T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: HỒI CHUÔNG BUỔI SỚM

Chuông báo tử – Ảnh: Lưu Na

Đó là một ngôi nhà thờ nhỏ, nằm ở ngoại ô Sài Gòn về hướng Đông Bắc 15 cây số. Tên của ngôi nhà thờ sẽ được giữ kín trong truyện này vì lý do an ninh của những người liên hệ. Tuy nhiên, tất cả những người dân từng sống ở khu vực Đông Bắc Sài Gòn đều biết nhiều ít về chuyện này. Có khi họ kể lại chuyện này theo một hình thức nào đó, thì họ gọi là “Hương thơm của một vị thánh”. Có khi họ kể lại dưới hình một hình thức khác gọi tên là “Bí mật của chàng trai can đảm”. Nhưng tôi sẽ viết lại đây một cách trung thực những gì đã xảy ra và chỉ gọi đơn giản là “Hồi chuông buổi sớm”.

Ngôi nhà thờ nhỏ đó với những vách bằng gỗ, lợp mái tôn và một tháp chuông cao khẳng khiu, đơn sơ và cũ kỹ mà cha xứ thường mặc. Trước nhà thờ là một vuông đất nhỏ trồng một loại hoa mà không ai biết tên cả ông từ giữ nhà thờ và chăm sóc nó hàng ngày. Kể cả những cậu bé vẫn thường đến chiêm ngưỡng và đôi khi nghịch ngợm với loài hoa đơn sơ ấy, đến khi trở thành các nhà sinh vật học kính trắng về thăm nhà thờ với những chồng sách đồ sộ vẫn luôn luôn ngạc nhiên về loài hoa ấy. Có lần một trong những nhà bác học đáng kính ấy đã thì thầm vào tai ông từ già một giả thuyết là có lẻ loài hoa đơn sơ và khiêm tốn ấy đã do những hạt giống ẩn kín nơi rừng sâu mà loài chim nào đó đã mang đến từ một mùa trốn lạnh. Sau đó, tất cả giáo dân đều cũng đã được ai đó rỉ tai như vậy. Và mọi người đều tin như vậy.

Quanh đó là những sân đất trắng nhẵn thín vì chân cảu người đi lễ và những cậu bé trong xứ đạo tới giỡn vào mỗi buổi chiều. Từng thế hệ bé con này rời xứ ra đi, lại lại có những thế hệ khác mới lên in thêm những bước chân bé con vào chiếc sân trước nhà thờ. Thời gian đã xô đến từng thế hệ chạy giỡn, đùa nghịch, nhảy múa trươc sân vẫn bất động và trầm lặng như ngôi nhà thờ nhỏ va giòng sông cạnh đó.

Gần ngôi nhà thờ là nhà của hai chàng trai nhỏ. Người anh tên Hiến, người em tên là Nguyên. Mẹ của họ đã mất từ lâu. Người cha là một thiếu tá Thiết giáp, đôi khi mới về thăm nhà một lần. Mỗi khi chiếc xẻ Jeep của ông ngừng trước cổng và bấm lên những hồi còi tin tin thì hai chàng thanh niên lại ùa ra, cười nói và ôm lấy vị thiếu tá ấy với những món quà miền xa của ông kéo lên thăm cha xứ. Hẳn là những ngày thơ ấu của vị sĩ quan ấy cũng từng được chia xẻ như hai cha con những ngày yên ả trước sân chơi nhà thờ ấy.

Vào năm 75, Hiến được 20 tuổi, còn Nguyên thì 15 tuổi. Vị Thiếu tá kỵ binh đã vào trại cải tạo. Hiến phải bỏ dở năm thứ hai trường luật để xoay sang nghề sửa đồng hồ. Hai anh em phải sống khép kín hơn nữa, vì gần nhà họ và cũng là gần nhà thờ đã mọc thêm một đồn Công an phường.

Vào mỗi buổi chiều, sau khi đi làm về nhà và chờ Nguyên sửa soạn cho buổi cơm tối, Hiến ôm đàn ra ngôi chơi trên chiếc băng ghế bên sân nhà thờ nhìn xuống giòng sông. Những tia nắng chiều vàng lấp lánh cuốn theo những gợn sống lặng lờ trôi đi dưới chân chàng một cách bình an. Ông từ vẫn thường ra ngồi nghe chàng đàn những bản nhạc cổ điển. Và đôi khi cha xứ cũng đến ngồi bên cạnh. Có một lúc, trái với bản tính trầm lặng, cha xứ cũng đã thốt lên lời khen ngợi tài đánh đàn của chàng:

– Cha thấy con đàn hay lắm.

– Vâng thưa cha. Người ta cũng thường nói như vậy. Nhưng con không thấy hài lòng chút nào.

– Cha tin rằng âm nhạc có một sức mạnh có thể làm con người tốt hơn.

