T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: ĐÔI GIÀY VẠN DẶM

Những Vết chân di – Tranh: Thanh Châu

 

Yêu gian trường kiếm quải thu phong

(thơ Nguyễn Du)

 

Cách đây vài năm, tại thành phố Nha Trang, có một chàng thợ giày ngồi làm việc ở một góc phố nhỏ bên đường Lê Đại Hành.

Con đường trước mặt chàng hàng ngày đó cũng nhỏ và cũ kỹ như những con đường nhỏ và cũ kỹ khác của nước mình. Những ngôi nhà trên đường cũng có vẻ nhỏ và cũ kỹ hơn bao giờ hết với những cánh cửa thường đóng kín im ỉm và trôi nhạt trước sơn với thời gian, với những bờ tường loang lổ tróc vôi không còn ai để tâm tới, và với cả những khuôn mặt gầy gò nhợt nhạt đôi khi thò ra nhìn quẩn quanh trên phố rồi thụt vội vào. Đôi khi họ có điều gì phải nói với nhau, chẳng hạn như phải mua thêm một ít gạo để có thể sống thêm được một hai ngày, hay phải đi họp tổ dân phố vào mỗi cuối tuần, bấy giờ họ mới chịu bước ra đường, đi vội vã tới nơi phải đến và thì thầm những điều phải nói. Thường khi thì họ vẫn im lặng những cánh cửa sổ không bao giờ mở ra của những ngôi nhà của họ, dù là để lấy ngọn gió biễn mỗi chiều vẫn đến. Cũng như những người dân khác của nước mình vào những vào năm này, và bây giờ vẫn vậy, họ tin là sự im lặng đã có một ý nghĩa nào khác hơn là sự im lặng, hay ít nhất thì cũng là sự lương thiện duy nhất mà người ta có thể giữ được trong hoàn cảnh khốn khó đó. Chàng thợ giày đến đó làm việc mỗi ngày, ngồi xuống bên thùng đồ nghề xiêu vẹo sứt mẻ, cặm cụi với những chiếc dép há mõm tuột quai, và đôi khi lại bất chợt ngẩng đầu lên để nghe những tiếng thở dài len lỏi qua những khe cửa trên phố.

Chàng thường mặc bộ đồ xanh công nhân đã bạc hẳn màu, nhưng bám đầy những bụi đen mài ra từ những đế giày, và cũng đầy những bụi đường do các trận gió lốc từ biển cuốn vào phố thị. Công việc của chàng dường như không nhiều lắm, vì đôi khi người ta lại thấy chàng ngồi thừ ra, chống tay lên cằm với đôi khủy tỳ trên thùng đồ nghề, đăm chiêu nhìn ra phố, căm lặng như một chiếc giày khổng lồ bất động giữa những mớ giày cũ ngổn ngang. Nhưng cũng có những ngày may mắn, người ta thấy chàng bận rộn suốt ngày với những cây kim to đã cong queo, lo khâu những chiếc dép đã cũ đến ba mươi lần vá. Những ngày ấy thì không nhiều lắm. Chàng cũng trầm lặng như con phố buồn đó, mặc dù chàng vẫn ưa mỉm cười chào những người qua lại trên phố mà chàng quen hoặc là sẽ quen trong những dịp hư giày hỏng dép nào sắp tới.

Những ngôi nhà bên chỗ chàng ngồi làm việc vẫn luôn mở ra, dù ngày hay đêm, dù tất cả các cửa sổ trong thành phố đều khép lại. Một cậu bé vẫn thường thò đầu ra nhìn những người đang lầm lũi đi ngoài đường, hoặc nghiêng tai tò mò lắng nghe tiếng đạp xe cót két trên phố, và có khi thì nhìn chăm chú từng cử chỉ và giày của chàng. Khuôn mặt nhỏ nhắn của cậu bé có vẻ gì xanh xao vì không thường ra nắng, hiện giữa khung cửa sổ, vẫn ưa lộ vẻ ngạc nhiên dù là có chút lạ gì trên phố, hay một thoáng bắt gặp nét trầm tư của chàng thợ giày, hay chợt nghe một câu nói nào vang lên trong phố mà không có vẻ gì như một lời thầm thì vẫn có.

Một hôm, chàng thợ giày trong một lúc ngưng tay, chợt ngẩng đầu lên và bắt gặp được cái nhìn của cậu bé. Lúc bấy giờ, cậu bé đang nhìn chàng với cách tò mò và ngạc nhiên như người ta vẫn thường nhìn về một sinh vật lạ bỗng nhiên hiện lên trong nhà mình dù là chàng đã làm việc ở đó từ nhiều ngày trước. Khuôn mặt cậu bé lộ vẻ bối rối vì bị bắt gặp như vậy. Nét bối rối đó làm chàng thợ giày nghỉ là cậu vốn không có thói quen giao tiếp.

– Chào em bé.

Chàng thợ giày đưa tay lên chào và mỉm cười với cậu bé. Cậu bé cũng mỉm cười chào và tỳ cằm lên thành cửa để nhìn ra. Chàng thợ giày nheo mắt đùa với cậu bé:

– Sao hôm nay em không đi học?

