T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Chuyện buồn vui về những lá cờ

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Jackhammer Nguyễn

Lá cờ nửa xanh nửa vàng

Lần đầu tiên tôi thấy sức mạnh lịch sử của một lá cờ là tại trung tâm Toronto, Canada, trong một ngày mùa hè. Hôm đó là ngày hội của cư dân địa phương gốc Ukraine, hai màu vàng và xanh dương của lá quốc kỳ Ukraine ngập trời Toronto.

Hai màu xanh dương và vàng của lá cờ mang ý nghĩa bầu trời xanh thẳm của biển Hắc Hải trên cánh đồng lúa mì vàng óng của bình nguyên Ukraine.

Cũng giống như nhiều người cùng thế hệ, tôi lớn lên “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”, và lần đầu tiên nghe nói về lá cờ xanh, vàng này là từ quyển tiểu thuyết cách mạng cộng sản “Thép đã tôi thế đấy”, tác giả viết thế này: Lá cờ hai màu vàng xanh của bọn phỉ Petliura (người đứng đầu chính phủ Ukraine độc lập sau năm 1918, sau sống lưu vong và bị ám sát ở Paris).

Lá cờ hai màu vàng xanh đó đã có lịch sử hơn 100 năm, xuất hiện lần đầu vào năm 1848. Sau khi những người cộng sản áp đặt chế độ của họ lên Ukraine, với 1 lá cờ mới màu đỏ búa liềm, viền xanh bên dưới, là cờ nửa xanh nửa vàng vẫn là biểu hiện của cộng đồng Ukraine hải ngoại.

Năm 1991, lá cờ đó trở lại với Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ, trở lại trên cả ngôi nhà tòa đại sứ Ukraine tại Hà Nội, nơi vẫn còn nằm dưới màu đỏ cộng sản.

Lá cờ vàng ba sọc đỏ

Lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ tôi chào đầu tiên trong đời, khi ý thức được mình là công dân một quốc gia. Mỗi sáng đến trường, tôi hay đi ngang Nha Thông tin chiêu hồi, có khi dừng lại ngoài đường chào cờ cùng với nhân viên Nha Thông tin trong sân.

Thế rồi lá cờ đó biến mất trên toàn cõi Việt Nam vào năm 1975. Nhưng nó theo chân đoàn người di tản sang hải ngoại, nó trở thành biểu tượng của những người Việt không chịu sống với chế độ cộng sản.

Theo tác giả Tuấn Hoàng từ trường đại học Pepperdine, California, viết trên báo Asia Sentinel, thì lá cờ là hồi ức của những người mà chế độ mới đang xóa đi hình ảnh của họ, nó cũng là sự thể hiện căn cước của một cộng đồng còn quá trẻ, vừa được hình thành trên đất Mỹ đa sắc tộc.

Lá cờ Việt Nam Cộng hòa có mặt ở bất cứ nơi đâu có người Việt trên đất Mỹ, và ở các sự kiện mang tính chính trị, hoặc không có tính chính trị của cộng đồng.

Từ năm 1995, sự thể bắt đầu phức tạp với sự có mặt của lá cờ cộng sản màu đỏ sao vàng trên đất Mỹ, khi Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nhưng lá cờ đỏ ấy chỉ có trong khuôn viên các cơ quan lãnh sự của Hà Nội mà thôi.

Có lẽ sự thách thức biểu tượng của cộng đồng Việt Nam trên đất Mỹ về lá cờ xảy ra đầu tiên là vụ Trần Trường hồi năm 1999, khi ông này treo cờ đỏ của CSVN trong cơ sở thương mại của mình. Đầu năm 2008, giai phẩm Xuân của báo Người Việt với bức ảnh lá cờ vàng trong cái chậu rửa chân của cô Trần Thủy Châu, cũng đã gây tranh cãi.

Theo tác giả Tuan Hoang, thế hệ 1.5 của người Mỹ gốc Việt vẫn xem lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng di sản cha ông của mình. Nhưng đối với thế hệ thứ hai người Mỹ gốc Việt thì việc nhận ra lá cờ trở nên khó khăn hơn. Đối với những người này, phải có một sự kế thừa gia đình rất mạnh, họ mới nhận ra được lá cờ. Họ được bảo họ là người Việt Nam, và đối với thế hệ Internet này, với chỉ một từ khóa Việt Nam, họ không thể tìm ra được lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Khó khăn còn trở nên mạnh hơn, lợi bất cập hại, khi có nhiều người lạm dụng hình ảnh của lá cờ. Tôi đã chứng kiến việc người ta chào cờ đến năm, sáu lần trong vòng 12 giờ đồng hồ, tại cùng một nơi, cùng những con người và hội đoàn. Việc lạm dụng này làm cho thế hệ người Việt sinh ra trên đất Mỹ cảm thấy xa lạ, bối rối.