– Con chưa thấy con đàn hay lắm. Con đôi khi cũng tin là âm nhạc có thể làm con người tốt hơn, nhưng thường thì con thấy trần gian đang càng lúc càng xấu đi.

– Vào ngày cuối của lịch sử rồi con sẽ đồng ý với cha.

Cha xứ đứng lên và quay vào nhà thờ. Dáng gầy gò của cha tô đậm thêm màu áo đen vẻ khắc khổ. Mái tóc trắng bay bay trong gió chiều như những lọn mây trắng một hôm nào đó đã vướng phải vầng trán thánh thiện của cha và không rời đi nữa. Ông từ già thì thầm với Hiếu:

– Cha là một ông Thánh đấy. Có đêm, bác giật mình thức dậy và ngạc nhiên khi thấy phòng cha sáng rực lên và như có tiếng nhạc thoang thoảng trong phòng. Khi bác đến thì chỉ thấy cha đang quỳ trước bàn thờ Chúa cầu nguyện trong im lặng của bóng đêm. Không còn chút ánh sáng hoặc âm nhạc nào cả.

– Cháu tin như vậy. Cháu vẫn nghỉ tới hình ảnh của Thánh Phan Xi Cô khi nhìn dáng dấp của cha. Có lần cháu đã thấy một đàn chim bay xuống quanh quẩn dưới chân cha.

– Và nó chỉ bay lên sau khi cha đã ban phép lành, phải không?

– Cháu không nhớ có điều đó hay không. Cũng không nhớ cha đã làm gì hay có nói gì với chúng không. Cháu chỉ nhớ là nắng buổi chiều hôm ấy rất đẹp. Nhưng chắc chắn là loài chim không nhầm lẫn như con người.

Có lần Hiến đã kể lại chuyện đó cho Nguyên nghe. Cậu bé rất ngạc nhiên tại sao ông anh lại biết chuyện đó trễ như thế.

Anh cũng biết là em mỗi buổi sáng đều đi lễ sớm. Ngay buổi sáng sau khi xảy ra chuyện ấy, ông từ đã kể lại cho em nghe rồi. Em cứ nghỉ là anh biết từ lâu rồi chứ.

– Làm sao anh biết được nếu em không nói.

– Em thấy anh lúc này như có vẻ ít nói và trầm tư hơn, nên em cũng ngại ngại. Có một đêm em bước vào nhà tờ và nghe rõ từng lời kinh Hòa bình của Thánh Phanxicô vang lên từ từng vuông gạch lát. Lúc đó em thấy cha đang quỳ nhìn lên tượng Chúa. Nhưng khắp bốn bên tường và dưới  từng vuông gạch lát vẫn vang lên đều đặn và nho nhỏ từng lời kinh đó. Khi em bước ra ngoài sân thì lời kinh Hòa bình vẫn còn bay thoang thoảng trong từng cánh hoa trước sân.

– Anh thèm được như em hay ông từ. Có lúc anh mơ ước cả đời chỉ muốn làm người kéo chuông nhà thờ. Chắc là hạnh phúc lắm nhỉ!

Nguyên đi học một buổi và buổi còn lại tủ đồng hồ phụ việc cho anh. Tủ đồng hồ đặt gần một nhà ga xe lửa tuyến Nam Bắc nên có rất nhiều việc để làm. Thỉnh thoảng có những bản học cũ của Hiếu tới thăm và họ kéo nhau ra một quán cóc cạnh đấy để uống cà phê. Chàng thường giải thích với em lý do chính của những cuộc nói chuyện đó là để tập cho em có thể quen dần với việc tự xoay sở trong công việc. Nhưng Nguyên không bao giờ hỏi thêm một điều gì khi nhìn thấy những nếp trán ưu tư với những khuôn mặt phong sương chóng già ấy. Chỉ có một lần, Nguyên hỏi những chàng sinh viên mới của vỉa hè đấy:

– Có lúc em tự hỏi bao giờ em sẽ phải nghỉ học như các anh nhỉ? Không biết em phải làm gì cho có hứng thú?

– Anh nghĩ – một người bạn của Hiến trả lời với cái nhún vai – nếu anh phải ôm cái tủ đồng hồ giữa các nhà ga bẩn thỉu, hỗn loạn, cướp ngày cướp đêm thế này đến cuối đời hẳn là anh tự tử mất.