Cậu bé ngập ngừng một chút rồi trả lời:

– Em không đi học từ nhiều năm nay rồi.

Chàng không ngạc nhiên gì khi nghe câu trả lời đó, vì những tuổi nhỏ không được đi học đã trở thành chuyện thường xảy ra ở nước mình bây giờ. Mặc dù là có nhiều lý do để các cậu bé phải bỏ học, và dù lý do gì đi nữa, chàng cũng biết là người ta không nên hỏi thêm về những điều như vậy. Cậu bé im lặng một bồi hồi rụt rè hỏi chàng:

– Anh đang làm gì đấy nhỉ?

– Anh là thợ giày, anh lo đóng giày dép hay vá vớ vẩn.

– Vá vớ vẩn là gì anh nhỉ?

Chàng thợ giày đưa cao hai tay lên vặn người cho những khớp xương tay và vai kêu lên răng rắc, giả vờ nghiêng đầu suy nghĩ một tí về công việc mình đang làm hàng ngày, như cố gắng tìm lời đơn giản hơn để có thể giài thích cho cậu bé hiểu. Chàng nhìn thẳng vào đôi mắt to tròn của cậu bé và trả lời với vẻ như cũng không hài lòng về câu trả lời của mình. Thường thì khi người ta tìm cách để giải thích về một điều gì càng hết sức đơn giản, thì lại càng thật sự là khó. Hoặc giả lúc đó chàng nghĩ rằng đáng lẽ ra cậu không cần hỏi như vậy, mà phải biết hết những chuyện như vậy.

– Bởi vì người ta không thể đi chân trần được em ạ. Không, nếu họ thích thì cứ việc đi chân trần. Nhưng ở trên đời có biết là bao nhiêu đoạn đường không bằng phẳng, thường khi cũng lắm gai chông. Và người ta cần có một đôi giày nào đó để bước qua. Dĩ nhiên, nếu họ thích ngồi một chỗ và nhìn thì họ không cần đến giày em ạ. Và đôi chân của họ sẽ không bao giờ bị thương dù là họ đang ngồi đó, nhìn những người khác đang bước đi, đang chạy nhảy đang cố gắng vượt qua những gai chông hầm hố, vì họ không hề chịu nhấc lên đến nửa bàn chân, và cũng có thể vì họ đã quen ngồi nhìn nên không thể chỗi dậy nổi. Công việc của anh là đóng giày cho những người dám bước đi. Anh tin là em cũng thích bước đi và chạy nhảy, phải không em nhỏ?

– Em không hiểu nhiều lắm. Nhưng em không thích đi…

Khuôn mặt xanh xao của cậu bé thụt vội vào sau khung cửa và biến mất đi.

Chàng thợ giày ngạc nhiên nhìn khung cửa sổ trống vắng và mờ tối. Trước giờ, chàng vẫn không tin là có một cậu bé nào trên trần gian lại không thích đi hoặc chạy nhảy. Chàng đã tưởng là cậu bé sẽ chồm người lên hẳn khung cửa để hỏi thêm chàng về một câu gì đó, có thể là hỏi về những chân trời vạn dặm sẽ hiện ra trước mũi những đôi giày hay về những người ưa thích bước lên gai chông hầm hố mà chàng vừa nói. Chàng lại cầm lên những chiếc giày méo mó dúm dó đã cũ đến hơn ba mươi lần vá, và tiếp tục khâu lại. Chàng vừa làm việc vừa nhớ tới khuôn mặt xanh xao nhưng có vẻ thông minh của cậu bé:

– Hẳn là tí nữa khi mình ngẩng lên một lần nữa, sẽ thấy cậu bé đang ngồi vắt vẻo trên thành cửa sổ, và cậu bé sẽ hỏi mình về điều gì đấy, chẳng hạn như mình có thích đóng giày mới hay sửa giày cũ. Tất nhiên là mình sẽ không trả lời mà chỉ hỏi ngược lại tại sao em lại không thích bước đi hoặc chạy nhảy, hay là mình sẽ kể một chuyện cổ tích nào cho hứng thú hơn, lấy đại chuyện nào cũng được, đôi hia bảy dặm cũng được. Ở thời buổi này, tìm một cánh cửa sổ chịu mở ra để nói chuyện cũng thật sự là khó. Phố xá lúc nào cũng cứ đóng im ỉm, họ sợ là chỉ mở hé hé thôi cũng đủ cho những trận gió đại dương cuốn họ bay đi. Và mình lại ưa nói chuyện với những cậu bé lúc nào cũng thích mở toang cửa để nhìn thẳng vào những trận gió đại dương đó.

