T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: TÁNG TREO

Lệch – Tranh: Diễm Hạ

Những rặng cây xanh thẳm của vùng cao nguyên xô qua ngã lại dưới trận gió bạo tàn mỗi đêm gởi về những lời nói thì thầm khó hiểu chạy lướt trên đường mòn ngoằn ngoèo từ tận sâu kia đến với chàng. Đôi khi chàng nghe được trong đó là tiếng kêu thảng thốt kinh hoàng của con người một khi nào chợt mở to mắt và nhìn thấy được sự hư vô của thời gian. Đôi khi là tiếng thở than của những người đã vắng mặt trên trần gian, một hôm nào đã sinh ra rồi một hôm nào đã mất đi mà vẫn hoàn toàn không hiểu hết những biến cố đã xảy ra cho đời mình. Và bây giờ thì đôi khi là tiếng cười cao ngạo từ nơi xa của người bạn kia. Y Yut. Có những người bạn mà chàng muốn quên như quên một thói xấu trong đời. Nhưng có những người bạn mà sự hiện diện của họ có thể làm cho cả trần gian này xấu hổ, với chàng. Y Yut là một trong những người như vậy.

Năm 76, chàng đã tới đây, ấp Tân Lạc, xã Tân Châu huyện Di Linh trong chương trình Kinh tế mới. Chạy dọc theo con đường đất đỏ mới mở từ ngoài vô là những vườn trà ngút ngàn hoang phế, rồi những vườn cà phê cằn cỗi sau những mùa chinh chiến, rồi những đồi cỏ tranh cao lút đầu như chưa từng có dấu chân người, và nơi đây, nơi những rừng cây cao vút mà hai mẹ con chàng đang ở, xa những người cùng ấp hơn nửa cây số. Núi rừng là những người bạn mới lạ lùng và đầy bất trắc. Y Yut cũng có lần hỏi:

– Tại sao mày không ở gần người ta cho vui, lại chui vào cái hẻm hóc này mà ở. Đừng tưởng ở đây là xa được tụi nó đâu.

Chàng đã trả lời người bạn đó:

– Bây giờ chẳng có chỗ nào là vui cả. Vả lại dường như con người bao giờ cũng xấu. Có lẽ chỉ có mỗi thiên nhiên là đẹp thôi.

– Tao chỉ bảo là vào đây thì sẵn cây làm nhà, khỏi mất công vác đi xa cho mệt. Vả lại cứ ở gần tụi công an con dễ nổi điên lắm, thế nào cũng có ngày có chuyện. Bã thì bao giờ mà chẳng nghe tao.

Chàng vẫn còn nhớ con đường nhỏ Phan Đình Phùng dọc tới dọc lui dọc xuôi dọc ngược từ căn gác xép chàng đã lớn lên, đưa tới những bậc thang lên chợ Hòa Bình, nhớ ngôi chùa Linh Sơn đồ sộ với những cánh cửa gỗ khổng lồ đầy bí ẩn của thế giới tuổi thơ và những đồi cỏ sân Cù xanh ngát thời thơ dại. Rồi những ngày cùng học bậc Trung Học với tên bạn Thượng Y Yut đen như cột nhà cháy, nhưng hào sảng như vừa đi lạc từ thế giới của Kin Dung qua. Một thằng bé có nhiều sức mạnh bí mật mà ngày đó có một đôi lần chàng đã gọi đùa là Tên Tù Trưởng cuối cùng của Việt Nam. Và một đôi khi chàng gọi là hắn là con voi đực thông minh của núi rừng Lâm Viên. Hắn được gởi lên Đà Lạt học trọ nơi nhà một người bà con nào đó đang làm việc ở Bộ Sắc Tộc. Với người Thượng, như vậy là đáng sợ lắm. Mà hắn đáng sợ thật, học không thua bất kỳ một tên Kinh nào. Suốt cả đời Trung Hoc, chàng đã thân với hắn một cách tự nhiên, như thể là những kẻ được sinh ra chỉ để làm bạn với nhau. Chàng đã bá vai hắn đi ngoài phố không tha một chỗ nào cả. Rồi những ngày lớn lên tập tễnh uống cà phê, len lén chuyền tay nhau điếu thuốc trong giờ học, tới những đêm lang thang dọc theo bờ hồ tấp vô hàng sữa đậu nành ngồi phệt xuống ngó khách qua đường, khoan khoái cầm ly sữa bốc khói nghe cái lạnh của đêm ngấm dần vào người.

