T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Phí lão cắt cổ vịt

Bên rổ rau muống – Tranh: Thanh Châu

Ở núi Xuân Đài, Thanh Hóa có động Hồ Công, Liệt tiên truyện ghi:

Khỏang đời Tây Hán, năm 206 trước công nguyên có ông Hồ Công, hằng ngày bán thuốc ở chợ đeo cái bầu bên hông. Vậy mà cái bầu rượu thu chứa cả trời đất, có cả mặt trời mặt trăng, tối đến Hồ Công chui vào cái bầu ấy mà ngủ.

Tửu đồng họ Phí là thằng bé hàng ngày hầu rượu Hồ Công, một hôm xin cho vào cái bầu thử một lần xem sao? Hồ Công bằng lòng, tửu đồng họ Phí tức Phí Trường Phòng thấy trong bầu có kẻ hầu người hạ tấp nập, như cảnh thần tiên nên ngạc nhiên:

– Không ngờ nơi đây có riêng một cõi càn khôn.

Hồ Công đáp:

– Ta là tiên giáng trần bị đầy nên tạm ngụ ở đấy.

Họ Phí xin Hồ Công cho học đạo tiên và được dẫn vào hang động tu luyện. Khi tạm biệt, Hồ Công trao cho Phí Trường Phòng một cây gậy tre, có phép thâu ngắn đường đi. Từ đó, họ Phí xách gậy, rày đây mai đó, công danh phú qúy gác bỏ ngòai tai, thường la cà bên quán rượu, đồ nhắm ê hề là thịt chó…với thịt chó. Nhưng không có tiết canh vịt nên ít lâu sau, Phí Trường Phòng cưỡi cây gậy tre hóa rồng bay đi mất.

Phí Trường Phòng với xúc địa thuật, hay “Cây gậy tre rút đất” là do tích trên…

Trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn có câu: “Hận vô Trường Phòng xúc địa thuật”, bà Đòan Thị Điểm diễn nôm là: Gậy rút đất dễ khôn học chước.

 

***

2000 năm sau có Phí lão ông là người quên cả thổ ngơi, tên họ, hồ đồ không biết mình là ai nữa. Đó là về năm Mậu Thìn (1868), nên hiệu Hồng Nhậm Tự Đức thứ 21, làm quan ba mươi tư năm, lui về Trúc gia trang mà ở ẩn.

Chốn tây viên có ao sen, dăm bụi trúc, nhà năm gian ba trái. Tuổi mới chớm già, chưa đến nỗi lẩm cẩm. Tính thích rượu, văn phú. Bởi Phí lão dựa hơi vua Lê Thánh Tôn đời hậu Lê (1428-1788) làm thơ về cao tằng tổ tổ Phí Trường Phòng của Phí lão: “Cuộc thế công danh mơ tưởng hãoBầu rượu phong nguyệt thú vô cùng”. Thời Nguyễn: thứ dân chỉ được thờ nhất tổ (thờ ông nội). Trong gia tộc thần hòang bản thổ ở làng Tầm, Phí gia thờ “Cửu huyền thất tổ”, tức thờ thêm tổ tiên ở bên Tàu. Ngoài sự đó, Phí lão theo phái Tào động ở Nhật Bổn, phái sư này hành đạo như người đời thường là lấy vợ và uống rượu. Vì đất Nhật Bổn trên là trời dưới là nước…biển nên chỉ ăn vịt trời lông màu nâu và đen. Phái Tào động ghi: Như Bụt đã dậy, người ta say vì…uống rượu.

Vợ nhà thấy uống nhiều quá nên ngăn can. Bèn nói: “Nếu ta hám lợi, lại một phen nhọc nhằn vào kinh, lăn lộn trong chốn đô hội. Thưở hàn vi mài gươm đọc sách, mười năm trôi giạt đồ thư nửa gánh, gươm đàn một bao chẳng ra việc gì. Bằng một sớm lại vương vào cái hư danh để mua lấy vạ làm hại cho bản thân! Nay ta chỉ nhân ở trong cuộc rượu, văn phú, phóng túng thì phóng túng thực, nhưng có hại gì.

Đoạn đem vợ vào nhà, ngỡ ủng oẳng với nhau hóa ra để bàn về món tiết canh vịt.

Đang ngồi xổm, đột nhiên ngửng mặt lên hú một tiếng dài mà than rằng: “Ta sinh ra ở trong trời đất, tài và hạnh kém cổ nhân xa, song thọ hơn ông Bành Tổ, may lắm thay, ta còn cầu gì nữa. Nếu bỏ cái nhân sinh quý thích chí còn gì ra cái hồn người, lấy gì mà mua vui lúc tuổi già cám cảnh đây!”.

Than xong, chẳng bận lòng, ra chum tắm. Vào nhà khăn đóng áo dài, đứng trước bàn thờ xì xụp lạy bài vị ghi: Lưu Linh (xem tr 8), người đời Tấn (210-270), quê Từ Châu, phủ Giang Tô, là một trong “Trúc Lâm thất hiền. Rồi Phí lão nhắc vò rót rượu, uống vài chén cho say tít cù lỳ. Say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại uống, uống rồi lại say, say với tỉnh cứ gối đầu lên nhau. Bởi thế coi cuộc đời như giấc mộng, coi phú quý như đám mây bay, lúc nào cũng li bì mờ mịt, không biết cái già nó đã theo đến hồi nào chẳng hay. Bấy giờ là ngày 12 tháng ấy, buổi ấy ánh sáng xuân sáng dịu, hoa cỏ đua tươi, trước vườn có vài ba cây trổ hoa. Phí lão tuổi Giáp Thân, nay sáu mươi chín, râu đã bạc, đầu hói nửa mảng, răng khuyết bốn chiếc, mà cái vui trong tửu lượng vẫn chưa suy.

Bèn ngoảnh lại bảo vợ: “Thì như bà biết đấy, ta xưa nay chuyên lo mài giũa ngôn từ, chuyên công làm văn, tuổi xanh làm phú, đầu bạc tụng kinh. Ta và bà từ nay về trước sướng rồi, còn ta và bà từ nay về sau chưa biết vui như thế nào nữa! Thịt chó ta ăn đã mòn răng, mà ăn cái giống ấy ta lại hay…ủng oẳng với bà. À mà bà đừng vẽ chuyện làm vịt xiêm giả cày nhá, cái món rựa mận giả thịt chó ấy cũng thơm mùi riềng mẻ đấy nhưng ăn chả làm sao cả. Này dặn bà chớ làm vịt ta, chỉ được nước to xác thôi, thịt bã lắm. Còn vịt tàu, người ta nuôi để lấy trứng, vừa nhỏ vừa dai nhanh nhách.

