T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 189)

 

clip_image002

Phát âm Việt ba miền

Người Trung (Bắc-Trung) phát giọng  hỏi và nặng giống nhau! Thí dụ như: Ăn ba chái thù đụ mà vẫn chưa đụ thì chừng nào mới đụ? Thôi đừng nói nữa … đụ zồi đụ zồi. Đây là cách viết các dấu,  phân biệt được người viết là người miền nào ngay lập tức!

(Từ điển nguồn gốc tiếng Việt – Nguyễn Hy Vọng)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là “phát âm khác biệt theo vùng” và “ngọng,” xét cho kỹ, là hai vấn đề khác nhau. Nói ngọng là đặc thù của địa phương, là chuyện bình thường. Không phải bất cứ ai sống trong một vùng có người nói ngọng thì họ cũng đương nhiên phải nói ngọng. Những ghi chép sau đây chỉ có tính cách tượng trưng điển hình, không phải là tuyệt đối.

Vùng Hải Hậu, Nam Định thì lại ngọng “tr, t” một cách khác:
“Con tâu tắng nằm cạnh gốc te tụi giữ tưa hè.”
(“Con trâu trắng nằm cạnh gốc tre trụi giữa trưa hè.”)

(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)

Chữ hàn lâm

Ngôn ngữ của tôi là thứ ngôn ngữ hơn năm chục năm về trước. Tôi nói:”Tôi đi nhà thương mổ mắt” nhưng bây giờ “người trong nước” nói:”Tôi đi bệnh viện làm phẫu thuật mắt”, nghe văn vẻ hơn khiến tôi có mặc cảm mình “quê một cục”!

Một cháu bé sáu tuổi về nói với mẹ:”Mẹ ơi, con có ảo ảnh, con biết chỉ có một cái cốc mà con nhìn thấy có hai cái”. Bây giờ ai ai cũng dùng những từ ngữ Hán Việt một cách rất chuẩn và rất tự nhiên như tiếng mẹ đẻ, xưa kia những từ ấy chỉ thấy trên sách báo của các nhà trí thức. “Hàn Lâm Viện” đã xuống đường!

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Câu chuyện “hội nhập”)

Trăng nước Hồ Tây

Phất phơ ngọn trúc trăng tà

Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương

Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ

Dựa theo Dương gia phả ký của dòng họ, tham khảo thêm Luận đề về Dương Khuê của Nguyễn Duy Diễn, tiến sĩ Dương Thiệu Tống đã chép lại nguyên văn bài thơ Hà Nội tức cảnh trong thiên khảo luận Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm.

Bấy giờ là tháng 4-1918, lần đầu Phạm Quỳnh được ghé chốn Thần Kinh và sau đó thực hiện liền bút ký Mười ngày ở Huế để kịp đăng trên tạp chí Nam Phong. Phạm Quỳnh viết: “Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca”.

Và ông đã sửa đổi hai câu đầu là:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương

Hai câu lục bát của Phạm Quỳnh chẳng mấy chốc đã hòa vào “kho tàng văn học dân gian”. Mức độ phổ biến trở nên sâu rộng, một phần nhờ thiên hạ đua nhau… tranh luận quanh hai địa danh vì chùa Thiên Mụ ở Huế mà huyện Thọ Xương ở Hà Nội”.

(PhanxipăngTừ một bài thơ ngắn)

Sụ sụ

Sụ sụ: to, choán nhiều chỗ

(to sụ sụ – áo tơi sụ sụ khách ngồi câu)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Con Nghê là con gì?

clip_image004
Trong đời sống của người dân Việt, hai con thú được coi như những người bạn thân thiết, gần gũi và quan trọng nhất là con trâu và con chó. Trâu để cầy ruộng, giúp sản xuất lúa gạo, chó để giữ nhà, phòng kẻ gian, phòng thú dữ. Đời sống thực tế có chó giữ nhà, còn đời sống tinh thần thì sao? Ông cha ta cũng cần một linh vật để chống lại các tà ma ác quỷ nữa chứ. Chó đá được dựng lên vì thế. Ở làng quê miền Bắc Việt Nam, trước cổng làng bao giờ cũng có một con chó đá để bảo vệ cả làng, trước cổng đình bao giờ cũng có chó đá, và trước cổng nhà hay ở ngoài đầu hồi, ngoài cửa nhà cũng thường có chó đá ngồi trước canh giữ cho gia chủ. Những con chó đá này hình dạng thay đổi, cao khoảng từ nửa thước tới một thước, thường là những tảng đá được khắc đẽo rõ ràng oai vệ, nhưng có khi chỉ là một khối đá đặt nghiêng theo dáng một con chó đang ở thế ngồi canh giữ. (Truyện cổ cũng thường nhắc đến chó đá, như chuyện “Cậu học trò và con chó đá”, chuyện “Hai anh em và con chó đá” – Xin đọc: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc,Truyện cổ nước Nam)
Vì linh thiêng như thế, nên được gọi là con Nghê.
Con Nghê còn được dùng để trang trí trong các ngôi đình cổ ở Việt Nam. Nghê được chạm trên cốn (xà ngang từ cột ra để đỡ xà dọc ở mái ngoài), hay được đạt trên đầu đao (sống mái chạy từ đỉnh nóc nhà xuống, cong lên như hình cây đại đao (mã tấu) nên gọi là đầu đao), như trên cốn đình làng An Hoà (Hà Nam), Phất Lộc (Thái Bình), cột đình làng Hội Thống (Hà Tĩnh) đầu đao đình làng Phù Lão (Bắc Giang), làng Trung Cần (Nghệ An), làng Tây Đằng (Sơn Tây).. chẳng hạn.

