T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Bi kịch Thúy Kiều (Tỉnh thức và Cô đơn)

 

 

Ngự Thuyết

Khi đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, có người nêu lên thắc mắc rằng phải chăng thi phẩm đó chỉ là một bản dịch trung thực từ cuốn truyện chữ Hán Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân? Và nếu thế, những lời ca tụng tác phẩm trước tiên phải được dành cho nguyên tác Kim Vân Kiều truyện. Hơn nữa khi viết rằng Nguyễn Du là một nhà thơ thiên tài, một đại thi hào dân tộc, vân vân, đấy là nhờ bản dịch trung thực Kim Vân Kiều truyện, người đọc những nhận xét ấy cũng cảm thấy bỡ ngỡ.

Nhiều học giả đã có ý kiến về vấn đề nói trên ngay sau khi Truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời cách đây trên 200 năm. Nay ta thử xem lại nhận định của một nhà văn người Pháp viết cách đây gần 100 năm, và của nhà nghiên cứu người Việt viết cách đây gần 20 năm.

Gần 100 năm về trước, nhà thơ người Pháp René Crayssac đã dịch Truyện Kiều ra thơ Pháp nhan đề KIM – VAN – KIÉOU [1] in năm 1926 tại Hà Nội. Trong phần Gởi Bạn Đọc (Au Lecteur) dài đến 86 trang, tác giả hết sức ca ngợi Truyện Kiều [2]. René Crayssac đã đề cập đến nhiều khía cạnh trong Truyện Kiều, và có nêu lên vấn đề Truyện Kiều không phải là bản dịch từ truyện Trung Quốc [3].

Gần đây, cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, dày trên 400 trang, Nhà Xuất Bản Thanh Niên in năm 2001, của nhà nghiên cứu Phan Ngọc, càng công phu hơn, giá trị hơn, với rất nhiều khám phá mới. Phan Ngọc đã nêu lên nhiều luận điểm rất xác đáng để chứng minh thiên tài của Nguyễn Du trên nhiều phương diện, và một lần nữa khẳng định rằng Nguyễn Du chỉ lấy cốt truyện từ Kim Vân Kiều truyện [4] để xây dựng lại và sáng tạo ra kiệt tác Truyện Kiều.

Ngoài ra, một vài chi tiết sau đây cũng thường được người ta nhắc đến.

Trước hết, Truyện Kiều là một bản trường ca viết theo thể thơ lục bát hoàn toàn Việt Nam, trong khi cuốn Kim Vân Kiều truyện viết bằng văn xuôi theo lối chương hồi truyền thống của Tàu Ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi khác nhau vô cùng.

Xưa nay văn xuôi hoặc thơ được dùng để dịch những áng thơ từ một ngôn ngữ khác. Và khi dịch thì hồn thơ, chất thơ của nguyên tác khó có thể giữ được nguyên vẹn. Thi hào Nguyễn Du đã làm công việc ngược lại, và vô vàn khó khăn: dựa vào cốt truyện Tàu viết bằng văn xuôi để viết thành một truyện dài bằng thơ “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” vô cùng thi vị và chan chứa tình tự dân tộc. Đây là một trường hợp hy hữu. Kết quả là trong khi cuốn truyện Tàu tầm thường đó ngày càng bị lãng quên, hầu như nay không còn ai biết đến, thì Truyện Kiều đã trở thành một kiệt tác được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, kể cả tiếng Tàu [5].

Tất nhiên ngoài René Crayssac và Phan Ngọc, rất nhiều nhà lý luận văn học khác cũng đã có những đóng góp lớn lao trong việc nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Trong phần tiếp theo, ta thử tìm hiểu về một vài khía cạnh trong con người của Thúy Kiều, không phải lấy từ Kim Vân Kiều truyện, mà từ Truyện Kiều, tức là tác phẩm đã được Nguyễn Du viết lại bằng ngôn ngữ mới, tâm tình mới, bố cục mới. Hay là nói như Nguyễn Du khi đặt lại nhan đề mới cho bản trường ca của mình: Đoạn Trường Tân Thanh.

