T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: ĐƯỜNG MAI

Trên đỉnh – Tranh: Mai Tâm

Chàng vẫn ngồi dưới mái hiên nhìn xuống sân, từ khi đêm vừa tới và trăng chưa mọc. Bây giờ, trăng đã lên cao lay động trên những trùm lá ngọc lan và rơi nằm rải rác trong sân. Từng ngọn gió khuya đưa tới lạnh hơn bao giờ hết. Chàng nhìn cội ngọc lan già xù xì gốc rễ đã vững chãi che mát cho chàng từ những ngày thơ ấu. Còn chiếc sân kia, với mặt cát mịn trắng cứng cáp đã đỡ chân chàng từ những ngày chập chững. Đáng lý ra thì mình chẳng có gì băn khoăn để phải thức đêm nay cả, chàng nghĩ, mình thực sự là tệ, đáng ra phải quyết định ngay từ hôm qua rồi. Mình vẫn chưa bao giờ là thép được như mình đã nghĩ. Đêm nay mình cần ngủ đấy,vậy mà giờ này vẫn không thôi nhìn gió đêm. Biết bao nhiêu đêm mình đã ngồi nhìn chiếc sân này, cội lan kia. Những người bạn thân đó mỗi đêm lại thì thầm những lời bí mật mà từ những ngày còn bé đôi khi chàng lại bất chợt thức dậy ngẩng đầu lên nhìn ra sân để nghe và kinh ngạc. Nào thôi, đi ngủ chứ. Nhưng chàng vẫn ngồi đó, nhìn dòng thời gian chậm rãi đi trong đêm.

Chàng nhớ tới những ngày mới lớn, cũng vào những lúc chớm sáng, anh Ngọc ở nhà bên vẫn thường leo vào sân, rón rén bước đến gần cửa sổ, thò tay vào nắm vai chàng lay khẽ. Chàng vẫn thường để cửa sổ ban đêm. Những lúc đó, cậu bé lại chồm dậy, len lén đẩy cửa bước ra sân để học những bài quyền anh Ngọc dạy. Hai người đứng giữa sân cát trắng mịn, dưới những trận gió đêm xào xạc mát rượi, và chàng đi những bước tấn đầu tiên. Anh đã chỉ cho chàng từng cách nắm tay quyền , từng cách tập mắt nhìn, từng phép thở dài theo mỗi bước chân… Cậu bé đã đi những bước nhỏ từ bài Phong Vũ Quyền đến Mai Hoa Quyền… Thực sự thì những ngày hạnh phúc đó mình đã quá vụng về để học võ. Hẳn là mình không có năng khiếu. Sau này, khi chàng đã lớn hơn, có lần gặp anh Ngọc, chàng nhắc tới những ngày học võ và cả sự vụng về ngày trước. Anh Ngọc với thêm nhiều vẻ phong sương trên mặt, đã trầm ngâm một chặp rồi nói: “Không hề gì em ạ. Đôi khi anh cũng nghĩ, chúng ta học võ không chắc gì trong đời đã phải dùng đến đôi lần, có bao nhiêu lần phải dụng võ trong đời nhỉ. Mình có thể cứu được đôi người trong đôi lần đụng trận. Nhưng hẳn là bây giờ mình phải học cái khác hơn, cái gì có thể đánh gục mấy triệu tên mà cứu được cả dân tộc”. Những câu cuối giọng anh nhỏ lại, sắc đanh hơn, không còn cái vẻ ưa ồn ào chất phác của người miền Tây.

Nhưng cậu bé đã bỏ tập võ ngay từ ngày anh Ngọc phải về Long Xuyên, giấc ngủ thơ trẻ đã mạnh hơn là sự rèn luyện dài ngày. Mình cũng tệ, chàng nghĩ, khi còn anh Ngọc thì mình tập say mê lắm, khi anh đi thì mình lại quên ngay hạnh phúc, hạnh phúc mà anh Ngọc ngày đó thường gọi là cái hạnh phúc đứng và thở và vận chuyển cùng một nhịp với vũ trụ. Đúng ra thì mình vẫn chẳng bao giờ hiểu được tận tường điều anh nói; nhưng lười biếng thật sự là tệ. Biết bao nhiêu điều phải hiểu cho tận tường trong đời sống mà mình lại quá thờ ơ dễ hiểu. Và bây giờ thì chàng thấy cuộc sống càng lúc càng đơn giản ra thì lại có vẻ càng bí mật hơn.

