T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

HOÀI NAM: CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 8)

CẢI TẠO NỬA MÙA – VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 8)

Hồi ký
Hoài Nam NGUYỄN HỮU THIỆN

Kỳ 1  Kỳ 2  Kỳ 3  Kỳ 4  Kỳ 5  Kỳ 6  Kỳ 7

(tiếp theo kỳ 7)

Hơn hai tháng sau khi lên Phước Long, khi anh em tù cải tạo T2 đã “an cư lạc nghiệp”, các sinh hoạt giải trí bắt đầu trở nên hào hứng, sôi nổi hơn bao giờ hết.

Có hai nguyên nhân, một khách quan một chủ quan.

Nguyên nhân khách quan là sau khi mọi công tác liên quan tới tăng gia sản xuất ở T2 được thực hiện dưới hình thức giao khoán, anh em tù cải tạo đã tự giác làm cật lực, không phải vì ý thức được “lao động là vinh quang” mà chỉ vì nếu cố gắng hoàn tất chỉ tiêu sớm, anh em sẽ có được những khoảng thời gian rảnh rỗi vào mỗi buổi chiều, và trọn ngày chủ nhật.

Nhưng, như tôi đã viết ở phần đầu, trong tù cải tạo, rảnh rỗi là con dao hai lưỡi. Người nào bi quan sẽ có thêm thì giờ để… bi quan: nhìn lại thân phận cá chậu chim lồng, nghĩ tới tương lai mờ mịt, nhớ vợ thương con… Người lạc quan – viết chính xác là cố gắng sống  lạc quan – thì có thì giờ để làm những công việc mình yêu thích, bằng đầu óc cũng như tay chân, vừa để giải trí, vừa cho đầu óc bớt căng thẳng.

Điều tốt đẹp là công việc của những anh em cố gắng sống lạc quan ấy đã thu hút không ít bạn tù bi quan, với kết quả trong những lúc rảnh rỗi không có mấy người không dự khán hoặc tham gia vào một sinh hoạt giải trí nào đó, từ chơi cờ tướng tới đàn địch ca hát, từ nghe kể truyện hoặc đấu láo, tới đá banh, chơi bóng chuyền, từ học ngoại ngữ, đàn hát tới học… nấu ăn!

Nguyên nhân chủ quan là trong tập thể tù cải tạo ở T2 có khá nhiều nhân tài!

Chẳng hạn về nấu ăn, có Thiếu úy Xì A Phát, gốc người Nùng ở biên giới Việt – Hoa, vừa là tuyển thủ bóng chuyền vừa là đầu bếp chuyên nghiệp, đã chỉ dạy anh em cách nấu nướng “hàm thụ” cả chục món ăn; riêng bánh bao thì khi được cấp phát bột mì, Xì A Phát đã cho anh em thực hành làm bánh bao không có men bột mà vẫn nổi, xốp như bánh bao trong tiệm Tàu; sau này được thả về, tôi biểu diễn đã khiến bà xã phục lăn!

Nhưng nhiều nhân tài nhất phải là bộ môn ca nhạc; trong số anh em gốc Cà Tum có những người từng chơi nhạc chuyên nghiệp trước 1975, từ nhạc phòng trà, vũ trường tới nhạc trẻ, lại có cả một nhạc sĩ cổ nhạc Nam phần xuất thân trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn và một “chuyên gia” luyện giọng cho ca sĩ.

Chính tại T2 Phước Long tôi mới có dịp tìm hiểu sâu xa, cặn kẽ về cổ nhạc Nam phần, từ đó bắt đầu yêu thích và có một thái độ trân trọng hơn với bộ môn nghệ thuật dân tộc này. Cũng tại Phước Long, tôi mới thấy được tầm quan trọng của môn thanh nhạc; chỉ sau mấy tuần lễ ra bờ suối để được “thầy” hướng dẫn, một tay vốn có giọng hát tra tấn lỗ tai như Hưng “sún” đã trở thành một ca sĩ điêu luyện…

Với ngần ấy nhân tài, ban ngày thường có những trận so tài cờ tướng, các lớp học ngoại ngữ, nhạc lý, đàn địch, hát hỏng…, buổi tối thỉnh thoảng lại có một chương trình ca nhạc, khi thì nhạc trẻ, khi thì nhạc thính phòng, lúc nhạc sến, lúc hòa tấu, lúc solo…, và tới chủ nhật thường có một buổi “đại nhạc hội” với đầy đủ mọi tiết mục!

* * *

Nhưng trong số các sinh hoạt giải trí ở trại tù cải tạo T2 Phước Long, được nhiều người hưởng ứng nhất phải là mục kể truyện của Ch “lùn”.

Thực ra mục kể truyện để giải khuây cho anh em trong các trại tù cải tạo nơi nào cũng có, và đã có ngay từ đầu mùa cải tạo, chẳng hạn thời gian ở Thành Ông Năm tôi đã kể cho anh em nghe các tình sử “thất thực tam hư” như Cleopatra – Julius Caesar – Marc Antony, Trần Huyền Trân –  Trần Khắc Chung – Chế Mân, các bộ tiểu thuyết nổi tiếng được thực hiện thành phim như Cuốn theo chiều gió, Bố già…, nhưng tôi có thể khẳng định không một nơi nào có thể đạt tới mức độ chuyên nghiệp và mang tính cách thường trực như ở T2 Phước Long.

Tất cả nhờ có Ch lùn, người kể truyện, cũng dân Cà Tum.

Trước năm 1975, Ch là một thiếu úy địa phương quân phục vụ tại tiểu khu Biên Hòa, chủ nhân cái quán cà-phê ở Dốc Sỏi nằm đối diện Cổng số 2 của phi trường.

Theo những gì do chính Ch lùn khai ra thì đương sự nửa lính cậu nửa lính kiểng, trong giờ làm việc hắn có mặt ở quán cà-phê nhiều hơn là bộ chỉ huy tiểu khu. Quán cà-phê của Ch lùn lại là nơi tụ tập, ngồi đồng của anh em quân cảnh, phòng thủ, an ninh Không Quân của phi trường Biên Hòa cho nên hắn quen biết nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có Thiếu tá Hảo “què” Liên đoàn phó LĐ Phòng Thủ, Đại úy Phạm Phú Ngự (anh trai của cố Đại tá Phạm Phú Quốc), cũng thuộc LĐ Phòng Thủ của Sư Đoàn 3 Không Quân.

Chiều cao của Ch lùn – hỗn danh “người ruồi gieo máu lửa” – chỉ khoảng 1m50 nhưng “bộ nhớ” của hắn thật đáng nể, từ Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử tới các bộ truyện kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long… hắn nhớ không sót một nhân vật, một tình tiết nào. Bên cạnh đó Ch còn có lối kể truyện thu hút, đối thoại như một diễn viên kịch nói (voice actor) chuyên nghiệp…

Nhìn cảnh anh em tù cải tạo tối tối ngồi quanh Ch lùn say mê theo dõi, tôi liên tưởng tới những ông già sống bằng nghề kể truyện rong ở bên Tàu ngày xưa.

Vì tiếng Hán có hàng ngàn mặt chữ cần học thuộc, đại đa số dân chúng Trung Hoa trước đây, dù ở nơi phồn hoa đô hội hay chốn thôn quê dân dã cũng đều không biết đọc, cho nên mới có những người làm nghề kể truyện rong, thường là các cụ già.

Tại các thành thị, người kể truyện thường chọn một địa điểm đông người qua lại để hành nghề; thu nhập của họ là những đồng tiền do người nghe ủng hộ.