Và viết bằng lời thơ trác tuyệt trong văn học Việt Nam, cho đến nay vẫn mang tính hiện đại và giữ nguyên giá trị gần như độc tôn.

***

Nàng mới lớn. Xinh đẹp ít ai bằng, lại có tài làm thơ, soạn nhạc, đánh đàn, tiếng tăm vang dội. Nàng sống trong một gia đình êm ấm cùng vời cha mẹ và hai em:

Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai

Thế nhưng tính nàng hay lo lắng, đa sầu, đa cảm. Cùng nghe được câu chuyện buồn của người bạc mệnh, trong khi hai em dửng dưng, thì nàng:

Lòng đâu sẵn mối thương tâm
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Và đa tình. Ban ngày tình cờ gặp chàng trai phong lưu, tuấn tú, bạn của em trai, thì đêm về lòng bâng khuâng:

Người đâu găp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không

Khi tình yêu đến, nàng say đắm mà vẫn giữ được nề nếp nho phong, lễ giáo. Tuy nhiên, trước cái hạnh phúc hiện đến quá đột ngột, lớn lao, và choáng ngợp, vốn tính hay lo, Kiều không khỏi hoang mang:

Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao

Lời nói ấy là một báo hiệu xấu. Trong Truyện Kiều điềm báo trước thường xẩy ra, có khi mang tính siêu hình. Thật ra, điềm gở đã xẩy ra trước đó nữa. Nói như Nguyễn Bách Khoa trong Nguyễn Du và Truyện Kiều, nhà thơ đã lặng lẽ xây một nấm mồ – ngôi mộ Đạm Tiên – đặt trước Kim Kiều khi hai người gặp nhau lần đầu tiên trong buổi Thanh Minh. Cho nên, “Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi” quả đúng với điềm gở.

Chẳng bao lâu được tin ông chú qua đời, Kim Trọng phải giã từ Thúy Kiều lên đường đi hộ tang ở tận đất Liêu Dương. Thì ngay sau đó, cơn gia biến ập tới gia đình Kiều. Nàng chỉ còn một chọn lựa giữa hiếu và tình:

Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn
Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành
Quyết tình nàng mới hạ tình
“Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.

Thế là thảm kịch bắt đầu.

Kiều phải bán mình làm thiếp cho Mã Giám Sinh, một người lạ mặt, thô lổ, từ một nơi xa xôi đến, để có đủ tiền chuộc cha và em trai ra khỏi vòng lao lý chỉ vì một lời tố cáo bịa đặt.

Từ đây góc bể bên trời
Nắng mưa thui thủi quê người một thân

Ngày vu quy xẩy ra vào mùa thu mà cảnh vật lại sầu thảm như trong một buổi chiều đông xám và lạnh. Không gian mênh mông, đường xa thăm thẳm vô định, vi lô san sát, con người đâm ra bé mọn bị cuốn hút trong “một xe trong cõi hồng trần” vượt qua những chiếc cầu giá đóng trắng, và trên trời thì mù mịt mây đen. Đó có phải là mùa thu từ ngàn xưa vẫn trở về để giao cảm với những tâm hồn thơ mộng, lãng mạn? Hay đấy là “một trời thu” trái gió trở mùa chỉ để dành riêng cho một nàng mà thôi. Hay đấy cũng là một báo động cho một kiếp người bị trời đày phải trọn đời cô độc:

Nàng thì dặm khách xa xăm
Bạc phau cầu giá đen dầm ngàn mây
Vi lô san sát hơi may
Một trời thu để riêng ai một người

Mã Giám Sinh không mang nàng về để cho làm lẽ như đã hứa, mà ép nàng làm gái làng chơi. Đây là lần đầu tiên nàng bị đánh lừa trên bước đường lưu lạc, và là sự lừa đảo ghê rợn. Và cũng bắt đầu từ thời điểm này, phản ứng của nàng trước nghịch cảnh dần dần được biểu lộ ra rõ ràng.