Hồi đó, khi múa bài Mai Hoa Quyền tới thế Đồng Tử Bái Quan Âm, chàng đã thắc mắc tại sao anh lại bảo chàng phải mỉm cười mỗi khi tới thế này:

– Nhưng tại sao ở thế Đồng Tử Bái Quan Âm lại phải mỉm cười anh nhỉ?

Anh Ngọc chỉ trả lời đơn giản:

– Sau này em lớn hơn anh sẽ trả lời rõ hơn tại sao phải mỉm cười ở thế võ đó. Cuộc sống là một bí mật và chính con người chúng ta cũng là một bí mật. Hẳn là em không hiểu hết những lời này đâu. Võ học cũng là một cách để nhìn thấy được khuôn mặt thật của mình và vũ trụ. Tại sao ở bài Phong Vũ Quyền em phải thấy mình trở thành giông bão, cũng như tại sao ở Mai Hoa Quyền có lúc em phải thấy mình như cành mai nghiêng trước gió, có lúc cảm giác mình như nụ hoa mai đang nở. Rồi tới một lúc em sẽ thấy tất cả các tinh tú đều cùng đang xoay vần theo tay quyền của em và lúc đó em sẽ thấy được em…

– Thật sự thì em không hiểu, ở thế này biến chiêu rất là độc…

– Đúng vậy, biến chiêu rất là độc. Đó là cậu bé trong sạch chào vị Thánh Quan Âm, nghĩa của nó chỉ đơn giản là vậy. Nó có thể đánh gãy cổ và bể ngực đích thủ. Nhưng anh muốn là khi em cung hai tay lên chào, em phải mỉm cười với trọn lòng trong sạch và cung kính của em. Còn Quan Âm chỉ có nghĩa là vị Thánh đi cứu khổ cho trần gian…

Sau khi đã tập đến mệt nhoài người ra, hai anh em lại ngồi dưới mái hiên nhìn ra sân chờ buổi sớm mọc lên. Khi ngọn gió sớm thổi khô mồ hôi trên người đi, thì anh Ngọc lại leo cổng ra về để lại cậu bé lui cui xuống bếp chuẩn bị đốt lò nấu cơm cho mẹ. Đôi khi cao hứng, anh lại cho phép chàng tháp tùng theo ra ngồi quán cà phê cóc đầu xóm. Hai anh em ngồi nhìn ra đường bên ly cà phê sáng đen ngòm bốc khói. Trong quán, những người phu xích lô già ngồi chồm hổm trên ghế rót cà phê vào đĩa, sì sụp thổi cho nguội. Những em bé ôm chồng báo sáng trên tay chạy rao những tin giật gân như người lấy trăn hay ma vú dài ở Chí Hòa. Những tay xích lô máy sau cữ cà phê sáng lại lừng lững đứng lên, nổ máy ầm ầm, rồi lại vọt đi các ngả chợ, để lại sau lưng những cuộn khói trắng xóa mặc cho các chị bán xôi ngồi bên đường gỡ nón lá quạt khói tan đi. Những ông già ngồi nhấm nháp buồn bã bàn với nhau về tình hình chiến sự băn khoăn về những người con đang đương cự với Việt cộng ngoài chiến trường. Những buổi sớm đó, hai anh em thường ngồi yên lặng nhìn tất cả những nhịp sống vận chuyển chung quanh, nghe được nhịp tim băn khoăn của những ông già đang chúi đầu vào những trang báo, thấy được sự ồn ào sảng khoái của anh xích lô máy và tất cả trong hơi gió lạnh buổi sớm như một cái gì đang ngoi lên, đang lướt tới, đang mỉm cười với hai anh em. Họ cảm được thời gian như đang trôi qua trên làn da của họ, như nhìn được, như sờ được, như nắm bắt được. Hai anh em im lặng cảm nhận hạnh phúc.

