T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 15)

clip_image001

Giai thoại làng văn

Theo sách Dã sử của Hoài sơn chép thì năm Gia Long 1819, Minh Mệnh lúc đó là đông cung thái tử, một buổi trưa hè nằm ngủ ở hồ Tĩnh Tâm, mơ thấy một người học trò tên là Giả. Người ấy đội mũ cỏ, cầm một cây gậy đâm xuyên qua mặt trời.

Thái tử về cung gọi quan Thái bộc, kể lại giấc mơ. Quan Thái bộc đóan rằng:

“Người tên “Giả”, lại đội mũ cỏ, chiết tự ra chữ “giả” có bộ “thảo” là chữ “trứ”.

Xin điện hạ chờ coi khoa thi này có ai tên Trứ thi đỗ không?”.

Thái tử y lời, chờ coi thì thấy người đỗ thủ khoa năm ấy là tên là:

Nguyễn Công Trứ.

(Hồng Nhật – Mấy vần thơ xưa)

Một bài ca dao hay

Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó chạy rông trên bờ.

Từ trước đến nay, bài ca dao này thường chỉ được đọc trong những lúc nói chuyện phiếm. Trong ý nghĩa ấy, bài ca dao được nhìn nhận như một cái gì khá tục và khá nhảm. Tuy nhiên, theo tôi, không chừng đó là một bài ca dao hay.

Vấn đề là: nó hay ở chỗ nào?

Trước hết là nó bạo và mới. Dĩ nhiên, nói thế, chúng ta cần thận trọng. Không phải cứ hễ viết tục là thoát sáo. Từ trước đến nay, ở đâu cũng có những người khoái viết tục và viết bạo. Hiện nay, người ta lại càng viết tục và viết bạo. Nhưng chưa chắc đã hay. Dù sao, theo tôi, cái tục của câu ca dao này quả là hay thực. Nó không phải chỉ bạo để bạo, chỉ mới vì mới mà còn là một sự sáng tạo hầu vẽ nên một thế giới gần hiện thực hơn.
Cái tục của ngôn ngữ, cái thô của hình tượng ở đây lại là những cái thực và là một sự sáng tạo. Nó phá đổ những khuôn sáo cũ kỹ và giả tạo trong văn chương bác học.
Hơn nữa, điều đáng nói ở đây là cặp tình nhân tự biết thân phận của họ chẳng ra gì. Thế nhưng họ vẫn cứ yêu nhau, thương nhau. Chúng ta nhớ trong truyện ‘Chí Phèo’, Chí Phèo và Thị Nở cũng từng có lúc yêu nhau như tất cả mọi cặp tình nhân khác trên đời này. Và trên đời này, tất cả những con người bất hạnh khác, khi yêu nhau, biểu hiện tình yêu có thể khác nhau nhưng những rung cảm những ngây ngất trong lòng thì chắc chắn là không có gì khác nhau cả.

Câu ca dao, như thế, không phải chỉ tả mối tình giữa hai người khốn khó bất hạnh tự ví mình với những gì hèn mọn. Điều đáng đau xót, toát lên từ câu ca dao này là ở chỗ, mặc dù họ tự biết thân phận của mình, chấp nhận cái số kiếp làm phân, làm chó, họ vẫn không được gần nhau. Em vẫn lênh đênh giữa sông và anh vẫn chạy rông trên bờ.

Giữa hai người vẫn có một khoảng cách vời vợi.

(Nguyễn Hưng Quốc – Đọc…chơi vài bài ca dao)

Truyện cực ngắn – Chữ Hán

Ngày xưa, có thầy đồ nổi tiếng dạy giỏi nên có rất nhiều học trò tới theo học, thầy đồ lại có cô con gái rất xinh, lại hay chữ. Trong số các nam sinh có một anh cũng rất giỏi chăm chỉ, nên được cô gái để ý.

