T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Giác Phan Tấn Hải: NÉN HƯƠNG DÂNG CỤ NGHIÊM XUÂN HỒNG

Nghiêm Xuân Hồng  1920-2000

(Ảnh: Chuaxaloi.vn)

Một tháng trước khi từ trần, cụ đã nói với người con trai là một hay hai tháng nữa “thì tao đi.” Và đúng bốn tuần sau đó, cụ ra đi.

Buổi chiều ngồi trên xe về nhà, cụ nhìn trời và nói với người con trai đang lái chở cụ về, “Bầu trời đổi sắc rồi.” Và đêm hôm đó cụ ra di.

Hình ảnh cụ Nghiêm Xuân Hồng lúc nào cũng thanh thản, kể cả khi rũ áo lìa đời. Những điều cần phải làm, cụ đã làm cả. Và làm rất tận lực. Một thời thơ trẻ, cụ cũng liều thân cứu nước, cố gắng suy nghĩ cho ra một lý thuyết về giai cấp tiểu tư sản để tìm phương hướng đấu tranh và xây dựng đất nước. Rồi cụ tham chính, giữ cả chức bộ trưởng. Và rồi cụ bỗng nhiên thấy mình xa lạ với đủ thứ trò quỷ quái chính trị, nên trở về với Kinh Phật, tìm nghĩa cứu cánh, tận lực thăm dò cho ra thật tánh để chữa tận căn gốc muôn bệnh của chúng sinh. Từ đó, cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng đã trở thành nơi nương tựa cho biết bao nhiêu người con Phật.

*

Dưới đây là bản tin trên tờ Việt Báo, California, tường trình về trường hợp ra đi của cụ Hồng.

Nhà văn Nghiêm Xuân Hồng từ trần

QUẬN CAM, Calif. – Cụ Nghiêm Xuân Hồng (1920-2000) đã qua đời tại nhà riêng ở thành phố Westminster, hưởng thọ 80 tuổi theo tin của Little Saigon Radio.

Cụ Nghiêm Xuân Hồng đã lâm trọng bệnh và được đưa vào nhà thương vào cuối tuần qua. Sau khi về nhà, cụ đã ra đi bình yên trong giấc ngủ vào sáng sớm ngày Chủ Nhật 7 tháng Năm dương lịch năm 2000.

Tuy là một luật sư tại tòa thượng thẩm tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, cụ đã được biết nhiều hơn qua các tác phẩm nổi tiếng trong hơn 4 thập niên qua. Cụ là một trong những người đã chủ trương tờ Quan Điểm, một tờ báo viết về tư tưởng của giới tiểu tư sản trí thức Việt Nam. Theo nhận xét của nhà văn Võ Phiến, một người cùng thời với cụ Nghiêm Xuân Hồng, thì cụ đã có xu hướng viết về triết lý nhiều hơn về chính trị trong các tác phẩm rất nổi bật.

Trong hơn một chục tác phẩm của cụ Nghiêm Xuân Hồng, đáng chú ý là Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng được viết vào năm 1957, Từ Binh Pháp Tôn Ngô Đến Chiến Lược Nguyên Tử viết năm 1965-66, kịch bản Người Viễn Khách Thứ 10, bộ truyện Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc bốn cuốn, một tiểu thuyết thần thoại được viết dựa theo các sách của nhà Phật và hoàn tất tại Nam California từ năm 1988 đến năm 1992. Tác phẩm cuối cùng là Ma Chướng Trong Đường Tu.

Trong những năm gần đây cụ Nghiêm Xuân Hồng vẫn thường sáng tác thơ và dành thời giờ ở các chùa. Cụ có pháp danh là Tịnh Liên. Tuy có sức khỏe yếu kém, vào mỗi cuối tuần cụ vẫn ghé đến tư gia của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, chủ bút tờ Văn Học, để hàn huyên tâm sự chuyện văn chương và tìm hiểu về những người viết trẻ. Cụ Nghiêm Xuân Hồng đang được quàn tại Peek Family Funeral Home, ở góc đường Bolsa và Beach.

Theo bản tiểu sử trong các sách đã in, cụ Hồng nguyên là Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng năm 1965, vào lúc Thủ Tướng là Tướng Nguyễn Khánh.

Theo nguồn tin từ gia đình cụ Hồng, lễ phát tang sẽ là 10 giờ sáng Thứ Tư.

Lễ cầu siêu vào lúc 9 giờ sáng Thứ Sáu, sau đó là lễ hỏa táng.

