T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Sử gia, sử phẩm và sử nghiệp

Người về từ quá khứ – Tranh: Thanh Châu

Một ngày đọc bài viết tù cải tạo Tân Lập năm 1980, tác giả Nguyễn Văn Dưỡng viết về cái chết của mộr sử gia. Ngày ấy tôi bồi hồi xúc cảm về cái chết của ông. Vì không phải là sử gia được nhiều người biết đến như Tạ Chí Đại Trường, Trần Quốc Vượng, v…v…Có thể vì vậy nên tôi không hay biết gì nhiều về ông, mặc dù trích dẫn nhiều lần câu diễn sử của ông vào những bài phiếm sử của tôi có dây mơ rễ má đến Việt tộc:  “…Lấy gì để căn cứ nói rằng chúng ta là một trong nhóm Bách Việt và dẫn chứng bằng hình dáng, tính tình, phong tục và văn hóa để ấn định nguồn gốc và dòng giống ẩy…’’.

Nói cho ngay, ngày ấy tôi không biết câu trích dẫn ầy ở sách nào…

Rất ngay tình, cách đây 49 ngày: Tôi có cụ bạn già đột tử tại nhà, bèn vội tới ngay để viếng bạn. Tình cờ nom dòm thấy quyển Việt sử tòan thư của ông nằm trên bàn, sách viết từ thời thượng cổ đến cận đại. Thế là sau đó, tôi lọ mọ đi tìm từng đọan, từng khúc và cô đọng lại để có cái nhìn về ông và những người trăm năm cũ viết sử từ thời Trần đến thời Lê qua những lẩn khuất nào đấy về những sử gia, sử phẩm và sử nghiệp.

Bài viết xong, buông bút, đọc lại chỉ thấy những…chết chóc.

Về ông ư? Ừ thì hãy đảo qua bài viết của học trò ông trước đã. Vì chuyện tù cải tạo dài 8 trang, tôi phải cắt từng khúc, ngắt từng đọan là thế…

“…Trước năm 1975, ở miền Nam, ông là một trong rất ít những vị viết sử. Bộ sử được nhiều người biết đến nhất của ông là bộ Việt sử tân biên (1956).

Tôi làm việc dưới quyền ông từ năm 1958 đến 1960. Tôi được ông giới thiệu gặp ông Lê Ngọc Trụ làm việc ở Thư viện Quốc gia để hướng dẫn sưu tầm tài liệu. Ông Trụ là học giả, chỉ dẫn cho tôi tìm được nhiều tài liệu sử giúp ông tu chỉnh Việt sử tân biên. Thời gian làm việc với ông, tôi đã học được ở ông nhiều về viết lách.

Với khả năng và kinh nghiệm như ông, hẳn là Ban Quân sử Quân lực VNCH đã viết được những bộ sử chiến tranh VN cận đại. Vì tôi biết ông rất thận trọng, không khinh xuất trong việc viết sử. Ông thường bảo tôi: “Phải làm sao mức độ trung thực và chính xác cao chừng nào tốt chừng đó. Việc sưu tập những sử kiện có độ xác tín nhiều chừng nào thì việc nghiên cứu, lượng giá, đối chiếu dễ chừng nấy…”.

Bài khảo sử khảo sách dưới đây, một là sử sách thời Trần với năm viết chõi nhau, hai là tên sử sách chồng chéo nhau đến rộn người. Số ruồi, tôi không may có trí nhớ phảng phất như khói, lãng đãng như sương nên rối như con rối không phải là ít…

Đại Việt sử lược là bộ sử ghi chép từ đời Hùng Vương đến nhà Lý, viết năm 1377 ghi niên hiệu vua Trần cuối cùng là Trần Đế Nghiễn (sic – là Trần Thiếu Đế). Sách bị thất lạc khi giặc Minh vơ vét sách vở, bia đá, bản gỗ có chữ mang về Tàu mang theo cuốn này, cuối cùng năm 1776 lọt vào tay Càn Long. Năm 1792, Tiên Hi Tộ sử gia nhà Thanh cắt chữ “Đại” còn lại Việt sử lược, không ghi tên tác giả (nguồn Lê Mạnh Thát). Bộ sử bị mất, mặc dù “khuyết danh” nhưng được biết đến nhờ học giả người Nhật tìm thấy ở Bắc Kinh. ‘’Việt sử lược’’ được Tiên Hi Tộ hiệu đính ghi:

Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước CN) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng do thuật, áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương. (Thái Văn Kiểm).

