T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: CHA TÔI

Người Về – Tranh: Thanh Châu

Trong bài hồi ký về Mẹ tôi trước đây, tôi có nói đến việc tôi được gọi đi tu, cha mẹ tôi đồng ý hết. Tuy nhiên, về tâm tư thì cha tôi không muốn thế. Có hai lý do mà về sau tôi mới hiểu. Trước hết, gia đình tôi có sáu anh em trai, và hai chị. Trong số sáu anh em trai thì hai anh lớn và đứa em dưới tôi là út đã chết, còn lại ba thì người anh kế trên tôi đã đi tu rồi, tôi coi như là út lại đi nữa thì…Lý do sau, cha tôi không nói ra, nhưng tôi cũng đã nói đến trong bài Mẹ Tôi. Đó là trong các công việc ngoài làng xã, họ hàng, danh dự của họ hàng…là một việc lớn đối với cha tôi, người lại thuộc về một dòng họ lớn nhất trong làng, có tài sản và ruộng nương, mặc dù đến đời tôi thì dòng họ đã sa sút nhiều lắm. Lại nữa khi Việt Minh nổi lên và cai trị độc đoán, thì những tục lệ, những sinh hoạt văn hóa cũ trong cộng đồng tại làng xã cũng bị hủy bỏ. Tuy vậy, cha tôi vẫn như có điều uẩn khúc mà không thể nói ra cho gia đình biết. Phải chăng lúc ấy, tôi tuy đã 17,18 tuổi, nếu sống ở quê thì có thể gia đình đã chuẩn bị cưới vợ cho rồi. Nhưng tôi lại đang còn đi học trên thành phố. Có nhiều người trong làng nói với mẹ tôi, “chú ấy đi học ở tỉnh về trông có khác…”Cuối cùng điều uẩn khúc của cha tôi cũng biểu lộ, là khi một số người trong làng đi Hà Nội để di cư, thì cha tôi lên Hà Nội để mang tôi về. Anh tôi hết sức nài nỉ là mong muốn của mẹ ở nhà từ bấy lâu nay là chỉ mong chú ấy được học hành đến nơi đến chốn, bây giờ chú ấy về quê thì cũng chẳng làm được gì cho làng cho gia đình mình đâu.

-Thầy muốn…

Cha tôi định nói gì đó song lại thôi và cuối cùng chấp thuận để tôi vào Sài Gòn với anh tôi. Ngày đó tôi rất ít suy nghĩ, nên không hiểu được tâm trạng của cha tôi lúc anh tôi xin người cho tôi đi,“để tiếp tục học như mẹ muốn”.Tuy nhiên, lúc này hồi tưởng về ngày ấy, thì tôi mơ hồ nhớ đến hình ảnh cha tôi lúc bấy giờ. Tôi chỉ có thể nói vài lời rằng, cha tôi hình như tỏ ra suy nghĩ trước khi chấp thuận lời yêu cầu của anh tôi. Ngày tôi về thăm nhà lần đầu, ở lại một tháng, tôi hiểu được uẩn khúc của người và ý định của người về tôi. Vì thế sau những lần trở về và trước lúc ra đi, chung quanh tôi là các cháu, tôi luôn đứng trước di ảnh cha mẹ tôi, cùng các cháu nguyện ít lời kinh. Thinh lặng vài giây, nghĩ đến những khổ lụy mà cha tôi phải chịu, tôi đã không ngăn được nước mắt.

