T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: BỆNH NƯỚC

Kiếp khác – Tranh: Thanh Châu

Hai đứa ngồi chung một bàn từ những ngày đầu của năm Đệ Thất. Và đã trở nên thân với nhau dù thời gian qua đi chỉ tạo nên những sự trưởng thành càng lúc càng khác biệt. Ngay cả lúc hai đứa cùng khoanh tay trên bàn đưa mắt nhìn lên bảng thì vẫn có hai thế giới riêng đang mơ mộng càng lúc càng xa nhau hơn. Trong khi Dân chăm chú nhìn cô giáo và lắng nghe từng tiếng lách cách của vỏ trứng bà Âu Cơ nở ra cả một dân tộc, thì Tới lại đang băn khoăn không hiểu tại sao cô chưa đưa tay gãi lấy gãi để vì những hạt mắt mèo hắn bóp vụn và trét đầy trên bàn ghế cô. Nhưng tình thân đã càng lúc càng sâu hơn theo từng bước đến trường. Thời gian đã trôi qua với những mùa thay lá của hàng cây trắc bá trước cổng trường, thì hai đứa như đường đã chia nhau một cõi, đứa mặt trời, đứa mặt trăng để cùng nhìn về trái đất. Rồi những năm lớn hơn, trong khi Tới trốn học chỉ để ngồi nơi thềm cửa ngôi nhà thờ trước cổng trường chúi đầu vào quyển Buồn Nôn vờ như đang tìm cách khám phá ra những ngôn ngữ mới, thì Dân lại đang say sưa theo dõi từng bước sa lầy của Napoléon trên bảng. Và Dân đã chỉ mỉm cười khi một lần Tới vụng về ngụy biện với một câu nói đã lượm được của một nhà văn:

– Tất cả sự bê bối của tao chỉ là để làm tăng thêm sự tốt đẹp mà mày và những đứa khác đang làm.

Và chỉ từ năm Đệ Tam trở đi, Dân mới thích thú trốn học với bạn từ khi hắn khám phá ra Thư Viện Quốc Gia nằm khiêm tốn trên lầu Viện Khảo Cổ đường Gia Long. Tình thân của hai đứa không cần phải cùng chia sẻ những thú vui tế nhị như vậy, nhưng rõ ràng là điều này đã làm chính đáng hơn cho những lý do của Tới khi phải đưa bạn Tới Thư Viện  rồi đành phải lang thang đâu đó, chứ không thể trở về ngôi trường xa mút Chợ Lớn kia rồi trưa lại quay lại. Đôi khi vì nể bạn, chứ hoàn toàn không phải là ham mê mớ giấy mực vàng ố thời gian kia, Tới lại bước lên gian phòng khổng lồ ngồi đọc vớ vẩn một quyển nào dễ nuốt nhưng cũng phải mất ít nhất là mười lần bước xuống đường ngồi hút thuốc và ngó người qua lại.

– Lần đó – Dân giải thích cho bạn nghe – Tao lang thang trên những đường phố Sài Gòn và bất chợt nhìn thấy những bậc thang nhỏ hẹp của Thư Viện. Khi leo lên căn phòng khổng lồ và kéo ra những học tủ đựng đầy những tấm phích ghi tên sách thì cả một vũ trụ đang mở ra trước mắt tao. Hằng triệu ông già đầu bạc kính trắng đang chui trong những ngăn kéo đó, và khi mình kéo ra xoạc một cái thì các ngài thò đầu ra, ông thì nháy mắt mắt với mình, ông thì mỉm cười mơ màng và cả những ông đang quạu quọ la hét ầm ỉ. Thậm chí tao còn nhìn thấy có cả những ông được xếp nằm bên nhau cả gần trăm năm mà vẫn còn cãi nhau hung hãn. Đó là một vũ trụ tuyệt diệu mà những ông Thầy của mình chắc mới đi được nhiều lắm là một phần mười. Nhưng lảo quản thủ không cho tao mượn mới chết, lão bảo nếu cậu chưa có bằng Tú Tài Một thì phải là ít nhất 21 tuổi. Sang tuần sau, tao “chơi một thẻ học sinh Đệ Nhất trên phòng Hiệu Trưởng” thế là ngang nhiên vào Thư Viện nghe cả triệu lão già đùa nghịch.

