T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Những cánh chim giấy

(Nguồn: Sáng Tạo)

Ngô Nguyên Dũng

Cửa tiệm bán dụng cụ học sinh và văn phòng nằm ở đường Trần văn Thạch (*), giáp ranh hai đường Trần Quang Khải và Trần Khắc Chân miệt Tân Định, tuy nhỏ nhưng sạch sẽ và bày biện ngăn nắp. Chủ tiệm người gốc Hoa. Tiệm có tên Thế Giới. Ngay cửa, lúc nào cũng mở toang, bên phải, có dựng một tủ kiếng lau chùi sáng loáng, thấy trưng bày tập vở học trò, viết máy, những vật dụng học sinh lỉnh kỉnh, và nhiều bộ tem thư nước ngoài.

Thuở ấy, giữa thập niên một chín sáu mươi, tôi đã đến tuổi được phép đi học một mình bằng xe gắn máy. Những sáng thứ năm, thời trung học đệ nhất cấp tại trung học tư thục Nguyễn Bá Tòng, chỉ phải học hai tiếng. Trong khi các bạn theo Ky-tô giáo phải ở lại học thêm giờ giáo lý, tôi được ra về thơ thới, hân hoan. Sáng Sài gòn, vào giờ ấy, không còn kẹt xe. Nắng ngày chỉ mới e ấp nóng. Vào những tháng cuối và đầu năm, thời tiết dịu mát, khoan thai bắt đầu một ngày mới. Trước khi về nhà, tôi thường ghé ngang tiệm, dán mắt chiêm ngưỡng những bộ tem trưng bày trong tủ kiếng. Thấy bộ nào ưng ý, tôi xem bảng giá viết bằng tay bên cạnh và nhẩm đếm số tiền nằm trong túi. Thường thì không đủ. Tôi ra về, thầm tiếc rẻ và nhủ lòng sẽ dành dụm để mua cho bằng được.

Cũng như nhiều bạn học của tôi lúc ấy, tôi có sở thích sưu tầm tem.

Ba tôi, thuở trước, cũng vậy. Ông còn giữ một tập tem khổ lớn, bìa cứng màu xanh lá cây. Giấy bên trong dày, vàng nhạt, mỗi tờ đều được lót giấy lụa mỏng. Về sau, tập tem được ông trao cho anh Ba tôi. Anh đem cất trong tủ riêng, chỗ anh lưu giữ những xấp thư kết bạn bốn phương.

Thỉnh thoảng, không có anh ở nhà, tôi rón rén mở tủ, lấy tập tem của ba ra xem. Tim tôi rộn rã. Tay tôi lần mở từng trang, từng trang một. Hai mắt tôi mở lớn. Toàn những bộ tem Việt nam thời trước. Bộ vua Bảo Đại, hoàng tử Bảo Long, hoàng hậu Nam Phương, kỷ niệm năm di cư 1954. Và bộ tem tổng thống Ngô Đình Diệm, mười hai con.

Đẹp, quá đẹp và quý giá. Nhưng, tôi vẫn không mấy thích. Tôi mê tem ngoại quốc hơn. Của vương quốc Monaco. Của vương quốc Lào. Và những con tem in hình hoa, ảnh thú màu mè sặc sỡ của những quốc gia xa lạ.

Tiền túi má phát cho tôi, mỗi ngày một đồng, được tôi cúng gần hết cho ông chủ tiệm tạp hoá và bán tem thư đường Trần văn Thạch. Tôi thường tới đó sau giờ ngủ trưa. Đôi khi, ông chủ còn ngủ trưa, nghe tiếng động, thức dậy, bận áo thun ba lỗ, quần xà lỏn, bước ra tiếp khách.

“Ông chủ cho tui coi tem.”

Ông lẳng lặng khom lưng, lấy ra vài tập tem cất bên dưới, đặt lên mặt tủ kiếng, đưa cho tôi cái nhíp gắp tem. Đôi lúc, ông bỏ vô trong, để mặc tôi săm soi ngắm nghía tới lui những con tem gắn trong tập bìa dầy cộm. Thường thì ông ngồi đó, lơ đãng ngó mông ra ngoài.

