T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 192)

 

clip_image002

Linh sàng (2)

Linh là thiêng liêng, là liên quan đến người chết; sàng là cái giường. Các từ tố này đã được soạn giả giải nghĩa đúng.

Nhưng nhiều người cho rằng linh sàng là giường thờ người mới chết chưa đem chôn. Nếu như vậy thì phải chăng Nguyễn Du đã dùng sai từ này ở hai câu thơ trong Truyện Kiều:

Sang nhà cha, tới trung đường,

Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên.

Thật ra, từ linh sàng có hai nghĩa:

1) Giường đặt thi thể người chết khi đám tang.

2) Cái bàn nhỏ đặt trước bàn thờ, làm “chỗ nghỉ” cho linh hồn người chết khi chưa hết tang. Đó chính là cái “giường thờ”, rồi từ đó, dân ta cũng gọi cái bàn thờ là “giường thờ” khiến nhiều người, kể cả những người biên soạn từ điển tiếng Việt đã định nghĩa: “giường thờ” là bàn thờ tổ tiên, cao và rộng! (Hoàng Phê).

Trong hai câu thơ trên đây, linh sàng mang nghĩa thứ hai.

(Hai quyển tự điển có hại cho tiếng Việt – Lê Mạnh Chiến)

Chữ và nghĩa

Mả chồng còn đó trơ trơ,
Đã cùng người khác đợi chờ năm canh.

Rượu trong văn học (12)

Vũ hoàng Chương, ông anh rể của Đinh Hùng, là một thi sĩ tài hoa, một phù thủy của âm thanh, vần điệu. Đậu Tú tài Pháp, bỏ học Luật đi làm công chức hỏa xa rồi dạy học. Tuy tây học, nhưng ông lại uyên thâm về Nho học và nhiều thi phẩm của nhà Thơ đã được dịch ra ngoại quốc. Tác phẩm đầu tay của Vũ Hoàng Chương là tập “Thơ Say” (Xuất bản 1940):
“Em ơi lửa tắt, bình khô rượu
“Đời vắng em rồi, vui với ai?

Bài “Chén Rượu Đôi Đường” thì đậm mùi cay đắng:
“Say sưa tràn miệng cốc
“Cùng nâng hãy uống đi
“Trùng lai đâu dễ hẹn kỳ
“Đò ngang một chuyến chắc gì mai sau

(Khuyết danh – Tết nói chuyện rượu)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ðùa mà không thật, Bắc bảo là điêu

Giỡn hớt đã nhiều, Nam kêu là xạo

Nam thời mập bạo, Bắc bảo béo ghê

Bắc bảo sướng phê, Nam rên đã quá!

Các loại rượu nổi tiếng khác

Rhum (Pháp) hay Ren (Tây ban Nha) làm bằng mía.

Gin (Hoà Lan) với bắp hay lúa trộn hương vị vỏ chanh, vỏ cam.

Vodka (Nga) nấu bằng khoai tây, gần giống như rượu đế của ta.

(Chai Vodka nổi tiếng nhất là chai Vodka Smirnoff).

Tequilla (Mễ Tây Cơ) làm bằng loại cây cùng họ với xương rồng có tên Tequilla Weber.

Saké (Nhật Bản) từ gạo nếp.

(Nguồn: Mường Giang)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ (1)

Hồi tôi lấy chồng, một anh bạn nhà văn chân thành chúc mừng rằng: “Hoài may mà có thằng Tây khuân đi, chứ ở nhà thì ế.” Tôi chưa bao giờ lọt vào dù chỉ vòng ngoài cùng của tấm bia sắc đẹp mà đàn ông mê bắn. Đi cạnh chồng ở Hà Nội, tôi đã quen nghe bình luận ngay trước mũi rằng bọn Tây có cái gu kì cục, thiếu gì gái Việt đẹp mà chọn toàn những cô không ra gì. Nên khi nghe anh bạn nói thế tôi chỉ lo cho anh, lỡ lời rồi phải nói tiếp đúng điều mình nghĩ thì thật bất tiện. Nhưng lời giải thích sau đó không đến nỗi khó nuốt. Anh bảo, đàn bà thông minh như tôi thì bố thằng nào dám sờ đến.