Đôi khi trong những buổi sớm, anh Ngọc lại kể về nơi anh đã sinh ra, nơi những cánh đồng lúa bạt ngàn, nơi những con sông lớn ở miền Tây hướng về mà anh gọi là rồng chầu chín cửa. Nơi đó, dân mình chất phác đến lạ, chất phác và đơn như đã nằm sẵn trong máu họ, anh Ngọc nói, ngay cả anh nữa, dù là anh đã lớn lên ở miệt chợ vẫn không nhạt đi niềm tin mà lúa, mà cỏ, mà dòng sông Cửu đã trao cho con người. Anh vẫn tin vào những điều mà lý trí ngờ vực, rồi anh kể về những niềm tin đó, anh tin là núi Cấm một ngày nào sẽ nứt ra và một cung điện vàng sẽ trồi lên, một vị Thánh Vương sẽ bước lên từ những bãi phù sa chín cửa mà tấm lòng của Ngài còn cháy bỏng hơn cả mặt trời nhiệt đới, anh tin là các vị Phật sống sẽ tái sinh về Việt Nam cho những ngày mới đó. Chàng đã hỏi anh Ngọc với trọn lòng kính trọng của một cậu bé hỏi người thầy dạy võ, tại sao như thế. Anh đã chỉ nói, anh tin vì đức Thầy đã dạy như vậy. Đó là lần đầu tiên chàng nghe được về người mà anh gọi là Đức Thầy. Im lặng một chặp, anh mới giải thích thêm như cảm thấy lời anh vừa nói không đủ cho thằng bé Sài Gòn kia tin, có những người đã sống được Sự Thật, toàn thân họ đã trở thành Sự Thật, thì một lời đơn giản cũng sẽ trở thành một mệnh lệnh cho Sự Thật.

Trong những năm sau, chàng thỉnh thoảng vẫn tìm cách về Long Xuyên thăm anh. Bây giờ anh đã là một Đại Đội Phó của Tổng Đoàn 3 Hòa Hảo. Những lúc đó, anh lại đưa chàng đi dạo phố An Giang, qua những con phố tỉnh lẻ buồn đến không mấy người dám đứng lại ngó, tới những phố chính rộng quanh Chợ Mới. Chàng vẫn luôn luôn nhìn phố chợ và người Long Xuyên như một bí mật không bao giờ có thể hiểu được. Những ông già râu dài quắc thước mặc bộ đồ bà ba trắng búi tóc đi vững chãi trên đường. Những cô bé nữ sinh mặc áo dài trắng thướt tha giấu mặt sau những chiếc nón lá đổ về làm trắng xóa khắp phố chợ trong giờ tan học. Hai người lại tới ngồi vào một quán rượu nhỏ ở Chợ Mới, gần bên là một anh Ba Tàu bụng phệ mồ hôi nhễ nhại đứng sau những tảng thịt heo quay khổng lồ.

– Cũng lạ anh nhỉ, em đi cũng khá nhiều nơi nhưng chỉ thấy ở nơi đây mới thực sự bình an. Sự bình an đó có ở khắp nơi, ở phố, ở chợ, sự bình an đó như đang bay lơ lửng ở trên đường và chạm vào người mình. Nó hiện rõ cả trên nét mặt nghiêm trang của những cụ già râu trắng, trên cả sự ngây thơ của những cô bé học trò. Mặc cho tất cả những hỗn loạn đang xảy ra khắp nơi trên nước mình, mặc cho tất cả những người khác đang trở nên láu lỉnh gian trá hơn, ở đây, em thấy tất cả từ người cho đến cả phố chợ vẫn điềm nhiên đi tới một nơi mà mọi người đều tin đó là cái gì toàn bích hơn.

Anh Ngọc ngửa cổ nốc cạn ly để rồi cười nói:

– Anh có nên nói tốt đẹp cho nơi đã sinh ra anh không. Anh thấy em bây giờ đã trưởng thành hơn nhiều lắm. Anh vui vì điều đó – Anh đưa bàn tay khổng lồ vò đầu chàng thật mạnh ngay giữa chợ mặc dù bây giờ chàng không còn là một đứa bé như ngày xưa – Đúng là có sự bình an đó, sự bình an của những người thẳng thắn đơn giản dù là họ có phải đang đối phó với bao nhiêu bối rối lo toan của đời. Anh tin vào điều đó.

