T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

PHẠM HỒNG ÂN: DA RỪNG

Thân phận lưu đầy – Tranh: Thanh Châu

   Chiếc xe dừng lại nơi bìa rừng. Hình như đây là rừng Xuyên Mộc hay Xuyên Thổ chi đó ở vùng Bà Rịa. Ðám con tôi loi ngoi xuống xe. Mặt mày mỗi đứa lem luốc quằn quệnh như thoa lọ nồi. Gã tài xế nhảy phóc xuống lề, chạy ra phía sau, la lớn:

– Tới rồi bà con ơi! Làm ơn chuyển lẹ đồ đạc xuống xe. Mẹ, tôi còn phải trở lại thành phố.

Tôi mọp đầu thật thấp, tránh cái bình than đá quái quỉ lúc nào cũng ùng ục ùng ục, bắn ra hàng loạt những tia lửa tia than trong suốt cuộc hành trình. Trong lúc tôi đang loay hoay, gã tài xế bỗng chạy đến, nắm tay tôi lôi mạnh.

– Xuống lẹ dùm con, Má ơi! Ði vùng kinh tế mới mà như đi du lịch…

Sức lôi của gã tài xế khiến tôi ngã bẹp xuống đất rừng. Cái đít rơi bịch như trái mít rụng. Ðá, sỏi, gai, gốc…từ phía dưới chỉa lên, đâm thấu vào da thịt, làm ran rát nguyên cả bàn tọa. Tôi nhăn mặt, hít hà, ôm cái đít ê ẩm nhìn ngược ra con đường. Ðoàn xe cải tiến tiếp tục chạy tới, nối đuôi, thả khói nghịt trời. Bụi lửa từ bình than đá bắn ra tứ tung. Nó cộng với bụi đường, bụi rừng…đua nhau quện vào thân thể người dân như một đòn tra tấn cực kỳ của lịch sử.

– Má ơi, nhanh lên! Người ta kêu vào phía trong chọn nhà kia kìa!

Con Na cõng thằng Út lên vai, hai tay đèo thêm hai túi xách. Nó khệnh khạng bám theo đám đông, chạy thẳng vô cánh rừng. Thằng Ðậu, thằng Rớt, con Ú, con Nhách lóc cóc theo sau. Mỗi đứa một bịt nylon – trong đó ngổn ngang chén, dĩa, ly, tách, nồi, niêu, mùng, mền, quần, áo…Tôi  hổn hển nối đuôi, nhắm vạt áo rằn ri của con Nhách mà bườn tới trước. Tôi bườn như con điên. Tóc tai rối tung. Mặt mày hốc hác. Cái túi đựng ba mớ hỗn độn vẫn khư khư trước bụng. Dường như nó bắt đầu nặng nề, chướng rướng chàng ràng một cách khó chịu. Rồi, hai bàn tay yếu đuối của tôi không thể giữ nổi nó nữa. Nó chợt vuột khỏi vòng ôm, lăn tròn xuống đám cỏ gai, bùng bình búng bính một lúc, mới chịu vỡ toang ra từng mảng. Sổ hộ khẩu, giấy mượn lương thực, giấy chứng nhận đi vùng kinh tế mới, hình ảnh chồng con…cùng với thuốc xuyên tâm liên, thuốc nghệ, thuốc giải nọc rắn, băng keo, băng vệ sinh, giấy chùi đít, gương, lược, phấn, son…đua nhau rơi lả tả xuống con dốc.

Con Na quăng vội thằng Út qua cánh tay khẳng khiu của thằng Ðậu. Nó nhảy phóc đến bên tôi, nhanh nhẩu nhặt nhạnh ba mớ hỗn độn bướng bỉnh.

– Nhanh nhanh má ơi! Chậm quá, tối nay cả gia đình ngủ ở trong rừng đấy!

– Con chạy lên trước, chọn nhà đi! Má với các em lên sau. Chân má đạp phải gai, nhức quá đây này!

