T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 198)

https://eqhsih9ofx5.exactdn.com/2021/03/clip_image002-150x150.jpg?strip=all&lossy=1&ssl=1

 

Chuyện Ta chuyện Tàu (2)

 Con số vua chúa nước Trung Hoa tính từ lúc Tần Thủy Hoàng thống nhứt năm 221 trước Tây lịch cho đến hoàng đế Phổ Nghi cuối cùng của triều đại Mãn Thanh năm 1912 là niên lịch chấm dứt chế độ phong kiến, tổng cộng là 2132 năm, có tất cả 906 vị nam nữ hoàng đế, trong số đó có 494 người tộc Hán, còn 412 vị thuộc tộc Tạng, Hồi, Liêu, Kim, Mông, Mãn. Sao không thấy các tộc phương nam lên ngôi vua Trung Quốc, theo nhà văn Lâm Ngữ Đường chỉ có dân ăn lúa mì mới làm vua Trung Quốc được, chứ dân ăn gạo tẻ lúa nước thì không.

Tính về số năm làm vua thì kẻ ngoại tộc nắm ngôi hoàng đế Trung Quốc vừa lâu và sống dai nữa, Khang Hy ở ngôi 68 năm, Càn Long 61 năm, còn vua ở ngôi ít nhứt chỉ có nửa ngày thì bị chém đầu đó là Nhan Thừa Lân thuộc rợ Kim. Các hoàng đế Trung Hoa sống thọ nhứt là vua Càn Long 89 tuổi và nữ là Võ Tắc Thiên 82 tuổi.

Đặc điểm nhứt của hai triều đại trị vì nước Trung Hoa mở rộng đất đai lớn nhứt là thuộc dân ngoại tộc Hán, từng bị khinh rẻ là Mông Cổ, và rợ Kim dòng Nữ Chân. Thời đại Nguyên Mông cai trị nước Tàu gần cả thế thế kỷ 13, thời đại Mãn Thanh trị vì gần 3 thế kỷ.

(Chuyện Ta chuyện Tàu – Trần Khánh)

 

Cũ và mới

Cuộc đụng độ bắt đầu khai mào vào khoảng từ 1931 trở đi. Phan Khôi, từ khoảng 1931 trở đi, đã lái Phụ Nữ tân văn, đi vào con đường canh tân. Nhiều cây bút, mà đặc biệt là cây bút Phan Khôi, bắt đầu tấn công nền cựu học, tấn công Nho giáo, kết án chế độ đại gia đình, công kích kịch liệt chế độ Tam Cương. An Nam tạp chí của Tản Đà nhảy vào chiến trường. Hai nhà nho, nhà nho Nguyễn Khắc Hiếu và nhà nho Phan Khôi, giao tranh ác liệt trong một thời gian khá lâu.

(Phê bình văn học thế hệ 1932 – Thanh Lãng)

 

Ông Táo (2)

Lại có những dị bản thuộc tình tiết ở phần cuối:

“… Một lần Trọng Cao vào một nhà nọ xin ăn, không ngờ lại đúng là nhà Thị Nhi. Hai vợ chồng nhận ra nhau mừng mừng tủi tủi, nghẹn ngào không nói lên lời. Sau một hồi hàn huyên, Thị Nhi bảo Trọng Cao đi nghỉ, còn mình thì lo làm cơm để thết Trọng Cao. Giữa lúc đó thì Phạm Lang về. Nghi ngờ vợ mình có tư tình với Trọng Cao, không để cho vợ kịp thanh minh, Phạm Lang đã nặng lời với Thị Nhi! Lời qua, tiếng lại chẳng ai để ý ở dưới bếp ngọn lửa lúc này đã lan đến thùng rạ! Khi nghe mọi người tri hô, cả hai giật mình nhìn ra thì… hỡi ôi, cả cái bếp chỉ còn là một cột lửa khổng lồ! Để bộc bạch lòng mình với hai người đàn ông, Thị Nhi đã chọn cái chết bằng cách nhảy vào đống lửa. Quá bất ngờ, Phạm Lang như sực tỉnh nhưng lúc này có hối thì đã muộn, liền nhảy vào đống lửa chết theo. Nghĩ mình là nguyên nhân gây ra cái chết của Thị Nhi, Trọng Cao cũng kết thúc đời mình bằng cách nhảy vào đống lửa để được cùng chết theo vợ.

Cảm động trước cái chết của 3 người, Ngọc Hoàng thượng đế đã phong cho họ là Táo quân – vua Bếp”.