Khi những chai rượu vơi đi, đêm đã bắt đầu tới, giọng anh lại trầm xuống ưu:

– Nhưng ở đâu cũng có những lượn sóng ngầm cả em ạ. Mới đây nghe ông Thiệu mới bắt anh Hai Tập Tổng Đoàn Trưởng của Hòa Hảo và ra lệnh trả súng để giải tán. Ông ta nói là hãy trả quyền đánh Việt cộng cho quân đội chính phủ, nghe thật là cảm động. Nước mình rồi sẽ mất về tay những thằng cha như vậy. Anh Hai Tập, anh Tuấn đều đang nằm tù ở Cần Thơ. Nhưng lính của Đức Thầy đâu có phải cầm súng vì người Tổng Đoàn Trưởng, đâu dễ gì có được hai mươi ngàn tay súng cảm tử giữ đạo an đời ở thời này. Bọn anh  đã vì sự thật mà chiến đấu thì dù còn một người đi nữa cũng phải cầm súng. Trong khi đó, em thử nghĩ coi, Phước Long mất rồi đó, rồi sẽ tới đâu nữa…

Giữa những náo nhiệt của khu chợ và quán nhậu, lời anh trầm lắng ưu tư xa lạ như chính thế ngồi của anh dù là bên bàn nhậu, thế ngồi của một người thầy dạy võ, vững vàng như một ngọn núi nhưng đầy sức mạnh như một con cọp đang thu mình. Chàng vẫn còn quá trẻ để nghĩ nhiều đến những lời anh nói. Nhưng chàng biết, đúng là có những điều không ổn đang xảy ra trên nước mình, một tỉnh đã mất đi hình như không đáng gì để nghĩ tới, bọn Tướng Lãnh đã nghĩ rằng cách phản ứng tốt nhất của họ là đóng cửa các nơi ăn chơi trong ba ngày thế là đủ an ổn lương tâm, còn những sức mạnh sinh ra từ lương tâm quần chúng họ lại tìm cách đoạt vũ khí đi.

Hai anh em lại lững thững đi về khi những loa phóng thanh bắt đầu ê a những bài kinh của Phật Giáo Hòa Hảo. Đường về nhà anh đi ngang qua Tây An Cổ Tự, ngôi chùa cổ khổng lồ với mái đỏ rêu phong,với người anh hùng Nguyễn TrungTrực khi hóa thần vẫn chưa nguôi nỗi giận. Trên đường về, anh vẫn nói với chàng giọng đầy nghiêm trang tin tưởng, dù là đang nói về những nỗi chán chường nào đó:

– Em thử nhìn ông Nguyễn Trung Trực coi, có những người đã mất cả trăm năm mà vẫn còn ưu tư cho dân tộc, em sẽ cảm thấy ngay được điều đó khi đứng trước ảnh tượng của Ngài, cái tấm lòng đó hình như không nhạt được với thời gian. Bây giờ được mấy người như vậy. Anh đã được lệnh là phải bắn thằng cha Lê ngay khi nào nó dám về đây, bắn trước báo cáo sau. Nó đã lấy mười lăm ngàn giấy hoãn dịch của Hòa Hảo bán cho tụi Ba Tàu Chợ Lớn. Mọi chuyện đang càng lúc càng tệ hơn, nhưng anh vẫn linh cảm là nhiều người trong chúng ta càng vững vàng hơn, càng trong sạch hơn dù là cũng đau khổ hơn.

Chàng không biết uống rượu nên những buổi đó, con đường về nhà anh như dài hơn dù nó chỉ nằm ở đầu một ngõ lối vào xã Long Kiến. Hơi rượu bốc lên nóng bừng cả mặt, chàng đi loạng choạng nhìn thấy tất cả hình ảnh, màu sắc trước mặt như xô cả vào nhau, qua những mảnh ngọc, những lạch nước nhỏ bốc hơi mát rượi. Anh vẫn đi vững vàng dù đã uống mười lần hơn chàng, vẫn nghiêm trang nói về cuộc đời, vẫn băn khoăn nói về những ngày sắp tới của dân tộc, và cũng vẫn chế giễu thằng em chỉ mới ngửi thấy hương rượu cũng đủ say ngả say nghiêng:

– Người ta bảo là An Giang đi dễ khó về đấy. Mà em uống rượu tệ thế này thì thế nào cũng bị đuổi cổ về Sài Gòn cho coi. Ở gần nhà anh có một chị người ta gọi là chị Mười Lít chỉ vì trong một buổi chiều chị đã uống tới mười lít đế Chợ Mới. Còn mấy nhỏ khác thì chẳng kém gì.