Tôi nhìn bàn chân sưng húp. Nhìn hai vạt quần rách bươm, tơi tả như miếng giẻ lau nhà. Nhìn đám con quằn quại, lặn ngụp giữa dòng đời. Nhìn con Na vừa 12 tuổi đầu, đã vội thay cha thay mẹ gánh nặng phiền muộn trên vai. Chạnh lòng, tôi muốn khóc. Nhưng, nước mắt bây giờ, dường như đã cạn khô trong tôi. Nó như vuông ao sệt bùn. Như bầu sữa vắt kiệt.

Những căn nhà lêu bêu hiện ra, trải dài, mút tầm nhìn. Không. Nó không đáng gọi là nhà. Chỉ có vài mảnh lá thưa, che nhếch nhác bên trên. Xung quanh trống hoác. Gió rừng nhào lộn tứ tung. Làm rúng rính những kèo cột, lớn bằng cánh tay con Na. Ðám con tôi tiến tới đâu, những căn nhà bị người ta chiếm đóng tới đấy. Ước chừng – vượt qua ba, bốn cây số đường dài. Ước chừng – nắng tuột phía sau, mặt trời ngã chiều. Con Na đã mệt đừ. Mồ hôi thấm như mưa, ướt nhèm nhẹp lưng áo. Thằng Rớt tuột quần khỏi đầu gối, nó chạy ngất nga ngất ngưởng như một tên hề.

Bỗng thằng Ðậu nhảy cửng lên như ngựa, rồi xà vào một căn nhà vắng tanh, hét lớn:

– Con xí được nhà rồi. Má ơi! chị Na ơi! mang đồ đạc vào, lẹ lên!

Tôi chưa kịp phản ứng, tai đã bùng lên giọng ồ ề của một lão già.

– Nhà này có chủ rồi. Ði khỏi bìa rừng, họa may, có chỗ trống.

Thằng Ðậu thất vọng, ngã lăn xuống đất rừng. Ðất rừng cứng như đá cục. Ðất, giống tấm da trâu bị căng ra phơi nắng. Nó nứt từng mảng. Nó rạn từng thớ. Thằng Ðậu cũng không thua chi tấm da trâu. Thân hình đen mẻm. Cát bụi loang lổ trên bụng, trên nách.

– Trời ơi! Vùng kinh tế sao kinh thế? Má ơi! Con đau bụng, mắc ỉa quá!

Con Ú nằm vạ, ôm bụng lăn lộn. Tôi lê đến túi xách, mò mẫm chai Nhị Thiên Ðường, thoa lia thoa lịa vào rún con.

– Con muốn đi ỉa, đi ỉa.

Tôi kéo bừa con Ú vào một gốc cây. Cỏ cao đến đầu gối. Tôi dùng chân đạp cỏ rạp xuống, rồi lấy tay vẹt trống một khoảng, vừa chỗ cho con Ú đặt mông xuống.

– Này, ỉa bậy phải không? Mất vệ sinh. Mất vệ sinh.

Gã thanh niên nào đó xuất hiện. Tấm băng màu đỏ quấn vòng tay áo, xẩm màu theo vạt nắng cuối ngày. Hắn vừa lắc đầu quầy quậy, vừa phóng một cây vá đầy đất bẩn, cắm phụp trước mặt tôi.

– Ðào lỗ cho con nhỏ ỉa. Xong, lấp lại, cẩn thận.

Cái lỗ được xới lên. Chậm chạp. Vất vả. Bởi bàn tay gầy guộc và yếu đuối của tôi. Cái lỗ chưa kịp khơi xong, con Ú đã phọt ra, tung toé trên cỏ rừng. Gã thanh niên lại lắc đầu quầy quậy. Hắn bỏ đi một hơi, sau khi cất giọng chửi thề:

– Mẹ, dân thành phố dơ dáy quá! Khó hòa hợp.