Một hôm thầy đồ dẫn các học trò sang làng bên có chuyện, chỉ còn anh học trò nọ ở nhà để giã giò, anh ta liền cởi hết quần áo chỉ mặc chiếc quần đùi mỏng để giã giò cho dễ. Hăng say lao động, anh không để ý nên "cái ấy" của anh thò ra lúc nào mà không biết. Cô gái đang xay lúa nhìn thấy hỏi anh học trò bằng chữ Hán:

– Hà vật

(cái gì vậy)

Anh học trò mắc cở, trả lời:
– Thủ tam tam tử

(đầu con ba ba chết)

Cô gái thắc mắc:
– Tử hà bất táng

(chết sao không đem chôn)
– Gia bần vô hữu quan tài táng

(nhà nghèo không có tiền mua quan tài để chôn)

Cô gái thấy thương liền nói với chàng trai:
– Bán dạ đáo phòng  trung, táng sự quan tài nhục

(nửa đêm vào phòng, cho chôn vào quan tài thịt).

Được lời như cởi tấm lòng, đúng nửa đêm anh ta vào phòng để cô gái "táng" cái "thủ tam tam tử" vào "quan tài".

Trong lúc "làm tang lễ", cô gái hỏi chàng trai:
– Tử hà cường hĩ

(chết rồi sao còn khoẻ thế)


Chàng trai thở hổn hển:
– Táng ư đắc địa, nhi cải tử hoàn sinh

(chôn nơi đất hợp, đang chết tự nhiên sống lại).

Lại chuyện chữ nghĩa với…củ khoai lang

Sác sử chép rằng đời Minh có ông lang Lâm Hoài Chi sang An Nam tìm dược thảo. Trước khi hồi cố quốc, vua Giao Chỉ ban cho ông một món ăn mà bên Tầu không có. Đó là khoai lang luộc.

Ông thấy ngon quá và mang về làm giống. Tiếng Tầu gọi củ khoai lang là “phán xùy” và tiếng Hán đọc là “phiên thự”.

Vì Tầu coi mình là “thiên quốc”, các nước láng giềng đều là man di mọi rợ. Những thứ gì nhập vào nước Tầu đều có chữ “phiên”, chữ “hồ” đứng trước. Như:

Trái cà chua gọi là “phiên gia”.

Tiêu sọ gọi là “hồ tiêu”.

Người trong nước bây giờ cũng vậy:

Với “thiên quốc”, thay vì gọi là Trung hoa thì người trong nước gọi là…Trung Quốc.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bước chân dô quán đèn mờ

Ngồi gần con gái không sờ là ngu!!!

Thà rằng cắt tóc đi tu

Ngồi gần con gái…ngu sao không sờ?

Hát cô đầu

Khi cô đầu hát đền khổ nào thì phải đánh trống cho đúng vào nhịp phách, mà cô đầu vừa gõ xuống. Cô đầu thì thường phải ngồi “xếp bằng tròn” dưới chiếu, phách để trước mặt. Phách là một nửa gióng tre đực dài độ 20 phân tây. Cô đầu dùng hai thanh như một đôi đũa lớn cũng bằng tre đực, hoặc bằng gỗ lim, đập vào phách nghe lách cách, lách cách. Khi nào cô giơ cao tay phải lên và đập mạnh một cái vào phách, thì người cầm chầu phải đập doi chầu xuống mặt trống, nghe tiếng “tom” đúng vào nhịp phách. Nếu sai thì gọi là lỗi nhịp.

Người cầm chầu thì gọi là “quan viên”. Ngày xưa thì ngồi trên sập gụ, trống là một loại đặc biệt, có người gọi là “trống khẩu”. Tang trống bằng gỗ mít, hay gỗ vàng tâm, cao chừng 20 phân tây, và đường kính độ 18 phân, hai mặt trống bưng kín bằng da trâu, hay da bò rất mỏng. Khi cầm chầu quan viên dùng bàn tay trái đè lên mặt trống, bịt kín chừng 1 phần ba mặt trống về bên trái, còn hai phần ba phía bên phải dùng doi chầu mà đập xuống. Dùi trống, cũng gọi là doi chầu dài chừng 30 phân tây, bằng gỗ trắc, hay bạch đàn gọt giũa rất nhẵn nhụi. Quan viên dùng tay phải đập xuống mặt trống làm sao cho khi đánh xuống mặt trống chỉ kênh chừng 5, hay 10 độ, và phải hất dùi trống về phía mu bàn tay trái. Như vậy tiếng trống nghe mới kêu giòn. Đó là nghệ thuật của người biết chơi… “cô đầu”.

