T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 196)

 

clip_image002

 

Về hai câu thơ

Hai câu thơ:

“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi”

Nguyên thủy là của Trần Danh Ánh thời Lê Mạt:

Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh

Trùng phong khâm tử hộ dư hương

 

Chữ nghĩa làng văn

Lỗ Ban, còn gọi là “cung ban” là thợ mộc danh tiếng người nước Lỗ thời Xuân Thu, sau được tồn làm tổ nghề mộc.

Tương truyền khi làm nhà cho ai, Lỗ Ban thường dán bùa trừ tà cho gia chủ hay ngược lại, ếm nhà gia chủ cho điên đảo sau này.

Bùa ấy gọi là bùa Lỗ Ban.

(Bút Chì – Hiểu đúng thành ngữ, tục ngữ, điển tích)

 

Người Việt phát minh ra giấy…?

Năm 2006, trên mạng lưới, trang của đài phát thanh Bắc Kinh (phần tiếng Việt) vừa tiết lộ cho biết qua sách “Bách Việt hiền chí – Lĩnh Nam di thư” thì Thái Luân, một người Việt làm quan cho triều đại nhà Hán đã phát minh ra giấy viết và được gọi là “Giấy tước hầu Thái” nhưng bị người Tầu nhận là do người Tầu làm ra.

clip_image004

Tuy nhiên, qua bài tường thuật có nhiều chi tiết cần xem lại. Như:

– Xưa, người Tầu sống trên sông Dương Tử mới là người Tầu nguyên thủy. Còn những dân du mục sống phía dưới sông Dương tử là man di hay “Bách Việt” với cả mấy chục sắc dân khác nhau (trong đó có người Lạc Việt hay người Việt ta bây giờ).

– Bài tường thuật không sáng tỏ, gần như hiểu theo nghĩa nào cũng được với người Việt theo Lĩnh Nam di thư của sử gia Âu Đại Nhậm là Việt của Câu Tiễn hay…An Nam (Việt Nam).

(Vì ít nhất có hai học giả thời danh người Việt gần đây cho là vua Thần Nông (bên Tầu) và Lão Tử người nước Sở cạnh nước Việt (Câu Tiễn) là người…Việt Nam ta).

– Với Lĩnh Nam di thư, theo Lĩnh Nam chích quái thì Lĩnh Nam thuộc Tầu.

clip_image006

Không thấy nói gì đến Tây Thi, Phạm Lãi là người Việt? Quái thật!

(Trần Lam Giang – “Bách Việt hiền chí – Lĩnh Nam di thư”)

 

Triết lý củ khoai

Lúc bé, tưởng thành người lớn là lớn, bây giờ có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn, và đến khi thật sự thành người lớn thì người ta sẽ biết không bao giờ bé trở lại được.

 

Trống tầm bông

Trong bài Hát cô đầu của Tú Xương có những câu:

Nhân sinh quý thích chí

Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu

Nợ công danh thôi thế cũng xong

Chơi cho thủng trống tầm bông

Nhân sinh quan của ông Tú là “Nhân sinh qúy thích chí” hiểu là người ta ở đời sống sao cho thỏa chí bình sinh thì thôi. Uống rượu xem hoa mài cũng chán, chẳng có gì hơn là…nhắm rượu và…ngắm hoa thật.

Còn trống tầm bông là trống hai mặt, giữa thắt lại. Đánh lên kêu nhẹ là “tầm”, kêu nặng là “bông”.

(Hoàng Hải Thủy – Đàn bà thời xưa…)

 

Om

Om: tối, thẫm

(tối om, xanh om)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Ngã tư quốc tế

Nhà tôi trước ở trong hẻm 192 đường Ðề Thám, băng qua đại lộ Trần Hưng Ðạo là tới ngã tư Ðề Thám và Bùi Viện tức Ngã Tư Quốc Tế. Thuở tuổi thiếu niên, tôi được cha tôi giao nhiệm vụ đi mua la de và đồ nhậu mỗi khi cha tôi có khách tới nhà. Lúc học các năm cuối trung học đệ nhị cấp thì tôi nhào vô quán cơm bình dân Anh Vũ ngay góc ngã tư làm một bữa ăn trưa có đầy đủ món canh món mặn và trà đá mà chỉ tốn có năm đồng bạc.

