T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Minh Phúc: Nhan Sắc Mùa Xuân

Soi Bóng – Tranh: Hoàng Thanh Tâm

(Nhà thơ Nguyễn Minh Phúc qua đời, nhưng anh đã để lại một di sản thơ văn khá đồ sộ. Để tưởng nhớ đến một người tài hoa vắn số, TV&BH sẽ lần lượt giới thiệu những truyện ngắn, bài thơ mà anh đã từng cho phổ biến đây đó, trong bè bạn, trên các trang mạng văn chương trong nước. Và khi có điều kiện, tủ sách TV&BH sẽ cho phát hành tuyển tập những di cảo của NMP để bạn đọc yêu thích thơ văn NMP dễ lưu trữ. TV&BH)

Không biết người khác thì sao, riêng tôi, không thích phụ nữ đẹp, nhất là những cô gái thật sự xuất sắc về làn da, gương mặt, dáng người. Người ta bảo tôi là ông già lẩm cẩm, trái nết đến tuổi gần xế chiều đâm dở chứng, thậm chí nói tôi gàn bướng, dở ương gì cũng được. Nhưng những người biết chuyện riêng tư gia đình tôi thì hãy thông cảm cho suy nghĩ  ấy. Vợ tôi, một phụ nữ thật đẹp, từng là á hậu trong một cuộc thi cấp tỉnh, đã bỏ rơi tôi khi thằng con trai chúng tôi mới lên mười. Cô đi theo tiếng gọi của tình yêu mới mà ở đó, cô cảm thấy hạnh phúc, sung sướng hơn bên cạnh người đàn ông đẹp mã, giàu có, tài giỏi xứng với nhan sắc cô. Thật ra, tôi không dám vơ đũa cả nắm nhưng quả sắc đẹp khó đi đôi cùng với một tấm lòng. Bây giờ thì vết thương ngày trước đã lành miệng. Con tôi, thằng Quang đã hai mươi lăm tuổi và là một bác sĩ mới ra trường nên tôi cũng đã bình tâm mà suy xét điều ấy. Không giận hờn, mai mỉa hay ân hận và cũng chẳng tiếc nuối về người vợ đã bỏ tôi mà đi dù vết thương  xưa còn nhức buốt trong lòng. Chừng ấy năm cay đắng lặng thầm chịu đựng, tôi nghiệm ra được điều sâu sắc: Tôi không tin vào tấm lòng, sự thuỷ chung, nhân hậu trong lòng một người đàn bà đẹp.

Thằng Quang, con tôi lớn lên trên nỗi nhọc nhằn và âu lo của tôi. Chẳng thú vị gì cái cảnh gà trống nuôi con nhưng đành chịu. Tôi đã phải lăn lộn trên bục giảng ngày hai buổi, tối còn nhận dạy kèm cho hai ba lớp ngoài giờ, vất vả cực nhọc kiếm tiền nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. May mà nó ngoan ngoãn, chăm chỉ, biết thân biết phận nên ráng học hành. Điều duy nhất nó thừa hưởng được của mẹ nó là sắc đẹp, mặc dù là đàn ông con trai. Nước da trắng như con gái, tóc tai không chải chuốt nhưng suôn  đuột, mũi cao, miệng rộng và dáng vẻ cao ráo, ưa nhìn. Thằng đàn ông thành đạt được đánh giá cái đầu cao hơn gương mặt nhưng Quang hình như được cả hai. Cho nên, tôi chẳng ngạc nhiên gì khi thấy nhiều cô gái đẹp cứ  xúm xít, lượn lờ quanh nó. Con tôi đã trưởng thành và tôi cũng chẳng khó khăn, cấm đoán gì chuyện gái trai tìm hiểu nhau, yêu thương nhau rồi bằng lòng đi đến hôn nhân. Nhưng quả thật tôi không muốn vợ nó là một cô gái đẹp. Bài học dành cho ba nó là tôi hình như đã quá đủ. Tôi không muốn con mình khổ, điều ấy đã hẳn, tôi lại càng muốn nó tin rằng: không hề có một trái tim nhân hậu, thuỷ chung từ phụ nữ đẹp, dù người đó là ai …