Nhưng hôm đó cậu bé không hiện ra nhưng chàng nghĩ. Chàng vẫn ngồi đó bên đường và tiếp tục làm việc. Ở ngoài đường lúc nào cũng vẫn trống vắng như mọi ngày. Thành phố Nha Trang trước kia là một trong những trung tâm du lịch lớn nhưng bây giờ chỉ còn là những con đường trống vắng và những cánh cửa khép lại. Vẫn còn một vài nơi đông người và ồn ào như nhà ga, chợ búa nhưng người ta đã đến những nơi đó với vẻ hớt hải, họ vội vã làm những điều phải làm và nói những điều phải nói, rồi lại chui hấp tấp vào những cánh cửa lúc nào cũng đóng im ỉm. Một đôi khi, bọn Công an Phường đến cạy cửa một căn nhà trống nào vừa bỏ đi, chở hết những đồ đạc trong nhà đi và dán lên cửa tấm giấy niêm phong. Và thường khi vào nửa đêm, họ đến đập cửa một ngôi nhà nào đó, còng tay một thanh niên dẫn đi, vì người đó đã làm một điều gì đó hoặc là đã không làm một điều gì đó, và có khi chỉ vì lý do họ tin là đương sự đang suy nghĩ về điều gì đó. Chàng thợ giày vẫn đang ngồi làm việc dưới thời tiết đó, ngày thì nóng gay gắt đỏ lửa vì mặt trời hắt lên từ nhựa đường và cát bỏng, đêm thì lạnh buốt của kinh hoàng.

Trong vài ngày sau, thỉnh thoảng cậu bé lại thò đầu ra và nói chuyện với chàng thợ giày. Họ đã trở thành bạn nhau một cách dễ dàng. Chàng đã biết cách nói chuyện để cho cậu bé không phải thụt đầu vào và biến mất đi nữa, chẳng gọi cho cậu bé nói trước. Chàng biết là cậu bé đang sống với mọi người cha. Mỗi ngày, ông đạp xe xích lô đi từ lúc mờ sáng và trở về lúc trời đã tối mịt. Chàng nghĩ có lẽ ông không có điều kiện để cho cậu bé tiếp tục học nếu vậy thì những khi rảnh rỗi mình sẽ dạy cho cậu bé vậy. Chàng nghe cậu bé huyên thuyên về những chuyện của cha cậu, ngoài những chuyện đó ra, cậu bé có vẻ không biết nhiều dù là về những con đường im vắng trong thành phố hay là lùm cây trồng dọc theo bãi biển.

– Bãi biển của mình có gì vui không anh?

– Bây giờ thì vắng lắm em ạ. Nhìn quanh quẩn thì chỉ có vài tên Liên Sô nằm phơi nắng chia những bộ ngực đầy lông thôi. Hôm nào đấy, nếu em muốn, anh sẽ đưa em ra biển chơi. Em sẽ thích mê được chạy trên những bãi cát trắng rồi mình sẽ chơi một trò gì đấy, như rượt bắt chẳng hạn.

– Không, em không thích chạy anh ạ.

Chàng nhìn thấy có vẻ gì bối rối hiện trên khuôn mặt ngây thơ của cậu bé. Cậu bé đưa tay lên chào chàng rồi lại thụt đầu vào biến mất đi.

Một hôm, trong khi chàng đang ngồi thừ người nhìn con đường hoang vắng trước mặt, bỗng nghe tiếng gọi của cậu bé.

– Chào anh thợ giày, anh đang làm gì thế?

Chàng ngẩng lên trả lời cậu bé ngây thơ đó:

– Chào em, anh chẳng đang làm gì cả. Anh chỉ đang ngồi và nhìn thôi, và chợt nhớ đến lời hình như hôm nào có nói với em. Ôi, ước gì anh không phải đang ngồi đây nhỉ. Anh thèm muốn một lúc nào đó, anh sẽ đứng lên lừng thững, phanh ngực áo ra hứng tất cả những ngọn gió dữ của trùng dương, anh sẽ lấy chính bộ vai gầy của anh đỡ lấy cây thập giá của dân mình mặc cho tất cả những lão già khôn ngoan ngồi nhìn sự vụng về trên bước anh đi. Anh ngồi đã quá lâu và anh không chịu đựng được nữa, chỉ cần chờ thêm một ngày nữa anh sẽ trở nên tê liệt mất. Dân mình thì đang khổ như vậy đấy. Một đôi khi, như hồi nãy chẳng hạn, anh nhớ tới người bạn thân đang ở Sài gòn. Hắn có hứa sẽ viết thư gọi anh vào đó để làm việc khi có dịp thuận tiện và anh đang chờ lá thư đó. Anh đang ngồi nhìn những tia nắng trong ngày và ước gì anh xoay được mặt trời quay nhanh hơn để cho ngay ngắn lại.

– Anh tính vào Sài gòn làm gì?

– Anh sẽ đi may giày cho cả nước.