Trong khi tôi đang rối ren ở…thời Trần, thì tác giả Nguyễn Văn Dưỡng ở…An Lộc

“…Lúc bấy giờ, tôi là Trưởng phòng 2, Bộ Tư lệnh Hành quân Chiến trường An Lộc của tướng Lê Văn Hưng. Tôi đã cung cấp cho ông những tài liệu, sự kiện “sống” nóng bỏng, chính xác và đầy đủ. Tuy nhiên, muốn viết cho trung thực hơn, ông đã ở lại trong hầm chống pháo với tôi một đêm thức trắng để nghe tiếng đạn pháo của địch quân rơi trên đầu, và hỏi tôi thật chi tiết về những sự kiện ghi trong nhật ký hành quân, kể cả cung từ tù binh của địch bắt được trong các trận đánh trước ở đó. Sau đấy ông ra Quảng Trị làm nhiệm vụ như ở An Lộc để viết binh sử. Để rồi tôi xin kể lại những ngày cuối cùng bi đát trước cái chết thảm thương của ông trong lao tù…”

Thêm ngẫu sự tôi rối rắm với bộ sử nào là bộ đầu tiên…

Bởi người này cho hay Đại Việt sử lược là bộ xưa nhất. Nguời nọ cho biết ấy là Đại Việt sử ký. Chuyện đâu hãy còn đấy, vì bây giờ tôi đang rối ren với Việt sử lược

Việt slược hay Đại Việt sử lược xuất hiện thời nhà Trần và bị thất truyền rất lâu, mãi gần đây mới được tìm thấy ở Bắc Kinh, nói là theo bản của tuần phủ Sơn Đông thu nhặt được đem dâng lên vua Càn Long (1736-1795). Tiền Hy Tộ người Kim Sơn, thuộc Giang Tô đã hiệu đính để bổ cứu cho phần ngoại truyện của Tống sửNguyên sử. Sau đấy cho khắc in, rồi đưa sách vào Khâm định tứ khố toàn thư. Nhờ vậy mà Đại Việt sử lược còn tồn tại cho đến ngày nay.

Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng phiên dịch Đại Việt sử lược sang Việt ngữ, và phần chú giải nói tới việc các người họ Lý bị đổi thành họ Trần. Nhờ tìm ra Đại Việt sử lược hay Việt sử lược viết vào thế kỷ 14, mới biết vua Hùng lập quốc khoảng 700 năm trước CN, lúc đó là đời Chu. Cộng chung 2700 năm chứ không phải 4000 năm.

Tôi đang rối như canh hẹ với 4000 năm văn hiến của cụ sử thần Trần Trọng Kim. Thì người viết trại tù Tân Lập ở Phú Thọ gặp lại ông thầy cũ là người viết sử…

“…Năm 1976, trong đợt tù nhân đầu tiên, tôi bị đưa ra Bắc. Năm 1979, vì cuộc chiến giữa Trung Cộng và CSVN, những trại giam trên các tỉnh biên giới phía Bắc được chuyển về tây nam Hà Nội, như trại Tân Lập (Phú Thọ), Nam Hà (Nam Định), Thanh Phong (Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh). Tôi đến Tân Lập người ngợm còn chút thịt da, anh em tù ở trại giam Tân Lập từ mấy năm trước thân thể chỉ còn da bọc xương. Riêng ở phân trại K2, mấy tháng mùa đông cuối năm 1979 có 1 đến 2 tù nhân chết. Tại K2/Tân Lập, trong hoàn cảnh chung như vậy, tôi đã gặp lại ông.

Tôi đã nhìn thấy tận mắt những ngày bi đát cuối cùng của đời ông…”.

Ai đấy bòn mót bộ Đại Việt sử lược là quyển Việt Chí của Trần Phổ soạn năm 12231240 (xem tr 7). Về Việt Chí, theo ông Hoa Bằng trong Tạp chí Tri Tân, số 6 ngày 8-7-1941, thì trước Lê Văn Hưu có Trần Tấn sống thời Trần viết bộ Việt Chí. Sau đó Lê Văn Hưu sửa lại Việt Chí cho hoàn chỉnh, đầy đủ, thứ tự và có lời bàn tức bộ Ðại Việt sử ký. Cùng góp nhóp như ông Hoa Bằng, trước đó năm 1307, Lê Tắc hay Lê Trắc thời Trần viết trong An Nam chí lược: Trần Tấn còn gọi là Trần Phổ từng tác (trước tác) sách Việt Chí. Lê Văn Hưu là người tu (tu chính) Việt Chí.