Tới khi đi lính rồi, tôi cũng còn la cà khu đó để ngồi nhậu với bạn bè lính tráng với nhau, các quan uống rượu mạnh Rémy Martin, Johnny Walker. Lính nghèo chỉ nhậu la de Con Cọp. Tôi hay nhậu ở đường Bùi Viện, Ngã Tư Quốc Tế, xế xế đàng sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo đại lộ Trần Hưng Đạo Quận Nhì Sài Gòn. Dọc hai bên con đường Bùi Viện từ đường Ðề Thám trở đi về hướng đường Cống Quỳnh, cứ chiều đến là các quán nhậu kê thêm bàn ghế ra tận lòng đường để đón khách nhậu lính cũng như dân.

(Nhậu – Phan Hạnh)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tại sao gọi là phụ nữ mà lại không có… phụ nam?
Câu trả lời: Tại vì con gái chỉ là phụ thôi!!!

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Tết Đoan Ngọ

Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ được coi trọng, xếp vào hàng thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Vì vậy các cụ thường nói “Mồng 5 ngày Tết”. Học trò tết thầy, còn rể tết bố mẹ vợ… quanh năm  cũng chỉ tập trung vào hai lễ Tết đó.

Tết Đoan Dương còn nhiều tục lưu truyền đến nay; sáng sớm cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì giết sâu bọ bằng cách uống rượu (hoà ít tam thần đơn) hoặc ăn rượu nếp. Trẻ em giết sâu bọ xong khi còn ngồi trên giường, rồi rửa mặt mũi, chân tay xong bắt đầu nhuộm móng tay móng chân, đeo chỉ ngũ sắc. Em gái đến độ tuổi xâu lỗ tai cũng chọn ngày này mà xâu. Vì là đoan ngọ nên lễ cúng gia tiên phải cúng vào giờ ngọ (buổi trưa). Tục hái thuốc mồng năm cũng bắt đầu từ giờ ngọ, đó là giờ có dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể. Tuy vậy, nhân dân ta quen dùng thảo mộc chữa các chứng bệnh, biết phân biệt loại có độc, chẳng hạn lá ngón, cà độc dược, lá sắn… dẫu người nặng đầu óc mê tín cũng chẳng dám hái. Ngược lại, các cây cỏ chữa bệnh thông thường có tác dụng trừ phong ích khí thì hái nhiều hơn như ích mẫu, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi…

 

Chữ nghĩa làng văn…hàng xóm

Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử (1)

Từ chuyện thầy trò Khổng Tử mắng mỏ nhau là chuyện hư cấu với thật giả khiến người đọc thấy vị trí của Khổng Tử không còn tôn quý nữa. Nam hoa kinh còn rất nhiều đoạn để cho thầy trò Khổng Tử tư duy theo lối tư duy của Đạo đức kinh. Tức là chính họ phủ nhận triết lý Nho giáo của chính họ khiến cho người đọc có cảm tưởng Khổng Tử chỉ có danh hão mà thôi.

(Tiến tình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ (4)

Câu đối

Tương truyền rằng vợ ba Cai Vàng khi xưa, hồi còn con gái tên là cô Miên, có ra một vế đối kén chồng: Cô Miên ngủ một mình.
Cô là một mình, miên là ngủ. Cô Miên lại là tên.
Câu cô miên ngủ một mình trên kia ra đã lâu không ai đối được, mãi sau này mới có Cai-tổng Thịnh, tức là Cai Vàng, đến đối: Tổng Thịnh tóm nhiều đứa
Tổng là tóm, thịnh là số đông, lại cũng là tên.
Vế đối có vẻ bông đùa nhưng lại chỉnh, nên cô Miên ưng thuận lấy ông Tổng Thịnh, dù là phải làm lẽ thứ ba. Đến khi Cai Vàng trong một cuộc giao tranh với Pháp, bị trúng đạn bỏ mình, bà ba có câu đối khóc:
Chị thưa chị, một tiếng đùng, kiếp phù sinh ông lớn đã xong rồi, trị mà chi, loạn mà chi, ngơ ngẩn sống thừa, em với chị.
Con ơi con, ba đời dõi, gương thế phiệt chúng bay coi lấy đó, vinh là thế, nhục là thế, ngậm ngùi chết điếng mẹ cùng con …
Hạ đến chữ chúng bay thì rõ là giọng “bà tướng” có cái hùng khí coi thiên hạ như rơm rác. Có bạn cho đôi câu đối này là của vợ lẽ ông Cung Khắc Đản, xin khi vào đây để tồn nghi.