Buổi sáng, hai đứa gởi xe đạp nơi một quán cà phê gần trường, chờ Thầy Giám thị điểm danh xong mới tìm cách nhảy cửa sổ trèo cổng ra đi. Năm Đệ Tam là năm của vui chơi và những ông Thầy của Chu Văn An vẫn còn thói quen tự nghiêm khắc với chính họ hơn là nghiêm khắc với những mầm non của dân tộc. Được cái là tất cả các phòng của trường  không còn một cửa sổ nào gọi được là nguyên vẹn. Nhưng Tới vẫn không chịu nổi cái không khí ẩm mốc của sách vở ấy. Gần như bao giờ cũng vậy, khi đưa bạn tới thềm của Thư Viện, Tới lại cảm thấy có một lý do nào đó để không phải bước vào, và ở trên đời thì có biết bao nhiêu lý do để cảm thấy mình không cần phải làm một cái gì đấy. Hoặc là ngày hôm ấy, quyển sách của đời đã lật đến một trang đầy tình tiết ly kỳ gay cấn mà ngày nào của Tới lại chẳng hứa hẹn tới một trang đầy tình tiết ly kỳ gay cấn như vậy. Rồi những ngày chưa tìm được một lý do nào mới có vẻ hấp dẫn hơn, Tới lại rùng mình nhìn những bậc thang gỗ thăm thẳn mờ tối của Viện Khảo Cổ đưa lên Thư Viện Quốc Gia và nhún vai một cách rất xi nê:

– Trưa nay tao sẽ tới đón mày. Tao không ngửi nổi cái nhà mồ chữ nghĩa này.

Có lẽ Dân chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha của hắn.Và ngay cả những năm nghịch ngợm nhất đó của Tới, mỗi khi phải tới nhà rủ bạn đi chơi, Tới vẫn rụt rè khi phải tiếp chuyện với người mà hắn gọi theo Khổng Tử là “miếng thịt cắt không vuông không ăn” đấy. Ông cụ có một vẻ mặt phong trần và nhiều ưu tư của một thế hệ đã cố gắng làm một cái gì đó nhưng cuối cùng đã không làm được nổi. Ở trên lầu là một tủ sách lớn chữ Pháp và Việt về những đề tài vẫn thường gây bạo loạn trên thế giới và tất nhiên là rất xa lạ với Tới. Và chỉ cần chúi mắt vào đọc thoáng qua bất kỳ một trang nào đó thôi, cũng đủ cho Tới về nằm sốt mất mấy ngày. Hắn thường tỏ ý ngạc nhiên với Dân:

– Tao không thể hiểu nổi tại sao mày lại ưa thích vật lộn với những đề tài không phải của tụi mình ấy.

Nhưng Dân đã nhìn bạn với cách như dường còn ngạc nhiên hơn nữa trước câu hỏi đó:

– Đúng ra nó là đề tài của tất cả mọi người, mà tụi mình chưa hiểu kịp hết thôi. Ông già ưa tâm sự về ba cái chuyệnr đó lắm và cuối cùng thì tao đã nhận ra là thế hệ của ổng vào cái tuổi của tụi mình đã sống hăng nồng hơn, đã đau khổ hơn và cũng đã hạnh phúc hơn tụi mình nhiều. Không phải là họ đã sống trong một dân tộc, mà chính là cả một dân tộc đã sống trong chính họ.

– Đôi khi mình nghe vẫn thú hơn là đọc đấy.

