T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 193)

clip_image002

Chữ nghĩa làng văn

“Tai vách, mạch rừng”, tôi thích thành ngữ này vì nó đối chọi chan chát / cái vách cũng nghe được, khu rừng cũng có mạch nuớc nhỏ chảy ra …/  Ý nói con người nên cẩn thận, có thể bị tiết lộ.

Nhưng có người lại cho là: “tai vách, mạch dừng“. Vì “dừng” là cái nan tre của một tấm phên giữa hai lớp đất sét trát hai bên, Họ giải thích như thế…

Nhưng nếu vậy thì “mạch” của cái ‘dừng” là cái gì vậy ta.

(Những câu chuyện Việt ngữ – Nguyễn Hy Vọng)

Nguồn gốc tộc Việt (5)

Di truyền học DNA

Ai trong chúng ta cũng biết, muốn tìm hiểu nguồn gốc dân tộc Việt Nam, không thể không nói tới nguồn gốc con người. Phần viết dưới đây chủ yếu căn cứ vào những khám phá mới nhất của di truyền học DNA để tìm hiểu về nguồn gốc người Hoa và loài người nói chung, rồi từ đó suy ra nguồn gốc người Việt chúng ta.

Chỉ mới chưa đầy hai năm tính đến nay, một khám phá mới của nhà bác học J.Y. Chu cùng 13 đồng nghiệp khác tại các trường đại học và viện nghiên cứu lớn nhất ở Trung Hoa đã công bố một nghiên cứu thành công về Di truyền học DNA mang tên Genetic Relationship of Population in China, đăng trong Tạp chí Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia của Hoa Kỳ (The Nation Academy of Sciences – USA – Vol.95, issue 20, ngày 29 tháng 7, 1998).

Báo cáo này khẳng định nguồn gốc của người Trung Hoa, và nói chung, người Đông Á là do giống người ở Đông Nam Á di lên. Những người này có gốc gác từ Phi Châu đã di đến Đông Nam Á qua ngả Nam Á từ nhiều năm trước. Riêng ở phía Bắc Trung Hoa ngày nay, những người này vào khoảng cả chục ngàn năm sau lại lai giống với người cũng từ Phi Châu di qua theo đợt sau nhưng đi theo ngả Âu Châu và Trung Á mà người ta đồ chừng nhiều lắm là khoảng 15.000 năm trở lại đây, sau đợt tan băng hà cuối cùng.

Sự phát minh này đã được những nhà sinh học và nhân chủng học hàng đầu của nhân loại phụ họa và bổ túc (Cavalli – Sforza L. Alberto Piazza, 1998, Li Yin 1999) khiến nguồn gốc nhân loại Đông Phương, trong đó có Trung Hoa và Việt Nam có thể coi như đã được khẳng định.

(Nguồn: Cung Đình Thanh)

Nhớ món ngon Sài Gòn

Phở Minh

Ngay bên hông rạp Casino có một hẻm nhỏ, đi vào hẻm đó là một dẫy nhà, đa số là nhà dân Bắc Kỳ di cư sớm, từ những năm 1920. Tiệm Phở Minh nằm ở dãy nhà đó.
Phở Minh có phở bò lẫn phở gà nhưng đặc biệt hơn cả còn có bài thơ do thi sĩ Trần Rắc đề tặng. Bài thơ được cắt chữ, đóng khung kính, treo trên tường. Bài thơ Đường luật có 4 câu đầu như sau:

Nổi tiếng gần xa khắp thị thành,
Trần Minh Phở Bắc đã lừng danh.
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh.

Thi sĩ Trần Rắc chính là ông chủ tiệm giày Trần Rắc đường Lê Thánh Tôn, gần Khám Lớn Catinat năm xưa. Tiệm giầy Trần Rắc, và cả mấy tiệm giầy ở đường này, đều có cửa sau đi vào hẻm ‘ẩm thực’ Casino.
Việt Nam ta đúng là… ra ngõ gặp nhà thơ. Đến như ông chủ tiệm giày cũng có thể làm thơ về phở chứ chưa dám nói đến Tản Đà là người viết nhiều về nghệ thuật ăn uống!

