T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Lão giối già chả lo gì…(chỉ lo già)

Ác Mộng – Tranh: Thanh Châu

8 giờ 30 tối…

Đến giờ gà lên chuồng, lão lâm râm tụng những gì các cụ đã dặn dò “đi ngủ không thắp đèn, đi tiểu không thấy gì”, và “ba ngày ăn một con dê, không bằng rửa chân rồi mới lên giường”. Nhà ở đất tạm dung không có chậu rửa chân, lão ngồi bên thành giường, vỗ hai lòng bàn chân “bạch, bạch” cho rơi rớt những cát bụi chân ai. Nhìn đồng hồ, ắt là phải thăng vì sáng mai lão phải dậy sớm vật lộn với chữ nghĩa để…dối già.

3 giờ 45 sáng…

Nửa đêm về sáng, các cụ vẫn lụi đụi theo lão và rù rì “nghe tiếng gà gáy, không ham phòng the”, ham hố gì ở cái tuổi nhớ tiếng đất quên tiếng trời này. Choàng tỉnh dậy, mở mắt nhìn trần nhà, thấy mình còn sống nhăn nên cảm thấy vui kể gì. To hó trước cái bồn tiểu lão còn sướng hơn nữa, bởi mỗi sáng, bạn già của lão sợ vãi đái ra quần vì đứng như Từ Hải chết đứng trong phòng vệ sinh hai ba phút mà vẫn chưa chịu són ra một giọt. Với tuổi già lão còn giật nước nghe “ọc…ọc…” thì còn sướng chán, cái hạnh phúc nhỏ nhoi ngay trước mắt ấy vậy mà bạn già của lão đi tìm tận đẩu đầu đâu.

Ra ngoài vườn ngồi, bên cạnh ly cà phê, điếu thuốc lá, lão búi bấn…

Số là khi thiên hạ sự bẻ bút cáo lão về hưu, khi trưa phơi sách khi chiều tưới cây, lão mới lang thang với chữ nghĩa cùng ngày trời tháng bụt. Với sáng hôm nay đây, lão có ý đồ bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua cho qua ngày…ngày rộng tháng dài. Nhưng lão không biết viết gì và bắt đâu từ đâu, chấm dứt ở chỗ nào. Lại nữa, lão “tuổi khỉ” nên cái tâm vọng động, vì vậy mới có câu “tâm viên (…ý mã), là tâm nhảy nhót như khỉ. Bởi tâm khỉ không được yên nên lão cõng một mảng chữ đi lững thững tới tương lai, từ quá khứ leo chèo về hiện tại. Tạm hiểu là lão như cụ Tôn Hành Giả nhúm một ngàn cái lông thổi phù một cái biến thành một ngàn con chữ như những con ruồi bò lổm ngổm trên giấy khô mực nẻ…

4 giờ sáng…

Vì chữ nghĩa dầy đặc như ruồi bu nên lão ngồi ì ra trước cái máy “còm-píu- tờ”. Bởi bấy lâu nay lão bươn trải những bài viết với cây đa bến cũ, chiến trường xưa đồng đội cũ (lão chưa bao giờ cầm súng), trường xưa bạn cũ, người cũ tình xưa, tất cả đều cũ kỹ như món đồ cổ. Từ cái tâm khỉ bất động…động đậy với mươi bài sưu khảo văn chương thiên cổ sự, từ hoài cổ, hoài đồng vọng, hoài cố nhân đến mấy ông bạn già, già không nên nết với già thì già tóc già tai, già răng già lợi đồ chơi không già! Thế đấy…

Thế nên trong cái tâm trạng một kẻ táo bón kinh niên chữ nghĩa. Lão ra vườn ngồi để đi tìm những con chữ như những con đom đóm bay trong bóng đêm.

5 giờ sáng…

Ngồi trong bóng tối, lão cám cảnh chuyện mía có đốt sâu, đốt lành với ông “còn”, bà “hết”. Số là bạn già của lão gần đây bị vêu mõm treo niêu vi nỗi niềm…”hững hờ” của bà khi lên chức bà nội, bà ngoại, bà ngủ riêng để có kiêng có lành. Từ đấy, ông bạn già của lão lặng lẽ ngồi không, tắm khô búng ghét với những tiếc nuối vì khúc thịt dư thừa teo đi một ít giới tính lúc nào chẳng hay. Mà cũng chẳng mấy ai hay ông đây rơi rớt lại từ thời Tây thuộc địa, ông sầu đời ngồi nhệu nhạo ba chữ tiếng Tây tiếng u: “Moi, je n’ai rien entre mes deux cuisses”, là “Tôi chẳng còn gì nữa…giữa hai bắp đùi”. Từ đó, ông buồn bỏ sừ đi ấy, buồn đến sưng cả đít nhưng vẫn phải…buồn. Bởi nhẽ những ngày còn lại ông “sống qua ngày chờ qua đời” như người họ Trịnh gẩy đàn “tưng tưng” lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm và chết một ngày. Tận cùng thì người họ Trịnh và ông cũng một thước hai thước, ai chả một lần trong đời và ông bạn nghĩ vậy.

Bà ăn chay niệm Phật, ông bị cấm tiệt mọi thứ nên cảm thấy đời là vô vị. Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối thì ông bị ăn chay…kiêng “thịt”. Ăn chay với muối vừng không kể làm gì, cái mục kiêng “thịt người” mới làm ông thân bại danh liệt. Bởi nhẽ ông ngộ chứng thiền thêm nữa là “Không phải ăn cơm chay là thành thiềnăn cơm chiên là thành thày”. Như tận cùng thì ông hoá thân thành thầy tu hồi nào không hay. Một ngày bà xuống tóc quy y, ông cảm nhận đời là vô thường. Vì bà đi chùa chả phải vì Phật với “Yết đế! Yết đế! Ba la yết đế!” vì bà có hiểu quái gì đâu mà vì thầy hay chùa (hoặc cả hai). Bởi thầy càng cao ráo, chùa càng cao sang nên khi bà nhập thất ông như lạc vào cõi hư vô. Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng, ông ngay thật với bà muốn về quê thăm mồ mả gia tiên trước khi ông về với…ông bà ông vải. Ông về quê nhà lạc vào cõi hoang sơ thái cổ, thói thường trâu già thích gặm cỏ non, ngỡ đám cỏ non kia sẽ cùng ông trâu già hoan ca lạc thú “trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ăn no cỏ, trâu…nằm với ta”.