1.Tinh thần nhân bản và những con người tha hóa

Từ bao đời nay, tiếng nói của dòng họ này từ làng đến xã, luôn luôn được lắng nghe và tôn trọng. Cha tôi đã có thời làm việc ở xã. Thời kỳ này, khoảng đầu thế kỷ 20, chữ Hán-Nôm tuy đã suy giảm song vẫn còn sử dụng. Người công giáo tiếp tục viết, in và dùng sách chữ nôm cho đến giữa thế kỷ XX (*). Còn khi tôi sinh ra thì chữ Quốc ngữ đã được truyền bá. Tôi không hiểu sao, cha tôi không có vẻ gì là hy vọng ở người anh còn lại đã có vợ. Sau này về thăm nhà nhiều lần, tôi mới biết là do người vợ của anh tôi, bà là người vợ không biết kiêng nể trong lời ăn tiếng nói với chồng từ trong nhà đến những nơi công cộng. Là người có đạo, nhưng trong thời bao cấp, ruộng nương trước kia thuộc quyền sở hữu của tư nhân thì nay bị tước đoạt, sung vào hợp tác xã nông nghiệp. Trong Hợp tác xã này, có một thư ký là con trai của một liệt sĩ, cậu ta yêu con gái của anh chị tôi, song bị nó cự tuyệt rất quyết liệt, nó trốn nhà, đến ẩn náu trong các nhà của họ hàng. Có một lần bà biết nó đang ở trong một nhà nọ, bà tìm đến. Đang còn ở ngoài ngõ mà tiếng của bà đã lồng lộng, con gái bà nghe được, nó chạy vào chuồng trâu, leo lên trên gác, nằm bẹp trên ấy. Bà mẹ làm mọi cách mà không tìm được con gái để gả cho cậu ta. Hai ông bà không biết rằng ép buộc con gái lấy người nó không yêu, là có lỗi với phép đạo. Cái quyền bính của cha mẹ trong gia đình ngày ấy còn rất nặng nề, tuy rằng làng đạo tôi đã có một lịch sử đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu hơn 200 năm, làng tôi lại còn có một bản Hương ước cổ (viết bằng chữ Nôm) do các cụ trong làng soạn vào ngày 21 tháng 6 năm niên hiệu Duy Tân thứ 4 (1910), triều Nguyễn, vẫn còn lưu lại tại Thư viện Khoa Học Xã hội ở Hà Nội dưới ký hiệu H.Ư. 548, theo bản danh mục trong cuốn “Hương ước cổ Hà Tây” do Bảo tàng Tổng hợp Sở Văn hóa Thông tin Thể thao Hà Tây xuất bản năm 1993 ghi lại.

Về mặt đạo: Có dụ ngôn về người gieo giống(x.Mt 13, 3-9)

Lòng con người được ví như những mảnh đất, trên đó Thiên Chúa gieo xuống những hạt giống. Đó là Lời, là Tin Mừng của Chúa Giêsu. Nhưng có đất bên vệ đường, đất có sỏi đá, đất trong bụi gai, và đất tốt.

Đất ở vệ đường, đất có sỏi đá, đất trong bụi gai, đất tốt là bốn loại người mà Thiên Chúa đã đối xử với họ một cách rất công bằng, nghĩa là Người đã gieo xuống Lời Chân lý. Nhưng, “có những hạt  rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục…” (Mt 13, 3-9)

Chúa Giêsu đã giải nghĩa dụ ngôn này cho các môn đệ: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13, 19-23)

Về mặt văn hóa làng:

Nói đến hương ước hay quy ước là nói đến cơ cấu tổ chức việc hành chánh tại nông thôn Việt Nam, được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “dân Việt có nền “dân chủ xã thôn tự trị” lâu đời, từ nhiều nghìn năm trước, truyền lại cho tới đầu thế kỷ hai mươi còn tồn tại, chính xác là cho tới kháng chiến chống Pháp năm 1945. Việt Minh cầm quyền đã hủy bỏ hết nếp sống văn hóa cũ.

Bản Hương ước cổ của làng tôi có 28 điều, ở đây tôi chỉ nói tới 2 điều, là điều thứ 3 của mục “Phong tục”, nói đến việc lấy vợ lấy chồng, và điều cuối cùng là số 28 ở mục “Các mục khác” nói đến việc ly dị. Hai điều này đã nói lên cái tinh thần gọi được là rất mới trong một xã hội cổ.