Dân vẫn thường mỉm cười độ lượng với sự lười lỉnh của bạn. Nhưng những dịp hai đứa ngồi uống cà phê ở một quán vỉa hè nào và nhìn buổi chiều rơi dần xuống phố thị, thì Dân lại kể cho bạn nghe về điều gì đó hắn đã đọc được về đủ thứ đề tài. Có lúc là chuyện Hitler đã xông vào từng quán nhậu, quán bia để dựng lên được Đảng Quốc Xã Đức thế nào, có lúc về chuyện ông Lạc Long Quân ngày xưa đã làm những câu thơ như thế nào để tán tỉnh Bà Âu Cơ và bây giờ đã bị lẫn lộn vào những dòng ca dao bất tử. Tới vẫn luôn luôn bất ngờ trước những hiểu biết đó. Một đôi khi, Dân lại kể về những chuyện không đến từ sách vở.

– Ông già mình có lần kể về những cuộc kháng Pháp và tranh chấp đảng phái ngày xưa. Gần như tất cả các thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ đều đang làm một cái gì đấy và nếu không làm được hẳn là họ sẽ đau khổ lắm.  Và ổng kể về ông bác mình đã tử trận trong đoàn quân phục quốc của anh Nông Quốc Long khi về Lạng Sơn thế nào. Khi đó mình thích thú lắm và đã nói với ông Già mình: “Thưa cha, con tiếc là không sinh ra ở một thời nhiều chuyện vui đến như vậy. Nhưng cha còn chưa kể là khi đó thì cha đang làm gì”. Cha mình lúc bấy giờ đã cau mày lại, tay đang cầm chén trà mà vẫn làm sóng sánh ra ngoài, mình chưa bao giờ thấy ông già mất bình tĩnh đến vậy. Mặt cha mình tái nhạt đi, đưa dần tách trà xuống, một chặp sau mới nói chậm rãi với giọng mà nình nghe được trong đó cả tiếng rạn vỡ của một con tim: “Cha nghĩ là con có thể làm được nhiều việc hơn cha. Con đừng bao giờ hỏi cha những câu hỏi như vậy, những câu hỏi đó thường chỉ được dùng để tự tra vấn mình thôi”. Và mình vẫn còn ân hận cho tới bây giờ…

Lần đó, Tới có một lý do hết sức chính đáng để bỏ bạn một mình ở Thư Viện dù là lúc ấy Tới cũng đang cần học thi Tú Tài Hai sắp tới, nhưng cách nói của hắn đã làm cho người nghe thấy là chính hắn cũng chưa tự thuyết phục được:

– Hôm nay tụi nó rủ tao lên Trưng Vương chơi…

Dân vẫn không bao giờ thắc mắc dù là lý do nào đi nữa, và cũng chẳng cần nghe đến chuyện hôm nay trời sập vào lúc 12 giờ hay 6 giờ… Buổi trưa khi Tới quay về đón bạn và lúng túng giải thích về những vết xây xát trên người là do cuộc đụng chạm thiếu nhẹ tay với anh em Võ Trường Toản, Dân đứng thềm của Thư Viện nhìn xuống và nói nửa đùa nửa giỡn:

– Tao không nghĩ là những cậu học trò của nhà Nho Chu Văn An lại có thể thích thú với những người con gái của Bà Trưng chưa biết cỡi voi đó…

Ở trên phố buổi trưa thật vắng ngừời đi lại. Những vạt nắng loang lổ khắp trên vỉa hè đường, lắc rắc một màn mưa mỏng lá me, Tới ngẩng lên nhìn bạn. Dân đứng giữa khung cửa đá chạm trổ cầy kỳ của ngôi Thư Viện theo kiến trúc của Pháp nhìn xuống Tới dưới đường, trước mặt là ánh trưa hè rực rỡ, và sau lưng là bóng tối của ngôi hầm Khảo Cổ, trông như một pho tượng Hy Lạp biết suy tư. Hai đứa nhìn nhau như đang đứng từ hai tinh cầu cách nhau hàng tỷ năm ánh sáng nhưng cảm thấy trong người bạn kia có thể là những phần thân thiết nhất mà mình thiếu sót.