Hay bà làm cho ta đĩa tiết canh vịt được chăng?. Mà phải là vịt cỏ ấy nha”.

***

Thế là bà ra ao vườn nhúm con vịt chéo cánh có hai đầu cánh khép kín vào nhau là vịt đang kỳ phát dục. Nếu vịt chưa chéo cánh là vịt non, thiếu hương vị của tiết canh. Nếu đươc “vịt cỏ” ở Vân Đình, Thăng Long, nơi ông nhà bà ứng thí vào thời Tự Đức. Cứ theo các cụ dậy vịt cỏ chân cao, lông khoang nâu xám, vịt nuôi thành đàn nên gọi là…vịt đàn. Mà vịt nào chả nuôi thành đàn, lại con ngan gọi là vịt xiêm, còn vịt ta, vịt tàu nữa, rõ rách chuyện gì đâu. Các cụ nói mẽ chứ báu lắm đấy, vì chắc gì quý và hiếm bằng vịt vàng ở Thanh Hóa, lông hung vàng, chân đỏ. Vịt cỏ Vân Đình chắc gì đã ngon thịt bằng vịt ao vườn nhà bà, vì chúng cũng ăn…cỏ vậy.

Phí lão ông đang định hãm tiết hai thìa nước lã đun sôi với một thìa nước mắm, vừa lúc bà tóm cổ được con vịt chéo cánh bự sự nên ông bơ bải pha bốn thìa nước, hai thìa nước mắm. Trong khi bà lom khom dốc đầu con vịt, ông hấm húi tay nhổ lông cổ vịt, miệng thổi phù phù cho sạch lông. Tiếp, ông cầm con dao bổ cau cứa cổ vịt xọet môt cái xọet để tiết chẩy nhanh, nếu không, tiết chẩy nhỏ giọt sẽ bị bầm đen. Gọi cứa cổ xọet thế, nhưng phải lượng tay vì cắt chạm tới cổ họng, chất dơ ở cổ họng sẽ làm bát hãm tiết bị lơn cơn bọt. Xong, ông nhét đầu con vịt vào cánh, đứng lên, ông đảo con vịt 4, 5 năm vòng chó nó chóng mặt để ngủ quên trong cõi tĩnh mịch. Vì một lần, cắt cổ nó rồi, ông để đó, nó nhỏm dậy lảo đảo chạy như thằng say rượu trông phát khiếp.

Trong khi ấy bà hứng tiết vào bát, để cho tiết khỏi bị đông, bà khuấy đũa thật nhẹ. Vừa khuấy bà vừa lâm râm như khấn vái, bà làm như bà cắt cổ vịt chứ chả phải ông: “Bà báo đời cho mày biết nhá, vịt nhỡ nhỡ cỡ mày, bà phải cắt cánh mới có tiết. Gặp vịt già cốc đế cỡ ông nhà mày thì bà…cắt cổ”. Bà vào bếp luộc vịt để nhổ lông. Đang đứng đợi nước sôi, hốt nhiên bà nói: “Ông lấy dùm…cái ấy đi”. Ông lên nhà lục lọi một hồi lâu lấy… cái ấy là cái nhíp mang xuống vừa lúc bà nhổ lông con vịt xong. Bà nhăn nhúm: “Giờ ạ! Cái này để nhổ lông măng, lông tơ vịt già. Còn vịt non thì dùng cái ấy…ấy”. Ông lại thủng thẳng lên phòng thờ tự lấy “cái ấy ấy”. Bà hơ lửa…cái ấy ấy đủ nóng. Bà lăn lăn cái ấy ấy lên thân con vịt làm sạch mớ lông còn sót lại và vừa nói chuyện với…ông thì phải: “Ông trước kia còn răng cỏ, làm nhân cổ vịt còn nhai được. Còn bây giờ chọm chẹm rồi thì nhân tiết canh cứ theo các cụ mình mà làm”.

Từ chuyện cắt cổ vịt, Phí lão ông hồi tưởng lại cái năm động giời ấy:

“…Chuyện nhằm vào cái năm thi Hương ở Trấn Kinh Bắc, nếu qua được bốn trường được gọi là ông Cống. Phí lão xuống Thăng Long xin sâm. Tới Hồ Gươm, vào Ngọc Sơn Từ có điện Văn Xương, nơi các sĩ tử thường tới xin sâm trước khi ứng thí. Phí lão gặp…một bà thầy bói. Bà dậy rằng: “Văn Xương đế quân linh hiển báo ứng không sai, nay mai Thầy tiến kinh nếu có thỉnh nguyện điều gì, Thầy lạy bà ba lạy”. Phí ông đáp:”Nếu bà chết, ta chỉ lạy hai lạy. Nay bà còn sống nhăn răng cạp đất, lý sự gì ta phải lạy bà ba lạy. Ta không lạy”. Nghe thủng rồi, bà không nói gì chỉ cười tũn.

Năm ấy trường thi ra đề mục “Tứ tử lai hồi”. Phí ông ngồi trong lều cứ tơ tưởng đến bà thầy bói đẹp như Tây Thi ở hồ Gươm. Nên phóng bút cùng mây bay gió thổi…

“Xuất kỳ Đông môn, Tây Thi bất lai. Xuất kỳ Nam môn, Tây Thi bất lai. Xuất kỳ Tây môn, Tây Thi bất lai. Xuất kỳ Bắc môn, Tây Thi bất lai. Tây Thi lai hồ?. Tây Thi lai hồ?”.

Đang lõm ngõm với quá khứ lai hồi, bà sai Phí ông lấy đĩa đựng nhân tiết canh. Bà hỏi ông: “Hồi nãy ông pha 4 thìa nước, 2 thìa nước mắm phỏng”, bà hỏi phòng xa vậy vì tùy theo tiết của con vịt nhiều hay ít, đĩa tiết canh đông hay lỏng le hoặc mặn hay nhạt.  Ngỡ xong, bà lại nhờ ông múc cho bà bát nước sôi để lát nữa hòa với bát hãm tiết.  Bát lớn bát nhỏ tùy theo đĩa to đĩa bé, bá quan bá tính, có người thích tiết canh mỏng cho thanh cảnh, có người thích tiết canh dầy cho ngập mồm này kia, kia nọ.