Điều 3 Mục “Phong tục” chép:

  1. Phàm là trai gái lấy vợ gả chồng thì không phân biệt giàu nghèo, cần đôi bên thuận tình sẽ làm thủ tục kết hôn, biện trầu cau đẹp mời đủ cho thôn mà thôi. Nếu như có làm cỗ rước dâu thì tùy tâm, có người không có lời báo thì cũng không trách cứ, ấy là lệ.

5 chữ “không phân biệt giàu nghèo” đã phản ảnh tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu, một tinh thần “cách mạng”, nó phá đổ ý tưởng “môn đăng hộ đối” hiện vẫn còn trong suy nghĩ của nhiều người.

Vấn đề vợ chồng ly dị trong Hương ước cổ của làng tôi cũng là một điều hết sức lạ lùng. Ở đây, cha mẹ, con cái của hai người cùng được quan tâm.

Điều 28 Mục  “Các mục khác” chép:

  1. Trong thôn nếu có nhà nào ly dị thì kỳ dịch phải xét xem cả hai bên xem cha mẹ, con cái có thuận hết cả không rồi ghi vào sổ. Nếu không thuận phải trình báo đầy đủ, phí tổn cứ y theo đó mà chịu, ấy là lệ.

Tôi không biết trong các vụ tòa án xử ly dị tại Việt Nam từ trước đến nay, 4 chữ “cha mẹ, con cái” có bao giờ được nói đến không, coi các thành phần này là một điều kiện quan trọng để tòa tuyên bố “thuận” hay “không thuận” cho vợ chồng ly dị.

Tôi đưa vấn đề Tin Mừng của Chúa Giêsu và hai điều khoản trong bản Hương ước cổ của làng tôi đã có từ trăm năm nay vào đây (xin nói thêm rằng theo bản hương ước này, thì làng tôi đã có bản cũ hơn nhưng hiện đã thất truyền) là để nói đến phạm trù về con người. Con người trong dụ ngôn người gieo giống trên đây, được ví như những mảnh đất. Những giá trị văn hóa và tinh thần Tin Mừng đã gieo vào thế gian này hơn 2000 năm rồi, thế mà nhân loại vẫn chưa có thời kỳ nào trong lịch sử có được một cuộc sống thái bình. Con người vẫn tiếp tục chém giết nhau, reo rắc thù hận. Nói riêng về quê hương tôi, nơi cũng đã đón nhận những giá trị văn hóa và tinh thần Tin Mừng từ bao đời, mà cho đến những thế hệ sau này, khi bước vào thời kỳ bao cấp, người nhà nông làm công chấm điểm, thì “cỏ lùng”, là hận thù, đấu tranh giai cấp, tôn giáo là thuốc phiện v.v… được khí hậu nhân tạo mặc sức vẫy vùng, mọc lên khắp mọi dẻo đất, phá hoại “lúa tốt”, là tinh thần nhân bản, yêu thương, đoàn kết, tương trợ nhau v.v… Tôi muốn nói đến trường hợp bà vợ anh tôi. Tuy rằng  ở cái thời bao cấp, quyền thu quyền phát nằm trong tay ông chủ Hợp tác xã đồng thời nền móng gia đình theo truyền thống đã bị bứng đi, nhưng với bà, cái quyền cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đấy, phải được thực hiện bằng bất cứ giá nào, kể cả lỗi phép đạo, dùng bùa ngải để bắt con gái mình lấy cậu thanh niên con của liệt sĩ, cậu đang giữ chân thư ký của hợp tác xã, có quyền, có thế và tiền bạc, tha hồ ăn sung mặc sướng, hơn bao nhiêu đứa khác ở cái làng này. Làm như thế là bà đã lấy bùn đất trét vào mặt thân phụ chúng tôi, lúc đó người đang là một quản giáo, phụ trách Thánh Thể và rửa tội trẻ em. Những công việc này người đã đảm nhiệm hàng chục năm trong một hoàn cảnh không có linh mục, người trở thành một đối tượng bị theo dõi, làm khó v.v… Trước sự hung hãn của người con dâu, và trong tình cảnh gian nan như thế, cha tôi nhẫn nhịn tới cái mức phải đến nhà người con gái ẩn thân nhiều ngày. Còn về anh tôi,  nếu bỏ qua đi chuyện ép duyên con gái, bắt nó lấy người nó không yêu, thì như có người nói với tôi: “Ông ấy, “được đạo mà không được đời!” Vậy anh tôi đã xử sự ra sao trong chuyện này?