– Lạ nhỉ, anh lại thích đọc thư…

Cậu bé đưa tay lên chào chàng rồi lại thụt đầu vào biến mất đi. Chặp sau, cậu bé thò đầu ra và đưa chàng một lá thư. Chàng đón lấy với một nụ cười, rồi mở tờ giấy ra. Cậu bé tì cằm lên cửa sổ nhìn chàng cười, gió thổi lất phất mở tóc rối xòa xuống vầng trán gầy và xanh đó. Chỉ có vài hàng chữ bút chì non nớt trong lá thư đó:

“Kính gởi anh thợ giày của em,

Làm thế nào người ta có thể đi được anh nhỉ”

Chàng kinh ngạc đứng dậy bước tới khung cửa sổ và cậu bé. Ở bên trong khung cửa, cậu bé đang ngồi trong một chiếc xe lăn. Trên môi cậu bé vẫn là nụ cười, nhưng vẻ mặt thì bối rối ngượng ngập. Chàng vỗ vỗ nhẹ vào vai cậu bé:

– Không hề gì em ạ. Rồi anh sẽ tập em đi. Thật sự thì không có gì là khó. Hoàn toàn không có gì là khó để làm tất cả mọi việc trên trần gian này. Mỗi ngày em chỉ cần tập một tiếng đồng hồ thôi. Chúa có mói là với một lòng tin chắc thật, người ta có thể dời được núi. Và bây giờ em phải nói là với ý chí và nghị lực của em, sẽ tới một lúc em đi được, chạy được, nhảy được và cả bay được. Nếu cần, em phải tin là sẽ tới một lúc, em chỉ tay vào núi, núi sẽ tan, chỉ tay vào sông, sông sẽ cạn. Thật là đơn giản em ạ. Điều quan trọng duy nhất là em phải muốn đi. Thế nào, đồng ý chứ?

Cậu bé gật đầu nhẹ một cái với ngấn lệ trên mắt. Chàng thợ giày bóp mạnh thân mật vào vai cậu bé, chàng nhìn thẳng vào đôi mắt đen lánh của cậu:

– Rồi anh sẽ tập em đi. Em sẽ thấy biết là bao hạnh phúc vì được bay nhảy, vì chinh phục những miền đất mới, và hạnh phúc là bao khi đưa dài những bước chân mãnh liệt trên quê hương mình. Em sẽ hít thở những ngọn gió mát lạnh từ những đỉnh cao nhất cảu cao nguyên, và sẽ ngạc nhiên là tại sao trước giờ mình lại ưa thích ngồi bó tay trong những ngôi nhà tù túng. Em sẽ thấy là quê hương chính thật là một người mẹ mà em thương biết là bao nhiêu. Chỉ cần em đứng thẳng lên, đưa mắt nhìn về các niền trời quê hương nói một cách quyết liệt “Tôi sẽ đi”, thì tất cả các tầng trời đều sẽ vui mừng hạ thấp xuống dìu lấy bước em đi. Với một tấm lòng trong sạch, anh tin là ngay cả đại dương cũng sẽ ngăn lại cho em bước. Chỉ cần em nghĩ là nước mình đang cần những bước chân dũng mãnh thì em sẽ đi được. Thế nào, em nói gì đi…

Cậu bé ràn rụa nước mắt, đôi tay nhỏ nhắn nắm chặt lấy tay chàng:

– Em sẽ tập đi, nhưng em sợ người ta nhìn thấy đôi chân nhỏ dị thường của em. Em có đôi nạng, nhưng em không dám ra phố vì sợ những tiếng động đó làm người ta thương hại.

– Anh kinh tởm những tên chỉ thích ngồi nhìn ra phố và chế giễu những bước tập đi của em. Em không may mắn vì đã sinh ra với đôi chân tàn tật, nhưng còn những kẻ kia, chính họ đạ tự làm tàn tật tâm hồn của họ. Anh xin lỗi em, đừng khóc nữa nhé, đôi khi anh hơi nóng. Ngày mai, em bắt đầu tập đi nhé.

Chàng trở về thùng giày và lại khâu vá những chiếc giày đã cũ đến hơn ba mươi lần vá. Ở ngoài đường cũng vẫn trống vắng không mấy người qua lại. Những cơn gió đầy bụi thỉnh thoảng lại lướt qua trên phố. Chàng nghĩ đến những bài tập đi hàng ngày sẽ dành cho cậu bé:

– Ngày mai, mình sẽ coi cỡ chân của cậu bé để đóng một đôi giày vừa vặn và đẹp đến nỗi tất cả những tên thợ giày trên thế giới đều phải ghen tức. Ôi, em bé đi, làm sao em biết được nước mình đang cần những bước đi mãnh liệt là dường nào.

Ngày hôm sau, cậu bé lại thò đầu ra chào hàng:

– Chào anh thợ giày.

– Chào em nhỏ. Hôm nay mình bắt đầu nhé. Anh sẽ dạy cho em biết cách rời bỏ xe lăn và đôi nạng. Trời ơi, mở cửa ra đây, chứ em cứ tỳ cằm lên cửa sổ thế kia thì làm sao.

– Mình tập đi trong nhà đi anh.

– Không, em phải ra ngoài này tập với anh. Không ai cười gì đâu. Em nhìn xem, ngoài đường lúc nào cũng trống vắng cả, họ đã chui vào nhà vì sợ cả rồi. Anh sẽ vặn cổ những tên nào dám thò đầu ra cười em. Còn những người đang bước đương cự với gió bụi và cô đơn sẽ đón mừng em đấy. Nào, tới mở cửa ra đây với anh chứ. Chỉ cần em nghĩ, không ai sinh ra mà biết đi ngay được. Mau lên chứ, đừng để mất đi một phút giây nào của hạnh phúc cả.