Tứ cố vô thân, không chịu khuất phục, nàng dùng dao tự sát. Đối phương, Tú Bà, hoảng sợ, tìm cách chữa trị vết thương cho nàng, và hứa chờ dịp tìm nơi xứng đáng gả nàng làm vợ. Nàng có đủ khôn ngoan không tin lời hứa đó, tìm cách bỏ trốn theo một người lạ khác. Nàng không ngờ đấy cũng là một tên lừa bịp, tên Sở Khanh, đồng bọn với chủ chứa Tú Bà. Tất nhiên nàng bị bắt lại ngay. Tội lỗi bỏ trốn sờ sờ ra đó, bị đánh đập tàn nhẫn, nàng đành chấp nhận cảnh “Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.”

Trong văn học tiền chiến, có hai tác phẩm đề cập đến gái làng chơi. Tuyết trong Đời Mưa Gió, một tiểu thuyết giá trị, của Khái Hưng và Nhất Linh, và Huyền trong Làm Đĩ của Vũ Trọng Phụng. Một khi những nhân vật đó tay đã nhúng chàm, dù Tuyết thông minh, sang trọng, hay Huyền mê muội, nhục dục, cả hai đều đầu hàng số phận, sống ngập ngụa trong nghề bán dâm cho đến cuối đời. Họ là “ếch bị luộc.” Nếu cho ếch vào nồi nước sôi, nó sẽ vùng vẫy, nước sôi bắn tung toé, trước khi nó chết. Cho nó vào nồi nước lạnh mát mẻ, ếch sẽ thoải mái bơi lội. Rồi cho nước tăng nhiệt độ từ từ, ếch sẽ không hề cảm thấy có gì khác lạ, vẫn ung dung bơi lội. Và cứ ung dung như thế cho đến khi nước được đun sôi lên sùng sục, ếch bị luộc chín.

Kiều khác hẳn. Nàng luôn luôn tỉnh táo. Nàng luôn luôn lắng nghe, lắng nhìn lại thân thế, thân phận của chính mình. Nàng không bao giờ thoả hiệp với hoàn cảnh đang sống. Và đấy cũng là nguồn cội của cô đơn:

Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai
.

Trong suốt 15 năm luân lạc, hễ có cơ hội thoát thân, Kiều, không chút ngần ngại, đón lấy ngay. Càng thất bại, càng quyết tâm.

Lúc thì nàng vội vàng trốn theo Sở Khanh như đã đề cập trên. Rồi bị hành hạ dã man khiến nàng phải thốt lên:

Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa

Tất nhiên đó chỉ là phản ứng nhất thời mong giảm bớt cực hình.

Lúc thì toan tính cẩn thận mọi điều với Thúc Sinh, người yêu nàng đắm đuối. Nàng hối thúc chàng về quê thú nhận với vợ, mong được ép mình yên bề làm vợ lẽ:

Trộm nghe kẻ lớn trong nhà
Ở vào khuôn phép nói ra mối giường

Xin chàng kíp liệu lại nhà
Trước người đẹp ý sau ta biết tình

Dù khi sóng gió bất bình
Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi

Nhưng Thúc Sinh “Thấp cơ thua trí đàn bà”, toan tính không thành, lại nhu nhược, nên Kiều phải chịu đựng thêm nhiều cay đắng trước khi bị sa chân vào lầu xanh một lần nữa.