Tại thôn quê, ra vẻ những người làm nghề kể truyện rong được trọng vọng hơn; họ được dành cho một vị trí thuận lợi, như sân đình, chùa hay nhà một phú hộ nào đó, được trả thù lao hậu hĩ, được cung phụng đủ thứ để có thêm hứng.

Ở trại cải tạo T2 Phước Long cũng thế, mỗi lần “đăng đàn”, Ch lùn lại được anh em điếu đóm, nào là thuốc lào 888, trà Đỗ ữuHHữu, cà-phê, bánh kẹo…

Vì Ch lùn ở cùng dãy nhà với đa số anh em nghệ sĩ gốc Cà Tum, cho nên phải có một sự phối hợp sắp xếp chương trình giữa đôi bên để khỏi trùng nhau, nhưng nói chung phe nghe kể truyện vẫn được ưu tiên hơn, ít nhất là bốn buổi tối mỗi tuần.

Có thể so sánh việc anh em trong trại cải tạo chờ nghe Ch lùn kể truyện với việc độc giả chờ đọc truyện kiếm hiệp hoặc tiểu thuyết “phơi-ơ-tông” trên các nhật báo ở Sài Gòn trước năm 1975.

* * *

Phần tôi, tự biết tài đàn của mình chẳng bằng ai, trong các buổi “trình diễn” ca nhạc chỉ đóng vai khán giả. Thay vào đó, những lúc rảnh rỗi tôi thường xách cây đàn Tobia ra cái lều ở bờ suối để tìm cảm hứng sáng tác. Nhưng kết quả chỉ là một con số không to tướng. Viết một cách chính xác, tôi cũng soạn được vài ba ca khúc mà lúc ôm đàn cất giọng vịt đực bên bờ suối, tôi cho là cũng tạm được; nhưng mấy ngày sau hát lại thì nhận thấy dòng nhạc của mình thật tầm thường, còn lời hát thì một là ngô nghê, hai là cường điệu.

Cuối cùng, tôi bỏ cuộc vì nhận thấy mình thiếu óc sáng tạo.

Xưa nay người ta thường nói “Thiên tài chẳng qua chỉ là kết quả của một quá trình luyện tập bền bỉ”, nhưng tôi cho rằng nếu áp dụng vào lĩnh vực sáng tác thì thiếu vế thứ hai: “với điều kiện bạn phải có chút ít óc sáng tạo”.

Với óc sáng tạo, Trịnh Công Sơn đã viết những tình khúc để đời trong khi trình độ nhạc lý của ông (xin lỗi) chỉ… ngang ngửa với tôi là cùng!

Thật vậy, không cần phải là một bậc thầy âm nhạc, người ta cũng có thể nhận ra kỹ năng, nhạc thuật của Trịnh Công Sơn qua những sáng tác của ông, không cầu kỳ, rắc rối nhưng giai điệu vẫn có sức thu hút lạ thường.

Bên cạnh đó, theo suy nghĩ của tôi, riêng trong việc soạn ca khúc, óc sáng tạo mà thôi vẫn chưa đủ, cần phải có tâm hồn. Ca từ trong các tình khúc của họ Trịnh không văn hoa bóng bảy nhưng vẫn đi vào lòng người là nhờ khi viết tình ca – tôi nhấn mạnh hai chữ “tình ca” –  ông viết với cả tâm hồn.

Áp dụng vào trường hợp của tôi, trong khi bạn bè có những người trở thành nhà văn, nhà thơ thì tôi – óc sáng tạo đã không có mà tâm hồn lúc nào cũng trống rỗng – suốt đời an phận làm một nhà báo quèn, tuy không tệ hại tới mức “nói láo ăn tiền” nhưng cùng lắm cũng chỉ làm công việc phục vụ nhu cầu thông tin của quần chúng, cao hơn nữa là hướng dẫn dư luận, chứ không cống hiến độc giả những món ăn tinh thần như các nhà văn, nhà thơ…

Vì thế, nhiều lúc tôi đã thầm ghen tỵ với những người bạn tài hoa của mình. Ngồi ôm cây đàn với đầu óc trống rỗng bên bờ suối ở Phước Long, tôi nghĩ chắc hẳn giờ này ở một trại tù nào đó, Phan Lạc Giang Đông, Trần Ngọc Tự… đã sáng tác được khối thơ!

Đà Lạt, 1970: (từ trái) tác giả, Trần Ngọc Tự, Phan Lạc Giang Đông

Sau này, chỉ gặp lại Phan Lạc Giang Đông một lần duy nhất, tôi không được biết về những sáng tác trong tù của hắn, còn Trần Ngọc Tự thì rất tiếc sau khi ra tù cải tạo ít lâu thì nhà bị lụt, sách vở, bản thảo đa phần theo hà bá, rồi lại bị bắt lần thứ hai, ra tòa lãnh án, ở  tù thêm mấy năm…, thành thử những sáng tác của hắn sau năm 1975 chỉ còn lại một số ít ỏi nằm trong bộ nhớ mà thôi.

Trong số những bài thơ Trần Ngọc Tự còn nhớ ấy, tôi thích nhất bài viết trong ngày giỗ đầu đàn anh Dương Hùng Cường, và bài Khúc quân ca mới viết trong trại tù cải tạo ngoài Bắc.

Khúc quân ca mới

nơi những năm tháng lưu đầy ở trại tù cải tạo Yên Bái-Phong Quang (Lào Cai)- Vĩnh Quang (Vĩnh Phú) 1977-1981

Thế rồi đất nước bỗng xa khơi

Chinh chiến ta đi tiếp một đời

Hát khúc quân ca hồn phơi phới

Chẳng chút nao lòng tổ quốc ơi.

 

Những nông trường từng sớm bình minh

Đẫm mồ hôi nhòe mắt lung linh

Còn chặng cuối này qua cho nốt

Đoạn đời hay đoạn đường chiến binh.

 

Như bước vào mùa huấn nhục mới

Tay cuốc dài thay khẩu súng trường

Thêm tên gọi nào đời trai trẻ

Cho dài mãi ra những nẻo đường.

 

Ta thấy ta trong mắt đồng đội

Có còn chăng ánh lửa niềm tin

Thoáng chút gì bâng khuâng xao xuyến

Đừng vội bối rối hãy ngẩng nhìn.

 

Vẫn cười vui giữa cuộc thương khó

Vai áo tù ngỡ sắc chiến bào

Hát nhẩm quân hành mơ vào trận

Mộng mãi cho đầy gối chiêm bao.

 ngọc tự

 

* * *

Khoảng ba tháng sau khi lên Phước Long, Thượng úy Phùng Xuân Nghĩa, thủ trưởng T2, được thăng cấp Đại úy. Cũng từ khoảng thời gian này, ông trở nên dễ chịu và tỏ ra thân thiện với tù cải tạo hơn trước nhiều. Chủ nhật không phải đi lao động, ông hay xuống các đội quan sát anh em cải tạo sinh hoạt, chơi bời (!); các buổi tối trong tuần, thỉnh thoảng ông xuống tham dự các buổi họp tổ, sau đó ngồi lại uống trà, trò truyện với anh em.

Bên cạnh tổ của tôi có một anh trung úy (tôi không nhớ tên) gốc Cà Tum, khá lớn tuổi so với đám trẻ chúng tôi. Anh là nhạc sĩ đàn mandoline chuyên nghiệp nhưng rất ít khi đàn, tính tình hiền lành, ít nói.

Tối hôm ấy, nói tới chuyện vợ con, ông Phùng Xuân Nghĩa hỏi anh trung úy:

– Còn anh được mấy đứa?

– Thưa chỉ được một gái!

