T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TRẦN THỊ HỒNG CHÂU: TÌM TÂM Ý TRONG THƠ

Phong Lan – Tranh: Mai Tâm

 

(Cảm nhận khi đọc bài thơ HOA NHÀI của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến)

Để cảm nhận được TÂM Ý mà tác giả muốn gửi gắm vào thơ thật không hề dễ chút nào! Rõ ràng mình vừa nhận ra ý bài thơ là thế này, định chia sẻ với bạn đọc. Vậy mà khi đọc được những cảm nhận của mọi người thì lại ra ý khác. Nhiều cảm nhận đâu có phải là lèng èng. Nó là của những nhà thơ, nhà văn, nhà bình luận… Cảm nhận của họ đã làm cho bài thơ được cất cánh, làm cho bạn đọc hiểu sâu thêm về mọi khía cạnh chìm, nổi trong bài thơ. Lý lẽ của họ có sức thuyết phục được rất nhiều bạn đọc và xoay chuyển được cả cảm nhận chớp nhoáng của tôi về bài thơ đang định vung ra, lại đành thu hồi, hạ bút…

Vì điều này mà tôi không những chỉ mê đọc thơ mà còn rất rất ghiền đọc tất cả những câu COM, bài BÌNH, bàì CẢM… cho thơ. Không những để tôi hiểu sâu hơn về bài thơ, mà còn cân, đo, đong, đếm xem bản thân còn sức cảm thụ được bao nhiêu.

Bữa qua đọc được bài thơ HOA NHÀI của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến. Bài thơ đã làm hỉ, nộ, ái, ố trong tôi nhảy ra khua khoắng, hành hạ… Tôi định viết ra như mọi khi để được trở lại trạng thái tĩnh lặng, thi lại đọc được hai bài cảm nhận thật là hay của Mai An Nguyễn Anh Tuấn và Vũ thị Hương Mai thế là lại mất tự tin, lại thấy đầu óc mình già nua cổ hủ không còn nhiều xúc cảm để thẩm thấu thơ…

Nhưng rồi Hương Mai lại khích lệ – cô muốn biết cảm nhận của tôi như thế nào?

Ừ thì cứ viết ra! Chắc anh chàng nhà thơ Đặng Xuân Xuyến này chả cưới bà già này đã đem bài thơ ra mà cấu xé đâu.

HOA NHÀI

– Mến tặng H.H.Ph –

 

Lần đầu đến thăm tôi

Cô mang theo một đóa hoa nhài

Hoa bình dị

Tôi mỉm cười

Nhìn mây bay

Hờ hững.

 

Rồi lần sau

Cả những lần sau

Cô không mang thay đổi sắc màu

Vẫn bình dị những đóa nhài nho nhỏ

Và tôi cười

Hờ hững ngó mây trôi.

 

Rồi một chiều cô không đến thăm tôi

Một ngày đông hoa nhài không nở

Tôi ngơ ngẩn bên thiếp hồng để ngỏ

Ngó mây trời tôi đếm bâng quơ

Tôi trách cô vội bước sang đò

Không thương nhớ những cánh nhài nho nhỏ

Thấm trong tôi hương nhài nỗi nhớ

Tôi trách mình hờ hững ngó mây trôi.

*

Đại học Văn Hóa Hà Nội 1990

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

(in trong tập CƯỠNG XUÂN ; Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2017)

Vừa đọc xong bài thơ, trong đầu tôi đã nghĩ ngay – Úi dà dà!!! TÂM Ý của anh chàng nhà thơ Đặng Xuân Xuyến là muốn nói về THÁI ĐỘ ĐÓN NHẬN TÌNH CẢM NÓI CHUNG VÀ TÌNH YÊU NÓI RIÊNG CỦA CON NGƯỜI VỚI NHAU TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY đây mà! Thế là tôi hết suy, lại diễn…

Bằng thủ pháp hoán dụ, ẩn dụ nhà thơ rất khéo léo chọn lọc 2 hình ảnh rất điển hình để dàn trải cho TÂM Ý mình, là cô gái thì MANG HOA NHÀI. Chàng trai thì NHÌN MÂY.

