T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam Nguyễn Hữu Thiện: Tưởng nhớ LỆ THU

(và chút kỷ niệm một thời làm MC)

Sau khi nữ danh ca Lệ Thu (LT) qua đời ngày 15/1/2021 tại Hoa Kỳ, đã có khá nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng ca nhạc, giới truyền thông viết về giọng ca để đời này. Phần tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu mến tiếng hát LT, có khác chăng là được hân hạnh một lần làm MC, một lần phỏng vấn khi LT sang Úc trình diễn, và trước năm 1975 cũng quen biết người bạn đời thứ nhất của người nữ danh ca. Hôm nay, nhân dịp gia đình tổ chức tang lễ, và dư luận cũng đã lắng xuống, tôi xin được góp đôi dòng tưởng nhớ.

* * *

Trong bài “Lệ Thu, Chim Oanh Về Cõi Thiên Thu”, tác giả Vương Trùng Dương viết:

“Lệ Thu học đàn piano từ nhỏ, khi vào Sài Gòn học đàn guitar và hát với vị thầy cận nhà và được nhạc sĩ Đức Quỳnh chỉ dẫn thêm về ca nhạc.”

Trong cuốn “Thân Phận & Hào Quang” của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ ấn hành ở Việt Nam năm 2016, phần tác giả phỏng vấn các ca sĩ trong nước và từ hải ngoại về Việt Nam trình diễn, trong bài “Ca sĩ Lệ Thu: 3 lần đò và những nỗi đau chưa kể”, có trích một đoạn LT kể về cuộc hôn nhân thứ nhất của mình:

… Mẹ tôi sợ có con gái trong nhà như một trái bom nổ chậm, lại theo ca hát nên mẹ sợ ế, và đặc biệt là sợ sa ngã. Tôi đi hát, có gặp một anh chàng không quân thích tôi, gia đình họ đến đặt vấn đề hỏi cưới, thế là mẹ “tống” tôi đi ngay.

… Chia tay chừng 5-7 năm, tôi gặp lại anh ấy một cách tình cờ khi tên tuổi tôi cũng đã nổi lắm rồi. Anh ấy cũng là một người hát rất hay, và cũng có đi hát như một đam mê.

 

* * *

Theo sự hiểu biết của một vài đàn anh Không Quân ở Tân Sơn Nhất ngày ấy, “vị thầy cận nhà” mà LT “học đàn guitar và hát” và “anh chàng không quân thích tôi” (lời LT) chỉ là một người: Trung úy Không Quân LTX.

Những gì anh em Không Quân kể với tôi và những gì LT hồi tưởng về cuộc hôn nhân thứ nhất của mình có thể không giống nhau 100%, tuy nhiên trong bài viết này tôi xin miễn nêu ra những khúc mắc để chỉ viết về sự quen biết, gặp gỡ hai người.

Anh LTX thuộc thế hệ đàn anh của tôi, gia nhập Không Quân từ thời còn Tây thuộc địa, du học về ngành kỹ thuật hàng không ở Pháp, tốt nghiệp hạ sĩ quan.

Anh say mê ca hát và có trình độ nhạc lý khá cao, nhất là về thanh nhạc. Anh có một giọng tenor độc đáo và ái mộ nam ca sĩ Pháp Tino Rossi (1907-1983), thích trình bày những ca khúc nổi tiếng của thần tượng cho nên trong nội bộ Không Quân, những người thích nghe anh hát gọi anh là “Tino Xuân”.

Còn khi đi hát tại các vũ trường ở Sài Gòn, anh lấy nghệ danh “Lê Xuân”.

Sau này, LTX chuyển sang phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị (CTCT). Cuối năm 1969, khi tôi ra Pleiku phục vụ tại Phòng CTCT, Căn Cứ 92 Không Quân, dưới quyền ông Trưởng phòng là Thiếu tá Lê Bá Định – một hoa tiêu khu trục đang bị “đì” – thì đã thấy anh LTX ở đó, mang cấp bậc Chuẩn úy.

LTX có gốc gác Huế, tuy sống trong Nam lâu ngày, giọng nói đã bị “nam bộ hóa” nhưng cung cách sống vẫn giữ khuôn khổ của một người đất thần kinh. Vì thế, một tay Bắc kỳ trẻ tuổi bố lếu bố láo như tôi khó lòng mà thân với anh. Không thân nhưng quý phục.