– Sao lại chỉ đẻ có một đứa?

Anh trung úy trả lời cho qua chuyện:

– Thưa anh… thời buổi kinh tế khó khăn.

– Khó khăn thì khó khăn chứ…, ngoài Bắc chúng tôi còn khó khăn gấp mấy lần trong Nam, nhưng cũng chẳng có ai đẻ một đứa cả… Trời sinh voi trời sinh cỏ!

Câu nói thật thà (và… duy tâm) ấy của ông Phùng Xuân Nghĩa khiến chúng tôi càng có thiện cảm với ông.

Nhưng trong khi ông thủ trưởng ngày càng trở nên dễ chịu thì xuất hiện một tay thủ phó cực kỳ đáng ghét: Trung úy Tịch, hỗn danh “Tịch tây lai”.

Sau này chúng tôi được biết viên trung úy tây lai này nguyên là cán bộ đặc trách thăm nuôi của một trại cải tạo khác cũng ở Phước Long, nơi mà nhà thăm nuôi có những phòng riêng. Vào một đêm nọ, hắn mò vào toan tính làm bậy một bà vợ cải tạo mà trước đó hắn đã lấy cảm tình bằng những lời hứa hẹn hão huyền; nhưng hắn chưa kịp dở trò tồi bại thì bà vợ cải tạo đã tri hô lên… Sau đó Tịch được đưa tới T2 làm thủ phó.

Tịch lai tây, cao ráo, da trắng hồng, môi đỏ như tô son nhưng cũng không đủ để gọi là một người đẹp trai. Trong khi đó có lẽ hắn tự cho mình là đẹp trai nên càng ra sức trình diễn.

Sáng sáng, khi tù cải tạo còn đang đánh răng rửa mặt, Tịch đã lững thững đi xuống các dãy nhà của cải tạo, đầu đội cái mũ lưỡi trai (hầu như không bao giờ hắn đội nói cối), ở thắt lưng đeo một khẩu Browning 6.35 ly nhỏ xíu không biết kiếm được ở đâu.

Biết tay thủ phó thường tìm đủ mọi cách để kiếm chuyện, hễ thấy bóng hắn từ trên khung đi xuống là anh em tù cải tạo lỉnh hết vào trong nhà, đợi hắn đi qua rồi mới trở ra bên ngoài.

Ít lâu sau khi tới T2, Tịch sắm được một chiếc xe đạp mới tinh, trước ghi-đông gắn hoa ni-lông sặc sỡ, sườn xe có chữ “Mazda” xi (mạ) sáng loáng.

Hắn khoe đây là xe đạp của hãng Mazda nhập cảng từ Nhật!

Nghe hắn khoe, tôi phục mấy tay buôn bán xe đạp ở Sài Gòn sát đất. Bởi vì họ xạo có căn cơ, bài bản. Còn nhớ ngày mới di cư vào Nam năm 1954, bố tôi chỉ mơ ước có được một chiếc xe đạp khung nhôm hiệu Peugeot nhập cảng từ Pháp, một sản phẩm của hãng chế tạo xe hơi Peugeot nổi tiếng.

Nay các con buôn xe đạp ở Sài Gòn gắn cho những chiếc xe đạp “made in Cholon” chữ Mazda rồi bảo đó là xe của hãng xe hơi Mazda nhập cảng từ Nhật, đám nón cối tin còn hơn tin Đảng!

Từ ngày có chiếc Mazda, chiều nào Tịch cũng dắt xe xuống, đạp chầm chậm từ đầu trại cho tới cuối trại để giựt le. Cũng từ đó, anh em cải tạo đặt cho hắn biệt hiệu “Mát-đa”.

Điều trùng hợp oái ăm, và thú vị, là con chó tôi nuôi cũng có tên là “Mát-đa” (Magda), hai chữ tuy viết khác nhau nhưng phát âm y hệt.

Nguyên trong một lần đi làm cỏ rẫy khoai mì trên đường vào Bù Đốp, chúng tôi gặp lại một gia đình người Thượng từng trao đổi, mua bán. Lần này mấy đứa con của họ ôm theo hai con chó con rất dễ thương, con đực lông khoang nâu trắng, con cái khoang đen trắng.

Thời gian này ở T2 đã có một vài anh em nuôi mấy con chó con mua của người Thượng nên tôi cũng muốn nuôi một con để làm bạn.

Nhưng tới khi tôi đòi mua con khoang đen trắng thì họ cho biết vì hai con chó con này là “chị em” nên ai muốn mua phải mua cả hai để có chị có em!

Tôi không nghĩ mấy người Thượng này chế chuyện để một lúc bán được hai con chó, mà tôi tin họ thành thật. Cuối cùng tôi đồng ý mua cả hai con với giá 10 đồng tiền Hồ (trị giá 10 ly cà-phê vỉa hè ở Sài Gòn lúc bấy giờ).

Nhưng không hiểu vì bị dứt sữa mẹ sớm, vì nhớ chủ cũ, hay vì một  nguyên nhân nào khác, hai con chó con sau khi được tôi đưa về T2 đã không chịu ăn, ngày càng ốm yếu tong teo. Khoảng hơn một tuần sau thì con đực chết; khi chôn nó bên bờ suối tôi nhủ thầm: chắc con chị rồi cũng chết thôi, khi ấy tôi sẽ cho hai chị em nằm bên nhau!

Nhưng như một phép lạ, sau đó con chị lại chịu ăn và lớn như thổi, đẹp nhất là bộ lông khoang đen trắng hơi quăn nhưng mềm mại và óng ả của nó. Chẳng những thế nó còn rất khôn và thích đùa dỡn cho nên anh em trong đội ai cũng thương, thậm chí khi đi ra suối tắm, họ cũng rủ nó theo để cùng nhau bơi lội, nô đùa dưới dòng nước.

Tới bữa ăn, mỗi khi thấy nó lẩn quẩn bên cạnh, anh em lại cho nó miếng này miếng khác. Đặc biệt trong số anh em này có một anh chàng thiếu úy gốc Hoa không hiểu bằng cách nào đó, hoặc chỉ vô tình, biết được con chó của tôi rất thích ăn đường, nên đặt tên cho nó là “Sugar Thoòng”. Ngồi ở tận cuối nhà, anh chỉ cần gọi “Sugar Thoòng” là nó phóng ngay tới…

Thấy cái tên nửa Mỹ nửa Tàu “Sugar Thoòng” thiếu… nữ tính và có vẻ hơi diễu cợt, tôi lựa cho con chó một cái tên thật đẹp: Magda, viết tắt của Magdalene. Từ đó, anh em trong đội đều gọi nó là “Mát-đa”.

Vì thế, với những anh em này, việc viên thủ phó bị tặng biệt hiệu “Mát-đa” càng thêm tính cách thú vị.

Thực ra, việc viên thủ phó T2 và một con chó của cải tạo cùng được gọi là “Mát-đa” chỉ là chuyện nhỏ, sở dĩ tôi ghi ra đây là vì cả hai sẽ được nhắc tới trong một đoạn kết bi thảm.

 * Thiếu bóng đàn bà!

 Trước năm 1975, nhạc sĩ Trúc Phương đã mở đầu ca khúc Kẻ Ở Miền Xa của ông như sau:

Tôi ở miền xa

Trời quen đất lạ
Nhiều đông lắm hạ
Nối tiếp đi qua

Thiếu bóng đàn bà…

Với một đấng nam nhi đã trưởng thành, bốn chữ “Thiếu bóng đàn bà…” trong lời hát của Trúc Phương mang ý nghĩa bóng gió xa xôi chứ không chỉ đơn thuần là “không thấy bóng một người đàn bà nào cả”.