Vẫn còn rối như mớ bòng bong vì sau này có người cho hay…

Sử Hy Nhan (?- 1421), tác giả Trảm xà kiếm phú, ông mới là người viết bộ Đại Việt sử lược. Vì gần đây phát hiện gia phả họ Trần ở Hà Tĩnh, một số học giả nghiêng về tác giả Đại Việt sử lược là Sử Huy Nhan. Ông người làng Ngọc Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ trạng nguyên năm 1363, viết Đại Việt sử lược vào đời Trần Duệ Tông 1373. Ông vốn họ Trần, nhưng giỏi…sử nên được vua Trần đổi sang họ…Sử.

Đang rối tinh ai là tác giả Đại Việt sử lược cũng đành để đó. Để bắt qua chuyện học trò ông học nhiều điều về viết lách ở ông đang lên phạn xá gánh cơm…

“…Một buổi trưa, tôi và bạn tù đến phiên phải lên phạn xá gánh cơm về cho anh em. Trong khi chờ đến lượt mình nhận cơm, tôi vơ vẩn đến bên ngoài hành lang của một căn phòng nhỏ cạnh phạn xá. Tôi thấy một người, nhận ra ông ngay, mà cứ ngỡ mình nhìn lầm. Ông chỉ còn là cái bóng âm thầm, một cái xác sắp mục nát, bất động, câm nín sau chấn song sắt, bên trong cửa sổ của căn phòng “cách ly”.

Duy đôi mắt hiền hòa thì vẫn tinh anh như thuở nào. Rõ ràng ông đang hiện hữu như một tĩnh vật có hồn, đang nhìn ngắm mọi sự vật đổi thay, với những nhận định nào đó một cách hữu thức… Vì chính đôi mắt nhìn lắng sâu cho tôi biết điều đó về ông.

Tôi nhìn ông và ông nhìn tôi.

Trong một thoáng, quá khứ như chỗi dậy; không biết vì mừng rỡ hay vì ngỡ ngàng xúc động, tôi chợt buột miệng gọi lên một tiếng: Thầy…”

Lê Văn Hưu (1230-1322) người huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Cuốn Lê thị gia phả hiện còn lưu giữ, ghi ông là người khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh từ nhỏ.
Một hôm đi ngang qua lò rèn, thấy người ta đang làm những cái dùi sắt, Lê Văn Hưu muốn xin một cái để làm dùi đóng sách. Bác thợ rèn thấy chú bé mới tí tuổi đầu đã chăm lo việc học hành, bèn ra một vế đối để thử tài:
– Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở.
Lê Văn Hưu liền đối:
– Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên.
Bác thợ rèn ngạc nhiên rồi tặng luôn một cái dùi, kèm theo ít tiền để mua giấy bút.

Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn khi 18 tuổi, đây là khoa thi đầu tiên ở nước ta đặt danh hiệu tam khôi (ba người đỗ đầu: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Quốc sử viện giám tu. Trong thời gian làm việc ở Quốc sử viện, ông sửa Đại Việt sử lược và đặt tên là Đại Việt sử ký, ghi lại những sự việc trong lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Đà tới Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, bộ sử này bị thất lạc nay giới sử học chỉ tìm thấy 15 quyển.

Với…chết chóc, tôi tất tật: Ông mất ngày 23-3-1322, táng ở cánh đồng Mả Giòm, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Nay ở đó vẫn còn phần mộ với tấm bia dựng năm 1867, Tự Đức cho khắc ghi tiểu sử và một bài ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông.

Tôi đang lúi húi vì nhân sinh quý thích chí với ‘’Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi…’’. Thì người viết sử đứng ở ngưỡng cửa trong lạnh lẽo, cô đơn…

“…Chỉ một tiếng rồi lặng thinh. Mắt ông hình như đã nhận ra tôi. Qua gương mặt đã biến dạng, sần sùi của ông, đôi môi khẽ chớp động, tôi đã nhìn thấy một nụ cười.