Thương thay cho người con gái khuê các từng sống trong “trướng rủ màn che “, càng vùng vẫy mong thoát thân ra khỏi những vũng lầy, càng bị lún sâu thêm. Ta hồi hộp theo dõi cuộc đời đầy sóng gió của nàng. Ta sợ rằng sống mãi trong đau khổ, tối tăm, và cô đơn, nàng sẽ dần dần mất hết nghị lực, sẽ chai lì, sẽ nản lòng buông xuôi trước định mệnh. Có lần nàng thảng thốt than:

Biết thân chạy chẳng khỏi trời
Cũng liều má phấn cho rồi ngày xanh

Tuy nhiên, sau mỗi cơn ngã quỵ, như con thú nằm liếm láp vết thương, Kiều cố sức đứng dậy, vươn lên. Hình ảnh nhân vật Sisyphe (Sisyphus) trong thần thoại Hy Lạp là một liên tưởng. Chàng bị trời đày phải lăn tảng đá nặng từ chân núi lên đỉnh núi. Khi lên tới đỉnh, tảng đá tự nhiên lăn xuống chân núi. Sisyphe lại cố sức lăn lên. Khổ nạn phi lý ấy cứ thế tái diễn cho hết một đời.

Đến giai đoạn này, may thay, Từ Hải xuất hiện. Chàng là người trí dũng có thừa, chí lớn trùm thiên hạ. Nghe tiếng nàng Kiều, chàng tìm gặp. Hai người “tâm đầu ý hợp, cá nước duyên ưa”. Nàng có “con mắt tinh đời”, biết Từ Hải là đấng anh hùng đang còn lận đận chốn trần gian, lại là người chí thành, không câu nệ, không khách khí, do đó nàng sẵn sàng gạt bỏ mọi lề thói rào đón, quên cả tự ái, quên cả lòng kiêu hãnh của một kỹ nữ “Càng treo giá ngọc, càng cao phầm người”, cho nên không những hết lòng tán tụng anh chàng mới gặp gỡ này, mà nàng còn ước ao được trao gởi cả cuộc đời của mình cho chàng:

Thưa rằng: “Lượng cả bao dong
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen
Rộng thương cỏ nội hoa hèn
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau.

Từ Hải chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, sống với nàng trong một thời gian ngắn rồi một mình ra đi “xây dựng cơ đồ”, với lời hứa sẽ trở về đón nàng khi công thành danh toại. Chẳng bao lâu, mọi ước muốn của chàng đã trở thành hiện thực:

Triều đình riêng một góc trời
Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà

Và chàng giữ lời hứa, sai quân dưới trướng rầm rộ “rước nàng nghi gia”:

Hai bên mười vị tướng quân
Đặt gươm cởi giáp trước sân khấu đầu
Cung nga thể nữ nối sau
Rằng: “Vâng lệnh chỉ rước chầu vu quy.”

Từ đấy, cuộc đời Kiều sang một trang mới. Với Từ Hải, Kiều sống những ngày huy hoàng, hạnh phúc, và ân đền, oán trả. Nhưng nàng vẫn còn chút khổ tâm riêng. Là vì, “Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân”, Kiều luôn canh cánh bên lòng tình quê hương, và nỗi nhớ. Nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ hai em, “Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.”Từ Hải biết điều đó.

Thế nàng có nhớ Kim Trọng hay không? Trải qua bao sóng gió dập vùi, mối tình đó vẫn nguyên vẹn chăng? Lúc mới sa chân vào chốn trầm luân, Kiều nhớ nhà quay quắt, và hình ảnh Kim Trọng hiện lên trước nhất, trước cả song thân:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

Rồi hình ảnh Kim Trọng phai dần với thời gian. Trong cuộc đời của “một chiếc hoa rơi nếm trải mọi mùi đắng cay”, quá khứ vàng son cùng mối tình đầu đã trở thành tro tàn trong lòng nàng Cuối cùng, trước hào quang, tình yêu, và ơn sâu của Từ Hải, Kim Trọng chỉ còn là bóng mờ. Mối tình đầu ngày xưa chỉ còn sót lại như chút nghĩa cũ, như ngó sen đã đứt lìa nhưng những sợi tơ trong lòng ngó sen còn vướng:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Xin đảo lộn một chút thời gian trong truyện để thấy rõ thêm biến chuyển tình cảm của Kiều, một quá trình phát triển nội tâm rất lôgíc. Khi toàn thể gia quyến của nàng, trong đó có Kim Trọng, được sư Giác Duyên đưa đến một ngôi thảo đường (ngôi nhà lợp tranh, cỏ) nơi Kiều tu hành, Kiều xiết bao vui sướng khi nhận ra rằng cha còn khoẻ, mẹ còn tươi, hai em đều khôn lớn (phương trưởng). Đối với Kim Trọng, nàng không quan tâm mấy. Chữ “nọ” trong câu thứ tư nói lên sự xa cách, lơ đãng:

Trông xem đủ mặt một nhà
Xuân già còn khoẻ huyên già còn tươi
Hai em phương trưởng hoà hai
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa

Kiều có đáng trách hay không? Câu trả lời là không. Như đã nói, nàng đã sống cuộc đời của gái giang hồ trong 15 năm trời, “Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa”, cho nên khó mà ôm ấp, hay gìn giữ mãi một mối tình lý tưởng. Nguyễn Du đã thấu hiểu điều ấy.

Trong khi đó Kim Trọng, trái lại, không bao giờ quên nàng:

Dường như bên nóc bên thềm
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng
Bởi lòng tạc đá ghi vàng
Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây

Kim Trọng đã tính chuyện từ quan để đi tìm Kiều:

Rắp mong treo ấn từ quan
Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng pha
Dấn mình trong áng can qua
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau

Quả là thuỷ chung, sâu đậm, chân thành.

Tình yêu của Từ Hải đối với Kiều lại lớn lao cách khác. Yêu nàng yêu luôn nỗi nhớ của nàng:

Xót nàng còn chút song thân
Bấy nay kẻ Việt người Tần cách xa
Sao cho muôn dặm một nhà
Cho người thấy mặt là ta cam lòng

Sau này Từ Hải nghe lời Kiều bãi binh quy hàng, có lẽ một phần không nhỏ là do ở lòng xót thương đó. Tất nhiên tấm lòng của Kiều đối với Từ Hải cũng không kém sâu xa. Vì nàng, chàng bị đánh lừa và chết giữa trận tiền, nên nàng không còn muốn sống nữa:

Thân sao thân đến thế này
Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi
Đã không biết sống là vui
Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương

Đây là lần đầu tiên con người không chịu khuất phục trước số phận đã thốt lên những lời tuyệt vọng. Và nàng đã trầm mình xuống sông Tiền Đường:

Rằng: “Từ công hậu đãi ta
Chút vì việc nước mà ra phụ lòng
Giết chồng mà lại lấy chồng
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời

Trông vời con nước mênh mông
Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang

Rồi Kiều được cứu vớt, được tu hành với sư Giác Duyên, được gặp lại cả nhà và chàng Kim như đã nói đến ở đoạn trên.

Trở lại chuyện xa xưa, khi mới bán mình chuộc cha, Kiều đã nhờ nàng Vân thay mình về với Kim Trọng:

Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây

Thì Kim Trọng lấy nàng Vân vậy. Nhưng tình yêu đối với người vắng mặt vẫn như nung như nấu. Cho nên khi tái ngộ, chàng nhắc lại mối tình xưa, lời thề cũ, và mong được lấy cả Kiều làm vợ. Nàng Vân lẫn ông bà viên ngoại đều nhiệt liệt tán thành ý kiến ấy. Vào thời đó, đa thê là chuyện bình thường. Và Kiều còn trẻ lắm. Thử tính lại, nàng rời nhà vào tuổi cặp kê (16, 17 tuổi) cộng thêm 15 năm hoạn nạn, vậy nay nàng mới khoảng trên 30 tuổi. Lại còn xinh đẹp mặn mà hơn cả ngày xưa, như lời tán tỉnh quá đà của chàng Kim đang say đắm:

Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa

Kiều là người từng trải, khôn ngoan, sắc sảo. Lại biết điều và tự trọng. Đã muốn chết theo Từ Hải mà không xong, nay đâu còn lòng nào tái giá. Đi tu là giải quyết được vấn nạn:

Mùi thiền đã bén muối dưa
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi

Hơn nữa, nàng nhận định tình hình một cách sáng suốt:

Một lời tuy có ước xưa
Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều
Nói càng hổ thẹn trăm chiều
Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi

Cho nên dù Kim Trọng “năn nỉ ỉ ôi” hết lời, nàng vẫn một mực từ chối thành hôn. Cuối cùng, bị ép buộc quá, Kiều quyết định đổi tình vợ chồng thành tình bạn bè.

***

Những tác phẩm cổ điển truyền thống đều phải được kết thúc “có hậu”. Ba kiệt tác dài hơi bằng thơ của văn học Việt Nam cũng không ra ngoài ước lệ đó.

Nàng cung nữ trong Cung Oán ngâm khúc dù bị thất sủng lâu ngày, vẫn nuôi hy vọng được đấng quân vương có ngày ngó lại. Vội vàng sửa lại nhan sắc:

Phòng khi động đến cửu trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa

Chờ mãi không thấy chồng về, nhưng giấc mơ sum họp của nàng chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm rất tha thiết và rực rỡ:

Giở khăn lệ chàng trông từng tấm
Đọc thơ sầu chàng thẩm từng câu

Liên ngâm đối ẩm đòi phen
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già

Nguyễn Du cũng không muốn thoát ra khỏi ước lệ ấy, cho nên đã sắp đặt cho nàng Kiều, sau thời gian dài trong thống khổ, được sống bên cạnh vợ chồng Kim Trọng để đánh đàn cho chàng nghe, làm thơ cho chàng đọc. Hoặc:

Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên

Trong lúc đó đã có Thúy Vân lo quán xuyến mọi công việc gia đình, “Thừa gia chẳng hết nàng Vân”. Người thiếu phụ ngoan ngoãn và đoan trang này sẽ không có khi cảm thấy tủi thân, hờn ghen?

Đoạn kết “có hậu” của Nguyễn Du là thế đấy. Là:

Phong lưu phú quý ai bì
Vườn xuân một cửa để bia muôn đời

Tuy nhiên, ta có thể tưởng tượng cái thế chênh vênh của nàng Kiều liệu kéo dài được bao lâu? Và liệu một người đàn bà mang nặng một quá khứ ngổn ngang, ê chề, lại có mặc cảm giết chồng, có thể sống an vui bên lề cuộc đời của một người đàn ông nho nhã, trong sáng, đa tình, và lãng mạn? Đấy là chưa nói đến một phương diện khác gay go không kém. Trong xã hội phong kiến, hà khắc, và câu nệ như thời đại của nàng Kiều, một người như nàng khó lòng sống trong dinh quan huyện ngày ngày vui thú bầu bạn với quan mà không gây nên tai tiếng, thị phi. Chính nàng từng bày tỏ:

Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa
Bấy chầy gió táp mưa sa
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn
Còn chi là cái hồng nhan
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào

Cho nên, vốn thức tỉnh và thức thời, Kiều sẽ tìm một con đường khác mà đi: con đường của một kẻ lữ hành suốt đời cô độc. Và chắc chắn đó không phải con đường cũ. Hay nàng sẽ trở lại chốn “Cửa Không” tìm quên.