– Vâng, anh chờ em tí.

Cậu bé tới bật những khóa cửa và đầy cửa ra. Chàng thợ giày đã đứng đón sẵn ở đó. Chàng xốc cậu dậy và ẵm cậu rời khỏi chiếc xe lăn. Chàng nắm lấy đôi nạng nhỏ ở góc nhà ra theo. Chàng đặt cậu bé ngồi trên thùng giày rồi nói:

– Anh ngạc nhiên là người em lại nhẹ hơn cả một chiếc giày.

Cậu bé trả lời với nụ cười sung sướng:

– Đôi khi ba em cũng bảo, chỉ cần một con chim đập cánh cũng đủ cho em ngã.

– Rồi sẽ tới một lúc em phải nói ngược lại, bây giờ thì tôi phải dè dặt bước đi của tôi chứ không quả đất vỡ mất. Nào, bây giờ mình bắt đầu nhé.

– Vâng ạ.

– Trong ba ngày đầu em được phép đi với đôi nạng. Từ ngày thư tư em sẽ không cần đến nó nữa, em sẽ đi tựa vào tường. Khó khăn thế nào em cũng phải tập. Khi nào đau chân thì em ngồi nghỉ một tí, rồi tự trách mình rằng, thực sự thì tôi chưa làm hết sức của mình, tôi chưa làm được những gì mà mọi người mong đợi. Rồi em đứng dậy tiếp tục, nếu chân em vẫn còn run rẫy thì hãy ngẩng mặt cầu nguyện với cả lòng thành: “Trời ơi, nếu thực sự con không làm được những điều mà mọi người đang mong đợi thì xin cho con chết ngay tức khắc, còn hơn là nhìn sự thất vọng của mọi người”. Lúc bấy giờ em sẽ đi được dù là trên vai em có là gánh nặng của cả dân tộc. Sau đó, em sẽ phải trả rời tường mà đi. Không có gì khó cả. Rồi anh sẽ dạy cho em chạy nữa.

Chàng thợ giày tập cho cậu bé đi ngay trên hè phố. Cậu bé quá yếu để có thể làm đúng chương trình của chàng. Nhưng ngày nay qua ngày kia, họ vẫn kiên nhẫn tập. Cậu bé đã thích thú với việc tập đi, không phải chỉ một giờ mỗi ngày như chàng thợ giày đã dự tính mà là nhiều trong ngày. Cậu đã đi được với tay chấm nhẹ vào tường. Chàng thợ giày không còn phải theo bên cạnh để đỡ như những hôm đầu cậu mới bỏ nạng. Chàng ngồi trên thùng giày nheo mắt cười với cậu bé hay là nói đùa những câu gì đấy, và đôi khi là những câu nói khích nữa. Cậu bé vẫn kiên nhẫn đi từ bờ tường này tới bờ tường kia, mặc cho những bắp thịt chân vẫn quen đau mỏi, mặc cho những trận gió mạnh đôi khi xô tới làm cậu muốn ngã. Đôi khi cậu bé đứng không nổi nữa, hai cẳng chân mệt tới run rẩy, cậu lại ngồi phệt xuống đất, lưng tựa vào tường, nhìn chàng thợ giày ra giấu xin nghỉ mệt. Nhưng rồi khi những giọt mồ hôi trên trán chưa kịp nhỏ, cậu bé lại nghiến răng bám tay vào tường đứng dậy. Nhưng cậu vẫn chưa rời tường được. Dầu vậy, cậu đã thấy hạnh phúc thật là đơn giản, cậu đã nói với chàng thợ giày với hơi thở ngắt quảng vì bị mệt, với những giọt mồ hôi đang chảy ròng rồng trên mặt, và với cả bầu trời sáng ngời trong mắt:

– Thật là sung sướng anh ạ. Em thấy là chỉ cần được hít thở những trận gió hung bạo này cũng đủ để hạnh phúc rồi. Ôi, biết đi sướng là bao nhiêu nhỉ.

– Đúng vậy em ạ. Mình phải luôn luôn tin là tất cả các chân trời đều được tạo ra chỉ để riêng cho bước hân của em thôi. Khi người ta nhắm về các chân trời và bước đi thì tất cả các chuyện nhỏ nhặt của cuộc đời đều không đáng gì để nghĩ tới nữa. Người ta chỉ cần đăng nhau khi họ chỉ thích ngồi ở trong nhà và soi mói vào kẽ chân của nhau.

Đôi khi chàng bận rộn với những chiếc dép người ta đem tới, chàng chỉ cho phép cậu bé đi những bước gần và đơn giản vì không thể nhìn từng chút nữa. Những lúc đó, cậu bé cũng thích ngồi nhìn chàng khâu từng mũi kim trong khi chờ những bắp thịt chân bớt mỏi. Chàng vừa cặm cụi làm việc vừa kể cho cậu bé nghe về những chuyện chàng thích thú khi còn tuổi nhỏ. Cậu bé ngồi mở to tròn mắt ra nghe rồi lại cười dòn tan vào những câu nói đùa của chàng.

