Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: T.L/ PNVN
Jackhammer Nguyễn
Vâng, bạn đọc có thể nói: Ông ta là nhà văn, dính gì đến lịch sử. Tôi không nghĩ như thế.
Tôi đọc hầu hết các truyện ngắn của ông, từ những câu chuyện đường rừng vùng Tây Bắc, đến sự thật đằng sau hình ảnh oai hùng của vị đại tá về hưu, phủ nhận cái gọi là “đường ra trận mùa này đẹp lắm” (câu hát trong bài “Trường sơn Đông, Trường sơn Tây”, mà Đảng dùng để tuyên truyền tâm lý chiến), của âm nhạc cách mạng chính thống.
Nhưng đọng lại sâu sắc nhất trong tâm trí tôi là câu chuyện về vua Gia Long và thi hào Nguyễn Du trong Kiếm Sắc, Vàng Lửa.
Cho đến lúc Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu xuất hiện trên văn đàn, vua Gia Long được các sử gia cách mạng mô tả là một nhân vật “cõng rắn cắn gà nhà”, bắt đầu một triều đại “phản động”. Vàng Lửa và Kiếm Sắc mô tả vị vua là một người đàn ông thông thái, hiểu được mình đang làm gì, hiểu cả những điều mình không thể làm được.
Trong các tác giả Việt Nam hiện đại, cho đến nay, tôi thấy có hai người dũng cảm nhìn lại để đặt những nhân vật lịch sử vào đúng vị trí của họ. Ông Nguyễn Huy Thiệp đã vượt qua cái lằn ranh địch-ta mà sử gia cộng sản vạch ra khi nói về thời kỳ nhiễu nhương của lịch sử Việt Nam, thời nội chiến Tây Sơn – Gia Long. Đối với sử gia cộng sản, Tây Sơn là phe ta, Gia Long là phe địch, Tây Sơn là tốt, là cách mạng, Gia Long là xấu, là phản động.
Người thứ hai là ông Nguyễn Gia Kiểng, qua tác phẩm “Tổ quốc ăn năn”, nhìn lại về sự bạo tàn của triều Tây Sơn, vốn không chỉ được các sử gia cộng sản đề cao, mà cả những sử gia dân tộc chủ nghĩa Việt Nam khác. Nhiều người rất thích chuyện Quang Trung Nguyễn Huệ đòi lại Lưỡng Quảng, rồi những chiến thắng quân sự thần tốc của ông, mà bỏ qua khía cạnh quản trị quốc gia kém, những chính sách thất nhân tâm,… dẫn đến sự diệt vong nhanh chóng của triều đại này.
Một hình ảnh nhân vật lịch sử khác, qua lăng kính của Nguyễn Huy Thiệp, trở nên một người bình thường, mà vẫn có cái phẩm chất lỗi lạc, đó là thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Huy Thiệp mô tả Nguyễn Du như sau: “Khuôn mặt nhàu nát vì đau khổ”. Không có một học sinh trung học, sinh viên văn chương Việt Nam nào hình dung ra hình ảnh Nguyễn Du như vậy, cho tới Nguyễn Huy Thiệp.
Tính nhân bản của một nhà văn giúp ông vượt qua được chủ nghĩa dân tộc vị kỷ. Qua góc nhìn của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Du và Truyện Kiều như là kết quả của một sự hãm hiếp văn hóa của gã đại Hán trưởng giả, với cô thôn nữ Việt Nam quê mùa. Chẳng phải là Kim Vân Kiều xuất phát từ Thanh Tâm Tài Nhân, người Trung Quốc đấy sao?
Và một khung cảnh Trung Hoa bàng bạc cả một trời Kim Vân Kiều truyện, dù cho sau này người ta tha hồ bình luận Kiều là phụ nữ Việt Nam thế này hay thế kia. Người Pháp, người Anh, người Đức, người Mỹ,… chẳng bao giờ thấy xấu hổ khi ngôn ngữ của họ có quá nhiều từ ngữ gốc Latin cả.
Tôi đọc Nguyễn Huy Thiệp lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ của nhà văn Nguyên Ngọc, đăng lại những truyện ngắn của ông. Đó là thời kỳ báo chí lẫn tiểu thuyết, truyện ngắn,… phát triển khá tự do, đi ra ngoài lối tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho đến lúc đó. Trải qua hơn ¼ thế kỷ, những nhà văn cùng thời với ông như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài,… phải sống lưu vong, Nguyễn Huy Thiệp mất trên quê hương và được truyền thông cả hai lề “trái, phải” tưởng nhớ, âu cũng là một kết thúc có hậu.
Sau Nguyễn Huy Thiệp, giới sử gia Việt Nam bắt đầu khe khẽ bảo, hãy nhìn lại triều Nguyễn Gia Long. Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường về Việt Nam sống những năm cuối đời. Ông Trường từng là sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông chưa bao giờ viết sử dựa trên “quan điểm, lập trường” như các nhà sử học cách mạng cả. Nhiều chuyện đã thay đổi, nhưng quyển sách “Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 Đến 1802” của Tạ Chí Đại Trường, dù đã được xuất bản trong nước, lại bị đổi tên thành “Nước Việt Nam thời Tây Sơn”. Người ta vẫn sợ hãi cái từ nội chiến và vẫn chưa thấy thảm sát Mậu thân, hay thảm trạng Thuyền nhân xuất hiện trong sách lịch sử tại Việt Nam.
Không rõ vì sao khi cái tin Nguyễn Huy Thiệp mất đến với tôi, trong óc tôi hiện ra khung cảnh một buổi chiều đông trong hiệu sách Gilbert trên một đại lộ ở trung tâm Paris, cách đây hơn 20 năm, tôi nhìn thấy quyển sách L’or et le feu (Vàng Lửa), tác giả Nguyễn Huy Thiệp.
Jackhammer Nguyễn
(Nguồn: Báo Tiếng Dân)