Cỏ non đâu không thấy, ông chỉ thấy tòan gốc rạ, gặm muốn sưng lợi ê hàm.

6 giờ sáng…

Từ chuyện ông bạn già, lão trở vào nhà để văn dĩ tải đạo trên máy “còm-píu-tờ”.

Sau đó ra đường chạy bộ để…dối già. Lão đang lò dò như cò gặp mưa thì gặp ông hàng xóm cuối phố. Sáng nay bản lai diện mục ông, lão thấy ông đi khuềnh khoàng chả ra dáng tuổi hạc tí nào. Vì lâu không gặp, lão chào hỏi: “Bác chưa đi nghỉ hả bác?”. Ông hàng xóm cười bằng mắt mà rằng: “Dào! Để lúc nào đấy nghỉ luôn thể, cụ ạ”.

Cái tạng trí tuệ của…“cụ” là thích những câu nói hóm, một câu văn sáng trí, nghe thấy sướng, và cái sướng truyền dẫn chớp loé của trí tuệ…Và lão cười hích, thực ra lão không hiểu hết câu nói của ông. Mãi sau này đọc “Ðạo đức kinh”, gặp câu của Lão Tử, đại ý nói: “Trời cho ta tuổi già để nhàn hạ, cái chết để nghỉ ngơi…”. Lão mới hiểu ra ý từ của ông hàng xóm: Người già có khắc khoải của người già, “đến lúc nào đấy nghỉ luôn thể”. Nghỉ luôn thể lão hiểu là…“qua đời” nên lão có tâm trạng lay lắt mưa lâm thâm.

7 giờ sáng…

Về đến nhà lão đi thẳng ra vườn mang theo cái tâm trạng lất phất của một người đã đi hết chứ không phải tận hưởng hết cuộc đời. Theo ý nghĩ bèo giạt nổi trôi của lão thì đừng bao giờ nói hai chữ…chán đời, mà phải sống làm sao cho đời…chán mình. Vì ai chả biết đời là bể khổ, vượt qua được bể khổ là cũng vừa đúng lúc…qua đời đấy thôi.

Từ ngẫu hứng vô vi…vô vọng này, một ngày như mọi ngày, sáng tinh mơ, tay cà phê, tay thuốc lá, lão ngồi lẫm đẫm đằng góc vườn. Lão ngồi trong bóng tối đợi nắng lên, nắng ngần ngừ leo lên đụn cây, nắng ngại ngùng bò xuống thảm cỏ để lão có thêm một ngày, và cũng để mất đi một ngày. Nằm gác đầu lên gối sách bấy lâu, lão vắt tay lên trán tự thấy mình nhuốm màu mực tầu giấy bản qua nhân sinh đầy rẫy những cửa tiên công xây đắp đỉnh chung với những bèo trôi xốc nổi. Lão bụng bảo dạ vèo trông lá rụng đầy sân, công danh phù thế có ngần ấy thôi nên lão cảm khái công danh phù thế chẳng qua là hư ảo của thế tục, chỉ là giấc mộng đầu hôm cuối bãi…

8 giờ sáng…

Cùng hư ảo của thế tục….Thế là tìm được cái nỗi riêng mà lão định trang trải trên bàn gõ. Bài viết này đặt tựa đề không phải là dễ vì dễ hiểu quá ai đọc, nên mới đầu lão chọn cái tên nửa đời nửa đoạn: Lão dối già chả lo gì…(với 3 dấu chấm).

Đột dưng trong đầu lão lòi tói ra câu Kim Thánh Thán của bạn đọc gần xa là “giối già” chứ chả phải “dối già”. Bởi nhẽ theo họ “giối” đây là giối giăng.

Dòm đồng hồ 8 giờ sáng…Bèn gọi cụ Ngộ Không hỏi cho ra nhẽ. Cụ cho hay “dối già” là làm việc gì cho nhân sinh quý thích chí trong tuổi già. Còn giối, biến thể ngữ âm của trối. Trối già là làm việc gì được coi là lần cuối cùng trong đời.

Đang dang dở chuyện ăn đong ăn vay chữ nghĩa, cụ quá đoạ và âm ử:

Cuối cùng tất cả chúng ta

Đều lên nóc tủ ngắm gà khoả thân

Nghe thủng chuyện gà khoả thân, lão ngán ngẩm quá đỗi. Bởi lão nhớ đến chuyện một trong hai ông bạn già về quê nhà lấy vợ trẻ. Vì vậy ông giữ rịt vợ ở nhà nội bất xuất ngoại bất nhập vì sợ vợ biến mất và ông cũng mất tiêu luôn. Hiểu là ông biệt tăm biệt tích với bằng hữu thì đùng một cái nghe tin ông rửa chân lên bàn thờ ngồi. Bằng hữu được thể trộm vía sau lưng ông vì ông không nghe lời các cụ ta xưa dậy rằng già rồi “nghe tiếng gà gáy, không ham phòng the” là bị…”phạm phòng”, là ngã ngựa trên bụng vợ khi đang…hành quân. Nhờ đó, sau này dân gian mới có câu tục ngữ “nhất phạm phòng, nhì lòng lợn” là ăn lòng lợn ngon miệng, dẫu chết cũng sướng. Cũng nhờ ông, bài văn tế “Lạy anh em đi lấy chống” mới lay lắt đến thiên niên kỷ 21 này…

