T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: Little Saigòn Chiều Thứ Bẩy

clip_image002

Thời tiết Little Saigon vào những ngày cuối năm hơi dễ chịu, trung bình ban ngày là 65F, nắng nhè nhẹ đủ mặc áo ấm dạo phố ngắm hoa tết, ban đêm 45 F nên cần dựa vào nhau để tìm hơi ấm. Sáng nay Thứ Bẩy, Thu Đen gọi diện thoại ra Croisant uống cafe ăn bánh ngọt, nhưng đang bận hiệu đính bài «Hồi Ức Của Một Tùy Viên» cho tờ ĐSNT nên không đi được, tiếc quá, mất dịp ngàn năm có một. Xế trưa, anh Sáu Cổ Tấn Tinh Châu gọi ra Lan Hương quán, quán cafe của Trâu Điên Hào đầu bạc, để lai rai và nghe anh kể chuyện dài « Đặc Khu Rừng Sát », nhưng lại đang bận hiệu đính bài « Dấu Chân Người Lính PTMX » cho tờ ĐSST nên dành hẹn anh sáng mai Chúa Nhật vậy.

Đang chăm chú theo « dấu chân người lính » thì bản nhạc Xuân ngoài phòng khách vang lên : «Đón Giao Thừa Một Phiên Gác Đêm», trong không khí Tết mà nghe bản nhạc này thì viết lách gì được, tôi buông bút ngồi nghe cái đã, bỗng tiếng nhạc nhỏ đi, tiếng bà cao giọng:

_ Anh ơi! Ra hép em tí nào.

_ Cái gì thế, anh đang bận.

_ Lúc nào cũng bận, chả thấy lúc nào mà anh không bận gì, cứ ôm riết cái lab.

_ Thôi được rồi, anh ra đây, «hép» cái gì nào ?

_ Kéo cái bàn này đi chỗ khác, hút dùm bụi để em đặt chậu hoa lan mà mấy chị ấy tặng hôm thượng thọ, xong rồi..

_ Xong rồi ..mở máy giặt, vặn load size về large, nước chảy một chút là cho 2 thìa Tide, chờ cho tan bột rồi mới cho từng cái áo vào v.v.. có đúng không nào, anh thuộc lòng rồi.

_ Thì toàn là áo của anh chứ ai, chất cả đống trong hộc tủ, không nhắc giặt thì hết áo treo rồi anh lại nhặt áo cũ lên mà mặc lại, hôi như cú. Nhớ là sau khi máy giặt chạy thì thêm ..

Thừa lúc nàng đang giảng bài về phép vệ sinh, tôi lỉnh sang sân hàng xóm, ở đó 2 ông bạn già đang trà đạo bên bàn cờ tướng. Chiều Thứ Bẩy sao hai ông rảnh rang thế này, hỏi ra mới biết mấy bà nội ..tướng bận đi sắm tết, bánh chưng, bánh tét, hoa mai, mất sen, mất bí rồi có khi cả mất ví. Thèm cái không khí tự do truyện trò của 2 ông, tôi lắng nghe:

***

– Thấy vợ con người ta mà ham!

– Ê, nói năng cẩn thận tí nghe bố, không phải ỷ già rồi muốn nói sao thì nói, lạng quạng bọn trẻ nó nghe được nó bảo mình già dịch.

– Ừ, thì mình cũng có “dịch” thật, dù dịch ít hơn xưa. Nhưng nói thật mầy nghe, dạo sau nầy bà nhà tao đổi tánh ghê quá, đôi khi tao phải bỏ nhà đi vòng vòng ngoài vườn, ngoài phố cho nó thoáng cái đầu.

– Mầy làm như có một mình bả đổi, còn mầy thì lúc nào cũng trơ trơ cùng tuế nguyệt!

– Không phải vậy, bả tự nhiên trở nên kỳ cục, hồi nào tới giờ có khi nào bả ghen tương gì đâu, dù bóng gió, mấy mươi năm rồi lúc nào cũng hoà hợp hòa giải hết sức vui vẻ, mầy cũng biết tính tao. Tao muốn đi đâu, lúc nào thì cứ đi, bây giờ gần đất xa trời tự dưng bả lại kiếm chuyện. Mỗi lần tao ra Connexion xem máy móc là bả cằn nhằn cử nhử “Đi đâu đi hoài, ở nhà một chút có được không…” Bực cả cái mình.

– Bực mình rồi mầy có cự bả không?

– Lúc đầu thì không, nhưng thét rồi phải cự.

– Tội nghiệp bà già.