Ngự Thuyết
3/2021

[1] Nhà thơ Bùi Giáng nói về bản dịch của René Crayssac: “René Crayssac dịch Truyện Kiều ra Pháp Ngữ vướng vào những lỗi sống sượng không tránh được. Nhưng với tất cả những khuyết điểm khổng lồ kia, vì lẽ gì bản dịch của ông vẫn sừng sững nằm trong văn học Tây Phương như một tòa lâu đài Hy Lạp? Qua cuốn sách của ông, người Tây Phương có thể nhìn thấy toàn khối văn minh Đông Phương lấp lánh trong sương mù. Và người Đông Phương ngày mai sẽ nằm trong định mệnh: chỉ còn có thể nhìn ra thiên tài Nguyễn Du qua bản dịch của Crayssac mà thôi.” (Thi Ca Tư Tưởng của Bùi Giáng. Ca Dao xuất bản lần thứ nhất 12/69. Sài Gòn – Việt Nam)

[2]Le chef-d’oeuvre de NGUYEN – ZOU peut subir, sans désavantage, la comparaison avec ceux de n’importe quel temps, de n’importe quel lieu. Si quelque lecteur francais qui ne crois pas après lecture du poème, doit ratifier ce jugement, j’affirme que notre divergence de vues sera uiquement imputable à l’insufisance de ma traduction.”

Tạm dịch: Kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh với bất cứ kiệt tác của thời nào, nơi nào mà không chút thua kém. Nếu độc giả người Pháp nào sau khi đọc tác phẩm này mà không đồng ý với tôi, thì tôi quả quyết rằng đấy là do bản dịch thiếu sót của tôi.

[3]Molière a tiré son Avare d’une farce du comique latin Plaude; il a purement et simplement pris son sujet dans Aulularia, la Marmite. Racine, dans le choix de ses thèmes, a pillé les Grecs, les Romains et même les Hébreux. Corneille est allé chercher chez les Espagnols le motif d’une de ses pièces les plus célèbres. Le bon Lafontaine ne s’est pas fait faute de mettre Esope à contribution. Dirons – nous, pour cela, qu’il n’existe pas de littérature spécifiquement francais?”

“Cet écrivain a choisi pour thème une histoire chinoise, s’est entendu, mais il a su donner à son poème une forme si adéquate à l’espris annamite, il a écrit dans un style si franchement local qu’il en a fait un poème national au sens complet du mot. Il n’y a pas, dans toute notre littérature, une oevre qui soit aussi répandue, qui est trouvé dans le peuble, un acceuil d’une telle ferveur. Il n’est pas, en effet, un Annamite, lettré ou ignorant, riche ou pauvre, qui ne connaisse KIM-VAN KIÉOU.”

Tạm dịch: Molière đã viết Người Biển Lận dựa theo hài kịch của nhà soạn kịch La Mã Plaude; đơn giản và rõ ràng rằng ông lấy trong vở kịch Cái Nồi. Racine, chọn bi kịch cũng bắt nguồn từ những truyện Hy Lạp, La Mã, và cả Do Thái. Corneille lại tìm chất liệu trong những kiệt tác của Tây Ban Nha. Cho đến ngụ ngôn của La Fontaine cũng nhờ đóng góp của Esope. Vậy liệu ta có thể nói rằng không hề có văn học riêng biệt của Pháp?

Nhà thơ này (tức Nguyễn Du, nt chú thích) đã rõ là dựa vào truyện Tàu để viết thành thơ với đầy đủ tinh thần Việt Nam, với phong cách đặc biệt của đất nước để tạo thanh một kiệt tác của dân tộc. Trong suốt nền văn học của ta, hẳn không có tác phẩm nào phổ biến như thế, được quần chúng đón nhận nồng nhiệt như thế. Quả thật không có một người Việt Nam nào, dù có học hay không, dù giàu hay nghèo, mà không biết đến Truyện Kiều.

[4] Chỉ xin trích vài ba đoạn ngắn trong cuốn Tìm Hiểu Phong Cách Nguyễn Du Trong Truyện Kiều.

Tác giả nhận xét rằng loại tiểu thuyết chương hồi như Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đòi hỏi nhiều sự kiện và tình tiết ly kỳ, éo le nhằm lôi cuốn người đọc. Mỗi chương hồi thường có thể đứng riêng một mình mà vẫn đầy đủ ý nghĩa. Do đó nhiều sự kiện và tình tiết trong toàn bộ cuốn truyện thiếu tính cách nhất quán. Nếu Kim Vân Kiều truyện có thể được xem như những mảnh nhỏ ràng buộc lại với nhau, có khi rời rạc, lỏng lẻo, thì Truyện Kiều là một kiến trúc mỹ thuật toàn vẹn.