Bây giờ Phí lão mới động giời, động thổ về trường thi với văn bài khi xưa:

“…Câu ấy nghĩa là: “Đi ra cửa Đông, Tây Thi không đến. Đi ra cửa Nam, Tây Thi không đến. Đi ra cửa Tây, Tây Thi không đến. Đi ra cửa Bắc, Tây Thi không đến. Nàng có đến không? Nàng có đến không?”. Khảo quan chấm thi đọc thống khoái quá thể, liền hạ bút phê: “Trí chi nhất đẳng, vô thị lý dã. Trí chi nhị đẳng, vô thị lý dã. Trí chi tam đẳng, vô thị lý dã. Trí chi tứ đẳng, vô thị lý dã. Tú tài khứ hĩ. Tú tài khứ hĩ ”. Nôm na là: “Xếp bài hạng nhất, thật là vô lý. Xếp bài hạng nhì, thật là vô lý. Xếp bài hạng ba, thật là vô lý. Xếp bài hạng tư, thật là vô lý. Tú tài trượt rồi. Tú tài trượt rồi…”.

Năm ấy Phí ông…trượt rồi, trượt rồi, mấy năm sau trở lại…. Chợt nhìn dưới hồ vừa rùa, ba ba, vừa vịt cò, tức vịt lông trắng, vịt cà cuống, tức vịt lông xám xanh đang bơi lổm ngổm, ông bèn hỏi bỡn bà biết cắt cổ vịt chăng? Bà ngẫn ngẫn…cắt cổ ông còn đuợc nữa là, là…con vịt. Bà nhòm ông từ chân lên đầu thấy…”thấp như vịt” nên gật đầu. Ông ngẫm nguội cái họ Phí tàu tàu của ông Lưu Bị chả ra Lưu Bị, Tào Tháo chả ra Tào Tháo, tào lao thì có. Mà bà lại họ Phạm nên nghĩ cũng…”phí phạm” thật. Nhưng sau khi ông lạy bà ba lạy, ông hóa thân thành ông Cống thật.

Ông ôn cố tri tân một mẻ như “vịt chống gậy” đến đây, vừa lúc bà lầm rầm: “Các cụ ta dậy muốn đĩa tiết canh đông có thể đem xỏ lạt treo lên được, nên bà phải băm…mày thật nhỏ thịt đùi dàn đều vào đĩa cho mịn để…ông Cống nhà mày xơi. Nếu không chỉ tổ ông Cống nhà mày được thể lại nhiếc cho là  các mụ vợ già nhà ta giống miếng thịt vịt già luộc dối, đã hoi lại dai như chão ấy. Nếu nhân tiết canh chỉ lòng, mề không thôi dai nhanh nhách, ông Cống nhà mày răng cỏ chỉ còn…lợi thôI sao mà…nhai”.

Nghe chối tai sao ấy, mặt như bát tiết canh sũng nước, Phí lão bỏ lên nhà trên. Không hay biết, bà lề mề với cái mề vịt: “Mày không biết chứ nhân tâm nan mô áp đồn nan bác là tâm người khó rờ, mề vịt khó lột. Ấy là bà học lóm ông Cống nhà mày đấy”. Bà nói đay với con vịt đã tan tác đâu vào đó: “Bà theo đạo Bụt, bà không sát sinh nhưng bà…phóng sinh mày để ông Cống nhà mày nhắm rươu. Mày không biết ấy chứ…”. Vẫn không biết ông “biến” rồi, bà hục hặc: “Không nói ông cũng biết thừa đĩa tiết canh chả thiếu hành nướng chín để tăng độ bùi ấy mà”. Bà lậu bậu với bát tiết nếu bị lụng bụng như óc trâu, bà phải đào cây xả cả rễ nhúng vào bát tiết để hút hết bầm đen. Bà dàng dênh nếu các cụ cổ ta xưa hãm tiết bằng nước đái trẻ con thì ngon ơ, mấy khi bị đông tiết. Nhưng nhè vào nước đái người nhớn bị cù đinh thiên pháo thì bỏ bố.

Đổ tiết và nước sôi vào bát không, bà chăm bón cứ 1 tiết, 2 nước, rồi  chan đều lên mặt nhân. Bà lấy đũa thọc thọc vào đĩa nhân cho tiết chui xuống đáy đĩa. Bà lập cập: “Tiết canh đông rồi, giã lạc rang rắc lên mặt đĩa, điểm thêm rau húng, mùi tàu, và vài lát gan thái mỏng”. Với tay quơ chai nước mắm. Biết ông Cống không còn ở bếp nữa, bà rù rì tiếp với…bát nước mắm: “Thịt vịt phải chấm với nước mắm gừng. Pha nước mắm gừng cũng nhiêu khê lắm ấy nhá, vì gừng phải giã nhừ, thêm chanh, đường, ớt. Bà chỉ quơ dăm vòng đũa là bát mắm gừng nổi bùng lên ngay, dậy thơm ngào ngạt…Ấy là ông Cống mày nói thế, chứ bà có nói năng gì đâu”. Vừa lúc Phí lão lọ mọ vào bếp. Bà tặc lưỡi: “Dào, ăn thịt vịt luộc mà uống rượu cẩm thì chán chết”. Khi không bà hóng hớt: “Giời đất ạ, quên bu nó mất bánh đa nướng! Hay ông chịu khó đi mua bánh đa, nhân tiện mua luôn rượu nhá”. Mặt như bánh đa nhúng nước, ông bỏ đi một nước.

Rồi bà…phủi tay đi lên nhà trên thắp nhang để tụng kinh sám hối vì…sát sinh.

 

***

Từ chuyện tiện nội lo toan tươm tất về mọi khoản, chăn dắt Phí lão như…chăn vịt. Bất giác Phí lão nháo nhác đến câu phu thê là nghĩa tao khang. “Tao” là chồng, còn có nghĩa là…bã rượu. ”Khang” là vợ, còn có nghĩa là…cám gạo.* Thế thì tiện nội lấy ông đúng chỉ có nước ăn cám. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng tiện nội ông đâu có tệ, vì tiện nội ông có mặt một trong 33 thống khoái của Kim Thánh Thán người đất Giang Tô:

“Một ông bạn cách biệt mười năm, chiều tối bỗng tới nhà. Mở cửa, vái nhau xong, chưa kịp mời bạn ngồi ở giường hay ở ghế, vội vào trong bếp, hỏi nhỏ vợ: “Bà có sẵn vò rượu như bà Tô Đông Pha không?”. Vợ vui vẻ gỡ cây trâm vàng đem đổi rượu. Tính ra đãi bạn được ba ngày. Chẳng cũng khoái ư?