*

Nhưng trời lại không chìu ý tôi. Vì hình như Quang đã yêu và định lấy làm vợ một cô gái thật đẹp. Tôi chỉ phong thanh biết được điều nầy khi nghe bạn bè chúng nó rỉ tai nhau rằng: Hà, người yêu thằng Quang được chọn đi thi hoa hậu cấp thành phố. Thì ra, cô con gái thường đến nhà tôi tên Hà thỉnh thoảng vẫn gặp và khép nép chào mỗi lần gặp ngoài cổng lại là người yêu của con trai tôi. Cô gái đẹp thật, tôi công nhận điều đó! Mặt trái soan, nước da trắng hồng, mũi cao và nhất là đôi mắt long lanh với cặp lông mi cong vút … Nhìn cháu, tôi không thể không nghĩ đến người vợ phản bội của mình và đành chép miệng, thở dài “ghét của nào trời trao của đó”. Biết làm sao được! Âu cũng duyên số cả. Tôi biết, khi tình yêu đã lên tiếng thì khó thể cấm đoán, ngăn trở gì được, dù đó là con mình. Tôi chỉ nhắc Quang cần suy nghĩ chín chắn và cẩn thận trong tình cảm của những người còn quá trẻ như chúng nó. Quang ậm ừ: Ba khéo lo xa. Tụi con cũng chỉ mới quen biết, đang trong giai đoạn tìm hiểu. Nhân cách, tính tình Hà được lắm, con tin là con không lầm! Ba yên tâm …Nó chỉ nói thế rồi lảng sang chuyện khác…

Còn tôi yên tâm làm sao được khi bài học đời mình trải qua hãy còn chưa cũ. Nói gì thì nói, trong thâm tâm, tôi không ủng hộ mối tình nầy. Những vết dao khắc sâu vào tim tôi từ ngày Thuỳ Dương bỏ đi mãi là những vết đau tôi không thể nào quên. Người ta bảo thời gian sẽ làm nguôi ngoai đi bất cứ nỗi đau nào còn với tôi thì không. Làm sao quên được những tháng ngày gian khổ cùng Thuỳ Dương, mối tình thật đẹp của chúng tôi phải trải qua bao khó khăn, vất vả mới lấy được nhau. Tôi, một thầy giáo nghèo và Thuỳ Dương, cô sinh viên á hậu đã chấp nhận về sống với tôi trong khi chung quanh cô, không biết bao nhiêu lời rủ rê, mời gọi. Tôi nâng niu, quý trọng tấm chân tình ấy và ngỡ đời mình đã gặp được hạnh phúc đích thực. Rồi Quang, đứa con trai chúng tôi ra đời trong những ngày tháng thơ mộng đó. Tưởng chừng như trời đất đã ưu ái cho tôi bao thăng hoa dịu ngọt mà trong đời người, không phải ai cũng có …

Tôi đã làm tất cả để vun đắp tình yêu của mình. Còng lưng ngày hai buổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, vất vả không kể nắng mưa, không hề hé răng than trách, tôi nhận dạy kèm hết lớp nầy đến lớp khác ngoài thời gian ở trường để kiếm thêm thu nhập phụ với gia đình. Tôi dành hết những gì tốt đẹp mình có cho vợ vì tôi hiểu đã vì tôi mà người vợ xinh đẹp của mình phải khổ cực, long đong. Thời bao cấp khó khăn, nhiều lần tôi phải nhịn ăn với bụng đói đến lớp nhưng vợ tôi phải được no đủ. Thậm chí đến các tiêu chuẩn hiếm hoi hồi đó như đường sữa, vải vóc tôi ráng nhịn dành cho người thương yêu nhất của mình. Nhất là từ khi có Quang, con trai chúng tôi ra đời, tôi càng hết sức chăm sóc cô ấy. Thuỳ Dương càng ngày như càng đẹp ra sau khi sinh con nhưng tôi không hề lo sợ. Tôi tin chắc một điều rằng với bao ân nghĩa sâu nặng vợ chồng, bao năm chung chăn sẻ gối, những hy sinh tận tuỵ của tôi sẽ không ai có thể đành lòng phản bội, nhất là người hiểu biết như Thuỳ Dương …

Nhưng tôi đã lầm! Hình như  một triết gia có nói: Với đàn bà đẹp nên có cả hoa hồng và ngọn roi cho họ … Tôi không bao giờ dùng ngọn roi hay đúng hơn, tôi nghèo quá nên mất Thuỳ Dương. Làm vợ một anh thầy giáo quèn như tôi chắc nhiều lúc cô ấy tủi thân, ân hận. Không quán ăn sang trọng, không nhà hàng nổi tiếng, không vũ trường huyên náo, thanh lịch … thậm chí càng không có những chuyến đi tham quan, nghỉ mát Đà lạt, Vũng Tàu … Chỉ là những bữa cơm đạm bạc muối rau, đồ đạc, áo quần thiếu thốn. Thằng Quang ra đời cuộc sống lại càng bẩn chật hơn, nhất là những năm còn bao cấp. Người đàn bà đẹp thường có nhiều nhu cầu đòi hỏi mà tôi thì không đáp ứng được gì. Và thế là, tôi đành mất Thuỳ Dương. Tệ hại hơn, cô bỏ tôi ra đi mà không nói nửa lời, chỉ để lại một lá thư ngắn ngủi viết vội nhắn tôi nuôi giùm thằng Quang và đừng tìm cô nữa. Tôi nghiệm ra rằng, lúc người đàn bà đã cương quyết ra đi thì cái tình mẫu tử thiêng liêng nhất họ cũng vất huống chi là tình nghĩa vợ chồng. Và tôi đành chấp nhận cái kết cục bi thảm ấy bằng cách tự đổ lỗi cho mình bất tài, bất lực … Không tìm kiếm, không hé răng than thở, tôi đã nhẫn nhục nuôi Quang bằng cả nỗi vất vả và cay đắng của một thằng đàn ông bất tài, vô dụng bị vợ bỏ rơi theo người đàn ông khác .

