T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 190)

clip_image002

Chữ nghĩa làng văn

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thơ Nôm để chuyển sang văn học quốc ngữ đã xuất hiện hai gương mặt thơ tiêu biểu là Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Họ cùng thời và đồng hương nhưng thế giới các cảnh quan và tâm trạng trong thơ họ rất khác nhau.

Nguyễn Khuyến, đó là sự tĩnh lặng làng quê; còn Tú Xương trong huyên náo kẻ chợ. Kể cũng hơi lạ. Bình Lục của Nguyễn Khuyến chỉ cách Nam Ðịnh nơi có phố hàng Nâu của Tú Xương vài mươi cây số, thế mà thế giới thơ của ông sao hiu hắt thế. Tú Xương chưa phải làm câu đối khóc vợ như Nguyễn Khuyến:

Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.

(Hai bà vợ trong thơ Nôm – Phong Lê)

Nguồn gốc tộc Việt (7)

GS. Chu

Chi tiết về báo cáo khoa học của GS. Chu và các đồng nghiệp có ba điểm căn cốt như sau:

Điểm thứ nhất:

Công trình khảo cứu của GS.Chu phủ nhận người Trung Hoa đã tự sinh ra và phát triển độc lập trên đất Trung Hoa như nhiều nhà khảo cổ trước đây đã chủ trương đồng thời khẳng định gốc gác của người Trung Hoa từ Đông Nam Á di lên.

[Trích Báo cáo GS. Chu:

“Nervetheless, genetic evidence does not support an independence origin of Homo-Sapiens in China. The phylogeny also suggested that it is more likely that ancestor of the populations currently residing in East China entered from Southeast Asia”].

Điểm thứ hai:

Người từ Đông Nam Á di lên đó cũng không hẳn tự phát sinh ở Đông Nam Á mà họ đã đến từ Phi Châu qua ngả Nam Á.

[Trích Báo cáo GS. Chu:

“In both phylogenies with different loci and populations from East Asia always derived from a single lineage, indicating the single origin of those populations … It is now propably safe to conclude that modern humans originating in Africa constitute the majority of the current gene pool in East Asia”].

Điểm thứ ba:

Và, sau khi phối kiểm với kết quả của khảo cổ học như việc đo đạc xương cốt sọ mặt … GS. Chu kết luận riêng người phương Bắc Trung Hoa sau khi đã từ Đông Nam Á di lên sau lại lai giống với người từ Trung Á và Âu Châu di cư đến. (Có lẽ đây là tổ tiên của người Hoa Hán lập nên nhà Thương – Người viết ghi thêm).

[Trích Báo cáo GS. Chu:

“The northern populations were under strong genetic influences from ALTAIC populaitons from the North. But it is unclear how Altaic populations migrated to Northeast Asia. It is possible that ancestral Altaic pop. arrived there from middle Asia, or alternatively they may have originated from East Asia”. và: “Therefore, it is likely that ancestors of Altaic speaking people originated from an East Asia population that was originally derived from South Asia, although the current Altaic-speaking populations undeniably admixed with later arrivers from mid-Asia and Europe”].

(Nguồn: Cung Đình Thanh)

Ghế và bàn

Tôi ghé lại một tiệm nước Tàu ở Chợ Lớn để giải khát, loại tiệm mà họ đề bảng hiệu là “Trà Gia”. Tôi gọi một bình trà. Thế là ông chủ hiệu hô to lên cho hầu xáng bưng bình trà ra cho tôi. Ông ta nói bằng tiếng Quảng Đông: “Một bình trà cho kỷ xà hướng đông”.

Sao lại là ghế trà hở trời ? Không lẽ họ dám vô lễ đặt bình trà cho khách trên một chiếc ghế ? Còn cái bàn, trước mặt tôi thì để làm gì kia chớ ? Lúc anh hầu xáng bưng bình trà lại, để lên bàn, tôi hỏi anh ta:

– Kỷ xà là gì ?

– Là bàn dùng để bình trà. Cái bàn trước mặt thầy đó !