(Đông Tây nam nữ – Phạm Thị Hoài)

Chữ nghĩa làng văn…hàng xóm

Lão Tử (1)

Lý lịch Lão Tử vừa mờ ảo, vừa chất chứa đầy huyền thoại. Như: Tên thật là gì? Quê quán ở đâu? Sinh và mất năm nào? Sinh thời có làm quan không? Thư tịch cổ không có câu trả lời! Và theo truyền thuyết thì: Mẹ Lão Tử mang thai Lão Tử…70 năm!

Vì vậy khi sinh ra đời, hài nhi là một ông cụ đã ngoài 70 tuổi vì mới có tên là…Lão Tử!

(Tiến trình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)

Ngộ nhận trong văn học (1)

Ví như thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, một Hồ Xuân Hương dân gian.. Tôi nhớ giáo sư Hoàng Xuân Hãn hoặc giáo sư Trần Thanh Mại, một trong hai ông, đã kêu to lên rằng: “mồ cha không khóc đi khóc đám mối”.

“Mồ cha” là Lưu Hương ký, tác phẩm do Hồ Xuân Hương thật sáng tác. “Đám mối” là thơ truyền tụng…, sáng tác dân gian gán cho Hồ Xuân Hương. Nó vẫn nguyên giá trị nếu xét trong phạm trù văn học dân gian, chứ không phải văn chương thành văn, văn chương bác học của một tác giả có thật. Vậy mà “đám mối” ấy, có trong tất cả các sách giáo khoa dạy sự trung thực văn hóa cho học trò ở mọi cấp học trong nước cho đến hôm nay…

(Vấn đề nói dối – Trần Nhuận Minh)

Nhược

Nhược: nếu

(nhược bằng)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Bái vật

Quan niệm cổ xưa không riêng ta mà nhiều dân tộc trên thế giới cho rằng mọi vật do tạo hoá sinh ra đều có linh hồn. Mỗi loại vật, kể cả khoáng vật, thực vật cũng có cuộc sống riêng của nó. Lúc đó người ta chưa phân biệt thế giới hữu sinh và vô sinh. Con người chưa thể lý giải nổi những yếu tố thiên nhiên xung quanh chi phối mình như thế nào nên các vật như hòn đá, thân cây, có quan hệ mật thiết với họ đều được họ tôn thờ như thần linh.

Trong ngôn ngữ nhiều nước ở châu Âu (như tiếng Pháp) mọi vật trong tạo hoá hữu hình hay vô hình, cụ thể hay trừu tượng đều mang khái niệm âm dương, đều có giống đực giống cái. Đó là chứng cứ xuất xứ tục bái vật hiện tồn tại ở nhiều dân tộc trên thế giới và một vài dân tộc ở miền núi nước ta.

Ở ta, hòn đá trên chùa, cây đa đầu đình, giếng nước, cửa rừng cũng được nhân dân thờ cúng, coi đó là một biểu tượng, nơi ẩn hiện của một vị thiên thần hoặc nhân thần nào đó. Người ta “Sợ thần sợ cả cây đa” mà cúng cây đa, đó không thuộc vào tục bái vật. Cũng như người ta lễ Phật, thờ Chúa, quì trước tượng Phật, tượng Chúa, Lễ Thần, quì trước long ngai của Thần, những Thần đó có thần hiệu rõ ràng, chứ không phải lạy khúc gỗ hòn đá như tục bái vật.

