T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 195)

 

Thanh mai trúc mã

“Mai” đây là “quả mơ” chứ không phải là cây mai. “Thanh mai” là trái mơ xanh. “Trúc mã” là con ngựa đồ chơi làm bằng tre.

Câu này lấy từ điển cố trong bài thơ “Trường ca hành” của Lý Bạch.Tả mối tình thơ ngây của đôi trai gái, cậu bé cưỡi ngựa tre giả, chạy quanh giường đùa với cô bé. Mối tình “Thanh mai trúc mã” là mối tình của đôi trai gái quen nhau, yêu nhau từ thưở bé.

(Duy Lý – báo Tự Do)

 

Nắng

Đành rằng ngôn ngữ cũng là một thứ sử liệu nhưng ta không thể có tham vọng biết lịch sử với độc một nguồn ngôn ngữ.

Thí dụ, ở bài trước, chúng tôi có nói người Trung Hoa không có tiếng “Nắng”  theo cái nghĩa Nắng của ta. Họ nói Phơi. Nhưng rồi sau đó, họ vẫn có tiếng Thử. Nhưng đó là sáng tạo về sau mà họ đã quen miệng với tiếng Phơi, tiếng Thử chỉ để viết chứ không nói.

Như vậy, kết luận rằng từ thuở sơ khai, trên lãnh phổ Trung Hoa chánh gốc (Thiểm Tây, Hà Nam) trời không có nắng là sai. Thuở ban đầu, họ không có tiếng Nắng, không hiểu vì lẽ gì, còn phải tìm ở các nguồn khác nữa, chớ ngôn ngữ không phải là một chứng tích đủ sức nặng một cách tuyệt đối.

Nhưng nếu chứng tích ngôn ngữ được đối chiếu với một vài chứng tích khác thì có hy vọng tìm ra phần nào sự thật trong cõi u minh của thời gian, những chứng tích khác ấy, riêng lấy nó cũng không đủ để chứng minh một cách đích xác sự kiện nào thì ngôn ngữ, trong trường hợp đó, là một sử liệu tốt để bổ túc vậy.

(Bình Nguyên Lộc – Dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt Nam)

 

Đền

Đền là một cung điện của cả nước hay của một địa phương, một xứ, quy mô lớn rộng dựng lên để kỷ niệm một ông vua, vị thần hay một danh nhân lịch sử có công ơn với dân với nước.

Đền thờ phụ nữ thì gọi là Phủ, như Phủ Giày thờ Liễu Hạnh ở Nam Định chẳng hạn.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Sau khi Bắc quân chiếm thành phố Ban Mê Thuột ngày 11-3-1975, nhiều chuyện thật khôi hài, nhưng lại rất thật đã xảy ra trên thành phố này. Không hiểu sau này, em út tôi lớn lên, đọc lại những điều tôi viết ở đây có tin không hay không, vì bây giờ là năm 1975, chỉ còn 25 năm nữa là hết thế kỷ thứ 20.

Một số dân thành phố chạy thoát khỏi thị xã, bộ đội chiếm dụng những căn nhà này. Ban Mê Thuột tuy là 1 thành phố nhỏ so với các thành phố khác nhưng nhà cửa được xây dựng trong khoảng thập niên 60, với lối kiến trúc tân thời như nhà tắm, nhà bếp, phòng khách rất tiện nghi và khang trang. Một ngày, có 2 bộ đội chiếm dụng 1 căn nhà trên đường Hai Bà Trưng, ra chợ mua 2 con cá lóc (do bạn hàng từ quận Lạc Thiện mang ra chợ Ban Mê Thuột bán) đem về thả trong hầm cầu (toilet bowl). Ngày hôm sau, cá biến mất, 2 bộ đội kết tội những nhà lân cận ăn trộm cá của cách mạng, hàng xóm hết cả hồn vía.

– Ai đã vào nhà ăn trộm cá, phải thành thật khai để được khoan hồng.