– Vậy kỷ là bàn, chớ không phải là ghế ?

– Dạ, kỷ là bàn.

– Sao người Việt Nam chúng tôi gọi cái ghế dài là trường kỷ ?

Anh hầu xáng cười rồi đáp:

– Ai biết đâu. Chừng nào chính tôi gọi như vậy thì mới là kỳ đó, mới là đáng hỏi. Các ông khác nước, khác tiếng với chúng tôi, các ông dùng tiếng Tàu cách nào, chúng tôi đâu có biết được.

(Học lại chữ Tàu – Bình Nguyên Lộc)

Truyện chớp – Trò chơi

Trước mặt tôi là quả địa cầu. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy biển và những tảng băng ở hai đầu địa cực. Cách quả địa cầu chừng một gang tay có những lớp mây dày bao phủ và lặng lờ trôi. Tôi dùng một cái kính lúp soi kỹ vào từng quốc gia để thấy rõ hơn núi đồi và những dòng suối. Lâu lâu tôi hà hơi vào địa cực cho băng tan làm mực nước biển dâng lên cho vui mắt. Rồi tôi dùng hai ngón tay tách cho đất nứt ra làm thành những cơn động đất. Dùng một kính hiển vi điện tử siêu mạnh, tôi soi khắp bề mặt địa cầu để thấy người lố nhố và xe cộ ngược xuôi. Tôi lấy mũi kim chạm vào mấy chiếc xe gây tai nạn, thọc ngón tay xuống biển rồi quay quay cho giông bão nổi khắp trời. Nhưng có những ngày tôi rất mệt. Tôi chỉ ngồi yên và ngắm quả địa cầu xem mây bay nước chảy…

Chắc bạn đoán ra tôi là ai rồi phải không? Chúc mừng bạn. Bạn đã đoán đúng rồi đấy.

Triết lý củ khoai

Tôi (Tràm Cà Mau) cứ yên chí là hạnh phúc không có thật trên đời nầy, và không tội gì uổng công tìm kiếm. Dù sách vở, thơ văn, có nói nhiều đến hạnh phúc, tôi e rằng đó là chuyện mơ mộng hão huyền,  chuyện bánh vẽ  của những người chuyên làm thơ văn. Nhưng khi lớn lên, được đọc kinh Phật, kinh Thánh, và nhiều sách triết lý Âu Á như Khổng, Lão, Chu… và luôn cả kinh Koran và kinh đạo Bahai nữa,thì  tôi tìm cho tôi được một triết lý đơn sơ, mộc mạc, là cái món hổ lốn vắt ra từ tinh túy của các triết lý khác.

Tôi tạm gọi là “Triết lý củ khoai”. Vì nó đơn sơ như củ khoai, rẻ tiền, mộc mạc, và dễ tìm thấy như củ khoai trong đời nầy. Triết lý đó được đơm gọn lại trong một câu ngắn ngủi: “Nếu chỉ có một củ khoai thôi, thì hãy nướng nó cho thật thơm mà đớp”.

Ý nghĩa của câu đó cũ mèm, hình như ai cũng biết, và có nhiều câu nói tương tự. Cái triết lý đơn giản nầy giúp tôi thấy được rằng, hạnh phúc là cái rất cụ thể, rất gần gủi, bất cứ ai, và bất cứ lúc nào, cũng có thể tìm được hạnh phúc rất dễ dàng. Ai cho rằng hạnh phúc là cái xa vời, thì vì họ chưa nắm hết phần tinh túy của các triết lý khác, hoặc chưa từng nghe một phần của triết lý củ khoai. Nhiều sách vở khác cũng có nói đến, nhưng người đọc vô tình hoặc cố ý làm ngơ, hoặc biết rất rõ nhưng chẳng bao giờ thực hành.

