T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chiếc lỗ đinh làm đắm tàu

Trump khấu trừ vào thu nhập 70 ngàn đô la chi phí làm tóc. Các chuyên gia (thuế) bảo việc làm này bất hợp pháp.

New York Times

Tác giả: James B. Stewart

Dịch giả: T.Vấn

 Câu chuyện này đóng vai chiếc “lỗ đinh làm đắm tàu” trong bản phanh phui hồ sơ thuế của Trump trên tờ New York Times.

Tòa án đã phán quyết rằng chi phí làm tóc thuộc về sinh hoạt cá nhân, không thể dùng để khấu trừ lợi tức trả thuế. Tom Brenner for The New York Times.

 

Có rất nhiều chi tiết động trời trong bản phanh phui thuế má của Trump trong bài điều tra đăng trên tờ New York Times tuần rồi. Ông ta không trả đồng thuế lợi tức liên bang nào trong nhiều năm. Sự nghiệp kinh doanh rùm beng của ông ta đang treo bấp bênh trên những sợi dây rất mong manh. Và đó mới chỉ là những đầu đề.

Nhưng có một chi tiết khá thú vị dù nó có vẻ như không quan trọng lắm: Trump tốn hơn $70,000.00 cho dịch vụ làm tóc trong suốt thời gian thực hiện chương trình truyền hình “The Apprentice”.

Lẽ dĩ nhiên, đối với bất cứ ai phải sử dụng khoản tiền như vậy cho việc cắt tóc, chải tóc, nhuộm tóc thì đó cũng là một khoản tiền lớn, rất lớn. Nhưng điều đáng chú ý ở đây liên quan đến sự tiết lộ New York Times là công ty của Trump đã khấu trừ số tiền ấy như là một chi phí  kinh doanh để nhằm làm giảm đi thu nhập phải đóng thuế, có nghĩa là làm giảm đi tiền thuế ông ta phải đóng cho chính phủ.

Các chuyên gia thuế nói rằng luật thuế ngăn cấm việc khấu trừ những khoản chi phí thông thường được coi là chi phí cá nhân dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Và nếu như khoản tiền ấy đã được một người khác trả mà vẫn cố tình khai khấu trừ thì có thể bị buộc vào tội man khai để gian lận thuế (criminal tax fraud).

Ba cựu viên chức của hãng truyền hình NBC đã từng tham dự vào việc thực hiện chương trình “The Apprentice” cho biết họ tuy không được biết rõ chính xác từng chi tiết trong bản hợp đồng Trump ký với NBC, nhưng họ rất quen thuộc với nội dung những bản hợp đồng tương tự (như của Trump). Những chi phí liên quan đến tóc tai, trang điểm của một ngôi sao tầm cỡ Trump trong các chương trình truyền hình đều được thanh toán bởi chủ sản xuất chương trình và giả như Trump đã bỏ tiền túi ra trả trước thì chắc chắn ông ta cũng đã được chương trình hoàn trả rồi (reimbursement).

Một trong ba cựu viên chức của NBC nói trên cho biết: “Tôi không thể nghĩ rằng đã có một tình huống đặc biệt nào đó buộc Trump phải trả khoản tiền đó mà không nhận lại được tiền hoàn trả (từ chương trình).”

Viên chức này xin được tạm dấu tên tuổi vì hiện nay ông ta vẫn còn đang có những mối quan hệ công việc với NBC và Mark Burnett, nhà sản xuất chính của “The Apprentice” và đồng thời của chương trình “The Voice” cho NBC.

Trong thực tế, người khai thuế không được phép khai khấu trừ khoản chi phí cho kinh doanh khi đã được nhận sự hoàn trả cho chi phí ấy.

“Đây sẽ là một tội hình sự nếu bị cho là cố ý vi phạm luật”.

Chuyên gia thuế Schuyler M. Moore đã khẳng định như trên. Moore làm việc cho công ty luật Greenberg Glusker ở Los Angeles và cũng là tác giả tập chuyên luận về luật pháp “Hệ thống tính thuế của kỹ nghệ giải trí” (Taxation of the Entertainment Industry).