Dẫu thì thịt cá cơm canh có thì cơm rau đĩa muối lạy anh em đi lấy chồng
Hỡi anh chồng cũ tôi ơi anh có khôn thiêng thì xin anh chờ dậy mà ăn xôi nghe kèn
Miệng em khấn chứ tay em vái, đầu em cúi cái môi em nói trước cái khung hình anh

(….)
Hỡi anh chồng
tôi ơi anh có khôn thiêng xin anh đừng giận để em đi lấy chồng

clip_image002

Bỗng không lão chợt bồi hồi thấy rồi một chiều tóc đã nhuộm mầu quan san ngập những muối tiêu, muối nhiều hơn tiêu. Giấy một túi, bút một túi, lúi húi cố vót nhọn đầu bút để vũm vĩm với một chuyện tình xem sao. Chuyện là lão thích lềnh bềnh ở những nơi chốn xa lạ, lão thích những vùng kỳ bí chưa từng nếm trải để được lôi cuốn và nhắm mắt đâm đầu vào trong đó. Nói cho ngay, lão chả biết cái vùng ấy nèo neo ra sao? Thế nên lão không thể viết những gì lão chưa hiểu rõ, nhất là chuyện tình cuối đời.

Truyện ngắn mà lão đưa đẩy: “Lão thích những vùng kỳ bí…”. Vì bấy lâu nay lão nao nuốt trong cái tâm thái ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, chợt hãi hùng hoàng hôn chờ tới và lão đã…chờ tới nơi chốn “trâu ta ăn cỏ đồng ta, đồng ta hết cỏ ăn ra đồng người”. Nào khác gì mấy ông trâu già gậm cỏ non bạn lão, nói cho ngay chuyện của mấy ông chỉ là chuyện tình hư ảo của mấy ông già trước khi rửa chân lên bàn thờ ngồi nấp sau nải chuối ngắm con gà khỏa thân ấy thôi. Lão cũng vậy, chuyện của lão trước đây cũng chỉ là “tình ảo” vì ốc không mang nổi mình ốc mà còn đòi mang cọc cho rêu.

Bỗng chợt lão thèm một điếu thuốc cho một chuyện tình. Và lão ra vườn…

9 giờ sáng…

Đầu hôm cuối bãi nhằm vào một ngày nắng ong ong, mây khan khan. Lão ngồi trơ khấc ra đấy. Mới đầu lão ngỡ hết chữ vì viết lách đâu có dễ như chó ăn trứng luộc. Nghe đến chữ ”ăn” lão cảm thấy đói, lão vẫn mê ăn phở, nhưng thích bánh phở luộc mềm như…bún. Trong đầu lão lòi tói ra câu thơ qua “i-meo”:

Chồng em bỏ cả cơm, quà

Chỉ ăn được phở, cháo gà mà thôi

Chê quà, cơm nguội ỉ ôi

Phở bà hàng xóm kề môi húp liền

Chồng em bỏ cả cơm, quà…Bỗng lão cảm thấy buồn. Mà buồn đây chả như truyện tiểu thuyết Anh hàng phở lấy vợ cô đầu. Chuyện cô ả đào về già than thân trách phận rằng: “Đời hồi này như một bát phở bánh chương lềnh bềnh, mỡ nguội đóng váng…”.

..”Buồn” thì lững thững ra góc vườn…Hơ! Buồn đây là nỗi riêng “già hay đái tật” của lão, vì cái tật mắc chứng gì đâu khi kéo cái “zip” quần lên, lão ớ ra mình mang cái tật…đái bu nó ra quần. Vì cái lủng lẳng của lão được diễn nghĩa theo chữ nghĩa thì nó có hình thù cổ quái như thế này: trên thì móm mém nhai không vỡ, dưới lại chun choăn nhét chẳng vào. Bởi chưng nó đang lão hoá…hoá thân thành cái kim đồng hồ chỉ 6 giờ 30 nên mới có nhiễu sự, nhiễu…nước. Đành bốc điện thoại hỏi cụ Ngộ Không về cái bệnh già quái ác này. Cụ cười dín và hỏi hóm trong nhà có hoa cẩm chướng chăng…rồi cụ ư hử hoa cẩm chướng nở trong nhà, chướng tai gai mắt tuổi già dở hơi.

Lão chưa kịp đốn ngộ, cụ Ngộ Không đã ngộ dùm lão rằng “già hay đái tật” thì “đái” đây là “đeo”, là tuổi già đeo cái tật dở hơi hoặc chướng tính. Cụ dậy nếu lão có dở hơi dở hám con cháu cố mà chiều lão, chiều như chiều vong để nín thở qua sông. Mà nhín qua sông…đái ra quần là chuyện bình thường. Chuyện không bình thường của mấy ông bạn già là “lão bất tử thành tặc” với “tặc” là tật với cái tật …dỗi. Số là lão quên gọi điện thoại một hai cụ bạn già, thế nào cũng có cụ dỗi.

10 giờ sáng…

Vào nhà…lão như ông Từ từ từ vào đền đi lòng vòng như đèn cù. Lão đi thật chậm để kéo dài cái tuổi già. Vì đang ở trong tâm trạng cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân nên lão rị mọ với cái bàn gõ…gõ sừng, mục tử lại cô thôn, lấy ai mà kể nỗi hàn ôn…

Gõ lóc cóc kể lể chuyện mấy ông già về già với đất sinh cỏ giời sinh tật được ba bốn trang…điện thoại bánh mì tay cầm reo. Dòm ID, lão biết ông bạn bên Tây kêu qua mỗi tuần và mỗi lần mọc ra vẫn từng ấy chuyện. Chuyện của người thua cuộc, nhà tan cửa nát, hớt ha hớt hải bỏ của chạy lấy người, rồi nằm buồn rầu thoi thóp ở một góc trời xa lạ và tiếc nuối những ngày tháng vàng son đã mất. Chả như các cụ nhớ nhà, nhớ quê mang rau mùi, tía tô qua mảnh đất tạm dung trồng trọt xanh om, thì ông khuân cả kho đạn Long Bình theo để nổ bậy. Ông trên răng dưới lựu đạn nên chỉ thích giao du với người có danh vị. Bạn bè nghe ông nổ thừa hiểu ông là con thố ti, thố là con thỏ, ti là mặc cảm nên ông mang cái hội chứng “cấm giả lịnh giả thị”, là ai cấm người mang cái bị nói khoác. Ông khoác lác những hiểu biết, kể cả những gì mình…không biết. Bởi thế họ thừa hiểu ông không biết thố ti còn có nghĩa là cây tầm gửi, ông như cây tầm gửi bám víu vào người khác để có chút hơi hám…Vì vậy với họ ông mới rõ khỉ.