Hàng xóm sợ quá đành đứng chịu trận để cho cán bộ thóa mạ, mãi 1 lúc khá lâu, có cụ H. đã ngoài 60 tuổi, lấy hết can đảm để hỏi cán bộ:

– Thưa cán bộ nhốt cá ở đâu mà bị mất trộm?

– Đây, vào đây tao chỉ cho, cán bộ cách mạng không bao giờ nói láo.

Cụ H. vào nhà mới hay cán bộ đã nhốt cá ở…Cán bộ lại còn khen, nước trong thùng này mát lắm. Cụ dở khóc dở cười và gỉai thích cho cán bộ cái công dụng của…cái bồn đi cầu.

(Ban Mê Thuột những ngày đầu – Nguyễn Định)

 

Thành ngữ hôm nay

Thà hun em một lần rồi ăn tát
Còn hơn cả đời nhìn thằng khác hun em!

 

Các loại bia

Bia người Đức gọi là “bier”, Pháp là “beer”, ngươi Việt kêu là…bia, là thức uống có “gaz”, nồng độ từ 3 tới 10 được làm bằng ngũ cốc, thường là lúa mạch.

Bia chai, bia lon là bia đã lọc.

Bia chưa lọc được gọi là bia tươi, bia bock, bia Draft.

Pháp có bia 33, và bia con cọp (tiger).

(Nguồn: Mường Giang)

 

Núc

Núc: ba ông đầu rau bằng đất

(bếp núc)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Tết kiêng đổ rác

Trong “Sưu thần ký” có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không dám hót rác ngày Tết.

Tục kiêng hót rác ba ngày Tết nên ngày 30, dầu bận rộn đến đâu cũng phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.

 

Quan hôn tang tế (6)

Quan là lễ đội mũ cho con trai nhà quan đến tuổi trưởng thành.

Hôn là hôn lễ, vì xưa làm lễ vào buổi hòang hôn (buổi chiều).

Vì ngày xưa tổ chức lễ cưới vào giờ âm dương giai hòa nên mới gọi là…hôn lễ.

Tang lễ là lễ trong đám tang.

Tế là tế lễ trong những dịp tế lễ thần linh.

(Tiến trình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)

 

Hương quan

Trong Kiều có câu “Giấc hương quan luống lẫn mơ canh dài”.

Hương quan – Hương: làng. Quan: cổng.

Ngày xưa mỗi làng làm một cái cổng trước cổng làng để canh trộm, cướp. Hương quan dùng để chỉ quan hoài quê nhà.

 

Chữ nghĩa làng văn…hàng xóm

Trang Tử (2)

Nếu như Đạo đức kinh của Lão Tử đả kích khiên cưỡng Nho giáo của Khổng Tử. Thì Nam Hoa kinh đả kích công khai bằng cách mượn môn đệ của Khổng Tử phát ngôn giùm. Như chuyện Nhan Hồi nghe Tử Lộ nói với Tử Cống rằng: “Sao thầy ta không chịu dừng đàn hát, chẳng lẽ bậc quân tử lại vô liêm sỉ đến thế sao?”

(Tiến trình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)

 

Truyện chớp: Chị

Có lẽ ranh giới tận cùng của truyện chớp là một câu. Nhưng câu cũng có năm, bảy loại câu. Trong văn chương hiện đại, dưới ngòi bút của không ít nhà văn có tên tuổi, nhiều câu dài dằng dặc trong một hay hai trang giấy, nghĩa là dài bằng cả một truyện thật ngắn bình thường. Bởi vậy, câu trong truyện chớp phải là những câu vừa phải. Càng ngắn càng tốt.

Chị ước mơ kiếp sau chớ làm người, mà được làm cái thùng gạo, chỉ nằm ngửa một chỗ mà chẳng mấy khi thiếu ăn.

Chữ Quốc ngữ

Người có công rất lớn trong việc truyền bá và phát triển chữ quốc ngữ phải kể đến Nguyễn Văn Vĩnh.