(Hồi ức một đời người – Nguyễn Ngọc Chính)

Cái nghiên mực

Các cụ kể rằng ngày nay, ai mà có được một cái nghiên mực Tàu làm bằng ngói của Cung Vị Ương đời nhà Hán, thì quý lắm. Các cụ giải thích thêm rằng dưới đời nhà Hán, văn hóa Tàu lên cao tới đỉnh. Bất kỳ cái gì, cũng hay, cũng khéo, kể cả công nghệ nhỏ là công nghệ làm ngói cũng vượt bực. Tôi nghi ngờ vì tôi được xem sách khảo cổ những ngói mỏng, y hệt như ngói ngày nay của Tàu hay của ta. Có thể nào mà biến chế loại ngói mỏng ấy ra thành nghiên mực được chăng? Nếu mài ngói để tạo ra vũng chứa mực, chứa bông hút mực, và sau vài tiếng đồng hồ thì mực sẽ thẩm lậu qua ngói.

clip_image003

Nghiên “Tức Mặc Hầu”

của vua Tự Đức

Tôi mới đi hỏi người Tàu. Người mà tôi hỏi là ông Lý Văn Hùng, người Quảng Đông ở Chợ Lớn. Ông nầy chỉ là thầy giáo Tàu thôi, nhưng ông ta đã viết được vài quyển sách về lịch sử cận đại của miền Nam bằng chữ Tàu, và nhứt là ông ta đã được chánh phủ của chế độ cũ của ta mời dạy Quan Thoại và văn hóa Trung Quốc ở Văn khoa Đại học ta, nên tôi nghĩ rằng chắc ông ta cũng không dở lắm. Nghe tôi kể chuyện nghiên mực, họ Lý cười rồi đáp ngay: “Chuyện nầy thì người Hoa chúng tôi cũng có kể, và quả có loại nghiên mực đó thật sự, và rất được người Tàu quý. Nhưng người Việt Nam đã hiểu lầm về chữ nghĩa được chép ra ở các sách kể câu chuyện nầy. Chữ ngõa không phải chỉ có một nghĩa là ngói thôi đâu. Xưa, ngõa chỉ đất nung, tức gạch cũng được gọi là ngõa, chớ không gọi là chuyên như ngày nay. Vậy là nghiên mực đó được làm bằng…gạch của cung Vị Ương chớ không phải là bằng…ngói của cung Vị Ương đâu.

(Học lại chữ Tàu – Bình Nguyên Lộc)

Mai Hạc

clip_image005

Theo Vương Hồng Sển, qua bộ ấm trà “Mai Hạc” của Trịnh Sâm. Nguyễn Du viết hai câu lục bát nôm trên bộ ấm của nhà chúa để sứ thần đặt làm bên Tầu trên đường đi sứ:

Nghêu ngao vui thú yên hà

Mai là bạn cũ, hạc là người quen

clip_image007

Thế nhưng hai câu thơ trên đúng ra là của…Nguyễn Bỉnh Khiêm

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tại Việt Nam, một cuốn sách nhan đề Vở Luyện Từ và Câu cho lớp 3, tập 2 vừa bị thu hồi và để chỉnh sửa những sai sót trong sách. Ở trang 5 của cuốn sách vừa kể có một bài viết:

“Quân Nam Hán đưa một đạo quân rất đông sang đánh nước ta. Lý Thường Kiệt chôn cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn dưới sông Bạch Đằng. Quân Nam Hán đến cửa sông vào lúc thủy triều lên che lấp các cọc nhọn. Lý Thường Kiệt cho thuyền nhẹ bơi ra khiêu chiến, vừa đánh vừa rút lui nhử cho giặc vào nơi quân ta mai phục. Vừa lúc ấy thủy triều xuống quân mai phục hai bên bờ sông đổ ra đánh rất mạnh. Giặc hốt hoảng quay thuyền chạy thì bị va vào cọc thuyền bị thủng đâm hàng loạt. Cuộc xâm lược của dịch hoàn toàn thất bại. Mùa xuân năm 939 Lý Thường Kiệt lên ngôi vua.”

Lộn Ngô Quyền thành Lý Thường Kiệt là một chuyện. Lộn quân Tống thành quân Nam Hán là chuyện thứ hai. Kế hoạch đóng cọc nhọn trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền thì trao cho Lý Thường Kiệt là sai lầm thứ ba.

