T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Quân: Con đường mùa xuân

clip_image002
Xuân- Tranh Hoàng Thanh Tâm

 

Diệu nhận điện thư của Loan với tựa đề: “Tin giựt gân”. Tính Loan vẫn vậy, luôn nổi đình, nổi đám. Diệu như nghe Loan liến thoắng: “Mi biết hôm qua tao gặp ai ngoài phố không? Bà Liên Diệp! Chị con Liên Hương. Tao mừng quá trời. Tao hỏi thăm con Liên Hương. Mi biết nó ở đâu không?” Những câu hỏi ào ào của Loan làm Diệu muốn ngộp thở. “Nó ở bên Đức đó! Gần chục năm rồi. Mi tệ thiệt!” Trời đất! Loan làm như Diệu phải biết tất cả mấy chục ngàn người Việt cư ngụ tại xứ này. “Nó ở cùng xứ với mi bao nhiêu lâu, mà mi chẳng biết gì hết trơn”. Loan dài dài thêm vài dòng mắng xéo, mắng xiên, rồi mới ghi số điện thoại của Liên Hương với tối hậu thư: “Mi phải tìm cách gặp con Liên Hương gấp. Nếu không, tao nghỉ chơi mi.” Diệu đành lẩm nhẩm với máy: “Ừ, biết rồi, làm ngay”.

* * *

Diệu vào trường Marie Curie sau 1975, chơi chung với Liên Hương và Loan từ lớp 10 cho đến xong trung học. Cả ba không phải cư dân thứ thiệt của Hòn Ngọc Viễn Đông, mà quê quán ở mãi tận miền quê hương thùy dương/ nước chảy còn vương bao niềm thương. Gia đình Loan “di cư” đầu thập niên 70. Liên Hương và Diệu có chung “lịch sử”, cùng chạy loạn năm 75. Loan coi như mất gốc, chỉ hiểu, chứ không nói giọng Huế. Diệu trở thành người trầm lặng, vì sợ người ta chọc ghẹo giọng “ngoài nớ” của mình. Liên Hương thuộc dạng “đa hệ”, có năng khiếu “ngoại ngữ”, nói giọng bắc trung nam, đâu ra đó, hết sức duyên dáng. Liên Hương lúc nào cũng tự tin, bặt thiệp nắm đầu “bộ ba trung kỳ”. Loan và Diệu chăm chỉ cày bừa, học gạo, học tủ đủ kiểu. Liên Hương, ngược lại, rất tài tử, mà lúc nào bài vở cũng ngon lành. Loan, Diệu dần dần bớt đi mặc cảm nhà quê, nhờ nép dưới hào quang của Liên Hương. Lớp ban Văn và Anh Văn, âm thịnh dương suy. Hơn ba chục đứa con gái ngồi những bàn đầu, đùn mười đứa con trai xuống bàn chót.

Loan gọi mấy chị em Liên Hương là ao sen, có hoa, đài, lá, cành. Loan ghẹo: “Tại mi con gái út. Chớ không, em mi sẽ tên là Liên… Hột, tha hồ làm mứt, nấu chè.” Liên Hương nhéo tay Loan tím bầm, trị tội suy diễn phi nghệ thuật, nặng tâm hồn ăn uống của Loan. Lần nọ, Châu, một trong số ít học trò đầm thứ thiệt còn lại của trường, có màn coi chỉ tay. Châu lật qua, lật lại tay Liên Hương, trầm ngâm:

-Bồ lận đận đường tình duyên dữ lắm đó.

Liên Hương cười khanh khách:

-Thiệt hả!

Loan chọt vào:

-Lận đận là phải, chớ năm bảy người theo nó. Chỉ mỗi chuyện suy nghĩ, thương chàng nào, cũng đủ nhức đầu rồi.

