T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Vũ Khanh: ĐỌC VÀ CẢM NHẬN “HOA CẢI ĐÂU RỒI” CỦA CỐ NHÀ THƠ NGUYỄN MINH PHÚC

Ảnh (Internet)

   Tôi không còn nhớ rõ, mình đã trở thành bạn thơ của Nguyễn Minh Phúc ( NMP) tự bao giờ. Chỉ biết rằng mấy năm gần đây tôi và anh luôn đồng hành và đồng cảm với nhau trong những bài viết trên mạng cộng đồng…chúng tôi từ xa xôi dần quen nhau và dần thân thiết.

NMP là một cây viết đầy nội lực, thơ anh tựa như ngọn gió lành thổi vào tâm hồn của nhiều đọc giả. Ở cái tuổi đời đủ nhiều chiêm nghiệm, đủ bút lực, thế mà…anh đã đột ngột vĩnh viễn “ra đi”.

Mới có hơn một tuần trăng, kể từ hôm NMP đi về bên kia thế giới, nay tôi gặp lại bài thơ HOA CẢI ĐÂU RỒI được cô Mỹ Hạnh tái hiện lại trên trang mạng…nó khơi dậy dòng cảm xúc trong tôi với người bạn thơ quá cố. Đêm nay, dù đã muộn rồi nhưng tôi vẫn cố thức, viết một đôi dòng cảm nhận về bài thơ của NMP mà tôi vừa đọc…như là nén tâm nhang gửi dâng anh về bên kia thế giới…

Tôi chưa rõ Nguyễn Minh Phúc viết bài thơ HOA CẢI ĐÂU RỒI vào thời điểm nào, nhưng điều mà tôi biết rõ đó là những cảm xúc rất thật của anh, của người con xa xứ, giành cho mẹ yêu thương của mình.

Trước hết PVK xin nói một ít về cái tên của bài viết “Hoa Cải đâu rồi”. Đối với một người làm thơ dầy dạn như NMP thì ngay việc lấy tên bài viết cho mình luôn có chủ định, có lựa chọn… Hình ảnh của màu vàng hoa cải thật sự gần gũi và dung dị với nhiều làng quê Việt, thế nên khi nghe nhắc đến hai từ hoa cải là ta đã nghe thấy có sự gần gũi và thân thiện, nhưng khi nó kết với hai từ sau đó nữa, lại tạo cho ta thêm một chút tò mò… Theo tôi đó là một lối mở khá đẹp cho bài viết sau đó của anh.

   “Xa quê mấy năm biền biệt 

   Bóng thời gian trôi lặng lẽ, chưa về. 

   Ôi nhớ quá tuổi tôi còn thơ bé

   Hoa Cải vàng, vàng rực bến sông quê.”

Thơ Nguyễn Minh Phúc cứ chân chất và dung dị. Nó dung dị như chính con người anh và cuộc đời anh. Ở khổ thơ đầu này, ta không khó để nhận ra đó là một phần của làng quê, nơi anh đã từng sinh ra và lớn lên,còn đầy ắp những kỷ niệm của tuổi thơ.

Đã nhiều năm xa quê, xa con sông nhỏ chảy quanh làng, bên bờ sông mỗi năm một lần được nhuộm vàng màu hoa cải, thương cái gốc nhà quen, có bóng mẹ hiền mỏi mòn mong ngóng… nỗi lòng yêu quê sau tháng năm biền biệt, nhiều lúc anh chỉ biết nhìn bóng thời gian lặng lẽ trôi…

Cái thời của chúng tôi, của NMP lúc ấy còn khó khăn nhiều lắm, thiếu thốn đủ điều. Mỗi lần về thăm nhà thường phải mất mấy ngày đường, chứ đâu như bây giờ. Bởi vậy mà những người con xa quê ngày đó không có cách nào khác là phải kiên nhẫn chịu đựng, để nỗi nhớ cứ trỗi lên ” ôi nhớ quá tuổi tôi thời thơ bé” ” hoa cải vàng,vàng rực bến sông quê”.

Và rồi:

Nỗi nhớ đầy như màu nắng trên đê

   Trôi tha thiết bên bờ sông thơ dại. 

   Có gì đâu cái màu vàng hoa cải 

   Mà tương tư say một thuở bên trời”.

Không chỉ ở bài viết này, thơ NMP có nét rất riêng, ngôn từ cũng không hề xa lạ, mà vẫn rất chất chứa, đủ để thuyết phục người đọc “Nỗi nhớ đầy như màu nắng trên đê…” “Có gì đâu cái màu vàng hoa cải. Mà tương tư say một thuở bên trời.” Đó là cái hay trong thơ NMP.

Tiếp:

“Dáng mẹ ngồi hiên cửa bóng chơi vơi

   Hoa Cải cao và mây chùng xuống thấp.

   Ơi ký ức của một thời xa tắp 

   Sao mà thương mà nhớ mấy cho vừa.”

 Chỉ cần nhè nhẹ vậy thôi,và xin cứ êm đềm như thế. Trong thơ NMP rất ít thấy cao trào mà vẫn đầy cảm xúc. Hình ảnh mẹ anh ngồi chơi vơi trước cửa, làm trào dâng ký ức của một thời xa tắp. Để rồi anh thương, anh nhớ, nhớ thương đến mấy cho vừa…

Và…đây nữa:

“Mơ một ngày quay ngược bến sông xưa

   Vẫn còn mẹ và màu vàng hoa cải

   Nỗi nhớ chênh chao buổi chiều trở lại 

   Hoa vàng đây, mà bóng mẹ đâu rồi.”

 Ước mơ ấy của anh thật chính đáng, thật bình dị…

Trong nhân gian, trong thi ca…đã có vô số bài viết về mẹ, có vô số người viết về mẹ. Tôi đã gặp nhiều bài viết khá hay đến rất hay, thế mà giờ đây tôi phải lắng lòng lại trước bài thơ “Hoa Cải đâu rồi ” của NMP. Tôi có cảm nhận, cả đời anh, anh mãi đi tìm bóng hình của mẹ và hình bóng của quê nhà…khi trái tim của người con xa xứ nhiều lần được nhuốm vàng bởi màu hoa cải thương quen.

Phạm Vũ Khanh

  11/2020

 

Bài Mới Nhất
Search