Viết một cách dễ hiểu, và trắng trợn, ý Trúc Phương muốn nói “không có đàn bà để quan hệ thân mật”.

Chỉ ở miền xa mà đã “thiếu bóng đàn bà” thì nói gì tới bị giam trong tù cải tạo!

Tôi không biết khi màn đêm buông xuống, các bạn tù của tôi có mơ tưởng tới “đàn bà” trong nhạc của Trúc Phương hay không, riêng tôi trong hơn 2 năm đầu, đêm nằm chỉ nhớ thương vợ chứ không có sự thèm khát.

Dường như những tủi nhục, lo âu, tuyệt vọng đã khiến tôi, và có lẽ đa số bạn tù cải tạo, trở nên nguội lạnh, quên mất… đàn bà (trong nhạc Trúc Phương), ít nhất cũng trong thời gian hơn 2 năm đầu, khi chưa thấy được một chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm.

Lần đầu tiên trong trại cải tạo tôi nghĩ đến “đàn bà” là sau khi được xem một cuốn phim của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Nguyên mấy tháng sau khi chúng tôi lên Phước Long, toán chiếu phim lưu động của Quân Khu tới phục vụ L2, tù cải tạo ở các T được lần lượt lên sân trung đoàn xem phim chung với bộ đội. Đám cải tạo chúng tôi ngồi ngay hàng thẳng lối trên những chiếc ghế tự đóng lấy, thấp lẹp xẹp như ghế của các bà bán hàng rong ngoài chợ, còn bộ đội thì ngồi kiểu nước lụt (chồm hổm) rải rác mỗi nơi một nhóm.

Trong số này có mấy cô bộ đội Bắc Kỳ ngồi cách chúng tôi vài mét. Trong đêm tối chỉ thỉnh thoảng mới có ánh đèn pin của quản giáo cho nên chúng tôi không biết dung nhan các cô ra sao mà chỉ ngửi thấy mùi dầu Con Sóc nồng nặc. Tội nghiệp, thì ra từ Bắc vô Nam các cô cứ tưởng dầu Con Sóc là… nước hoa!

Các cô có lẽ còn rất trẻ, cười đùa hồn nhiên, tíu ta tíu tít, nói chuyện hơi lớn tiếng, thỉnh thoảng lại cười ré lên như muốn cho đám cải tạo biết có những bóng hồng đang ngồi gần họ.

Thành thật mà nói, việc ngồi gần đám bộ đội gái này cũng chẳng khiến tôi cảm thấy thích thú gì hơn ngồi gần một đám bộ đội đực rựa; và nếu tôi có để ý tới các cô thì cũng chỉ để cố nghe thử xem họ đang nói những gì, bởi tuy chính gốc Bắc Kỳ, tôi cũng chỉ hiểu lõm bõm, vì các cô nói quá nhanh, quá nặng, lại lên xuống một cách kỳ cục, không giống giọng Bắc trước 1954 một chút nào cả!

 

Chỉ tới khi xem phim, một cuốn phim do nữ diễn viên Trà Giang thủ vai nữ nhân vật chính, tôi mới nghĩ tới “đàn bà”.

Trà Giang, sinh năm 1942, có thể không phải nữ diễn viên xinh đẹp nhất của điện ảnh miền Bắc thời phim đen trắng nhưng cô có những nét thu hút đặc biệt, và ngoại hình rất hấp dẫn. Sau này, một tay viết trong nước đã so sánh nhan sắc, ngoại hình của Trà Giang với Thẩm Thúy Hằng trong Nam, một sự so sánh mà tôi cho là khập khiễng.

Thứ nhất, nhan sắc của Trà Giang nói chung không thể sánh với Thẩm Thúy Hằng, nhưng bù lại cô có cặp mắt đẹp và cặp môi dày quyến rũ. Thực ra, Thẩm Thúy Hằng cũng có cặp mắt đẹp và đôi môi dày, nhưng mắt của “Người đẹp Bình Dương” không có hồn, còn môi thì bơm một cách quá lộ liễu.

Thứ đến về ngoại hình, Trà Giang cũng không sexy bằng Thẩm Thúy Hằng nhưng điều này không có nghĩa là Trà Giang không thu hút bằng Thẩm Thúy Hằng, mà ngược lại.

Bởi vì nhìn Trà Giang người ta tin rằng những đường cong ấy là trời cho, còn ngắm Thẩm Thúy Hằng người ta có cảm tưởng vòng số 1, vòng số 3 dễ nể của nàng đã có sự tăng cường bằng một hình thức nào đó. Nhất là vòng số 3, ngày ấy đã khiến nhiều người phải xuýt xoa, còn đám nhà báo thì ví von “đầu Tô Văn – mông Thẩm Thúy Hằng”, nhưng không đem lại cho các đực rựa cảm giác kích thích thực sự như vòng số 3 của một Sophia Loren…

Trà Giang

Thẩm Thúy Hằng

Tôi không nhớ tên cuốn phim được chiếu tối hôm đó, chỉ biết chắc chắn không phải một trong những cuốn phim sặc mùi tuyên truyền đã góp phần đem lại danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” cho Trà Giang, như Chị Tư Hậu (1963), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội (1974), v.v…

Thực ra, cuốn phim nào của miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà không mang mục đích tuyên truyền, tuy nhiên ít nhất trong cuốn phim này cũng có chút tình cảm nam nữ và gián tiếp đề cập tới nhu cầu tình dục.

Tôi nhớ đại khái Trà Giang thủ vai một cô vợ trẻ xinh đẹp với những đường cong hấp dẫn, chưa có con cái, khát khao chuyện vợ chồng nhưng tối nào cũng phải đi ngủ trước vì chồng (cán bộ hay chuyên gia gì đó) có tinh thần trách nhiệm cao, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm!

Một buổi tối nọ, có lẽ không thể “nhịn” được nữa, nàng chủ động tỏ thái độ âu yếm, dục chồng đi ngủ, nhưng anh ta vẫn thản nhiên, nói nàng cứ đi ngủ trước. Chán nản, nàng bỏ đi vào phòng…

Tuy không phải một nhà phê bình phim ảnh mà chỉ là một người thưởng ngoạn, tôi cũng có thể nhận xét Trà Giang đã diễn xuất cảnh này một cách tuyệt vời, không chỉ thể hiện qua nét mặt mà còn lột tả bằng dáng đi.

Viết một cách chi tiết, khi Trà Giang quay lưng õng ẹo bỏ đi, cứ mỗi bước chân, một bên mông của nàng lại nổi lên sau lớp vải quần đen một cách khiêu khích.

Thực ra đây cũng chỉ là cách bước căn bản của các cô người mẫu để tăng sức thu hút của vòng số 3, nhưng trong khi các cô di chuyển khá nhanh trên sàn trình diễn thì trong phim sau mỗi bước, Trà Giang lại ngừng lại khoảng 1/10 giây đồng hồ để khán giả có đủ thời gian chiêm ngưỡng và vận dụng óc tưởng tượng!…

Cứ tạm thời cho rằng không phải khán giả “tù cải tạo thiếu bóng đàn bà” nào cũng có tư tưởng… đen tối như tôi khi xem cảnh này, ít nhất tôi cũng có được một bạn tù đồng cảm. Trên đường trở về trại, Nguyễn ĐS, tay luật sư phục vụ tại Nha Quân Pháp ở cùng tổ với tôi ở Thành Ông Năm trước đây, thấy tôi đi phía trước liền tiến lên đi song song, bình luận về nhan sắc, ngoại hình của Trà Giang rồi kết luận:

– Chặc… Nhìn em hẩy hẩy cặp mông, tôi chịu không được!!!