Quả thật, trong lá số tử vi của Liên Hương, sao đào hoa, hồng loan sáng ngời. Mấy anh chàng ngồi cuối lớp, có lẽ ai cũng đôi lần chép tên Liên Hương nhăng nhít trong tập vở. Mà đâu chỉ trong lớp Diệu, các chàng lớp C, lớp D cũng dập dìu trước cửa lớp B. Đôi ba bữa Liên Hương “bật mí” cho Loan, Diệu vài lá thơ tình. Có chàng còn mạn phép thi sĩ, sửa bài thơ nổi tiếng, “anh sẽ về thương lại nhánh sông Hương, thương bóng hình người học bên B một, em nhớ giữ tính tình con gái Huế, vừa ngây thơ vừa duyên dáng ngoan hiền…” Anh chàng lớp C, mặt mày sáng sủa, tướng tá cao ráo, chỉ một tội là dân bắc… hai nút, cho nên cứ lẩn quẩn hoài ở vòng loại. Liên Hương rất khéo, dù không thích người ta, chẳng bao giờ tỏ thái độ làm phật lòng ai. Liên Hương rù rì trong nhóm: “Chữ em gái của Đoàn Chuẩn nồng nàn thắm thiết, nghe muốn nhũn cả tim, tôi có người em gái tuổi chớm dâng hương… Chứ, kiểu gọi em gái, vội vàng làm thân của các anh giai “Hà Lam Linh” ngủng ngoẳng quá chừng.”

Xong trung học, ba đứa cùng thi vào Cao Đẳng Sư Phạm. Chỉ một mình Liên Hương thi đậu. Loan và Diệu chẳng có thì giờ, tâm trí để buồn vì chuyện đậu phải cành mềm. Không lâu sau, gia đình Loan vượt biên trót lọt. Thủ tục xuất cảnh sang Đức của gia đình Diệu hoàn tất quá nhanh. Diệu rời Việt Nam, không kịp từ giã Liên Hương. Cách đây mấy năm, Loan và Diệu tìm lại nhau, do Loan tình cờ gặp người anh họ của Diệu trong hội Tết. Nhưng cả hai mất hẳn liên lạc với Liên Hương.

* * *

Diệu nhìn đồng hồ, gần 11 giờ đêm, dù là đêm thứ Sáu, đã quá trễ. Gọi điện thoại giờ này là sự vạn bất đắc dĩ. Ngày mai thứ Bảy, Diệu sẽ gọi sớm, trước khi mọi người đổ xô đi chợ mua sắm cho cả tuần.

Diệu hồi hộp quay số. Có tiếng Hallo từ đầu dây bên kia. Diệu không tưởng tượng được chữ Hallo khô khan, cụt ngủn đó xuất phát từ miệng chúm chím thật dễ thương của Liên Hương. Diệu hít một hơi thật sâu:

-Liên Hương phải không? Diệu đây, lớp 12B1 Marie Curie đó.

-Trời ơi, Diệu hả. Thiệt không, thiệt không? Mi đang ở đâu đó?

Dẫu mừng rỡ, cả hai vẫn bỡ ngỡ, không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu. Ngày xưa, vì tính nhút nhát, Diệu bị các bạn gắn thêm nhãn hiệu lù đù. Liên Hương hoạt bát, là xướng ngôn viên cho nhóm. Thế mà, giờ đây, lúc lúc Diệu phải phá tan sự im lặng bằng những câu hỏi chung chung. Giọng Huế vẫn trong trẻo, nhưng Liên Hương lúng túng trong mỗi câu trả lời. Diệu mơ hồ cảm thấy Liên Hương đã có những ngày tháng vô cùng buồn thảm. Gác điện thoại, Diệu còn bồi hồi. Dù rất nôn nóng gặp bạn, Diệu đành hẹn hai tuần nữa mới sắp xếp đến nhà Liên Hương. Định thần lại, Diệu mở bản đồ, tìm đường đến thành phố đó, cách nơi Diệu ở gần 150 cây số. Lúc Diệu hỏi đường, Liên Hương ngập ngừng:

-Hồi mô mi tới nhà ga chính của thành phố, tao sẽ chỉ tiếp đường cho mi, mà đường xe buýt chứ không phải đường xe hơi. Tao ít đi đâu, đường sá mù mờ lắm.

