T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: KIẾP SAU

 

Tranh: Diễm Hạ

Tôi có người bạn thân lâu năm, chị rất thích hát, dù giọng hát của chị không thể “gây mê” cho bất cứ ai, vì chị không vói được tới nốt cao, cũng không đáp xuống được nốt thấp, nó cứ lơ lớ sao đó. Vậy mà lúc nào chị cũng say sưa thả hồn vào bài hát  -độc nhất một bài- “Nếu được lựa chọn một lần nữa”- mỗi khi bạn bè có dịp tụ họp hát karaoke.

 Nếu bây giờ được chọn lựa một lần nữa

Thì chắc có lẽ vẫn yêu anh như ngày xưa

Nếu bây giờ được chọn lựa điều em ước mơ

Thì em tin em vẫn mơ như em từng mơ.

Hát đã không có tiền “cát-sê” mà còn bị chê ngay chóc, không cần nể nang hay né tránh “Nhạc sĩ sáng tác mà nghe bà hát, chắc phải ôm mặt khóc rống”. Chị cười hiền hòa và tiếp tục tra tấn lỗ nhĩ của người khác một cách vô tư. Riêng tôi, tôi không chú ý đến giọng hát của chị, nhưng thích ngắm ánh mắt say sưa, đắm đuối của chị nhìn anh mỗi lần cất tiếng. Có người chọc ghẹo anh chồng:

– Bả mơ như thế thật à?.

Anh chồng cười cười:

– Biết đâu nà!.

-Vậy ông có mơ giống bả không?.

Anh không trả lời, tiếp tục cười cười, nhưng nụ cười lần này rất thoải mái. Thoải mái đến nỗi hở hơn mười cái răng….

Vậy là tôi kết luận một cách quả quyết rằng, ít nhất, cho đến bây giờ, cũng có được một cặp vợ chồng vẫn tiếp tục chọn nhau, nếu có xóa bàn làm lại.  Và… phải chăng họ cũng sẽ sẵn sàng gặp nhau ở kiếp sau?

Chuyện nhắc lại chắc cũng có thể dùng chữ “hồi xưa”, vì từ lúc Cô-Vi đến thăm, chẳng ai có can đảm để tụ tập hát hò nữa. Tuần trước, vào thăm diễn đàn Cô Gái Việt, thấy cô em tên Thúy bày “trò chơi” bằng cách “Xin trưng cầu ý kiến các chị em xem kiếp sau mình có muốn se duyên cùng người ấy nữa không?”

Câu hỏi vừa đưa lên thì ào ào một tràng liên thanh nổ dòn, mà kèm theo ngón tay bấm cò đó, không biết có những đôi mắt hình viên đạn không?

Kiếp sau? Thôi, đường ai nấy đi
Vì em …lỡ hứa với … mấy “cây si”
(Trả nợ cho xong, kẻo …mang tiếng)
Nào phải bon chen ham hố gì !!! 
(8CàNa)

 

Nghĩ có kiếp sau cũng dzui dzui

Quyết mở mắt sáng, quyết không đui

Bài học cả đời xin ráng thuộc

Sống cho thoải mái tấm thân tui  (Thúy Messegee)

.

Mỗi kiếp thì em thích khác màu 

Vì còn phân biệt những niềm đau 

Tìm hương đủ vị vào thi phú 

Lắm sắc vườn hoa ý tưởng giàu  (Minh Thúy)

.

Kiếp sau? Để suy nghĩ đã nha

Một đời osin thở không ra

Chàng làm như cha, ăn rồi nhậu

Lỡ kiếp này thôi oải thấy bà (Thêm Nguyễn)

 

Nghĩa nặng tình sâu đã buộc vào

Thương mình phận mỏng biết làm sao? 

Thôi đành nhẫn nhịn qua ngày tháng 

Chớ hẹn kiếp sau… chẳng dám nhào! (Như Thu)

 

Vốn người chín chắn, chẳng làm ào

Tính lại, suy đi, chẳng mộng cao:

Một tấm chồng siêng, chung thủy mãi…

Giầu vừa, đủ sức, chẳng ưa hào* (Thanh Hòa)

(TH sợ ăn hào mà ông xã ưa lắm)

 

Đọc xong, tôi choáng váng mặt mày. Trời! các ông đã làm gì mà mấy bà vợ chưa chi đã chuẩn bị xách dép chạy te te. Nhưng… đó là “người thật, việc thật”. Và sự thật phũ phàng đến nỗi tôi ngẩn người khi nghe một ca sĩ quằn quại, rên xiết:

Nếu chúng mình bên nhau mỗi ngày là em vui sướng hay đọa đày?