(Tràm Cà Mau)

Sè sè

Sè sè: rất thấp

(sè sè nấm đất bên đường)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Thổ thần

Người ta thường thấy giữa đồng ruộng bắc Việt nổi lên một cái gò, cái đống đất, bên trên có một gốc cây cổ thụ che một cái bệ xây gạch gọi là cái án. Dân quê xung quanh đấy thường đem lễ vật hương hoa đến lễ bái, vì đấy là một cái án thờ Thổ thần.

Những thổ thần ngự trên cây thiêng ở một cái gò chỉ hành động trông coi ruộng đất mùa màng của một làng, cho nên trong một làng thường có nhiều án thờ thổ thần, không phải để cúng riêng thổ thần mà còn để tống tiễn chúng sinh gồm các vong linh có hồn không có thừa tự, của kẻ chết đường, chết chợ, xa cửa xa nhà, không nơi nương tựa.

Thương thay thập loại chúng sinh,

Phách đơn, hồn chiếc, linh đinh quê người.

Hương khói đã không nơi nương tựa,

Phận mồ côi lần lữa đêm đêm.

(Nguyễn Du – Văn tế thập loại chúng sinh)

(Tục thờ cây ở Việt Nam – Nguyễn Đăng Thục)

Rượu…ngoại truyện

Báo Journal Science vừa công bố kết quả một cuộc nghiên cứu với hàng trăm con ruồi.

Họ bắt  một con ruồi cái vừa mới làm tình xong, bỏ vào một chai đựng. Sau đó họ bắt một con ruồi đực bỏ chung vào với con ruồi cái rồi theo dõi hành động của hai con ruồi. Con ruồi đực muốn ân ái nhưng con ruồi cái, vì vừa mới làm tình xong, mệt mỏi nên không muốn ân ái một tí nào nữa. Nó bay chỗ khác khi con ruồi đực bay đuổi theo. Nếu nó bị con ruồi đực bắt thì nó đá chống cự, hoặc chìa bộ phận đẻ trứng của nó cho con ruồi đực hoảng không đến gần nữa.

1 – Họ làm thí nghiệm này với những con ruồi đực trong bốn ngày liên tiếp, mỗi ngày ba tiếng đồng hồ, và hằng ngày sau mỗi lần thử nghiệm, con ruồi đực bị con ruồi cái không cho sơ múi gì cả.

Sau ngày thứ tư, họ cho con ruồi đực vào một lọ riêng, cho nó được lựa chọn hai thứ thức ăn, một là thức ăn thường, và hai là thức ăn có tẩm rượu thì con ruồi đực (bị con ruồi cái không cho làm tình) lúc nào cũng chọn thức ăn có rượu. Nhiều con “nhậu” cho đến xỉn luôn.

2 – Họ làm tiếp cuộc thử nghiệm, di chuyển những con ruồi không được làm tình  trong bốn ngày này vào chai có ruồi cái vui lòng làm tình. Sau khi ân ái thì những con ruồi đực này chọn thức ăn không rượu thay vì có rượu.

3 – Họ làm thêm thử nghiệm bỏ những con ruồi đực vào chung lọ với những con ruồi cái đã bị chết. Không được làm tình, những con ruồi đực này cũng chọn thức ăn có tẩm rượu thay vì thức ăn thường.

Nghiên cứu thêm nữa, các nhà nghiên cứu khám phá trong óc của con ruồi có một chất gọi là NPF. Họ suy luận là khi làm tình, con ruồi đực thoải mái,  làm kích động và tăng trưởng  chất NPF nên làm nó cảm thấy sung sướng.

Ngược lại, nếu nó không làm tình thì bị thiếu chất NPF nên nó phải tìm những hoạt động khác như là uống rượu để kích động chất trong não bộ này. Ông Ulrike Heberlein, Đại học University of California, San Francisco, người hướng dẫn cuộc nghiên cứu,  tuyên bố là phản ứng của đàn ông cũng không khác gì những con ruồi đực:

“Chúng ta bây giờ hiểu tại sao nếu bị phụ nữ không cho làm tình, đàn ông sẽ giải sầu trong ly rượu”.