Lý Thường Kiệt sinh năm 1034, chết năm 1105 thì viết khơi khơi là năm 939, tức là trước khi Lý Thường Kiệt ra đời tới 95 năm, Lý Thường Kiệt đã lên ngôi vua.

(Nguồn: Bùi Bảo Trúc)

Phủ Giầy

Phủ Giầy có tên cổ là Kẻ Giầy, từ sau khi Liễu Hạnh được sắc phong công chúa thì được gọi là Phủ. Thực ra ở phủ Giầy có một hệ thống kiến trúc liên quan tới Liễu Hạnh, đó là phủ chính, phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu.
Chúa Liễu và hệ thống Tứ Phủ được thờ ở tòa điện trong cùng, Mẫu Thượng Thiên hóa thân thành Liễu Hạnh thờ ở trung tâm, bên trái là Mẫu Thoải, bên phải là Mẫu Địa, phía trước là Mẫu Thượng Ngàn (Nhạc Phủ).
Phủ Giầy thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà, cách thành phố Nam Định khoảng 15 km.

Bia ngoại truyện (6)

Theo kết quả của một cuộc khảo cứu khoa học gần đây mà không biết là của ai (mấy ông nhậu người Mỹ chế ra chuyện vui cười này đó các bạn ơi, tui lượm dịch), người ta khám phá ra rằng trong rượu bia có chứa nhiều kích thích tố nữ tính khiến cho mấy ông nhậu có thể hành xử giống như phụ nữ. Cuộc trắc nghiệm thực hiện trên một trăm người đàn ông thuộc nhiều lứa tuổi, mỗi người uống bốn chai bia cỡ 375ml trong vòng một giờ đồng hồ. Kết quả là tất cả 100 người đàn ông đó đều:
1) lên cân,
2) nói tùm lum và nói dở,
3) dễ xúc cảm,
4) lái xe lạng quạng,
5) hay cãi và không chịu xin lỗi dù biết mình nói sai.

(Nhậu – Phan Hạnh)

Giai thoại làng văn xóm chữ

Chơi chữ

 

clip_image009

Khi còn đi học, Nguyễn Công Trứ cầm một quan tiền đi mua hàng cho thân mẫu, nửa đường gặp bọn đánh đáo rủ đánh ăn tiền, ông đứng lại chơi, và không may thua hết cả, ông tự an ủi:
Tưởng làm đôi chữ mà chơi vậy
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa!
Chữ đây, tiếng Nghệ dùng cũng như tiếng đồng (đồng bạc, đồng tiền) ở ngoài Bắc. Quan là quan tiền nhưng lại có thể hiểu là làm quan, cũng như chữ có thể hiểu là chữ nho.

clip_image011

Hai câu trên, năm 1933, có người đã chép gửi cho ông Phạm Quỳnh, bấy giờ vừa từ ghế chủ bút báo Nam Phong nhảy lên ghế thượng thư:
Tưởng làm đôi chữ mà chơi vậy,
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa?

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

Sảy

Sảy: chợt, bỗng

(sảy thấy)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Đồng dao, đồng diêu (1)

Đồng dao, đồng diêu: câu hát chơi, con nít hay hát.  Đó là định nghĩa đơn giản nhất của Huỳnh Tịnh Paulus Của, trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, cuốn tự điển đầu tiên của Việt Nam. 36 năm sau, Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo Việt Nam Tự điển. Đồng dao được truyền từ đời này tiếp đời nọ, vùng này qua vùng kia, có khi bị quên lãng.  Tác giả hầu hết vô danh. Sau này một bài đồng dao được Đức Quỳnh phổ nhạc và hát từ Bắc vào Nam:

Con chim chích chòe/ nó kêu chích chòe
Nó đậu cành chanh/ nó kêu chích chòe
Tôi ném hòn sành/ nó quay lông lốc
Tôi làm một chốc/ được ba mâm đầy
Ông thầy ăn một/ bà cốt ăn hai
Cái đầu cái tai/ đem về biếu chúa
Chúa hỏi chim gì? – Là con chim chích chòe!
Nó kêu chích chòe/ nó đậu cành chanh …

(Trần thị Lai Hồng – Đồng dao và trò chơi trẻ con)

“Nhập gia vấn húy”