Theo lời con trai cụ Hồng, ông Nghiêm Xuân Quan, nói với Việt Báo rằng cụ Hồng đã tiên đoán trước là sắp từ trần; từ 4 tuần lễ trước, cụ Hồng nói với ông Quan là, “Tao thấy yếu rồi, có thể đi trong tháng 5 hay trễ là tháng 6.”

Ông Quan cũng nói, vào chiều Thứ Bảy 6.5, cụ Hồng thấy mệt, nên ông Quan chở vào bệnh viện phòng cấp cứu, được 1 giờ đồng hồ, cụ Hồng đòi về, bảo là không thích không khí bệnh viện. Khi ông Quan chở cụ Hồng về, trên đường cụ Hồng nhìn lên trời và nói “Bầu trời đổi sắc rồi.” Tới 1 giờ khuya, rạng sáng Chủ Nhật thì cụ từ trần.

Cụ Nghiêm Xuân Hồng thường trích giảng bộ Kinh Hoa Nghiêm, có lịch dạy Phật Học hàng hai tuần tại Chùa Liên Hoa, tu theo Pháp Đại Thừa và có nhiều viễn kiến sâu sắc.”

 

 

 

 

Bản tin khác, cũng trên Việt Báo, vài ngày sau cũng ghi nhận thêm:

“Cụ Nghiêm Xuân Hồng pháp danh Tịnh Liên, từ trần ngày 7 tháng 5 năm 2000 tại tư gia. Cụ là một luật sư, nhà văn, nhà biên khảo, và đã từng tham chánh giữ chức vụ Bộ trưởng phủ Thủ tướng thời Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa. Khi đến Hoa Kỳ, với kiến thức uyên thâm, cụ đã nghiên cứu Phật học và giảng dạy Kinh Phật tại chùa Trúc Lâm Yên Tử, chùa Liên Hoa. Khi cụ đang phụ trách giảng dạy bộ kinh Niết Bàn thì bị bệnh và qua đời. Quan tài cụ được hỏa táng vào lúc 10 giờ 30, vào lúc đó vẫn còn nhiều người đến viếng bày tỏ lòng thương tiếc…”

*

Tôi còn nhớ như in hình ảnh cụ Hồng. Người tầm thước, lúc nào cũng có nụ cười trên môi. Đôi mắt lộ ra thông minh, nhưng tia nhìn rất hiền lành. Đi đứng lúc nào cũng chậm rãi, thư thả. Và luôn luôn mặc trang phục chỉnh tề, đơn giản nhưng không luộm thuộm bao giờ. Tôi có một số kỷ niệm với cụ Hồng. Bây giờ mỗi khi nghĩ tới, thì lòng lúc nào cũng dịu xuống.

Khoảng 12 năm trước, tôi là người phương xa vừa tới Quận Cam. Anh Vũ Huy Quang, một nhà văn thuộc loại bướng bỉnh kiểu dissident trong cộng đồng cầm bút hải ngoại, một hôm chở cụ Hồng tới rủ tôi đi ăn trưa. Cụ hỏi thăm về đời sống của tôi, rồi nói về những chuyện linh tinh. Không hề có chuyện gì trầm trọng kiểu như cứu đạo, cứu đời cả. Khi nói chuyện, tôi gọi cụ Hồng bằng “cụ,” và xưng bằng “cháu.” Một cách tự nhiên, vì hai thế hệ phải là như thế. Cụ Hồng đều gọi anh Quang và tôi là “anh.” Các ngôi thứ ba cũng được cụ gọi là “anh.” Khi nói chuyện, nụ cười và nét mặt của cụ lúc nào cũng vui. Lúc đó cụ Hồng đã in nhiều sách về Phật Học rồi. Còn tôi chỉ có một số bài về Thiền in trên các báo, và đang làm việc cho tạp chí Giao Điểm của Phật Giáo.

Một tháng sau, anh Quang lại chở cụ Hồng tới bảo tôi đi ăn cơm. Lần này đi một tiệm ăn khác. Cụ Hồng bảo anh Quang là tìm một tiệm nào có món mắm và rau đi. Chúng tôi lúc đó không ai ăn chay. Cũng chỉ nói chuyện loanh quanh. Không có gì nghiêm trọng. Và vài lần nữa, cứ mỗi tháng một lần. Nhưng không kéo dài tới một năm, có lẽ vì anh Quang đã tìm ra việc làm, nên bận rộn hơn. Cũng nên kể rằng anh Quang rất thường khi thất nghiệp, thuộc loại kinh niên; có lẽ đó cũng là cái giá phải trả của một nhà văn viết truyện ngắn thuộc loại hay nhất hải ngoại.