Tuy ông lặng lẽ không nói một lời, không một dấu hiệu, ông rời song cửa sổ. Chỉ chưa đầy một phút sau, cánh cửa ra vào đang khép hờ mở rộng ra. Ông đứng ở ngưỡng cửa, thẳng thớm như đứng giữa giang sơn của mình, một giang sơn thu hẹp đến thật nhỏ nhoi, lạnh lẽo, cô đơn. Ông cho tôi ý nghĩ, chính nơi thật nhỏ nhoi này, là nơi ông đang ấp ủ một điều gì thật to tát trong ông. Nhận xét của tôi không thể nhầm lẫn vì ngày xưa nhiều lần tôi đã nhìn vào mắt và tư thế của ông mà đoán những gì ông muốn nói với tôi. Ở lần gặp lại này, tôi cảm nhận được ý nghĩ của ông như thuở đó…”.

Trở lại chuyện tôi rối như tơ vò vì sử sách năm viết chõi nhau, như Đại Việt sử lược là bộ sử xưa nhất nước ta viết năm…1377 nhưng theo Sử Hy Nhan lại là năm 1373. Nay thêm Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử ký năm…1272 nên tôi chả biết đầu mà lần.

Bèn lần mò theo sử thần Lê Văn Hưu tham khảo sách sử và soạn thành bộ Đại Việt sử ký, dựa theo phương pháp viết sử của Tư Mã Quang, tác giả bộ sử Tư trị thông giám của Trung Hoa. Lê Văn Hưu (1322) mất trước khi 18 vua Hùng xuất hiện trong Viết điện u minh tập (1329) và Lĩnh Nam chích quái (1492).

Đến trần ai khoai củ này, tôi nghĩ ngay đơ: Đại Việt sử lược dựa vào Lĩnh Nam chích quái và Viết điện u minh tập nên chép thời Hùng Vương. Trong khi Đại Việt sử ký chép từ thời Triệu Đà. Bởi Đại Việt sử ký không có vua Hùng vì ông mất trước khi vua Hùng ra đời. Thế nên tôi nghĩ dại một là ông không hiệu đính Đại Việt sử lược để viết Đại Việt sử ký. Hai là Đại Việt sử lược không phải là bộ sử đầu tiên.

Ăn ngay nói thật, sau khi mụ sử tôi với một ngón tay mổ chữ trên bàn gõ như cò mổ ruồi cho xong bài khảo sử khảo sách Sử gia, sử phẩm và sử nghiệp. Thế nhưng vẫn chưa xong, vì lẩn đẩn trên mạng lưới, tôi vồ dữ kiện dưới đây…

clip_image002

Mèo mù vớ cá rán, bởi ông Trần Quốc Vượng có nhận định gần gần như…tôi. Ông viết: Nếu nói Lê Văn Hưu là tác giả bộ chính sử thứ nhất không hẳn là đúng. Thêm trước Đại Việt sử ký của ông, chưa có sách nào được gọi là chính sử. Như Đại Việt sử lược được xem là loại sách sử riêng, không được triều đình công nhận là chính sử, nên không được phổ biến. Cũng có lẽ vì thế mà Ngô Sĩ Liên không nhắc đến hay dựa vào Việt sử lược hay Đại Việt sử lược.

Tôi đang ở thời Trần định bước qua thời Lê với Ngô Sĩ Liên thì vừa lúc…

“…Tôi định bước vào, tiến đến gần ông nhưng kịp thấy ông nhìn tôi khẽ lắc đầu. Tôi dừng lại và ghi nhận đầy đủ hơn tín hiệu của căn bệnh ghê gớm đã và đang tàn phá cơ thể ông. Ông đứng thẳng, hai tay chập lại để trước người. Những ngón tay đan chéo vào nhau. Chỉ nhìn tôi không nói một lời nào. Ngày đó, đất trời còn lạnh căm.

Tuy nhiên, tôi nghĩ không phải vì trời lạnh mà ông trùm kín đầu bằng chiếc khăn lông đã trở màu vàng, bẩn và lấm tấm những vệt máu, mủ. Vòng khăn quấn kín cổ chỉ chừa có đôi mắt, mũi, miệng và một phần rất nhỏ ở hai bên má. Ông trùm kín mặt như vậy có lẽ để che bớt đi những vết lở lói trên mặt, bởi chứng bệnh nan y của ông. Thân thể gầy gò nhưng cộm lên vì mặc nhiều lớp áo quần bên trong. Bên ngoài, ông mặc một chiếc áo mưa màu nhà binh đã cũ, sờn rách. Chân được bó lại bằng những mảnh vải quần áo cũ xé ra, dính đầy bụi đất và những vết máu, vết mủ.