Liên Hương đọc địa chỉ, chầm chậm đánh vần tên đường:

-F, r, u có hai chấm ở trên… Frühlingsstr. Frühling là mùa xuân đó.

Liên Hương nhỏ nhẻ:

-Tao thức khuya lắm. Giờ mô mi gọi cũng được. Liên lạc lại được với mi, tao mừng lắm.

Vài ba tối, Diệu gọi điện thoại cho Liên Hương. Những lần sau, Liên Hương dần dà cởi mở hơn. Sau nhiều lần chuyện trò, Diệu từ từ có thể xếp một bức tranh ảm đạm từ những miếng puzzles rải rác đó đây.

* * *

Xong Cao Đẳng Sư Phạm, Liên Hương làm cô giáo Anh Văn ở trường cấp hai quận Năm, Sài Gòn. Nàng vừa đi dạy ở trường vừa kèm trẻ tại nhà. Khá bận rộn, nhưng về tài chánh không xác xơ, đói rách như những thầy cô giáo Văn, Sử, Địa. Chi tiêu chính trong gia đình đều trông chờ vào chị Liên Diệp từ Mỹ. Niềm hy vọng xuất ngoại theo đơn bảo lãnh của chị Liên Diệp như liều thuốc bổ cho mọi người trong nhà khỏe mạnh, phấn chấn. Liên Hương vui với những câu chuyện hình-như-là-tình-yêu, để thấy những hình- như- là- người -thương, và bạn bè dần dà ra đi. Đôi lúc nàng chạnh lòng, thấy tuổi mình, hâm tới hâm lui, không biết bao nhiêu bận, mà chưa có dịp thề non, hẹn biển với ai. Những tưởng tượng, mơ ước, khi đến Mỹ, sẽ đi học lại, sẽ thực hiện những hoài bão, những dự định cho công danh, sự nghiệp từ từ lắng xuống. Giữa mùa hè, tuy không đi dạy trường, giờ dạy tư của nàng vẫn kín thời khóa biểu. Do tình cờ lãng nhách, Liên Hương gặp Viện. Chị Vân, chị của Viện ở xeo xéo cách nhà Liên Hương mấy căn. Con hẻm bé tí, nên ai cũng quen nhau. Chị Vân kể, tính ra, ở ngoài Huế, hai gia đình chắc cũng gặp nhau đâu đó rồi. Dù là đồng hương, quan hệ của gia đình Liên Hương với gia đình chị Vân khá hời hợt. Vợ chồng chị Vân sống vương giả, vì toàn bộ gia đình lớn của chị ở nước ngoài. Đến bây giờ, nàng không hiểu tại sao mình nhận lời mời của chị Vân đến dự bữa cơm thân mật, mừng người em trai từ nước Đức về thăm nhà. Một số người ở ngoại quốc về, họ nói tiếng Việt ưa pha một số chữ của ngôn ngữ nơi họ sống. Buồn cười, nàng không nghĩ họ giỏi ngoại ngữ, mà chỉ nghĩ, tiếng Việt của họ dở thôi. Viện không có những biểu hiện “thời thượng” của Việt kiều mà nàng từng gặp. Viện không chêm một từ ngoại ngữ nào trong khi nói chuyện. Viện cũng không có kiểu chém to, kho mặn, không nói những câu đại khái “Ở bên đó thế này, thế kia…” Có lẽ vì vậy, Liên Hương có chút mỹ cảm dành cho Viện. Viện khen Liên Hương giỏi, khi biết nàng là cô giáo dạy tiếng Anh. Nàng chỉ nhẹ nhàng nói cám ơn. Lúc ấy, nàng không nghĩ đến chuyện xã giao, hỏi Viện làm nghề gì. Không khí buổi cơm tối chẳng để lại ấn tượng nào đặc biệt. Sau đó, chị Vân qua thăm gia đình Liên Hương. Lần này, chị Vân mời luôn cả ba me và ba chị em nàng đi ăn tối ở nhà hàng Ngự Bình. Hôm sau, ba me gọi nàng ra, nói rằng, chị Vân đại diện gia đình bên Đức, xin hỏi nàng cho Viện. Liên Hương không ngạc nhiên cũng chẳng mừng rỡ. Nàng băn khoăn, muốn chờ cùng cả nhà qua Mỹ theo đơn bảo lãnh của chị Liên Diệp. Ba me nói:

-Con gái có lúc, có thời. Chị con đã hết lòng lo. Mà bao năm rồi, đơn vẫn không động tĩnh chi hết. Ba me hết hy vọng rồi. Càng chờ, càng trễ tràng con à.

Ba me không hề ép. Nhưng Liên Hương có cảm tưởng, ba me sẽ rất lo buồn, nếu nàng đánh mất cơ hội này. Ngoài ra, có lẽ gốc gác “người cùng quê” và nét chân chỉ hạt bột của Viện làm ba me yên lòng, tìm được bến nước êm ả cho con gái. Nghĩ lại, Liên Hương giận mình hết sức. Nàng chẳng hề tự hỏi lòng mình, đo mức độ tình cảm của mình dành cho Viện. Nàng không tìm hiểu xem đời sống bên Đức ra sao. Bởi, nàng nghĩ, thời buổi này, ở đâu, chắc chắn cuộc sống sẽ bớt tăm tối hơn ở Việt Nam. Ai cũng bảo nàng may mắn. Viện trở về Đức. Thủ tục quá suôn sẻ. Không lâu sau, nàng đến Đức, ở một làng quê miền nam, cách xa thành phố München hơn trăm cây số. Hai tuần lễ đầu, Viện nghỉ làm, đưa nàng đi chơi lòng vòng, ngắm phố phường, mua sắm linh tinh ở siêu thị, thương xá. Ngày còn ở Việt Nam, nàng mơ, nếu có dịp đến Đức, sẽ đi thăm thành phố Bá Linh. Liên Hương hỏi, Viện bảo:

-Berlin xa lắm. Anh cũng chưa đến đó bao giờ.

Liên Hương thắc mắc, học tiếng Đức ở đâu. Viện ậm ừ:

-Thong thả rồi tính.

Buổi sáng, trước khi đi làm ở nhà hàng, Viện dặn dò vợ mọi điều. Ai bấm chuông, đừng mở cửa. Chỉ gọi điện thoại đến nhà hàng, nếu có chuyện khẩn cấp. Giờ giấc cơm nước của hai vợ chồng tùy theo giờ nghỉ của nhà hàng. Hai vợ chồng ăn trưa vào 3 giờ chiều và ăn tối vào 12 giờ khuya. Nhiều khi nàng muốn đi ra ngoài cho đỡ tù túng. Nhưng nhớ lời chồng căn dặn, nàng quanh quẩn trong căn nhà chật hẹp. Phải chi điều kiện bảo lãnh thân nhân vào nước Đức bắt buộc phải nói được ngôn ngữ của họ, thì nàng đã dự những khóa dạy Đức ngữ cấp tốc. Nàng lại ỷ y, nghĩ, mình biết tiếng Anh, học tiếng Đức ở nước Đức sẽ dễ dàng, nhanh chóng. Nàng muốn tận dụng thời gian trước khi xuất cảnh, cùng gia đình ra Huế, Đà Nẵng thăm họ hàng. Cho nên, đến Đức, mà một chữ tiếng Đức bẻ đôi cũng không biết. Anh của Viện có đưa cho nàng cuốn sách “Deutsche Sprachlehre für Ausländer”- “Tiếng Đức cho Người Ngoại Quốc”. Nàng tập nhìn mặt chữ, tập viết. Có những chữ hơi giống tiếng Anh, nàng đoán được nghĩa. Nàng cặm cụi ghi chép. Rồi nàng mở ti-vi, cố gắng lắng nghe, chỉ hiểu lõm bõm vài ba chữ. Mấy tiếng đồng hồ ở nhà một mình đối với nàng như dài vô tận. Nàng hỏi ý chồng, muốn ra phụ việc nhà hàng. Viện đồng ý ngay. Tất cả nhân viên nhà hàng là người Việt. Tiếng Đức nàng học từ những người làm trong nhà hàng chỉ là những chữ một, đôi khi phát âm không đúng, nói xen kẽ trong khi chuyện trò bằng tiếng Việt.