Một lần tôi về thăm nhà, nghe chuyện về đứa cháu gái, lúc ngồi ăn cơm với gia đình anh chị tôi, tôi nói với ông anh:

-“Anh bắt con bé lấy cậu đó là sai. Hiện chúng nó có hạnh phúc không? Chồng nó một mình chống lại cả một tập thể tham nhũng. Cuối cùng là phải bỏ làng mà đi.

-“Ai biết đâu. Tưởng rằng lấy được nó thì sung sướng”.

-“Năm đầu tiên em về thăm nhà, thầy còn sống. Buổi sáng sớm em đi nhà thờ với thầy, lúc đi ngang kho lẫm của hợp tác xã, đối diện với nhà chị Nhường, em đọc thấy trên tường, những chữ: “đả đảo những tên cán bộ hút máu mủ của chúng tao”. Sung sướng thì có lẽ là có. Nhưng anh không thấy sự sung sướng ấy bị người khác bảo là hút máu mủ của họ sao?”

-“Chú ấy trách ông đấy”, bà vợ anh tôi nói.

  1. Cha tôi nhận nhiệm vụ

Cùng lúc tôi vào Nhà chung của giáo xứ thì cha tôi cũng được cha xứ chọn làm quản giáo, phụ trách dạy kinh bổn cho trẻ em trong làng. Cứ tối đến là các trẻ tập trung đầy sân nhà  để nghe cha tôi dạy cho. Mẹ tôi rất mừng, nói với tôi rằng, bố con không được sốt sắng lắm, thế mà cha xứ lại chọn làm quản giáo, mẹ mừng lắm.

Theo tài liệu của giáo xứ quê tôi ghi lại, cha tôi có chân trong Ban hành giáo  của giáo xứ  ngay từ giai đoạn đầu, từ 1951 trở về trước.Năm1953, cha xứ Đỗ Đức Hanh đi Hà Nội chữa bệnh và do thời thế, ngài không trở về giáo xứ nữa. Từ đó, cha tôi được Tòa Giám mục Hà Nội giao cho công tác cao quý nhất đối với những giáo dân không có chức thánh [như Phó tế, Linh mục]. Đó là Phụ trách ThánhThểRửa tội trẻ em. Còn công tác Quản giáo thì cha xứ giao cho người trước đó. Ở giáo xứ nào có linh mục thì hai công tác Phụ trách Thánh ThểRửa tội trẻ em, thuộc quyền linh mục, giáo dân chỉ được cho tín hữu rước lễ trong các thánh lễ tại nhà thờ hay tại các đền và tại gia đình khi có bệnh nhân không thể đến nhà thờ được.

Như vậy là cha tôi nhận nhiệm vụ Phụ trách Thánh ThểRửa tội trẻ em từ năm 1953 khi giáo xứ không có linh mục cho tới năm 1984, là năm người qua đời, tổng cộng 31 năm. Tôi xin được nói về công việc của cha tôi, vì đây không phải là trường hợp riêng biệt mà là chung đối với những giáo dân hoạt động tôn giáo tại những giáo xứ nào không có linh mục thuộc giáo hội Công giáo tại miền Bắc sau khi Cộng sản Hà Nội kiểm soát, cai trị lãnh thổ này, có nơi từ năm 1953, trước biến cố chia cắt Nam-Bắc năm 1954, và những năm sau đó cho mãi đến năm 1975. Nhiều người trong số này đã bị bắt và bị cầm tù nhiều năm. Trong trại giam, các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã rất dũng cảm, kiên vững về đức tin và thực hiện lòng bác ái với các tù nhân khác. Một nhà thơ cùng chung số phận với họ, đã trải qua những ngày tháng trong lao tù với những người này, khiến ông tìm đến với Thiên Chúa. Nhà thơ này là Nguyễn Chí Thiện, (1939-2012), tác giả tập thơ Hoa Địa Ngục. Ông đã ngồi tù cộng sản 27 năm, chỉ vì ông đã làm thơ để chống Cộng sản. Nguyễn Chí Thiện đã gặp cha Nguyễn Văn Vinh tại nhà tù Cổng Trời ở Hà Giang, mến mộ ngài, làm chứng về ngài khi ông được trả tự do, năm 1991 rồi đi Hoa Kỳ, 1995. Nguyễn Chí Thiện trở lại Công giáo, lãnh nhận bí tích rửa tội do cha Cao Phương Kỷ.