Nếu chúng mình chia tay mai này là em hạnh phúc hay chẳng may? (1)

Nói là nói vậy thôi, chứ chưa chắc “thơ là người”, vì có một nhạc sĩ đã viết rằng “Con gái nói có là không”, mà con gái và đàn bà cùng là giống nữ, nên tôi nghĩ, đến muôn đời câu hát ấy vẫn đúng y bon. Có nghĩa là trong tâm khảm các bà -vốn dĩ rất chung thủy- vẫn thì thầm “hẹn anh kiếp lai sinh”.

Đó là phần các bà, còn các ông thì sao?

Có lẽ, ta phải công nhận một điều, chỉ có những cuộc tình lỡ người ta mới hẹn nhau kiếp sau, vì khi câu thề được vẹn, thì đời chắc cũng phần nào mất đi niềm vui thú. Không những mất vui mà còn sầu, còn đau, còn hận, thì kiếp sau có gặp nhau cũng sẽ nín thở mà chạy, không dám ngoái đầu nhìn lại. Ôi, những vần thơ hẹn kiếp sau của những cuộc tình lỡ sao mà da diết, nồng nàn đến nao lòng.

 

Xin cố quên người, dù.. héo bờ môi
Đời.. gieo giông bão, cho tình phai úa mau
Xin hẹn người kiếp sau!(2)

 Anh hỡi anh
xin hẹn kiếp nào xa xăm
Tơ hồng vợ chồng trăm năm (3)

 Thì đành thôi duyên cơ này buông bỏ
Ân tình này đành hẹn ở kiếp sau (4)

 Thôi em xanh mắt bồ câu
Vàng tơ là tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau (5)

Trở lại câu hỏi “Đó là phần các bà, còn các ông thì sao?” Xin mời quý vị nghe câu trả lời của một đức lang quân khi được phỏng vấn.

Tôi theo đuôi cô ấy gần bốn năm, phải tìm tòi mãi mới có được bí quyết để “tóm người trong mộng”. Tóm được cô ấy là chuyện nhỏ, nhưng cô ấy đã không buông tay tôi, dù lao đao, gian khổ trong suốt cuộc hành trình mấy mươi năm với bao giông bão của cuộc đời mới là chuyện lớn. Cho nên, dù là kiếp sau, hay kiếp tới, kiếp tới nữa, tôi cũng quyết tìm cho ra “người trong mộng” để sum họp, vui vầy.

Lời phát biểu được các bà vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt, trong khi bạn bè của ông chụm đầu phê phán:

 -Nó nói giỡn hay nói chơi vậy hả?

-Hừ! bà đứng ngay sau lưng kìa, có cho vàng nó cũng không dám nói lời nghịch nhĩ bà…!!!”

-Nhưng… người trong mộng của nó bây giờ vẫn là bà… hay là một người nào khác?

Cho dù thế nào thì lời nói không mất tiền mua của Chàng cũng làm cho ruột gan Nàng như chìm trong suối mát.

Sáng nay, chị bạn thân gọi tôi phàn nàn:

-Tối qua, tôi cho ổng đọc email của bà chuyển và hỏi ổng có muốn kiếp sau gặp nhau không? Ổng trầm ngâm một hồi, rồi nhỏ nhẹ hỏi “Em muốn anh nói thật phải không?”. Tuy chột dạ nhưng tôi vẫn cứng miệng trả lời muốn. Ổng nhìn tôi không chút gì băn khoăn, nuối tiếc rồi nói, đọc câu “Kiếp này đã khổ thấy bà, Kiếp sau chi nữa, xin bà tha tôi!” của anh chồng nào đó, anh cũng cảm thấy làm người khổ thiệt, nên chỉ muốn “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Anh sẽ được reo một cách tự do, chứ không bị theo dõi, bị dò xét và bị hỏi những câu hốc búa như vầy. He!he!!!

 

Ngân Bình

 

———-

*Lời trong nhạc phẩm “Sao vẫn tìm nhau” của NS Thái Thịnh (1)

*Lời trong nhạc phẩm “Hẹn Người kiếp sau” của NS Anh Bằng (2)

*Lời trong nhạc phẩm ”Đành hẹn kiếp sau” của NS Hoài Phong (3)

*Lời trong nhạc phẩm “Hẹn Kiếp sau” của NS Nhã Vy (4)

*Lời trong nhạc phẩm Kiếp Sau của Phạm Duy (5)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search