Ông không sáng tác nhiều nhưng các tác phẩm dịch và những hoạt động ý nghĩa của ông đã góp phần vào quá trình tạo nên ngôn ngữ thuần Việt, chính là chữ quốc ngữ chúng ta sử dụng bây giờ. Tuy nhiên, ông là người không thích được ca ngợi nên những việc ông đã làm ít ai được biết đến, công nhận.

Như trong hồi ký của mình, nhà văn Vũ Bằng đã viết:

“Nguyễn Văn Vĩnh từng nói rằng, nếu cuộc đời này có một cái nhà kính để sống, để quan sát thì tôi sẽ đứng trong nhà kính đó”.

(Thu Thảo – Chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ mới là thuần Việt)

 

Chùa

Chùa là cung điện thờ Phật có nhiều tòa nhà gạch với tường, tháp, nhà thất cho sư ông, chú tiểu.

Chùa nhỏ nơi hẻo lánh chân núi hay cửa rừng thường gọi là Am. Ngừơi ta hay xây Am ở bên cạnh nghĩa địa để thờ vong hồn, gọi là chùa Âm hồn hay Am chúng sinh.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Chiều 30-4. Tôi đi một mình ra căn cứ Quang Trung. Trên đường vài ba chiếc tăng T54 cháy rụi nằm bổ ngửa. La liệt quần áo lính vứt ngổn ngang. Tôi đến sát cổng quân trường, mấy người bộ đội áo quần xanh lụng thụng dép râu, mình còn cài lá ngụy trang, răng mặt vàng lườm… bắt tôi đứng lại, không được đến sát cổng vì đoàn phim đang quay. Tôi nhìn theo hướng tay chỉ và thấy một đoàn khóa sinh tân binh từ trong trung tâm đi ra. Tất cả đều phải đứng lại trước các máy quay phim, khi được lệnh từ phía sau máy thì từng người cúi xuống lột hết giày và quần áo lính, chỉ mặc độc mỗi quần lót. Những đoàn lính bộ đội đứng cười cợt khoái chí, một số ít thay vì cười cợt sảng khoái thì quay sang nói chuyện với những người dân hai bên đường. Có những câu hỏi và trả lời khắc mãi trong lòng tôi mà sau này nhiều người lấy đó làm giai thoại.

Với tôi, ngay lúc bấy giờ, tôi không thể cười được. Có cô hỏi:

– Sao anh trẻ thế?

– Trẻ gì nữa. Mười sáu mà còn trẻ.

Cô đang cầm que kem, hỏi anh bộ đội:

– Anh thích ăn cà-rem không?

– Không?

– Thế Hà Nội có cà-rem không?

– Có. Khối gì. Còn phơi để dành nữa.

– Hà Nội có Tivi không?

– Khối gì. Tivi chạy đầy đường.

(Ký ức của một người chưa cầm súng – Phạm Văn Thành)

 

Chữ nghĩa làng văn

Các từ kết thúc bằng âm “en” thường chỉ “các động tác đi qua một chỗ hẹp, một cách khó khăn”. Thí dụ: chen, chẹn, chèn, len, men, nghẽn, nghẹn, nén, v,v…

Nếu chúng ta chịu khó quan sát, tìm hiểu, chúng ta sẽ phát hiện những chữ tuy rất quen thuộc chúng ta sử dụng hàng ngày lại ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng nhưng không kém phần thú vị.

(Nguyễn Hưng Quốc – Tiếng Việt dễ mà khó)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ (2)

Sắt ngắn, gỗ dài

Hồi Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan về quê làng Trung Am mở trường dạy học, học trò theo học rất đông. Vào buổi tối 30 tết năm nọ; ông Trạng đang ngồi đàm luận về lý số với một anh học trò xuất sắc của ông đến thăm và biếu ông lễ vật, thì bỗng ngoài cổng có tiếng người gọi. Ông sai gia nhân ra bảo hãy chờ một chút. Trong khi đó, ông và người học trò cùng bấm quẻ để thử đoán xem người đó vào có việc gì?