Hiến xô người bạn ra:

– Các cậu về đi để tớ làm việc. Tớ thấy các cậu không biết cách nói chuyện với con nít tí nào cả. Đáng lý ra phải bảo thằng bé đừng đi tìm những lời khuyên vớ vẩn. Chỉ có một điều duy nhất có giá trị là phải vắt cho cạn máu của tim ra mà sống…

Nhưng những dịch vụ của Hiến đã đưa đến cho chàng đủ loại bạn bè. Những người bạn đến từ Long Khánh, Nha Trang, Quy Nhơn và cả những tay cán bộ Hà Nội muốn mua những đồng hồ ba kim, hai lịch từ những nước bên kia bờ Thái Bình Dương. Cả những kỹ thuật gia của Chợ Lớn chuyên làm đồng hồ “dỏm”. Có những tay quen chửi thề trước khi mở miệng. Cũng có những tay lam lũ như vừa ngoi lên từ đống bùn mà lại ăn nói văn hoa và lịch sự như vừa bước ra từ Viện Hàn Lâm. Trong những bữa cơm tối, Nguyên thường thích thú nhắc đến đủ loại người ấy. Có lúc, Nguyên bắt chước cả những dáng đệu đặc biệt nào đó.

– Kỳ lạ anh nhỉ. Có biết bao người đến với anh. Có người thế này. Có người thế khác. Có người ồn ào hơn cả đầu máy xe lửa, có người trầm lặng như phiến đá.

– Cuộc đời có biết bao nhiêu là điều kỳ lạ. Em có biết ông già chở than từ Chơn thành về Sài gòn ghé thăm anh là ai không?

– Em có nghe anh và ông cụ nói với nhau bằng tiếng Pháp một cách khoái trá lắm.

– Đó là một giáo sư cũ của anh. Ông thầy bảo là khi ông còn ở Pháp, ông chưa thấy ai cảm nhận được sự hạnh phúc của lao động như ông khi đạp xe dưới trời nắng và chở về Saigon 70 ký than. Còn những thích thú và hồi hộp khi qua những trại Công an nữa chứ…

Đôi khi, người Công an khu vực đến thăm hai anh em và khen về sự làm việc siêng năng của họ. Sau đó lại lên giọng chê bai về các thế hệ hư đốn của thanh niên Saigon. Thường thì những lúc ấy, Hiến lại đưa tay nhấc lấy cây đàn dạo nhẹ những dòng nhạc rời rạc, để mặc cho Nguyên nói chuyện. Luôn luôn cuối câu chuyện, gã Công an thế nào cũng hỏi thăm về vị thiếu tá đang cải tạo và luôn luôn cam đoan quyết chắc rằng ngay khi ông học tập tốt là sẽ được thả về, như thể y đã trở thành Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ. Có lúc y than phiền về những hồi chuông nhà thờ buổi sớm:

– Chuông nhà thờ đánh sớm quá. Đáng lý cha phải chọn giờ khác hơn là 4 giờ rưỡi. Nhiều khi gác cả đêm mệt nhọc, vừa mới nằm thiu thiu một tí đã bị chuông thức dậy. Ấy thế. Nếu mà dỗ giấc ngủ nướng thêm tới sáng thế nào cũng gặp phải những giấc mơ khủng khiếp. Tại sao cha cứ thích thức vào giờ ấy nhỉ? Sao cha không ngủ đến 9 giờ cho khỏe.

Khi nói chuyện với giáo dân, bao giờ y cũng gọi cha xứ là cha một cách ngọt ngào. Thế nhưng có một lần, Nguyên đã nghe y lỡ lời gọi cha xứ bằng tên tục ra. Cậu bé không thể nào hiểu được y đã moi tên cha ra từ ngõ ngách nào. Trong khi mọi người dân ở đây đã quên hẳn tên cha, có người còn thì thàm với nhau rằng Cha không hề có tên gì cả. Lúc đó cả hai anh em cau mặt lại và bước ra vườn, trong khi tên công an lúng túng vớ lấy nón và đi về.

Mỗi buổi sáng, hai anh em đều thức dậy ngay sau khi hồi chuông đầu mới đổ. Họ luôn luôn lắng nghe cho tới dứt hồi chuông mới ngồi bật dậy. Trong khi Nguyên sửa soạn để đi lễ sớm thì Hiến ngồi lại trong phòng đọc hết buổi kinh ban mai. Sau đó chàng pha cà phê và đọc sách và đợi cho đến khi mặt trời lên mới đạp xe ra khỏi chỗ làm. Chàng cũng thường ưa thích nói những mẫu chuyện ngắn với em khi hai anh em còn cuộn mình trong chăn.

– Em có nghe gì trong tiếng chuông không?

– Em cảm thấy người vui vui khi nghe chuông.

– Này, em chú ý nghe kỹ nhé. Từng hồi chuông chậm này, rồi từng chuông nhanh hơn. Hẳn là ông từ đang vui lắm khi kéo chuông. Chú ý kỹ hơn nữa nhé. Đó, đó là tiếng Thiên thần đang vỗ cánh bay từng tháp chuông đến từng nhà với những chuỗi chuông nhỏ mang trên hai cổ chân.

Có buổi sáng chàng kéo em bật dậy và đẩy mạnh cửa sổ để nghe rõ hơn.