“Một đặc điểm riêng độc đáo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, đó là ông sử dụng tự sự riêng, không có trong Kim Vân Kiều truyện, cũng như trong truyện Nôm Việt Nam trước ông. Một sự đối lập giữa Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện, cũng như với truyền thống tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc…”

“Truyện Kiều có 222 câu thơ tả thiên nhiên, thuộc vào loại những câu thơ hay nhất của văn học dân tộc … trong suốt toàn bộ Kim Vân Kiều truyện không có một câu nói về thiên nhiên.”

“Nguyễn Du đã đổi mới hoàn toàn bố cục của Kim Vân Kiều truyện … Nói chung, những đoạn Nguyễn Du vay mượn chất liệu ở Kim Vân Kiều truyện để chuyển thành ngôn ngữ của tác giả, là rất ít. Phần lớn, tự ông tiến hành sự phân tích, độc lập với nguyên tác chữ Hán… Quá trình diễn biến chủ quan nội tâm ở Truyện Kiều là thực xuất sắc, sau này chúng tôi sẽ chứng minh ông là một thiên tài cỡ thế giới về điểm này… Chỉ cần so sánh đoạn Từ Hải tâm sự với Thúy Kiều trước khi đầu hàng trong Kim Vân Kiều truyện và trong Truyện Kiều, chúng ta cũng có thể thấy hai bút pháp khác nhau rõ rệt. Trong Kim Vân Kiều truyện Từ Hải là một đại vương sơn trại, chàng nêu lên những điều bất lợi của việc đầu hàng là: bị ràng buộc, bị bọn quan văn ghen tị, bị điều động đi nơi này nơi khác, mất binh quyền, một người cũng có thể bắt mình, nhân dân bấy lâu vẫn oán giận mình đều muốn báo thù. Đối lập với đoạn trình bày dài dòng này, trong Truyện Kiều Từ Hải chỉ nói 10 câu, nhưng 10 câu tâm trạng:

Một tay gây dựng cơ đồ
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành
Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi
Sao bằng riêng một biên thùy
Sức này đã dễ làm gì được nhau
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai

“Con người trong văn học cũ là con người nhất phiến, các nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện đều nhất phiến, cũng như các nhân vật trong tiểu thuyết Trung Hoa, trong truyện nôm Việt Nam trước Truyện Kiều …Nguyễn Du đã vươn đến gần tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình. Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, trong từng hoàn cảnh đều hành động vừa phù hợp với cái lôgic chủ quan của nội tâm, vừa phù hợp với cái lôgíc khách quan của hành động.”

“Nguyễn Du không phải chỉ mới, mà còn hiện đại. Tính hiện đại của ông biểu hiện ở chỗ ông là người đầu tiên trong văn học Việt Nam, và là một trong những người đầu tiên của văn học thế giới đã xây dựng lên được một loại hình tiểu thuyết thực sự mới mẻ: loại hình tiểu thuyết phân tích tâm lý, và đã dốc toàn bộ thiên tài nghệ thuật vô song của mình vào cái kỳ công này.

[5] Trong bản dịch ra Hán Văn xuất bản tại Bắc Kinh năm 1959, Hoàng Dật Cầu ca ngợi Truyện Kiều của Nguyễn Du “cực kỳ vi diệu khúc chiết” (Theo Nguyễn Huệ Chi). Ngoài ra còn có bản dịch ra thơ chữ Hán của Trương Cam Vũ (Bùi Giáng – Đi Vào Cõi Thơ, Sài Gòn 1969)

(Nguồn: Sáng tạo)

 

Bài Mới Nhất
Search