(Từ truyền thuyết…ngày Tết ông Táo – Phùng Thành Chủng)

 

Phá

Phá: vũng biển

(phá Tam giang)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Thần thành hoàng (2)

 Nhà văn Sơn Nam cho biết: Ông thần ở đình làng gọi là thần Thành hoàng, cai quản khu vực trong khung thành. Thoạt tiên là thần ngự trị nơi thị tứ, sau áp dụng (cả) nơi thôn xóm, (vì) vẫn có điếm canh bố trí bao quanh…

Cũng theo Sơn Nam, thần Thành hoàng, theo thông lệ, thờ thần đàn ông. Và gọi ông Thần hoàng là sai nghĩa, vì cái tên này chỉ là thứ nghi lễ đốt tờ giấy vàng, tức bản sao sắc phong do nhà vua tặng cho người đã qua đời và tục này ở trong Nam Bộ không có.

Bởi vậy, khi trích lại đoạn viết về tục “thờ thần” ở trong sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính, nhà văn Sơn Nam trong sách “Thuần phong mỹ tục Việt Nam” đã sửa từ “Thần hoàng” ra “Thành hoàng” cốt để người đọc không còn lầm lẫn giữa hai thứ. Tuy nhiên, xét trong sách Việt Nam phong tục, lễ Thần hoàng được xếp vào mục Phong tục trong gia tộc; còn việc thờ phụng Thần hoàng được xếp vào mục Phong tục hương đảng, thì rõ là tác giả sách đã chỉ ra đó là hai thứ khác nhau.

(Thần Thành hoàng – Bùi Thụy Đào Nguyên)

 

Triết lý củ khoai 

Lúc bé tưởng chỉ có kẹo là ngọt, giờ lớn lên còn biết có những thứ còn ngọt ngào hơn cả kẹo.

 

Chữ và nghĩa

 Hoành tráng  – Với nghĩa là “có quy mô đồ sộ (nhằm thể hiện những đề tài lớn)”. Từ này bị lạm dụng rất nặng. Bất cứ một điều gì cũng có thể được gán ghép với thuộc tính này. “Sân khấu” cũng “hoành tráng”, mà vòng một hay vòng ba của một “nữ nhân” cũng có thể “hoành tráng”. Trong một số văn cảnh, đôi khi, “hoành tráng” cũng có thể được dùng theo nghĩa “đẹp nức nở” hoặc “rực rỡ, tráng lệ”, như: “Bức chân dung của em trông ‘hoành tráng’ quá”. Nó cũng có thể là “căng đầy”, “mập mạp”, như, “Cái ví của anh hôm nay, sau khi lãnh lương, trông thật ‘hoành tráng’”, hay “Thân hình ‘hoành tráng’ của bà chủ, sau khi nạp vào bữa điểm tâm cũng ‘hoành tráng’ không kém, uốn éo đi ra khỏi cửa”.

Và, còn gì ‘hoành tráng’ nữa trong cuộc sống hôm nay?!!

(Bùi Vĩnh Phúc – Trên đường bay của chữ)

 

Chữ và nghĩa

Chúng ta chỉ có thể giải đáp câu trên dựa vào cuốn Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản cách đây trên 110 năm. Trong sách này, tác giả ghi bánh vú bò và giải thích vì bánh đổ vào chén, trông giống như cái vú con bò. Về sau rút gọn thành bánh bò. Ðây là hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ.

(Vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt – Lê Trung Hà)

 

Tên Nôm tên Tự (3)

 Sự hình thành tên “Văn Miếu”

 Đại Việt Sử ký toàn thư theo dòng thời gian năm Canh Tuất (1070) chép: “Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây.” Văn Miếu ngay từ khi ra đời đã là nơi thờ phụng thánh nhân quân tử, vinh danh người đỗ đạt, đề cao con đường hoạn lộ bằng khoa cử. Văn Miếu (Thăng Long) có cùng cách bố trí, sắp đặt bên trong và ngoài như Khổng Miếu ở Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông quê hương của Không Tử, hay Phu Tử Miếu ở Nam Kinh hay Khổng Miếu ở Thượng Hải. Kiến trúc chính gồm Linh Tinh Môn, Nghi Môn, Khôi tinh Các, Đại Thành Môn, Thiên Quang Tỉnh, Bia tiến sĩ.

Chữ “Văn” (Hán tự 文) trong “Văn Miếu” nghĩa là Nho-học-Văn-hóa, được hiểu là tri thức giới Nho Gia mà người sáng lập là Khổng Tử. Chữ “Miếu” (Hán tự 廟) theo Hán văn là nơi thờ cúng.

Vinh danh ở Văn Miếu, tên “Văn Miếu” được sử dụng rộng rãi, là nơi chốn của các sĩ tử, các ông cử, ông nghè các hoàng thân quốc thích, con cái quan lại. “Văn” là chữ gần gũi với chữ nghĩa, liên quan tới việc học hành. Chữ “Miếu” đuợc biết với một dị bản là “cái đền thờ nhỏ”. “Miếu” trong dân gian có thể là một cái nhà nhỏ thờ thần thành hoàng làng, có thể là một cái bàn thờ nhỏ nằm ven đường thờ thổ địa. “Miếu” trong dân gian chưa bao giờ là một kiến trúc lớn, và hơn hết lớn như Văn Miếu.