Nắng rớt nhẹ trên đỉnh dã thụ. Nó lung linh, dìu dịu nơi đó một chốc. Rồi hun hút mất tăm, chìm ngủm trong bóng đen của cánh rừng. Những căn nhà bắt đầu thắp đèn. Những ngọn đèn leo lét như ma trơi, lập lòe giữa không gian âm u. Tôi rã rời. Tay chân mình mẩy như bị cắt ra từng khúc. Cái bịt nylon nặng trịch trước bụng. Con mắt bắt đầu tối thui. Bầy con vây quanh chỉ còn là những cái bóng mập mờ, lúc ẩn lúc hiện. Tôi quờ quạng giây lát, cuối cùng nhủi đầu xuống một vạt cỏ. Tai chỉ còn nghe lùng bùng tiếng côn trùng râm ran, hắt ra từ mõm rừng.

Mùi dầu gió nồng nồng đánh thức tôi dậy. Vết cạo rát rạt trên lưng đánh thức tôi dậy. Tiếng khóc như đưa đám của bầy con tôi đánh thức tôi dậy. Đặc biệt, giọng oang oang như xé toác bóng đêm của gã đàn ông nào đó…cũng đánh thức tôi dậy.

– Kìa, bả tỉnh rồi kìa. Tụi bây bắt nồi lên, nấu cho bả miếng cháo giải cảm. Chặc, con cái đùm đề mà chồng không thấy?

Con Na ngồi xổm xuống nền đất, chụm ba cục đá lại làm lò, rồi đưa nhúm bùi nhùi vô đốt, lửa phựt lên đỏ hồng. Thằng Đậu bắt nồi gạo lên lò, chổng mông thổi phù phù. Thằng Rớt, Con Ú, con Nhách và thằng Út vây quanh tôi, nước mắt nước mũi dầm dề. Tôi ngơ ngác ngó chỗ tôi nằm. Đó là tấm nylon che mưa, trải thẳng xuống nền đất ẩm, còn sực mùi sình non. Tôi ngơ ngác ngó lên mái lá lưa thưa. Đó là một túp lều mỏng mảnh, thua xa cái chuồng ngày xưa tôi dựng lên để nuôi gia cầm. Và điều tôi ngơ ngác nữa, là có gã đàn ông nào đó…hiện diện nơi này.

Như thấu được nỗi thắc mắc của tôi, gã đàn ông phơi bày.

– Qua là tổ trưởng ở đây. Nhà này là nhà của qua. Thấy em bệnh hoạn, lại con cái đùm đề, nên qua nhường nhà cho gia đình em ở. Em cứ yên tâm, qua sẽ qua lại thường xuyên, giúp đỡ mấy cháu.

Thằng Rớt kéo vạt áo tôi lên, quẹt nước mắt.

– Bác nhường nhà cho tụi con, rồi bác ở đâu?

– Bác qua Ấp ở tạm, chờ họ cất thêm nhà, bác dọn tới mấy hồi…

Tôi không còn hơi sức đâu để cân phân, suy tính. Bây giờ, tôi như một miếng giấy thấm nước, ướt nhem. Người ta vớt lên, cầm không khéo, giấy sẽ rách tan hoang. Thà là giao hết mọi quyết định cho con Na, thằng Đậu. Thà là làm một người mẹ bù nhìn, đỡ khổ hơn.

Công việc ở vùng kinh tế mới vượt ngoài khả năng của gia đình tôi. Người ta bắt dân phá rừng trồng rẫy. Cây rừng nhỏ nhất cũng bằng vòng ôm của thằng Út. Với sức cùn của một người đàn bà mất chồng, với vóc dáng của một bầy con đói khát, đứa lớn nhất chỉ mới 12 tuổi, liệu bao lâu chúng tôi mới đứng vững trên cánh rừng bạt ngàn này?

Rừng xanh um và thâm sâu bí hiểm, khi tôi mới đặt chân đến. Bây giờ nó xác xơ, tiêu điều như dấu tích của một trận chiến. Cây rừng bị hạ gục, nằm la liệt khắp nơi. Những thau lau, bằng lăng, giáng hương, trầm hương quí hiếm…đang lăn lóc giẫy chết dưới bàn tay tàn bạo của con người. Họ tấn công rừng đủ kiểu, đủ cách. Bằng sức người, bằng máy cưa, bằng cần trục, bằng chất nổ, bằng mọi sức mạnh sẵn có…miễn sao rừng gục ngã, thoi thóp, hấp hối và chết tiệt. Hàng trăm xe tải thay phiên nhau túc trực ngày đêm để chuyên chở thi-thể-rừng về các trại mộc. Họ móc ngoặc nhau, chia của, chia tiền. Họ tiêu diệt thiên nhiên, giết dần sự sống.