Cảm khái Thánh Thán đãi bạn rượu tới ba ngày, Phí lão mò tới bàn thờ Túy thánh Lưu Linh thầm khấn có hảo tửu bằng hữu để phùng trường tác hí náo nhiệt một phen. Trộm nghĩ “Bằng hữu mãn thiên hạ tri kỷ năng kỳ nhân”, tạm cho là bạn bè khắp thiên hạ tri kỷ dễ có mấy tay. Thế là Phí lão thọc cây gậy tre rút đất giữa hai háng, cây gậy như con rồng với xúc địa thuật bay sang đất…Tàu đi tìm bạn rượu mang về nhà nhậu.

Chỉ mấy khắc sau đáp xuống thị trấn Trường Châu, thuộc phủ Giang Tô. Phí lão nhủ thầm hóa ra Thánh Thán cùng đất Giang Tô với Lưu Linh. Từ lộ phủ vào thị trấn, thấy một lữ quán tên Diêm la vương khai tửu, nghe lạ bèn bước tới. Dòm yết bảng treo ở cạnh cửa viết lằng ngoằng tên những danh tửu như Thiên hạ đệ nhất Ô Trình tửu, Cam Tuyền giai nhưỡng tửu, Thiệu Hưng hắc tửu…bèn bước vào.

Phí lão đảo mắt tìm kiếm, chợt thấy một đại nhân ngồi bên bàn, trước mặt là thùng rượu gỗ đen, cái bánh bao. Vừa lúc đại nhân ngâm nga đầy hào sảng: “Đang uống rượu, nhìn ra cửa những nấm mộ tuyết phủ mặt đất tới ba bốn tấc, vừa lúc bạn rượu bước vào. Chẳng khoái ru?”. Phí lão ông biết ngay ấy là một Kim Thánh Thán.

Phí lão ông chợt nhớ đại nhân đây là ngự sử văn đàn qua Lục tài tử thư, phê bình từ Sử ký của Tư Mã Thiên, đến Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Phí lão thủ lễ:

– Tại hạ họ Phí, người xứ An Nam, đã ngưỡng mộ tiên sinh bấy lâu.

Dòm thùng rượu, Phí lão ra ý tìm bạn rượu mang về nhà nhậu…

– Nay xin thưa ở bản quốc có món thổ địa ngon hơn bánh bao nhân thịt trâu trên bàn kia. Từ con trâu, quý quốc tha ma mộ địa chỉ có món “Cát kê yên dụng ngưu đao” là cắt tiết gà há dùng dao mổ trâu, thì bản quốc có món…cắt tiết vịt. Ấy là chưa kể danh tửu của bản quốc ở tửu địa Quảng Trị có đế Kim Long, ở đất Bình Định có đế Bàu Đá.

Được thể Phí lão học Tàu “cấm giả lịnh giả thị”, Nôm là ai cấm người mang bị nói khoác…Phí lão ba hoa thiên địa bất kể trời đất với Thánh Thán rằng: Vại Kim Long, Bàu Đá hạ thổ vào ngày đông chí là ngày ngắn nhất, đêm dài nhất. Ba năm sau đào lên, chọn đúng đêm hạ chí là đêm ngắn nhất, ngày dài nhật. Còn rượu chôn dưới đất hoang dại mọc toàn cây đế, nên được gọi là rượu…đế.

Nghe người Việt nói tiếng Tàu giọng Việt “ồm ộp” như cóc nhái gọi mưa, Thánh Thán hỏi lại cho chắc ăn: “Đế có phải là…vua không?”. Thế là Phí lão một tấc tận giời còn hơn…vua nữa, vì it ai hiểu nguyên lai của hai tiếng rượu đế nên họ chỉ gọi rượu đế là rượu vua. Dân bét rượu tự xưng là con Ngọc Hoàng, vì vậy nào có sợ ai “Hiu hiu gió thổi đầu non – Mấy cha uống rượu là con Ngọc Hoàng”. Với rượu đế, dân gian có câu: “Nàng rằng nàng chẳng sợ ai – Sợ thằng say rượu ấy dai đau nàng”.

Nghe rồi, Thánh Thán mà rằng nước Tàu từ thời Tam hòang ngũ đế chỉ có…vịt quay. Nay tửu địa An Nam lại có lọai rượu uống vào ấy dai đau nàng!? Nên la tóang lên:

Hảo tửu! Hảo bằng hữu! Mà di chân đường Phí quân ở phương nao?

***

Đọan Phí lão bảo Thánh Thán ngồi lên cây gậy nhắm mắt lại. Một khắc sau về đến Bắc Ninh, dọc đường làng chum, vại rượu lớn, nhỏ xếp thành hàng lối. Hai bên cổng làng có hai câu đối: “Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc – Vạn Vân như nguyệt rạng trời Nam”. Vào đình làng có bốn chữ đại tự “Vân hương mỹ tửu”. Phí lão thiên tải kỳ bút cho Thánh Thán hay vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 24 (1703) phong cho danh tửu ở tửu địa Kinh Bắc này. Ấy là rượu làng Vân tiến vua, là rượu nếp cái hoa vàng chỉ trên cánh đồng làng Vân Xá mới có.. Nói rồi Phí lão thửa hai vại Vân hương mỹ tửu.

Với ô túy cương tửu là ghét say sưa nhưng lại thích uống rượu. Thánh Thán nói:

Hảo tửu! Hảo tửu a! Mà gia hương đường Phí quân ở nơi nao?

Về đến nhà, tào khang Phí lão ông khiêng vại Vân Hương mỹ tửu từ cây gậy tre rút đất xuống. Thánh Thán bê cả vại rượu lên hít hà:

– Quả thật tửu quốc đây của quý quốc nào khác gì Bồ Đào tửu của Thổ Lỗ Phồn Tây Vực. Hừm! Mỹ tửu quốc này cũng 10 năm chứ không ít. Hảo a! Hảo a!

       Phí lão ông lụm cụm:
– Rượu bản quốc hạ thổ trong vại gắn kín như thế, sao tiên sinh ngửi thấy được?
Kim Thánh Thán mỉm cười đáp:
– Rượu trong vại kín nhưng với tri kỳ hương, bản chức dùng mắt nghe được..

