T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: Bàn Về “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA” (Bài 2)- Thơ Vũ Hoàng Chương

 

Đọc Lại Người Xưa 2

“Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”

                     Phạm Ngũ Lão

 

Đại công ngoài mãi tầm tay

Thẹn nghe lời nhắc rồng mây Vũ hầu

Non sông riêng họ Trần đâu

Mà trăm trận đánh công đầu về ai

Để ta thương một chàng trai

Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu

Kìa trên dòng sử hoang vu

Tầm tay ai vượt sương mù trỏ lên

Thẳng băng ngọn giáo mũi thuyền

Nuốt sao Ngưu lệnh còn xuyên trăng tà

Chàng trai cười ngất Đông A

Hơi văn nhọn mãi chính là đại công.

Vũ Hoàng Chương

 

I – Sơ lược về nhà thơ Vũ Hoàng Chương

II – Sự Kiện của thơ

Phần I và phần II: Xin xem: Châu Thạch: Bàn Về “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA” (Bài 1)- Thơ Vũ Hoàng Chương

III – Tóm lược tiểu sử Phạm Ngũ Lão

“Đọc Lại Người Xưa” bài 2 nhà thơ Vũ Hoàng Chương viết về danh tướng Phạm Ngũ Lão.

Phạm Ngũ Lão (1255–1320), người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là làng Phù Ủng xã Phù Ủng huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), Việt Nam là tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288.

Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285-1288) Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng địch là Lý Quán và Lý Hằng.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba(12/1287), Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.

Phạm Ngũ Lão đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301; hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành vào năm 1312, buộc vua Chiêm là Chế Chí phải xin hàng và 1318 vua Chế Năng phải bỏ chạy sang Java[.

Ngày 1 tháng 11 năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông nghỉ chầu 5 ngày, đây là một đặc ân của nhà vua đối với ông.

Nhân dân xã Phù Ủng dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ của ông. Ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Trần Hưng Đạo.

Nhà sử học lỗi lạc của nước nhà ở thế kỉ XV là Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên đã đánh giá rất cao về tài năng phi thường của ông:

“Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm Điện Súy (chỉ Phạm Ngũ Lão) thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, nào phải riêng chuyên về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, hễ tấn công là chiếm được, người xưa cũng không ai có thể vượt qua nổi các ông”.  Bài hịch mà Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên nói đến chính là bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, còn lời thơ mà Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên nhắc tới chính là lời thơ trong bài tứ tuyệt của Phạm Ngũ Lão, được hậu thế đặt cho tiêu đề là Thuật hoài.

 

IV- Nghiên cứu bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão

Thuật hoài

Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

 Dịch nghĩa

Tỏ Lòng

Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như gấu hổ, át cả sao Ngưu Đẩu.
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.

 Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Múa giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

Thuật hoài” (thuật: kể lại, bày tỏ; hoài: nỗi lòng) được hiểu là sự thổ lộ khát khao, mong muốn, bày tỏ hoài bão lớn lao và quan điểm riêng của tác giả – một dũng tướng tuổi trẻ tài cao. (Phạm Ngũ Lão sáng tác bài thơ trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần II giai đoạn 1284-1285, nhà thơ khoảng 30 tuổi).

Trong bài thơ nầy có câu thơ “Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu” dịch là “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu” để nói thêm về chí lớn, về hoài bão, về khát vọng của Phạm Ngũ Lão, muốn làm được việc lớn như Vũ Hầu mà thôi.  Vũ Hầu Tức Gia Cát Lượng (Khổng Minh), người giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán, có nhiều công lao, được phong tước Vũ Vương Hầu gọi tắt là Vũ Hầu và có khi gọi là Gia Cát Vũ Hầu.

 

V – Bàn luận thơ “Đọc Lại Người Xưa” bài 2 của Vũ Hoàng Chương:

Hai câu thơ mở đề Vũ Hoàng Chương Viết:

                     Đại công ngoài mãi tầm tay

                    Thẹn nghe lời nhắc rồng mây Vũ hầu

Ta biết Phạm Ngũ Lão là một danh tướng thời nhà Trần, công trạng của ông rất lớn, là những “Đại công” ghi vào lịch sử, để lại đời sau nhớ ơn và thờ phượng. Thế sao Vũ Hoàng Chương lại viết về ông là “Đại công ngòai mãi tầm tay”? Điều nầy dễ hiểu bởi căn cứ câu thơ Phạm Ngũ Lão viết trong “Thuật Hoài” dịch là “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”. Từ đó, ta biết Phạm Ngũ Lão chưa vừa ý với những chiến công mà ông đạt được trong đời. Những chiến công đuổi quân xâm lược Nguyên Mông, bình định sự quấy nhiểu của quân Ai Lao, Chiêm Thành, Phạm Ngũ Lão vẫn chưa cho đó là đại công. Cái mộng của Phạm Ngũ Lão là phải làm được những việc đại công như Khổng Minh, người tài cao mà ông khâm phục. Vì vậy khi ông đem công trạng giúp vua giúp nước của mình  so với Khổng Minh thì ông thẹn với lòng.

