T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đoan Trang mà tôi biết, mơ mộng và bướng bỉnh

(Báo Tiếng Dân)

Jackhammer Nguyễn

Khuya ngày 6/10/2020, cô Phạm Đoan Trang bị bắt. Quả thật là tôi không ngạc nhiên và tôi nghĩ rằng Phạm Đoan Trang cũng không ngạc nhiên, một kết cục tất yếu của phong trào đối kháng Việt Nam đi vào tàn tạ, giữa một không khí quốc tế vô cùng bất lợi. Vụ bắt giữ diễn ra ngay sau khi đối thoại nhân quyền Việt Mỹ thường niên kết thúc.

Những dòng tôi sắp viết sau đây không phải để phân tích diễn biến thời cuộc của một người quan sát bàng quan, giống như những bài tôi viết gần đây về Việt Nam, mà là tôi muốn qua Phạm Đoan Trang, nhìn thấy một thế hệ cùng thời với cô, trong một nước Việt Nam đang vất vả trên con đường dân chủ hóa.

Phạm Đoan Trang sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trung tâm quyền lực cộng sản Việt Nam. Khi Trang lớn lên, những người cộng sản đã thay đổi màu sắc của họ, không còn hàng đoàn người đạp xe trên những con phố Hà Nội tối om, mà đã nhộn nhịp sôi nổi không khí làm ăn, “tích lũy tư bản” như các nhà lý thuyết Marxism thường nói.

Đoan Trang được vào Đại học Ngoại thương, một nơi danh giá thời hậu cộng sản, tiền tư bản. Với mảnh bằng đó, với thân thế lý lịch “sạch”, cô hoàn toàn có thể bước vào một cuộc sống của giới trung lưu mới của xã hội Việt Nam, với cơ man nào là công ty nhà nước có, tư nhân có, nước ngoài có, đang sôi nổi làm ăn.

Mà ngay cả với con đường báo chí mà cô chọn, cô cũng có thể ung dung có được một cuộc sống sung túc, một chiếc ghế thư ký tòa soạn, phó tổng biên tập, thậm chí tổng biên tập của một tờ báo nào đó, đường hoàng có thể có hàng chục lô đất đắt địa, chạy xe Land Rover như bao anh em bạn bè đồng nghiệp khác.

Đoan Trang chọn con đường vất vả nhất ở nước Việt Nam thế kỷ 21, con đường đấu tranh dân chủ.

Đoan Trang có hai tính cách để từ chối hai con đường nhung lụa, chọn con đường khổ ải, đó là lý tưởng và phản kháng, hay nói nôm na là mơ mộng và bướng bỉnh.

Ở thế hệ của Đoan Trang và trước đó một chút là thế hệ của chúng tôi, chúng tôi được giảng dạy về những lý tưởng mà học thuyết cộng sản vẽ ra. Những người giảng bài cũng có thể là rất thành thật, và những học trò chúng tôi cũng thành thật mà tin.

Ngay những ngày đầu tiên Đoan Trang thực hiện những phóng sự trong tư cách phóng viên báo chí nhà nước, một sự thật được phơi bày hoàn toàn khác. Đứng trước sự thật như vậy, một số ít sẽ “làm theo” sự thật đó, tìm kiếm con đường nhung lụa và sung túc, cúi đầu trước quyền lực và nhũng lạm của chế độ để cầu vinh.

Một số đông hơn sẽ yên lặng rút về những khoảng không gian mà chế độ còn cho phép, không còn lý tưởng nửa, nhưng sống an bình, sống cầu an. Những người này có thể đôi khi cũng bực tức trước sự nhũng lạm, nhưng rồi tự nhủ: mình làm gì được?!

Đoan Trang thuộc thành phần hiếm hoi nhất, vẫn tin ở những điều lý tưởng của con người và muốn thực hiện chúng, bằng sự phản kháng bướng bỉnh.

Không phải ngẫu nhiên mà Đoan Trang yêu nhạc Beatles, nhạc của lý tưởng và phản kháng. Loại nhạc phản kháng xã hội tư bản này, trớ trêu thay cũng là dòng nhạc khai tâm cho rất nhiều thanh niên ở những xã hội cộng sản, Việt Nam không ngoại lệ.