– Tội cái quái gì, mầy chưa lâm cảnh chưa biết…

– Tại mầy không hay, không biết chớ bà nhà tao cũng như bà nhà mầy, và bà nhà mầy thì cũng như thiên hạ thôi. Chả có gì mới lạ dưới ánh mặt trời, chỉ có tao là không như mầy, chẳng bao giờ tao cự nự cả. Không phải tao không “nhạy cảm”, mà cũng bực mình lắm chớ, đôi khi “muốn kêu một tiếng cho dài kẻo câm”, nhưng tao hiểu rằng là mấy bà thuộc giai cấp “cổ lai hy” đều mắc phải cái bịnh lo, bịnh sợ. Họ sợ những bất trắc đang rình rập họ, nào tai nạn, nào bịnh tật, nào chết chóc… Họ sợ có chuyện gì không ai giúp đỡ, tóm lại họ sợ cô đơn. Mầy cũng còn may là bả chưa nuôi chó, nuôi mèo để thế mầy hủ hỉ cho đỡ buồn.

– Thì đồng ý, nhưng đi một chút cũng không xong thì chẳng lẽ tao phải ngồi ở đầu giường canh bả hay sao? Tao vẫn phục cái tài tỉnh bơ của mầy, tao thì rất dễ xì-nẹt.

– Thì ai lại chẳng xì-nẹt, nhưng phải biết “làm chủ” mấy sợi dây thần kinh của mình, thế thôi. Thú thật với mầy tao không bao giờ lên giọng với bà xã, cũng chẳng khi nào cằn nhằn cử nhử gì hết. Khi có chuyện không bằng lòng làm tao xì-nẹt thì tao đi chỗ khác chơi, cắn chặt hai hàm răng lại, không cho cái “lưỡi rắn” nó thò lò ra lải nhải gì hết. Khi nào trời yên biển lặng tao sẽ đi đường lưỡi sau. Vậy là vui vẻ cả nhà và vui vẻ dài dài, có gì khó đâu. La hét ngay tại chỗ chỉ mất hòa khí, chẳng ích lợi gì. Những cái sứt mẻ tí ti đó lâu ngày tụ lại thành bể nát.

– Biết vậy nhưng không nhịn được…

– Mầy nói chuyện ngộ thiệt, biết vậy mà không chịu nhịn là sao?

– Không phải ai cũng làm như mầy được. Tụi tao đều biết mầy không giống ai. Mấy thằng chưa biết mầy, nghe nói vợ chồng mầy không bao giờ cãi nhau, tụi nó đếch tin và cho là mầy “pas normal”.

– Tụi nó nói có khi đúng, ở đời cái gì mà có nhiều người nghe, nhiều người làm thì cái đó đúng “tiêu chuẩn” của một sự việc “bình thường”. Còn cái thật sự phải là chuyện bình thường nhưng vì chẳng có mấy người “chấp nhận được” thì nó trở thành chuyện không bình thường. Đó cũng chính là cái cốt lõi của thể chế dân chủ: đa số có lý, đa số thắng. Nhờ vậy nên cái đám “ái nam ái nữ” mới được công nhận “cưới hỏi” ăn ở với nhau như những kẻ bình thường. Văn minh thời đại có những chuyện nghịch thiên không ngửi được. Đúng là cái lưỡi không xương, đến cả tình ái, cái dài cái vuông mà nó cũng vo tròn bớp méo được.

– Sẵn đây tao hỏi mầy luôn, mầy làm sao mà nhịn hay vậy?

– Chẳng có gì khó hết, tao đặt mọi việc trên căn bản tình yêu, nếu mầy thật tâm thương yêu bà xã thì phải luôn nhớ điều đó để không bao giờ nói lời xúc phạm đến tình yêu kia. Trong tình yêu còn có sự kính trọng nhau, nếu mầy ý thức đúng mức điều nầy thì mầy sẽ chẳng bao giờ xài xể người mầy đã từng quì gối ôm chân bắt giò, thở dài thườn thượt, xuống sáu câu ai oán ỉ ôi nào là “đài gương soi đến dấu bèo cho chăng”…, theo đuổi trong hồi hộp, lo âu, sầu khổ, ăn không ngon, ngủ không nhắm mắt… Có thằng bạn bảo tao là nó thương vợ lắm, xem bả như, hoặc hơn cả bản thân… Có lẽ chính vì xem bả như thế, nó quên rằng bả là một người bạn đường xa, nên nó rầy rà, nạt nộ vợ nó như kẻ ăn người ở trong nhà! Thương vợ kiểu vô ý thức bất bình đẳng đó thì tao xin can mầy nhé.