Hiểu được nỗi lòng ấy của Phạm Ngũ Lão, Vũ Hoàng Chương đã nói thay tâm tư của danh tướng bằng hai câu thơ trên: “Đại công ngoài mãi tầm tay/Thẹn nghe lời nhắc rồng may Vũ Hầu”.

Hai câu thơ thứ 3 và thứ tư như sau:

                    Non sông riêng họ Trần đâu

                    Mà trăm trận đánh công đầu về ai

Hai câu thơ trên, nhà thơ Vũ Hoàng Chương tỏ ra bất mãn với việc nhà Trần khen thưởng bất công đối với Phạm Ngũ Lão. Nhà thơ cho rằng Phạm Ngũ Lão tài ba như thế mà cả trăm trận đánh, công đầu đều trao cho con cháu họ Trần, người trong hoàng tộc.

Thật ra sử sách tìm không thấy nói điều nầy. Sử sách nói rằng:
“Có thể hiểu, sự xuất thân của Phạm Ngũ Lão không qua khoa cử mà đi bằng con đường đặc biệt là lọt vào con mắt xanh của vị thánh tướng triều Trần, đã cho thấy cách chiêu mộ hiền tài phong phú của vương triều bấy giờ, là phát huy sức mạnh toàn dân. “Phạm Ngũ Lão được Hưng Đạo Đại Vương gả con gái cho. Điều này rất hiếm xảy ra trong vương triều Trần. Để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi”

Sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương loại chí, phần ghi chép và bàn về các vị tướng tài giỏi đã tôn vinh 16 vị tướng từ thời Lý đến thời Lê sơ, riêng triều Trần có 4 người là Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão, điều đó cho thấy ngay cả sử quan thời phong kiến luôn bảo vệ tôn thất nhiều khi thiên lệch đã khách quan nhìn nhận tài năng quân sự của ông, xếp ông vào hàng danh tướng bậc nhất, đã khẳng định vai trò vị trí của ông trong các võ công hiển hách của vương triều Trần. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Điều đó chứng tỏ Vua nhà Tràn ban thưởng phân minh.

Hai câu thơ trên đây “Non sông riêng họ Trần đâu/Mà trăm trận đánh công đầu về ai” theo  tôi có lẽ chỉ là sự tưởng tượng rồi suy diễn của nhà thơ Vũ Hoàng  Chương. Việc nầy thôi xin nhường lại cho các sử gia nhận định chính xác hơn.

Hai câu thơ kế tiếp như sau:

                      Để ta thương một chàng trai

                     Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu

Hai câu thơ nầy, Vũ Hoàng Chương tỏ ý thương cho Phạm Ngũ Lão, người danh tướng tài cao đã thở dài vì công trạng của mình không được đền đáp như ý nguyện.

Như đã nói ở trên, không có dấu hiệu nào chứng tỏ nhà Trần khen thưởng  bất công đối với Phạm Ngũ Lão. Căn cứ theo bài thơ “Thuật Hoài” của Phạm Ngũ lão ta cũng thấy nhà Trần đã cho ông cơ hội để thỏa chí bình sinh: “Múa giáo non sông trải mấy thâu,/Ba quân hùng khí át sao Ngưu”.

      Vậy vì sao Vũ Hoàng Chương lại gán cho Phạm Ngũ Lão cái tâm trạng “thở dài mấy thu” như thế?. Điều này ta có thể suy đoán  nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã hư cấu nỗi buồn của Phạm Ngủ Lão để gởi một chút tâm sự của chính mình vào đó. Tâm sự của Vũ Hoàng Chương là gì? Đó là sự bất đắc chí trong đời. “Vũ Hoàng Chương lớn lên gặp lúc nước nhà trải qua nhiều đổi thay lớn lao. Thanh niên thế hệ ông dùng nhiều các danh từ như: cách mạng, cao trào, tự do, dân chủ, đấu tranh, tiến bộ v.v… Còn ông Vũ thì ông hay nói đến chuyện … làm vua. Vâng, chính ông làm vua. Tên ông lót chữ Hoàng, ông thường tự xưng là Hoàng (“Tố của Hoàng ơi”). Hoàng, chiết tự thành ra Bạch Vương. Người yêu của ông có kẻ tên Khanh, ông xưng hô như thể là vua với hoàng hậu, nghe thích lắm”. Từ đó ta có thể phỏng đoán ý nghĩa của  hai câu thơ trên, Vũ Hoàng Chương  mượn Phạm Ngũ Lão để bày tỏ sự bất bình của mình, vì cuộc đời không đãi ngộ một nhân tài như ông để có thể đạt cao trên con đường danh vọng.