Năm 2016, sự xuất hiện của tổng thống Trump trên chính trường Mỹ, đã làm cho cộng đồng Việt Nam ở Mỹ bị chia làm đôi, người ủng hộ, người chống. Lá cờ Việt Nam Cộng hòa lại trở thành biểu tượng, về mặt nào đó, của những người Việt ủng hộ Trump, mà sự thể lại rất trớ trêu khi chính ông Trump có thể cũng không hề hay biết sự tồn tại của lá cờ ấy, và ông ấy vô tư, hồn nhiên vẫy cờ đỏ sao vàng của Việt Nam cộng sản, cùng các nhà lãnh đạo Hà Nội.

Tác giả Tuấn Hoàng cho rằng, hình ảnh lá cờ Việt Nam Cộng hòa trong các buổi tập hợp, biểu tình ủng hộ ông Trump, có thể có nhiều nguyên nhân, như là tình cảm chống Trung Quốc, chống cộng sản, chủ nghĩa dân tộc. Nhưng theo tôi thì nguyên nhân có lẽ đơn giản hơn, đó là nhóm những người Việt ủng hộ ông Trump hay tập hợp và biểu tình hơn, họ không ngại dịch bệnh theo lời ông Trump, và họ thường to tiếng hơn.

Không thể nói những người Mỹ gốc Việt chống ông Trump là không chống Trung Quốc, hay không chống cộng sản được. Theo ý chủ quan của tôi, sự chống cộng, chống Trung Quốc của những người này lặng lẽ, nhưng có chiều sâu hơn.

Cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021

Tuy nhiên điều quan trọng nhất không phải là ủng hộ ông Trump hay chống ông ấy, mà là hình ảnh của lá cờ vàng bay trên tòa nhà Capitol, trong cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021. Đó là một thách thức nghiêm trọng cho lá cờ vàng, biểu tượng của những người Việt tự do. Cuộc bạo loạn làm cho 5 người thiệt mạng và nhất là làm hoen ố hình ảnh của nền dân chủ Mỹ, khi những kẻ bạo loạn tấn công nơi làm việc của những người đại diện cho dân, được dân bầu lên.

Dĩ nhiên trong cuộc bạo loạn có cả cờ của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, nhưng đây là lá cờ của toàn nước Mỹ, nó sẽ không bị suy suyển hình ảnh sau cuộc bạo loạn, người ta không vì một nhóm bạo loạn mà thấy nó xấu đi. Trong khi đó, lá cờ vàng ba sọc đỏ đột nhiên được công chúng Mỹ chú ý tới, với hình ảnh bạo loạn, đi kèm với những lá cờ khác thường gây ra khó chịu về chủng tộc, như cờ Confederate, hay cờ biểu tượng của những thuyết âm mưu nhảm nhí QAnon.

Cuộc bạo loạn còn bị chính giới Hoa Kỳ, ở cả hai đảng gọi là một cuộc khủng bố. Một nhà văn người Mỹ gốc Việt, thuộc thế hệ 1.5, là Andrew Lâm viết rằng: Chế độ Hà Nội đã thất bại trong bao nhiêu năm nay khi muốn dán nhãn (lá cờ) là khủng bố, nay một nhóm nhỏ (những người Việt) đã chứng minh rằng Hà Nội đúng.

Bà Song Chi, một người tỵ nạn cộng sản sống tại Anh viết như thét lên: Đừng làm xấu hình ảnh lá cờ vàng nữa.

Lá cờ xanh vàng Ukraine đã trở lại tổ quốc của nó.

Những người Việt dùng lá cờ vàng lại có lẽ đã đứng bên lề lịch sử khi cầm lá cờ đó tham gia cuộc bạo loạn tấn công điện Capitol, biểu tượng thiêng liêng của nền dân chủ Hoa Kỳ.

***

Nhà thơ Canhcong Ng có làm bài thơ về lá cờ ở tòa nhà Quốc hội hôm 6/1/2021 như sau:

Không nói bây tưởng bây hay

tổ cha bây!

bây thích, ghét ai cũng kệ bây, kệ nó

mắc mớ gì đem cờ đó vô đây

Cờ đã tha hương nay thêm nhục ở xứ này

Xương máu tổ tiên không đại diện cho đầu trâu mặt ngựa

cái lũ ngu làm điều dòm muốn mửa

dảnh mỏ, căng gân đòi dân chủ với nhân quyền

(là người trước rồi hãy đòi quyền

muốn làm người đầu tiên phải có kỷ cương, luật lệ)

bây thích hùa đàn, giương nanh thì kệ bây! kệ ! kệ !!!

đừng dùng cờ Việt Nam như để xưng bầy

 

tổ cha bây! tổ cha bây

Lá cờ đó đã đắp thây chiến sĩ

Lá cờ đó đã bay trên cổ thành Quảng Trị

Lá cờ đó có lúc rách bươm vẫn uy nghiêm ngạo nghễ

là hồn thiêng là hùng khí một giống nòi

chẳng liên quan gì đến quốc nạn nơi đây

 

Hãy tự tát mặt mình cho động óc nhỏ nhoi

để nhận biết Trump, Biden… hay tất cả người văn minh đều coi khinh bản năng động vật

Tôi, bây không chung loài! khổ là chung mặt đất

Chỉ cần đừng động đến quốc kỳ thì sống chết gì cũng kệ cha bây

 

Bài Mới Nhất
Search