Liên Hương thôi hỏi đến lớp Đức ngữ. Nàng lờ mờ hiểu rằng, Viện nói tiếng Đức rất quờ quạng. Các anh chị khác làm “bồi” vì tiếng Đức khá hơn. Viện làm trong bếp. Những giấy tờ, Viện đưa anh của Viện lo. Lúc đi bác sĩ, nàng tưởng mình như vừa câm, vừa điếc. Thấy chồng diễn tả mọi việc trúc trắc, nàng tội nghiệp cho cả hai. Những háo hức về đời sống ở ngoại quốc mau chóng nguội lạnh. Nàng thương nhớ gia đình ngút ngàn. Nàng cảm thấy cùng quẫn, một ngày mai mờ mịt. Nhưng sợ ba me lo buồn, nàng không dám kể lể cho gia đình biết. Nàng không tưởng tượng được, chỉ mới sau một thời gian ngắn, mà cuộc đời mình thay đổi đến như vậy. Ý tưởng manh nha xin Viện cho nàng trở về Việt Nam hoàn toàn bị dập tắt, khi ba me nàng báo tin nhà đã xong hồ sơ xuất cảnh, đang chờ vé máy bay. Nàng chán nản cùng cực. Dường như không có ngày nào nàng không sụt sùi. Giữa những sầu khổ, nàng bỗng vươn dậy khi biết mình mang thai. Anh của Viện không thể đưa nàng đi bác sĩ sản khoa. Chị của Viện thấy nàng chẳng đỡ đần công việc ở nhà hàng được bao nhiêu. Không những thế, mặt mày nàng lúc nào cũng dàu dàu, đứng xớ rớ trong bếp, vướng chân, vướng cẳng người khác. Sẵn dịp nghe nàng có bầu, chị bảo nàng ở nhà nghỉ ngơi. Tại phòng mạch, khi nói chuyện với y tá, Viện phải múa máy chân tay. Nàng vừa thương, vừa buồn. Nàng ngồi khép nép nơi phòng đợi, chờ đến phiên. Viện ra ngoài hút thuốc, cô người Đức ngồi bên cạnh, mở lời làm quen. Cô nói tiếng Anh với Liên Hương:

-Chị là Sabine. Có lẽ em chưa biết chị. Chị ở tầng trệt, cùng nhà các em. Vợ chồng em ở tầng ba phải không.

Liên Hương rụt rè:

-Dạ, phải. Chị cũng đến khám thai hả.

Chị cười vui vẻ:

-Không, chị khám tổng quát hàng năm.

Lúc đó, Viện đi vào. Chị nói đôi điều với Viện, rồi quay qua Liên Hương:

-Chồng em đồng ý rồi. Lát nữa, chị vào nói chuyện với bác sĩ cho em. Khám xong, chị chở em về nhà.

Thế là Liên Hương quen với người “ngoại quốc” đầu tiên, sau gần một năm ở Đức. Chị Sabine đưa cho nàng mấy cuốn sách, có cả cuốn tự điển Đức Anh – Anh Đức. Chị dịch và cắt nghĩa những tài liệu về dưỡng thai. Nàng cảm thấy thật vui, mỗi chiều, từ cửa sổ nhìn xuống thấy chị Sabine đi làm về, chạy xe vào bãi đậu sau nhà. Đôi khi, chị dắt nàng đi chợ mua sắm lặt vặt hoặc rủ nàng đi dạo trong công viên. Nàng kể cho Viện về chị. Ban đầu, Viện nghe lơ là, không có ý kiến gì. Khi nàng nói, chị Sabine đã hỏi chỗ học tiếng Đức cho nàng. Nếu Viện đồng ý, chị sẽ đưa nàng ghi tên nhập học.