Năm 1980, vào dịp Mùa Chay, tháng 3, tôi về thăm nhà lần đầu tiên, sau 26 năm. Lần trở về này, tôi đi bằng xe lửa. Lúc tàu đi qua Ngã Ba Nguộn, từ đây đi Hà Nội còn 30 cây số nữa, thì trời đã xâm xẩm tối. Từ trên tàu tôi đã nhìn thấy chị tôi đang đứng cùng với đứa con gái lớn của chị mà tôi đã được xem hình gửi cho tôi từ trước. Tôi ngoái đầu ra gọi tên chị mấy lần nhưng hình như chị không nghe do tiếng máy tàu kêu xình xịch. Khi tàu đi qua Ngã Ba Nguộn, con tàu đã giảm tốc độ, trước khi nó vào ga Tía. Tôi nghe nói, giờ này tàu không dừng ở Tía, nó sẽ chậy chậm lại thôi, đủ tốc độ cho khách có thể nhảy tàu. Lúc con tàu vào đến trước cửa sân ga, tôi nhìn thấy bảng chữ Ga Tía, lập tức tôi nhảy xuống kèm theo một gói hàng khá cồng kềnh.Thật ra, tôi đã báo tin về nhà từ trước, là xuống ga Hàng Cỏ. Nhưng vì nhìn thấy chị và cháu mình đứng ở Ngã Ba Nguộn đón chờ mình, nên tôi quyết định nhảy tàu tại ga Tía. Đứa cháu đi Hà Nội đón tôi mãi đến khuya mới trở về nhà, sau khi mọi hành khách trên chuyến tàu đó đã rời khỏi sân ga mà không thấy tôi. Nghĩ rằng tôi đã thất hứa với gia đình, kể cả bố già. May cho tôi, khi con tàu vừa rời khỏi sân ga, từ đâu có một chiếc xe xích lô, duy nhất lúc ấy, chạy ngay đến chỗ tôi đứng. Tôi lên xe này ngay, nói với tài xế cho tôi về Ngã Ba Nguộn, cách ga Tía hơn một cây số. Gần tới nơi, tôi nhìn sang chỗ chị tôi và đứa cháu đứng lúc nãy, thì hai mẹ con vẫn còn đứng đấy, đang nhìn lên phía trên. Có lẽ chị hy vọng tàu sẽ dừng lại ở ga Tía, và nếu tôi có về thì tôi sẽ xuống tàu tại đó. Chỉ có nghĩ thế, nên hai mẹ con chị mới can đảm đứng đợi tôi trong lúc trời đã tối. Mà kể cũng lạ, tôi đã báo tin về là ngày đó tôi về, ngồi ở toa tàu số…Cậu con trai người chị lớn, đã đi Hà Nội đón tôi, nên cả nhà chắc phải biết điều này. Vậy mà người chị thứ hai (tên là Nhường) còn ra Ngã Ba Nguộn với con gái lớn đón tôi nữa. Thật mong manh quá. Điều này cho tôi biết chị nhớ tôi như thế nào. Sau khi trả tiền xe, tôi nhìn sang chỗ chị tôi đứng, gọi tên chị hai ba lần chị mới nghe, rồi cầm tay con gái chạy sang chỗ tôi đứng. Chị không nhận ra tôi sau gần 30 năm xa cách, nên hỏi: “Ông hỏi ai?” Tôi nói: “Em là Tùy đây mà !”Vừa nghe tên tôi, chị đã ôm chầm lấy tôi, nước mắt trào ra. Rồi vừa đi vừa kể lể niềm nhớ thương, đứa cháu gái thì xách gói quà. Ngày đó thân phụ chúng tôi còn, nên lúc về tới làng, đi qua nhà chị mà không dám vào. Chị nói: “Phải vào nhà tổ trước, chào thầy đã. Chắc giờ này thầy cũng đang mong em lắm”. Cô cháu gái cùng đi  đón tôi với mẹ đã chạy vào nhà tổ báo tin tôi về, nên lúc chị em tôi bước vào cổng nhà, tôi đã thấy cha tôi đang lần bước ra ngoài hiên, tay vịn cột. Tôi vuột khỏi tay chị tôi, chạy ngay lại với bố, ôm choàng lấy người, không thốt được một lời nào. Nhưng khi tôi ôm lấy người, tôi cảm nhận được cha tôi đang chuyền sang tôi sức sống cuối đời của người. Toàn thân người rung lên, tôi dìu người vào nhà mà cha tôi bước đi không vững. Phải chăng cha tôi xúc động quá mãnh liệt, giây phút đầu gặp lại tôi, đứa con trai út, đã tích tụ thương nhớ và mong chờ gần 30 năm trời trong phiền muộn và gian nan.