Cũng may, chỉ hơn một tuần sau khi xem phim, đêm về tôi đã có thể xua đuổi “ngoại hình” của Trà Giang trong giấc ngủ: chúng tôi sắp được thăm nuôi, sẽ được gặp lại người vợ, người yêu là “đàn bà” bằng xương bằng thịt!

* * *

Đợt thăm nuôi thứ nhất của T2 diễn ra khoảng ba tháng sau khi chúng tôi lên Phước Long.

Viết về việc đi thăm nuôi tù cải tạo ở trong Nam, nếu chỉ tính những trại do trung ương quản trị thì theo những gì được kể lại, gian nan cực khổ nhất phải là đi thăm tù ở Gia Trung (Tây Nguyên), kế đến là tù ở Phước Long.

Từ Sài Gòn đi Phước Long chỉ hơn 160 cây số đường bộ nhưng thiếu phương tiện di chuyển và đường đi rất xấu. Kiếm được một chỗ trên xe đò từ Sài Gòn lên quận lỵ Phước Bình không phải là việc dễ dàng, nhưng từ Phước Bình đi vào trại cải tạo mới thực sự gian nan.

Như tôi đã viết ở một đoạn trước, các trại cải tạo ở Phước Long nằm trên con đường từ Phước Bình đi Quảng Đức; tuy mang tiếng là “liên tỉnh lộ”, nhưng sau năm 1975 chỉ còn một đoạn mấy cây số từ Phước Bình đi vào tỉnh lỵ Phước Long (cũ) có thể gọi là đường trải đá, còn từ đó trở đi chỉ là đường đất đỏ.

Qua chân núi Bà Rá, gần tới tỉnh lỵ quẹo mặt, xuống dốc, băng qua cầu Dak Lung, lên một cái dốc thật dài, đi thêm khoảng 10 cây số nữa thì tới vùng Bù Gia Phúc, nơi có các trại cải tạo của L2, và khoảng 25-30 cây số nữa mới tới trại cải tạo Bù Gia Mập.

Đi từ Sài Gòn, sau khi tới quận lỵ Phước Bình, thân nhân sẽ phải ngủ đêm ở chợ để sáng hôm sau đón xe đò Phước Bình – Quảng Ðức đi vào trại cải tạo. Nhưng đó chỉ là hướng dẫn của ban chỉ huy trại cho tù cải tạo viết thư về nhà, còn trên thực tế, chuyến xe Phước Bình – Quảng Ðức ấy có chạy hay không, không ai biết trước.

Qua sáng hôm sau, nếu được thông báo xe bị nằm ụ chờ sửa chữa không biết bao giờ mới xong thì thân nhân đành phải mua đòn gánh để gánh quà thăm nuôi, cùng nhau đi bộ cả chục cây số để vào trại.

Đoạn dốc đi xuống cầu Dak Lung nếu gặp mùa mưa sẽ trở nên rất trơn trượt, các bà vợ đi thăm chồng còn đỡ nhưng các bà mẹ già đi thăm con trai thì cứ té oành oạch. Tuy nhiên, nói theo cách nói của dân nhà binh thì cái dốc phía bên kia cầu mới đúng là “đoạn đường chiến binh”. Đứng cuối dốc nhìn lên, ai cũng phải ngao ngán.

Cả đến xe cộ cũng chỉ có xe molotova hoặc GMC (của quân đội VNCH để lại) mới đủ sức leo lên cái dốc này, còn xe đò, xe vận tải “thời xã hội chủ nghĩa” thì hành khách phải xuống xe, nếu có đám thanh niên thì phải xúm nhau đẩy phụ, xe mới leo lên dốc được!

Thành thử thân nhân nào phải đi bộ vào trại cải tạo, nhất là các bà mẹ già, tới cái dốc này bắt buộc phải gạt lệ quẳng bớt quà thăm nuôi vào bụi cho nhẹ bớt thì mới có sức mà leo dốc. Thường thì thức ăn, bánh trái bị vứt bỏ trước tiên, cho nên nhiều khi lặn lội cả trăm cây số, vượt rừng vượt suối mấy ngày trời chỉ để trao cho người tù cải tạo ít thuốc tây và những thứ thật cần thiết như mắm muối, thuốc rê thuốc lào…

Nếu thăm tù cải tạo ở Bù Gia Phúc thì xế chiều có thể đã vào tới nơi, nhưng nếu vào tận Bù Gia Mập thì chắc chắn sẽ phải ngủ đêm ở dọc đường! Cũng may mà do chiến tranh kéo dài, các loài thú dữ ở rừng già Phước Long đã bỏ đi nơi khác lánh nạn cho nên đoàn người thăm nuôi mới được toàn thây!

Sau này tôi được biết cũng có một số thân nhân đi thăm nuôi chỉ cần đi một chuyến xe từ Sài Gòn tới thẳng trại cải tạo. Đa số là những gia đình có thân nhân cấp tá ở Bù Gia Mập, khi được thăm nuôi cùng đợt, đã liên lạc với nhau để mướn chung một chiếc xe vận tải nho nhỏ cùng với tài xế để đi và về.

Tuy nhiên, số thân nhân may mắn này cũng chẳng được bao nhiêu, bởi vì sau khi chồng con bị bắt đi học tập cải tạo, không phải nhà nào cũng có đủ khả năng tài chính, không phải ai cũng biết đường đi nước bước, khôn ngoan lanh lợi để nghĩ tới việc mướn xe đi chung.

Cũng may, sau khi chúng tôi lên Phước Long, tình trạng xe cộ từ Phước Bình đi vào các trại cải tạo đã khả quan hơn, nhờ có thêm các xe vận tải do tư nhân khai thác, và trên đường trở ra Phước Bình, đôi khi thân nhân cũng quá giang được xe tải của các nông trường, và, dù rất hiếm họa, cả xe molotova, xe GMC của những anh bộ đội tốt bụng công tác cho Đoàn Liên Hiệp Kinh Tế Phước Long (Đoàn 500).

* * *

Để chuẩn bị cho việc thăm nuôi, tù cải tạo của L2 được lệnh cất một cái nhà tranh vách lồ ô dài khoảng 20 mét, với hai hàng sạp cũng bằng lồ ô, ban ngày làm chỗ thăm nuôi, ban đêm làm chỗ ngủ cho thân nhân.

Nhà thăm nuôi này nằm sát con đường Phước Bình – Quảng Đức để thân nhân dễ nhìn thấy, ba mặt là rẫy khoai mì, đi sâu vào khoảng 2, 3 trăm mét là con suối chảy xuống T2 (tức sông Tà Niên, thượng nguồn Sông Bé). Đoạn suối này rất trong, chảy êm, khá thơ mộng với bóng mát và những tảng đá lớn nằm ven bờ hoặc giữa dòng…

Đoạn suối ở Bù Gia Mập

Thân nhân nào tới nơi sớm nhất thì trời cũng đã về chiều, cho nên phải chờ tới sáng hôm sau người tù cải tạo (được miễn công tác lao động ngày hôm ấy) mới được lên gặp mặt một hai tiếng đồng hồ; tới khi cán bộ phụ trách nhà thăm nuôi thông báo hết giờ thì phải tự giác trở về trại, người nào ở lại nếu bị khám phá sẽ bị kỷ luật và cấm  thăm nuôi kỳ tới.

Trong một hai tiếng đồng hồ phù du ấy, một số trong đám trung úy thiếu úy trẻ chúng tôi có vợ lên thăm, đã bất chấp nội quy thăm nuôi để tận hưởng hạnh phúc riêng tư.