Con nghê là linh vật đặc biệt của văn hóa Việt Nam, con lân thuộc văn hóa Trung Hoa. Về hình dạng, con lân trông giống sư tử, mà có sừng, chân như chân trâu, thân hình tròn mập, có vẩy như vẩy rồng. Con nghê có kỳ mà không có sừng, mình thon nhỏ, chân như chân chó, dáng thanh, trông rõ ràng dáng chó chứ không tròn mập như dáng như sư tử, đuôi nghê dài, vắt ngược lên lưng, đuôi lân ngắn, xòe như cánh chim hay cuộn tròn như đuôi thỏ.

(Bùi Ngọc Tuấn – Con nghê, vật linh thuần Việt)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Đại điểm quần thần

Nguyễn văn Tâm được người Pháp cất nhắc làm quan lớn. Tâm lấy làm tự đắc lắm. Phú quí sinh lễ nghĩa, quan lớn nhà ta cũng muốn có bức hoành, trướng để trang trí. Có người dâng lên quan bốn chữ đại tự Đại Điểm Quần Thần, viết chân phương, rất đẹp và giải thích Quần thần là người bề tôi, Đại điểm là điểm lớn, ý nói quan lớn là người bề tôi có vị trí to lớn, quan trọng.

Quan thích thú treo bức liễn trong phòng khách; ai đến thăm quan cũng đem khoe và giải thích như trên. Ít lâu sau có người đến ngắm bức liễn, rồi xin quan lớn dẹp đi. Quan ngạc nhiên hỏi, người ấy giải thích: người viết liễn đã cố ý bỡn quan lớn, mà quan không biết. Bốn chữ trên dịch từng chữ: Đại điểmchấm to; Quần thầnbề tôi, nói theo kiểu nói lái là bầy tôi. Đại Điểm Quần ThầnChấm To Bầy Tôi nói lái lại là Chó Tâm Bồi Tây.

(Hòa Đa – Nói lái)

Nguồn gốc tộc Việt (9)

GS. Li Yin

Khuynh hướng 2: Đến năm 1999, một học giả khác người Trung Hoa, GS. Li Yin, đứng đầu một nhóm khoa học gia về di truyền học (Đại học Stanford) đã nghiên cứu cùng một vấn đề trên. Báo cáo của ông củng cố thuyết của ông Cavalli-Sforza mà còn chi tiết thêm thuyết con người có gốc duy nhất từ Phi Châu đã di cư đi các nơi khác qua ba đợt như sau:

Đợt 1: Từ Phi Châu đến Nam Á rồi xuống Châu Đại Dương.

Đợt 2: Từ Phi Châu đến Đông Nam Á qua ngả Nam Á; rồi từ Đông Nam Á chia hai ngả, một đến các hải đảo Thái Bình Dương, một ngược lên phía bắc đến Đông Á và Bắc Mỹ.

Đợt 3: Từ Phi Châu đến Tây và Trung Á rồi từ đó chia hai: một nhóm đi lên Âu Châu rồi qua Bắc Mỹ; một nhóm đi qua Nam Á và vào Bán đảo Ấn Độ. Kết quả về di truyền của GS. LiYin về sự di cư của người Phi Châu thực ra cũng không khác nhiều với thuyết di cư do các nhà nhân chủng học mà tiêu biểu là Charles Higham đã vẽ ra bản đồ từ năm 1996 (Li Yin & N. – Distribution of halotypes from a chrosmosomes 21 Region-distinguishes multiple prehistoric human migrations – Proc. of Natl. Acad. Sci. – USA, Vol. 96 pp. 3796-3800, 1999).

(Nguồn: Cung Đình Thanh)

Vật đổi sao dời

(vật hoán tinh di)

Thành ngữ dùng để chỉ sự thay đổi to lớn cảnh vật có nguồn gốc từ bài Đằng Vương cát nổi tiếng của Vương Bột:

Đằng Vương cao các lâm giang chử
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam phố vân
Chu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
Nhàn vân đạm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại ?
Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu.

(Gác Đằng Vương đứng cao ngất bên bờ sông, ngày nay không còn nghe tiếng tiếng ngọc vàng rung của những người ca vũ nữa, những cột lớn vẽ mây như mây Nam phố lúc buổi sáng, những bức rèm cuộn lên như những trận mưa chiều ở vùng núi Tây sơn. Bóng mây trên mặt đầm trôi đi mãi, vật đổi sao dời đã biết bao mùa thu rồi, các bậc vương tôn ngày xưa ở trong gác này giờ ở nơi đâu, ngoài hiên sông Trường giang cứ trôi đi).