      Phí lão ra điều mình là hậu bối của Phí Trường Phòng nằm ngủ trong hồ lô rượu:

      – Tại hạ nằm trong cái túi càn khôn tung hê hồ thỉ bốn phương trời uống rượu rách mép thiên hạ mà không hay Vân Hương mỹ tửu đã hạ thổ 10 năm. Nay xin thưa.

Tay vẫn bê vại rượu ngang mặt, Kim Thánh Thán nhếch mép:

– Có gì đâu, bản chức nhìn ấn triện đáy vại có niên kỷ ấy thôi.

Phí lão thao láo như mắt rắn ráo dòm Thánh Thán và lụng bụng trong bụng: Rượu để 10 năm các cụ cổ ta xưa viết tắt là V.S.O.P. với nghĩa “vạn sư ô phụng”. Ô, phụng đây chả phải con quạ đen, hay con chim phượng mà là con bìm bịp. Rượu V.S.O.P. có tên “Nhất xà nhất điểu” với điểu là con bìm bịp, là rượu thuốc chữa gẫy tay chân vì con bìm bịp khi bị gẫy chân, nó kiếm lá tự chữa lấy. Rượu đế V.S.O.P. 10 năm là rượu rắn ở Phụng Hiệp (Cần Thơ). Còn Vân Hương mỹ tửu hạ thổ chỉ 3 năm thôi.

Phí lão ông…ngộ bất nghi:
– Tiên sinh chưa nếm thử rượu, sao biết được rượu ngon?
Học Phí lão học Tàu với…cái bị nói khóac, Thánh Thán tam toạng:

– Rượu qúy quốc chôn sâu dưới đất 10 năm, không cần moi lên nhưng với tri kỳ ảo, bản chức có thể dùng tai nghe được vị ngon của rượu..

Thánh Thán lại học Ta với “Rượu không say, say vì chén”::

– Tuy có rượu ngon, nhưng lại không có chén tốt, thật là đáng tiếc! Đáng tiếc thay!

Nghe óc ách gì đâu. Vì rằng ở cái thế lao dật đã rõ của Phí lão là “Biện tửu bất nan, thỉnh khách nan, thỉnh khách bất nan, khoản khách nan”, lỗ mỗ lơ ngơ là bày rượu không khó, mời khách khó – mời khách không khó, đãi khách khó…khó thế đấy.

Chưa kịp hiểu tâm viên ý mã của “khách”, “khách” đã “khoản khách nan” rằng:

– Uống rượu cần phải biết tửu cụ, uống loại rượu nào phải dùng loại chén đó. Uống Thiệu Hưng Trạng Nguyên Hồng phải dùng chén phỉ thúy, uống Bồ đào mỹ tửu, đương nhiên là phải dùng chén dạ quang, thưa các hạ.

Nghe luận cổ suy kim chén cổ, chén cũ lõng bõng như đĩa tiết canh thiếu nước mắm hay bị long chân nhão nhẹt như vôi vữa ấy. Phí lão đành búi bấn:

      – Xin tiên sinh châm chước cho, tệ xá chỉ có chén gốm Ông Thiếu làng Chu Đậu, Bát đàn làng chén Bát Tràng. Tên bát có nguồn gốc từ tiếng Phạn bát đa la nghĩa là cái bát ăn của nhà sư, bát mang hình thái bình bát của các tăng sư thời Lý ảnh hưởng đến chén Tống (Temmonlu) của Nhật Bổn. Đời Tự Đức vì tửu lạc vong bần nên cấm uống rượu bằng bát, phải uống bằng chén cho đỡ lúy túy càn khôn mới có từ “đánh chén”. Trong từ đánh chén hàm ý có ăn có uống, có đụng bát, đụng…chén, Dạ xin thưa.

Phí lão bụng bảo dạ Tàu làm quái gì có chén dạ quang. Bởi từ thuở nào, họ chỉ loay hoay với trản (bộ ngọc) là chén bằng ngọc, trản (bộ mãnh) là chén bằng sứ hay đất nung là hết đất. Cứ ăn ốc nói mò câu dục ẩm tì bà thượng mã phong. Ái cha! Xin lỗi nói lộn: “Dục ẩm tì bà mã thượng thôi” tích từ người Mông Cổ cưỡi ngựa uống rượu đâu có chén bát bèn cưa sừng bò, sừng trâu làm chén uống ruợu. Vì sừng bò, sừng trâu có chất lân tình nên Tàu gọi nho nhã là “Bồ đào mĩ tửu dạ quang bôi” ấy thôi. Nhẽ này Phí lão dấu biến không cho Thánh Thán hay.

 Làm như vô tri thời bất mộ với ý người ta không mến mộ cái người ta không biết đến. Thánh Thán thản nhiên chỉ vại rượu mà rằng:

– Rượu qúy quốc là rượu trắng thâm niên cổ đại phải dùng đấu lớn mà uống, mới lộ ra được cái khí khái, cổ nhân đã nói như thế, thưa Phí quân.

Nghe láo quáo…cổ nhân nói thế, chẳng cần biết cổ nhân là ai, nói thế nào. Phí lão vào bếp moi ra được hai cái đấu gỗ thường ngày tiện nội dùng để đong gạo hạt rời sau khi xay trấu. Nhìn thấy hai cái đấu gạo để…uống rượu rồi, Thánh Thán yên chí ngồi trên chiếu kiểu thiền tọa, tức ngồi để hai bàn chân ngửa gác lên vế. Phí lão thấy hay hay bèn hỏi. Thánh Thán giải luận ấy là kiểu ngồi “phu tọa” của tửu đạo. Vì Kinh tửu có câu “Phu tọa nhàn song tửu nhãn khai”, là ngồi thiền song vẫn mở mắt…nghe hơi rượu.

       Sau khi ấn chứng về cách ngồi của đạo rượu, bỗng dưng không đâu Phí lão nhũn não với “Học châm tửu ý”, là học cách hầu rượu. Bởi qua chén thù chén tạc, bên chủ “tạc” là mời rượu. Bên khách “thù”, chẳng hẳn…thù hằn gì nhau mà là uống đáp lễ. Chưa kịp bày tỏ cái lễ của đạo rượu, khách nhòm chủ ra ý “Nhất nhân bất ngật tửu” là một người không…uống rượu được. Rồi gục gặc “Sự pha thuyết xuất. Tửu phạ châm xuất”, ra cái điều việc ngại nói ra, rượu ngại mời rót.