Mỗi lần thầy giáo Việt văn lớp 10 giảng Chinh Phụ Ngâm tới câu “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa”. Sau khi thầy nhắc lại các phương pháp văn học tưởng tượng, nhấn mạnh hay cường điệu gì đó, rồi mới nói tới da ngựa bọc thây:

– Người ta có nhiều hình ảnh đẹp trong văn chương để tôn lên sự hy sinh cao quý của người chiến sĩ bảo vệ dân tộc. Một trong những hình ảnh văn chương đó, là cái chết da ngựa bọc thây cho ta thấy sự hào hùng của những người nếm cái chết trên lưỡi hàng ngày để thấy sự mong manh của chính đời sống của họ, mà vẫn lao mình vào dù cho có chết giữa rừng tên để rồi thân xác được vùi dập xuống đất trong tấm da ngựa, cũng là trong sự ôm ấp của người bạn ngày xưa cùng chiến đấu…

Tên Tù Trưởng rụt rè đưa tay đứng tên:

– Thưa Thầy, cho phép em có ý kiến. Em còn nhớ thầy có nói chiến trường của người Trung Hoa thường là những bãi sa mạc vùng biên thùy. Cho nên em tin rằng, ở những nói đó chỉ có cát với cát và khi một người lính chết, bạn của họ có thễ bày tỏ tình cảm tôn trọng bằng cách bọc thây họ trong những tấm da ngựa để chôn xuống cát. Chứ không hoàn toàn là văn chương…

Khi đó chàng không thắc mắc nhiều như vậy, dù đó có là một hình ảnh tưởng tượng của văn chương như ông thầy đã giảng hay có là một sự hiển nhiên như Y Yut đã tin. Những năm thơ dại của chàng đã trôi qua bình an như mặt hồ Xuân Hương bên cạnh đứa con nhỏ của núi rừng kia. Hồi đó, Y Yut đã kể chàng nghe về cách phân biệt giữa dấu chân của nai và heo rừng, về sự khác nhau giữa loại lá ăn được và không ăn được, kể về những con suối lạ lùng không ai biết bắt nguồn từ đâu, cả đến cách nghe tiếng nai kêu làm sao phân biệt được con đực hay con cái… Có những điều kỳ lạ đến nỗi bây giờ chàng cũng không biết là có thực hay không. Nhưng không hề gì, chàng đã lớn lên với những bước chân tù túng quẫn trong thị xã Đà Lạt, nhưng trí tưởng thì để tận trên những cánh chim của bà phù thủy đỉnh Núi Voi mà Y Yut có lần thì thầm kinh hãi kể lại.

Khi chàng đến đây thì chỉ nhớ mang máng Y Yut ở đâu đó vùng Di Linh này. Núi rừng bây giờ không còn mơ hồ như hồi nghe kể nữa. Nhưng chàng vẫn chưa đọc hết được những điều hắn dạy. Vả lại chàng không có thì giờ để trắc nghiệm lại những bài giảng của hắn thí dụ như về việc nhìn đống phân nai mà biết được con vật đó bệnh rụng lông hay là cảm cúm. Nhưng chàng biết hắn còn quên một bài học chưa giảng tới, đó là làm cách nào để no bụng dưới chính quyền Cộng Sản. Dù là sống ở thành phố hay núi rừng, chàng cũng không trốn được bài học đó. Một tuần phải đi ba ngày làm lúa cho tập đoàn dưới những trũng nước kia, tới ngày gặt du kích keo súng vào cân đo đong nghĩa vụ, còn lại chia ra không đủ để nấu cháo năm ngày.

Sau này khi gặp lại Y Yut, chàng có hỏi về chuyện tại sao họ đã trồng lúa không trúng như dân Thượng ở đây cũng đất đó, giống đó, hắn đã nhìn chàng cười một cách bí mật:

– Khác chứ, giữa một người bị lưu đày về đây với một người bản xứ ở đây khác nhau rất là xa. Giữa một người làm việc một cách tự do với một người làm việc dưới những nhát roi khác nhau hoàn toàn. Khi mày cầm lên một hạt giống với lòng uất hận thì mầm sống đã cháy mất trong đó rồi. Mày không thấy cả nước đang mất mùa à.

Còn bốn ngày kia chàng phải làm đủ trò để sống. Chàng phải bắt chước người Thượng đi tận chục cây số trong lũng sâu để làm rẫy bắp. Làm ở ngoài này nó biết được thì cũng mất toi. Còn làm trong đó hơi được là phải hái non chứ không thì khỉ lại phá. Nói chung thì ở đâu cũng gặp phải những động vật tương cận như vậy. Mùa khô chàng lên núi làm than, tuy mệt nhưng còn kiếm ra tiền được, hoặc đi sâu tận những buôn Thượng đổi cá khô lấy gạo. Nhưng khi những trận mưa bắt đầu đổ xuống, những con đường mòn đất đỏ trở nên lầy lội và trơn trợt, những dòng suối mọc ra từ khắp các ngõ ngách của núi rừng cuốn đi phăng phăng tràn trên cỏ, trên rẫy, trên đường để xuôi về sông Đa Dung, thì chàng không biết cách nào mà sống. Những lúc đó hai mẹ con chỉ biết ngồi nhìn ra những hạt mưa bay về đan trắng xóa khắp cả những lũng đôi chập chùng. Có lần mẹ chàng thấy con cực khổ quá nên cũng khuyên ra làm giáo viên miền núi cho nhẹ nhàng hơn, cái bằng Tú Tài không xài cũng uổng.

– Con không muốn xa mẹ một tí nào cả. Vả lại, con phải lúng túng lắm nếu bây giờ phải tập nói dối.