Vì vậy việc sử dụng danh xưng “Văn Miếu”, cả cụm từ, nghĩa là không còn phân biệt loại ốc xá (loại công trình kiến trúc nữa). Trong danh xưng (tức là chữ “văn miếu”) đã bị lu mờ đi nhập vào tên (tức là chữ “văn”), tên đã không đảo để biến thành “Miếu Văn” theo ngữ pháp tiếng Việt, thì cả cụm tên đã được chấp nhận như một tên đơn thể.

(David Phùng – Tên gọi Nôm một số kiến trúc tôn giáo)

 

Tiếng Việt trên net

wài = hoài
wờ wạng = quờ quạng

(Nguồn: Gio-o.com)

 

Đầu

Về cơ-thể-học, ta chỉ biết có xương, máu và ruột mà thôi, còn tim, gan, phổi đều mượn của Tàu. Điều đó không có gì lạ. Vương Mãng đã có chiếu cho phép các y sĩ Trung-Hoa giải-phẫu xác chết để học tức y-học của họ đã tiến bộ rồi phần nào (theo bác-sĩ Huard), còn ta thì chưa tiến được như vậy, nên chỉ biết những gì ta tự nhiên mà thấy: máu chảy khi bị thương, lòi ruột khi bị đâm, và xương cốt người chết. Phổi, gan, và tim chỉ thấy được nhờ các cuộc mổ xẻ, chớ tự nhiên không thể thấy ba món đó.

Nhưng có một điểm này lạ lắm là ở bề ngoài, ta có đủ tiếng cả, không phải vay mượn của Tàu, từ ngón tay, ngón chân đến da thịt, nhưng tiếng đầu, ta lại mượn của Tàu. Quan-thoại nói Thủ, Quảng-đông nói Thầu, Hán Việt nói Thủ, ta nói Đầu. Đầu của ta, chắc chắn là vay mượn. Nhưng tại sao có sự vay mượn ấy? Trường hợp Đầu giống hệt trường hợp Bến đã nói ở bài trước tức đó là những vay mượn khó hiểu vì không lẽ ta lại không có những danh từ sơ đẳng như vậy, tay, chơn, cổ, ngực, bụng thì có tiếng, còn đầu lại phải mượn của Tàu.

Người bạn học tiếng Tàu với chúng tôi nhất định tin rằng Đầu hơi giống Thủ và Thầu vì ngẫu nhiên trùng hợp chớ không phải vay mượn. Có lẽ đó là vấn đề còn cần phải học lại mới xong.

(Bình Nguyên lộc – Dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt Nam)

 

Triết lý củ khoai 

Lúc bé, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Giờ thì biết yêu đến đó, rồi đi đó, như mưa bóng mây, hay dù có như chớp bể mưa nguồn thì cũng vậy, có đó rồi mất đó.

Và thật sự cũng chẳng biết thứ gì là quan trọng nhất

 

Thơ tình

Trong Văn học miền Nam, Võ Phiến viết miền Nam ít thơ tình, rất ít. Theo tôi (là một người làm thơ): Trước thế kỷ thứ 19, đa số dân chúng Việt nam thường mượn ca dao – tục ngữ để quan hệ với nhau trong những buổi đồng áng như cày cấy, gặt hái và tát nước giã gạo vào ban đêm. Nên câu hò tiếng hát dân gian như hò vè, hát ví, hát đúm, hát quan họ….để trao đổi tình cảm. Văn chương bình dân giản dị dễ nghe, dễ thuộc, nên văn chương truyền khẩu dễ phát triển văn học dân gian. Trong khi các cô thiếu nữ đang cấy lúa thấy nam nhi đi qua đường thì hát ghẹo như vầy:

Hỡi anh đi đường cái quan – Dừng chân đứng lại em than đôi lời” hoặc là trai tán gái “Hôm qua tát nước đầu đình – Bỏ quên cái nón trên cành hoa sen”

Sang giai đoạn 1963, chiến tranh leo thang nên tinh hình chung trong đó thơ tình phát triển rất chậm. Đến năm 1972 chiến tranh tiến đến cái độ khốc liệt, thì quan hệ nam nữ lúc đó hình như vắng mặt hẳn cái anh thơ tình. Ấy là chưa kể đời sống mỗi lúc một vất vả, cuộc sống hết sức là bận rộn trong cuộc mưu sinh.

Thành ra ai ở không, thì sáng tác thi ca? Để cho chính mình đọc mà thôi? Không có người thứ hai? Cái anh không  làm thơ được thì mơ ước làm thơ, còn cái anh làm thơ không ai cấm thì cũng không có ai có thì giờ mà ngồi đọc.