Trong bất cứ một phán xử nào, tòa án đều khẳng định rằng các chi phí về trang điểm đầu tóc, dù là cho một diễn viên của chương trình truyền hình, đều là chi phí thuộc về cá nhân (personal expense) nên không thể khấu trừ (deduct) được. (hiện nay, theo luật định, không có sự giới hạn về thời gian trong việc truy tố tội gian lận thuế. Thông thường, sở thuế IRS có 3 năm kể từ ngày hồ sơ thuế được nộp để bắt đầu cuộc truy vấn (audit) và sau đó truy tố hình sự người khai nếu tìm thấy có sự gian lận thuế.)

Khi được hỏi về vấn đề này, tòa Bạch Ốc khước từ trả lời và đề nghị hỏi thẳng các luật sư của Tổ Hợp Trump. Alan Garten, viên luật sư trưởng của Tổ Hợp, đã không đáp lại lời yêu cầu bình luận.

Trump thường tỏ ra rất kín đáo về mái tóc của mình, nhất là về công thức pha chế làm sao có được màu sắc như màu rơm khô trên những sợi tóc nằm rất ngay ngắn trên đỉnh đầu. Bộ tóc sặc sỡ này là đã trở thành một phần trong thương hiệu “You’re fired” (Sa Thải) của chương trình “The Apprentice” và sau đó theo chân ông ta vào đến tận tòa Bạch Ốc.

Chương trình “The Apprentice”, như bất cứ một show truyền hình Reality của bất cứ một mạng lưới truyền hình nào, đểu có một đội ngũ chuyên lo về tóc và các nhu cầu trang điểm khác cho những người tham dự chương trình. Nhưng họ không lo chuyện tóc tai cho Trump và tỏ ra rất không muốn, dù là chỉ chạm nhẹ vào một vài sợi tóc lòa xòa của ông ta nếu không được yêu cầu. Một trong những chuyên gia trang điểm cho chương trình, Amy Lasch, năm 2016 đã nói với tờ The New York Post rằng khi Trump đến phòng quay thì mọi chuyện đã sẵn sàng đâu ra đó. “Hình như ông ta đã đến đâu đó để chuẩn bị cho các việc phải làm trước khi vào phòng quay.”.

Cũng là chuyện bình thường cho các ngôi sao có riêng các chuyên gia lo về trang điểm. Theo thông lệ, chương trình trả trực tiếp cho các chuyên gia trang điểm, nhưng cũng có khi diễn viên trả rồi nhận lại hoàn trả (reimbursement) từ chương trình sau. Một trong những lý do là vì người diễn viên ấy thuê chuyên gia không thuộc về công đoàn nên chương trình không thể trả trực tiếp được.

Luật sư thuế Moore: “Không cách gì ông ta có thể khấu trừ chi phí tóc tai, trang điểm vào thu nhập trả thuế, bất kể có nhận được hay không nhận được hoàn trả”(reimbursement). Doug Mills/The New York Times

 

Trong các cuộc phỏng vấn, Trump khoe chính vợ ông ta, bà Melania, đã cắt tóc cho mình vì ông ta không bao giờ để cho bất cứ ai đụng vào đầu. Và chính Trump đã tự tay xịt keo vào tóc để giữ cho chúng nằm yên.

Trump kể với tờ Playboy hồi năm 2004: “Khi tóc khô rồi thì tôi bắt đầu chải. Đến khi thấy rằng mái tóc đã được như ý mình thích – dù không một ai thích hết – thì tôi bắt đầu phun keo. Cũng được cả một ngày đấy!”.

Nhưng hồ sơ khai thuế của Trump mà các đồng nghiệp của tôi ở tờ New York Times hiện đang nghiên cứu lại cho biết rằng công ty sản xuất truyền hình của ông ta, nhà sản xuất Trump của ông ta, đã thuê một chuyên gia tóc và trang điểm ở Manhattan tên là Sharon Sinclair làm công việc này. Tiền thù lao năm 2004 ít nhất là $13,300.00, năm 2005 ít nhất là $36,400.00, và năm 2006 ít nhất là $20,043.00.