11 giờ sáng…

Khỉ thật, dòm cái điện thoại mới hay quên bu nó giờ đi nha sĩ.

Đâu đó năm rồi bởi đất trời lạnh lẽo, mấy cái răng cũng sớm từ trần. Cái thứ nhất, tết nhất ăn xôi nếp, vừa ngoạm một miếng, há mồm nhai thì miếng xôi nó lôi cái răng theo. Cái thứ hai đang đánh răng bèn…đánh rơi cái cách xuống bồn rửa mặt.

Đành cảm hoài, cảm tác thôi:

Ðã gần bẩy chục năm trời

Ðắng cay, chua chát, ngọt bùi có nhau

Bây giờ: Mày trước tao sau

Kiếp sau hẹn gặp: Lại tao với mày

Cái thứ ba lão vặn óc nghĩ không ra vì nó biến hồi không hay, ắt là đang ăn nó len lén bò ra rồi bò luôn xuống bụng cũng nên (vì răng có “chân” răng mà).

Bèn mưỡu vậy:

Có hàm răng cứ rụng dần

Chúng mày rụng hết

Khỏi cần đánh răng

Với răng cỏ bèn vấn cụ Ngộ Không trụ trì trong Chữ nghĩa làng văn, lão mới rõ…

Xưa, lễ lên lão được gọi là “xuất lão”. Ca dao có câu xuất lão vô sự, mũ ni che tai, gác bỏ sự đời hay “sống lâu lên lão làng” nên gọi là “già làng”. Thêm triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ nên nhiều làng còn gọi già làng là “xỉ tước” (xỉ là răng, là…gẫy răng). Tùy theo tuổi tác, già làng được ngồi với các quan viên: 60 tuổi ngồi với tú tài. 70 tuổi với cử nhân. 80 tuổi với tiến sĩ. Thế nên lão nghĩ nếu ở nhà quê lão cũng chiếu hoa một cõi như ai. Với ai, lão trộm nghĩ chưa…đái ra quần chưa phải là già, chả hiểu có đúng chăng. Đúng hay sai lão cũng “xuất lão vô sự”, đã…“xỉ” ba cái răng rồi.

Hết răng đến mắt, một ngày lão thấy hai, ba con ruồi bay đảo qua đảo lại trước mắt…cứ ngỡ mình đa thư loạn mục, là đọc nhiều quá đâm rối mắt. Gặp ông bạn nha sĩ già dậy quên mấy con ruồi đi, ông ruồi bu rằng “Có tức là…không, không tức là có. Có tức là…có, chẳng có. Không tức là…không, chẳng không”. Ấy thế mà hay, nhờ “có tức là…không” này mà lão…không thấy lơ lửng có “ruồi bay” trong mắt nữa. Hú vía!

Hết hú vía đến hú hoạ tới tuổi tà tà bóng ngả về tây với bệnh “mặt trời lặn”.

Cái bệnh “ác tà” cứ nhè vào buổi chiều là quên tiệt mọi sự trong cõi đời, quên cả vợ vì cái óc nó teo lại. Đi ngủ, sáng mai mặt trời mọc tỉnh dậy là…hết mới lạ! Lạ hơn nữa, bệnh còn dây dưa đến chuyện Từ Thức lên rừng, ngủ một giấc lên tiên, về cõi trần mọi sự đổi thay với…iPhone, iPad. Nói dối phải tội, lão cũng thích bệnh “mặt trời lặn” vì ngày nào cũng gặp tiên, nhưng về nhà…sợ gặp vợ già xấu như ma nên hãi. Hãi là bởi nhẽ các cụ ta đã dậy cấm chả sai bao giờ: ““Ra đường sợ nhất cúm gà – Về nhà sợ nhất vợ già… khỏa thân” ấy thôi. Lại nữa, nhập thiên thai húp cháo lú quên tuốt chuyện thiên thai có hai trái đào tiên nên nếu có kể vợ nhà cũng chả tin.

12 giờ trưa…

Vật lộn với bệnh già vậy mà đã đến trưa. Các cụ ta xưa lại về thăm lão với “một ngày ăn một đầu heo, không bằng nằm ngủ ngày”. Cái giường lão đang nằm cũng là “sàng tịch” mà ông cụ thân sinh ra lão về với tổ tiên…Trong giấc ngủ ngày, không biết ông cụ đang ở cõi nào, lão lây lất về cái chết qua văn chương…đồng tịch đồng sàng:

Văn chương về cái chết là một thứ văn không yên ổn, vì con người bị bứng ra khỏi thế giới này qua thế giới khác. Từ hiện hữu bình thường đổi sang thể trạng không thể định nghĩa, từ “to be” sang “not to be” (“đổi sang từ trần”). Cái chết xưa nay vẫn là nỗi sợ chính của con người: Sợ cõi lạ, vì không hề biết khi sống. Nhưng chết không phải là kết thúc, mà bắt đầu một sự sống khác tùy theo cách cắt nghĩa của tín ngưỡng.