(Chu Vương Miện)

 

Huyên thiên

Huyên thiên – Huyên: tiếng nói ồn ào. Thiên: trời. Ý nói ầm ỹ vang lên tận trời. Người Tầu có câu huyên thiên náo địa.

Người Việt thì nói…huyên thuyên.

 

Bia ngoại truyện (1)

Theo bản tin của Asia Pulse ngày 19/9/2009, Hiệp hội Bia Rượu cho biết rằng một người Việt Nam tiêu thụ trung bình 22 lít bia trong năm 2008. Vì vậy nhiều hãng bia và nước giải khát nổi tiếng thế giới đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các hãng Carlsberg, Heineken, Tiger and San Miguel. Đại công ty nước giải khát Hoa Kỳ Anheuser-Busch cũng đã đưa sản phẩm bia nổi tiếng Budweiser vào thị trường Việt Nam.

Theo bảng sắp hạng, dân Sài Gòn ngày nay thích uống các loại bia sau: Heineken, Tiger, San Miguel, Budweiser, Carlsberg, Corona, 333, Saigon Xanh, Saigon Ðỏ, Huế.

Ðộ cồn trong bia Việt Nam ở mức 4.5%, tương đối là nhẹ so với bia ngoại quốc. Carlsberg, Corona: 4.6%; Budweiser, Coors, Labatt Blue, Molson Canadian: 5%; Heineken: 5.4%.

(Trong thời gian Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, nhiều binh sĩ Mỹ cũng rất thích uống bia Con Cọp và họ đặt cho nó một cái tên thân mật dí dỏm cho vui là “Tiger’s Piss”, nước đái cọp. Chẳng lẽ họ đà nếm qua nước đái cọp rồi chăng).

(Nhậu – Phan Hạnh)

 

Nghi thức tế thông gia

Nghi thức tế thông gia tại Kiên Giang như sau. Người tế (tức thông gia còn sống) đã chuẩn bị vật phẩm từ gia đình mang đến tang lễ để tế cho thông gia của mình. Trước tiên, người tế mặc áo dài khăn đóng, kính cẩn mời các vị tôn trưởng, cao niên còn hiện tiền của người quá cố đến ngồi ở bàn dài để trình lễ. Sau khi rót ba chung rượu đặt trên khai lễ, người tế mời các tôn trưởng nhận lễ để xin trình lý do tế. Đại để như sau: “Hôm nay, hay tin ông thông gia qua đời, gia đình chúng tôi đến đây trước là để chia buồn cùng tang quyến, sau xin các vị cho phép gia đình chúng tôi được tiến hành lễ tế thông gia”. Đại diện tang gia đáp lễ và chấp thuận.

Tiếp đến, người tế mang vật phẩm đặt trước linh tọa, đoạn lấy hai cây đèn cầy lớn và ba cây nhang lớn đốt lên, tiến đến bàn thờ gia tiên kính cẩn dâng hương với ý nghĩa trình cửu huyền thất tổ người quá cố về việc tế thông gia. Sau khi trình lễ gia tiên, người tế trở ra đứng trước linh tọa, đốt ba cây nhang lớn, rót ba chung rượu, khấn, lạy hai lạy và đứng sang một bên.

Tiếp sau người tế là các anh chị em, rồi đến con cháu lần lượt theo thứ tự lớn trước nhỏ sau cầm nhang vào tế. Mỗi người lạy đủ bốn lạy, nữ lạy thường còn nam lạy theo kiểu nhất bộ nhất bái. Sau khi tất cả những người trong gia tộc của người tế đã tế xong, người tế trở lại đứng trước linh tọa lạy đủ bốn lạy, cũng theo nhất bộ nhất bái.

Về ý nghĩa của việc lạy hai lạy đầu tiên, được người tế giải thích đó là hai lạy trình với người quá cố về việc tế thông gia. Còn bốn lạy sau cùng gọi là lạy tống, với ý nghĩa báo rằng lễ tế đã xong, xin được kết thúc.

(Tế thông gia – Đỗ Kim Trường)

 

Chùa Quán Sứ

Nay ở 73 phố Quán Sứ, Hà Nội. Vào thờ Lê Sơ nơi đây là khu Quán Sứ, nơi dành riêng cho sứ giả các nước tạm nghỉ. Để tiện việc tụng kinh niệm Phật cho sứ giả các nước tôn sùng đạo Phật giáo, nhà Lê cho xây trong khu Quán Sứ một ngôi chùa.

Về sau khu Quán Sứ bị bỏ đi nhưng ngồi chùa còn giữ lại, và có tên là chùa Quán Sứ. Giữa thế kỷ 20, chùa được xây lại hoàn toàn mới như ngày nay.

(Tiến trình văn hóa VN – Nguyễn Khắc Thuần)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search