– Đó là tiếng lạc đà của Ba Vua đang đi tìm đến hang Chúa đấy, tiếng chân hòa vào tiếng lục lạc reo vui. Hồi chuông mang đến cả những mùi hương trầm mà Ba Vua dâng cho Đức Mẹ ướp thơm cho chúa Hài Nhi.

– Em tin là cha xứ đang nhìn lên tháp chuông và chúc phúc cho những âm thanh của Nước Trời đấy.

Hiến đã nói với cha xứ về tiếng chuông kỳ lạ ấy:

– Con nghĩ là không phải tự nhiên mà Giáo hội làm ra chuông. Cha có bao giờ nghe tiếng chuông như vậy không?

Cha xứ vẫn luôn luôn trả lời  với nụ cười bình an trên khuôn mặt rạng rỡ tự nhiên:

– Cha thấy rồi sẽ tới một lúc con nghe được tiếng nói của Chúa trong tất cả mọi âm thanh trong trần gian này.

– Có một buổi sáng, Con nghe cả tiếng Cha giảng bay theo từng hồi chuông đến nỗi con không tin vào tai con nữa. Nhưng Nguyên có cũng nghe thế.

– Cha muốn là buổi chiều đẹp như thế này, con nên đàn hơn là nói chuyện về buổi sáng con đã nghe được gì.

– Vâng, thưa cha. Con sẽ đàn cho cha nghe suốt cả đời con nếu cha thích. Nhưng nếu đúng là ngay đến mỗi sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng không ngoài ý Chúa, thì hẳn là từng hồi chuông cũng có một ý nghĩa nào đó.

Và chàng ngồi im lặng đàn cho đến khi cha bước trở vào nhà thờ. Những lúc đó ông từ lai kể cho chàng nghe về những khó khăn mà nhà thờ đang gặp. Bọn công an bắt phải kiểm kê tất cả tài sản của nhà thờ. Thế nhưng ngôi nhà thờ nhỏ cũa vị cha xứ nghèo đó thì có gì đâu mà phải kiểm với kê chứ.

– Họ bảo phải đo từng thước vuông đất trong sân trong nhà. Chẳng biết ai biết được họ sẽ làm gì. Lại còn liệt kê gì những thu nhập bình quân hàng tháng của nhà thờ nữa. Bác có bảo họ rằng, cha xứ mỗi ngày ăn còn ít hơn cả một con chim nhỏ ở ngoài đồng. Nào có ai biết nhà thờ bây giờ có gì mà nhập với thu?

– Thế cha có nói gì với bác không nhỉ?

– Ối dào, cha chỉ bảo hãy để sự phán xét cho Chúa. Nhưng giấc ngủ của Cha đã ngắn lại vì những buổi cầu nguyện dài hằng đêm của Cha. Có một lần bác rụt rè xin Cha hãy ngủ nhiều hơn nữa. Cha chỉ đáp rằng Chúa không thích nhìn cha ngủ. Và Cha nâng lên chén cơm với rau mà nói không phải riêng Cha nhưng tất cả mọi người đều có thể sống không cần tới một hạt cơm…

– Bọn công an họ bảo là tiếng chuông ban sớm của nhà thờ quấy rối bọn họ nhiều lắm đây. Tên khu vực bảo tiếng chuông mang theo những giấc mơ khủng khiếp đến với họ.

– Ấy, hạnh phúc của bác bây giờ là khi nắm giây chuông nhà thờ mà giật đấy. Có nhiều đêm bác trằn trọc không ngủ được, phải ra tháp chuông ngồi nhìn xuống dòng sông trong khi chia tay cứ mân mê giây chuông chờ tới giờ để gióng lên những lời của Nước Trời. Bác không hiểu tại sao bác lại thích cái tháp chuông cũ kỹ, khẳng khiu ấy, như những ống sậy chắp lại với nhau, lung lay, cọt kẹt theo từng hồi, ván thì miếng sứt, miếng mẻ. Có lần, cha nhìn lên cái tháp chuông sắp bị gió thổi tung lên ấy mà lẩm bẩm với bác, rồi tới một lúc không cần tới con người kéo chuông nữa, mà ngay đến một cọng cỏ, một lá hoa ở ngoài sân nhà thờ cũng tự vang lên những hồi bất tử ấy.