Ngày ấy, cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, cuộc sống “trấn thủ lưu đồn” ở phi trường Cù Hanh rất buồn tẻ, tối tối đám sĩ quan trẻ chúng tôi người thì xuống khu gia binh gầy độ nhậu, người ra phố uống cà-phê nghe nhạc, số còn lại theo “thầy” Lê Bá Định học nhảy đầm ở phòng khách Cư xá Vãng lai, hoặc tụ tập đàn hát ở Cư xá Sĩ quan Độc thân, thường có sự tham dự và hướng dẫn của anh LTX (anh không đem gia đình ra Pleiku).

Ngoài ra, anh LTX còn là “thầy” của một số ca sĩ ở Pleiku, không phải ca sĩ phòng trà mà ca sĩ đài phát thanh.

Còn nhớ vào khoảng thời gian từ 1969 tới 1972, phố Pleiku “đi dăm phút đã về chốn cũ” chỉ có hai phòng trà ca nhạc là Hoàng Liên và Mimosa, khán giả đa số là dân nhà binh tới để giải trí cho nên các ca sĩ cũng thường chỉ hát nhạc lính, nhạc bình dân dễ hiểu mà có người gọi một cách thiếu trân trọng là “nhạc thương mại”, “nhạc sến”.

Muốn thưởng thức những ca khúc mang tính cách nghệ thuật thì một là nghe tại nhà qua băng nhạc (tape), hai là nghe đài phát thanh. Trong số ca sĩ chỉ hát trên đài phát thanh Pleiku, tôi biết ít nhất một cô được anh LTX hướng dẫn, luyện giọng không công; kết quả cô hát ngày càng điêu luyện, có thể còn hát hay hơn nhiều cô ca sĩ “thanh sắc không vẹn toàn” ở thủ đô Sài Gòn.

Tới giữa năm 1970, tôi và anh LTX cùng về Đà Lạt theo học Khóa 8 Sĩ Quan Căn Bản CTCT, nơi tôi gặp lại hai người bạn thân từ Bộ Tư Lệnh KQ là Trần Ngọc Tự và Phan Lạc Giang Đông.

Khoảng giữa khóa học, với sự giúp đỡ phương tiện của cơ sở Nhân Văn Đà Lạt, Trần Ngọc Tự và Phan Lạc Giang Đông tổ chức một chiều Thơ nhạc ở trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân. Hôm ấy, anh LTX trình bày liên tiếp một loạt ca khúc lời Pháp của Tino Rossi “làm sóng gió cả thành phố sương mù” (chữ của Trần Ngọc Tự).

Một lần ngồi uống cà phê với chúng tôi ở cái quán quen thuộc dưới dốc đá nhà thờ Tin Lành trên đường từ trường Đại Học CTCT đi ra phố Đà Lạt, tình cờ nghe tiếng hát của LT từ băng nhạc, anh LTX chạnh nhớ người xưa và kể cho chúng tôi nghe về cuộc tình cũ của mình. Như một sự tình cờ, quán cà-phê ấy có tên là “Tình Nhớ”.

Khi mãn hạn phục vụ tại Pleiku, năm 1972, tôi và anh LTX lần lượt thuyên chuyển về Biên Hòa, anh ở Khối CTCT Sư Đoàn 3 Không Quân, tôi Khối CTCT Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận. Mỗi lần sang chơi với bạn bè cùng khóa bên SĐ3KQ, tôi đều ghé thăm anh.

Sau biến cố 30/4/1975, bị đi học tập cải tạo, năm 1977 có thời gian tôi và anh LTX cùng ở L2 Đồng Ban (Tây Ninh) nhưng khác trại, không được gặp nhau.

Đó là tin tức cuối cùng tôi được biết về anh LTX.

 

* * *

Sáu năm sau (1983) tại Úc-đại-lợi, tôi được gặp người bạn đời thứ nhất của LTX: nữ danh ca Lệ Thu (LT), khi LT sang Úc lần đầu tiên và tôi được hân hạnh làm MC trong buổi trình diễn tại thành phố Melbourne.