Rừng giẫy chết trong khi căn nhà tôi ở trông khá hơn một chút, nhờ công sức của con Na, thằng Đậu và gã đàn ông xa lạ. Hai đứa mò sâu vào rừng kiếm nứa, chặt và cột từng bó vác về. Gã đàn ông chỉ cách róc nứa từng mảnh, xong đan chúng vào nhau, rồi dựng thành vách. Vách nứa tuy mỏng manh, nhưng cũng che kín căn nhà, che kín phần nào nơi tôi và con Na thay quần áo, tắm rửa và tiểu tiện. Và tôi biết, nó cũng che kín phần nào cặp mắt cú vọ của gã đàn ông thèm khát kia, lúc nào tôi cởi truồng tắm, cũng thấy gã hiện ra, ngó chăm bẩm vô tấm nylon mỏng dánh một cách đờ đẫn. Đôi lần, tôi muốn vạch mặt, mắng gã vài câu. Hoặc xua đuổi, tống khứ gã đi cho rảnh nợ. Nhưng nghĩ lại, tôi cũng cần gã bây giờ. Như một thứ dây leo yếu đuối, cần bám vào cành khẳng khiu nào đó để vươn lên.

Rừng. Cây bị người ta cắt ngang, chỉ còn gốc trơ trụi. Buổi trưa, nắng cháy như lửa. Nắng đốt ước mơ tôi thành tro than. Nắng thiêu cuộc sống tôi quằn quại. Rừng không còn bóng mát để tôi che thân. Rừng giẫy chết kéo theo tôi giẫy chết. Thời gian, đối với tôi, bây giờ không cần thiết. Ngày nào như ngày nấy, tôi và con Na đều luồn dưới hố cây, chúi qua lủi lại, dùng sức chặt đứt rễ  chằng chịt của gốc để cho xe cần trục tới bứng dễ dàng. Hai mẹ con cắm đầu, dãi nắng dầm mưa, chém tới tấp như hai con khùng. Chém chừng nào không còn một cọng rễ nào bấu vào đất. Lúc đó hai mẹ con mới buông dao, ngã ngang vào vách hố, ôm nhau thở hì hục. Chiều nào tôi cũng đưa hai bàn tay sưng phồng, rướm đầy máu lên mắt. Tôi ngó thương tích trừng trừng, rồi chầm chậm ngước mặt lên trời, khóc một hơi dài. Vậy mà khẩu phần hàng tháng của chúng tôi vẫn teo tóp. Từ những ký gạo mốc trộn đầy bông cỏ đến bắp, khoai lang. Cuối cùng chỉ là những lát khoai mì chua lét chua lè. Tôi, con Na, thằng Đậu và thằng Rớt hiểu được thế cuộc đổi dời, nên ngậm đắng nuốt cay cố nhét những lát khoai cù nhầy vào bao tử. Còn con Ú, con Nhách và thằng Út thà chết không thèm đụng tới. Đến giờ ăn, chúng nó như đám giặc, kéo nhau la bài hải. Nếu không nhờ gã đàn ông tiếp tế vài ký gạo mốc, hàng tháng – chắc tôi phải mang thêm chứng bệnh đau tim bởi tiếng la đổ trời vỡ đất này.

Sáng nay, gã đàn ông bỗng dưng hẹn tôi tới ấp kiểm thảo. Tôi không hiểu kiểm thảo cái khỉ khô gì khi tôi làm trầy da tróc vảy mà chưa được một miếng cơm vô họng? Như sợ tôi đổ lì, gã cử một thanh niên đến rước tôi. Sau khi đi vòng vo một đổi, tên thanh niên đẩy tôi vô một căn nhà, có cửa cái trổ ra cánh rừng. Căn nhà ẩm thấp, lè tè như những căn nhà tạm bợ khác trong khu kinh tế mới này. Chỉ đặc biệt, trên vách có treo lá cờ đỏ ối và hình của vị lãnh tụ. Gã đàn ông đang ngồi bập bập điếu thuốc bên chiếc bàn gỗ ngả màu da trâu. Bên trái, là chiếc giường bằng tre lẹp kẹp, trên đó ngổn ngang gối mền và quần áo tạp nhạp.