Mỗi đêm trước khi đi ngủ, hai anh em đều đọc bài kinh Hòa Bình để cầu nguyện cho người cha kỵ binh của họ đang ở những nơi bất an nhất của trái đất, cho vị cha xứ già trầm lặng như một pho sách cổ la tinh, cho ông từ già yếu đuổi và những hồi chuông kỳ lạ buổi sớm, cho những nụ hoa trong sân nhà thờ và giấc ngủ của họ. Đó cũng là thói quen mà hai anh em có từ những ngày người cha còn xông xáo ngoài mặt trận. Nhưng với Hiến, lời kinh Hòa bình dường như có hương vị đắng hơn từ ngày người cha đáng kính đi học tập. Một đêm sau buổi cầu kinh thường lệ ấy, Nguyên đã ngạc nhiên khi thấy Hiến ngẩng nhìn lên bầu trời đen thẳm và xa vời vợi qua khung cửa sổ, thì thầm:

– Lạy cha, xin cha cất chén đắng này cho con, nhưng xin vâng theo Ý “con” chớ đừng theo Ý “Cha.”

Nguyên đã kinh sợ đến phải vùi đầu trong chăn và không bao giờ dám hở môi một chút để hỏi anh về những lời đêm đó.

Một buổi sớm, hai anh em không nghe hồi chuông đổ như thường lệ. Họ vẫn dậy đúng giờ và ngạc nhiên về điều đó.

– Mình có thể chờ một tí nữa. Em tin là ông từ dậy trễ.

– Nhưng cha không thể dậy trễ được.

– Hay chuông hỏng ở một chỗ nào đó?

Hiến không trả lời em, vẫn tiếp tục thói quen hàng ngày của chàng. Trong khi Nguyên đi nhà thờ thì chàng lấy sách ra nhưng không thể đọc được nữa. Những dòng chữ rời ra, gần lại và xoay tròn trước mắt, hình như không mang ý nhĩa gì, mà chỉ còn là những trò chơi xếp chữ vô trật tự nào đó. Khi Nguyên trở về, thì Hiến đã đứng bên ngưỡng cửa chờ từ hồi nào. Mặt cậu bé xanh mét trong bóng đêm với một ngấn lệ còn in trên má:

– Cha xứ bảo từ ngày mai sẽ không có lễ ngày thường nữa. Còn chuông thì trừ ngày chủ nhật ra, sẽ không được rung lên nữa. Bọn công an đã giải thích với cha là để kéo dài hơn giấc ngủ của những người lao động cho năng xuất lao động có thể tăng hơn. Vì không kịp thông báo cho giáo dân, nên cha phải làm buổi lễ cuối cùng sáng nay, mặc dù dây chuông đã được cột lại… Ôi, phải chi anh đến để xem các ông bà cụ khóc thút thít như thế nào. Còn ông từ thì khỏi nói. Nhưng cha xứ thì, hay thật, vẫn trấm lặng như ngày thường.

– Tất nhiên – Hiến nắm chặt lấy tay cậu em – rồi sẽ đến một ngày như vậy. Có gì đâu mà phải băn khoăn. Em vào uống cà phê đi. Nếu anh, thì anh sẽ không khóc như em đâu.

Chiều hôm đó, cha xứ và ông từ vẫn đến nghe tiếng đàn của chàng. Buổi chiều vẫn lặng lờ trôi theo tiếng đàn, khi ngang qua tháp chuông vẫn nhẹ lay động những giây chuông đã được cột lại từ đêm hôm trước. Dòng sông dưới chân vẫn lặng lờ hiện lên bóng những hàng cây bên kia sông và lấp loáng ánh mặt trời ngả về xa. Bất chợt, chàng ngưng tay đàn và hỏi cha:

– Thưa cha, thế là bây giờ con không được nghe hồi chuông buôi sớm nữa?

Cha xứ quay sang nhìn chàng và mỉm cười:

– Vấn đề bây giờ của giáo dân không phải là chờ nghe những hồi chuông mà tự tình phải trở thành những hồi chuông – Vấn đề không phải là tìm đến những đền thờ, mà chính thân này sẽ là đền thờ linh thánh nhất.

– Nguyên nó thích nghe chuông lắm, hồi sáng nó đã khóc đấy.

– Con hãy nhìn xem những cánh hoa dịu dàng này. Đến và đi mà không một lời, không một lời kiêu hãnh về nhan sắc của mình, không một lời nuối tiếc về những ngọn gió thanh xuân và ánh chiều vàng mật ngọt, và cũng không một lời oán trách khi từng cánh rời ra trên mặt đất.

Cha đứng lên và bước vào nhà thờ. Bước chân cha như đã cuốn đi những tia nắng vàng buổi chiều và trả lại bóng tối cho buổi đêm. Ông từ già nói với chàng, giọng nhẹ và hơn nghẹn lại:

– Thế là bây giờ bác chỉ còn có một niềm vui duy nhất là chờ tới ngày Chúa nhật để được kéo lên hồi chuông của Chúa. Thế thôi. Cả ngày bác cứ thờ thẩn chẳng còn biết phải làm gì nữa. Làm cái gì bây giờ cho có ý nghĩa nhỉ. Bọn công an thì cứ chõ mặt vào nhà thờ không rời một giây. Tuổi bác thì cũng già rồi. Những ngày cuối của cuộc đời cứ quanh quẩn chờ đợi thì có gi là đáng giá. Nhưng bác biết, bác chẳng làm cái gì được cả. Nhưng không lẽ chờ tới ngày Chúa từ bệ thờ bước xuống cầm roi làm sạch thế giới này như Chúa đã làm sạch đền Thánh Jerusalem trước đây hai ngàn năm. Bác nghĩ là…