Lần đó chàng cũng đã cãi lại anh, tất nhiên đó là rượu cãi, vì trước giờ chàng không bao giờ nghĩ đến việc nói gì ngược với anh, bước chân vẫn xiêu đổ nhưng lòng thì rất hào hứng.

– Uống rượu mà như vậy thì cũng như trâu uống nước có gì mà hứng thú được… Phải như em mới được… mới đã…

– Ha ha… phải như em mới đã… Nhưng này hãy nghe anh nói – Giọng anh to hơn vang vang trên con đường quê vắng – Nếu em không uống được tất cả những men rượu mạnh trên đời, anh nói là tất cả những men rượu mạnh trên đời thì sẽ không bao giờ, chính em sẽ không bao giờ tự trở thành được men rượu mạnh của đời…

Trong gió đêm có mùi lúa mới quyện vào, chàng thở được những hơi thở mát rượi với cả hương rượu mạnh trong lời anh. Những đêm như vậy, chàng cảm thấy thực sự hạnh phúc. Cái hạnh phúc được đi bên cạnh người thầy dạy võ thời thơ ấu, được chia những ly rượu với tâm hồn đơn giản và sâu sắc đó, được đi say ngả nghiêng giữa đồng ruộng quê mình và nghe những lời chế giễu của người đàn anh nghiêm chỉnh.

Tháng tư năm 75, chàng chạy từ Ban Mê Thuộc về Sài Gòn. Giữa tất cả những hỗn loạn của Sài Gòn, trải qua những cuộc tử sinh ở các chặng đường miền Trung, chàng băn khoăn nhớ tới anh, nhớ tới sự trần tỉnh và can trường của anh mà chàng vẫn thấy mình chưa có đủ. Những đức tính đó không phải cứ bước vào những cuộc tử sinh là học được, chàng thấy đúng như anh có lần nói, trước hết phải tự học ở chính mình, nhưng để thấy được mình cho tới nơi tới chốn cũng là vấn đề. Chàng lo ngại cho anh, ở dưới đó họ sẽ làm gì với những người lính quyết liệt của Đức Thầy. Chàng đã biết sự tàn nhẫn của họ, những tên mà mỗi buổi sáng đứng dưới cờ đều hát lên lời thề phanh thây uống máu quân thù, dù đó là một quân thù đáng kính, vì chính họ những tên hát lên lời thề đó,vẫn không bao giờ trở thành được những chiến sĩ đáng kính. Họ là những đứa con được sinh ra từ lồng kính căm thù giai cấp của phòng thí nghiệm đỏ.

Hai tháng sau, anh Ngọc lên Sài Gòn có việc và ghé thăm chàng. Anh vẫn đi đứng vững chãi với vóc dáng khổng lồ nhưng trên nét mặt đã vương nhiều ưu tư hơn, mắt nhìn xa vắng hơn. Anh đã bỏ nhà về một người bà con ở sâu hơn trong miệt ruộng, anh nói với chàng như thế. Ở đó người ta không biết tới anh. Anh đang nằm ở một chòi chăn vịt và thỉnh thoảng sẽ về bán trứng ở chợ Bình Tây. Trông mặt anh có vẻ già hơn cần thiết, điều này làm cho anh đi đứng dễ dàng hơn:

– Mặc dù anh phải trốn vào đó, nhưng anh vẫn tin là không một người dân nào muốn bán những người lính Đức Thầy cho tụi nó cả.

Chàng mừng vì thấy anh bình yên:

– Thực sự thì em lo cho anh. Em biết tính anh. Em đã không nghĩ là mọi chuyện đã xảy ra đơn giản như vậy.