Lâu lâu tôi trỏ tay chỉ một em hạp nhãn.

“Con này bao nhiêu, ông chủ?”

Ông nói giá. Mười, hai chục hay năm chục cắc, đôi khi tới vài đồng. Thông thường tôi chỉ có đủ tiền mua vài con. Thỉnh thoảng, tôi ra về tay không, vì chẳng thấy con nào vừa ý. Mua xong, đem về nắn nót gắn vô tập sưu tầm tem thư. Tập có bìa cứng xanh đỏ in hàng chữ “Stamp Album”, được bọc ny-lông, chắc hẳn made in Cholon vì giá rẻ. Bên trong là giấy bìa đen hoặc trắng, chia từng ngăn nhỏ để giữ tem. Giữa hai trang giấy được lót giấy lụa trắng đục. Tôi gắn tem theo từng quốc gia. Mở ra, săm soi, thay đổi vị trí gần như mỗi ngày. Tập tem vì vậy mau xộc xệch, các ngăn giữ tem bung giãn. Lại phải dành dụm tiền túi, mua tập mới.

Anh Ba tôi không tích cực sưu tầm tem như tôi, anh chỉ thích rao tin trên báo tìm bạn bốn phương. Không hiểu bằng cách nào mà anh tìm được cả những bạn thư tín nước ngoài, đa số là nữ giới. Anh thường xuyên nhận được thư bạn gởi về. Sau một khoảng thời gian, thấy anh chất thư gần đầy một ngăn tủ. Trời ơi, tôi ngó mấy con tem ngoại quốc dán trên phong bì, thèm thuồng không bút mực nào tả nổi. Những phong thư được gởi bằng đường hàng không, chở trên lưng những con tem được in ấn tỉ mỉ, diễm lệ, màu mè rực rỡ. Tôi tưởng tượng thêm, đó là những cánh chim giấy tí hon ngậm giữa hai mỏ những tờ thư xanh, thả xuống nơi này.

Tôi không thấy anh Ba siêng năng sưu tầm tem như tôi, nhưng tôi không dám hỏi xin anh những con tem đẹp đẽ ấy, vì tôi biết trước, anh sẽ không đồng ý. Thỉnh thoảng, lúc anh vắng nhà, tôi lén mở ngăn tủ cất thư của anh, lấy ra từng phong bì, ngắm nghía những con tem dán trên đó, cho thoả cơn thèm khát.

Mãi cho tới lúc anh rời nhà, sang Pháp du học, tôi mới có thể thoải mái mở tủ, ngắm tem thoải mái. Phong thư nào cồm cộm, tôi tò mò lấy ra xem. Thư được viết bằng Anh ngữ. “Dear Minh, …” Kèm theo thư, có lúc là tấm ảnh thiếu nữ, đôi khi là lọn tóc vàng cột lại một đầu, gói giấy hoa, thắt nơ cẩn thận. Và, tôi kêu lên, có cả những bộ tem chưa đóng dấu của bạn gởi tặng anh. Những bộ tem từ một quốc gia Âu châu vẽ hoa quả, cầm thú, những thắng cảnh và những nhân vật nổi tiếng, hay minh hoạ một câu chuyện cổ tích.

Lần nọ, tôi đánh liều biên thư hỏi xin anh những con tem dán trên bì thư. Tôi hứa với anh, tôi sẽ thận trọng hơ phong bì bằng hơi nước nóng cho tem tróc ra, và sẽ không làm hư lá thư. Anh không cho, bảo rằng anh đi du học chỉ vài năm, rồi về.

Tôi buồn bã, thất vọng não nề. Giá như tôi làm chủ được những con tem ấy, gắn vô tập, đem khoe với bạn, chắc chắn chúng nó sẽ lác mắt trầm trồ, ganh tỵ tới xanh lè mặt mũi.