Theo nội quy thăm nuôi, tất cả mọi cuộc gặp mặt đều phải diễn ra bên trong nhà thăm nuôi dưới sự giám sát của cán bộ quản giáo; vợ chồng không được có những cử chỉ âu yếm, thân mật lộ liễu. Nhưng trên thực tế, đã có những cặp lén đưa nhau xuống bờ suối hoặc vào rẫy khoai mì…

Để thực hiện “âm mưu” này, trước đó trong các lần được đi lao động tự giác, các chàng đã phải điều nghiên đường đi nước bước và chuẩn bị “bãi đáp”, tới khi thăm nuôi, hai vợ chồng làm bộ đi về phía nhà vệ sinh rồi lỉnh vào vườn mì.

Khoai mì trồng ở đất Phước Long rất tốt, ngoài dòm vào, trên nhìn xuống chỉ thấy một màu lá xanh, nhưng vào bên trong người ta vẫn có thể định hướng bằng cách nhìn xuống gốc mì được trồng ngay hàng thẳng lối. Sau khi vào vườn mì, hoặc sẽ tìm đường đi xuống suối hoặc đưa nhau vào cuối rẫy.

Vườn mì… đồng lõa (ảnh minh họa)

 

Những cặp đưa nhau xuống bờ suối có lẽ chỉ để tâm tình (cùng lắm là tay trong tay, môi kề môi) và… ngắm cảnh, nghĩa là trong sạch như trong ca khúc Suối Mơ của Văn Cao, nhưng những anh chàng đưa vợ vào tận cuối rẫy khoai mì thì hẳn phải có ý đồ… đen tối, như Trúc Phương đã viết một cách văn huê, bóng gió xa xôi trong bài 24 Giờ Phép: “Ta đưa nhau về nguyên thủy loài người… Ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay…”

[Trong Lời Nói Đầu của thiên hồi ký này, tôi đã thưa cùng độc giả “Tất cả mọi nhân vật, tình tiết trong thiên hồi ký này đều có thật…”, tức là không hề bịa đặt. Tuy nhiên viết như thế không có nghĩa là tác giả sẽ kể lại TOÀN BỘ sự thật, bởi có những sự thật đau lòng không nên nhắc nhớ, có những sự thật tế nhị không thể kể ra. Vì thế, ngày ấy vợ chồng tôi có nghiêm chỉnh chấp hành nội quy thăm nuôi hay không, trường hợp không, thì đưa nhau xuống bờ suối hay vào cuối vườn khoai mì, xin được xem là chuyện “tứ tri” – chỉ có trời, đất, và hai người trong cuộc biết với nhau mà thôi]

* Đợt thả tù đầu tiên

Khoảng cuối năm 1977 đầu năm 1978, đã diễn ra đợt thả tù cải tạo quy mô đầu tiên ở Phước Long, cùng thời gian với nhiều nơi khác ở miền Nam. Gọi là quy mô bởi vì trước đó đã có những đợt thả tù lẻ tẻ, thường là những người “có thân nhân cách mạng”, hoặc các bác sĩ được thả về để phục vụ tại các bệnh viện…

Những người được thả trong đợt đầu tiên này không được cấp Giấy Ra Trại ngay mà chỉ được đi phép một tháng để tìm kiếm công ăn việc làm, hoặc đưa gia đình lên vùng kinh tế mới, rồi đem giấy chứng nhận trở về trại để “cấp trên” duyệt xét, xong xuôi mới được cấp Giấy Ra Trại.

T2 chúng tôi có hơn 1/3 có tên trong danh sách, đa số là trung úy thiếu úy lớn tuổi, trong đó có Tư “răng vàng”, tay đội trưởng tăng gia, và Thiếu úy T, ông tổ trưởng cũ của tôi ở Trảng Lớn. Việc này cũng dễ hiểu, những ông trung úy thiếu úy già ấy thường đã vợ con đùm đuề, nhiều người đã có cháu nội cháu ngoại cho nên trong thời gian cải tạo thường an phận, thủ cẳng, nín thở qua sông, tích cực lao động, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy… với hy vọng sớm được cho về đoàn tụ với gia đình.

Cùng với thành phần lớn tuổi nói trên là những người có thân nhân cách mạng, và một số thiếu úy trẻ “nhẹ tội”, trong đó có Yên “kiết”.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có ít nhất hai chàng thiếu úy trẻ không “nhẹ tội” một chút nào, đó là Hùng nhô, tay thiếu úy CTCT ăn chung với tôi, từng trốn trại trong những ngày cuối cùng ở Đồng Ban, và tay thiếu úy gốc Hoa nói tiếng Việt không rành gốc Cà Tum trốn trại sau khi lên Phước Long, người mà ông Phùng Xuân Nghĩa nói rằng “thời gian cải tạo chắc chắn sẽ lâu dài hơn những người kiên trì học tập tiến bộ”!

Sau này chúng tôi được biết tay thiếu úy gốc Hoa được gia đình chạy chọt, nghe nói tới 16 cây vàng; riêng trường hợp Hùng nhô – Bắc Kỳ di cư, nhà nghèo, không thân nhân cách mạng… – thì chính đương sự cũng không tìm ra câu trả lời, cho nên chúng tôi chỉ biết đoán mò rằng rất có thể danh sách tù cải tạo được thả đợt này chưa đủ con số do trung ương đưa ra, và một số may mắn trong đó có Hùng nhô được điền vào cho đủ số!

Suy ra, “tội” của Hùng nhô và mấy tay thiếu úy trẻ trốn trại bất thành

ở Đồng Ban ngày ấy đã không bị ông Phùng Xuân Nghĩa ghi vào hồ sơ!

* * *

Hết hạn một tháng, tất cả tù cải tạo được đi phép đều trở lại T2, trừ… Tư răng vàng, tay đội trưởng tăng gia!

Mấy ngày đầu, ông Phùng Xuân Nghĩa còn cố hy vọng Tư răng vàng vì một nguyên nào đó bị “trễ phép”, nhưng hai tuần sau ông ta vẫn biệt tăm.

Trong khi ông thủ trưởng bị quê một cục thì đám tù cải tạo chúng tôi vô cùng thích thú trước việc “cải tạo viên” gương mẫu, tiến bộ, luôn luôn lấy điểm cách mạng ấy lại chơi ban chỉ huy trại một vố đau điếng! (Chú thích 1)

Số là, như sau đó chúng tôi được biết, do lời dụ ngọt của Tư răng vàng, không ít cán bộ của T2 đã gửi tiền nhờ ông ta mua giúp cái đài, cái đổng, hay thứ này thứ khác, cộng lại có đến vài trăm bạc.

Đám cán bộ tin tưởng Tư răng vàng vì nguyên nhân rất đơn giản: ông ta phải trở lại T2 để lấy giấy ra trại, và chắc chắn sẽ lấy điểm bằng cách cố gắng tìm mua những món hàng chất lượng với giá rẻ nhất!

“Anh ấy tệ thật!” là tất cả những gì Đại úy Phùng Xuân Nghĩa thốt ra với đám đội trưởng cải tạo.

* * *

Hai tuần sau, những người được thả trong đợt đầu tiên được cấp giấy ra trại, và được xe molotova chở ra Phước Bình để từ đó đón xe đò về Sài Gòn.