Vừa lúc tiện nội Phí lão mang bát đũa ra, Thánh Thán mà rằng:

Phí tào khang đã cơ công, thường kính nhường hậu kẻ sĩ này quá hậu hĩ. Nên bản chức lại nhớ đến chuyện phu nhân của danh tửu Lưu Linh.

       Cầm đấu rượu lên, Thánh Thán kể lể:

– Lưu Linh sống vào năm cuối nhà Ngụy, đầu nhà Tấn. Lưu Linh tuy học rộng, tài cao nhưng không hề màng chuyện đời, danh lợi như…Phí quân đây. Lưu Linh uống rượu triền miên, phu nhân thấy chồng uống nhiều quá nên can ngăn. Lưu Linh xin vợ được uống một lần cho say khướt, rồi chừa. Lưu Linh khấn trước bàn thờ:

        Trời sinh Linh này
       Lừng danh kẻ say
       Mỗi lần một hộc
       Năm đấu đưa cay
       Lời can của vợ
       Ngang trời gió bay…

        Khấn xong, uống say mèm, Lưu Linh lăn ra ngủ. Tuy say suốt ngày, nhưng đối xử với mọi người, Lưu Linh là người nhân hậu, lễ nghĩa, không bao giờ làm phật lòng ai. Lưu Linh cũng không bị bả vinh hoa, nạn thi cử để tiến thân khổ sở, suốt đời chỉ lấy bạn và rượu làm vui như…Phí quân. Để ca ngợi rượu, Lưu Linh viết Tửu đức tụng được coi như một áng danh văn về rượu trong văn học Tửu thi, thưa Phí tào khang.

Đột nhiên Thánh Thán bảo: “Nhất tâm tưởng ngật áp nhục”. Nghe lạ! Bèn hỏi? Thì được biết Thánh Thán đây tơ tưởng đến thịt vịt từ lâu. Trả lời xong, Thánh Thán đổi thế ngồi chồm hổm, hai chân trước lom khom chống đất, lưng gù gù. Phí lão dằn bụng không xong! Bèn vấn nữa. Thánh Thán đáp: “Lạn hà mô tưởng ngật áp nhục” là…là con cóc đang mơ tưởng thịt vịt đó.

Hiểu ý, Phí lão nói tiện nội mang thịt vịt luộc ra…

Bà nói ông nhà bà thông dịch cho Thánh Thán thông hanh rằng: Các cụ ta xưa có lễ cúng tam sinh: cá, gà, vịt. Vì ba sinh vật này đẻ ra trứng, trứng sinh ra con. Cá ít được đưa lên bàn thờ, trừ cúng cá chép đưa ông Táo về trời. Gà vẫn nằm trên bàn thờ nhờ có nhất thủ nhì vĩ. Chả ai thờ vịt vì đầu và phao câu bị cắt béng đi mất rồi. Với đầu, có lẽ vì kiêng cữ “nước đổ đầu vịt” chăng. Còn phao câu gây mùi tanh cho thịt vịt luộc. Mặc dù làm sạch lông, bỏ phao câu nhưng thịt vịt vẫn có mùi nên cắt vài lát gừng chà lên con vịt giúp thịt thơm hơn khi luộc. Vì vậy tiện tay các cụ làm…nước mắm gừng luôn.

Bà ba điều bốn chuyện luộc vịt khác luộc gà: Với gà, bà cho gà vào nồi nấu từ đầu. Với vịt, bà không để lửa lớn, nước vừa sôi hạ lửa nhỏ mới bỏ vịt vào. Bà căn cơ khoảng một thẻ nhang vì nếu để lâu trong nước, thịt vịt sẽ dai vì chất ngọt ra hết nước. Sau đó bà lấy đũa xiên vào đùi vịt, nếu thấy nước chảy ra không có màu đỏ là vịt vừa đủ chín. Bà nắn no nhớ bỏ một củ gừng nướng…cho thơm râu. Bà chép miệng cái bếp than còn gặp “vịt chống gậy” là bà chịu chết. Đụng đến “vịt chống gậy”, Phí lão cũng chịu chết luôn vì bí chữ nên thôi không Tam quốc chí diễn nghĩa cho Thánh Thán nữa.

Thấy hai vợ chồng Phí lão “ù ù, cạc cạc” với nhau, Thánh Thán rọ mồm vào chuyện bằng cách gật gù ngâm nga: “Thê ngôn tế tửu chân vô ích – Ngã dục tiêu sầu thả tự do”. Mặt tiện nội Phí lão ngẫn ngẫn ra trông thấy. Vì vậy Phí lão phải diễn dịch là: Vợ nói say rượu thật vô ích, ta muốn giải sầu nên cứ uống tràn. Chờ Phí lão diễn nghĩa xong, Thánh Thán mới diễn ý rằng từ câu thơ của Lưu Linh, thì tiện nội Phí lão may mắn có đức lang quân như…Phí lão, chứ không như…Lưu Linh. Phí lão lẫn đẫn căn cơ gì Thánh Thán cứ nhắc tới “Lưu Linh”? Hay Kim Thánh Thán là bạn của Lưu Linh chăng? Mà chẳng hẳn vậy, vì cứ theo Phí lão học đòi được ngoài thất hiền ở rừng trúc, Lưu Linh chỉ tri kỷ với vua cờ: “Cờ tiên rượu thánh ai đang – Lưu Linh, Đế Thích là phường tri âm”. Thêm nhẽ nữa, Phí lão thấy Thánh Thán cứ vồn vã tiện nội mình! Ắt hẳn để học đánh tiết canh cho vợ con chăng? (xem tr 9)

Phí lão nói tiện nội xuống bếp lấy…bát xì dầu giã gừng và nhắn nhe nhớ giã gừng cho nhuyễn. Lại còn dặn dò gừng…gừng càng già cay chứ không phải…tỏi. Thánh Thán cầm cái đùi vịt ngồi đợi. Lát sau tiện nội Phí lão bê đĩa tiết canh lên. Mồm miệng đắng đót có tỏi chứ chả có xì dầu vì xì dầu ở bên Tầu mới có. Có tiết canh là có chuyện…Chuyện là có con ruồi đậu trên đĩa tiết canh. Làm như đợi dịp này từ lâu lắm rồi, Thánh Thán bảo: “Mở cửa sổ cho ruồi bay ra, chẳng cũng khoái ư?”