Nếu như vậy thì chi phí ngót nghét $1,000.00 cho một buổi phát hình, tuy rất cao nhưng không phải là không nghe nói đến trong giới ngôi sao Hollywood.

Tổ Hợp Trump cũng đã trả cho Sinclair ít nhất là $2,500.00 trong năm 2007. Cũng không rõ chi phí ấy có liên quan gì đến “The Apprentice” hay không. Tổng số chi phí tóc tai trang điểm cho Trump tính từ năm 2004 đến 2007: $72,243.00.

Tài liệu thuế không liệt kê rõ loại dịch vụ nào Sinclair đã cung cấp cho Trump. Nhưng trong phần ghi những người có đóng góp vào chương trình một số episodes của “The Apprentice”, tên Sinclair đã được ghi nhận là làm tóc (hair stylist) cho Trump. Ở một số episodes khác, tên Sinclair được ghi nhận là trang điểm (makeup artist) cho Trump và ở một số khác thì ghi nhận cả hai (làm tóc và trang điểm). Bản khai kinh nghiệm làm việc (resume) của Sinclair cho biết cô đã từng cung cấp dịch vụ làm tóc và trang điểm cho những ngôi sao nổi tiếng như Tina Fey, Paris Hilton và Steve Martin. Sinclair chưa trả lời cho biết có bình luận gì về việc này hay không.

Luật thuế nói “chi phí cá nhân” không thể dùng khấu trừ (thu nhập trả thuế -ND).

Moore, một luật sư về thuế, khẳng định: “Không cách gì ông ta có thể khấu trừ chi phí tóc tai, trang điểm vào thu nhập trả thuế, bất kể có nhận được hay không nhận được hoàn trả – reinmbursement (từ đối tác doanh nghiệp – trong trường hợp này là người sản xuất chương trình “The Apprentice” tức đài truyền hình NBC – ND). Đã có nhiều vụ án cũng như audit thuế liên quan đến vấn đề này rồi.”

Thực vậy,  có nhiều vụ án như trên liên can đến các diễn viên của chương trình truyền hình.

Năm 2011, Tòa liên bang Hoa Kỳ đã thụ án vụ một xướng ngôn viên tin tức tại một chi nhánh của đài NBC ở Columbus, Ohio. Người này đã khai khấu trừ vào thu nhập trả thuế các chi phí cho việc chăm sóc mái tóc với lý do công việc đòi hỏi và cũng vì bà là đại diện thường trực của trạm truyền hình địa phương. Tòa đã dứt khoát không chấp nhận sự khấu trừ. Tòa phán quyết rằng những chi phí liên quan đến việc “chăm chút một vẻ ngoài tề chỉnh” thực sự “có thuộc tính cố hữu là phí tổn cá nhân”,  mặc dù “những chi phí này có thể liên hệ đến công việc đang làm”.

Năm 1980, tòa án ở khu vực Boston cũng đã đưa ra một phán quyết tương tự liên quan đến một xướng ngôn viên tin tức của chi nhánh truyền hình NBC, người này đồng thời còn là một nhà đầu tư địa ốc. Tòa ghi nhận rằng, đài truyền hình đòi hỏi nhân viên xướng ngôn phải duy trì một vẻ ngoài “phù hợp với công việc của một người loan báo tin tức trên truyền hình”, nhưng lại không hoàn trả cho anh ta $10.00 tiền cắt tóc hàng tháng. Vì vậy, vị xướng ngôn viên này quyết định khấu trừ chi phí ấy vào thu nhập trả thuế. Tòa án phản bác việc làm này.

Hiện vẫn chưa rõ tại sao Trump, người lúc nào cũng o bế kỹ càng mái tóc của mình cả khi xuất hiện trên sân khấu cũng như hoạt động bình thường hàng ngày, lại có thể được hưởng một sự đối xử đặc biệt về vấn đề khấu trừ thuế. (Những chi phí về mua sắm may mặc quần áo cũng được xem xét dưới cùng một góc độ. Chi phí về trang phục và đồng phục dành riêng khi làm việc có thể dùng khấu trừ được, nhưng nếu chúng cũng được sử dụng  bên ngoài khuôn khổ công việc đòi hỏi, thì cũng như quần áo mặc trong giao tiếp kinh doanh (business suit), không đủ điều kiện để được khấu trừ.).

