T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ô trọc, vô học, hạ lưu

Phạm Thị Hoài

Ông Peter Sloterdijk là triết gia Đức đương đại mà danh tiếng và trọng lượng có lẽ chỉ đứng sau tầm vóc quốc gia là lão tướng tư tưởng Jürgen Habermas. Ông lên tiếng và được hỏi ý kiến về nhiều vấn đề, gây tranh cãi, song luôn làm giàu cho người tiếp cận, kể cả bằng một sự bực bội đáng giá; và bất ngờ, kể cả việc xuất hiện ở một nơi khủng khiếp như trên tờ báo lá cải Bild, thế lực truyền thông khét tiếng và tai tiếng nhất ở Đức.

Độc giả tờ báo này xem tranh, đọc tít lớn, lướt tin ngắn là chính và vốn từ vựng đã đuối khi đến câu thứ ba của triết gia. Nhưng ít ra, tờ báo đã cố gắng đem lại cho đại chúng một tiếng nói từ thượng tầng hàn lâm về một số đề tài đại chúng và thời sự. Về tọa độ, ông tự nhận mình là bảo thủ trong tư cách công dân và cấp tiến trong tư cách nhà tư tưởng.

Trong bài phỏng vấn tuần vừa rồi, trả lời câu hỏi của báo Bild, điều gì ở Donald Trump mê hoặc người ta đến thế, Sloterdijk dẫn giải như sau:

Chủ đề tiềm ẩn của thế giới hiện đại là giải phóng nô lệ. Nô lệ, tức chưa đạt tới tự do, theo mọi nghĩa. Thế giới ấy dựa trên ý tưởng rằng có thể tức thời giải phóng con người, sáng dậy là bạn có thể thành người tự do. Nhưng chẳng ai thích thú khi bị nhắc rằng, mới hôm trước mình còn ở kiếp tôi đòi, phận nô bộc, còn là đầy tớ, con hầu, hay còn ở một địa vị tay chân thuộc hạ nào đó. Giới vô sản một thời tự xưng là nô lệ làm thuê, để đòi quyền giải phóng. Đó là một yêu cầu chính đáng, song giải phóng tất cả nô lệ trên thế gian này là một công cuộc lâu dài, tốn kém và phải đương đầu với những sức cản khổng lồ, không thể qua đêm mà thành.

Một kẻ còn đầy dấu vết của một tồn tại nô lệ vừa thoát xích, một ngày xấu trời bỗng trèo được lên thượng đỉnh xã hội, tất yếu đã đánh trúng bản năng của số đông những tồn tại chưa thực sự tự do. Sự thô lỗ ô trọc của kẻ mới xổng ách nô lệ nay vênh vang đứng trên đỉnh cao là tín hiệu nhận dạng cho đám đông đồng hạng. Nó đầy sức mê hoặc cho những ai một chân vẫn trong vòng xích nhưng tâm trí đã vẽ nên ngày mình cũng xông xênh. Trump tuy xuất thân từ một gia đình giàu có, nhưng tiểu tiết đó không thay đổi bản chất của hiện tượng này.

Thái độ chủ đạo của ông ta là thái độ của một kẻ vô học, khinh bỉ tri thức, lỡ cầm phải một cuốn sách thì thấy tay mình vấy bẩn, trừ khi đó là cuốn Kinh Thánh gí vào mũi các tín đồ Phúc âm để kiếm phiếu. Những vòi nước bằng vàng trong nhà ông ta nói rằng, chỉ một kẻ tôi đòi hạ lưu mới cần mấy thứ đó để tự chứng minh rằng mình bây giờ đã đổi đời, đã lên hạng quyền quý. Cách đối xử với phụ nữ cũng thế, không có gì để nói thêm. Việc Trump thường xuyên dối trá cũng vậy, tín đồ của ông ta thậm chí thích thú vì thấy ông ta cũng như mình.

Triết gia kết luận: Về cá nhân con người, khó có điều gì tích cực để nói về Trump, đó sẽ là một ca đi vào giáo trình trị liệu lâm sàng. Song về chính sách thì có vài điểm sáng. Thứ nhất, thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc, điều lẽ ra đã phải làm từ sớm hơn. Thứ hai, buộc các đồng minh châu Âu, nhất là Đức, phải tự lo hơn cho an ninh của bản thân và phải xúc tiến một chính sách ngoại giao riêng, độc lập hơn, rõ ràng hơn.

***

Từ lý giải của Sloterdijk, sức hấp dẫn của Trump không khác của các lãnh tụ cộng sản là bao. Họ cũng là thần tượng của một đám đông hôm trước còn là bần cố nông, hôm sau đã thành đội tiên phong cho một nhân loại tiến bộ. Những vòi nước bằng vàng của Trump không kém ô trọc hơn phòng khách vàng son của cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Chính sách, nhất là đường lối ngoại giao, của Mỹ có thể thay đổi theo các nhiệm kỳ tổng thống; cả Cộng hòa và Dân chủ đều đủ sức làm diều hâu hay bồ câu như nhau. Song khi sự ô trọc, vô học, hạ lưu ở đó lên ngôi và tiếp tục được cổ xúy thì nền dân chủ chỉ còn sức mê hoặc với những tồn tại nô lệ, những kiếp lừa.

Bài Mới Nhất
Search