Mấy ngày sau, vào một buổi sáng, tôi đang ngồi nói chuyện với cha tôi, thì một người đàn ông ở độ tuổi trung niên từ ngoài sân bước thẳng vào nhà cách rất nhanh nhẹn, đứng trước mặt cha con tôi, nói vài câu ngắn gọn, không thừa một chữ, kể cả một lời chào thông thường khi bước vào nhà có mặt một cụ già hơn 80 tuổi:

“Chú Tùy cần gì chúng tôi giúp đỡ”.

Không đợi một giây để xem cha con tôi có nói gì hay không, hắn quay lưng bước ra ngay như khi vào nhà, không một lời chào.

Khi người đàn ông đi khỏi, cha tôi nói:

-“Tôi ghét những người này lắm. Họ làm khó khăn cho tôi.”

Sau hôm người đàn ông đến nhà, có cháu tôi nói rằng, có người bảo chú ra xã đăng ký, nhưng cháu đã trả lời, chú tôi không phải đi đâu hết, ai muốn nói gì, làm gì chú tôi thì cứ việc đến nhà, chú tôi không làm việc phạm pháp. Nhà ấy là nhà chú tôi đã sinh ra tại đấy, nó là nhà của chú tôi.

Tôi ở nhà đúng một tháng, các chị và cháu tôi đã kể rằng ông chịu khó lắm. Khi ở Chuôn chưa có cha (Chuôn cách làng tôi khoảng từ 3 đến 4 cây số), cụ đi bộ lên Bằng Sở, xuống Hoàng Nguyên, cách xa hàng mấy chục cây số, là những nơi có linh mục để lấy Mình Thánh Chúa, thay thế Mình Thánh Chúa cũ ở nhà thờ làng mình; đôi trai gái nào lấy nhau, muốn có phép hôn phối thì phải có chữ ký của cụ, mang giấy chứng của cụ đến nơi nào có cha thì cha xứ đó mới chấp thuận làm nghi thức hôn phối cho. Nhưng từ khi Chuôn Trung có cha Oánh về, “ngài bị quản chế với kỷ luật nghiêm ngặt : không được đi ra khỏi thôn. Không được nói chuyện với bất cứ người nào trong thôn. Khách muốn đến thăm phải có phép của công an. Không được làm lễ trước mặt giáo dân. (x. Chân dung Linh mục Việt Nam, Trang Thông tin Điện tử Hội đồng Giám mục Việt Nam, Năm Linh Mục, 19.6.2009 – 11.6.2010, trang 208). Linh mục Nguyễn Ngọc Oánh bị quản chế tại Chuôn Trung, từ năm 1965 đến năm 1985.