Viện bỗng to tiếng:

-Em cứ chờ đi. Hồi nào sanh con xong hãy tính. Người Đức không tốt bụng như em nghĩ đâu. Anh không muốn em liên lạc với bà đó nữa.

Liên Hương ngạc nhiên:

-Chị ấy rất tử tế. Em có gì để cho chị ấy lợi dụng đâu mà sợ. Anh không muốn tốn tiền cho em đi học trường, thì em cố học với chị Sabine, chừng nào hay chừng đó.

Nước mắt Liên Hương chực trào ra.

-Anh nói rồi. Em còn nói chuyện với bà đó, là biết tay anh.

Liên Hương mím môi:

-Anh không muốn nộp tiền học, thì em ở nhà. Nhưng em vẫn giữ liên lạc với chị Sabine, đâu có tốn kém gì cho anh đâu.

Sau đó là chuỗi ngày u buồn, ngột ngạt. Con Bé ra đời cũng chẳng làm không khí gia đình nhẹ nhàng hơn. Nàng chới với khi Viện bảo nàng là phường vô ơn bạc nghĩa. Nàng quỵ ngã khi Viện bảo, tùy ý, hai mẹ con muốn đi đâu thì đi. Chị Sabine hết lòng giúp đỡ, vực nàng dậy. Chị Sabine hướng dẫn nàng đòi hỏi quyền lợi cho hai mẹ con khi ly thân. Nhưng Liên Hương đã quá ngao ngán, chỉ muốn chấm dứt hẳn với đoạn đời nghiệt ngã đó. Chị chiều lòng nàng, đưa nàng đi xin trợ cấp dành cho mẹ đơn thân và căn nhà của Sở Xã Hội. Chị Sabine cho số điện thoại, dặn, khi nào có vấn đề, gọi cho chị. Làng nhỏ, xa phố, có lẽ rất ít người Việt Nam lưu lạc đến đây. Một thời gian dài, chị Sabine là người thân, là chỗ dựa cho mẹ con nàng.

Sang Mỹ đoàn tụ với gia đình là một lối thoát cuối cùng cho Liên Hương. Vừa có thẻ xanh, ba nàng nộp đơn bảo lãnh hai mẹ con. Ông qua đời trong khi đơn chờ xét duyệt. Vài tháng sau, me nàng cũng theo chân ông. Ước mơ sum họp gia đình ở Mỹ hoàn toàn tàn lụi. Nàng cảm thấy bơ vơ cùng cực. Trong một năm, chịu hai đại tang, nàng ngã bệnh. Con Bé là cái phao cho nàng ngoi lên trong những lúc muốn buông xuôi tất cả.

* * *

Diệu tìm đến thăm Liên Hương vào ngày trời âm u, lạnh ẩm ướt. Mẹ con Liên Hương ở trong căn hộ nhỏ. Hai đứa gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi. Liên Hương gọi con bé ra chào dì Diệu, rồi bảo con vào phòng xem ti vi. Diệu len lén quan sát Liên Hương, cảm nhận nỗi bất an qua từng cử chỉ của bạn. Người thiếu phụ đang lúng ta, lúng túng pha trà dường như chẳng liên quan gì đến cô học trò xinh đẹp, tràn đầy sức sống thời trung học. Phải chi có Loan lúc này, trêu ghẹo, chọc phá, để Diệu tìm lại nét tinh nghịch, linh hoạt nơi bạn. Diệu thương bạn quá. Liên Hương cúi đầu:

– Mi coi, tao ở đây gần chục năm rồi, mà cứ ngơ ngơ, ngáo ngáo như người mới qua. Chừ tao đủ điều kiện xin vào quốc tịch Đức, mà nói năng như ri thì làm răng thi quốc tịch. Hồi con Bé còn nhỏ, biết gởi nó cho ai, mà đi học tiếng Đức. Bé lớn một chút, tao đi làm, chớ mặt mũi nào mà lãnh trợ cấp xã hội hoài.