Khi lên Đại Học, Dân vào Luật. Rõ ràng là Tới không ưa những môn học mà hắn gọi là để trở thành những lão già áo đen áo đỏ cãi nhau một cách trịnh trọng về một điều chương gì đấy đã ghi lại được trước đó mấy chục năm, sau một cuộc trịnh trọng cãi nhau của những lão già áo đỏ áo đen thời đó, để kết luận là mình phải làm cái gì bây giờ. Dân không để tâm ba cái vụ chỉ trích đó vì hắn biết là không có cánh cửa nào thích hợp mở ra cho Tới cả trừ ba cái nôn học lẩm cẩm nhẹ nhàng của Văn Khoa:

– Trước khi mình muốn tạo ra một trật tự mới cho xã hội thì phải hiểu biết về những trật tự cũ của nó. Thế hệ của tụi mình phải là thế hệ của những người tạo dựng trật tự chứ không phải tuân theo trật tự. Có những người sinh ra vì lầm lẫn, tụi mình thì không như vậy.

Những năm này của Sài Gòn đã hiện lên vẻ gì không hợp lý của xã hội, nhưng hầu hết không biết phải làm gì hoặc là không đủ đởm lược, hoặc là chính mình lại là thành phần đang được ưu đãi. Ở những nơi khác của đất nước, tiếng pháo trận vẫn dồn dập không ngừng thúc giục hàng loạt người xông lên cản chân bọn Cộng sản, thì ở đây người ta dìu nhau đi nhảy đầm mỗi đêm mà vẫn vờ quên rằng mỗi tiếng nhạc của họ là một bước khuỵu xuống của người anh em vừa chết đêm nay. Những nhà thi sĩ ưa mơ mộng của thế giới chính trị thứ ba, thứ bảy gì đó thì đứng lên kêu gọi một cuộc hôn nhân lãng mạn giữa Sài Gòn và Hà Hội. Nhưng lịch sử đã bỏ mặt những dòng thơ như vậy và vẫn xoay chuyển theo tiếng súng ngoài biên.

Khi Lệnh Tổng Động Viên năm 72 ban hành thì Dân phải nhập ngũ. Tới vẫn ngạc nhiên không nghĩ là một tên nhiều ý thức phản kháng mãnh liệt như Dân lại có thể trở thành một sĩ quan coi ba cái xe phun lửa vớ vẫn của Thiết giáp.

– Tao vẫn tin là mày phải là một cái gì ngon lành hơn…

– Nước mình đang ở trong cơn bệnh lớn. Mình có thể làm được cái gì bây giờ và phải làm cái gì bây giờ bây giờ cho thực sự là tích cực nhỉ? Khó lắm. Để xem. Chớ để tắt ngọn lửa trong tim.

Thỉnh thoảng Dân lại về phép thăm Tới, và khi về đơn vị lần nào cũng ôm theo hàng chồng sách để đọc. Hắn trở nên trầm hơn theo cùng những nét phong sương trên mặt, nhưng những tư tưởng bộc lộ với Tới vẫn không ngưng cưu mang những chân trời mới cho một xã hội sắp tan rã. Mặc dù đôi khi hắn cũng có một chút trác táng như những thanh niên khác, với những lần hắn về rủ Tới “xuống xóm”, hắn gọi nhẹ nhàng như vậy. Nhưng mỗi khi bước ra những hang động đó, Dân lại lầu bầu với Tới về hành động của mình.

– Rồi tao sẽ không bao giờ bước tới những nơi như thế này nữa. Nó làm hư người đi. Và chỉ gây cho mình thêm những đau khổ vì nhìn thấy chính sự bất lực của mình trước một xã hội đang băng hoại.