HOA NHÀI nhỏ bé, bình dị không hề có độc tính… Hương thơm của nó bền lâu ngay cả khi đã khô héo. Khi ta ngửi mùi thơm lại rất dễ chịu làm dịu sự căng thẳng cho trí não. Từ ngàn xưa ông cha ta đã biết được tác dụng này mà đem ướp vào trà để uống, phơi khô cho vào túi để dưới gối, đeo bên mình…

Hình ảnh hoa nhài trong bài thơ có thể là thực: Thực là thường ngày cô gái sống, cô làm quen với mọi người rất đơn sơ không hào nhoáng và ngay cả khi cô đến để trao cho chàng trai tình yêu của mình cô cũng chỉ gắn một bông hoa nhài trên tóc, trên áo thay cho đồ trang sức bằng vàng, bạc, kim cương… lấy hương nhài thoang thoảng, tinh khiết thay cho nước hoa mùi thơm sực nức mà bao cô gái khác thường dùng.

Lần đầu đến thăm tôi

Cô mang theo một đóa hoa nhài

Hoa bình dị

Hoa nhài cũng là hình ảnh hoán dụ cho hình thức, tính cách, tâm hồn cô gái…

Rồi lần sau

Cả những lần sau

Cô không mang thay đổi sắc màu

Vẫn bình dị những đóa nhài nho nhỏ

Cô gái như bông hoa nhài hiền dịu, thanh cao… Cô đem đến cho người đàn ông cô yêu hương thơm ngọt ngào, êm dịu… Cô điển hình cho những con người BÌNH DỊ

MÂY luôn ở trên cao khó với, dễ biến đổi… hình ảnh mây ở đây ẩn dụ cho tình yêu mà chàng trai luôn tìm kiếm.

Và tôi đã suy diễn theo thủ pháp sắp xếp từ ngữ mà tác giả Đặng Xuân Xuyến đã dùng để phán xét về thái độ đón nhận của chàng trai khi cô gái đem sự BÌNH DỊ đến như thế nào?

Lần đầu đến thăm tôi

Cô mang theo một đóa hoa nhài

Hoa bình dị

Tôi mỉm cười

Nhìn mây bay

Hờ hững.

Mới làm quen, thấy cô gái bình dị cái mỉm cười của chàng cũng chỉ là xã giao. Thái độ hờ hững chưa bộc lộ ngay. Chàng còn nhìn, còn theo dõi tình cảm của cô gái trao cho chàng… Khổ thơ đầu từ “hờ hững” ngắt xuống dòng sau hình ảnh “nhìn mây bay”.

Rồi lần sau

Cả những lần sau

Cô không mang thay đổi sắc màu

Vẫn bình dị những đóa nhài nho nhỏ

Và tôi cười

Hờ hững ngó mây trôi.

Suy diễn đến khổ thứ 2 thực sự xúc cảm trong tôi trào dâng mạnh. Thương, quá thương! Ghét, rất ghét!

Thương cho người con gái đã trao nhầm tình cảm. Cô bền bỉ yêu, luôn đem đến những điều tốt lành cho chàng trai…

Còn chàng trai đã không nhận biết được đâu là tình cảm chân thành, tốt đẹp… còn cưới ra tiếng, cưới nhạo báng, tỏ thái độ hững hờ ngay, chối bỏ tình cảm của cô… ở khổ này từ “hững hờ ” trước và dính liền với hình ảnh “ngó mây trôi”

Và rồi cái giá tất yếu phải trả cho thái độ hờ hững đó là gì? Hãy xem anh ta than thở trong sự nuối tiếc

Rồi một chiều cô không đến thăm tôi

Một ngày đông hoa nhài không nở

Tôi ngơ ngẩn bên thiếp hồng để ngỏ

Ngó mây trời tôi đếm bâng quơ

Tôi trách cô vội bước sang đò

Không thương nhớ những cánh nhài nho nhỏ

Thấm trong tôi hương nhài nỗi nhớ

Tôi trách mình hờ hững ngó mây trôi.

Vậy đó! Lỗi lầm của chúng ta trong cuộc sống thường là không nhận biết được ngay giá trị thật của tình cảm. Chỉ đến khi mất rồi mới thấy nó đẹp, nó tốt… thể nào?. Để rồi thương nhớ, tiếc nuối…

Bài thơ là một bài học có mang chút tính triết lý nhưng không cứng ngắc. Nó cũng như một bông hoa nhài nho nhỏ thơm ngát mà TÂM Ý của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến trao cho đời.

Xin giới thiệu đến bạn đọc!

*.

Đức Quốc, 02 tháng 11/2020

TRẦN THỊ HỒNG CHÂU

 

Bài Mới Nhất
Search