Diệu cầm tay Liên Hương:

-Thôi, mi đừng nghĩ ngợi lung tung. Mi có năng khiếu ngoại ngữ. Nhớ hồi đó không, ai mà hơn được mi. Ít bữa đi học lại, có căn bản là nói… cũng như tao. -Diệu giỡn, cố cho Liên Hương vui lên một tí.

-Bé sắp sửa xong tiểu học rồi. Tao đi họp phụ huynh, nghe tiếng được, tiếng mất. Bé học có lẽ yếu. Tao biết chi mà chỉ vẽ nó.

Tiễn Diệu ra cửa, Liên Hương tần ngần:

-Tao biết mi bận rộn lắm. Khi nào rảnh, ghé tao nghe.

Liên Hương cố gắng đùa một cách khó khăn:

-Mi coi đó, tới tao là thấy muà xuân. Nhà ở Con Đường Mùa Xuân, thì có xuân quanh năm.

* * *

Loan háo hức, bắt Diệu phải tường thuật đầy đủ về buổi tái ngộ với Liên Hương. Diệu không biết nên kể cho Loan nghe những gì về nhỏ bạn xưa. Không, Diệu sẽ không nhắc đến ánh mắt hấp háy, thiếu tự tin, thừa mệt mỏi của Liên Hương. Diệu không biết nên tả chân dung người mẹ đơn thân như thế nào đây. Hay thôi, Diệu chỉ cần kể thật chi tiết cho Loan nghe rằng, khi nhắc thời đi học ở trường Marie Curie, sắc mặt của Liên Hương lóe lên niềm vui, giọng mơ màng:

-Mi nhớ anh chàng bắc kỳ lớp C không? Tao gặp lại anh chàng bên Cao Đẳng. Anh chàng hết nói giọng bắc, mà đổi sang giọng nam. Có lần anh chàng mời tao đến dự sinh nhật. Chàng đàn hát, trông rất nghệ sĩ. Hương, anh gọi tên em trong ngút ngàn nỗi nhớ… Tao cảm động lắm. Nhưng lúc đó, tao chờ bảo lãnh qua Mỹ, nhất quyết không dây dưa chi mấy chuyện tình cảm.

Diệu định sẽ đến thăm Liên Hương đều hơn và thu xếp đưa mẹ con Diệu đi chơi loanh quanh vào cuối tuần. Chưa có dịp trở lại Liên Hương, Diệu đổi việc, dọn nhà xuyên tiểu bang. Lại càng xa Liên Hương. Diệu áy náy dữ lắm. Diệu gọi cho Liên Hương thường hơn. Qua giọng kể ngày càng thoải mái, tự nhiên của Liên Hương, Diệu biết thêm về những sinh hoạt của hai mẹ con. Hầu như trong mỗi lần nói chuyện, Liên Hương đều nhắc đến anh Thuận. “Anh Thuận mới bắt đèn neon. Bếp chừ sáng lắm, chứ không tù mù như hôm mi lại chơi đâu.” “Anh Thuận dán giấy phòng cho con Bé, đúng ý nó, nó thích lắm”. “Bé học tiến bộ, vì có anh Thuận tới kèm”… Qua giọng kể tươi tắn của Liên Hương, Diệu biết thêm về anh Thuận.