Tiếp xúc với xã hội mở phương Tây, một phát hiện làm cho nhà hoạt động phản kháng trẻ tuổi chấn động, đó là ý nghĩa của từ Chính Trị, ở cái nghĩa cốt lỏi của nó, là tất cả những gì liên quan đến cuộc sống hàng ngày của con người.

Phát hiện đó dẫn đến việc cô thực hiện quyển sách Chính trị bình dân, với ý tưởng làm cho dân chúng Việt Nam hiểu được những quyền cơ bản của mình mà đòi lấy, hiểu được rằng chính trị không phải là điều gì xa xôi mà chính là cuộc sống chung quanh, chứ không phải là những vùng cấm chỉ dành cho chi bộ đảng.

Tôi cho rằng nước Việt Nam dân chủ trong tương lai phải ghi nhận Chính trị bình dân là một cột mốc quan trọng.

Với tư chất thông minh, Đoan Trang cũng thận trọng bước đi trong sự hỗn độn vô cùng phức tạp của “phong trào đối kháng”, với những âm mưu, những mục đích khác nhau một trời một vực, của những con người thoạt nhìn đều là những “thành phần phản động” chống nhà nước cộng sản. Cô chủ trương đoàn kết, cho rằng ít nhất họ cũng chống cộng sản. Tính “đúng đắn chính trị” lý tưởng này đôi khi làm cho Đoan Trang phải trả giá đắt, khi những người tưởng đâu cứng rắn nhưng chưa đánh đã khai, những người lẳng lặng giấu “tiền cách mạng” ở chỗ nào không rõ, những người đối kháng chỉ để lấy tiếng ở nước ngoài,…

Với tính cách lý tưởng cô cũng bất ngờ khi những gã dân túy lên cầm quyền khắp nơi trong thế giới phương Tây, dẫn tới việc lộ rõ những kẻ “tiêu chuẩn kép” trong phong trào đối kháng Việt Nam. Lần nói chuyện cuối cùng qua điện thoại với Đoan Trang cách đây hai năm, tôi nghe thấy sự thảng thốt và mệt mỏi của cô khi chứng kiến những gương mặt đó dần lộ rõ.

Giải thích về hành động từ chối ở lại Mỹ mà trở về nước của Phạm Đoan Trang, một người có tham gia vào những phong trào chống cộng sản tại hải ngoại nói với tôi rằng Đoan Trang về nước vì ở lại hải ngoại sẽ chẳng là cái gì cả.

Tôi không đồng ý với anh ta. Đoan Trang về lại Việt Nam vì cô là con người mơ mộng và… bướng bỉnh.

Nếu tôi có đi tù…

Đoan Trang

7-10-2020

LTS: Chúng tôi nhận được tin, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt vào khoảng 11h30 đêm qua, tại nhà trọ của cô ở Sài Gòn. Trước khi bị bắt, ngày 27/5/2019, cô Trang có viết một bức thư, nhờ anh Will Nguyễn, là một nhà hoạt động cùng làm việc với cô Trang trong bản “Báo Cáo Đồng Tâm”, phổ biến trong trường hợp cô bị bắt. Sau đây là nội dung bức thư:

Sài Gòn, ngày 27/5/2019

Gửi các anh chị em, bạn bè thân yêu của tôi,

Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù.

Tôi có một số mục đích định trước như vậy. Thế nhưng đi tù chỉ là bước đầu để thực hiện các mục đích này, còn muốn hoàn thành thì rất, rất cần sự tiếp sức của các bạn.

Tôi trông cậy vào các bạn. Xin giúp tôi hoàn thành các mục đích sau, nếu tôi có phải vào tù. Trân trọng cảm ơn tất cả.

1. Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới 

Mong các bạn làm mọi cách để gắn việc tôi đi tù (nếu có) với luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới. Làm sao để công luận biết rằng tôi đã tham gia nghiên cứu và đưa ra luật mới về bầu cử và tổ chức quốc hội, và tôi bị bắt một phần là vì lý do đó.

Tôi muốn có một phong trào xã hội rộng lớn thúc đẩy việc thông qua hai luật này.

2. Quảng bá các cuốn sách tôi viết 

Tôi mong rằng việc mình bị bắt, đi tù hoặc gặp bất kỳ điều gì khác, nhất là đi tù, sẽ là cơ hội để quảng bá các cuốn sách tôi viết, giúp sách được nhiều người đọc hơn, dưới bất kỳ hình thức gì dù là bản in hay bản điện tử hay sách nói.