Một lần Tới đã đưa cho Dân đọc một bài thơ tình cảm lăng nhăng mới làm, Tới vẫn còn đủ ngây thơ để ưa ba cái vụ màu mè này. Dân đọc thoáng qua rồi xé tung bài thơ, rồi đưa tay sửa sửa cái mũ bê rê đen trên đầu như sợ có cái gì có thể làm lệch đi những cái đang ngay ngắn trong đầu hắn.

– Bài thơ này bốc lên cái mùi của một Trần Hoài Thương Thương hay Trần Thị Tới nào đó, chứ không phải của một Trần Văn Tới.

Tới đã trả thù bằng một câu độc địa:

– Nguyễn Du mà gặp mày, rồi cũng phải chửi thề thôi.

Dân nhăn mặt lại, trước giờ hắn vẫn không ưa những kiểu nói “thông minh” sỗ sàng như vậy. Vả lại mấy ngày trước hắn vừa mua tặng Tới tập Tố Như Thi và còn chú thích cẩn thận những câu mà hắn cho là ưu hoài thời cuộc, chắc cũng là mong cho thằng bạn có lòng hơn một chút.

Vào năm 1975, Sài Gòn ở trong một hoang mang cùng cực. Có một sự chuyển mình mệt mõi nào đó trên những khuôn mặt phố phường, như thể một con bệnh vừa dứt xong cơn bệnh ghẻ chóc lại bắt lấy một chứng giang mai. Người ta dè dặt từng bước một ngoài phố vì sợ sập phải bẫy giăng trên từng phân vuông trên đường. Dân lại cuốn gói vào trại cải tạo. Nhưng ngay năm sau hắn đã trốn trại về Sài Gòn. Dân về ở nhà Tới khoảng một tháng, chỉ đến buổi tối hắn mới theo Tới ra quán cà phê hoặc đi vài nơi nào đó, thăm bạn hay tìm vài quyển sách. Trên căn gác nhỏ của Tới, hắn đọc nhiều khi đến suốt đêm mặc cho tên bạn đã lăn ra ngủ tự hồi nào. Hắn đọc kỹ từng cầu một, như một vị thầy trách nhiệm đối với luận án của người học trò, từ bộ Tuyển Tập Lê Nin mười mấy cuốn đến Từ Bản Luận của Mác. Đôi khi thấy Tới có vẻ trằn trọc chưa ngủ được, hắn lại lay dậy bàn chuyện, mặc cho những sự cau nhàu có thể xảy ra.

– Mày đã đọc hết ba cái cuốn lý luận văn học của Việt cộng tao đem về chưa. Trước tiên đây phải là cuộc chiến giữa những cái đầu và con tim, và mình phải biết tất cả những gì bí ẩn kín trong đầu trong tim tụi nó. Sau đó mới tới phương pháp hành động, kỹ thuật tổ chức này nọ. Rồi tao sẽ trở thành một tay bác sĩ chuyên trị bệnh hoa liễu…

Có lúc hắn lại tâm sự với Tới về mấy chuyện trong tù.

Chỉ ở những nơi cùng cực đau khổ vậy mới biết thằng nào có thể làm việc được hay là không. Nhưng nói nhiều thì bi thảm quá. Trong đó có thằng còn đòi dạy tao ngồi Thiền để giữ lòng bình an là chuyện vô lý. Tụi nó lại đua nhau giảng đạo, nói về ba cái phép lạ của các vị Phật với Chúa và Đức Mẹ vân vân. Không phải tao muốn xúc phạm, nhưng rõ ràng đó không phải là chuyện của tao. Tao có bực bội phang một câu, ngay đến một thầy bùa, thầy bắt rắn ở Miền Tây còn biết làm phép lạ, vậy thì đó không phải là chuyện để cho mình thán phục. Tụi nó suýt đập tao một trận khi tao dứt điểm là, đức tin chỉ dành cho những kẻ thiếu tự tin… và không thể đốt nhang mà đuổi được Việt cộng.

Hắn vẫn thường nói chuyện thiếu nể nang như vậy, mặc dù Tới có nhăn mặt mấy lần trong một câu đi nữa.