Và chỉ có vậy thôi, tôi cũng nhận ra rằng không phải ông mang chứng lở lói bình thường mà tôi đã từng thấy, từng biết. Mũi ông đỏ ửng, bóng, hai má cũng vậy, cộng thêm một số vết lở lói; lông mi ở mắt đã rụng. Hai bàn tay cũng có những vết lở tấy, nhưng các ngón tay đã co lại, móng tay nhiều ngón đã bị khuyết lại hay mất hết:

Ông bị chứng phong hủi (leprosy) ở thời kỳ trầm trọng…”

Ngô Sĩ Liên người làng Chúc Lý, huyện Chương Đức, tỉnh Sơn Tây. Ông đỗ tiến sĩ năm 1442, đây là khoa thi đầu tiên có lễ xướng danh, yết bảng, các vị tiến sĩ tân khoa được vua ban mũ áo, vào cung dự yến, được ân vinh quy về làng với lễ đón rước. Đến đời Lê Thánh Tông, họ tên được khắc vào bia đá ở Văn Miếu. Ông giữ chức Sử quan tu soạn dưới triều Lê Thánh Tông. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, lấy từ bộ Sử ký của Tư Mã Thiên, làm mẫu mực, là bộ sử biên niên, ông sử dụng những sử liệu do ông thu thập được do đối chiếu sử liệu Việt Nam với sử liệu Trung Hoa.

clip_image004

Đại Việt sử ký toàn thư hòan thành năm 1479, gồm 15 quyển, chia thành hai phần: Phần ngoại kỷ, gồm 5 quyển, chép từ thời Hồng Bàng đến hết thời Bắc thuộc. Phần bản kỷ gồm 10 quyển, chép từ thời Ngô Quyền dựng nước đến khi Lê Thái Tổ lên ngôi.

Bộ Toàn Thư hiện lưu hành, tuy do Ngô Sĩ Liên khởi thảo nhưng được các sử thần đời sau Vũ Quỳnh, Lê Tung, Phạm Công Trứ, Lê Hy bổ sung thêm.

Sử liệu tàng trữ tại viện Đông Các đã thất lạc, chỉ còn bộ Toàn Thư gồm 15 cuốn truyền lại tới ngày nay.

Từ thời Lê, tôi như ông đồ bùn chữ như trấu trát trở lại thời Trần với Phan Phu Tiên…Khi này tác giả Nguyễn Văn Dưỡng trở lại với người viết sử đang ở đâu đó…

“…Vì không có thuốc điều trị không thể có được trong tù nên bệnh phát triển rất nhanh. Đó là lý do tại sao chỉ mới đi tù trong vòng bốn, năm năm ông đã trở thành tàn phế, bị cách ly riêng biệt. Có lẽ người ta gán cho ông chứng bệnh lở lói là để tránh sự loan truyền căn…bệnh cùi trong trại giam. Vả lại ông bị “cách ly” nên ít ai biết rõ.

Nhưng chính ông biết rõ bệnh trạng của ông. Tôi nhìn ông thật lâu. Ông của ngày xưa nay mang hình hài của một người tàn phế mà ai cũng có thể gặp ở đâu đó bên đường. Đôi mắt tôi nói những cảm nghĩ của tôi về ông. Một lần nữa ông cười, nụ cười nhăn nhúm với một chiếc răng khểnh, như ông muốn nói với tôi: “Tôi chấp nhận định mệnh của tôi, vượt khỏi thân xác nhỏ nhoi tàn phế của tôi. Anh đừng thương hại tôi…”

Phan Phu Tiên người làng Vẽ, huyện Từ Liêm, Hà Đông. Khoa thi cuối cùng của nhà Trần tổ chức ở Thăng Long vào đời Trần Thuận Tông, ông đỗ Thái học sinh. Năm 1448, Phan Phu Tiên trông coi Viện quốc sử. Năm1455, ông bắt tay vào biên soạn bộ Đại Việt sử ký tục biên, chép việc từ đời Trần Thái Tông cho đến khi quân Minh rút về nước. Đại Việt sử ký tục biên gồm 10 quyển nay cũng đã thất truyền.

Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên phần “Phàm lệ“ viết: Sách này làm ra, gốc từ Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên, tham khảo thêm Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy truyền lại, rồi khảo đính, biên tập mà thành.

Hiện nay ở làng Vẽ, Hà Đông có nhà thờ Phan Phu Tiên với bức hoành phi mang ba chữ Khai Tất Tiêu, nhắc nhở tới người đỗ đại khoa đầu tiên ở làng Vẽ này.

Từ chết chóc của Phan Phu Tiên, bắt qua ông đang gần với cái chêt…

“…Đêm đó không ngủ được. Tôi suy nghĩ về ông, trong lần đối thoại bằng mắt và ở buổi gặp lại này, ông nói với tôi thật nhiều về thân phận của ông. Tôi biết ông đã vượt khỏi cái thân xác bệnh hoạn yếu đuối nhỏ nhoi của con người, dẫn phần tâm linh của ông đến một cõi an bình nào đó, về định mệnh của mình. Hơn thế nữa, trong ông không chỉ còn là một người viết sử bình thường. Tâm trí ông đã đi ra ngoài thân thể ông để đến một khung trời nào đấy, ông đã tìm được cho ông một lối thoát, sau khi đã trải qua đau khổ đến tột độ: thể xác nhức nhối vì bị gặm nhấm của chứng bệnh cùi, bị lạnh lẽo, cô độc ở một nơi cách biệt đến trở thành câm nín. Bao nhiêu tháng ngày oằn oại mà ông phải chịu đựng từng phút từng giây, vả lại ông là một người thâm trầm, hiểu biết. Dù sao ông cũng đã vượt thoát được đau khổ và tìm ra cho mình một con đường.

Tôi yên tâm phần nào về ông, vì tôi biết, dù ông là kẻ chiến bại trong cuộc sống, nhưng lại là người đi tìm chiến thắng chính bản thân mình…”.

Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên đưa “Kỷ nhà Triệu” vào sử Việt, Ngô Thì Sĩ cẩn án trong Việt sử tiêu án: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên đều sai.

Vì theo Ngô Thì Sĩ…

Triệu Đà chỉ mới ngừng chân ở Quảng Đông, Quảng Tây, chưa đến đồng bằng Bắc Việt. Mà nước Nam Việt ấy ở bên Tàu, miền Nam Hải, Quế Lâm. Do vậy, trong sử Nam ta chẳng bao giờ có quốc hiệu là Nam Việt với một ông vua gốc Tàu tên Triệu Đà.

Ngô Thì Sĩ chê Ngô Sĩ Liên “hiểu theo lối nông cạn” của Lê Văn Hưu. Rồi chê các sử quan sau tiếp tục “cùng nhau ca tụng” Triệu Đà cả ngàn năm, cứ sai lầm mãi.

Ngô Thì Sĩ sinh năm 1726, quê ở Tả Thanh Oai, Sơn Tây. Năm 1766, ông đỗ Hoàng giáp, làm Thiêm đô ngự sử viết Việt sử tiêu án, và Đại Việt sử ký tiền biên. Trong lĩnh vực sử học, ông là một sử gia có nhiều phát hiện mới và suy nghĩ riêng.

Tôi trở lại với thời Trần, người viết trại tù Trại K2 cũng trở lại với ông thầy cũ…

“… Vì ông ở phòng “cách ly” không phải tự tiện đến được. Mấy ngày liền, tôi theo bạn lãnh cơm lên phạn xá, lảng vảng để gặp, đành trở về không. Một buổi chiều trở lại, từ xa tôi thấy ông sau song cửa sổ, mắt nhìn ra xa xôi. Tôi bước thêm mấy bước nữa rồi dừng lại. Một chập rất lâu, ánh mắt ông vẫn thế, không thay đổi hướng. Ở hướng đó, mặt trời chiều đã xuống thấp, nắng đã nhạt, mấy áng mây thật mỏng, ráng hồng, còn vơ vẩn, bỗng như bị gió giật xé, tan ra. Tôi chợt thấy ông rùng mình. Không do dự nữa, tôi bước đến hành lang, khẽ hỏi: ‘’Chào Thầy, hôm nay Thầy có khoẻ hơn không?’’.