Các cụ ta ngày xưa đánh trống cô đầu, phải nghe tỉnh nhịp phách, mà đập xuống. Nhiều khi cô đầu lại lẩn phách, nghĩa là gõ không đúng khổ, thì quan viên rất khó mà đánh, nên phải đi hát nhiều mới điêu luyện. Nhưng bây giờ, quan viên cứ học thuộc nhiều bài hát. Khi nghe hát đến đâu thì đập trống xuống. Rất chắc ăn! Nói tóm lại học gõ trống cô đầu, tôi nghĩ còn khó hơn học…chữ.

Dưới đây là bài thơ « tom tom, chát chát » của Tú Mỡ:

Cũng ca, cũng hát, cũng tom tom, chát chát xóm bình khang.
Cũng lên râu cụ lý trong làng, cũng học thói làm sang mời mọc khách.
Tiếng nhạc, tiếng đàn, chen tiếng phách. Hơi men, hơi thịt, lẫn hơi người.
Cũng dan tay dùi đục kề vai, cũng đặt hãm một vài câu lếu láo.
Cũng gọi chủ bắt gà nấu cháo. Cũng quạt màn, trải chiếu. Chị em ơi!…

(Thúy Sơn – Phố cô đầu Khâm Thiên)

Trung Quốc, Trung Hoa

Tại sao người trong nước lại gọi Trung Hoa là Trung Quốc?

Bộ không có chữ “quốc” không là một nước được sao?

(Dám lắm ạ)

Các thứ…Hôn

Chỉ hôn là kỷ niệm thành hôn 1 năm. Chỉ là một.

Mộc hôn 5 năm. Mộc là gỗ.

Tích hôn 10 năm. Tích là thiếc.

Thủy tinh hôn 15 năm.

Từ hôn 20 năm. Từ thách là nam châm.

Ngân hôn 25 năm. Ngân là bạc.

Kim hôn 50 năm. Kim là vàng.

Kim cương thạch hôn 60 năm.

(Ông cố nội ai mà dám làm lễ…từ hôn)

(Viet Tide)

Đinh Hùng và bút hiệu Hoài Điệp

Theo Vũ Hoàng Chương – Đinh Hùng bị cú sốc tinh thần vào lúc 11 tuổi – hoa khôi Đinh thị Tuyết Hồng nhảy xuống hồ Trúc Bạch tự vẫn. Cái chết của người chị trước đó, ông lại bị cú sốc tình đầu – yêu đơn phương một chiều – nàng Kiều Hương. Nàng đi lấy chồng, hệt Tố của Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng khắc họa chân dung nàng qua bài thơ Đường vào tình sử:

“ Tần Hương ôi Tần Hương

Tên nàng như hoa đẹp

Chàng là bướm tơ vương

Nên chàng là Hoài Điệp…”

Và chẳng ngạc nhiên gì, sau này Đinh Hùng dùng bút danh Hoài Điệp (trước) và sau là Hoài Điệp Thứ Lang trong tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên báo từ sau 1954.

Vậy bài thơ đầu tiên nào của Đinh Hùng được đăng báo? Đó là “ Đám ma tôi “, Đinh Hùng ký Hoài Điệp, do Nguyễn Đức Chính đưa cho Nxb Tân Việt in.

(Thế Phong – Đinh Hùng: Giải thơ văn chương toàn quốc)

Tiếng Việt tiếng Pháp

Hiện tại, trong vốn từ của Việt Nam, ngoài 60% là từ gốc Hán còn khoảng 200 từ là từ của gốc Pháp. Các từ này còn đang sử dụng đâu đó, nhiều khi miệng nói, tay viết ra nhưng không biết câu ấy có tiếng Pháp trong đó, như:

– Thằng đó chuyên lấy le để cua đào, nhưng con nhỏ kia lại hay làm reo.

Một câu như vậy đã 3 chữ Pháp: “le”, “cua”“reo”.

(Nguyễn Đức Tuấn – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search