Góp ý nhận định của tôi về những câu thơ trên, nhà thơ La Thụy có những bình luận như sau mà tôi thấy rất đáng trân trọng;

“Nhận xét như vậy có lẽ do câu thơ sau gây ‘ấn tượng sâu sắc,: ‘Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu’. Thực ra, Phạm Ngũ Lão là một chàng trai thôn dã, qua những chiến công hiển hách BẢO VỆ NON SÔNG, TỔ QUỐC trước sự xâm lăng của giặc Mông Nguyên (không phải chỉ riêng vì bảo vệ lăng miếu, xã tắc của triều Trần), ông nhận những ưu đãi của nhà Trần:

– Khác với những gia tướng của Trần Hưng Đạo như Nguyễn Địa Lô, Yết Kiêu, Dã Tượng…, sau chiến thắng Mông Nguyên vẫn là gia tướng của THĐ, Phạm Ngũ Lão trở thành tướng lĩnh của nhà Trần. Ông được Trần Hưng Đạo gả con gái (giả làm con gái nuôi của Trần Hưng Đạo vì nhà Trần có quy định chỉ gả con gái trong dòng tộc) là quận chúa Anh Nguyên. Điều này rất hiếm xảy ra trong vương triều Trần. Để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi. Chỉ riêng điều đó đã thấy sự nhìn xa trông rộng, phát hiện và trọng dụng hiền tài của Hưng Đạo Vương.

– Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Năm Giáp Ngọ (1294) nhờ lập công khi đi đánh ở Ai Lao, ông được ban Kim Phù (tức binh phù làm bằng vàng). Năm Đinh Dậu (1297) cũng nhờ lập công khi đi đánh trận ở Ai Lao, ông được ban Vân Phù (tức binh phù có khắc chạm hình mây). Năm Tân Sửu (1301), ông được phong làm Thân Vệ Đại tướng Quân và được ban Quy Phù (tức binh phù có chạm hình con rùa). Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Một người con gái của Phạm Ngũ Lão hiệu là Tĩnh Huệ là thứ phi của vua Anh Tông

“Nỗi U HOÀI cũng là HOÀI BÃO của Phạm Ngũ Lão được THUẬT lại thông qua NỖI THẸN trong bài thơ THUẬT HOÀI… Chữ ‘thẹn’ thể hiện vẻ đẹp nhân cách của người anh hùng, nỗi thẹn của những con người có trách nhiệm với đất nước, non sông. Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão cũng là những day dứt của chí làm trai, biểu hiện một hoài bão lớn của người thanh niên yêu nước. Quan niệm ‘nợ công danh’ đã trở thành lí tưởng sống của người anh hùng trong xã hội xưa. Thời đại Phạm Ngũ Lão, chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà xây dựng lợi ích của giai cấp phong, kiến, ‘công danh’ là một khát vọng lập công, lập danh, hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước là ‘tiếng thở dài mấy thu” như cách nói của Vũ Hoàng Chương ‘Nam nhi vị liễu công danh trái Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu’.

        Phạm Ngũ Lão đã cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông mấy thu rồi mà vẫn còn thấy mình chưa trả xong nợ công danh là bởi vì cái chí ông quá lớn và cái tâm ông đẹp quá. ‘Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu’ Phạm Ngũ Lão cảm thấy thẹn khi nhắc đến Vũ Hầu Gia Cát Lượng, vì chưa có tài mưu lược lớn như Gia Cát Lượng để trừ giặc, cứu nước, khôi phục giang sơn cũng có nghĩa là thấy mình chưa xứng đáng là một đấng nam nhi thời loạn.