Ông quay lại nhìn tôi, nhẹ gật đầu nhưng không trả lời. Đôi mắt ông lại hướng về góc trời có một bóng mây vừa tan, một thoáng như mờ đi, như nghĩ ngợi, rồi chợt nhìn thẳng vào mắt tôi. Dù tôi hiểu ông, nhưng làm sao tôi có thể hiểu những gì tách bạch định hình trong ông. Ông nghĩ gì, sao tôi có thể biết được. Làm sao tôi có thể cảm nhận được hết. Cái hy vọng giữ được cuộc sống của ông thật mong manh. Rồi cát bụi sẽ trở về với cát bụi mà thôi…Ông nhìn tôi lặng lẽ thở dài rồi quay đi…”

Trở lại thời Trần với Hồ Tông Thốc (1324–1404): Thời gian này, xứ Nghệ còn là đất trại, nhân tài thưa thớt tuy đã có  một số nhân vật nổi tiếng như trạng nguyên Sử Hy Nhan, Hồ Tông Thốc. Ông người làng Quỳ Trạch, xứ Nghệ (Nghệ An) nổi tiếng học giỏi. Ông đỗ trạng nguyên năm 1341, tác phẩm Việt Nam thế chí, Việt sử cương mục bị mất khi quân Minh đô hộ. Nhưng may ‘’Lời tựa’’ sách được Phan Huy Chú chép trong Lịch triều hiến chương loại chí cho biết Việt Nam thế chí chép 18 đời vua Hùng:

Tác phẩm này sử gia Ngô Sĩ Liên đề cao, được xem là vượt cả Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên: Văn Hưu là đại thủ bút thời Trần, Phu Tiên là bậc cố lão thánh triều ta. Song Văn Hưu ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đúng, văn tự còn có chỗ chưa ổn; người đọc không khỏi có chỗ chưa vừa ý. Riêng Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc ghi chép thận trọng mà có phương pháp, bình luận sự việc thiết đáng mà không rườm rà. Ngô Sĩ Liên dựa vào dựa vào Hồ Tông Thốc để đưa thời đại Hùng Vương vào Đại Việt sử ký toàn thư.

Bởi người đi trước viết bừa thời Lý chưa có sử…Tôi đang vật lộn với những người trăm năm cũ viết sử từ thời Trần đến thời Lê bèn ớ ra thấy mình…sai bét.

Vì rằng khoảng năm 11271140, sử thần nhà Lý là Đỗ Thiên đã soạn bộ sử ký chép lịch sử nước nhà từ thời thượng cổ đến cuối triều Lý (nặng phần sử học Phật giáo). Sau đó, khoảng năm 12231240, Trần Phổ hiệu đính lại tác phẩm này được gọi là Việt Chí. Năm 1377, bộ Việt Chi được một tác giả khuyết danh bổ sung thêm phần thế phổ nhà Trần (phần phụ bản), rồi đổi tên thành Đại Việt sử lược. Năm 1272, sử thần Lê Văn Hưu nhuận sắc công trình của Đỗ Thiên-Trần Phổ theo quan điểm Nho giáo với tên là Đại Việt sử ký. Mặc dù theo niên kỷ niên đại, cho ăn gan giời trứng trâu tôi không dám vọng ngôn bộ ‘’sử ký’’ của Đỗ Thiên vào thời Lý là…bộ sử đầu tiên của nước ta.

Quay quả với một ngày nắng nhạt, mây ráng hồng, ông nhìn người học trò ruột của ông rồi lặng lẽ thở dài quay đi…Ừ thì hãy nghe truyền nhân của ông dàn trải…

“…Tôi đã hiểu Thầy nghĩ gì và Thầy muốn gì ở tôi. Với ánh mắt nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi nhận ra hình như ông muốn ủy thác cho tôi một việc gì đó sau này khi tôi ra khỏi bốn bức tường của trại giam, chẳng hạn như sẽ thay ông viết lên những gì mà ông muốn để lại cho mai hậu. Nếu quả thật điều này tôi đoán đúng, tôi đành cam chịu sự thất lễ với ông. Ngay ở công việc sử học, nếu tôi có hiểu biết một đôi điều, thì với khả năng của tôi, tôi cũng không thể thay ông mà viết hết cái cái chiết trung tinh túy của ông, về những gì phức tạp nhất, nhiêu khê nhất, khuất lấp nhất của lịch sử….’’.