Xưa, xa xưa, ta có tục bái vật không? Ngày nay chỉ còn lại vài dấu vết trong phong tục. Thí dụ, bình vôi là bà chúa trong nhà, chưa ai định danh là bà chúa gì, nhưng bình vôi tượng trưng cho uy quyền chúa nhà, nhà nào cũng có bình vôi. Khi con dâu về nhà, mẹ chồng tạm lánh ra ngõ cũng mang bình vôi theo, có nghĩa là tạm lánh nhưng luôn nắm giữ uy quyền. Khi lỡ làm vỡ bình vôi thì đem mảnh bình còn lại cất ở chỗ uy nghiêm hoặc đưa lên đình chùa, không vứt ở chỗ ô uế. Gỗ chò là loại gỗ quí, gỗ thiêng chỉ được dùng để xây dựng đình chùa, nhà thờ. Ngày xưa trong đám củi theo lũ cuốn về xuôi, nếu có gỗ chò, các cụ còn mặc áo thụng ra lạy, lạy gốc chứ đã phải lạy thần đâu.

Còn như tục kiêng vứt chân hương vào chỗ dơ bẩn, kiêng dùng giấy có chữ Nho vào việc uế tạo người ta cũng thận trọng cất đi, đó là vì ý thức tôn sùng thần linh, là đức Khổng Tử, chứ không phải là sợ hồn của chân hương hay tờ giấy. Đó không phải là tục bái vật.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bắc nấu thịt cầy, Nam chê thịt chó

Bắc vén búi tó, Nam bới tóc lên

Anh Cả Bắc quên, anh Hai Nam lú

Nam: ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi!

Lịch sử phở (22)

Tên phở

Từ phở gánh, phở xe, phở đi vào thành phố với người bán phở đội trên đầu chiếc mũ để ấm đầu, để phân biệt với những người bán hàng rong khác, và được gọi là…mũ phở.

Hai quán phở đầu tiên ở Hà Nội là phở Cát Tường nằm trên đường Cầu Gỗ của người Việt, và quán khác nằm ở trước trạm Bờ Hồ của người Tàu.

Tiếp đến, hai quán phở khác nữa xuất hiện, một vào năm 1918, và quán thứ hai vào năm 1925. Cả hai đều do dân làng Vân Cù mở quán và cùng lấy tên là “Phở Nam Định” tại Hà Nội. Từ đó, Hà Nội gọi tên chung cho phở là phở Nam Định.

Sau đấy phở được mang nhiều tên như phở Tầu Bay, phở Xe Lửa, phở “Không người lái”, v…v…

(Giai thoại phở Tầu Bay – Lê Quang Sinh)

Chữ và nghĩa

Lang bạt kỳ hồ – Đây là một thành ngữ cổ, có nghĩa là con lang (loài chó sói) đi lập chập vấp váp (bạt) trông như con cáo (hồ). Từ này bây giờ có nghĩa là đi lang thang vô định, có thể tốt hoặc xấu, ta biết nghĩa gốc của nó thì đỡ dùng nhầm.

(Nguồn: Ngô Nhân Dụng)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Ả đào

Tú Xương một buổi kia đến chơi, sáng ra về tìm ô không thấy, tuy bực mình mà cũng không nỡ nói nặng, chỉ tức sự mấy câu:

Hôm qua, anh đến chơi đây,
Giầy, chân anh dận, ô, tay anh cầm. (1)
Rạng ngày vừa trống canh năm,
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ.
Hỏi ô, ô mất bao giờ,
Hỏi em, em cứ ậm ờ, không thưa.
Nữa rồi rầy nắng mai mưa,
Lấy gì đi sớm về trưa với tình?
Em liền trả lời ngay cho xuôi chuyện và không quên cong cớn:

Chiếc ô là của mấy mươi?
Ngắn ngày xin chớ dài lời làm chi!
Nắng thì nắng cũng có khi,
Mưa thì mưa cũng có kỳ mà thôi.
Ví dù anh có thương tôi,
Thì xin anh cứ đội trời anh lên …
Hay là anh quyết bắt đền,
Thì đây sẵn có cái đền … bằng ba!
(1) Có bản chép: giầy dôn, ô tây, là lầm vì những thứ ấy mới mẻ quá không phải đồ dùng của nhà nho hồi đầu thế kỷ. Đây tác giả muốn nhấn mạnh đến sự mình nhớ rõ chân dận giầy tay cầm ô.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Văn học Nam Hà (3)

Nam Hà vì là vùng đất mới cho nên thời các chúa Nguyễn, việc thi cử còn rất phôi thai, không có những cuộc thi chọn người đại khoa như triều đầu nhà Lê mà chỉ có những kỳ thi nhằm cung ứng người giúp những việc giấy tờ ở các công sở.