Hiến không trả lời, chàng bắt đầu dạo một khúc cổ điển với không chút lòng hứng thú. Khi chàng đứng dậy để về thì sương đã ướt đẫm hai vai, ông từ đã vào tự hồi nào. Chàng không nhớ ông từ đã ngừng lại từ câu nói đó hay còn than thở đến khi sương đêm làm lạnh giá cả môi mới thôi.

Buổi sáng chàng đã dậy thật sớm và len lén ôm đàn bước ra ngoài trong khi cậu em còn cuộn mình trong chăn. Ngoài trời, gió đêm buốt giá hắt vào mặt chàng. Chàng bước vòng ra sau nhà và leo lên mái nhà bằng một chiếc thang giác sẵn trước khi ngủ. Chàng chọn để ngồi ở một nơi cao nhất trên mái nhà, lưng tựa vào ống khói. Chỗ ngồi không có vẻ thoải mái lắm. Còn nửa tiếng nữa mới tới bốn giờ ba mươi. Chàng mò mẫm những nốt nhạc trên cần đàn khe khẽ như sợ đêm sẽ tan ra dưới những ngón tay của chàng. Ở trên trời không một vì sao. Từng đám bụi trên ống khói dời ra mỗi khi chàng hơi cử động. Nhưng chàng không thấy điều đó, cũng không nghe cả tiếng gió rít từng chặp buồn vào ống khói.

Khi đồng hồ tay chỉ đúng bốn giờ ba mươi, chàng bắt đầu đàn một cách nghiêm chỉnh. Đầu cuối nhìn xuống cần đàn chăm chú, mặc dầu những ngón tay và phím chỉ thấy được lờ mờ. Ngón tay di chuyển nhanh nhẹn chụp lấy những sợi dây, lại rời ra, nhảy qua ngăn này tới ngăn kia theo một dòng nhạc chàng mới soạn trong khi trằn trọc đêm qua. Chàng đàn say mê những nốt nhạc mạnh mẽ như sợ không bao giờ được cầm đàn nữa. Bản nhạc chỉ kéo dài 15 phút. Khi chàng rời những hợp âm cuối cùng ra, thì đầu đã như gục hẳn xuống cây đàn. Chặp sau, chàng mới lừng lững đứgn lên leo xuống. Dưới chân thang, Nguyên đã đứng chờ sẵn:

– Em đang ngủ chợt nghe từng hồi chuông vang lên. Em muốn kéo anh dậy để nghe, nhưng anh không còn đó nữa. Em chạy ra đây thì thấy anh với cây đàn trên này. Em không dám bước lên… Những tiếng chuông thật kỳ diệu.

– Vào nhà đi em, trời lạnh lắm. Em nghe có rõ không?

– Vâng, anh để em đỡ cây đàn vào trước. Trông anh có vẻ mệt. Tiếng chuông nghe rõ và vang lắm. Giống lắm. Em không ngờ là anh đàn hay đến thế.

Hai anh em vào nhà. Hiến nằm ngả lưng trên giường, trong khi Nguyên bật đèn và treo đàn trên tường.

– Anh tin là cha xứ và ông từ cũng nghe rõ tiếng chuông anh vừa đàn. Kể cả bọn công an nữa. Anh đã dùng đến kỹ thuật bấm dây để có thể đưa tiếng đàn đi xa hơn 100 thước. Tệ lắm cũng là 100 thước. Nhưng mất sức lắm. Em có nghe đúng là tiếng chuông không?

– Đúng là tiếng chuông, anh ạ. Cũng từng hồi, từng hồi. Và thật sự, em nói điều này một cách nghiêm chỉnh nhé. Như có cả tiếng vỗ cánh của Thiên thần và mùi hương trầm của vùng Trung Đông nữa. Em sẽ pha cà phê cho anh uống nhé. Thật nhanh thôi.

– Nhanh nhé. Anh mệt lắm. Như mất cả lít máu đấy.

Bất chợt chàng gọi giật cậu bé lại:

– Nhưng này. Em có thể tự sống một mình được chưa, với cái nghề đồng hồ đó?

– Anh hỏi kỳ nhỉ – cậu bé quay lại nhìn anh chăm chăm – Làm thế quái nào bọn công an biết là anh đàn được. Mái nhà mình thì cao. Gió thì cuốn tiếng đàn đi xa, lúc chỗ này, lúc chỗ kia, có trời mới tìm ra. Còn em thì sống một mình hay mấy mình mà chả được…

– Anh cũng tin như vậy…

Chiều đến khi chàng ngồi đàn ở băng ghế nhà thờ thì ông từ đến bên cạnh, mặt tươi hẳn lên:

– Cháu có bao giờ tin có phép lạ không?