Tôi lay lắt đến hai thầy trò ông đi tù năm 75, trước đó 3 năm ông vừa hòan tất Việt Nam chiến sử (1972). Mụ sử tôi đồ là ông viết về Mùa hè đỏ lửa 72. Vì vậy tôi nhẩm chừng ông ủy thác cho học trò ông viết về trận chiến 75.

Với tác phẩm Việt sử tân biên gồm 7 cuốn, in ấn năm 1956. Năm 1960 được thu gọn lại 1 cuốn và đổi tên là Việt sử tòan thư dầy 740 trang chữ nhỏ, cực nhỏ. Ở cuối trang có phần ‘’Phụ lục’’ với ý kiến của những nhà biên khảo, văn gia về tác phẩm sử học của ông. Như nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê viết: Về sử học, ngòai cuốn Việt sử tân biên, phần lớn các sách có tính cách giáo khoa, dễ thường chưa cuốn nào làm lu mờ được cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim… Hay nhà văn Thế Phong viết: Kỹ thuật viết sử của ông hấp dẫn khiến chúng tôi nhớ đến Michelet, Tư Mã Thiên….

Về Tư Mã Thiên, tôi đắng đãi: Sử ký kỷ truyện của Tư Mã Thiên với tiểu sử nhân vật. Vì nhân vật Lý Lăng là tướng nhà Hán đầu hàng Hung Nô, Tư Mã Thiên không viết theo ý Hán Vũ đế nên bị thiến. Ông đau khổ, muốn tự tử nhưng nhớ lại lời cha căn dặn khi lâm chung, ông nhẫn nhục sống để hòan thành bộ Sử ký (theo Nguyễn Hiến Lê). Với nhiễu sự này, tôi dều người ra vì một là họ Tư Mã không có con trai nên cắm cổ viết đến cuối đời. Còn ông ủy thác cho truyền nhân của ông tiếp nối con đường sử học của mình. Hai là họ Tư Mã bị thiến cái…‘’xọet’’ là xong, còn ông suốt quãng đời còn lại trong tù, ông sống day dứt với sử nghiệp mai này với một mai.

Với khúc kết hồi ức Cái chết của một sử gia trong tù cải tạo qua học trò ông…

“…Rồi việc gì phải đến, đã đến.

Một ngày, đầu năm 1980 (tôi không nhớ chính xác ngày tháng), buổi sáng sớm lất phất một cơn mưa phùn nhỏ, trời lạnh và đục. Bấy giờ tôi ở trong đội cưa xẻ gỗ súc của Trại K2/Tân Lập, xẻ những thân gỗ lớn thành những tấm ván dày, mỏng để đóng bàn ghế, hay đóng hòm chôn tù nhân, thì anh bạn nói nhỏ vào tai tôi: Tin buồn…

Tin buồn có nghĩa là trong anh em của chúng tôi có thêm một người vĩnh viễn nằm xuống, có nghĩa là chúng tôi phải xẻ thêm những tấm ván để đóng chiếc hòm tạm bợ bọc xác bạn bè, một điều không ai muốn. Biết đâu rồi ngày nào cũng đến lượt mình.

Tôi nghe anh nói xong, định hỏi xem là ai, nhưng anh bảo tôi: Đi đi. Tôi đi về chỗ, vừa ngồi xuống đã thấy anh theo đến nói vừa đủ cho tôi nghe:

– Ông thầy của anh, mất rồi.

Anh nói tiếp:

– Giờ này có lẽ họ đã đem ông xuống nhà xác.

Người ta ra lệnh xẻ gỗ đóng quan tài cho ông ngay trong ngày. Tôi nhận việc ấy với những giọt nước mắt chảy dài trên má. Chỉ còn một chút đáp đền này thôi…”.

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

clip_image006

Sử gia Phạm Văn Sơn, sinh ngày 15-8-1915

tại làng Bích Trì, Hà Nam.

Mất trong trại tù Trại K2/Tân Lập năm 1980.

Tác phẩm đã xuất bản:

Vĩ tuyến 17 (1955), Việt sử tân biên (gồm 7 cuốn, 1956)

Việt sử tòan thư (1960), Việt Nam chiến sử (1972)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search