Một buổi chiều, khi chàng từ rẫy về, đã thấy Y Yut ngồi trong nhà tự hồi nào. Hắn đứng lên lắc mạnh tay chàng, và vỗ vào vai vào lưng chàng bôm bốp. Cũng vẫn những trận cười năm nào, mạnh mẽ rõ ràng. Hai vòng tay khổng lổ xiết mạnh vào người chàng làm những khớp xương vai kêu lên răng rắc, đứng như vậy hắn cao hơn chàng tới nủa cái đầu.

– Ha ha… tao lên Đà Lạt nghe tụi nó nói mày về đây, đi hết ấp tìm hoài đâu có ra. Sau có một thằng nhỏ nó chỉ hướng này mới tìm được.

Hắn buông chàng ra và chỉ về một gùi đầy bắp dựng ở xó nhà.

– Tao biết trên này đói lắm nên cho mày một gùi bắp. Bà cụ mày cứ bảo là không cần. Làm sao mà không cần được, tao biết hết cả chứ, đây là đất của tao mà. Nhưng sao lại về đây?

– Cả thành phố mình điêu tàn, không có tới một con chó nhỏ nào mà không bị làm thịt, tao tìm việc làm hoài không ra, thế là tụi nó lùa lên đây. Mày tưởng tao mê những câu chuyện cỡi voi săn cọp của mày, hở con voi đực này.

Từ đó, thỉnh thoảng Y Yut lại tới thăm chàng. Hắn ở trong một buôn Thượng xa hơn đi từ phía ấp Tân Dân, thuộc bộ lạc còn nhiều thói quen huyền bí, nhưng cũng từng có vài người ra làm công chức hoặc quân nhân, có người còn nói được tiếng Pháp với giọng của các linh mục Bồ Đào Nha. Và cũng như người ta nói, đó là một trong những nơi phát sinh ra những  đứa con ngỗ nghịch nhất của nước Việt Nam, suỵt, đây là nói theo kiểu chính quyền Cộng Hòa ngày xưa đấy. Chứ còn bây giờ thì mấy tên Việt Công không có lối dùng chữ lịch sự như vậy, mà chỉ gọi một cách thô lỗ là bọn Fulro thổ phỉ. Nhưng cũng chẳng ai biết sự thực ra sao, vì có người quả quyết là trong những lần đi đổi gạo, có lần họ đã thấy những người lính năm nào của Tiểu Khu Tuyên Đức ẩn hiện trong buôn.

Mỗi lần Y Yut tới đều đem theo một ít hoặc bắp hoặc gạo hoặc một, hai con gà cho hai mẹ con chàng. Với màu da đen trên một vóc dáng khổng lồ, những bộ quần áo cũ kỹ bác phếch không làm mất đi vẻ uy nghiêm như một Tiểu vương Ấn Độ của hắn. Và chỉ cần nhìn thấy khuôn mặt tươi tắn đầy tự tin của tên tù trưởng cuối cùng đó chàng không bao giờ giấu được niềm vui. Trên vai hắn lúc nào cũng là chiếc gùi và trên tay là chiếc xà gạc lưỡi bén ngọt, dài ngoằng, cong vòng một đầu lại. Đôi khi hắn cho thằng em đi kèm theo, một thằng nhỏ khoảng 15 tuổi luôn luôn nở nụ cười hiền hậu trên môi, nhưng chiếc xà gạc trong đôi tay, ngây thơ đó chẳng có hiền hậu tí nào. Thằng nhỏ thuộc loại ít nói. Có lần chàng nghĩ chắc nó không quen nói tiếng Việt như thằng anh, nên thử đùa với nó bằng một câu tiếng Thượng. Nó cũng chỉ nhăn răng ra cười thôi. Y Yut thường tiếc là thằng nhỏ không có điều kiện hưởng một nền học vấn nghiêm chỉnh như hắn. Có những đêm Y Yut ngủ lại nhà chàng, những lúc đó hắn luôn luôn tới rất trễ và không bao giờ đem thằng em theo. Hai đứa lại ra kéo ghế ngồi ngoài hàng hiên uống cà phê và trà, bập bập những điếu thuốc vấn bằng ngón tay cái, nhìn về những cánh rừng đen kịt oằn người dưới trận gió đêm của cao nguyên.

– Khi tao mới về đây thì buồn thật, dần dần rồi cũng thấy nhẹ nhàng hơn. Núi rừng có một vẻ đẹp lạ lẫm mà bây giờ tao mê đấy. Nó đẹp bí mật như một người con gái mình mê mà chẳng hiểu tại sao, hoặc như khi nghe một bản nhạc mình không hiểu nhưng vẫn thích. Ở đây người ta còn nói là có ma nữa, thỉnh thoảng bà già tao vẫn thấy. Họ gọi là ma bó đuốc thì phải, vì nó thường sáng lập lòe theo hình bó đuốc…

Y Yut mỉm cười:

– Mày tin vào những điều đó không. Rồi tao phải kể thêm một chuyện cho mày nghe. Người Thượng tụi tao trước giờ vẫn ưa sống thẳng thắn, có thì nói có, không thì nói là không. Gặp chuyện gì không biết điều thì kéo nhau vào rừng lập trận, cũng là mong cho dân có một đời sống đỡ khổ hơn. Dù là phải lội suối băng rừng với chiếc xà gạc hoặc khẩu Carbine mà lòng vẫn còn nhớ tới vò rượu cần và bếp lủa dưới nhà sàn. Trong những người đi chiến đấu như vậy, khi có một người bạn nào ngã gục thì gần như bình thường dễ bị cọp moi lên ăn lắm. Họ sẽ chọn một khu rừng âm u nhất, bỏ xác người bạn người bạn tử trận đó trong một chiếc mền và đưa lên buộc nằm chặt vào một cành cây cao nhất. Và những người chết như vậy đôi khi đã trở về như một bó đuốc để soi đường cho những người bạn không ưa chuyện bất bình trên những đoạn đường nguy hiểm…

– Kỳ lạ thật, đây là lần đầu tiên mình nghe chuyện này đấy.