– Vâng, cháu tin, phép lạ có thể xảy ra hàng ngày.

– Đấy, hồi sáng tự nhiên có một hồi chuông gióng lên. Cha xứ và bác chạy ra tháp chuông nhìn lên thì thấy cuộn dây đang buộc vào chân tháp. Chuông không hề động đậy vào tý nào cả. Cha xứ với bác cứ ngỡ là đang mơ thôi, thì tiếng chuông lại văng vẳng như từ các tầng trời. Có lúc lại như vẳng lên từ dòng sông lặng lờ kia nữa chứ. Tiếng chuông nhỏ lắm, nhưng không lầm được. Trong khi đó tên công an khu vực lảng vảng quanh quẩn do xét nhìn theo cha xứ và bác.

– Có một lần – Hiến vừa cười vừa chỉ vào dãy hoa trước sân nhà thờ – cha xứ bảo sẽ tới một lúc ngay cả loài hoa kia cũng biết kéo chuông, bác ạ.

Ông từ già có vẻ ngạc nhiên khi thấy Hiến như không tin?

– Đến công an nó còn nghe nữa là cháu. Chắc lúc ấy cháu ngủ say quá thôi. Tiếng chuông thật đấy.

– Cháu tin chứ.

Và chàng lại đàn cho buổi chiều cùng dòng sông trôi đi. Cha xứ cũng đến ngồi nghe như mọi ngày. Nhưng cha không nói gì về hồi chuông kỳ lạ buổi sớm. Với cha, hình như ngày nào cũng là ngàt của Chúa. Và không có gì phải thắc mắc về những việc đã xảy ra trong ngày…

Mỗi sáng sớm, Hiến đều leo lên mái nhà để đàn như vậy. Khi đã quen đi, tiếng đàn và kỹ thuật khó khăn mà chàng chọn không còn làm chàng mệt như ngày đầu nữa. Tiếng đàn trở nên trôi chảy hơn và ngay cậu em dưới chân thang cũng không thể phân biệt được với những hồi chuông của nhà thờ. Những giây phút căng thẳng của ngày đầu tiên đã qua đi. Bọn công an sau vài ngày rình mò Cha xứ cũng đã lờ đi và không nhắc gì tới những hồi chuông nho nhỏ vẳng xa đó. Với chúng, giây chuông nhà thờ đã buộc lại và lễ sớm không còn nữa, thế là đủ. Với chúng, thêm một số tiếng động cũng chẳng hề gì.

Công việc của hai anh em có vẻ như khá hơn. Nhiều người lạ đến tìm Hiến và bạn Hiến nhiều hơn. Và thường hơn, như chàng vẫn ưa giải thích với Nguyên, chàng đã tạo nhiều cơ hội hơn cho Nguyên có thể xoay sở một mình. Nhưng nét mặt của chàng có nhiều vẻ ưu tư hơn trước. Nguyên có vẻ lo lắng cho sức khỏe của anh, mỗi khi thấy anh cứ ngồi thừ người nhìn ra đường mặc cho Nguyên một mình loay hoay với mớ dụng cụ.

– Có lúc em thấy anh có gì không ổn.

– Em cứ thử nhìn xem cái nhà ga chết tiệt này, và nhìn xem cả nước Việt Nam mình, thực sự, có cái gì gọi được là ổn không?

– Em cảm thấy anh có điều gì lo lắng thì phải?

– Đôi khi anh cũng thấy lo lắng. Thí dụ như về sự học của em chẳng hạn. Anh không hiểu em có thể vừa đi học vừa đi làm được không…

– Nguyên ngẩng lên nhìn anh, những lúc này trông anh giống bố lạ thường. Cậu bé cảm thấy anh mình xa lạ hẳn những người xung quanh ở cái nhà gia ồn ào và hỗn loạn này.

Một buổi sáng sau khi đàn xong, chàng xuống thang và vào nhà. Nguyên đã chờ sẵn bên bàn với ngọn đèn nhỏ. Người anh nói với giọng khác hẳn ngày thường trong khi treo đàn lên tường:

– Em pha giùm ly cà phên nhé. Anh cần một ly thật đậm. Em có nghe gì lạ không?