Anh trầm ngâm, đốt một điếu thuốc hút vài hơi rồi mới nói:

– Chính anh cũng không nghĩ là mọi chuyện sẽ đơn giản như vậy. Nhưng em hãy biết rằng Long Xuyên vẫn còn giữ được tới hai tuần sau ngày ba mươi tháng tư. Lúc đó anh đang điều quân ở xã Mỹ Luông, không một tên Việt cộng nào tiến lên được. Khi ông Minh tuyên bố đầu hàng thì anh Hai Tập từ nhà tù Cần Thơ đi ghe về Long Xuyên để chỉ huy Tổng Đoàn. Tất cả anh em đều chuẩn bị để quyết tử. Việt cộng từ hai mũi đánh vào. Bấy giờ là hai tuần sau ba mươi tháng tư. Anh itn là nếu ông Tường ra lệnh tử thủ thì trong hai mươi bốn giờ tất cả cây rừng An Giang đều được chặt xuống để chặn đường tiến của họ. Nhưng Đức Thầy đã bảo hòa, thế nên…

Chàng kinh ngạc, chàng biết là Đức Thầy đã mất tích từ lâu rồi:

– Anh muốn nói là Đức Thầy…

– Ừ, đúng vậy. Sau đó, anh biết là trước khi mất tích Đức Thầy có để lại một cẩm nang dặn là gặp trường hợp tử sinh của Giáo Hội thì mở ra, nếu không thì đúng ngày giờ mới được mở. Bấy giờ là trước thời hạn đó hai tháng. Ông Tường và Bộ Chỉ Huy Tổng Đoàn đóng ở Tây An Cổ Tự quyết định mở cẩm nang để xin lệnh. Em hãy nhớ là lúc đó tất cả các nơi khác của nước mình đã vào tay Việt cộng cả rồi. Anh nghe kể lại nửa đêm đó mở cẩm nang ra chỉ có một chữ Hòa duy nhất. Vậy là ông Tường tuyên bố đầu hàng.

Chàng bâng khuâng:

– Đức Thầy để lại chữ Hòa ư? Em ngạc nhiên…

– Anh không biết. Anh chỉ biết là khi đọc xong thì anh Hai Tập, anh Tuấn ôm Tường khóc suốt đêm đó. Còn anh thì ra lệnh từng trung đội chôn súng rồi thay áo quần mà về nhà. Anh đã nằm ngoài Chợ Mới uống rượu mà khóc suốt cả ngày hôm sau.

– Nhưng thực ý của Đức Thầy là gì?

Anh ưu tư hút hết điếu thuốc rồi nói:

– Bây giờ thì anh tin là chữ đó có nghĩa tôn giáo hơn là chính trị. Hòa ư, có lẽ nó có nghĩa là hòa được tất cả những điều ngổn ngang trong lòng mình, có thể là một nghĩa với chữ an tâm của Thiền. Nhưng anh không biết, thực sự không biết – Anh ngừng một chặp rồi nói thêm điều mà chàng cũng không ngờ – Nhưng bây giờ là chuyện của tụi mình, chuyện của tụi mình thì phải do tự ý của chính tụi mình.

Chàng đưa tay xiết chặt lấy tay anh, đôi bàn tay gân guốc vạm vỡ ấy. Chàng nhìn thấy anh không còn vẻ gì như chàng thanh niên trước kia vẫn trèo cổng lay chàng dậy học võ. Ở đây là một sức mạnh mới hơn, chín chắn hơn toát ra từ con người đó làm chàng cảm động. Chàng đọc được trên những nếp trán của anh nhiều hơn lời anh nói. Chàng nói và nhận được những sức mạnh trong lời mình như đường dây không phải là chuyện hai anh em là chuyện của cả dân tộc:

– Nơi nào có anh thì nơi đó có em.

Thỉnh thoảng cứ vài tháng, anh lại nghé thăm chàng. Những lần vậy, hai anh em lại rủ nhau về một quán cà phê vắng vẻ ở đường Trương Minh Ký ngồi cả đêm. Anh kể chàng nghe về những đổi thay ở nơi anh đã sinh ra. Anh nói tới những vườn dừa được chặt hàng loạt để phản đối việc đánh thuế từng gốc của Việt cộng, nói tới những bầy heo giết vội để khỏi bán cho Nhà nước, nói tới những người lính năm xưa của anh đang đạp xe lôi. Anh thương lính của anh và anh muốn tổ chức lại, phải làm việc có quy mô, có tổ chức.