Ngày ấy, người Việt tỵ nạn đa số mới đặt chân lên miền đất hứa phương Nam, nhân tài chưa kịp xuất hiện, cho nên tôi – dân làm báo, từng đảm trách giới thiệu chương trình trong một vài buổi sinh hoạt cộng đồng – đã được các ông bầu ca nhạc mời làm MC trong các buổi đại nhạc hội, các buổi trình diễn của ca sĩ tới từ Hoa Kỳ, trong số này có (theo thứ tự thời gian) Hùng Cường, LT, Thanh Tuyền & Kim Loan, Thanh Thúy & Sĩ Phú, Nguyệt Ánh & Việt Dzũng, Khánh Ly, và các con của Phạm Duy.

Trong số nói trên, đáng nhớ nhất là những lần làm MC cho LT, cho các con của Phạm Duy, và cho Khánh Ly. Đáng nhớ vì những nguyên nhân khác nhau.

Nói về tiếng hát LT, trước năm 1975 LT đã là thần tượng của vợ tôi, còn với tôi, một người nghe nhạc hơi khó tính, LT chỉ là nữ ca sĩ hát hay nhất một số ca khúc tôi yêu thích. Nghĩa là có những ca khúc tôi thích được thưởng thức qua tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Mai Hương hơn là LT.

Tuy nhiên sau này ra hải ngoại, muốn hay không, tôi cũng phải đồng ý với vợ tôi LT là nữ danh ca số một, ít nhất cũng cho tới những năm cuối thế kỷ 20.

Nguyên nhân: không ít nữ ca sĩ nổi tiếng trước 1975 nay đã giải nghệ hoặc ca hát rất hạn chế, chẳng hạn Mai Hương – giọng ca tôi yêu mến nhất thời trung học, đồng thời trong lúc một số không nhỏ giọng ca hàng đầu đã đi xuống theo tuổi đời, thì LT hát càng ngày càng hay, tương tự các giọng ca trẻ Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Thái Hiền…

Trước 1975, số ca khúc LT thu âm tôi yêu thích chưa đủ để đếm trên 10 đầu ngón tay – Dạ Khúc (Serenade), Tà Áo Xanh (Dang Dở), Ngậm Ngùi, Tình Khúc Thứ Nhất, Cát Bụi, Xin Còn Gọi Tên Nhau…, nhưng sau này tại hải ngoại đã lên tới bốn, năm chục bài.

Rất có thể tôi hơi chủ quan, nhưng cũng có không ít người đồng ý, khi cho rằng một số sáng tác của Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Cung Tiến, Trường Sa…  chỉ đạt tới đỉnh cao qua tiếng hát LT, điển hình là năm bản tôi yêu thích nhất: Tà Áo Xanh, Hương Xưa, Hoài Cảm, Xin Còn Gọi Tên Nhau, và Một Mai Em Đi.

Và có lẽ phải thêm ba bản Cát Bụi của Trịnh Công Sơn, Tưởng Niệm của Trầm Tử Thiêng, và Mười Năm Tình Cũ của Trần Quảng Nam.

Kể cả các ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt, theo tôi, LT cũng là nữ ca sĩ đạt nhiều thành công nhất. Lấy CD “Dạ Khúc” thực hiện sau khi ra hải ngoại làm thí dụ; xưa nay tôi chưa bao giờ đủ kiên nhẫn ngồi nghe trọn một CD do một ca sĩ “độc diễn”, nhưng riêng CD Dạ Khúc, nếu LT đừng hát bản Ave Maria (Schubert) tôi có thể nghe từ bản đầu cho tới bản cuối.

[Tôi không phải người trong làng nhạc nên không thể khẳng định giọng LT là “mezzo-soprano” (nữ trung) hay “alto mezzo (nữ trung trầm), mà chỉ nhận xét: trình bày những ca khúc mang âm hưởng opera không phải là sở trường của LT. Vì thế, trước năm 1975, tại miền Nam VN chỉ có Thái Thanh hát Ave Maria tương đối đạt, và phải đợi tới sau 1975, mới có những giọng có quãng giọng (cữ âm) và trình độ để thể hiện Ave Maria một cách hoàn hảo]

 

* * *

Tới khi được gặp LT, ngoài đã sẵn yêu thích giọng hát, tôi còn thêm quý mến vì cung cách nói chuyện của LT, trên sân khấu cũng như ở đời thường…

Là một quân nhân sống xa Sài Gòn, trước năm 1975 tôi không có điều kiện nghe nhạc sống tại các phòng trà nhiều nên không biết ngày ấy các nữ danh ca khi đứng trước microphone có “talk” nhiều như sau khi ra hải ngoại hay không.