Tôi viết nhiều sách nhưng đây là những cuốn tôi mong muốn phổ biến nhất:

a) Chính trị bình dân;

b) Cẩm nang nuôi tù;

c) Phản kháng phi bạo lực;

d) Politics of a Police State (tiếng Anh);

e) Chúng ta làm báo;

f) Các ấn phẩm liên quan tới bầu cử.

3. Biến việc đi tù thành cơ hội để tận dụng 

Nhà nước CHXHCN Việt Nam lâu nay luôn coi tù nhân lương tâm là một công cụ để mặc cả, trao đổi với nước ngoài. Khi trả tự do cho một tù nhân lương tâm và tống xuất người đó ra nước ngoài, nhà nước thu được rất nhiều cái lợi: ký được một hiệp định kinh tế nào đó, đánh bóng hình ảnh “tôn trọng nhân quyền”, vô hiệu hóa một biểu tượng đấu tranh vì tự do, và phớt lờ tất cả các yêu cầu cải cách thể chế.

Tôi rất không thích bị coi là món hàng để nhà nước trao đổi. Thay vì thế, tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới. Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta.

Nói cách khác, tôi không muốn có một phong trào kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho Trang”. Tôi muốn một phong trào xã hội rộng lớn, thúc đẩy việc “trả tự do cho Trang thông qua luật bầu cử mới”, “trả tự do cho Trang bảo đảm bầu cử tự do, công bằng”, v.v.   

Tóm tắt ba mục (1), (2) và (3)

Nếu tôi bị bắt, tôi mong muốn các bạn làm truyền thông theo hướng vận động mỗi người, nếu ủng hộ tôi thì không cần làm gì nhiều, cũng không cần hô hào “tự do cho Trang”, mà chỉ cần truyền bá thông điệp sau:

“Tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Đoan Trang”, hoặc “Tôi ủng hộ Đoan Trang, nên tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Trang”, hoặc “Yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam”, hoặc “Ủng hộ ứng viên độc lập vào Quốc hội”.

***

Vài điểm xin các bạn lưu ý thêm: 

1. Xin chăm sóc mẹ tôi giùm, đừng để mẹ tôi nghĩ là hai mẹ con đang đơn độc. Công an cũng đã đe dọa các anh trai và chị dâu tôi rất nhiều; xin bảo vệ họ.

2. Tôi sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, cho nên mọi điều công an nói hoặc làm mà có thể khiến dư luận tưởng như vậy thì đều là bịa đặt, lừa dối.

3. (Nhưng) tôi nhận hành vi: Tôi luôn khẳng định tôi là tác giả của các cuốn “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”, cũng như tất cả các sách và báo cáo khác tôi từng viết và để tên thật. Tôi cũng khẳng định là tôi luôn muốn xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam. Tôi muốn được mọi người nhắc đến như một người viết, luôn cố gắng để góp phần khai dân trí về các giá trị tự do, dân chủ, và luôn đấu tranh để thay đổi xã hội.

4. Nếu có thể, xin vận động để tôi được nhận cây đàn guitar của tôi. Đối với tôi, đàn guitar quan trọng như Kinh Thánh đối với tín đồ Thiên Chúa giáo.

5. Tôi không quan tâm đến số năm tù theo bản án, do đó tôi không cần luật sư bào chữa để giảm án – một điều hẳn nằm ngoài khả năng của các luật sư trong tình hình hiện nay ở Việt Nam. Thay vì thế, tôi mong các luật sư có thể làm một kênh truyền tải thông tin giữa tôi và mọi người bên ngoài.

6. Không ưu tiên tôi hơn các tù nhân lương tâm khác.

7. Nếu có vận động để trả tự do cho tôi, xin các bạn bắt đầu từ khoảng năm thứ ba hoặc thứ tư (tính từ thời điểm bị bắt), và xin hết sức lưu ý gắn mọi chiến dịch vận động với việc thực hiện các mục đích tôi đã nêu trên. Kịch bản lý tưởng là tôi được trả tự do mà vẫn ở Việt Nam (không bị tống xuất ra nước ngoài) và những mục đích tôi đề ra đều được hoàn thành.

Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn. 

Bản tiếng Anh:

 

Bài Mới Nhất
Search