– Đây không phải là những hành động tuyệt vọng để muốn làm gì thì làm. Người ta nói là ông Tường đi vô núi tu, anh Hai Tập thì mất tích. Anh không biết và anh ngạc nhiên về những điều như vậy. Anh sẽ đi lượm lính Tổng Đoàn lại, không phải anh nhưng là một số anh em nữa. Súng vẫn còn nằm dưới đất. Nhưng trước hết phải quy tụ được một số cán bộ đa năng đầu tiên, những người có thể hoạt động độc lập được, tự do mỗi người phải quậy được một đại đội. Núi Cấm không thể tự nhiên mà nút ra được, chính tiếng súng của anh em mình sẽ chở đôi nó ra. Khi nào Đức Thầy về, anh không có điều gì để phải hổ thẹn cả.

Chàng biết là đã có nhiều thay đổi ở dưới đó. Những cô bé học trò đi học không còn mặc áo dài nữa. Những ông già râu dài quắc thước hẳn là vẫn còn đi lại trên đường với búi tóc nhưng đã không còn gì là bình an nữa, không còn nơi nào là bình an nữa vì chính tự trong lòng người đã không còn bao giờ được ê a công khai nữa. Chàng không hỏi anh nhưng chàng biết là mọi chuyện đã xảy ra như vậy. Còn những con phố buồn tỉnh lẻ kia hẳn là bọn áo vàng đã đi đứng ầm ỉ rồi đấy. Chàng cảm thấy thèm hương rượu Chợ Mới lạ, nhưng bây giờ hẳn là đã đắng hơn rồi đấy.

Hôm qua anh lại đến với chàng. Anh có vẻ trầm hơn bao giờ hết, dù là trong tia mắt có thoáng nhiều nét tươi vui. Anh đưa chàng đến quán ngồi vào góc thật sâu. Anh hỏi về đời sống chàng ở trên này, dù anh biết trước cả những câu trả lời. Anh hỏi về những đổi đời ở Sài Gòn, nghe những câu trả lời về những chuyện ở vỉa hè, nghe kể về những chuyến xe lửa mà hành khách phải xúm lại đẩy mới nổ máy được, về tờ báo Tin Sáng vừa được đóng cửa sau khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử thỏa hiệp của nó… Hai anh em lại ngồi trầm ngâm hút những điếu thuốc đen. Anh hỏi chàng về đứa cháu bệnh thần kinh:

– May mà thằng nhỏ bệnh nhẹ đấy, em phải chú ý buộc nó ngủ đúng giờ giấc hy vọng sẽ đỡ.

– Anh yên tâm, bà già nó lo chuyện này kỹ lắm.

Anh nhìn thẳng vào mặt chàng cười cười:

– Nhưng này, nếu hôm nào anh gọi em theo anh về dưới làm việc, em có thể thu xếp được không?

– Chàng nhìn anh hơi ngạc nhiên, trả lời với giọng chậm rãi:

– Anh muốn nói là việc đó? – Khi thấy anh nghiêm trang gật đầu, chàng nói – Được, anh muốn nói bao giờ?

– Ngày mai chẳng hạn.

– Được, em thu xếp được – Ngưng một chặp, chàng nói thêm – Ngày mai gặp anh ở đâu?

– Em ra bến xe Miền Tây, bảy giờ gặp ở quán cà phê chỗ đám xe Cần Thơ. Anh chờ ở đó. Em nhớ mặc áo quần thật đơn giản, áo bỏ ngoài quần, không cần đem theo gì cả… Anh đã tính sẵn một công việc hết sức hứng thú, thích hợp với em. Vậy là xong nhé.

Chàng nhìn anh cười:

– Xong.

– Em có muốn đi uống tí rượu bây giờ không?

– Không anh ạ. Em chỉ muốn uống rượu đời bây giờ.