Sau đó, Dân về ở với một bà chị ở Bảy Hiền. Một buổi sáng, hắn đạp xe đi rất sớm đến tối mịt mới về, như tất cả những người làm ăn lương thiện đã gồm thêm nhiều nghĩa khác như “chạy mánh” hay “chụp giựt” vân vân. Dân giải thích cho Tới là hắn đang đi bỏ mối hủ tiếu khô từ Lái Thiêu về Sài Gòn và hướng ngược lại cũng là bỏ muối gì đó. Ba cái chuyện này thì Tới đâu có cần nghe đến, mà chỉ muốn nghe chuyện gì khác mãnh liệt hơn, nhiều chất tiểu thuyết hơn.

– Từ từ, lúc nào có gì tao tin tưởng được, tao sẽ gọi.

Đừng sợ không có việc làm, chỉ sợ mình thiếu can đảm thôi. Mày còn khá ngây thơ nên tao phải lo cho mày kỹ hơn tao nữa. Tao không ưa kiểu anh hùng Lương Sơn Bạc hoặc là vô tổ chức. Thế nào rồi tụi mình phải làm được cái gì đó, nếu không thì tự tử ngay bây giờ còn tốt hơn. Nhớ gọi tao là Quang nhé, một cái giấy mới kiếm được…

Tới là dân Sài Gòn chính cống nên không thể phát âm phân biệt giữa Quang và Quan, đôi khi vì trí nhớ lầm lẫn lại gọi bạn là Giang hay Hoan gì đó, nhưng vẫn chưa hề gì. Ngay đến cả Công an còn biết rằng mỗi người dân bây giờ xài ít nhất là mười tên cơ mà. Buổi tối, thỉnh thoảng hai đứa lại ngồi tới khuya ở một quán cà phê quen thuộc chỉ để nhìn phố đêm tối mịt dưới ánh đèn điện ngày có ngày không, và có lúc thì trao cho nhau những lời tâm sự.

– Tao thấy là những tay thi sĩ Liên xô như Maiakovsky hay Essenine cuối cùng rồi phải tự tử bằng súng thôi. Một nhà thơ phải có can đảm tự xử như vậy khi thấy mình chỉ viết những điều tầm bậy cho một xã hội còn triệu lần tầm bậy hơn…

– Một nhà thơ không có nghĩa là phải nhìn về một mảnh quần hồng hoặc là cái đầu nhà lãnh tụ, mà phải là người dám sống dám chết dù là có ấp úng không nói được thành lời tới một câu. Tụi mình bây giờ làm việc thực là khó, nếu mày tỉnh một tí thì sẽ thấy công an đầy dẫy cả, còn ba cái thằng điểm chỉ bệ rạc ngồi bán thuốc lá hay trà đá ở ngoài đường nữa. Không hiểu làm sao những đứa con của tụi nó có thể chịu đựng vì có những thằng cha kinh tởm như vậy.

Một đêm, Dân về nhà Tới ngủ và cho biết là hôm sau hắn sẽ vào chiến khu. Trên căn gác nhỏ, hai đứa nằm uống cà phê và đốt điếu thuốc tới tận khuya. Giọng Dân vẫn mãnh liệt và đôi khi thì cộc cằn như những ngày trước.

– Thật ra tao biết tới vài chỗ làm việc cơ. Vấn đề là mình nên làm việc với nhóm nào. Mình nên tự đánh giá mình trước, mình có đủ bản lãnh để làm cái gì, cở Quận trưởng hay Tỉnh trưởng hay cao hơn nữa! Và sau đó thì tìm những cái đầu tinh vi hơn cấp Trung Ương của Việt cộng mà làm việc. Nhưng để nhận rõ hết tất cả những điều đó thì thật là khó, bởi vì chỉ có qua việc làm mới thấy được thôi. Cuối cùng cũng phải bước liều nào đó, vì tao thuộc loại người không thể sống bình yên nổi. Mày cứ bình tỉnh chờ tin tao. Tao biết cách làm việc…