Thế là Phí lão đứng dậy đi mở cửa…

Vừa về chỗ, Phí lão bắt gặp Thánh Thán mặt nhăn quéo như dăm lát gan vịt thái mỏng, gầm gừ nhìn đĩa tiết canh đỏ hoét, trông phát khiếp! Thánh Thán trông phát sợ! Nào khác gì bà Từ Hy Thái Hậu cho con chuột bạch sữa ngâm mật ong…bò vào cổ họng ngon ơ. Hay bà lấy búa đập bể đầu con khỉ múc óc trắng hếu ăn ngon lành. Thánh Thán cắp nắp người An Nam ăn tiết canh vịt cả 4000 năm văn hiến với văn hóa ẩm thực nào có chết ai đâu? Nên Thánh Thán nhắm mắt nhắm mũi múc một thìa tiết canh đỏ kịt ăn bừa chẳng thống khóai tí nào. Nhưng mồm miệng vẫn: “Hảo a. Hảo a”.

Chưa hết, Kim Thánh Thán…hảo ý, hào sảng tiếp.

– Đang uống rượu với bạn hào sĩ, tôi đã nửa say, do dự không biết nên uống nữa hay ngừng. Một tửu đồng đứng bên, hiểu ý… Chẳng cũng khoái ư?

Thì “tửu đồng” Phí lão cũng hiểu ý vậy, vì hết vại rượu này nữa là xong. Với “Tửu hậu thố chân ngôn”, là rượu xong lời nói thật. Bèn ngay tình nói…thật:

– Nay được cửu trùng tri ngộ với tiên sinh, nào có khác gì Bạch Cư Dị gặp người kỹ nữ về già trên bờ sông Bồn. Vì vậy tại hạ lấy đó làm cảm kích lắm thay.

Làm như cảm khái quá lắm! Thánh Thán mà rằng:

– Há có cái lý ấy sao?

Nghe mà cám cảnh quá thể, Phí lão bỏ xuống bếp.vác vại rượu lên ngớ ra Thánh Thánh…biến mất. Dòm ra cửa. Cửa mở. Ở cái bu cửa: Cây gậy tre rút đất cũng…biến mất tiêu. Bỗng dòm, thấy cục gì ấy tròn tròn, trắng trắng chặn một tờ giấy hoa tiên.

Bèn bước tới ớ ra cục tròn trắng là…hột vịt lộn.

Mở tờ hoa tiên ra đọc: ”Ngật hoàn liễu tựu tẩu”, hiểu là hốc no rồi cút. Khi không cây gậy xúc địa thuật bị trộm thuổng mất. Phí lão láo ngáo tới câu thứ 11 trong 33 thống khoái của Thánh Thán: “Sáng sớm thức dậy, nghe vợ nói rằng có người mới chết đêm qua. Tôi liền lên tiếng hỏi ai chết, thì chính là tên trộm trong làng. Chẳng khoái ư?”.

Thấy sự thể vậy, tiện nội chỉ bài vị viết “Lưu Linh, người đời Tấn mất năm 270”. Phí lão lõ mắt dòm bức tranh truyền thần, trộm thấy Lưu Linh y trang Thánh Thán.

 

***
Cả ngàn năm sau Sử ký tân biên của Tư Mã Thiên hiệu đính rằng nay hao tổn tâm tư bởi lẽ Tửu sử tam sao thất bản vì vậy ít ai hay Lưu Linh lặn lội trong bể hoạn, nên phải gánh chịu nguy cơ nổi chìm như sau!

“…Có một Lưu Linh tiên sinh đại nhân lấy trời đất làm một buổi, muôn năm làm chốc lát, lấy mặt trăng, mặt trời làm cửa ngõ, lấy thiên hạ làm sân, làm đường: Đi không thấy vết xe, ở không cần nhà cửa, màn trời, chiếu đất, thích thế nào làm thế. Lúc ở nâng chén, cầm bầu. Lúc đi vác chai, xách nậm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không thèm biết đến sự đời gì nữa.

Có một Phí lão gia, xưa thật là xưa là hậu duệ của Phí Trường Phòng, quê gốc làng Tìm, phủ Thái Bình. Thưở sinh thời Phí lão lận đận con đường họan lộ rút cuộc chỉ là ông đồ bát nháo nên đâm ra bất đắc chí không thiết gì thi cử nữa, tiến vi quan thối vi sư, nhưng chẳng chịu an phận thủ thường cũng chẳng màng đến mài mực ra mà kiếm gạo. Phí lão gia cứ vạn sự giai không, cứ nằm co với mo cơm tấm, ấm ổ rơm là đủ.

Phí lão gia tự cho mình là bậc nho giả sinh bất phùng thời. Kịp đến tuổi tứ thập nhi bất hoặc, ngỡ không còn gì huyễn hoặc nữa, bỗng dưng Phí lão gia lững thững phong kiếm quy điền, đóng cửa tạ khách, mượn hồ trường và chữ nghĩa làm thú vui ẩn dật với: “Trời đất sinh ra rượu với văn – Không văn không rượu sống như thừa”.

Nghe hơi nồi chõ tiên sinh họ Lưu như thế bèn cho người vời đến. Phủ trên huyện dưới xôn xao rằng nếu có hai kỳ tửu gặp nhau họ sẽ uống nghiêng đình đổ quán, uống cho nghiêng trời lệch đất. Rượu sẽ ngập sông, tràn ngang núi. Tửu khí ngất trời, mây không có chỗ ẩn thân. Âm khí thối đất, cỏ ba niên chẳng ngóc đầu lên nổi thì trên là trời là đất thế nào cũng kẻ còn người mất.

Khi rày, tiên sinh họ Lưu xem Phí lão như con tò vò, con sâu róm mà thôi. Bởi lẽ tiên sinh có tài uống hàng trăm hộc mà không say nên có hiệu là Túy thánh Lưu Linh. Ấy vậy mà học Đỗ Phủ, Lý Bạch, vừa ngửa cổ ngắm trăng, vừa uống xong vại rượu “Vân hương mỹ tửu” thì Túy thánh Lưu Linh gục xuống thổ huyết mà…thác.

Trước đó, làm như có điềm không hay, tiên sinh viết thư để lại cho vợ con…

– Hỡi con: Muốn hãm tiết canh vịt nhớ hai đấu “xi-dầu”, bốn đấu nước lạnh. Nếu phép này mà được lưu truyền thì ta còn hận gì…Phí quân nữa!