Sau khi ông cụ về với tổ tiên, lão loáy nhoáy viết một tạp bút “Ngồi ở nhà quàn” chữ nghĩa rất ư hàn lâm để đi tìm sau cái chết con người ta đi về đâu qua tín ngưỡng và triết học. Thảng như Dostoevsky là Kitô chính thống nhưng lại như đức Phật Thích Ca, Dostoevsky dẫn chứng cụm từ La tinh “iam mortuus” là “sinh thì” là…chuẩn bị ra đi. “Ngoại thiên chí lạc” chép truyện Trang Tử gõ bồn, theo đó sống chết cùng một thể trạng, thế nên cứ vui sống cái sống gắn liền với cái chết. Bồ Tùng Linh mê hoặc người đọc chìm trong thế giới của người chết dính liền với người sống qua những chuyện liêu trai thật-giả giả-thật! Thiền sư Nhất Hạnh dậy muốn đi tìm niết bàn phải tìm trong sinh tử. Gần gũi với thiền sư là Jean-Paul Sartre…muốn lên thiên đàng phải chết trước đã.

Nghe phát khiếp nên lão tìm thằng “bạn vong niên”…Theo cụ Ngộ Không cụm chữ này bị hiểu lầm là “bạn lâu đời”. Nhưng chữ “vong” đây nghĩa là “quên”, bạn vong niên là chơi với nhau hãy quên tuổi tác của nhau. Vì lão có thằng bạn vong niên đã…vong mạng rồi. Một ngày, lão nhờ đồng cô bóng cậu gọi hồn nó về để hỏi có niết bàn hay thiên đàng chăng. Thằng bạn vong mạng trả lời ngay tình: “Có, nhưng lên chơi thì được, ở lâu chán lắm”. Bèn hỏi tiếp có linh hồn không? Nó trả lời ngay thật: “Hồn ai nấy giữ”.

Đang từ “to be” sang “not to be” (tức đổi sang từ trần) thì có điện thoại reo.

2 giờ trưa…

Không nhìn ID, lão biết tỏng ông bạn cũ trường xưa gọi để nói chuyện quá khứ vị lai…Với quá khứ, ông là lính thành phố nên hay nói chuyện…bạn ông đánh nhau với VC. Như bạn ông bị thương hai lần: Một lần ở đùi, một lần ở…Ban Mê Thuột. Còn vị lai là chuyện chồng già vợ trẻ là tiên, vợ già chồng trẻ là duyên con bò, may ông kết duyên với cô vợ trẻ. Vợ đi làm, ông ở nhà hùng hục với cái nồi ba mươi to đùng. Được thể mỗi ngày ông mỗi rề rà kể khổ hết nấu canh khổ qua…khổ quá, đến…rối như canh hẹ tới…buồn như canh bí chiều đông. Lạ một nhẽ ông bạn già lấy vợ trẻ nên thích được người khác khen mình trẻ, tóc đen và có hàm răng…”trắng như răng bò” (thành ngữ). Ông tới nhà bạn xơi bún thịt nướng giả cầy. Xong, ông bị “thịt chó giắt răng ba ngày vẫn còn thơm mùi riềng” nên ông tháo “hàm răng trắng như răng bò” ra để lẫn lộn với lá mơ, rau húng chó. Vợ bạn dọn dẹp quơ cào thế nào chả biết quẳng bu nó đi mất tiêu. Ông phải bới móc để tìm và ông thở ra như bò thở rằng tuổi già…chó thế đấy!

Thế thì cứ để ông bạn đi tìm cái mất mát của tuổi già trong cái thùng rác. Bởi ngược với ông có nguyên hàm răng ”trắng như răng bò”, lão có thêm “một trong hai” ông bạn già về quê nhà lấy vợ trẻ. Khác với ông bạn trên giữ vợ trẻ như giữ mả tổ, mà chính ông giữ ông ở nhà “cách ly” với bằng hữu. Chuyện là ông đây cứ theo người Khổng Khâu dậy thì tính kỹ quá nên khó gần gũi. Ông này không gần gũi với ai nhưng đi tìm thời gian đánh mất bằng cách điện thoại hàng ngày cho bạn bè để thấy mình còn…hiện hữu.

Cách rách thêm chuyện Đông Tây đi tìm thời gian đánh mất. Bởi cái tôm có chật gì sông, hòn bi có chật gì lỗ nên lão…búng hòn bi của ông Mỹ vào bài tạp bút…

Theo ông Mỹ mỗi người trung bình sống khoảng 75 năm. Ông nhân 75 năm với 52 tuần ra con số 3900, là tổng số ngày thứ bảy trong cả cuộc đời ông. Năm 55 tuổi ông đã sống qua 2800 ngày thứ bảy. Nếu sống đến năm 75 tuổi, ông chỉ còn được hưởng 1000 ngày thứ bảy nữa thôi. Ông tới hàng đồ chơi mua 1000 hòn bi. Từ đó, mỗi thứ bảy, ông lấy một hòn bi ném bỏ đi. Vào buổi sáng 75 tuổi, chỉ còn hòn bi cuối cùng, ông hình dung đến ngày thứ bảy tuần sau Chúa sẽ cho ông một chút thời gian nữa…Ông đánh thức vợ dậy và rủ đi uống cà phê Starbucks. “Chuyện gì vậy anh?”, vợ ông hỏi. Ông nói, “Vì đã lâu rồi hai vợ chồng mình không có thời gian gần gũi nhau. À mà trên đường đi mình dừng lại ở cửa hàng đồ chơi, anh cần mua một vài hòn bi”.