– Có gì đâu mà ngạc nhiên, đây chỉ là một nghi thức đơn giản và bình thường. Không ai muốn cho bạn mình bị cọp nhai xương cả. Cũng đơn giản và bình thường như chuyện ngày xưa da ngựa bọc thây. Hồi đó tao tin vào chuyện văn chương đó có thực vì tao biết còn có những nghi thức tương tự như vậy.

– Kỳ lạ thật, tao vẫn còn ngạc nhiên đấy. Thực sự thì cũng không có gì khác nhau giữa tấm da ngựa và một chiếc mền cả, có khác là ở cái gì kia thôi.

– Có những chuyện đang xảy ra hằng ngày mà mày không biết hoặc là không muốn biết. Không lẽ phải bảo là tao đã từng thấy nghi thức táng treo này rồi mày mới tin à. Chuyện không phải là khác hay giống gì cả, mà chỉ là mày có dám da ngựa bọc thậy không thôi…

Chàng đứng dậy vươn vài mà nói:

– Thôi ngủ đi. Tao muốn ngủ ngay lúc này, để còn kịp giữ lấy cái cảm giác về những cái chết đẹp như vậy.

Y Yut cũng đứng lên nhìn thẳng vào mắt chàng vừa cười vừa nói:

– Có nhiều người thích có những cảm giác đẹp, nhưng lại không dám sống cho điều mình tin tưởng. Nhưng thực sự cũng có những người biết chắc là họ sẽ bị táng treo, và ngay khi còn sống tự thân họ đã trở thành bó đuốc. Thôi đành phải chúc mày ngủ ngon vậy…

Ở ngoài trời, gió vẫn thổi ào ào không nguôi, tiếng những cành cây vặn người làm cho lá cây kêu lên xào xạc lẫn vào những tiếng hú của gió rơi lại khi qua lũng sâu. Hắn vẫn vừa mỉm cười vừa nhìn thẳng vào mắt chàng, làm chàng phải quay người đẩy cửa bước vào nhà. Hơi lạnh ùa vào theo bước chân, nhưng hắn vẫn đứng đó, dáng đứng cao sừng sững ngạo nghễ giữa hơi lạnh của đêm cao nguyên.

Một đôi ngày Chủ nhật, Y Yut rủ chàng ra Di Linh chơi. Họ thường đi một vòng quanh chợ để nhìn những người dân lam lũ đang bán vội bán vàng một cái gì đấy. Những tấm thân gầy gò của trẻ thơ và người lớn che trong những manh áo rách vá dọc vá ngang đứng lấm la lấm lét nhìn các hướng Công An, và gạ gẫm khách qua đường mua lấy một con gà cũng gầy đến còn lông và xương hoặc vài chục quả bắp còi. Những người ăn xin nằm dài trên đường chợ ướt sũng bùn, mình mẩy lở loét vì những ngày đói ăn, chìa những bàn tay ghẻ chóc quơ quơ dưới chân người đi chợ và rên rỉ những điệu khóc kỳ lạ. Những người đàn bà Thượng quấn mình trong bộ sà-rông cũ kỹ đứng ngơ ngác giữa chợ mong cho bán hết gùi củi ngo chặt lậu nơi những rừng cấm. Người cán bộ thâu thuế chợ mập căng trong bộ đồng phục đi khệnh khạng qua từng sạp, vừa phì phèo điếu thuốc lá cán vàng vừa quát tháo với giọng trọ trẹ của người Nghệ Tĩnh. Tiếng mời chào, than thở, rên rỉ lẫn với tiếng chửi thề tục tằn quyện vào làm thành một bản hòa tấu kinh khủng, chàng không có thể hiểu được làm sao người ta có thể nghe được hàng ngày. Chàng không bao giờ có đủ can đảm nhìn kỹ một hình ảnh nào trong chợ, sợ là chỉ chậm thêm một giây nữa thôi chàng có thể bật khóc được hoặc là nổi điên lên. Nhưng Y Yut luôn luôn có vẻ mặt lạnh lùng, chỉ trừ vầng trán cau lại xa xôi. Trong khi đi giữa những người ngồi đứng run rẩy ngơ ngác đó, chàng không dám mở miệng nói lời nào với bạn, sợ là hắn nghe được lúc nào đó giọng mình nghẹn lại. Còn Y Yut ở những chỗ đông người hắn rất ít nói. Và sau đó, luôn luôn hai người lại quán cà phê quen thuộc và vắng vẻ khúc gần Ngân Hàng Huyện ngồi trầm ngâm nhìn con đường đầy bụi tới trưa mới về.