Tôi không dám nghĩ các nữ danh ca ấy (cùng với “thần tượng” Tuấn Ngọc bên phía nam) tìm cách “câu giờ”, mà tôi nghĩ có lẽ đây là một cái mốt thời thượng – một hình thức “giao lưu một chiều” giữa nghệ sĩ với khán giả.

Dĩ nhiên, tôi không thể đi guốc trong bụng các danh ca ấy để biết giả chân trong những lời tâm tình, thực hư trong những câu chuyện kể, mà chỉ có thể đánh giá mức độ duyên dáng, trình độ hiểu biết, và thái độ với khán giả. Qua đó tôi chấm nhất LT, một “diva” biết mình đang ở trên đỉnh cao nên không cần tìm cách tự đưa mình lên nữa!

Buổi trình diễn của LT tại Dallas Brooks Hall, East Melbourne, năm 1983 là lần trình diễn thứ nhì của một nghệ sĩ nổi tiếng từ Hoa Kỳ sang Úc (người thứ nhất là Hùng Cường), và lần trình diễn đầu tiên của một nghệ sĩ Việt Nam tại Hall này, lúc ấy được xem là đẹp, hiện đại, và lớn nhất nhì thành phố Melbourne, thủ phủ tiểu bang Victoria.  Đêm LT hát, không còn một ghế trống!

Nhân dịp này, ban tổ chức đã mời ban nhạc trẻ Mây Hồng, gồm bốn “bông hoa biết hát”, trình diễn ra mắt khán giả. Một công đôi việc, vừa lăng-xê các cô vừa giúp chương trình văn nghệ phụ diễn thêm phần hào hứng.

Tối hôm đó cũng là lần đầu tiên VNS, vừa tốt nghiệp trường quốc gia âm nhạc Úc về dương cầm, trổ tài trên sân khấu cùng với ban nhạc.

S là một chàng trẻ tuổi rất đáng mến, tôi coi như em. Nhận thấy đây là dịp ngàn năm một thuở để lăng-xê S, tôi đã thuyết phục S khi LT hát bản Tình Khúc Thứ Nhất (Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn) S sẽ đệm dương cầm một mình, giống như trong phiên bản LT thu âm trước năm 1975.

Nhận xét một cách khách quan, bốn cô trong ban Mây Hồng đàn hát cũng chỉ tàm tạm, còn VNS tuy tiếng đàn rất có hồn nhưng kỹ thuật dù gì cũng hãy còn non. Vậy mà khi xuất hiện trên sân khấu, việc đầu tiên của LT là khen ban Mây Hồng, và sau khi trình bày bản Tình Khúc Thứ Nhất, LT đã không tiếc lời ca tụng S, mời S đứng tới đứng bên cạnh mình để khán giả vỗ tay hoan hô.

[Không biết có phải nhờ được LT lăng-xê hay không, sau này VNS trở thành thày dạy dương cầm uy tín và đông học trò nhất Melbourne. Rất tiếc, S đã sớm ra đi, một cách khá bí ẩn, nghe nói vì một chuyện tình đau khổ, tuyệt vọng…]

 

* * *

Mấy năm sau, khi LT trở lại Úc trình diễn thì tôi đã dứt khoát giải nghệ MC, nhưng vì đang cộng tác với một chương trình phát thanh tiếng Việt, anh chàng MC vốn là một đàn em thân thiết, đề nghị tôi phỏng vấn LT để “quảng cáo” cho cả đôi bên.

Buổi phỏng vấn được thực hiện tại studio ở tư gia anh chàng MC (cũng là một ca sĩ) cho nên không khí rất thoải mái. LT yêu cầu được biết trước các câu hỏi của tôi để chuẩn bị trả lời cho suôn sẻ, mục đích để sau đó khỏi phải nghe lại và đỡ tốn công “edit”.