3 giờ trưa…

Từ câu “Vợ chồng mình không có thời gian…”, từ trưa vắt sang chiều lão đơm đó chuyện ông bà ta ở quê nhà khi còn trẻ không có thì giờ gần gũi nhau vì bà quanh năm buôn bán ở mom sông, còn ông suốt ngày lấy mắt đo đít trâu, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Hai ông bà tới tuổi già bóng xế mới có ngày giờ còm cõi lo cho nhau qua những ngày tháng còn lại. Dài dòng vậy mà ông bà ta chỉ ngắn ngọn trong câu nắng quái chiều hôm đủ để nói lên những gì muốn nói (từ câu ca dao “Gái thương chồng, đương đông buổi chợ – Trai thương vợ, nắng quái chiều hôm”). Lão đùm đậu vậy vì trong những bài viết lão hay thêm thắt những câu ca dao, tục ngữ ngắn ngọn của các cụ để diễn giải cho cả một mảng chữ câu dài chữ thừa. Hay nói khác đi tuổi già hay gắn bó với quá khứ, thảng như nằm cạnh ông cụ vào những ngày tháng cụ gần đất xa trời, thỉnh thoảng lão vẫn nghe thấy ông cụ nói mớ với ai đó từ mấy chục năm trước, hoặc kể chuyện nào đấy xa xưa bên rặng chuối sau hè.

Tuần rồi tới nhà vợ chồng già dùng cơm, bạn già nói chuyện khơi khơi năm thỉnh mười thoảng lại mơ thấy các cụ. Hay là bạn già sắp…đi rồi nên hãi quá thể!

Vậy đấy, tuổi già không ngoài chuyện xa thì nhớ, gần thì quên để chẳng quên chuyện lão đi tìm thời gian còn lại với…hà thủ ô. Bởi đang “muốn cho xanh tóc đỏ da, rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô”. Thì đủng đoảng thế nào chả biết nữa đậu vào mắt lão cái “i-meo rác”. Một thằng khốn nạn nào đó mách thuốc hãy rang hà thủ ô với đậu đen rồi pha trà uống tóc sẽ đen như…đậu đen. Từ câu “xanh tóc đỏ da”, lão cho thêm…đậu đỏ. Thay vì pha trà lão pha rượu, uống được ba phùa tóc vẫn muối nhiều hơn tiêu. Dây mơ rễ má gì chả biết, lão lại mắc cái…”cái bệnh lơ tơ mơ” với….giường chiếu từ dạo ấy…

Từ dạo ấy, lão không dám bén mảng tới “i-meo rác” chữa lợn lành thành lợn què nữa mà bén rễ qua…“to drink or not to drink?” là…nhậu.

Lão thích nhậu vì lão là…con ruồi.

Một bác sĩ tâm bệnh học tìm hiểu tại sao đàn ông uống rượu?! Ông bắt con ruồi cái vừa mới làm tình xong, bỏ vào chai với con ruồi đực. Con đực muốn nhẩy đực nhưng con cái vừa mới thoả mãn rồi nên không chịu. Con ruồi đực đè nghiến nó ra, nó đá lung tung như bị hiếp, như…người vậy. Tiếp, ông cho con đực vào chai có thức ăn thường, và thức ăn tẩm rượu: Con ruồi đực (bị con ruồi cái không cho làm tình) chọn thức ăn có rượu, nó “nhậu” tới bến và say xỉn luôn. Hôm sau, ông cho con ruồi đực này vào chai có con ruồi cái đang đói tình, làm tình xong, con đực chọn thức ăn…không có rượu.

Sau đó ông mổ óc con ruồi và tìm ra trong óc ruồi có chất NPF kích thích nó uống rượu nếu không được làm tình. Ông đi đến kết luận chắc như cua gạch: Đàn ông là…con ruồi. Vì nếu bị đàn bà không cho làm tình, đàn ông sẽ giải sầu trong ly rượu.

Với dục phá thành sầu dụng tửu binh, từ bấy giờ lão hiểu tại sao lão thích…nhậu.

5 giờ chiều…

Chiều đến…đến giờ cổ lai thánh hiền giai tịch mịch, duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh mà theo ông cố nội Lý Bạch là bậc hiền thánh chìm dần vào quên lãng, chỉ người say danh rạng muôn đời. Lão xó ró ngồi mê muội với…”lưu kỳ danh”. Hồi lâu chợt ớ ra ngồi không thì…không có danh. Bước được mấy bước, lão mặt đực như ngỗng ỉa vì chả biết vào nhà làm gì? Hơ! Nhớ ra rồi, để “lỳ một lam, làm một ly”. Bởi lão có “cảm giác” văn vẻ cùng văn bài của lão qua ca dao văn hay chẳng luận đọc dài, vừa mở đầu bài đã biết văn hay. Hay thật, như thơ Đường, đầu bài lão lung khởi bài tạp văn này với nỗi niềm tuổi già bằng câu “đi ngủ không thắp đèn, đi tiểu không thấy gì”. Mà không thắp đèn thì thấy khỉ gì chứ chả cần phải…đi tiểu. Đốn ngộ được câu cú ngữ pháp khó hiểu vừa phải này đây, lão thấy quá hay, nên tự thưởng một cối Cognac. Có rượu đưa cay phải đi tìm khói huyền bay lên cây để nhớ nhà châm điếu thuốc.

Đứng giữa nhà. Khỉ thật, lão chả chịu nhớ để cối Cognac ở đâu?

Chiều đến, cũng ở chỗ ngồi quen thuộc ấy, tay điếu thuốc, tay ly rượu, lão đợi thời gian đến với lão. Ngày tàn, nắng quái lõm ngõm phủ lên vườn nhà, bóng tối chụp xuống lão, là xong một ngày. Ngày qua ngày như một giai điệu đến với lão cùng những dửng dưng. Từ khi cáo lão về hưu, lão vẫn giữ thói quen uống cà phê vào buổi sáng sớm, một ly rượu vào buổi chiều tà. Điếu thuốc mỗi sáng lụi đụi báo cho lão biết một ngày mới bắt đầu, điếu thuốc ban chiều nhắc cho lão hay một ngày theo khói bay đi.

Mẩu thuốc lá sắp tắt. Lão đợi một mai…Trong khi đợi. Lão tìm bắt…hai con kiến.