Nhưng ngày nào cha Oánh cũng làm lễ từ lúc 2giờ sáng. Còn cụ nhà mình thì thôi không phải đi xa nữa để lấy Mình Thánh Chúa. Cụ cứ xuống Chuôn để gặp cha Oánh và lấy Mình Thánh. Cán bộ đến nhà, bắt cụ không được xuống Chuôn, cụ phải đi Hà Nội, cụ bảo tôi già rồi không đi xa được. Họ nói, chúng tôi đưa tiền cho cụ đi xe, cụ trả lời tôi không cần tiền của các ông. Thế là họ bắt cụ lên xã, mấy ngày đêm gì đó.

Tôi về nhà vào Mùa Chay, cha tôi còn phục vụ Thánh Thể. Chiều Thứ Năm Tuần Thánh năm đó, trong chiếc áo Các phép, cha tôi mở cửa Nhà Tạm để giáo dân chầu Thánh Thể. Lúc người bước lên bàn thờ mở cửa Nhà Tạm cũng như lúc người bước xuống, quỳ gối trước Thánh Thể, tôi quỳ ở dưới mà hồi hộp quá chừng, vì lo sợ người ngã, nên có lúc tôi nhấp nhỏm muốn chạy lên đỡ người. Tôi hiểu rằng người sắp ra đi rồi.

Vào một chiều Chúa nhật, tôi vào nhà thờ tham dự giờ kinh với dân làng, chị tôi thấy thân phụ chúng tôi đi ra ngoài nhà thờ, không hiểu làm gì, chị đi ra hỏi người, thì người nói, “tìm chú ấy, đi đâu mà không vào nhà thờ?”  Chị tôi nói tôi quỳ ở dưới, người “thế a”, rồi quay vào.

Một lần, tôi đang ngồi nói chuyện với cha tôi thì người chỉ tay lên ảnh thánh Giuse trên bàn thờ. Người nói, thầy đã cầu nguyện với Ngài cho thầy được gặp hai anh em con rồi hãy đưa thầy đi. Bây giờ chỉ còn anh con…Nói đến đó cha tôi dừng lại, hình như còn muốn nói điều gì. Năm đó, cha tôi đã 83 tuổi, anh tôi còn đang trong trại giam giữ những quân dân chính của chính quyền miền Nam sau ngày 30.4.1975. Năm 1982 anh tôi được tha về và năm 1983, anh dẫn vợ, (người Xâm Bồ, Kiến An, Hải Phòng) trở về thăm nhà. Lúc này nghe nói thân phụ chúng tôi đã yếu lắm, có lúc chẳng còn nhận ra được anh tôi nữa. Tuy nhiên, nghe nói đến tên anh thì người nhớ được.

Sau đó cha tôi cầu nguyện với thánh Giuse: “Xin để con đi”. Và người được nhậm lời.

Năm 1984, cha tôi qua đời.

Từ năm về thăm nhà lần đầu tiên, 1980 và lần sau này, năm 2019, tôi đã về tất cả 19 lần. Lần nào cũng thế, trước lúc giã từ người thân, tôi đều đứng trước di ảnh cha mẹ tôi để từ biệt các ngài, không lần nào mà tôi không khóc. Lần vừa rồi, trước khi ra đi, tôi đã cúi đầu hôn mảnh đất tôi đang đứng, con gái tôi cùng về và nó cũng quỳ xuông hôn, vì nơi đây, tôi đã sinh ra và tôi sẽ phải vĩnh biệt nó, có lẽ đây là lần cuối. Nước mắt tôi trào ra rơi xuống nền nhà này.

———————

(*) Gs Trần Văn Toàn trong bài: “Chữ quốc ngữ và chữ nôm. Tự vị Taberd và di sản văn hóa Việt Nam”, ngày 03.06.2004.

KHẢI TRIỀU

(15.8.2020)

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

Bài Mới Nhất
Search