– Anh nghĩ đi. Từ ba ngày nay anh đã vảm thấy khác rồi. Em thử sờ tay anh em. Sau khi đàn xong, anh cảm thấy người lạnh buốt tận tim gan. Dòng máu kỵ binh của Ba như sôi sục trong người anh. Và tiếng đàn không còn là tiếng chuông thuần túy nữa. Anh đã nghe có tiếng vó ngựa dồn dập bay giữa những hồi chuông. Anh không còn kiểm soát được những ngón tay nữa, những hồi chuông như không còn phát xuất từ giây đàn nữa, nhưng đã từ khắp các tầng trời đổ xuống và sau đó là những hồi kèn xung trận. Anh chỉ sợ là sau khi dứt tiếng đàn, tim anh sẽ vở ra mất. Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.

– Em cũng cảm thấy có gì khác lạ từ mấy ngày nay. Nhưng tiếng đàn thì em chưa phân biệt rõ.

– Từ ba ngày nay, anh đã quên mất phần nào bài kinh Hòa bình đọc mổi tối. Có lúc thì quên câu trên, có lúc thì quên câu dưới. Có lúc đang đọc tự nhiên ngẩn người ra, quên bẵng là mình đang làm gì. Anh đã cầu nguyện Thánh Phanxicô suốt cả ngày. Thế nhưng không còn có thể đọc trọn bài kinh đó nữa.

– Em sẽ đọc thay anh buổi kinh đó, cho tới khi anh có thể đọc trọn bài. Em nghĩ rằng sức khỏe của anh lúc này hơi kém.

– Không phải đâu em. Chuyện này em không hiểu đâu… Nhưng nhớ cầu nguyện cho anh nhé.

Chiều hôm đó, chàng gặp riêng cha xứ và kể lại tất cả mọi chuyện. Cha xứ trầm ngâm một chặp rồi mới nói với giọng trầm tỉnh hàng ngày, như một chút ngạc nhiên:

– Mỗi buổi sáng cha đều chú ý nghe tiếng chuông của con. Những khác lạ dần dần trong tiếng chuông cha cũng đã nhận thấy. Cha tin đó không phải là lỗi của con. Kể cả chuyện con quên vài lời nào đó của kinh Hòa bình, có thể cũng không phải là lỗi của con. Con nên cầu nguyện nhiều hơn nữa. Cha cũng sẽ cầu nguyện cho con. Nếu có lỗi là tất cả chúng ta, tất cả mọi người trên thế giới này, đều có lỗi trước mặt Thiên Chúa. Và chúng ta có trách nhiệm cùng chia sẻ tội lỗi của tất cả mọi người. Kể cả những người mình chưa bao giờ gặp mặt trên đời, trước mặt Ngài… Con hãy làm những gì con thấy cần làm.

Nhưng tiếng chuông của chàng không còn bình an nữa. Ngay đến Nguyên cũng nghe rõ những hồi kèn xung trận ngắt đoạn trong tiếng vó ngựa dồn dập thoang thoảng đi giữa những hồi chuông. Có lúc cậu bé còn kể cho anh nghe dường như có cả tiếng hô trận của người cha đang học tập cải tạo của họ. Mỗi khi đàn xong, bao giờ Nguyên cũng thấy nét mặt anh như đóng băng lại.

Vài ngày sau, không ai gặp Hiến nữa. Ngay cả Nguyên cũng không biết chàng đi đâu. Những người ban thân của chàng cũng không đến nhà ga đó nữa. Không ai còn nghe được tiếng chuông kỳ lạ đó nữa.

Nguyên đến kể cho cha xứ và ông từ già nghe, từ chuyện Hiến trèo lên mái nhà đàn như thế nào, đến những người bạn cùng vắng mặt với Hiến, chuyện tiếng đàn đã thay đổi dần dần ra sao, vẻ mặt tái mét của người anh buổi sáng hôm ấy và cả bài kinh Hòa bình đọc dùm anh nữa. Cha xứ không nói một lời nào cả, chỉ đưa mắt nhìn về những cánh hoa trước sân. Nhưng ông từ thì nước mắt đã đầm đìa trên hai má. Cậu bé đã ôm chầm lấy ông từ già và hai người cùng khóc suốt cả buổi chiều. Trước khi về nhà cậu bé không quên xin ông từ vài cánh hoa:

– Ngày xưa, anh Hiến thích hoa này lắm. Bác cho cháu vài cành để cắm lên bàn thờ Chúa và Mẹ cháu đêm nay.

… Cho đến bây giờ, cậu bé vẫn còn giữ thói quen đọc giùm anh mình một bài kinh Hòa bình trước khi đi ngủ. Và bạn có dịp ghé nhà thờ, bạn sẽ thấy nhà thờ bây giờ đã có những hàng hoa kỳ lạ kia bao quanh sân nhà thờ do ông từ cặm cụi trồng những ngày sau đó. Một năm sau chuông được phép gióng lên hàng ngày. Nhưng cậu bé và ông từ vẫn có những đêm luyến tiếc và mong đợi tiếng chuông không từ Nước Trời đó…

Phan Tấn Hải

(Trích: Cậu Bé và Hoa Mai)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search