Và mỗi buổi chiều trước khi dọn dẹp về chàng lại cõng cậu bé lên chạy năm bẩy vòng hè phố trước mặt để thưởng một ngày tập đi của cậu. Hai chân khẳng khiu của cậu bé lắc lư theo bước chạy của chàng nhưng cậu không ngượng nữa. Cậu bé nắm hai tai chàng như làm cương ngựa, miệng hét lên những tiếng giục ngựa rồi lại cười phá lên.

Chàng vẫn còn nhớ đến ý định đóng một đôi giày đặc biệt để tặng cậu bé, nhưng chàng không bao giờ có đủ tiền để mua miếng da mà chàng thích. Vì chàng cũng nghèo như tất cả những kẻ có lòng trên trần gian này. Chàng đã để dành tiền nhiều ngày, nhưng vẫn không đủ để mua đến phần mười miếng da ấy.

Một hôm, cậu bé bước ra và thấy chàng sầu não hơn một ngày. Chàng đang ngồi úp mặt vào tay thẫn thờ, không thiết gì đến việc bày những chiếc giày há mõm lên mặt thùng nữa. Cậu bé rụt rè đặt nhẹ tay lên vai chàng:

– Có chuyện gì vậy anh?

Chàng ngẩng đầu lên nhìn cậu bé và cười, nhưng nụ cười không còn tươi như những ngày trước nữa:

– Vài ngày nữa anh vào Sài Gòn em ạ.

– Chắc anh nhận được thư bạn rồi?

– Nhưng không phải lá thư anh mong đợi. Đây là lá thư từ một người bạn khác, cho biết là anh kia vừa bị tù.

– Vụ gì vậy anh?

– Em không biết đâu. Và rồi em cũng sẽ không biết tới nữa, vì đây là chuyện của thế hệ bọn anh. Bọn anh sẽ không cho phép những chuyện này kéo dài tới thế hệ của các em.

– Bạn anh ở tù thì anh vào làm gì?

– Anh không thể chịu đựng được khi những kẻ ngay chính phải ở tù tới rụng răng, lòa mắt. Rồi Trời sẽ cho anh biết phải bắt đầu như thế nào.

– Em không hiểu nhiều, nhưng em buồn vì anh sẽ đi.

Cậu bé tập không còn hào hứng nữa. Cậu không còn chăm chú vào những bước chân mà cứ nhìn về chàng thợ giày. Chàng cố gắng làm cho cậu bé vui nhưng chính chàng cũng không còn nhớ được những câu nói đùa trước kia ưa nói. Ngay khi chàng cố gắng mĩm cười, chàng cũng nhìn thấy được trong mắt cậu bé hiện lên sự ái ngại. Cuối cùng chàng quyết định bỏ về sớm. Cậu bé đưa hai bàn tay lạnh giá nắm chặt lấy tay chàng:

– Ngày mai anh tới nhé.

– Khi nào anh chưa đi mỗi buổi sáng sẽ tới tập cho em. Tiếc là em chưa rời được bờ tường đi.

– Em tin là vài ngày nữa thôi anh ạ.

Chàng thợ giày lang thang qua những khu phố. Những con đường lớn như

Độc Lập cũng không mấy người qua lại. Người ta cúi đầu lầm lũi đi vội vã, tới những nơi phải tới, làm những điều phải làm, nói những điều phải nói, rồi lại hấp tấp chui vào những nơi trú ẩn nào đó. Ở mỗi ngã tư đường là một tên Công an áo vàng đứng ngó từng người đi trên phố và thích thú nhìn sự luống cuống trên chân người qua lại. Chàng vẫn đi giữa phố, bước qua những sự đe dọa đó và cả sự sợ hãi kia.

Buổi chiều đó, chàng đem bán tất cả những gì chàng có, một chiếc xe đạp cũ, và cả chiếc đồng hồ tay mỗi ngày phải lên giây đến ba lần. Còn thùng đồ nghề chàng sẽ tặng cho ông lão trong xóm mà lâu nay chàng đã dạy nghề. Chàng ra dò la mua về miếng da mà lâu nay đã nhắm cho cậu bé. Chàng bỏ ra suốt đêm đó ngồi dưới ngọn đèn dầu đầy khói, đóng đôi giày cho cậu bé theo cỡ mà chàng đã biết và theo kiểu mà chàng đã tính. Chàng mài kỹ từng mép da một là sợ là chỗ nào đau chân cậu bé, kéo chặt sợi chỉ một vì nghĩ tới lúc cậu bé sẽ tập chạy. Ngoài trời, gió biển gầm thét luồn qua những khe cửa làm chàng lạnh buốt từng ngón tay, nhưng chàng vẫn ngồi kiên nhẫn kéo cho tới sợi chỉ cuối cùng.

Hôm sau, khi chàng đến, cậu bé đã ngồi chờ nơi ngưỡng cửa từ sáng sớm. Chàng thò đôi giày sau lưng ra đưa cậu bé. Cậu bé thì hơi thoáng ngạc nhiên chứ không nhiều vui mừng như chàng chờ đợi.

