T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 187)

clip_image002

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao

Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là “lộng ngữ”. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có: nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau. Dân gian đôi lúc dùng một tiếng Việt đồng nghĩa với một từ Hán Việt để chơi chữ:

Cha con thầy thuốc về quê

Hồi hương phụ tử thì chàng đối chăng?

Cái độc đáo ở nghệ thuật chơi chữ trong câu thơ này là vừa có hai từ tương đương nghĩa “cha con” (thuần Việt) với “phụ tử” (Hán Việt); “về quê” (thuần Việt) với “hồi hương” (Hán Việt). Rồi “thầy thuốc” để chỉ nghề nghiệp của hai “cha con” mà “hồi hương”, “rồi phụ tử” là những vị thuốc nổi tiếng trong đông y!

(Trần Minh Thương – Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là “phát âm khác biệt theo vùng” và “ngọng,” xét cho kỹ, là hai vấn đề khác nhau. Nói ngọng là đặc thù của địa phương, là chuyện bình thường. Không phải bất cứ ai sống trong một vùng có người nói ngọng thì họ cũng đương nhiên phải nói ngọng. Những ghi chép sau đây chỉ có tính cách tượng trưng điển hình, không phải là tuyệt đối.

Riêng dân vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng còn ngầu hơn, miệt này phát âm chữ “r” thành ra “g” nghe thoáng như lưỡi bị ngắn (?) hoặc giống tiếng Miên (?):
“Bắt con cá gô bỏ gổ, nó gục gịch gục gịch gớt dzào gổ gau găm.”
(“Bắt cá rô bỏ rổ, nó rục rịch rục rịch rớt vào rổ rau răm.”)

(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trong ngôn ngữ thế giới có nhiều trùng hợp ngẫu nhiên.

Thí dụ trẻ con mới phát âm, miệng chưa mở rộng nên phát âm đầu tiên là âm môi. Người mẹ là vật đầu tiên đứa bé nhìn thấy cho nên nó gọi: mẹ, má, mama, mother, mère… Vì luật chung là thế nên không thể bảo tiếng “mẹ” trong tiếng Việt xuất xứ từ tiếng “mẫu” của Trung Quốc, hay tiếng “mère” của Pháp, và tiếng “mother” của Mỹ!

Người Mỹ đến Việt Nam sau đệ nhị thế chiến. Nhưng từ lâu trẻ con đã chơi “oản tù tì”, cho nên không thể bảo…“oản tù tì” là gốc Anh, Mỹ là…là …one, two, three!

(Sơn Trung – Lịch sử Phở)

 

Chữ nghĩa làng văn

Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Mấy câu lục bát vừa dẫn được xem là một trong những sáng tạo của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều. Bởi thiên tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân chấp bút bằng văn xuôi chữ Hán trước Nguyễn Du hơn trăm năm chẳng có đoạn trên. Thanh Tâm chỉ phác gọn lỏn: “May sao một ngày trong tiết Thanh minh, con cái họ Vương cùng đi tảo mộ, nhân tiện xem hội đạp thanh.”. Vậy mà Tố Như ngẫu hứng triển khai thành trường đoạn tả cảnh với bao chi tiết sinh động, nên được đông đảo người Việt yêu văn chương lấy làm thích thú và thuộc nằm lòng. Và bấy lâu nay hầu hết mọi người, kể cả các nhà nghiên cứu của nhiều thế hệ – cứ đinh ninh tiết Thanh minh luôn rơi vào tháng ba âm lịch? Thực tế đúng thế chăng?

Phan Kế Bính biên soạn Việt Nam phong tục  đã ghi nhận: “Trong khoảng tháng ba có một tiết hậu gọi là tiết Thanh minh. Thanh minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng”.

Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua lễ – Tết – hội hè của Toan Ánh còn cho biết: “Tiết này thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm”.

Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cắt nghĩa từ Thanh minh: “Một tiết ở trong nhị thập tứ khí, tức mùng 5 mùng 6 tháng ba âm lịch”.

Nếu tra cứu và đối chiếu âm lịch với dương lịch, chẳng hạn Lịch vạn niên vẫn được phổ biến rộng rãi ở Trung Hoa lẫn Việt Nam, tất cả thư tịch nêu trên đều thiếu chính xác!

Thanh minh trong tiết tháng ba

Hoá ra, câu thơ Tố Như không tổng kết một quy luật tự nhiên phổ quát nào như nhiều người vô tình ngộ nhận. Nội dung câu thơ kia chỉ đúng trong bối cảnh nhất định của mạch thơ, mạch truyện.

(Phanxipăng – Thanh minh trong tiết tháng… nào?)

 

Trung học

Bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Primaire) 4 năm (sau là trung học đệ nhất cấp):
Học xong 4 năm được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Thành Chung (trung học đệ nhất cấp).  Phải có bằng Thành Chung mới được dự thi lên bậc Trung Học tức bậc Tú Tài (trung học đệ nhị cấp).