Từ năm 2007 đến năm 2013, một số những công ty của Trump, bao gồm Trump Production, cũng đã khai khấu trừ ít nhất $95,000.00, là khoản tiền trả cho người thợ làm tóc lâu năm của Ivanka Trump, cô này cũng góp mặt trong chương trình “The Apprentice”.

Người cựu nhân viên điều hành của NBC cho rằng những chi phí về tóc tai, trang điểm cho Ivanka hẳn đã được trả bởi chương trình (The Apprentice).

Người phát ngôn của Ivanka Trump tại tòa Bạch Ốc đã không trả lời yêu cầu có lời bình luận.

Những khấu trừ cho kinh doanh các chi phí cá nhân nói trên, sẽ được xem là vượt quá giới hạn hay cố tình phạm pháp thuộc về thẩm quyền của các cuộc audits từ sở thuế. Trump nhiều lần xác định ông ta hiện đang bị audit và những nghiên cứu của tờ New York Times cho biết điểm tập trung chủ yếu của các cuộc audit là khoản tiền refund 72.9 triệu đô la mà Trump đã khai và cũng đã nhận về. Do đó, cũng chưa được rõ liệu sở thuế có để mắt tới những khấu trừ về chi phí tóc tai, trang điểm của cha con Trump hay không.

Một phát ngôn nhân của IRS cho biết cơ quan thuế không có lời bình luận về các hồ sơ thuế cá nhân hay những cuộc audits.

So với những khoản lỗ lã hàng tỉ đô la của doanh nghiệp Trump, vốn khó có thể quân bình cán cân lỗi lời, thì con số $70,000.00 khấu trừ xem ra có vẻ như chẳng đáng để mắt tới. Nhưng nó mang tính cách biểu tượng cho quan niệm chủ đạo về thuế má của Trump: Không có số tiền nào gọi là quá nhỏ để giữ không cho nó chui vào két sắt của chính quyền.

Giả sử trong tương lai, Trump phải đối mặt với những “xoi bói” (scrutiny) của IRS về những khoản khấu trừ chi phí cá nhân vào thu nhập trả thuế của mình, chắc chắn ông ta sẽ khó lòng thoát khỏi.

Năm 1989, đại gia về địa ốc Leona Helmsley đã bị kết án 4 năm tù về tội danh trốn thuế (tax evasion) sau khi bà này tìm cách khấu trừ những khoản chi phí về nâng cao giá trị tài sản (improvements) cho lãnh địa của mình ở Greenwich, tiểu bang Connecticut – như là chi phí kinh doanh.

Một trong những luật sư của bà Helmsley là Alan Dershowitz, người biện hộ cho Trump trong suốt thời gian Trump bị Quốc Hội Hoa Kỳ đàn hạch (impeachment).

Còn viên công tố liên bang đóng vai cáo buộc? không ai khác chính là Rudolph W. Giuliani, người vừa xuất hiện bên cạnh Trump trong lúc ông ta lên tiếng phủ nhận những điều tra của tờ New York Times và chính Giuliani đã bốc Trump là “thiên tài” trong việc tìm mọi cách để tránh không phải bị đóng thuế.

__________________________

Tác giả James B. Stewart là một bỉnh bút của tờ New York Times và là tác giả của 9 quyển sách, mới nhất phải kể “Nhà nước bí mật: Trump, Sở cảnh sát Liên Bang và nền Pháp Trị” (Deep State: Trump, the FBI and the Rule of Law). Ông đoạt giải Pulitzer về Báo chí Dẫn Giải (Explanatory Journalism) năm 1988 và hiện là giáo sư môn Báo Chí Kinh Doanh (business journalism) tại đại học Columbia.

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search