– Ngày mai anh sẽ đi đấy.

– Anh đi bằng xe gì?

Chàng ngồi xuống lấy ra đôi vớ trắng vừa mua buổi sáng và đỡ chân cậu bé lên thử ngay:

– Anh sẽ đi bằng xe lửa cho rẻ em ạ.

– Mấy giờ xe chạy anh nhỉ?

– Năm giờ sáng. Nào, xong rồi đấy, đứng lên coi.

Khi chàng nắm tay cậu bé đỡ dậy, nước nắt cậu đã trào ra từ hồi nào. Cậu bé vẫn đứng ngẩng mặt nhìn chàng qua màn lệ, giọng như nấc lên:

– Em ra tiễn anh nhé.

– Bước đi thử coi giày làm sao đi em. Mà đưa tiễn anh làm gì, không vui đâu. Bước đi chứ, bám tay vào tường coi. Ngoài ga đông người lắm, em sẽ không tìm được anh đâu.

Cậu bé lần tay vào tường và bước nhưng vẫn nhìn thẳng vào chàng, nước mắt đã lăn dài trên hai má.

– Bao giờ anh về lại Nha Trang nhỉ?

Chàng tránh không nhìn mắt cậu bé:

– Giỏi lắm, em đi giày trông đẹp lắm. Hả, em mới hỏi cái gì nhỉ. A, thế nào rồi anh cũng sẽ về để mở bung tất cả những cánh cửa sợ hãi này ra.

Chàng đã cảm thấy là thực sự chàng cũng đang bối rối, nói lên những điều mà cậu bé không hiểu được. Mặc dù lòng chàng đang ngổn ngang, chàng vẫn ngồi chơi với cậu bé suốt buổi sáng đó, cố gắng đùa nhưng cậu bé không còn cười được nữa. Cậu bé chỉ ngồi thu gọn người nhìn chăm chăm đôi giày mới dưới chân mặc cho những dòng nước mắt cứ trào ra…

Tối hôm đó, cậu bé đã kể cho người cha nghe về chuyện chàng thợ giày. Cậu đã kể lại theo thứ tự riêng của cậu với giọng xúc động của trẻ dại, từ chuyện đôi giày vừa vặn và đẹp đẽ mà chàng đã tặng với lời chúc chinh phục những chân trời vạn dặm, và những bước đi đầu tiên chập choạng của cậu trên hè phố, cho đến cách ngồi trầm lặng của chàng nhìn ưu tư những chiếc giày cũ ngổn ngang… Người cha ôm con vào lòng, đưa những ngón tay sần sùi vì lao động vuốt tóc cậu vỗ về. Ông nhìn đôi giày hiện những nếp da bóng lưỡng với mép cổ cao gọn gàng mà cả đời ông chưa dám mơ ước tới. Những ngày làm việc của ông không bao giờ đủ để hai cha con no bụng trọn ngày thì nói gì tới thay một chiếc quai dép cho ngay ngắn một tí. Nhưng điều làm ông ngẩn ngơ nhất là việc cậu bé có thể đi trên phố mà chỉ cần cạm nhẹ vào tường. Với ông, điều này không khác gì ông có thể một lúc nào mọc được cánh mà bay. Cậu bé ngẩng lên nhìn cha với giọng nài nỉ:

– Sáng mai ba đưa con ra ga tiễn anh thợ giày nhé.

– Ừ, sáng mai, sáng mai mình đi, đó cũng phải là việc của ba nữa.Với lại ba cũng phải ngó coi mặt mũi nó làm sao.

Sáng sớm hôm sau, khi ngoài trời còn tối đen và gió buốt, người cha đã lay nhẹ con dậy. Ông chọn bộ đồ có vẻ mới nhất mặc cho cậu bé và mang đôi giày kia vào chân cậu. Ông đẩy xích lô ra và chở tới nhà ga. Con đường thì khá xa, gió thì mạnh và lạnh buốt. Cậu bé ngồi co ro ôm chặt cặp nạng vào lòng không hé răng một lời, mắt nhìn xa về những con đường trước mặt mà trước giờ cậu chưa quen.

Khi họ tới nhà ga, tiếng còi đầu tiên đã hú. Trước cửa ga người ta chen nhau, xô đẩy và leo cả lên cổ nhau để vào một chiếc cửa hẹp vừa đủ một người vào. Nơi đây, một tên Công an đứng khoanh tay nhìn từng người vào xem có khuôn mặt nào quen thuộc cần được mơi về đồn. Những gánh hàng rong bày dài trên những bậc thềm kêu ơi ới những lời rao khó nghe. Dọc theo các hè phố gần ga, người ta vẫn còn nằm ngủ la liệt quấn mình trong những tấm chăn đen xịt và hôi hám. Có đến khoảng một trăm người ăn mày ngồi thứ tự bao quanh nhà ga nắm lấy chân người qua lại khóc lóc nài nỉ dưới những cợt đèn vàng mờ.