Nếu suy ngẫm kỹ bài thơ này ta sẽ hiểu sâu sắc hơn thành ngữ trên, một thành ngữ gợi nhiều góc độ tâm trạng hoài cổ, bâng khuâng, thương tiếc một cái gì đẹp đẽ đã qua.

(Đào Thái Sơn – Một số thành ngữ từ những bài thơ độc đáo)

Nhớ món ngon Sài Gòn

Phở Quyền

Gần ngã tư Phú Nhuận có phở Quyền trên đường Võ Tánh, cách cổng phụ của Tổng tham mưu chừng 100 mét. Tôi thường ghé ăn nơi đây mỗi khi về trụ sở chính của Trường sinh ngữ trong Tổng tham mưu. Nước phở ở đây rất đậm đà, vị ngọt là của xương ống chứ không phải vì bột ngọt. Phở Quyền còn có cả món ‘tái sách tương gừng’ được xếp vào loại… trứ danh.

(Hồi ức một đời người – Nguyễn Ngọc Chinh)

Ta không phải là Tàu

Gần đây nhiều nhà nghiên cứu căn cứ vào chỉ số sọ, di truyền, ngôn ngữ để đi đến kết luận rằng những nước Đông Nam Á mới là cái nôi của loài người. (Xin đọc thêm cuốn Eden in the East, The Drowned Continent of Southeast Asia của Stephen Oppenheimer). Như thế có nghĩa rằng ta không phải từ Tàu đến. Tôi không phải nhà nghiên cứu, không biết gì về chỉ số sọ hoặc di truyền học, nhưng khi suy gẫm đôi chút về tiếng nói (hoặc ngôn ngữ) hằng ngày của ta, tôi cũng phải kết luận rằng gốc của ta không phải là Tàu.

– Trước hết, một điểm ngữ pháp sơ đẳng sau đây chứng tỏ ta hoàn toàn khác Tàu. Ta, tiếng bổ nghĩa đi sau tiếng được bổ nghĩa. Chẳng hạn: áo xanh, sông dài, gió thu. Trong khi tiếng Hán Việt: thanh y, trường giang, thu phong.

– Những số đếm ngay từ thời xa xưa. Từ số hàng đơn vị đến số hàng ngàn, không có số nào là tiếng Hán Việt cả. Lớn hơn số hàng ngàn, có lẽ thời xưa đó chưa thấy cần chăng nên chưa đặt ra, do đó về sau mới có chữ vạn vốn xuất phát từ tiếng Tàu.

– Đối với những bộ phận trên thân thể người ta, theo Võ Phiến, những gì dễ thấy, thường gặp bên ngoài, đều được đặt tên bằng tiếng Việt, thí dụ mặt, mũi, miệng, tóc, tai, tay, chân, bụng v.v...; những gì nằm bên trong, vì thời xa xưa ấy ta còn kém về y lý, ít gặp, ít thấy nên không đặt thành tên, do đó về sau phải bắt chước Tàu đặt tên như tim (tâm), gan (can), phổi (phế) …

(Ngự Thuyết – Dòng dõi người Việt gốc Hoa?)

Người đầu sông kẻ cuối sông

Thành ngữ này dùng để chỉ sự cách trở xa xôi của hai người và có nguồn gốc từ một bài thơ tương truyền là của Lý Sanh, một người con trai đời nhà Châu, yêu người con gái là Dương Y, sau đó phải xa nhau.
Nhân đạo Tương Giang thâm

Vị để tương tư bạn
Giang thâm chung hữu để
Tương tư vô biên ngạn
Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang vỹ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủy

(người bảo sông Tương sâu, nhưng chưa sâu bằng lòng thương nhớ, sông sâu còn có đáy, lòng thương nhớ thì không có bến bờ, chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương, nhớ nhau mà không thấy nhau, cùng uống nước sông Tương).

Thành ngữ này chẳng những chỉ sự cách trở bởi không gian mà còn nói  lên được cái hoàn cảnh trớ trêu của hai kẻ yêu nhau mà phải xa nhau vì một lý do nào đó, một nỗi ưu hoài vạn kiếp của thế thái nhân sinh.

(Đào Thái Sơn – Một số thành ngữ từ những bài thơ độc đáo)

Từ họ Lý ra họ Nguyễn

Tháng tư năm nhâm thìn (1232), nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần, ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ đưa ra biện pháp quyết liệt là buộc con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.

Gần cuối năm nhâm thìn (1232), tôn thất nhà Lý tập trung làm lễ tế tổ tiên ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm (nay thuộc Bắc Ninh). Trần Thủ Độ cho làm nhà tế lễ bằng tre lá trên một cái hầm, khi con cháu nhà Lý tập trung hành lễ, Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống hết con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề làm cho Trần Thủ Độ lo lắng bấy lâu nay. Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không còn dám về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và họ thay tên đổi họ sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt.

(Trần Gia Phụng – Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search