Có điều, tôi khác trước! Tôi khó lòng tin ai, khó lòng cảm thông, đồng cảm với những gì gọi là nhan sắc, sự thuỷ chung, lòng nhân hậu … Ai ở trong hoàn cảnh tôi mới thấm thía được điều nầy. Ở đâu ra lòng trắc ẩn, sắt son, trung thành trong lòng người đàn bà đẹp. Ở đâu ra chân tình những lời hứa chót lưỡi đầu môi của nhan sắc trời cho. Như mang một vết thương không chữa khỏi, tôi đã cảm nhận và tin vào điều ấy như thế trong suốt mười lăm năm nuôi thằng Quang ăn học …

Bây giờ thì mệnh lại vận vào thằng Quang, ngẫm ra là vậy … Không, tôi không cho phép nó đi theo vết xe đổ bi thảm của mình. Nhưng làm sao cho nó hiểu được khi nó đang vướng vào tình yêu say đắm. Tôi không hề có ác cảm gì với Hà, cô người yêu xinh đẹp của nó nhưng phải làm cách nào để nó nhận ra: bản sao của Thuỳ Dương và người yêu nó chỉ là một …Người đàn bà đẹp không bao giờ thuỷ chung, son sắt, nhất là người nó yêu lại sắp dự cuộc thi nhan sắc …

*

… Mấy hôm nay, không biết từ đâu Quang mang về cho tôi chiếc xe gắn máy. Con gom góp mấy tháng lương, tặng ba làm quà mùa xuân mừng thọ ba. Quang nói làm tôi vui. Thế là trồng cây đã đến ngày hái trái. Bao gian khổ nuôi con được đáp đền. Không phải tôi mừng vì chiếc xe mới mà chính là con tôi đã biết nghĩ đến mình, một ông già trái tính trái nết, trả hiếu cho tôi bằng việc học hành tốt đẹp và bằng chính thành quả lao động của nó. Nhưng niềm vui của tôi tắt ngấm khi cùng lúc Quang ngập ngừng báo tin: Thưa ba … Sau thời gian tìm hiểu … con đã quyết định … lấy Hà làm vợ …

–  Ba rất thương con nhưng con biết, ba không ủng hộ việc nầy … Tôi nghiêm mặt nói.

– Tại sao ? Hà rất tốt và gia đình  cô ấy cũng đàng hoàng. Quang buồn xo, hỏi lại .

Tôi trả lời, không nhìn Quang:

– Con đã biết vì sao rồi! Ba không muốn con đi theo vết xe đổ của ba! Ba không muốn con khổ kể cả sẽ đau đớn khi sống chung với một cô gái đẹp

Con tôi vẫn bình tĩnh:

–  Ba à! Con hiểu nỗi khổ của ba khi mẹ bỏ đi … Con không dám trách ai cả nhưng con hiểu, không phải người đàn bà nào có chút ít nhan sắc cũng như ba nghĩ, là thiếu thuỷ chung, là không có tấm lòng son sắt…

–  Bao nhiêu năm nuôi con không có mẹ, tôi nói, ba biết con chịu nhiều thiệt thòi, lý ra ba phải bù đắp cho con … Nhưng kinh nghiệm mà ba rút ra trong suốt một đời đau khổ vì mẹ đã không để ba lầm lẫn. Nhưng tuỳ con! Ba sẽ không có ý kiến gì nữa nếu như con đã quyết định … Có điều, con có nói gì cũng không thay đổi được quan niệm của ba… Rồi con sẽ ân hận khi gặp hoàn cảnh như ba …

Đây là lần đầu tiên trong đời, Quang không nghe lời tôi … Biết làm sao được, nó đã lớn. Còn tôi, trước mắt nó chắc là ông già lẩm cẩm, độc đoán, không hiểu gì về tình yêu. Nhưng nghĩ gì thì mặc xác nó! Tôi sẽ bằng mọi cách thuyết phục không thể cho nó cưới cô gái kia làm vợ …

*

Cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi đi xe gắn máy. Bao nhiêu năm cực khổ nuôi con, tôi chỉ còng lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ từ ngày nầy đến ngày khác. Nhưng rồi chỉ đi vài vòng là tôi đã thuần thục. Hoá ra, đi xe gắn máy còn dễ hơn là đi xe đạp.