Ngày nọ, ông Lohn, ông sếp Liên Hương trong chỗ làm, thấy thông tin về chùa Việt Nam trong tờ báo địa phương. Ông đưa cho nàng tờ báo có địa chỉ của một chùa Phật Giáo, cách nhà nàng mấy chục cây số. Nàng mừng lắm. Chủ Nhật, hai mẹ con đi xe lửa lên chùa. Không gặp ai quen, nhưng nàng rất vui, được thấy người Việt, được nghe, được nói tiếng Việt. Một bác lớn tuổi hỏi chuyện nàng. Bác tỏ vẻ ái ngại: “Chà, hai mẹ con đi xe lửa cực dữ à. Bác đi nhờ xe cậu Thuận. Để chút nữa bác hỏi thử, có tiện đường thì xin cậu cho mẹ con cháu quá giang luôn”. Thật may mắn, nhà của nàng trên đường về nhà anh Thuận. Từ đó, tuần nào anh Thuận đi chùa, anh ghé ngang đón hai mẹ con đi cùng. Anh Thuận goá vợ. Con trai anh đã ra riêng, đi làm. Anh đến chùa, ai cần gì, anh giúp nấy. Anh Thuận có mặt trong những lúc nàng gặp khó khăn. Từ chuyện nàng vào bệnh viện mổ ruột thừa đến chuyện chăm sóc đưa đón con Bé những khi nàng đau ốm. Liên Hương đã nghỉ làm ở siêu thị, đổi sang công việc dọn dẹp vệ sinh cho tiệm thuốc tây mỗi tối sau khi tiệm đóng cửa. Anh Thuận đã xin cho nàng theo học khóa Đức Ngữ, chuẩn bị thi vào quốc tịch. Diệu mừng cho bạn và có cảm tình với anh Thuận. Hôm hai đứa đang nói chuyện trên điện thoại, anh Thuận đến. Liên Hương bảo Diệu:

-Ừ, mi nói chuyện với anh Thuận, làm quen nghe.

Tiếng anh Thuận chậm rãi:

-Chào chị Diệu. Tôi nghe Liên Hương nhắc nhiều đến chị.

Diệu khựng lại khi nghe giọng bắc…75 của anh Thuận.

Liên Hương tâm sự:

-Hồi đầu, nghe giọng bắc “hai nút” của anh Thuận, anh chị tao bên Mỹ lo lắng lắm. Nhưng khi biết anh Thuận hết lòng chăm sóc hai mẹ con, anh chị tao bây giờ cũng rất mến anh Thuận.

Diệu nhắc chuyện hồi xưa, Liên Hương cười khúc khích:

-Hồi nớ tao không ưa giọng bắc. Nhưng chừ nghe hoài, thấy cũng dễ thương mi ơi.

Giọng Liên Hương rộn ràng:

-Tụi tao chọn ngày thứ Sáu ký giấy hôn thú ở sở Hộ Tịch. Sau đó, mình có bữa tiệc thân mật. Tụi tao chẳng có họ hàng chi ở đây, chỉ có mấy người bạn bên chùa.

Liên Hương reo lên:

-Ô, tao có mi đại diện bên nhà gái chứ. Mi cố gắng thu xếp xuống chơi với tao vài bữa nghe. À, mà ít bữa tao dọn nhà. Tao hết ở Frühlingsstraße – Con Đường Mùa Xuân rồi.

Diệu muốn ôm chầm lấy Liên Hương, chung niềm vui với bạn. Liên Hương ơi, cho dù mi không ở Con Đường Mùa Xuân nữa, mùa xuân đã trở lại trong tim mi rồi đó. Diệu sẽ kể cho Loan nghe về mùa xuân của Liên Hương. Chắc chắn Loan cũng như Diệu, cùng mừng bạn đã hết lận đận đường tình duyên. Hai đứa cùng cầu chúc mùa xuân sẽ chan hòa thêm nhiều tháng năm trên con đường trước mặt của Liên Hương.

 

Hoàng Quân

Tháng Giêng 2021

Trích lời ca trong nhạc phẩm

Thương về miền Trung, nhạc sĩ Duy Khánh

Gởi người em gái, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/gui-nguoi-em-gai-quang-tuan.ns0WVpYcDt.html

Hương, nhạc sĩ Nhật Ngân, thơ Nguyễn Long

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search