T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Con Người và Lịch Sử – Phan Quỳnh Trâm

Octavio Paz – Ảnh: theparisreview.org

Trong bài phỏng vấn  Octavio Paz * trên Paris Review, tôi để ý một câu trả lời thú vị của ông khi được hỏi về mối liên hệ của con người và lịch sử:

Người phỏng vấn: Thế kỷ ông đã sống qua là một trong những thế kỷ cuộc cuộc chiến gần như vĩnh viễn. Ông có điều gì tốt đẹp để nói về thế kỷ hai mươi không?  

PAZ: À, tôi sống sót, và tôi nghĩ thế là đủ. Lịch sử, anh biết đấy, là một chuyện, mà cuộc sống của chúng ta lại là chuyện khác. Thế kỷ của chúng ta thật khủng khiếp – một trong những thế kỷ đáng buồn nhất trong lịch sử nhân loại – nhưng cuộc sống của chúng ta ít nhiều cũng như nhau. Đời tư không mang tính lịch sử. Trong các cuộc cách mạng của Pháp hoặc Mỹ, hoặc trong các cuộc chiến tranh giữa người Ba Tư và người Hy Lạp — trong bất kỳ sự kiện vĩ đại nào, lịch sử thay đổi liên tục. Nhưng mọi người sống, làm việc, yêu, chết, ốm đau, có bạn bè, khoảnh khắc rạng rỡ hay buồn bã, và điều đó không liên quan gì đến lịch sử. Hoặc có liên hệ rất ít đến nó.  

Người phỏng vấn: Như vậy chúng ta vừa ở trong vừa ở ngoài lịch sử.  

PAZ: Vâng, lịch sử là bối cảnh hay không gian của chúng ta và chúng ta sống qua nó. Nhưng bi kịch thật sự, và cả hài kịch nữa, là ở trong chúng ta, và chúng ta có thể nói như vậy cho một người sống trong thế kỷ thứ năm hoặc trong một thế kỷ ở tương lai. Đời sống không có tính lịch sử, nó gần giống tự nhiên hơn.”  (1)

Câu trả lời của Octavio Paz gợi tôi nhớ đến một đoạn Gertrude Stein viết về Pablo Picasso:

“Con người không thực sự thay đổi từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong chừng mực chúng ta biết về lịch sử thì con người gần như giống nhau, họ có cùng những nhu cầu, cùng những ước mơ, cùng những đức hạnh và cùng những phẩm chất, cùng những khiếm khuyết, thực sự không có gì thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác trừ những điều được thấy và những điều được thấy làm ra thế hệ đó, nói như vậy nghĩa là không có gì thay đổi ở con người từ thế hệ này sang thế hệ khác trừ cách nhìn và được nhìn, những con đường thay đổi, cách lái xe trên đường thay đổi, những tòa nhà thay đổi, tiện nghi trong nhà thay đổi, nhưng con người từ thế hệ này sang thế hệ khác không thay đổi.” (2)

Ý kiến của Octavio Paz và Gertrude Stein bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo. Theo tôi, quan hệ giữa con người và lịch sử là một mối quan hệ phức tạp và cần được đào sâu. Ở đây, tôi chỉ tập trung vào quan hệ giữa hai yếu tố ấy, tập trung vào câu hỏi chính: Có phải con người ở ngoài lịch sử? Câu trả lời là vừa có vừa không. Về phương diện sinh hoạt, rõ ràng là con người thay đổi qua lịch sử. Cách sinh hoạt của chúng ta ngày nay khác hẳn người xưa. Về sự tương tác giữa người và người cũng vậy, nó thay đổi thật nhiều. Một ví dụ rõ nhất là sự xuất hiện của internet trong mấy thập niên vừa qua. Qua mạng truyền thông, sự giao tiếp giữa con người với nhau thay đổi triệt để, xoá nhoà mọi ngăn cách trong không gian. Về nhận thức, cũng vậy, người đời nay không giống tiền nhân chút nào cả. Tất cả những sự kỳ thị, từ kỳ thị chủng tộc đến kỳ thị phái tính đều bị nghiêm khắc lên án. Vậy, ở đâu con người không thay đổi? Theo tôi, đó là về phương diện tình cảm. Xưa cũng như nay, ở đâu con người cũng có chừng đó hỉ nộ ái ố. Chúng ta yêu nhau như người xưa, giận hơn nhau như người xưa. Những buồn vui và giận ghét của con người, trải qua bao nhiêu thế kỷ dường như không thay đổi. Đọc lại những tác phẩm văn học cách đây mấy trăm năm, chúng ta đều thấy các nhân vật thật gần gũi. Lấy Truyện Kịều làm ví dụ: Tình yêu của Kiều không hề lỗi thời hay lạc hậu. Yêu nhau, chúng ta đều có những xôn xao rạo rực và nhớ nhung như Kiều. Đó là nhìn lại quá khứ. Nhìn về tương lai, tôi tin nhiều trăm năm sau nữa, đời sống tình cảm của con người cũng không đổi khác dù mọi sinh hoạt trong đời sống đều thay đổi.

Phan Quỳnh Trâm (Mar 2021)

(Nguồn: phanquynhtram.com)

*Octavio Paz (1914-1998), nhà thơ, nhà ngoại giao người Mexico, giải thưởng Nobel về văn chương năm 1990 (chú thích của TV&BH).

Bài Mới Nhất
Search