Như vậy, những người này chỉ bị cải tạo chưa tới hai năm rưỡi. Chúng tôi nhớ lại những gì Trung úy Vầy đã nói ở Đồng Ban rằng theo sự tin tưởng của anh, chính sách cải tạo trong Nam hiện nay cũng giống như ở ngoài Bắc sau năm 1954, trừ những người bị xem là “kẻ thù nguy hiểm của chế độ” sẽ không có ngày về, những người còn lại cứ mỗi 3 năm sẽ được cứu xét và một số sẽ được thả về.

Chúng tôi suy ra sở dĩ nay mới hai năm rưỡi mà đã có đợt về đầu tiên là vì tù cải tạo trong Nam quá đông, phải cho về thành nhiều đợt, ai hên thì được lời mấy tháng.

Một tuần sau, khi đội của tôi đang phá rẫy dọc sát con đường Phước Bình – Quảng Đức thì thấy hai chiếc xe GMC chở tù cải tạo từ Bù Gia Mập chạy ra. Khi thấy chúng tôi, một số người đưa tay vẫy, và chúng tôi hiểu họ được thả về. Một người trong bọn chúng tôi lớn tiếng hỏi “Bò mấy?” thì họ đưa bốn ngón tay lên làm hiệu, cho chúng tôi biết họ là “bò tứ” (thiếu tá).

Việc này càng khiến chúng tôi thêm phấn khởi, tin tưởng sẽ có thêm những đợt khác được thả về trong thời gian sắp tới…

 * Mát-đa chi mộ

Sau đợt thả tù đầu tiên ở T2, vì các dãy nhà dành cho cải tạo đã xuống cấp trầm trọng, chúng tôi được lệnh đi cắt tranh về lợp lại mái để chuẩn bị cho mùa mưa sắp tới. Vì đã có hơn 1/3 cải tạo được thả, cho nên đội của tôi đang ở dãy nhà gần ban chỉ huy trại nhất được lệnh xuống ở chung với anh em trong hai dãy nhà còn lại vừa được tu bổ.

Nhóm chúng tôi ở chung nhà với đội của Thời, một tay thiếu úy gốc Cà Tum, Bắc Kỳ vui tính, lanh lợi, hơi lắm mồm và khá láu cá. Tôi và hắn trở nên khá thân, xưng hô mày tao…

Một tháng, rồi hai tháng trôi qua kể từ ngày thả tù đợt một, chúng tôi vẫn không thấy ông Phùng Xuân Nghĩa đả động tới gì tới đợt kế tiếp. Rồi ông đi phép về Bắc thăm nhà, trao T2 lại cho thủ phó là Trung úy Tịch.

Mát-đa vừa lên xử lý chức vụ thủ trưởng thì có những diễn tiến bất thường.

Trước hết, tù cải tạo L2 được lệnh lên hội trường trung đoàn để học tập về thái độ thù nghịch và âm mưu bành trướng của đàn anh Trung Quốc, mà nay đảng và nhà nước ta gọi là “bọn bá quyền phương Bắc”. Giáo viên cũng cho biết Khmer Đỏ, tức “tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary” đã trở thành tay sai của Bắc Kinh và bắt đầu hoạt động gây hấn ở vùng biên giới Tây Nam.

Tiếp theo, toán lao động tình nguyện ở Bù Gia Mập được lệnh trở về T2 ngay.

Toán này gồm mấy chục anh em thuộc đội của tôi do Cường hướng dẫn, tình nguyện tới một trại cải tạo (hoặc doanh trại quân đội nhân dân) bỏ trống trên đường đi Bù Gia Mập, để chăm sóc đám rẫy lúa mọi và khoai mì được trồng trong khu vực, dự trù ở lại cho tới ngày thu hoạch.

Theo những gì chúng tôi nghe được từ đám vệ binh, tuy hiện nay Khmer Đỏ chỉ đánh phá vùng biên giới từ Tây Ninh trở xuống An Giang, các đơn vị bộ đội ở Bình Long, Phước Long cũng được đặt trong tình trạng báo động, đồng thời một số sĩ quan và bộ đội đang “công tác” (phục vụ) tại các trại cải tạo được “biên chế” (thuyên chuyển) tới các đơn vị biên phòng.

Ít lâu sau, trong một buổi giao ban vào chiều Thứ Sáu, Trung úy Tịch ra lệnh các đội trưởng về thông báo cho anh em cải tạo biết bắt đầu từ Thứ Hai tuần tới, mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành lệnh cấm nuôi chó.

Theo viên thủ phó, trước sau nội quy trại vẫn cấm tù cải tạo nuôi chó, nhưng lên Phước Long ban chỉ huy trại (ông Phùng Xuân Nghĩa) đã du di để cải tạo nuôi chó cho có bạn. Nay vì “tình hình khẩn trương”, quân Khmer Đỏ có thể vượt biên giới, thâm nhập lãnh thổ Phước Long, khi ấy tiếng chó sủa sẽ làm lộ vị trí của trại, vì thế những cải tạo viên đang nuôi chó ở T2 có hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật để làm thịt chúng. Qua ngày Thứ Hai, người nào còn nuôi chó sẽ bị kỷ luật!

Tuy nhiên không mấy người trong chúng tôi tin vào cách giải thích của Trung úy Tịch, mà đa số cho rằng viên thủ phó lợi dụng cơ hội được xử lý chức vụ thủ trưởng để diệt lũ chó của cải tạo mà y ghét cay ghét đắng.

Những gì tôi kể lại sau đây độc giả có thể cho là khó tin nhưng anh em cải tạo ở L2 T2 ngày ấy là những nhân chứng sống.

Nguyên mấy con chó ở T2 được tù cải tạo nuôi có khả năng phân biệt giữa tù cải tạo và đám cán bộ, vệ binh; ban ngày thì không sao, nhưng sau khi trời tối nếu có cán bộ từ ban chỉ huy trại đi xuống khu vực cải tạo là chúng sủa um sùm, gián tiếp báo động cho mọi người biết có “nón cối” đi xuống.

Nhưng riêng Trung úy Tịch thì bất kể ngày đêm, mỗi khi hắn xuống khu vực cải tạo thì đi tới đâu mấy con chó cũng chạy theo sủa tới đó. Có anh em giải thích rằng vì trước đây hắn đã có lần đá một con chó khi nó tới gần, từ đó lũ chó đã thể hiện “thái độ chống đối” và “tinh thần đoàn kết” qua việc đua nhau sủa viên thủ phó mỗi khi đương sự đi xuống khu vực cải tạo!

Sau khi được các đội trưởng thông báo lệnh giết chó của Trung úy Tịch, những anh em nuôi chó không biết phải xử trí ra sao, giết thịt thì không nỡ, mà không giết thì ăn nói ra sao với tay thủ phó?

Sau cùng, anh em quyết định đem chó cho bạn bè ở T1 (ở gần trung đoàn), họ tiếp tục nuôi thì không còn gì bằng, trường hợp họ làm thịt thì ít ra mình cũng không phải chứng kiến cảnh thương tâm ấy.

Riêng tôi không quen biết anh em nào ở T1 nên dự tính tới chiều Chủ Nhật khi anh em đem chó lên T1 tôi sẽ gửi con Mát-đa theo, anh em muốn cho ai thì cho.

Nhưng tới chiều Chủ Nhật, khi anh em chuẩn bị đưa chó lên T1 thì con Mát-đa… biệt tích. Tôi gọi khản cả cổ, tìm kiếm khắp nơi, ra tận bờ suối nơi tôi thường dắt nó đi tắm và bơi lội, đùa giỡn cũng không thấy. Mãi tới chiều tối, khi tôi đang ăn cơm thì nó mới dẫn xác về, ướt sũng!