Hai anh em xiết tay nhau thật chặt và không nói thêm lời nào nữa. Chàng đạp xe lang thang một vòng Sài Gòn, qua những con đường vắng của những cặp tình nhân, qua những phố lớn sáng ánh đèn đêm quen thuộc, qua những quán cà phê đôi lần trong đời chàng đã đến… Chàng muốn nhìn tất cả. Chàng cảm thấy lờ mờ dường như chàng vẫn chưa đủ sẵn sàng. Và chàng tự trách, thật sự là tệ, đa cảm chẳng đưa tới được cái gì cả. Mình đã từng biết cầm súng, vậy mà đêm nay lại muốn say mướt như một mụ đàn bà. Chàng đến rủ người bạn thân còn trong thành phố đi uống cà phê. Chàng im lặng nghe hắn nói về những chuyện hắn đã kể cho chàng đến lần thứ hai mươi. Chàng nghe đủ thứ chuyện tào lao trên đời, về chuyện tượng Đức Bà Quan Âm ở Chợ Lớn bỗng dưng đưa tay lên chào khách thập phương, cho đến chuyện lão già Bảo Đại sau mấy chục năm ăn chơi bây giờ lại muốn làm lãnh tụ du kích chiến. Chàng nghe và thấy hạnh phúc. Chàng nhớ tới anh và thấy hạnh phúc. Chàng không thể hình dung được có thể làm được gì ra trò bên người anh đó trong cuộc chiến đấu gian nan, nhưng chàng biết hạnh phúc đang thở căng trong người chàng. Chàng lơ đãng đến không nghe kịp cả những câu hỏi của người bạn.

– Ê, mày không nghe tao hỏi gì à?

– Hả, cái gì? Không, tao chỉ thích nghe mày nói thôi.

Và chàng về ngôi nhà của bà chị, ngôi nhà ở những ngày thơ ấu và học võ với anh. Chàng ôm lấy đứa cháu bệnh thần kinh hôn và bảo nó đi ngủ sớm. Chàng quay qua nói với chị là ngày mai sẽ theo bạn đi làm rẫy. Bà ngạc nhiên về chuyến đi sớm bất ngờ đó. Và chàng ngồi nói đùa với bà cũng đủ thứ chuyện tào lao cho tới khi bà phát chán đi ngủ.

Trăng đã tròn thật sáng và hơi sương thật lạnh. Chàng nhìn chiếc sân cát trắng và nghĩ đến những ngày tập võ với anh. Chàng tiếc là sau này không chịu tập nữa. Những bài quyền thật đẹp. Nhưng bây giờ hẳn là sẽ không bao giờ còn có thì giờ để tập nữa. Dù sao đi nữa, không có cái gì là vô ích trên trần gian này, chàng nhớ một hôm nào anh có nói như vậy. Chàng hít những hơi thở thật sâu và dài. Những luồng điện chạy lăn tăn trong người và hướng đến các đầu ngón tay. Chàng nghĩ tới các thế võ và ý nghĩa mà trước kia anh có giải thích. Mỗi một tư thế em múa đều có ảnh hưởng tới cuộc đời. Em đừng suy nghĩ về ý nghĩa của nó mà hãy sống trọn vẹn với nó. Không đâu anh Ngọc, đôi khi em nghĩ rằng, chàng buột miệng nói thầm, nó có thể là một phương tiện để tự vệ hay để cứu người. Và chàng nghe rất rõ lời anh nói khi hôm nào hai người đứng giữa sân, em học võ tới lúc nào đó sẽ thấy thực sự nó không là phương tiện mà cũng không là cứu cánh, nó chính là em, sinh tử trong tim em, học võ chính là sự thành tựu chính mình, không phải em múa mà chính là cả vũ trụ múa trong em.

Chàng bước ra sân và bắt đầu bái tổ. Chàng đi quyền và thấy sức mạnh tràn ngập trong người, những luồng điện chạy trong người và trải dài theo các tư thế. Khi vào thế Đồng Tử Bái Quan Âm, chàng mỉm cười hai tay cung lên, mặt ngước lên và chọt nhìn thấy vầng trăng sáng rực trước mặt. Và chàng ngưng lại đứng ở tư thế đó, hai tay cung lên, chân mặt chớm dậy, mỉm cười và kinh ngạc như thấy vầng trăng vằng vặc không gợn mây kia như mọc từ tim mình ra.

Phan Tấn Hải

 

(Trích: Cậu Bé và Hoa Mai)

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search