5 giờ 30 chiều…

Chuông điện thoại reo, không dòm ID lão cũng biết ông bạn già về già chả biết làm gì, đi ra đi vào như con chó dái…tiện tay bốc nhằng cái điện thoại nhưng chả biết nói gì là…nói nhiều. Lão để mặc vì đang bấn bíu với người BJ Gallagher dựa hơi vào Phật mà viết rằng trong tâm con người ta có một con khỉ…say rượu. Con khỉ này vốn dĩ “cái ngã” của nó đã nói nhiều, rượu vào nó còn nói nhiều hơn nữa. Vì vậy Phật dậy chúng sinh phải thiền quán, thiền định để tỉnh thức con khỉ say rượu trong tâm của họ (How to tame your monkey mind). Học Bồ Đề Đạt Ma với “cửu niên diện bích”, lão ra vườn quán chiếu bằng cách nhắm mắt và dòm…hòn đá, chín giây sau lão ngộ ra “bản lai vô nhất vật” của lão đang chứa chấp của nợ gì đó. Số là với bản lai vô nhất vật thì Phật dậy rằng khi sinh ra đời con người ta chỉ là khối thịt, không mang theo vật gì theo cả. Sau khi diện bích, lão ngộ ra khối thịt của lão mang theo tới hai con khỉ lận: Một con khỉ say rượu và một con khỉ tâm viên (ý mã). Vì “nhân lão, tâm bất lão” là thân già tâm không già thêm bản lai vô nhất vật, hiện thân của lão cầm tinh con khỉ…Nên với cái nghiệp viết lách, lão nhẩy từ đoạn này qua khúc khác như khỉ là một chuyện. Chuyện khác là lão viết cho lão, cho lão tự sướng…thế là lão nhẩy qua…cái sướng trong văn chương với…

Và chuyện là nhà văn Henry Lewis Mencken nói: “Viết văn là thủ dâm, là tự làm cho mình sướng”. Ít nhất Đông và Tây me mé gặp nhau qua “O chuột” vì cứ theo Nguyễn Tuân thì: “Ông Tô Hoài đứng cả giờ bên hòn non bộ quan sát con khỉ thủ dâm, nhờ đó ông Tô Hoài mới có hứng viết truyện Lấy chồng làng khácLại chuyện chó”.

Trong khi ông bạn vẫn độc thoại qua điện thoại, lão làm như điếc đặc. Vì lão vừa bắt được hai con kiến và bỏ vào đĩa…Lão bắt một con kiến mà trong tâm nó có…con khỉ nói nhiều. Con kiến kia thuộc thể loại “lục tuần nhi nhĩ thuận” là ai nói gì cũng…bỏ ngoài tai cho đỡ mệt cái đầu (như lão bây giờ). Giữa hai con kiến lão nhỏ một giọt rượu. Con kiến “lục tuần nhi nhĩ thuận” tiếp chuyện với bạn rất tương đắc, tương bần bằng cái đầu, bằng vào hai cái gật, một cái lắc. Như Bá Nha gặp Tử Kỳ nên thích quá, con kiến có con khỉ nói nhiều (ở trong đầu)…nói quên cả uống rượu. Tiếp, lão bắt con kiến bị điếc đặc bỏ ra ngoài đĩa. Con kiến có con khỉ nói nhiều…lảm nhảm một mình chán quá nên bò tới giọt rượu liếm láp. Rồi lăn kềnh ra chổng bốn vó lên trời. Hơ! Xin lỗi nói lộn, nó chổng sáu chân lên trời, vuốt râu và kêu toáng lên “quá đã, quá đã”. Giống như cụ Phan Thanh Giản uống rượu như uống thuốc độc, con kiến la bải hải “quá đã, quá đã” xong tay chân bắt chuồn chuồn, sùi bọt mép, mắt trợn ngược, ngoẻo đầu…chết ngắc.

Và lão âm ử theo Thanh Tâm Tuyền: Ta không còn cô độc. Vì lão có…bạn rượu.

Ha! Lão nghiệm ra Tàu, Tây và Ta khác nhau về tửu nhập ngôn xuất. Với Tàu: “Tửu như tâm phúc chi ngôn” tức người say hay nói thật. Với Tây: “Never trust the man who doesn’t drink” là đừng tin người không uống rượu. Còn Ta như lão, vì đàn ông là…con ruồi nên sống cũng như chết. Bởi con ruồi, con kiến trước sau cũng chết ngắc chứ chả vì…rượu. Thế nên lão tha ma mộ địa rằng chẳng ăn chẳng chơi nửa đời cũng ra ma. Vì một ngàn năm trước, một trăm năm sau nữa câu danh ngôn còn ghi rành rành trên mộ bia của tửu đồ: “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia rượu vẫn còn trơ trơ”.

Bởi nhẽ ấy nên với “To drink or not to drink”, lão vẫn…“Let it be”.

7 giờ 30 tối…

Học lão Khổng Khâu ở bên Tàu dậy khôn “tam nhật bất độc thư, ngữ ngôn dã vô vị” hiểu lơ mơ lỗ mỗ là ba ngày không đọc sách, nói năng nhạt nhẽo khó nghe. Thế nên đến tơm tởm tối, cơm nước xong lão nằm khoèo bật đèn đọc sách. Tu chùa chẳng bằng tu nhà, ăn ở thật thà mới là chân tu là lão đọc báo chợ, báo chùa…Lão tìm trang cáo phó đọc trước và dòm “pháp danh” nào nghe kêu “boong, boong” như ba hồi chuông chiêu mộ là lão ghim vào đầu làm vốn cho mai hậu. Trong cơn đồng bóng với chữ nghĩa, lão năng nhặt bị một số câu thuộc dạng văn chương ai điếu phòng khi hữu sự. Thảng như có lão bạn già khú đế chẳng may “vắn số”, thì “i-meo” gửi cho bạn bè trong nhóm như bách tuế quy vu kỳ thất tức trăm năm rồi cũng về nhà hoặc sinh ký tử qui tức sống gửi thác về này nọ. Nhưng nghĩ lại bạn “thác” rồi hơi sức đâu mà đọc nên thôi.