Lưu Linh tiên sinh thường ngồi trên xe trâu, chở theo vò rượu lớn sai người vác cuốc theo bảo nếu ông chết ở đâu chôn ở đấy. Vì vậy Phí lão gia…hạ thổ tiên sinh ngay tại Trúc gia trang. Trên mộ bia, Phí lão gia cho khắc Điếu cổ hoài kim về bạn hồ tửu:

Họ Lưu lãng tử chẳng nên tài
Vác cuốc “chết đâu chôn đó ngay”
Say khướt đã coi ngang vạn vật
Chết khô chi bận chút hình hài

Lưu Linh sống vào đời Tấn, tên Bá Luân, tự Nguyễn Lãng. Vì là Túy thánh, nên được Hồng Nhậm Tự Đức đại vương thứ 21 sắc phong là “Đương cảnh thần hòang, thượng đẳng thần”. Miếu thần hoàng đất Hút-tân nay còn thờ cái cuốc của tiên sinh.

***

Nay, món tiết canh vịt kỳ cổ của người Việt ta bị thất truyền. Chỉ còn lại kỳ tích:

Vào đời Tự Đức (1847-1883), cuối năm, cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến (1835-1909) được vợ anh hàng thịt hàng xóm góa vợ mang sang biếu bát tiết canhđôi bồ dục để xin câu đối Tết. Cụ phóng bút hai câu tả cảnh xuân với liễu bên gò cỏ bồ, nói lên khát vọng tình yêu còn mơn mởn trong lòng người góa phụ trẻ. Cụ ghép chữ thứ 4 “tiết canh” ở câu trên và “bồ dục” ở câu dưới để đối với anh hàng thịt.

Tứ thời bát tiết canh chung thủy

Ngạn liễu gò bồ dục điểm trang

Thế nhưng trong văn học sử họ vặc nhau như mổ bò vì với anh hàng thịt thì bát tiết canh đây là bát tiết canh vịt hay…bát tiết canh lợn?

 

Trúc gia trang

       Giáp Thân 2004

    Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

     (thêm bớt 2014, 2019, 2021)

 

Nguồn: Lê Thiệp, Nguyễn Duy Chính, Thiều Chửu

Nguyễn Dư, Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Văn Hưởng.

 

*Chú Thích: Tao Khang hay Tào Khang? (TV&BH)

 (Nguồn: http://honvietquochoc.com.vn)

Tao khang hay tào khang?

“Vợ chồng là nghĩa tao khang”. Câu nói này được truyền miệng trong dân gian từ lâu tuy không phổ biến lắm. Bẵng đi một thời gian dài, “tao khang” ít được nhắc đến dù là trong khẩu ngữ hằng ngày hay trên văn đàn mà dường như chỉ tồn tại trong mảng văn học xưa hoặc trong tâm thức những bậc cao niên, hoặc trong từ điển. Gần đây, hai từ này xuất hiện trở lại trong báo viết, báo nói cũng như báo hình. Có chỗ, có nơi lại viết hoặc đọc là “tào khang”.

Vậy hai chữ tao khang nguyên nghĩa là gì, xuất xứ từ đâu, vào thời điểm nào? Theo Hậu Hán thư của Trung Quốc, “tao khang” là lời nói của Tống Hoằng, làm quan dưới triều Hán Quang Vũ (6 TCN – 57). Tống Hoằng người đất Tràng An (thời Đông Hán) vốn là con nhà nghèo nhưng có chí học hành; thi cử đỗ đạt, được bổ làm quan đến chức Đại Tư Không, tước Thượng Khanh. Ông là một vị quan hiền lương. Không may, vợ mắc bệnh mù lòa; chẳng quản ngại ngày đêm, ông chăm sóc người vợ thân yêu của mình một cách tận tình, chu đáo, không có ý này nọ. Cảnh sống tuy đạm bạc nhưng họ vẫn quý nhau.

Hán Quang Vũ (Lưu Tú) có người chị gái là công chúa Hồ Dương. Nàng góa chồng sớm, nên còn khá trẻ và xinh đẹp, muốn đi bước nữa nhưng chưa biết gá nghĩa cùng ai, lòng riêng thì rất ái mộ Tống Hoằng. Một hôm, nàng thổ lộ nỗi niềm với anh mình rằng:

– Uy đức của Tống Hoằng, quần thần không ai bằng.

Quang Vũ hiểu ý chị gái, bèn triệu Tống Hoằng vào, ướm hỏi:

– Quý dịch giao, phú dịch thê, hữu chư 貴 易 交 富 易 妻 有 諸? (Sang đổi bạn, giàu đổi vợ, có chăng?).

Tống Hoằng trả lời:

Bần tiện chi tri bất khả vong. Tao khang chi thê bất khả hạ đường 貧賤之知不可忘. 糟 糠 之妻不可下堂 (Bạn bè quen biết nhau từ thuở nghèo khó, không thể quên. Người vợ cùng chung cảnh nghèo, không thể để xuống ở nhà dưới; ý nói ruồng rẫy). (Nghĩa gốc của tao糟: cặn rượu, khang 糠: cám; chỉ đồ ăn chữa đói của người nghèo).

Hán Quang Vũ biết Tống Hoằng chung thủy với vợ, liền từ bỏ ý định tác hợp cho chị mình.

Về sau người ta dùng “tao khang” để chỉ người vợ lúc còn nghèo khó.

Gần đây, hai chữ tao khang bị đọc chệch, nói chệch, viết chệch thành tào khang. Có người cho rằng, tao đọc là tào, cả hai âm đều đúng, không sai (?!). Nhưng theo tôi nghĩ, cặp từ đẳng lập này có xuất xứ rõ ràng với ý nghĩa đẹp, cần đọc chuẩn, không biến dạng để giữ được nguyên ý nghĩa, giá trị của nó. Do vậy, ta không nên đọc chệch, nói chệch, viết chệch làm lệch âm, sai nghĩa và mất vẻ đẹp của ngôn từ vốn có của nó.

LÊ HOÀI THAO

(P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội)

Hồn Việt: “Tao khang” được sử dụng phổ biến trong dân gian và văn học Việt Nam từ rất sớm. Trong quá trình sử dụng, đã xảy ra hiện tượng chuyển đổi theo lối dùng thuần Việt: từ “tao khang” chuyển thành “tào khang”. Vì vậy, chúng ta vẫn thường thấy xuất hiện không thống nhất trong các từ điển, bài báo… có chỗ dùng “tào khang”, có chỗ lại dùng “tao khang”. Thiển nghĩ, “tào khang” hay “tao khang” đều có thể chấp nhận, cũng như chúng ta đã từng chấp nhận sự chuyển đổi của các cặp từ: chúng cư 眾居 -> chung cư; trú sở 住所 -> trụ sở…

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search