– Qua chờ em từ sáng tới giờ. Em ngồi đi. Qua muốn nói với em một chuyện.

Tôi cẩn thận đặt đít xuống mép giường. Mùi quần áo dơ xông lên, hắt hắt lỗ mũi.

– Chuyện gì? Tui lao động tận lực như mấy người khác. Có làm biếng đâu mà đòi kiểm thảo?

– Không phải chuyện kiểm thảo. Đó chỉ là hình thức để kêu em tới đây.

– Vậy chớ chuyện gì?

Gã bắt đầu đưa cặp mắt cú vọ rà lên thân thể tôi, cuối cùng dừng lại ở bộ ngực, chăm bẳm như muốn ăn tươi nuốt sống nó. Gã lại bập bập điếu thuốc. Khói tuôn ra trắng xóa. Tôi nghe tiếng nước miếng ực ực trong cổ họng gã.

– Chuyện tình.

Gã lập cập như nói ngọng.

– Qua…thương…em. Thương…em nhiều lắm.

Nghe lời tỏ tình quê mùa và nhạt nhẽo của gã, khiến tôi muốn bật cười. Tôi đã biết trước sẽ có một ngày như thế này. Sẽ có một lúc gã không chịu nổi cảnh rạo rực động tình của một con đực, trước thân thể hấp dẫn của một con cái cô độc.

– Tui đã qua cái thời yêu đương nhảm nhí rồi. Bây giờ, tui phải   kiếm miếng ăn, lo cho các con tôi.

Gã đứng lên, quăng mạnh tàn thuốc ra cửa. Rồi, nhanh như chớp, gã nhảy bổ vào người tôi, đè tôi bật ngửa xuống nền giường. Tôi chưa kịp phản ứng, gã đã giựt phăng khuy áo tôi, cởi trần cặp ngực tôi. Xong, úp mặt vào đó, thở hổn hển.

Tôi đạp túi bụi. Tôi đấm thùm thụp trên lưng gã. Tôi gào, tôi la đến khàn cả họng. Nhưng, tất cả những phản kháng này đều yếu ớt trước sức mạnh của con thú điên cuồng. Khi mảnh vải cuối cùng vừa tuột khỏi đầu gối tôi, chợt có tiếng hét chói lói ngoài cánh cửa.

– Buông ra! Ông buông má tui ngay!

Trong cơn hốt hoảng tột độ, tai tôi bỗng nghe tiếng “phụp” ghê rợn. Rồi, tiếng rú kinh hoàng cất lên. Máu từ đâu phún mạnh vào miệng tôi, loang xuống thân thể, ướt đẫm bầu vú tôi.

Con Na bị công an dẫn đi ngay, cùng với con dao rừng còn đỏ máu. Gã đàn ông được chi bộ ấp tức tốc đưa đi cấp cứu. Chỉ còn tôi, một mình quằn quại với nỗi đau mất con, với tiếng thị phi dị nghị của người đời. Tên thanh niên ban sáng đưa tôi đến đây, nhất định kết tội tôi đã dùng thân xác quyến dụ gã đàn ông. Tôi chỉ biết cúi đầu, lặng câm. Tôi không còn hơi sức nào nữa  thanh minh cho sự oan trái này. Cũng không còn nước mắt để khóc, cho vơi đi phiền muộn. Nước mắt tôi đã khô cạn từ lâu. Nó như vuông ao sệt bùn. Như bầu sữa vắt kiệt.

Ngày mai này, tôi sẽ dắt bầy con trốn khỏi nơi đây. Nếu không, sớm muộn gì tôi cũng phải giẫy chết như cánh rừng tội nghiệp này.

PHẠM HỒNG ÂN

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search