Năm 1632 chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên mở kỳ thi chính đồ và hoa văn. Quan trường gồm Tri Phủ, Tri Huyện làm sơ khảo, Cai Bạ, Ký Lục, Vệ Uý làm phúc khảo.

– Trúng cả ba kỳ gọi là Giám sinh, được bổ làm Tri Phủ hay Tri Huyện.

– Trúng hai kỳ gọi là Sinh Đồ, được bổ làm Huấn Đạo.

– Trúng một kỳ gọi là Nhiêu Học, được bổ vào làm việc ở Tam Ty.

(Nguyễn Văn Sâm – Văn học xứ Đàng trong)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ỉa đồng một bãi bằng vạn đại quận công

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

Văn hóa ẩm thực (5)

Thạch Lam hình như là tác giả đầu tiên đưa ẩm thực Việt Nam vào văn xuôi, với một số bài trong Hà Nội băm sáu phố phường, đáng nhớ nhất là bài Một Thứ Quà Của Lúa Non: Cốm.

Viết cả một quyển sách để vinh danh cái ăn của người Việt Nam, dĩ nhiên đi trước mọi người là Vũ Bằng. Miếng ngon Hà Nội. Sau đó, nhà văn còn đóng góp thêm Thương nhớ mười hai tuy không chuyên hẳn về ăn song cũng chứa vô số “ký ức ăn uống” diễn thành lời vô cùng gợi cảm.

Cũng vào khoảng Vũ Bằng viết MNHN, Nguyễn Tuân có viết mấy bài về “hương vị đất nước”, nổi tiếng nhất là bài Phở.

Từ khoảng 1960 đến 1975, hình như cái viết về ăn ở Miền Nam sôi nổi hơn ở Miền Bắc. Trong tập tùy bút Đất nước quê hương Võ Phiến có một số bài về các món ăn truyền thống ở Trung bộ và Nam bộ.

Sau thống nhất, trong giai đoạn đời sống vật chất còn quá khó khăn, dĩ nhiên chẳng ai lòng dạ nào mà văn chương ẩm thực. Nhưng rồi kinh tế nước bắt đầu đi lên và ngày càng nhiều người bắt đầu hào hứng phóng bút về những miếng ngon. Lần này thì số bài viết về ăn phong phú đến mức rất khó theo dõi cho thực kỹ càng. Cái ăn nó là đề tài thân gần với từng người trong chúng ta đến nỗi, ngay cả trường hợp không có khiếu văn, cứ động nhắc đến những món ăn thức uống quen thuộc trong thời thơ ấu của mình là người nọ người kia bỗng dưng như được “thần nhập”, viết linh động hẳn lên, viết hay đáo để!

Một cây “bút ăn” mới thật đặc sắc là là Lê Minh Hà.

Khoảng cuối thế kỷ 20 nữ sĩ họ Lê mới bắt đầu phổ biến một số bài viết có nội dung là ẩm thực dân tộc. Những bài trong sách Thương thế, ngày xưa…chứa cảm giác cảm xúc rất mực tinh tế diễn bằng lời thiết tha không kém văn Vũ Bằng nhưng với một phong cách khác.

(Người Việt viết về ăn – Thu Tứ)

Chữ và nghĩa

Câu thơ sau đây quả đã nói được một cách khá trọn vẹn tâm trạng của Nguyễn Du:

Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân,

Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu.

(Dạ hành)

(Trên lối cũ, gió lạnh dồn cả vào một người,

Đêm tối mờ mịt không biết bây giờ là bao giờ,

mãi chẳng thấy sáng)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search