*

Cho tới ngày tôi sang Đức du học, vẫn không thấy anh Ba trở về. Vài năm trước đó, tới tuổi trổ mã, tôi bắt đầu khám phá những thú vui khác. Tôi viết văn, làm thơ đăng báo thiếu nhi. Tôi chăm chút chuyện quần áo thời trang. Tôi thích nghe nhạc ngoại quốc và hỏi xin anh Ba dĩa hát, mỗi khi nhận được bảng danh dự học sinh giỏi hằng tháng. Tôi theo bạn đi xem phim, đi ăn sáng cuối tuần, đi “bùm” lậu. Tôi bơi lội trong thế giới tưởng tượng tuổi hoa niên. Với văn thơ hiện sinh thời thượng. Cùng âm nhạc và phim ảnh tây phương. Và, tâm tư cùng thịt da tôi bật lên những khát vọng vu vơ.

Tôi bỏ rơi lũ tem thư, không còn say mê đắm đuối những cánh chim giấy tí hon thời niên thiếu.

Đó cũng là lúc tôi có nhiều bạn thư tín, dám chừng còn nhiều hơn cả anh Ba. Những người bạn ái mộ thơ văn thiếu nhi của tôi gởi thư xin kết bạn qua trang báo Búp Bê, lúc này đã được nhà văn Duyên Anh giao lại cho anh Đinh Tiến Luyện chăm sóc. Những sáng thứ năm tan trường sớm, tôi không còn ghé tiệm bán tem thư của ông chủ người Hoa, mà ghé ngang toà soạn báo Công Luận, thăm anh Đinh Tiến Luyện và lấy thư. Thư đi, tin lại, theo năm tháng chất gần đầy một tủ con, cũng là nơi tôi cất mấy tập sưu tầm tem dạo nọ.

Sau này, trong một lần về thăm nhà, tôi hỏi anh chị và các cháu của tôi về mấy tập tem của tôi thuở trước. Không ai biết gì. Tự dưng tôi tiếc nuối và buồn bã như thể vừa thật sự chia tay những người bạn tí hon thân thiết. Những bạn tôi không có cánh, nhưng có thể chất lên lưng những trang chữ nặng trĩu hành lý nhân sinh. Cho tới lúc, kỹ thuật thông tin thay đổi. Con người không còn ngồi xuống, cặm cụi giàn trải tâm sự lên từng trang, từng trang giấy trắng. Viết xong, ký tên, gấp lại, cho vào phong bì, lè lưỡi thấm nước bọt dán kín những tâm sự. Và nếu có tem sẵn bên cạnh, lại lè lưỡi thấm ướt lớp keo trên mặt sau, dán lên góc phải. Những con tem in ấn mỹ thuật, tinh xảo sẽ đưa những trang chữ tới người nhận. Chúng là những linh hồn môi giới chuyên chở những vui buồn thời hoa niên tôi ra khắp mọi nơi.

Giờ đây, hầu như không còn ai có kiên nhẫn làm công việc thủ công này nữa. Thay vào đó là gõ vội lên bàn phím vài dòng ngắn gọn qua điện thư, messenger, twitter, điện thoại bỏ túi, … Nhiều khi thiếu cả lời mở đầu quen thuộc: “Mến chào …”

*

Trong một dịp tái ngộ anh Ba tại Sài gòn vài năm trước, chạnh nhớ lại nỗi niềm thời hoa niên, tôi nhỏ nhẻ tâm sự:

“Phải chi lúc đó anh cho em những con tem dán trên xấp thư kết bạn bốn phương của anh, em vui biết chừng nào.”

Anh tôi ngơ ngác vài giây. Không biết anh còn nhớ chuyện cũ? Tôi nhìn anh, chờ câu trả lời. Miệng tôi mỉm cười mà lòng nằng nặng những rung động. Tôi đâm nhớ da diết những người bạn bằng giấy tí hon đã đồng hành cùng tôi những mùa mưa nắng quê nhà.

Anh tôi lặng im, không đáp.

Ngô Nguyên Dũng
(Đức, 11.2020)

(*) Bây giờ là đường Nguyễn Hữu Cầu.

Bài Mới Nhất
Search