Thông thường, các cuộc phỏng vấn mang tính cách “formal” giữa ký giả và nghệ sĩ VN cũng không lấy gì làm ly kỳ hấp dẫn cho lắm, bởi truyền thống đạo đức cũng như thói quen tốt khoe xấu che của người mình, nội dung phỏng vấn bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định. Cuộc phỏng vấn LT do tôi thực hiện cũng thế thôi, từ đầu chí cuối chỉ có một câu trả lời của LT khiến tôi thích thú, xin được ghi lại như sau (có thể tôi không còn nhớ chính xác từng chữ):

– Trong sự nghiệp ca hát của mình, ca khúc nào khiến LT đắc ý nhất, nghĩa là LT cho là thành công nhất?

– Thưa anh (bút hiệu của tôi…) và quý thính giả, một khi đã lựa chọn để trình bày, ca khúc nào LT cũng đều trân trọng như nhau, đều cố gắng trình bày với tất cả khả năng và sự yêu nghề của mình, thành thử rất khó lòng mà nói LT đắc ý với ca khúc nào nhất.

 Còn nói về ca khúc thành công nhất thì hoàn toàn do sự đánh giá của người thưởng ngoạn. Chẳng hạn giới phê bình thì chấm nhất hai bản Ngậm Ngùi của Huy Cận & Phạm Duy và Hương Xưa của Cung Tiến… Còn nếu tính số lượng thính giả yêu thích, được nghe nhiều nhất là bản Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa…

 Riêng với LT, ca khúc mà khi hát LT xúc động nhất phải là bản Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy, được LT hát vào một buổi tối trong năm 1980 sau khi đặt chân lên trại tỵ nạn Bidong, hàng ngàn đồng bào ngồi trên bãi cát lắng nghe… Ai cũng muốn khóc!

 

*  * *

Sau cuộc phỏng vấn “formal” nói trên, là phần nói chuyện ngoài lề… Tôi không đặt câu hỏi mà chỉ gợi chuyện để người nữ danh ca kể đủ thứ chuyện, không quên kèm theo câu cảnh cáo “cái này ông nhà báo không được đưa lên mặt báo nhé!”.

LT rất cởi mở, thành thật, và vui chuyện. Từ tin đồn LT mê đánh xì-phé tới quan hệ (nghe nói) căng thẳng với Khánh Ly trước 1975, việc LT từ chối lời mời của Trịnh Công Sơn để rồi họ Trịnh phải mời Lệ Mai – người sau này nổi tiếng như cồn với nghệ danh Khánh Ly…, nhất nhất đều được LT vui vẻ trả lời, thỉnh thoảng lại chêm vào một câu khôi hài dí dỏm.

Sau này mỗi lần nhớ lại buổi gặp gỡ nói trên, tôi lại cảm thấy hơi… áy náy vì đã không cho LT biết tôi từng quen biết người chồng đầu tiên của LT, nhưng ngay sau đó lại tự bào chữa nếu tôi nói ra chắc chắn cả đôi bên sẽ không được tự nhiên, buổi gặp gỡ vì thế sẽ mất hứng thú…

 

* * *

Khi Phạm Duy viết ca khúc Nước Mắt Mùa Thu để riêng tặng Lệ Thu, ông đã cố tình gán cho chữ “Lệ” (trong nghệ danh “Lệ Thu”) ý nghĩa “nước mắt”, trong khi nghĩa của từ Hán Việt này là “đẹp” (mỹ lệ, tráng lệ).

Vẫn biết “Bố già” chỉ đùa nhưng ra vẻ nó cũng ít nhiều ảm vào người nữ danh ca. Ba cuộc hôn nhân tan vỡ. Tai nạn lưu thông thập tử nhất sinh vào tuổi bảy bó. Và cuối cùng ra đi trong cô đơn vì đại dịch.

Xin vĩnh biệt Lệ Thu.

Nguyện cầu Linh hồn Cecilia Bùi Thị Oanh sớm hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên nước Thiên Đàng – nơi có Thánh nữ Cecilia, bổn mạng của các ca nhạc sĩ – đang đón chờ.

Melbourne, Úc-đại-lợi, 30-1-2021

Nguyễn Hữu Thiện

 

Dallas Brooks Hall, Melbourne 1983: gia đình người viết với Lệ Thu; đứng phía sau là một người trong ban tổ chức, ngồi phía trước là anh Đinh Hưng, một cựu SQ Không Quân đóng góp trong phần phụ diễn.

 

VIDEO:

 Một mai em đi Lệ Thu

https://www.youtube.com/watch?v=nmkEcMk9kmM

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search