Người cha vừa kéo thắng lại, cậu bé đã phóng ào xuống xe chống lấy cặp nạng len lỏi vào đám đông. Người cha gọi cậu chờ nhưng cậu đã biến vào những đám đang xô đẩy ấy. Ông vội vã khóa xe và gởi ở một xe cà phê quen thuộc rồi chạy vào tìm cậu bé.

Cậu bé chạy khập khiễng trên cặp nạng, cúi đầu chui vào những kẽ hở giữa những cẳng người, đoàn người cứ ùa tới bên này rồi lại xô về bên kia. Một hai lần cậu vấp ngã, nhưng lại nghiến răng thở hào hển gượng dậy. Cậu chỉ nhìn thấy quanh cậu những chân và những mông với mông. Lần thứ ba khi cậu bé gượng dậy được thì cặp nạng đã rơi ở đâu rồi. Cậu bé bấu hai tay nhỏ nhắn vào chân và mông những người chung quanh lần nhanh vào mép tường. Hai bàn chân cậu không thôi đau với những nếp da mới và những bước cố gắng mãnh liệt của cậu. Những gót chân tê cứng lại, đau thắt theo từng cử động, nhưng cậu không để chậm tới một bước. Khi cậu tựa lưng được vào tường nhìn về đám đông thì biết ngay là không thể chen lấn để vào cánh cửa kia được nữa. Đôi nạng đã mất và người cậu thì mỏng như một tờ giấy không thể đứng vững vàng được dù là có đang ở giữa một cánh đồng. Cậu bé nhìn quanh quẩn và thấy ở bờ tường xa thật xa kia, nơi không có mấy người đi lại, có vài đứa bé đang trèo lên chỗ tường thấp nhất đó để nhảy vào sân ga. Cậu bé lần chạy theo bờ tường về phía đó, những bước chân khập khễnh đau buốt vội vã hấp tấp đạp trên những viên đá xanh to nhiều phen làm cậu trượt ngã, nhưng cậu bé lại chồm ngay dậy nhìn về phía trước phóng tới. Có lúc cậu bé muốn ngồi xuống để cởi đôi giày chưa quen đó để có thể chạy nhanh hơn, nhưng tiếng còi lần thứ nhì đã giục lên làm cậu sợ trễ giờ. Và lại, cậu biết là cậu phải quên cơn đau đó vì nếu cởi giày ra những viên đá bén có hể làm chân cậu bị thương. Cậu bé phóng ào ào qua những đám đá xanh rồi qua một đám cỏ dại tới gần đầu gối, mồ hôi tuôn đẫn cả lưng và trán, nhưng cậu vẫn nghiến răng chồm dậy sau mỗi lần vấp ngã mặc cho tất cả những cơn đau dưới chân. Khi tới bờ tường thấp đó, cậu bé phóng mình lên bấu vào mép tường đu lên. Có những lỗ hổng bọn trẻ đã đục sẵn vào tường để leo, cậu bé lủng lẳng bằng hai chân yếu ớt, cố gắng

tỳ mũi giày vào đó vào đó để lên nhưng cũng phải nhiều lần trượt chân mới lên nổi. Từ trên bờ tường đó cậu bé đu người qua nóc một thùng conex và ngồi trên đó nhìn. Tàu đã bắt đầu chạy và cậu biết không có cách nào tới sân ga kịp để bắt tay chàng thợ giày lần cuối cùng. Và nếu may mắn cậu có thể bay tới ngay đó được thì cũng không biết tìm chàng ở toa nào nữa. Cậu bé ngồi trên nóc conex đưa tay vẫy đoàn tàu đi ngang qua trước mắt cậu, nước mắt chảy dài xuống lẫn vào những giọt mồ hôi trên mặt. Ở ngoài xa kia, những tia nắng đầu tiên đã lóe lên và đoàn tàu chạy xa dần mất hút vào vùng trời sáng đó.

Người cha cõng cậu về xe, trên tay ông là cặp nạng mà ông đã tìm lại được. Cậu bé gục đầu lên vai cha và khóc thổn thức, hai chân đau buốt trong đôi giày đã nặng chỉu lắc lư theo từng bước đi của người cha. Trời đã sáng hẳn ra. Ông đặt cậu bé nằm trên xích lô và vuốt những giọt nước mắt và mồ hôi trên mặt cậu bé. Cậu bé mặt nhợt nhạt vì mệt ngả đầu lên nệm xe thì thào với cha.

– Ba cởi giày giùm, con đau chân quá.

Cậu bé bặm môi chịu đau khi cha tuột đôi giày đẹp đẽ đó ra.

– Chân con chảy máu rồi con ạ. Trầy da cả hai chân đấy.

Cậu bé trả lời cha rồi nhắm mắt lại để tìm giấc ngủ:

– Không sao đâu ba. Hôm nay con biết chạy và cả leo được rồi đấy.

Và cậu bé ngủ thiếp đi trong ước mơ là có một lúc nào đó sẽ gặp lại chàng thợ giày.

Phan Tấn Hải

(Trích tập truyện: Cậu Bé và Hoa Mai)

Bài Mới Nhất
Search