Sau này anh Quang kể lại, lúc đó mỗi lần cụ Hồng lãnh check tiền già, thì cụ lại bảo anh Quang tới rủ Hải đi ăn tiệm, bảo là để cho biết các tiệm Quận Cam. Tôi cảm động, nghĩ tới hình ảnh cụ Nghiêm Xuân Hồng – một cựu luật gia, một cựu chính khách, một nhà văn, và một nhà nghiên cứu Phật Học – chỉ thích thân cận những người vụng về và có vẻ như dường là bị gạt ra bên lề xã hội. Anh Quang và tôi thật sự không có vẻ gì phù hợp với xã hội chung quanh, kể cả với cộng đồng những người cầm bút. Gần đây, anh Quang lại kể rằng có lần cụ Hồng từng nhét một phong bì, bên trong có ít tiền, vào túi anh Quang, bảo là cầm về mà xài. Cụ Hồng thì lãnh tiền già, đâu có bao nhiêu mà vẫn cứ rộng rãi thế. Nhưng đó mới là Đạo Phật, là Lục Độ Ba La Mật, là dốc sạch túi cho chúng sinh. Và cụ luôn luôn tìm đến những người yếu thế trên trần gian này.

*

Cụ không nói gì về Đạo Phật, cũng không bàn gì về văn thơ, khi nói chuyện với anh Quang và tôi. Nhưng từng cách xử thế trong đời sống, trong cách giao tiếp, tất cả đều lộ ra phong thái nhà Phật. Cả cách cười, cách nói, cách đi đứng. Thật sự, lúc đó, tôi chưa đọc sách cụ một cách nghiêm túc, chỉ trừ một số bài thơ ngắn của cụ. Cũng chưa bao giờ vào chùa nghe cụ giảng kinh. Một phần vì không có nhiều thì giờ, và phần nữa vì tôi đã được may mắn thân cận với cụ, một người mà đời sống còn hay hơn chữ nghĩa nhiều.

Phần nữa, cụ Hồng viết và nói theo kiểu của cụ, để trình bày Đạo Phật trong các phương tiện thiện xảo của cụ. Về Hoa Nghiêm, về Thủ Lăng Nghiêm, về Kim Cang, về Đại Bát Niết Bàn, vân vân. Và về Thiền và Tịnh Độ nữa. Cụ tìm cách mở quá nhiều cánh cửa cho quá nhiều người. Cụ là một Pháp Sư uyên bác. Còn tôi chỉ là người đứng bên cửa chùa chắp tay lạy.

Điều hay nhất nơi cụ Hồng chính là việc cụ chuẩn bị cho cái chết. Ít người làm được như vậy. Cụ đã sống với cái Nguồn Thiền Như Huyễn và Hoa Nghiêm Tạng Pháp Giới nhiều hơn một thập niên cuối đời – trong các cảnh giới đó, cái chết và cái sống đã hòa lẫn vào nhau, tương nhập tương tức.

Đó chính là chỗ của công án “Sống ư, chết ư.” Nói sống cũng sai, mà nói chết cũng sai. Nói không sống cũng sai, mà nói không chết cũng sai. Trong các khoảnh khắc của hiện tiền không hề có cái gì gọi là sống hay chết. Nó chỉ thế là thế. Cụ Hồng đã liên tục đi dạo trong cảnh giới Như Huyễn và Hoa Nghiêm Tạng trong nhiều năm thì làm sao mà cái chết với cái sống bận chân cụ được. Chỉ đơn giản, thấy mệt thì dứt áo ra đi. Đâu có bao nhiêu người làm được chỗ này.

Cảnh giới của người an nhiên, thanh thản bên mép bờ cái sống, cái chết đó thì đâu có gọi được là sống hay chết nữa. Vì thực sự, cảnh giới này của Tâm chính là chỗ “có từng sinh đâu, mà hỏi là tử,” thì lập tức thấy liền cảnh vô sinh diệt. Chỗ này, nói sống cũng là mắc bẫy, mà nói chết thì cũng mắc bẫy chư Tổ.

Than ôi, cụ Nghiêm Xuân Hồng không hề tham công án, nhưng cung cách an nhiên trong 10 năm mà tôi có cơ duyên thân cận với cụ đã cho thấy rằng cụ đâu có bị vấp chân như người.

Và nơi đây, cháu xin thắp một nén hương, dâng tặng cụ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng.

Nguyên Giác Phan Tấn Hải

(Trích trong tập bản thảo chưa xuất bản “Khoảnh Khắc Chiêm Bao” với tấm lòng trân trọng tất cả những người đã đem chữ nghĩa, âm nhạc, hội họa để làm đẹp hơn cho cuộc đời, cùng lúc là để làm sáng tỏ ý nghĩa Phật pháp – Lời Thưa).

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search