Vua Minh Mạng nhà Nguyễn có 142 người con. Để tránh rắc rối cho đời sau, ông có sáng kiến làm một bài thơ 20 chữ (Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh… Thế Thuỵ Quốc Gia Xương), mỗi chữ sẽ được dùng làm tên đệm cho một thế hệ con trai. Chỉ những người có tên đệm kiểu này mới thuộc dòng chính thống, mới có thể được lên làm vua.
Sẵn hứng, vua làm thêm 10 bài thơ khác cho 10 anh em của vua. Được vài đời, có người cách tân, dùng luôn chữ đệm thay cho họ. Từ đây, xảy ra trường hợp cha con mang họ khác nhau.
Thí dụ ông Ưng A, đặt tên con là Bửu B. Con Bửu B sẽ có tên là Vĩnh C v.v… Người Việt có người hiểu, người không hiểu. Như:
Vua Duy Tân (Nguyễn Phước Vĩnh San) bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion. Ông lấy vợ người Pháp. Con trai ông là Georges Vĩnh San. Vĩnh San được dùng làm họ.
Lịch sử Việt Nam tới chữ Vĩnh của bài thơ của Minh Mạng thì bị đứt đoạn (Bảo Đại tên là Nguyễn Phước Vĩnh Thuỵ).

(Nguyễn Dữ – Người đâu tên họ là gì?)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày xưa…ngày nay…

Ngày xưa xông xáo ngược xuôi,
Ngày nay rờ rẫm đuổi ruồi không bay.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Và đây là câu chuyện của độc giả “Chiếu Manh”:

Lần đầu tiên, mới tới Hà Nội, tôi không khỏi bỡ ngỡ, khi tìm nhà của một người quen làm trưởng một khu phố văn hóa. Thấy có mấy đứa trẻ con đang nô đùa ngoài ngõ, tôi hỏi: “Này các cháu có biết nhà ông tổ trưởng khu phố văn hóa ở đâu không?”.

Một đứa trẻ trai, trạc trên dưới 10 tuổi, ngước nhìn tôi bằng ánh mắt xấc láo, ranh mãnh, đáp gọn lỏn: “Biết, nhưng đéo chỉ!”.

Tôi lắc đầu đi sâu vào ngõ văn hóa, gặp một thanh niên hỏi: “Anh ơi, anh có biết nhà ông trưởng khu phố văn hóa này ở chỗ nào không anh?”. Gã trẻ tuổi này chẳng thèm dòm ngó gì đến tôi, trả lời cộc lốc: “Đéo biết!”.

Khi gặp ông trưởng khu phố văn hóa, tôi đem chuyện này kể cho ông ta nghe với lời than thở: “Anh ạ, các bậc phụ huynh ở đây đã không dạy dỗ con em hay sao mà để chúng nó ăn nói với người khách lạ thô bỉ đến thế hả anh?!”. Chẳng cần suy nghĩ gì, ông trưởng khu phố văn hóa đã thuận miệng trả lời tôi ngay: “Có dạy đấy chứ, nhưng chúng nó đéo nghe!”.

Lúc ấy cô con gái của ông bạn tôi là cô giáo, dạy môn văn, vừa đi dạy về và tôi đem chuyện ấy ra kể lại. Thay vì trả lời trực tiếp cho tôi, cô giáo xin phép thuật lại một chuyện như sau: “Hôm ấy cháu giảng bài văn, có đoạn kể thành tích anh hùng và dũng cảm của nhân dân ta v.v… Cuối cùng, cháu kêu một em học trò trai lớn nhất lớp, bảo nó cắt nghĩa hai chữ: “dũng cảm”. Nó đứng lên suy nghĩ một lúc rồi đáp gọn lỏn: “Nghĩa là… là… đéo sợ!”.

Sau đó cháu có cuộc tiếp xúc với ông bộ trưởng giáo dục, liền đem chuyện thằng bé học trò đã cắt nghĩa 2 chữ “dũng cảm” là “đéo sợ!” kể cho ông nghe. Nghe xong, ông bộ trưởng tỏ vẻ đăm chiêu, ra điều suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng, ông nghiêm nghị nhìn tôi, rồi gật gù như một triết gia uyên bác vừa khám phá ra một chân lý, chậm rãi đáp: “Ừ, mà nó cắt nghĩa như thế cũng đéo sai”.

(Hà Nội, Hà Lội ơi – Vương Văn Quang)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search