Tới gối đầu lên mớ sách ngổn ngang nhìn bạn, đêm nay Tới chỉ muốn nhìn và nghe thôi, thật sự thì lời nói lúc này không còn cần thiết nữa, cuộc đời đã có quá nhiều điều kinh khủng và cũng thật có quá nhiều điều tuyệt diệu. Ở ngoài phố kia hẳn là đang có những bước tuần của công an và cả sự sợ hãi của những người dân về cận giờ giới nghiêm, nhưng trong này, trong này là người bạn thiết thân kia và cũng là hiện thân của những gì tinh anh nhất của dân tộc. Tới muốn nghe hết giọng nói của bạn mình, chỉ nghe thôi, và nhìn bạn và cười với bạn, và muốn nghe cả sự im lặng của bạn, sự im lặng của những tâm bão…

– Mình phải sống như thế nào để tụi Việt cộng phải ân hận vì đã hy sinh cùng thời với tụi mình…

Từ đó, lâu lâu Tới lại thăm bà chị họ của Dân. Nhiều tháng đã qua nhưng vẫn chưa có tin gì của Dân. Tới vẫn mong một đêm nào đó, khi hắn đang ngồi trầm tư nơi quán cá phê quen thuộc, cũng chỗ ngồi quen thuộc, ở ngoài đường từ ngày Dân đi không có gì đáng để nhìn nữa, và khi bất chợt ngẩng lên thì người bạn kia đang đứng lừng lững trước mặt, có thể là bụi đường bám nhiều hơn trên áo, có thể là có vài sự tóc bạc đến sớm, nhưng vẫn là nụ cười đó và vẫn là kiểu nói sâu sắc lẫn với cộc cằn đó. Nhưng Dân vẫn chưa về như vậy. Đôi khi Tới thấy bứt rứt lạ, ngày tháng chỉ còn là chờ đợi, và Tới không muốn như vậy. Hay là một đêm nào, Tới leo về căn gác nhỏ và thấy tên bạn đang nằm cũng giữa sách vở ngổn ngang…

Một buổi chiều, Tới đến nhà bà chị của Dân và gặp bạn đang đi lững thững trong sân với hai tay chắp sau lưng. Tới gọi bạn và quăng vội chiếc xe đạp vào gốc cây. Dân ngẩng lên nhìn, đôi mắt vẫn sâu thẳm ưu tư nhưng có cái gì như hơi ngơ ngác, như hơi ngây thơ của trẻ. Chặp sau Dân mới nói thong thả:

– Tới hả? Thôi vô nhà nói chuyện đi.

Tới vào theo bạn, và ngạc nhiên vì thoáng bắt được chút ngờ nghệch của bạn. Dân kể sơ lược lại cho Tới nghe những ngày làm việc của hắn, giọng nói không còn sự mãnh liệt và cộc cằn như xưa, mà mang một vẻ từ tốn, bình an và cả hạnh phúc, và lạ là cả một chút ngơ ngác nữa. Dân về Sài Gòn được một tháng rồi, hắn không để ý tới sự ngạc nhiên của Tới khi nghe điều wnày, như muốn bạn giải thích tại sao lại không tìm nhau trước. Dân và anh bạn Thiếu Tá Biệt Động đã bị bắt ở Long Khánh. Công an xã đập mấy ngày để khai thác, nhưng họ vẫn giữ lời cung là hai người đi làm than trên rừng. Việt cộng đã quen với những lời khai kiểu này, nhưng không có chứng cớ gì mặc dù có nhiều yếu tố để nghi ngờ. Hai người bị nhốt riêng ra để đối chiếu lời cung nhưng trò này vẫn vô ích. Cuối cùng, Công an quyết định xử bắn họ đêm đó.