Lão chủ quán có vẻ thân thiết và nể nang Y Yút lắm. Lão thường bóc nguyên một gói thuốc Đà Lạt mới ra để trên bàn mời hai người, rồi gạ chuyện hỏi thăm về giá cả cà phê hoặc trà ở nơi này nơi kia. Lão than thở về mấy cái  ghế gãy chân và mấy cái bàn xiêu vẹo sắp tới ngày thay mới.

– Thời buổi này không có tiền mua gạo ăn thì lấy đâu tiền mà thay bàn ghế chứ. Bây giờ bán đâu có lời như ngày xưa. Nội cái thuế không cũng muốn sập tiệm rồi, giá “cà” cứ lên ào ào mà buôn bán nổi. Hai cậu nhìn chung quanh mà coi, riết rồi chỉ có tụi ăn trộm ăn cướp mới sống nổi thôi. Hôm nay thằng nhỏ không đi chơi hả.

Nói “cà” tức là “cà phê.”

Sau khi nói những chuyện trên trời dưới đất một chặp, lão nhìn quanh quẩn rồi trầm giọng xuống nói nhỏ:

– Y Yut đi nhiều có nghe chuyện gì mới ở Đơn Dương không, tôi mới nghe bà con kể là mới đụng nhau dữ dội ở đó…

Bao giờ cũng vậy, lão nhắc đến chuyện phấn khởi như vậy một cách nghiêm trang như thể cần kiểm chứng nơi nguồn tin thẩm quyền là Y Yut. Hắn không bao giờ xác nhận hay phủ nhận những nguồn tin đó, mà chỉ mỉm cười nói rằng hiện nay ở Đơn Dương giá gạo đã tăng lên gấp đôi, và giá “cà” đã hạ xuống gấp rưỡi, như dường công việc kia đã có những  phát ngôn viên chiến tranh lo cả.

Khi về chàng ngạc nhiên hỏi hắn sao có vẻ biết lắm chuyện, cả đến việc giá một viên Aspirin ở những nơi cách gần trăm cây số, đó có đáng để tâm gì với loại người như hắn đâu, và cả đến việc hắn có vẻ được nhiều người tin cậy giữa thời buổi hồ nghi hỗn độn này. Tên tù trưởng bật cười và vỗ mạnh vào vai chàng:

– Thỉnh thoảng tao còn sống bằng nghề buôn cà phê hoặc thuốc tây hoặc bất cứ cái gì mà tao thích. Muốn có lời nhiều thường khi phải mang gùi cà phê lội rừng năm bảy chục cây số. Cho nên tất cả các vùng Đức Trọng, Đơn Dương, Quảng Đức đều hiện rõ trên lòng bàn tay tao. Vậy mà có người còn đồn là cả dòng họ tao mấy chục người đều là Folro. Vụ này nguy hiểm lắm…

Những ngày đó của chàng đã trôi qua một cách êm đềm giữa vẻ đẹp của núi rừng và những xao động của một xã hội không ai hiểu được đó. Những buổi trưa chàng năm nghỉ trên đồi, nhìn xuống phía dưới là rẫy bắp, nghe những tiếng chim kêu lên từ bên kia núi, và hạnh phúc thấy được sự bình an trong hồn mình đang mở ra giữa một nơi hoang vắng không người. Ánh nắng trưa len lỏi qua những kẻ lá chập chờn bay nhảy một cách dịu dàng. Một vài con sóc nhỏ đang chuyền từ cành này sang cành kia chợt ngưng lại nhìn chàng với đôi mắt mở to ngạc nhiên và tò mò. Những lúc như vậy bất chợt chàng nghỉ đến: “Cuộc đời thật đáng sợ, mình đang sống giữa một thời của những kẻ điên loạn, người ta làm đủ trò để hại nhau, để tàn nhẫn với nhau mà tin rằng mình đang làm những bước thấp nhất của lương tâm mà vẫn tự hào đang ở tận đỉnh cao trí tuệ loài người. Hôm nay là những ngày của dốt nát và dối trá, nhưng còn ngày mai, ngày mai sẽ là những ngày gì nhỉ. Con người thật đáng sợ, chỉ có thiên nhiên mới thực sự là tuyệt diệu. Lời nói của con người đã trở nên những cạm bẫy giữa người với người, nhưng còn tiếng chim kia, lời chim chỉ mang tới sự bình an, sự hạnh phúc, sự tin cậy”. Đôi khi chàng lững thững đi xuống dòng suối nhỏ dưới lũng để tắm rửa. Dòng nước trong veo uốn mình qua những chân đồi, vỗ vào những tảng đá nhẵn thín và tung lên bọt nước trắng xóa. Chàng ngồi đong đưa ngâm đôi bàn chân dưới nước để nghe sự mát lạnh ngấm vào thịt da. Có lúc chàng chợt nhìn xuống dòng nước và nhận ra khuôn mặt tóc râu lười lỉnh của mình có một vẻ bình an đáng ghét so với nét mặt của Y Yut mà một đôi khi chàng nhận ra vẻ bất an, đau khổ hoặc ưu tư xa vắng nào đó thoang thoảng sau những nét cương nghị của hắn. Và cả những nóng nảy của hắn bộc lộ trong những cơn giận mà chàng cũng phải nhận là chính đáng. “Mình vói hắn rõ ràng tương phản nhau hẳn thôi. Trong khi mình tìm hưởng sự trong sạch của lòng mình, giữa vẻ đẹp của thiên nhiên, tự hào với sự cách biệt của mình, thì hắn lại dấn mình vào lửa bụi đem sự hào sảng vương giả chống trọi với gian trá. Có phải mình đang tự nhốt trong một tháp nhà để chạy trốn chính sự hèn nhát của mình? Hình như ngay từ từ nhỏ, hắn luôn luôn có một điều gì đó để dạy mình, cả đến bây giờ nữa. Nếu mình không có trách nhiệm với mẹ già, mình có dám sống nghênh ngang một cõi núi rừng để cười tận mắt lũ điên loạn kia cho cạn hết máu me xương tủy như hắn không…”. Chàng không dám nghĩ xa hơn khi nhận ra có một chớm bồn chồn nảy sinh trong hồn mình…