Với sinh lão bệnh tử, với “tuổi lão” mỗi tạng người mỗi khác vì có ông ở tuổi “thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” an phận cùng Đại mộng của Trang Tử với “tiêu nhiên nhi lai, tiêu nhiên nhi vãng, kỳ nhập bất cụ, kỳ nhập bất hà, nôm là thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi, khi vào không lo lắng, khi ra không ngần ngại. Thì cũng có ông “vịt đội mũ chống ba-toong”, thảng như lão có ông bạn học triết Đông triết Tây, ông triết lý củ khoai rất ngon lành: “Hãy sống để được…chết một lần”. Nghe ngon cơm, nhưng với bạn bè, ông cứ rối ren: “Chẳng hiểu sao dạo này cứ một hai năm lại đi đám một lần”, ý đồ ông là khi nào thì đến lượt ông đây. Hơ! Với đám ma, lão cũng chỉ biết cắp nắp chết kèn trống, sống dầu đèn, chín đụn mười trâu, chết cũng hai tay cắp đít.

Thế nên lão thở ra như trâu hạ địa: Let it be.

8 giờ 30 tối…

Trời đất mới quáng gà, lão đã mò lên giường

Nhìn ra ngoài cửa sổ tối thui, bỗng dưng lão lậu bậu làm như lão nói cho lão nghe chuyện nhiều người đang sống nhăn răng nhưng mắc cái tật lạy tứ phương tám hướng. Với cái hộp ”i-meo” như cái thùng rác, họ mách thuốc nhai lá này gậm củ kia. Hay chỉ bảo mấy ông già nghĩ gì làm gì với tuổi già, mà tuổi già với mấy ông già chỉ thích làm…biếng chứ làm gì nữa! Và ngẫm nguội tiếp “bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành”, rồi lão gà gưỡng đi vào phòng vệ sinh. Lão mang theo cái “i-meo” dậy mấy ông già làm gì nghĩ gì qua đoạn văn trong sách Quốc văn giáo khoa lớp đồng ấu…

Ngày xưa, có ông lão cứ vui cười ca hát suốt ngày. Thấy lạ, có trẻ hỏi: Tại sao ông vui? Lão đáp: Trời sinh ra muôn loài, trâu chó dê ngựa. Ta được làm người, ấy là điều sướng, Trời sinh có người tàn tật, đui què. Ta được lành lặn, ấy cũng là điều sướng,.Còn như sinh lão bệnh tử là điều không ai tránh được!

Ngoài chuyện văn chương nào phải là đơn thuốc, chớ có khuyên xằng chết bỏ bu. Lão ngáp dài: “Trẻ con lớp đồng ấu biết khỉ gì… “sướng” với sinh lão bệnh tử. Nếu như “i-meo” là cái thùng rác, lão sẽ quẳng vào câu “sướng là lạc” trong Ngoại thiên chí lạc qua chuyện cái đầu lâu luận với Trang Tử về cái sướng: “Chết còn sướng hơn sống”. Bởi Trang Tử chết rồi mang theo câu nói khó hiểu một cách vừa phải như câu của Lão Tử: “Trời cho ta tuổi già để nhàn hạ, cái chết để nghỉ ngơi…”. Với “cái chết” nghe mất sướng nên lão bám víu câu sống cũng như chết của người đang sống : Ấy là đức Đạt Lai Lạt Ma Ngài luận rằng có nhiều người, rất nhiều người sống mà không biết hưởng mùi đời nên ngài dậy: ”Họ đã chết khi còn đang sống”. Bởi thế lão cứ hoa thiên tửu địa, nôm là trời đất hương hoa người ta cơm rượu, là…nhậu. Thêm cái nợ đời lão thích ở nơi chốn xa lạ, vùng kỳ bí chưa từng nếm trải để nhắm mắt đâm đầu vào. Vì vậy câu “nhất phạm phòng, nhì lòng lợn” với lão được phạm phòng dẫu chết cũng sướng (thượng mã phong), được ăn lòng lợn chấm mắm tôm, dẫu chết cũng sướng.

Vừa đi lão vừa dựa dẫm vào thành giường, sờ soạng vách tường để khỏi bị ngã…và lẩn thẩn mình đến cái tuổi thất tuần này mà chưa què còn may chán. Đứng trước cái bồn tiểu lão buông xả trong vô ưu, lão trộm nghĩ thiền định, thiền quán ngay đây tìm đâu xa…con khỉ trong tâm. Lão nghĩ dến ông lão trong Quốc văn giáo khoa vất vả không đâu với vui cười ca hát suốt ngày để đi tìm cái sướng. Trong khi lão chỉ đứng trước cái bồn tiểu vô tri vô giác đã cảm thấy quá sướng rồi.

Rồi thế đấy, nhưng vẫn chưa xong…Vì bệnh già “già hay đái tật” vẫn chưa tha lão, vẫn nhiễu xuống sàn nhà một hai giọt. Bỗng không trong đầu lão có con khỉ…say rượu bật ra con kiến ngã chỏng gọng chổng sáu “vó” lên trời như chiếc xe truck sáu bánh.

Hốt nhiên lão hét tướng lên… “quá đã”…“quá đã”…

Mà đã thật vì vậy lão gõ thêm ba chữ vào cái tựa đề cho dài hơi dầy chữ:

Lão dối già chả lo gì, chỉ lo…già.

Thạch trúc gia trang

clip_image004

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Nguồn:

Tưởng Năng Tiến, Jeff Davis, Phan

Trần Ngọc Thêm, Hoàng Ngọc Hiến

Cao Xuân Huy, Ulrike Heberlein,

Lê Mạnh Chiến, H.H.Phúc, Bảo Sinh

Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Thượng Chánh.

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search