– Đây là cái đêm lạ lùng nhất của đời mình. Lúc đầu thì hoang mang và đau khổ, nghĩ là mình chưa làm được trò gì ra hồn, trong khi công việc còn quá dài, nghĩ đến những người bạn đang chờ tin mình ở trong kia. Gì nữa nhỉ. Để tao nhớ coi. Ừ, đại khái là như vậy. Hoang mang và đau khổ lạ lùng. Nhưng cuối cùng thì mình quyết định cho cái chết. Tao gọi tên tất cả những sức mạnh thiêng liêng mà tao nhớ, xin cho mình không phải đau đớn nhiều. Ừ, đại khái là vậy và mình gọi mà không lựa chọn gì hết, một vài vị Phật mà mình nhớ tên cũng không chính xác, cả Chúa Jésus, cả Đức Mẹ Maria. Chỉ gọi không thôi. Không có xin cho dân mình được hạnh phúc nữa. Người mình ở trong một trạng thái lơ lững, nhẹ nhàng, như chân không hề chạm đất, và mình biết là mình đang mỉm cười với cái chết, một cách bình an. Tao không kể rõ được, bởi vì ba cái chuyện này không phải của tao. Nửa đêm, một tên công an mở cửa vào, nó thì thầm hỏi tao nhớ nó không. Nhớ chứ, tao nhận ra ngay chiều đầu tiên bị đưa vào đồn mà, ngày xưa nó là đệ tử tao coi xe phun lửa đấy. Nó bảo tao chạy đi, tí nữa sẽ bắn anh kia. Thế là tao về đây. Thực sự cho tới bây giờ vẫn còn ngơ ngác, và đôi khi lên cơn nhức đầu nữa, nhức đầu khủng khiếp. Bà chị bảo trong những cơn nhức đầu đó tao đã gào thét và lăn lộn mà vẫn không nhận biết. Có nhiều người thân tao vẫn không nhận diện được mà phải đợi nhắc mới nhớ. Và thường khi cái cảm giác lơ lửng bình an vẫn đến…

Tới không biết nên nói điều gì với bạn. Những điều Dân kể thật hết sức lạ lùng và những cảm giác mà Dân đã trải qua và cả cái chuyện mất đi phần nào trí nhớ đó nữa.

– Bây giờ cứ mỗi lần bất chợt nghĩ đến hoặc nghe ai nhắc đến chuyện nước mình, thì tao lại lên cơn nhức đầu, một đôi khi, ừ nhỉ, cũng mấy lần rồi, tao lăn lộn ôm đầu đến kiệt sức thì lại lên cơn sốt, người run rẩy như đang nhìn thấy những sức mạnh thiêng liêng. Còn những lúc thế này thì người lại nhẹ nhàng, lơ lửng như chân không chạm đất.

Tới đau khổ nhìn bạn, thà là Tới chịu mười lần cơn ngờ nghệch điên dại đó để cho người bạn kia còn tỉnh trí làm việc. Người bạn kia, cũng là niềm hy vọng của Tới, bây giờ lại đang ngây ngất trong một thế giới kỳ lạ đó, bây giờ lại đang hiện diện như một đứa trẻ, dù là đã có lần đã sống như một người đàn ông.

Truyện này có một đoạn kết cực kỳ bi thảm. Nó có thể thiếu những tác dụng cần thiết để cho vuông tròn một cuộc lý luận văn học, và cũng thiếu cả những gút thắt mở đầy kịch tính để đưa tới những cảm xúc thẩm mỹ. Tuy nhiên vì tôn trọng một người đã sống mãnh liệt như Dân, chúng ta chỉ nên ghi lại đúng như những gì đã xảy ra. Thần kinh con người có những giới hạn của nó, và chàng, chàng đã vượt quá những giới hạn đó. Nếu viết sai đi, sau này khi nước mình tự do, trong những cơn tỉnh táo khi nào đấy của trí tưởng, Dân có thể ngạc nhiên tại sao người ta có thể nói không thật về những điều đã thực sự gây cho chàng đau khổ như vậy.

Phan Tấn Hải

(Trích: Cậu Bé và Hoa Mai)

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search