Lần đó suốt một tháng Y Yut không tới với chàng. Khi chàng vào ấp để mua thuốc rê và nước mắm, một vài người thì thầm với chàng là tuần trước Di Linh đã bị quân Kháng Chiến chiếm suốt 24 giờ đồng hồ. Khi họ ra chợ Huyện, những người dân sống trong thị trấn may mắn kia đã cho họ biết những chi tiết về cái ngày mà ai cũng chờ đợi đó. Một ông cụ kéo chàng vào ngôi nhà tranh xiêu vẹo của ông và say sưa nói về những gì ông đã nghe, về những đoàn quân với y phục đủ kiểu cũ kỹ rách nát, ôm những khẩu súng đủ loại, chạy lom khom băng mình từ góc phố này qua góc phố kia giữa những lằn đạn rít veo véo kinh người, và những đợt xung phong vào Đồn Công An Huyện dưới những đợt cối 60 ly và đại liên M.60 của đơn vị súng nặng phía sau như thế nào. Ông cụ lấy tất cả những thứ đang nằm trên bàn, cái ly, bình thuốc lào, gói thuốc… sắp lại thanh đơn sơ đồ Huyện và lập sa bàn chiến trận cho chàng thấy. Chuyện như huyền thoại. Giọng nói yếu ớt của ông cụ nhưng dồn dập sôi nổi làm chàng vui vẻ lạ. Nhưng khi ông cụ bắt đầu nhắc tới những câu sấm từ đầu từ đầu thế kỷ và phân tích dài dòng vể sự xuất hiện của Thánh Vương, thì chàng khéo léo xin phép ra về. Trên khuôn mặt những người dân trong ấp đã hiện lên vẻ vui tươi bí mật nào đó, người ta cười với nhau dễ hơn, truyền cho nhau những niềm vui bằng những cái nháy mắt, hoặc cử chỉ nào đó.

Khi về, chàng cảm thấy hoang vắng lạ lùng, một niềm vui đã đến và làm người chàng nhẹ nhẹ thênh thang, nhưng cùng lúc đó là một nỗi ân hận mênh mông tràn ngập vào người, khi bấy giờ nhận ra rằng trước giờ mình vẫn thèm muốn có mặt trong hàng quân đó, mà vẫn luôn chạy trốn những suy nghĩ thực của mình”. Y Yut, bạn đang ở đâu bạn nhỉ, một tháng rồi đấy, mình nhớ khủng khiếp, bạn đã quá độ lượng với mình, bạn đã không nói những điều phải nóivới mình, đáng ra bạn phải nặng lời với mình, thực sự mình chỉ là một thằng tồi, một thằng chết nhát”.

Chủ nhật đó, chàng ra chợ Huyện Di Linh và lại vào quán cà phê vắng vẻ của ông lão ưa than thở. Lão có vẻ ngạc nhiên khi thấy chàng chỉ đi một mình, nhưng vội đứng lên kéo chàng ngồi vào bàn trong cùng. Giọng lão thì thầm sôi nổi:

– Hôm nay Y Yut không ra ngoài này chơi hả?

– Hôm nọ mấy người anh em chơi một cú đẹp quá. Giờ này chắc tụi nó còn sợ toát mồ hôi đó. Không có một chỗ nào mà không nổ. Tôi còn nhớ rõ từng chi tiết một. Anh nhớ dặn hai anh em Y Yut đừng ra Di Linh nữa, người ta nhận diện rồi đấy. Hôm ấy tôi chỉ thấy thằng em thôi. Nó với một tên Thượng nữa leo lên nóc Ngân Hàng Huyện nằm chỉa súng xuống đường gác. Trời ơi, còn anh em Kinh mình nữa, ấy sao tôi lại kể nhăng nhện thế này nhỉ, không chừng hôm ấy anh đứng ở đâu đấy mà không ai thấy…

Chàng thoáng thấy chút hãnh diện cay đắng:

– Đừng nói tầm bậy, ông thầy. Thôi tính tiền để tôi đi.