Đọc xong bài nghiên cứu này, bây giờ tôi mới hiểu tại sao đàn ông Việt Nam thích nhậu.

(Nguyễn Tài Ngọc)

Nhớ món ngon Sài Gòn

Phở Hoà

Trên đường Pasteur có Phở Hòa, khá nổi tiếng. Ban đầu, lúc khai trương năm 1960, tiệm phở này mang tên Hòa Lộc. Có lẽ sau này khách ăn cứ gọi tắt là Hòa nên Hòa Lộc biến thành Hòa theo kiểu gọi tên một chữ cho dễ nhớ thường thấy ở các tiệm phở (?).

Phở Hòa chỉ chuyên loại phở bò, nếu vào đây mà tìm tô phở gà thì không có. Khách phải chịu khó ra đường Hiền Vương, đến tiệm Hương Bình, “chuyên trị” phở gà.

(Hồi ức một đời người – Nguyễn Ngọc Chính)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Vua Tự Đức

Tự Ðức, một buổi chiều nhàn rỗi, bảo các quan lấy giấy bút, rồi đọc cho chép một bài thơ:

Tiêu hà tá hán khởi ư phong

Sấn nhập trùng vi nhiễu trướng trung

Bất luận huân tiêu phàn khoái lực,

Hốt văn hàn tín tự tiêu không.

Các quan ai nấy đều hiểu là Tiêu Hà giúp nhà Hán ở đất Phong Bái, không dùng tới sức mạnh của Phàn Khoái, chỉ cần ở tài Hàn Tín là nên việc. Có ngờ đâu bài thơ này tả con muỗi: Tiêu hà có nghĩa là tàu chuối, lá sen. Phong là gió, Hán là nó. Hàn tín là tin lạnh. Phàn khoái là hun đốt.

Theo chữ vua dùng, thì bài thơ có thể dịch như sau:

Bẹ chuối đài sen nổi cánh vung,

Bay vào màn trướng quấy lung tung.

Chẳng cần phải tốn công hun đốt,

Tin lạnh vừa đưa tẩu tán cùng.

Giả sử nhà vua biết hiểu thời vụ như sành văn chương, thì đâu đến nỗi sau này phải ta thán:

Võ tướng tiêu sầu duy hữu tửu,

Văn thần thoái lỗ cánh vô thi.

(Quan võ chỉ biết uống rượu giải buồn, còn quan văn, đến làm thơ đuổi giặc cũng không làm nổi!)

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc: Giai thoại làng nho)

Đồng dao, đồng diêu (3)

Một bài đồng dao khác được phổ nhạc là Thằng Bờm:

Thằng Bờm có cái quạt mo/ phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu/ phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè/ phú ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim/ phú ông xin đổi một đôi chim mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi…  Bờm cười!!!

 

(Trần thị Lai Hồng – Đồng dao và trò chơi trẻ con)

Khắc 2
Đêm thu khắc lậu canh tàn

Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương

(Kiều)

Xưa người ta dùng thủy lậu hay khắc lậu. Thúy lậu là nước giọt, khắc lậu là giọt thành khắc. Nước gịot từ cái vòi xuống bể nước, nước dâng từ mức này đến mức kia, từ khắc này đến khắc nọ, để phân chia thời gian một cách rõ ràng

(Việt Nam anh hoa – Thái Văn Kiểm)

Lục bát dân gian (2)

Về cách gieo vần Lục bát dân gian cũng có 2 dạng biến thể. Dạng biến thể vần bằng thì thay đổi vị trí chữ mang vần của câu tám từ chữ thứ 6 lên chữ thứ 4. Ở vị trí này, chữ mang vần nhất thiết phải mang thanh huyền (trầm bình thanh) và để tương thích với nó các chữ thứ 8 bắt buộc phải mang thanh không dấu (phù bình thanh). Dạng biến thể này khá phổ biến trong Lục bát dân gian:

Con cò mà đi ăn đêm
Đỗ phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông sẽ sáo măng.

(Nguồn: Đỗ Đình Tuân)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search