Cả hai thầy trò cùng bấm vào một quẻ “thiết đoản, mộc trường”. Nghĩa là “Sắt ngắn, gỗ dài”. Ông hỏi người học trò:

– Vậy anh đoán người đó vào đây có việc gì?
Anh học trò trả lời:
– Thưa thầy! “Thiết đoản, mộc trường, theo ý con, người vào đây chắc hẳn chỉ có mượn chiếc mai đào đất mà thôi, chứ ngoài ra không còn cái gì là “sắt ngắn, gỗ dài” nữa.

Ông cười nói:
– Khác với anh, tôi lại đoán người đó vào đây mượn búa.
Nói xong, ông cho mở cổng. Quả nhiên người ấy vào hỏi mượn búa thật.
Anh học trò chững người ra vì sự đoán sai của mình. Thấy vậy, ông giải thích cho anh học trò:
– Kể thì anh bấm quẻ cũng giỏi, nhưng mức đoán còn thấp. Anh bảo “sắt ngắn, gỗ dài” mà đoán là mượn mai, như vậy thử hỏi, 30 tết người ta đến đây để mượn mai làm gì cơ chứ? Còn tôi bảo là người đó vào mượn búa để về bổ củi nấu bánh chưng Tết mà thôi. Bấm quẻ đã đúng nhưng khi đoán còn phải có ý thức cơ biến, mà tránh được những sự sai lầm.

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Gần chùa gọi Bụt bằng anh

Thấy Bụt hiền lành bế Bụt đi chơi

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

 

Chi hồ giả dã

Chi hồ giả dã: Tiếng Hán cổ đại (văn ngôn) khó nhất là cách dùng hư từ. “Chi, hồ, giả, dã, yên, tai..” là những hư từ của tiếng Hán cổ. Nắm vững cách dùng mấy chữ này thì phần văn pháp coi như đã thông, không cần học cú pháp, văn phạm gì cả. Các cụ đồ nho ta xưa học chữ Hán cổ đọc chữ Nho, không có biết “văn phạm” là gì mà viết vẫn hay. Ấy là nhờ nắm vững hư từ “chi, hồ, giả, dã…”.

Ở Tàu cũng vậy, trước năm 1990, chẳng có sách nào về văn phạm: chủ từ, túc từ, tĩnh từ, động từ, câu đơn, câu kép. Về sau này bắt chước tây phương, họ vẫn viết đúng quy luật, là nhờ chú trọng cách dùng hư từ. Họ chỉ có sách giảng cách dùng hư từ, ta có thể tạm coi đó là các sách về văn phạm. Vì thế các nhà nho Trung Quốc khi dạy học cách viết văn cho đúng, thường đọc câu “Chi, hồ, giả, dã, yên, tai..” để khuyên học trò.

(Hoàng Long Hải –  Phạm Thế Định)

 

Thành ngữ hôm nay

Còn thời lên ngựa bắn cung
Hết thời xuống ngựa lấy thun bắn ruồi.

 

Viết hoa (3)

Cũng như thế, mọi khái niệm về học vị, nghề nghiệp, đẳng cấp trong quân đội, cơ quan hành chánh, chính trị, xã hội, địa lý, thiên nhiên, lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật, năm tháng… khi được sử dụng là danh từ chung thì không viết hoa.

Thí dụ như: giáo sư, kỹ sư, đại tướng, giám đốc, chủ tịch, tổng thống, văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, linh mục, hòa thượng, đại học, tu viện, bộ, bộ trưởng, quốc hội, thượng nghị viện, hạ nghị viện, chính phủ, sông, núi, thác, đồng bằng, cao nguyên, đại chiến, chiến tranh, mặt trời, mặt trăng, quả địa cầu, trái đất, thánh thần, thiên đàng, địa ngục, phương, hướng, phía, miền, kịch, hội họa, điêu khắc, điện ảnh, trường trung học, công ty cổ phần…

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search