Lão bứt rứt, nói lắp bắp:

– Ây, sao tính tiền được. Lâu lâu gặp anh tôi mời mà – Lão trầm giọng xuống – Nhớ cho tôi gởi lời thăm anh em Y Yut nhé.

Chàng đặt vội tờ giấy bạc xuống và bước nhanh ra đường. Một toán Công An áo vàng đang chận xe đò nơi đầu phố vào Di Linh, mặt mũi quạu quọ bước lên từng  xe, nhìn kỹ mặt từng người một rồi lục tung từng giỏ xách, ném qua cửa sổ những gì mà chúng thấy không vừa ý lăn lóc xuống đường. Một vài thanh niên không giấy tờ ngồi co ro dưới gốc cây chờ bị giải di, phía sau là một tên Công An đứng chỉa lăm lăm khẩu AK mặt đanh lại. Xa hơn nữa là một tốp Kiểm Soát Quân Sự đứng nhìn người qua lại.

Dân chúng đi vội vã trên phố, mặt lạnh như tiền dửng dưng nhìn về phía trước, nhưng trong những đôi mắt nhăn lại vì cơ cực đã không  giấu được vẻ khoái trá. Trong không khí như dường có một luồng điện làm vui hơn những ngày của họ.

Vài hôm sau Y Yut đến với chàng, bây giờ đã khuya thật khuya. Hắn không mang chiếc gùi và cây xà gạc như thường lệ, mà mặc một chiếc áo field-jacket nhà binh bốc mùi cũ kỹ và xách khẩu M16 gọn gàng trong đôi tay khổng lồ. Hắn kéo chàng ra ngoài, ánh đèn dầu hắt ra làm hiện lên nụ cười muôn thuở, thân mật và hào sảng. Y Yut phất mạnh tay làm tắt đèn rồi thì thầm bảo chàng theo ra góc rừng nói chuyện.

Gió đêm thổi ù ù vào tai, hơi lạnh từ vách núi và cây rừng ngấm vào làm chàng se thắt cả thịt da. Tiếng côn trùng rả rích dưới cỏ vang lên khắp hướng. Họ dò dẫm đi trong bóng đêm và ngồi xuống một góc rừng gần nhất nhìn được về hướng ngôi nhà. Hắn còn nói nhỏ với chàng, giọng ân cần nghiêm trang, không còn giữ được tiếng xưng hô mày tao trong lời và nhìn thẳng vào mặt nhau như thể bóng đêm không che được chân dung của bạn mình:

– Bây giờ, anh em đang cần tới bồ giúp chút chuyện.

– Được, mình không từ chối bất cứ điều gì bạn bè yêu cầu nói chi tới những việc đáng làm như vậy…

Chàng đã trả lời với giọng nhỏ và rõ ràng. Đây là lần đầu tiên trong đời, chàng và Y Yut nói chuyện với nhau va không giữ được tiếng xưng hô mày-tao trong lời. Hai anh em nhìn thẳng vào mắt nhau trong bóng đêm như đang nói chuyện với một con người mới vừa được sinh ra trong bạn mình. Giữa hơi lạnh cắt da của đêm cao nguyên, họ nghe được hơi ấm trong giọng nói bạn mình như dường được thốt lên từ những nụ cười.

Chàng bắt đầu công việc từ lúc đó. Với bộ giấy tờ nửa giả nửa thật từ một cơ sở trên chợ Hòa Bình, chàng trở thành một cán bộ của công ty dược phẩm Đà Lạt. Mỗi tuần chàng về chơi với mẹ ngày Chủ nhật như những công nhân viên khác của chàng là những ngày để nhìn thấy tận mắt lòng can đảm của mình và cả nhiều khi là những tình cảm run sợ của mình. Sau vụ Di Linh, một số anh em bị lộ diện nên phải rút vào rừng. Điều này làn cho nguồn cung cấp thuốc tây bị ảnh hưởng. Chàng có nhiệm vụ từ các cơ sở còn lại chưa bị động từ Sài gòn dọc lên Đà Lạt tổ chức lại đường dây này. Vấn đề quan trọng là làm sao trong trường hợp có người nào bể, chỉ có thể bị kết tội buôn lậu chứ không thể bị nghi ngờ xa hơn.

Chàng đi ra thản nhiên như thường lệ, nhưng thực sự có chút gì lo ngại đã đến. Đụng nhau là chuyện thường thôi, nhưng với những người bạn mới người Rhađê ở đó mà đụng lớn là chưa nên. Còn Y Yut nữa, hắn đang ở đâu, lâu lắm chàng chưa có dịp gặp hắn. Hẳn là hắn phải nóng ruột lắm, hắn không có thói quen bỏ một người bạn nào trong nơi nguy hiểm cả, huống  gì tới anh em Rhađê vừa chiêu nạp về Buôn Hô.

Một buổi tối Chủ nhật, lúc bấy giờ đã khuya thật khuya, đứa em của Y Yut tới chàng. Thằng nhỏ từ bóng tối hiện ra trước mặt, nắm lấy tay chàng và không nói không rằng kéo đi dò dẫm vào góc rừng. Nơi đây có một người đang chờ sẵn, hắn bắt tay chàng và siết chặt, đúng là một cái bắt tay của người Kinh ở thành phố. Thằng em Y Yut nằm lăn ra cỏ, kéo khẩu M16 gác lên đùi chỉa về hướng ngôi nhà và con đường mòn.