– Nghe mầy nói sao dễ quá…

– Thật ra thì chẳng dễ cũng chẳng khó, chỉ có chịu khó suy nghĩ và luyện tập. Chí công mài sắt có ngày nên kim. Tao đã suy nghĩ từ thuở vừa lớn khôn, và tao cũng đã sớm hiểu câu văn ôn võ luyện. Không có gì mà ngày trước ngày sau là đạt được. Đặc biệt cái hạnh phúc gia đình, hay cái hạnh phúc tout court, nó đòi hỏi biết mình, hiểu đời, phải biết cách thương vợ, thương con. Ừ, đến việc yêu thương ngoài những “kiểu”, còn phải biết “cách” nữa, chớ không phải muốn yêu thế nào thì yêu. Mà muốn biết được cái “kiểu cách” đó mầy phải hiểu “đối tượng”, tức phải “biết người biết ta”. Cũng như bất cứ chuyện gì, muốn biết thì phải chịu khó bỏ công quan sát, suy nghĩ. Chỉ có vậy thôi, có gì rắc rối đâu. Cái rắc rối chính là chuyện “đối tượng” không chịu biết, không chịu hiểu như mình. Mà ở đời khi bánh ít đi mà bánh qui không lại thì chuyện cơm không lành canh không ngọt gần như là hậu quả đương nhiên, khó lòng tránh khỏi, bởi vì sức người có hạn, nhường nhịn nhau cũng chỉ tới chừng mực nào đó thôi. Nghĩ cho cùng thì “vạn sự khởi đầu nan”, thưở ban đầu chỉ biết có cái đẹp… sau đó đa số đều gặp phải lắm vấn đề đôi khi nan giải phải đi tới tan vỡ. Họ không nghĩ rằng thường tình những người trời cho đẹp lại hay nông cạn chỉ vì phải lo chăm sóc cái đẹp bên ngoài nhiều hơn cái tâm của họ.

– Mầy triết lý kinh bỏ mẹ! Làm thế quái nào mà biết được ai châm lo cái tâm? Châm lo cái sắc thì lộ liễu dễ biết và dễ lôi cuốn hơn. Một người không đẹp mầy lấy gì bảo đảm tâm họ đẹp, và ngược lại?

– Ai bảo đảm được chuyện đó cho mầy? Chỉ có mầy ráng mở to mắt ra mà quan sát, suy nghĩ. Mầy quên câu “xấu đẹp tùy người đối diện” rồi à? Mầy nên nhớ rằng cái tâm không dễ gì bị tàn phá, chớ cái đẹp nó như sương như khói vậy. Chẳng lẽ mầy không hiểu chuyện đó? Mầy cũng phải biết rằng muốn hiểu được cái tâm của đối tượng thì phải dày công theo dõi. Cái trò quen nhau trong thời gian ngắn, mê tít thò lò rồi lo cưới hỏi ngay kẻo trể thường rất dễ chết. Vả lại ông bà đã dặn “dạy vợ từ thưở ban sơ mới về”. Chờ đến lúc cổ lai hi thì chẳng còn gì để nói nữa.

– Vậy bây giờ mầy bảo tao phải chịu trận cho tới chết à?

– Bộ mầy tính bỏ bả vô viện dưỡng lão cho rảnh nợ hay sao?

– Đôi khi bực quá tao cũng có ý nghĩ đó. Không thì chính tao vô…

– Nầy, tao nói cho mầy biết, làm như vậy là bất nhân, bất nghĩa đó nghe.

– Tại sao vậy?

– Không những bất nhân bất nghĩa mà còn bất xứng nữa. Mầy đã cưới bả chớ bả có cưới mầy đâu! Nhờ bả mầy mới có một quãng thời gian sướng đời, hạnh phúc. Những lúc mầy xa nhà vì chiến cuộc, rồi vì học tập cải tạo, ai lo cho đàn con? Ai lo thăm nuôi mầy đói khổ trong lao tù? Ai sầu ai khổ trong cô đơn? Bây giờ mầy định phủi tay quên hết tình nghĩa ấy ư? Tao nói cho mầy nghe, đây chính là lúc mầy đền ơn đáp nghĩa người mầy từng yêu thương và cũng từng, cũng vẫn yêu thương mầy dù nay có chút khó tánh vì tuổi tác. Tao thấy cũng cần nhắc mầy một chuyện, ngoài tình yêu lứa đôi, mầy nên “đính kèm” tình thương thân phận làm người, rồi mầy sẽ hiểu ra mọi việc dễ dàng hơn. Tao có cảm tưởng đã đòi hỏi mầy quá nhiều. Giờ chỉ cần khuyên mầy ăn ở sao cho đáng mặt “anh hùng”, thế thôi.

Đứng bên này nghe hai ông bạn già “già mồm” với nhau cũng học được vài điều hay hay.

 

Phila Tô

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search