Bậc Trung Học (Enseignement Secondaire) 3 năm:
Học xong 2 năm đầu được thi lấy bằng Tú Tài phần thứ nhất (Baccalauréat, 1ère partie).

Năm thứ 3 được chia làm 2 ban: ban Triết và ban Toán.  Hai ban có những môn học hoàn toàn giống nhau như Sử. Địa, Ngoại Ngữ.  Có những môn giống nhau nhưng số giờ học khác nhau như Đại Số, Thiên Văn.  Có những môn chỉ học ở ban này mà ban kia không có như  ban Triết có Tâm Lý Học, Siêu Hình Học, v…v… Từ niên học 1926-1927 Pháp thiết lập thêm chế độ Tú Tài Bản Xứ (Baccalauréat Local) học thêm các môn về văn chương Việt Nam, lịch sử, triết học Đông Phương và Cận Đông (Ấn Độ, Trung Hoa, Do Thái). Chương trình rất nặng, bị chỉ trích và ta thán rất nhiều nên đã bị hủy bỏ từ niên học 1937-1938.

(Nền giáo dục VN dưới thời Pháp thuộc – Trần Bích San)

 

Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên (3)

Nhà báo Việt Nam đầu tiên

Nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), được coi là “ông tổ nghề báo Việt Nam”. Tên thường gọi của ông là Petrus Ký, quê ở Vĩnh Thanh, Tân Minh, Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre).

clip_image004

Trương Vĩnh Ký được người đương thời xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới. Ông thiết tha với nền văn học quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.

Ông sáng lập, là tổng biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên (Gia Định báo), cũng là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác.

(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)

 

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Rượu đế, rượu trắng, rượu nếp…Khi Pháp chiếm toàn cỏi miền Nam, đưa ra luật cấm dân nấu cất rượu trong nhà. Chỉ có công xi rượu của Tây mới có quyền chưng cất rượu. Cái mửng nầy là nghề ruột của thực dân lúc bấy giờ, đó là phương tiện độc quyền làm tiền. Nó phổ biến ở khắp nơi, ở Việt Nam có rươu đế ở Mỹ có Moonshine, nguồn gốc Moonshine là do dân Mỹ cất rượu lậu trong rừng, thường là cất nấu ban đêm dưới ánh trăng, vì vậy mà có tên Moonshine. Cũng vậy ở đồng quê miền Nam, dân cất rượu lậu trong nhà, khi Tây đi bố đi ráp, thì rầm rầm rộ rộ, thiên hạ bà con biết, nên đem nồi cất rượu dấu trong bãi sậy, đám cỏ tranh, hay lùm đế xa nhà…có lẽ vì đế có nghĩa là vua, mà rượu cống vua hay rượu vua ban cho, ngự tửu, thì quý lắm, ngon lắm bởi vậy dân mới gọi rượu lậu là rượu đế chăng?

(Tiếng nói miền Nam văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)

 

Hồ Biểu Chánh

Tôi (Dương Nghiễm Mậu) viết lại những ghi chép, những ý nghĩ tôi có, những nhận xét tôi thấy trong khi đọc một sổ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Cũng vì thế, bài viết như để một nhớ ơn, nhớ ơn những người để lại cho chúng ta một di sản lớn.

Vì bước khởi hành của nền văn chương quốc ngữ có thể nói là ở miền Nam, những viên gạch đầu tiên do Trương Vĩnh ký, Huỳnh Tịnh Của đặt đề và sau đó phải kể tới Hồ Biểu Chánh.

Tờ báo đầu tiên, cuốn sách đầu tiên được sắp bằng chữ quốc ngữ, in ra ở miền Nam. Rồi từ đó tiến dần ra miền Bắc….

(Từ đó đến nay – Dương Nghiễm Mậu)

Những cái cũ & xưa nhất của Saigon
Tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên

 

clip_image006

Tờ “Gia Định Báo” là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở nước ta ra đời tháng 4/1865. Tờ báo đăng những thông tin nghị định của nhà nước và những tin kinh tế xã hội, lời bàn về thời cuộc, luân lý, lịch sử. Báo ra hằng tháng. Sau 4 năm phát hành, chính quyền thuộc địa cho phép báo phát hành hàng tuần bằng quyết định số 51 ngày 18/3/1869.

 

Tiếng Việt trong sáng

“Máu”, thay cho “hăng máu”, “hăng tiết” (vịt hay không vịt, tính sau). “Máu”, bề ngoài nhìn như một danh từ, nhưng thật ra lại là một tính từ thay cho “cực kỳ”, “rất”, “thậm”, như trong, “Thằng đó máu cực!”, hay “Thằng đó cực máu!”, (có nghĩa là “thằng đó rất ‘hăng máu’, chơi ‘tới bến’ luôn, không cản nổi).

(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search