Đó cũng là biểu hiện khát vọng muốn góp sức mình vào sự nghiệp chung. Hoài bão lớn của Phạm Ngũ Lão thông qua nỗi thẹn không chỉ thể hiện qua món nợ mà còn ở việc ông không hề nói suông, ông có ước mơ lớn và đã cố gắng thực hiện hoài bão ấy. Cho nên, từ một chàng trai không tiếng tăm nơi thôn xóm, ông trở thành một tướng tài, ông trả xong nợ công danh với lịch sử, lịch sử đã gọi tên ông. Thế hệ sau nhớ mãi đến ông cùng với THUẬT HOÀI . ‘Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu’

Và nhà thơ La Thụy đã kết luận như sau:

“Hoành sóc giang san cáp kỷ thu, Nam nhi vị liễu công danh trái, Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu (Ngọn giáo non sông trải mấy thâu, Công danh nếu để còn vương nợ, Luống thẹn tai nghe truyện Vũ hầu.) NỖI THẸN, MỐI U HOÀI, HOÀI BÃO của Phạm Ngũ Lão đã được Vũ Hoàng Chương khái quát qua câu thơ: “Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu”

       Hiểu như nhà  thơ La Thụy thì câu thơ “Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu” là nhà thơ Vũ Hoàng Chương mô tả tâm trạng của Phạm Ngũ Lão buồn vì chưa đạt ước mơ lớn của mình chớ không phải buồn vì bị nhà Trần ban thưởng chưa đúng công lao.

Bước qua 4 câu thơ kế tiếp của “Đọc Lại Người Xưa (2)” như sau:

Kìa trên dòng sử hoang vu

          Tầm tay ai vượt sương mù trỏ lên

          Thẳng băng ngọn giáo mũi thuyền

          Nuốt sao Ngưu lệnh còn xuyên trăng tà

Bốn câu thơ nầy thì dễ hiểu thôi, Vũ Hoàng Chương ca tụng tài ba và sự nghiệp của Phạm Ngũ Lão. Tài ba và sự nghiệp của Phạm Ngũ Lão thì đã được nói nhiều ở trên nên người viết không nhắc lại thêm làm gì..

Vậy xin bước qua hai câu thơ cuối của “Đọc Lại Người Xưa (2)”

Chàng trai cười ngất Đông A

              Hơi văn nhọn mãi chính là đại công.

Hào khí Đông A có ý nghĩa sâu xa.

Trên thực tế, chúng ta có thể hiểu “hào khí Đông A” chính là hào khí nhà Trần. Câu nói đó là xuất phát từ 2 lý do. Đầu tiên, theo lối chiết tự, chữ Trần được ghép từ chữ Đông và chữ A nên có thể đọc là Đông A. Nhưng để hiểu được cụ thể, chúng ta phải kể đến lý do thứ 2:Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu cũng như khách quan lịch sử, nhà Trần là triều đại phong kiến đầu tiên của lịch sử Việt Nam có thể tạo được sự đồng tâm, nhất chí tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân, từ già đến trẻ hay từ trai đến gái.

Tóm lại, hào khí Đông A không chỉ là nét chữ, lỗi chiết tự mà còn là tinh thần bất khuất, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng của trên dưới quân-thần-dân nhà Trần. Với họ, đầu có thể rơi, máu có thể chảy nhưng quyết không thể làm người mất nước! Thậm chí có những người như Trần Quốc Tuấn, vì ích nước mà sẵn sàng gạt thù nhà.

Hai câu thơ ”Chàng trai cười ngất Đông A/ Hơi văn nhọn mãi chính tà đại công” Vũ Hoàng Chương đề cập đến hào khí Đông A không những chỉ thể hiện ở chiến công hiền hách thời nhà Trần mà còn thể hiện ở hơi văn như “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Quốc Tuấn hay “Thuật Hoài” của Phạm Ngũ Lão. Bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn đã phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Bài “Thuật Hoài” của Phạm Ngũ Lão nói lên nỗi khát khao của chí làm trai mong ước vụ cho đất nước.

Đọc thơ “Đọc Lại Người Xưa (2)” của Vũ Hoàng Chương  đã nói lên đủ tài ba, nhân cách, đức độ và tâm tư  của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời nhà Trần. Đọc thơ, tuy ta chưa  biết cụ thể Vũ Hoàng Chương gởi gì của riêng tư lòng ông vào đó, nhưng tác giả đã sáng tác trong hoàn cảnh mình bị lao lý, phải dấu thơ trao cho một người khác giữ, thì cũng đoán định được nhà thơ đã dùng bậc danh nhân để tá khách chính mình vào đó. Thôi thì hãy dâng một nén hương lòng, tưởng nhớ một người tài hoa đã ra đi còn để lại những vần thơ tuyệt tác cho đời ./.

Châu Thạch

 

 

 

©T.Vấn 2020

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search