tử mà cũng không biết hình thù mặt mũi của nó ra sao.

Không là đất, không là nước, cũng không là khí, tất cả chỉ là một cõi không vô tận, nhưng dưới tầm nhìn hữu hạn, ta thấy đó là một nửa vòng tròn vĩ đại, thường gọi là bầu trời. Phía trên một nửa bầu, phía dưới cũng một nửa bầu, ráp lại thành một con số không bát ngát.

Cái màu xanh mà ta trông thấy đó thực ra không màu, nó xanh chỉ vì nó quá cao và quá xa, cũng như nước biển xanh thẳm vì biển quá rộng và quá sâu.

Cái bầu đựng ta cao rộng là vậy, nhưng trước đó nó bé nhỏ lắm chỉ vừa đủ một vòng ôm thôi, đó chính là cái bụng bầu ấm áp của mẹ ta.

Bụng mẹ tròn như con số O, và từ con số không ấy, bỗng dưng một hôm ta có mắt có mũi, có da có thịt, có cái mà nhà Phật gọi là thân tứ đại.

Rồi ta chui ra khỏi con số không, cái miệng bé xíu biết khóc oa oa, biết tìm đến hai bầu sữa, biết cười ngỏn nghẻn, biết nói bi bô, biết dạ biết thưa, biết đánh vần tôi yêu tiếng nước tôi, rồi biết nói ngọt ngào tôi yêu em và biết hôn môi…(ai ở Pháp thì hôn theo kiểu Pháp, rất ngọt ngào và lãng mạn như Kiệt Tấn hôn Diane bên bờ sông Seine)

Để phân biệt giữa con người và con vật, người ta bảo khác nhau và hơn nhau ở chỗ con người biết cười, còn con vật thì chỉ biết nhăn răng. Khi hai bờ môi khép mở nhưng không để ăn để nói, để hôn thì đúng là để cười rồi.

Chỉ nhếch mép một chút là cười mím chi, thêm một chút nữa là nhoẻn miệng cười, rồi cười nụ, cười như thể hoa ngâu, cười hở mười cái răng …có rất nhiều cách cười, nhưng cười đẹp nhất dù không hề nhéch mép động môi, mà cả thế giới đều phải ngước nhìn là nụ cười của  La Gioconda.

Rồi cũng từ cái miệng đủ vành đủ kiểu ấy, mà lời nói không mất tiền mua cứ việc tuôn ra, có lúc khiến người khác sướng ngất ngây vì những lời có cánh, nhưng cũng có lúc dại mồm dại miệng làm chết đuối người trên cạn như chơi.

Ôi cái miệng của riêng mình đã lắm chuyện, mà miệng của người tức là miệng đời còn lắm chuyện hơn nữa. Nào khen nào chê, gọi chung một tiếng là đàm tiếu. Những trăm năm bia đá thì mòn/ ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ. Hay trâu chết để da/người ta chết để tiếng. Tố Hữu chết danh thi sĩ nịnh bợ vĩ đại với câu thơ có một không hai: “Tiếng đầu lòng con gọi Xít ta lin!”.

Lúc này, vì sợ con covid chui ra hay chui vào miệng mà lây bệnh tràn lan, nhà nước buộc ai ra đường cũng phải đeo khẩu trang, ai không đeo bị phạt đến cả tiền triệu…Xem ra cũng có cái hay là bớt nói những lời bậy bạ, lại giãn cách đến những 2 mét, thì chỉ có ngồi một chỗ mà quẹt smart phone đến mòn tay thôi (Nguyễn Tất Nhiên cũng ngoắc đến mòn tay người bên kia sông rộng).

Nói đến tay thì còn lắm chuyện để nói hơn nữa. Có bàn tay năm ngón kiêu sa dường như suốt ngày chỉ để vén tóc làm điệu không thôi!

Có bàn tay bán cốm làng Vòng gợi nhớ đến hương sen thơm ngát.

Có bàn tay ve vuốt đê mê, cũng có bàn tay lạnh lùng siết cổ.

Có bàn tay dựng nước, cũng có bàn tay hại nhà.

Và giờ đây trong thời ôn dịch, cầu thủ hai đội banh không được bắt tay chào nhau, mà chỉ có thể bắt chưn bằng cách đá nhẹ vào chân đối thủ!

Trước đây có bàn tay lông lá của giặc Mỹ, giờ có bàn tay tuy không lông nhưng rất nham hiểm của giặc Tàu. Cục tình báo Hoa nam đã cài cắm vào cái xứ cựu thuộc địa này biết bao nhiêu là gián điệp, không chỉ một trăm mà nhiều trăm, rồi không chỉ một ngàn mà nhiều ngàn như tướng Trương Giang Long đã nói (nhưng ngay sau đó ông bị bịt miệng).

Thế đấy, chỉ miệng và tay là đã thấy mệt ngất ngư con tàu đi rồi, thêm đến chân, rồi óc-não- tim-gan-phèo-phổi nữa thì biết đến bao giờ cho hết chuyện.

Xem ra, khoảng trống giữa con số O, tưởng rằng “không” mà lại “có” rất nhiều. Phật nói “sắc tức thị không, không tức thị sắc” là vì vậy.

Vòng đời của một người cũng lại là một vòng tròn khép kín như con số O, tức là từ lúc sinh tới lúc chết, có thể rất bé vì chết sớm, có thể rất to vì sống dai. Nghe đâu vòng của ông Bành tổ to như cái nong vì sống đến 700 năm, còn vạn vạn tuế như Tập Cận Bình mong muốn thì chắc chắn sẽ sớm vỡ thôi vì chỉ như con nhái mà lại muốn to bằng con bò.

Như vậy, thì ta khởi sự từ một chấm rất nhỏ nào đó ở một nơi “không có đâu”, tưởng sống là cứ việc phom phom đi tới trên một đại lộ thẳng băng, hưởng đủ lạc thú trên đời, không ngờ “đi lanh quanh cho đời mỏi mệt”, cuối cùng lại gặp chỗ khởi đầu.

Đơn giản vậy thôi, chẳng có triết lý triết luận gì cao siêu mà phải ầm ĩ. Giờ tôi chỉ muốn nhớ đến bàn tay đưa nôi và những lời ru êm ái của mẹ. Tôi, lúc này không răng, tay chân quờ quạng vụng về, khác gì một đứa trẻ chưa đầy tuổi. Chỉ khác là đã nói quá nhiều trong suốt 80 năm qua, có lúc nói nhỏ nhẹ dễ nghe, nhưng cũng có lúc ồn ào vì hét thật to.

Đã đến lúc im lặng để trở về với con số O. Chỉ xin được nói một lời cuối, rằng dẫu sao tôi cũng đã sống một cuộc đời không đến nỗi tệ và tôi xin gửi lời cảm ơn tất cả, những kẻ yêu tôi, đương nhiên, và những kẻ ghét tôi, đều được tôi trân trọng như nhau.

Xin chào con số O, giờ không còn cộng lại để bằng một, mà là nhân để bằng O. Chấm hết!

 

Khuất Đẩu.

Giữa mùa thu chết, 2020

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search