Cho tới nay, tôi cũng không biết đích xác ngày ấy con Mát-đa có linh tính nên bỏ trốn hay chỉ bơi qua suối đi chơi lang thang tới tối mới mò về?!

Tôi dự định sáng hôm sau sẽ cột Mát-đa ngoài bờ suối, đợi tới chiều nhờ một anh bạn đưa nó lên T1 để tôi được yên thân với tay thủ phó.

Sáng hôm sau, khi tôi đang đánh răng rửa mặt ở ngoài giếng phía sau dãy nhà thì một anh bạn chạy tới, vừa thở hổn hển vừa nói:

– Sáu Lèo! Sáu Lèo, thằng Tịch nó đang bóp cổ con Mát-đa của mày!

Tôi vội vã chạy về, nhưng vừa vào nhà thì một anh em khác đã ôm chặt lấy tôi, nói nhỏ:

– Đừng ra, nó đang nổi điên!

Định thần lại, tôi thấy tất cả anh em đều đã quay vào trong nhà, không một ai ở ngoài sân…

Một lúc sau mới có người cho biết tay thủ phó đã bỏ đi. Tôi chạy ra sân, tới nơi thấy Mát-đa nằm sõng soài bên cạnh một gốc cây, máu từ miệng nó ứa ra.

Sau này, tôi được anh em kể lại đầu đuôi như sau:

Mặt trời vừa lên, Trung úy Tịch đã lững thững đi xuống khu vực cải tạo. Hắn vừa tới đầu dãy nhà thứ nhất thì con Mát-đa từ đâu không biết phóng tới sát chân viên thủ phó mà sủa inh ỏi, và bị hắn nhanh tay chộp được. Rồi hắn đứng dạng hai chân như thể để lấy tấn, hai bàn tay nắm cổ con Mát-đa đưa lên ngang mặt mà xiết; một lúc sau thấy nó trở nên bất động, hắn mới buông tay, quăng xuống đất.

Nhưng, một là vì bị ném mạnh xuống đất con Mát-đa tỉnh lại, hai là,  như đa số anh em tin tưởng, nó chỉ giả vờ chết, vừa bị ném xuống đất là vùng dậy bỏ chạy!

Nhưng sức đã yếu, không thể chạy nhanh, Mát-đa bị Trung úy Tịch chạy theo chộp lại một cách dễ dàng. Rồi hắn như một thằng điên, vừa quát tháo, chửi thề vừa nắm hai chân sau của con chó, lấy hết sức bình sinh quật đầu nó vào gốc cây liên tiếp cho tới khi nát óc!

Đó chính là lúc anh em bảo tôi “Đừng ra, nó đang nổi điên!” và giữ tôi lại trong nhà…

Tôi tiến tới gốc cây, ôm con Mát-đa lên, lòng đau xót khôn tả. Đúng lúc ấy, Thời chạy tới, nói lớn:

– Cắt tiết ngay, không máu nó đông!

Tôi quay lại:

– Mày nói cái gì?

– Tao nói phải cắt tiết ngay, không thì máu nó đông!

Máu nóng bừng bừng bốc lên hai bên thái dương, tôi cố dằn để khỏi buông tiếng chửi thề, chỉ đáp cộc lốc:

– Tao chôn!

Thời vẫn không chịu bỏ cuộc:

– Sao lại chôn, thịt chó cũng là “prô-tê-in”…, sao lại chôn, phí của giời!

Tôi gằn từng tiếng:

– Chó của… tao! Tao… chôn!

Trong lúc tôi và Thời đối đáp, những anh em đứng chung quanh đều giữ im lặng. Tôi biết họ không chỉ thông cảm với nỗi xót xa của tôi mà chính họ cũng xúc động trước cái chết thảm thương của con chó được cả trại yêu thích.

Tôi lấy một cái áo cũ cuốn con Mát-đa lại rồi thay vì chôn nó ngoài bờ suối cạnh con chó em, tôi trịnh trọng chôn trong cái vườn rau đẹp nhất trại.

Nguyên trước khi được thả về, Thiếu úy T, ông tổ trưởng cũ đã kết tôi từ ngày còn ở Trảng Lớn, đã ưu ái bàn giao cho tôi cái vườn rau cá nhân mà ông và mấy người bạn già đã bỏ biết bao công sức để vun trồng, có đủ mọi loại rau, mấy gốc cà tím, và một giàn mướp, một giàn khổ qua.

Vườn có hàng rào thấp ngang bụng và một cái cổng ra vào xinh xắn, lại nằm giữa hai dãy nhà của cải tạo cho nên ai đi ngang qua cũng nhìn thấy và phải trầm trồ.

Tôi chôn con Mát-đa ở giữa vườn. Buổi chiều đi lao động về, tôi đắp cho nó một nấm mồ nho nhỏ, rồi lấy một cây cọc cắm lên, trên gắn miếng các-tông hình chữ nhật khoảng hai gang tay, với hai hàng chữ  lớn:

Mát-đa chi mộ

Chết vì bóp cổ

Ngày hôm sau, Thời tìm tôi:

– Sáu Lèo ơi, tao lạy mày. Mày mà chọc giận Mát-đa, hắn nổi điên lên thì cả trại lãnh đủ!

Vừa căm thù viên thủ phó vừa nhớ lại việc sáng hôm qua Thời đòi cắt tiết con chó, tôi lạnh lùng trả lời:

– Con chó của tao tên là Mát-đa thì tao viết là Mát-đa, nó bị bóp cổ thì tao viết là bị bóp cổ. Trung úy Tịch có thắc mắc thì mày cứ bảo là tao nói thế đấy!

Tuy nhiên vì sau đó có mấy anh lớn tuổi nhỏ nhẹ khuyên can, tôi đã chấp nhận nhượng bộ một nửa: xóa bốn chữ “chết vì bóp cổ”.

(còn tiếp)

 CHÚ THÍCH:

(1) Tư răng vàng. Sau khi ra tù cải tạo, tôi đã quên Tư răng vàng. “Quên” ở đây không có nghĩa là không còn nhớ gì về nhân vật đặc biệt này, mà chỉ vì không có dịp nhắc nhớ tới ông ta.

 Gần 20 năm sau, Tư răng vàng tái xuất hiện, không phải tại Việt Nam mà ở Hoa Kỳ, trong một cuộc biểu tình chống… CSVN. Tôi biết được việc này qua đọc một bài phóng sự (không nhớ tựa đề và tên tác giả) được phổ biến trên Internet.

 Đọc bài viết, tôi biết tác giả phải là người đã từng ở T2 từ Đồng Ban lên tới Phước Long cho nên mới biết rõ “quá trình hoạt động” của Tư răng vàng như thế. Trong cuộc biểu tình, Tư răng vàng là một trong những người hô “Đả đảo cộng sản” hăng hái nhất, lớn tiếng nhất.

 Trước sự việc này, tác giả bài viết đã có phản ứng và suy nghĩ mà nếu có mặt ở đó, tôi cũng không làm khác hơn: những gì đã qua cho qua luôn; điều quan trọng là ngày ấy Tư răng vàng đã không lấy điểm chế độ mới tới mức gây “nợ máu” với anh em; còn hiện nay việc ông ta tham biểu tình chống cộng tại hải ngoại, cho dù là a-dua, cũng chỉ có lợi chứ chẳng làm hại tới ai. Khác với một số người lấy điểm hoặc làm ăng-ten trong trại cải tạo, sau khi được thả đã tiếp tục cúc cung tận tụy với chế độ để được, hoặc hy vọng sẽ được, hưởng đặc quyền đặc lợi, chẳng hạn một ông lang Tây nọ, làm tới  “dân biểu quốc hội”!

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search