– Y Yut đã chết rồi…

Gió vẫn thổi lạnh buốt cả tim. Chàng nắm chặt bàn tay lại, những ngón tay bấu chặt vào lòng đất siết lấy cỏ và cát. Thằng em Y Yut nấc lên một tiếng ở bên kia. Chàng cố lấy giọng bình thường, nhưng lời đã lạc hẳn đi và nghẹn lại.

– Xin anh cho biết rõ hơn.

Chàng nghe mơ hồ từng lời của người bạn kia. Có vì sao nào đã tắt đêm qua và tất cả các trăng sao đêm nay đã cùng nhắm mắt lại để không phải nhìn thấy nỗi đau đớn của mình. Người bạn kia vẫn kể lại, lời vẫn bay lên xa kia về khắp các chân trời đã trở nên xa lạ. Kỳ trước, Y Yut đưa anh em Rhađê từ Ban Mê Thuộc về Buôn Hô cho anh em sĩ quan mình huấn luyện rồi lại về Quảng Đức ở với lực lượng sắc tộc ở đây… Chàng đang nhìn thấy ngọn núi Voi chẻ ra làm đôi và gã tù trưởng lạ lùng đã lừng lững đứng lên rời cuộc chơi đi vào hang núi… Khi có tin tình báo từ Quảng Đức là ở đây tụi nó hành quân hỗ trợ cho một cuộc tấn công lớn vào Buôn Hô, Y Yut cấp tốc kéo một đại đội chạy về mong tiếp cứu anh em… Rồi ngọn núi Voi đã khép lại chỉ còn tiếng chiêng cồng từ các khe núi vang lên, rừng cây cũng mọc cao thêm nghìn thước để che lấy đứa con… Người ta kể là Y Yut nóng ruột lắm – giọng người bạn vẫn mơ hồ thoảng đi trong gió – bấy giờ tôi là người huấn luyện ở đây. Y Yut đã tới kịp, anh ta đã cho quân chạy suốt khoảng đường không nghỉ, đúc là một kỷ lục đáng sợ, chưa ai dám cho quân chạy trong rừng như vậy, người Thượng rất khỏe, vậy mà cũng có một hai anh em muốn lăn ra xỉu… Kia là một ngàn con voi đang quỳ xuống giữa rừng già để chờ con voi chúa rống lên tiếng trống cuối cùng, rồi hân hoan chạy sâu vào rừng thẳm, ôi con voi chúa mà đôi lần chàng là bạn… Trận chiến diễn từ chiều đến tối, tụi nó xua quân vào nướng không hở một giây nào cả. Mình phải cận chiến, thật chưa ai chiến đấu như anh ta. Đêm xuống thì mình rút… Có trận cười hào sảng của hắn từ đỉnh núi vọng xuống, thật chưa ai cười được như vậy… Y Yut bị thương từ sợi tóc cho tới móng chân, khắp người là máu và máu nhưng không rên rỉ một tiếng nào cả. Chúng tôi phải thay nhau dìu anh đi… Chàng quay mặt nhìn ngang đi nghe từng giọt lệ ứa ra làm ấm đôi gò má. Có tiếng nấc bên kia của thằng em… Anh ta hôn mê nhiều chập trên đường về, trước khi chết có chỉ lên một cành cây xin táng treo. Tôi xin đem anh về trại, nếu có chuyện gì thì sẽ táng bình thường như những người lính Kinh, nhưng anh lắc đầu từ chối. Tất cả những anh em Thượng quỳ xuống bên xác anh và khóc… Rừng cây dần biến thành sa mạc, vó ngựa cuốn tung bụi mù trời cất tiếng rống tìm người kỵ binh rồi mệt mỏi nằm xuống trên đồi cát giữa trận gió mùa xưa thổi về. Và da ngựa đã bọc thây, không một lời, không một lời của sa mạc… Khi buộc xác anh tất cả chúng tôi đều khóc, không ai dám ngẩng đầu nhìn anh đang từ từ lên cao. Tất cả các buôn Thượng đều đốt lửa lên, đánh chiêng cồng và gọi tên anh mà khóc, từ người già trán nhăn má hóp đến em bé vừa biết xách xà gạc theo mẹ vào rẫy. Chàng như không nghe được nữa. Biết anh là bạn thân của Y Yut nên…

Chàng quay qua ôm lấy đứa em của Y Yut, sương đêm buông xuống lạnh khắp lũng đồi. Gió thổi ào ào như bất tận. Ngày rồi sẽ qua đi, đêm rồi sẽ qua đi, nhưng có những khuôn mặt sẽ mãi in đậm trong chàng. Có những người dù chỉ gặp được một ngày nhưng chàng sẽ không quên suốt một đời, dù chỉ nói một lời nhưng chàng sẽ mang ơn suốt một đời… Ở ngoài xa kia vẫn chưa có vì sao nào mọc lên, chàng ghì chặt lấy đứa em của Y Yut giữa bóng đêm.

Phan Tấn Hải

(Trích: Cậu Bé và Hoa Mai)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search