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà nhảy ổ

(những thứ…ngon)

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

 

Phượng ta, phượng tây

Tên cây phượng vĩ là chữ ghép Hán Việt. “Phượng vĩ” có nghĩa là đuôi của con chim phượng. Phượng vĩ là tên thường thấy trong văn chương là phượng ta.

Tên phượng tây là tiếng dùng để gọi một loại phượng khác, loại nầy cao chỉ mới quá đầu người. Đây cũng là loài cây mộc, nhưng cành và thân nhỏ, bông cũng mọc chùm, cánh hoa màu đỏ, viền vàng. Những bông hoa phía trong thì đã nở trong khi những bông hoa đầu ngọn còn búp. Loại phượng nầy thường được trồng trong sân các đình, chùa, miếu, để lấy hoa chưng trên bàn thờ.

Tuy nhiên, loại nầy không phổ biến như hoa phượng. Trong một cuốn sách của ông Nguyễn Tường Bách, người gốc Huế, cũng cho biết rằng loài phượng vĩ gốc gác từ Madagascar. Pháp đô hộ Madagascar trước, sau đó tới các nước Đông Dương.

(Hoàng Long Hải – Phượng)

 

Tiếng Việt trên net

hah = hả
hỉu = hiểu
huh= hở

(Nguồn: Gio-o.com)

 

Cây hương, cây nhang

Cây hương hay cây nhang là một cái nóc con hay bệ xây dứơi mái nhà, hoặc ở trước sân nhà, hay trong vườn để thờ thần sao của chủ nhà.

(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Tam Thiên Tự

(Ba nghìn chữ)

clip_image008

“Thiên trời Ðịa đất. Cử cất Tồn còn. Tử con Tôn cháu. Lục sáu Tam ba. Gia nhà Quốc nước. Tiền trước Hậu sau. Ngưu trâu Mã ngựa. Cự cựa Nha răng. Vô chăng Hữu có. Khuyển chó Dương dê. Quy về Tẩu chạy. Bái lậy Quị quỳ. Khứ đi Lai lại Nữ gái Nam trai. Ðái đai Quan mũ. Túc đủ Ða nhiều. Ái yêu Tăng ghét. Thức biết Tri hay. Mộc cây Căn rễ. Dị dễ Nan khôn. Chỉ ngon Cam ngọt. Trụ cột Lương rường. Sàng giường Tịch chiếu. Khiếm thiếu Du thừa, v…v…”

(Viên Linh – Những ông thầy thời niên thiếu)

 

Viết hoa (5)

Những tựa đề của các tác phẩm nghệ thuật, văn hóa, văn học được xem là ngoại lệ và phải được viết hoa tất cả các âm tiết, trong mục đích gây chú ý nơi người đọc. Thí dụ như:
tên sách: Việt Nam Sử Lược, Gánh Hàng Hoa…, tạp chí Nghiên Cứu, Giai Phẩm Xuân Canh Dần…

(Viết hoa hay không viết hoa? – Mathilde Tuyết Trần)

 

Văn chỉ, từ chỉ

Văn miếu là một ngôi đền thờ Khổng Tử với chư hiền đệ tử của Ngài, xây dựng ở các tỉnh lỵ. Đấy là đền Văn học. Ở phủ huyện thì gọi là Văn chỉ. Ở tổng, xã thì gọi là Từ chỉ.
(Văn hóa đình làng – Nguyễn Đăng Thục)

 

Gà mở cửa mả (8)

Theo phong tục xưa khi chôn ai được ba ngày thì rước thầy cúng

Lễ mở cửa mả. Lễ vật ngoài hương đèn, hoa quả còn bộ tam sên:

– Trứng, con cua luộc và miếng thịt ba rọi

– Và một con gà mái còn sống.

Con gà này được buộc giây vào một chân rồi dắt đi quanh mả.

Sau đó thả gà cho đi đâu thì đi. Gà phải đợi làm lễ, vừa bơ vơ,

vừa mệt nên ngơ ngơ không biết đi đâu nữa.

Ngụ ý câu thành ngữ trên chỉ những người lúc nào cũng ngơ

ngơ, ngác ngác như…gà mở cửa mả.

(Việt Chương – Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search