Chuyện không như tôi tưởng! Vài hôm sau, có việc ra phố, lơ đãng thế nào mà tôi gây ra tai nạn. Tôi chỉ kịp nhận thấy một cô gái băng qua đường trước cổng nhà và trong một phút mất bình tĩnh, thay vì đạp thắng, tôi đã không làm thế! Cô gái ngã sóng xoài trước đầu xe và tôi cũng văng xuống nền đất. Cú va đập thật mạnh khiến tôi không còn biết gì trước khi nghe tiếng la oai oái thất thanh  của những người đi đường.

Tỉnh dậy trong bệnh viện, toàn thân nhức buốt và một cánh tay tôi đã bó bột từ hồi nào. Đúng là lỗi của tôi, hoàn toàn về phía tôi! Tôi nhớ rất rõ vì mới tập xe, tôi đã không làm chủ được tay lái, cứ buông tay ga không đạp thắng dù hôm ấy đường rất vắng. Nạn nhân vì sự bất cẩn nầy của tôi lại là một cô gái! Tôi thật sự lo âu. Không biết cô ấy có mệnh hệ gì không. Càng rủi cho tôi là Quang lại vắng nhà! Nó đang theo đoàn bác sĩ làm từ thiện ở vùng nông thôn xa không liên lạc được.

Những người hàng xóm tốt bụng đến thăm tôi. Và tôi giật thót khi biết rằng cô gái mà tôi đụng xe hôm nọ chính là Hà, người yêu và là vợ sắp cưới của con tôi khi đến nhà tìm nó. Tôi thật sự bàng hoàng, chẳng biết phải làm gì khi mình là người có lỗi nhưng không cử động được, chỉ nằm một chỗ với cánh tay băng bông kín mít .

Điều làm tôi lo nhất là cuộc thi hoa hậu sắp khai mạc. Hà là niềm hy vọng vàng, là cô gái đại diện cho địa phương đi thi. Liệu cú va chạm có làm cho cô ấy bị thương thậm chí ….. Tôi không dám nghĩ tiếp  nữa …

Điều lo sợ của tôi cuối cùng cũng xảy ra. Hà không bị thương gì nặng ở thân thể nhưng gương mặt thì xây xát đến nỗi phải giải phẩu. Vậy là nhan sắc cô bị chính tôi làm hỏng! Không biết cô ấy xử sự với tôi thế nào khi không thể tham dự cuộc thi sắc đẹp vì trăm phần trăm là lỗi của tôi.

Trong lúc tôi đang lo lắng đến sốt ruột thì những ngày sau đó, trong lúc nằm viện, tôi đi hết từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Người đến thăm nom tôi thường xuyên, lo lắng cho tôi nhất lại chính là Hà, cô con gái tôi từng ác cảm. Với gương mặt còn kín bông băng, Hà cùng ba mẹ cô ấy đến giường tôi chăm sóc tận tình chu đáo và không hề nói gì về tai nạn do sự bất cẩn của tôi gây ra. Hà còn chân thành giúp đỡ những bệnh nhân khác nằm cùng phòng không có thân nhân nuôi bệnh. Tôi đọc thấy trong mắt các bệnh nhân chung phòng lòng biết ơn chân thành khi biết rằng chính vết thương của cô còn chưa lành hẳn.

Cô mang cho tôi và những người bệnh khó khăn trong phòng tất cả quà cáp, trái cây, đường sữa mà cô nhận từ bạn bè, người thân đến thăm cô. Hà thỏ thẻ với tôi: Cháu còn trẻ, dù sao cũng có sức vượt qua vết thương hơn những người già, bác đừng bận tâm …Chưa hết! Có một ca mổ khó, trong lúc bệnh viện hết nhóm máu dự trữ, cô đã tự nguyện hiến máu mình để cứu một đứa bé trong một tai nạn dù cô còn rất yếu. Cái định kiến cay nghiệt về Hà, về cô gái nhan sắc xinh đẹp, vợ sắp cưới của Quang bỗng trôi tuột đâu mất nhường chỗ cho một cảm giác rất lạ trong tôi.

Người ta sẽ nghiêng mình khâm phục một thiên tài nhưng sẽ cúi đầu xuống trước một tấm lòng, ai đó đã nói như thế! Tôi lặng nhìn cô gái đẹp như một thiên thần đang đứng trước mặt tôi. Mừng cho Quang, con tôi, đã khéo chọn cho mình người vợ xinh đẹp, thuỷ chung, nhân hậu và cũng mừng cho tôi,  một ông già độc đoán, dở hơi được một cô dâu tương lai có phẩm hạnh tuyệt vời. Nhưng trên tất cả, cô đã làm thay đổi hầu như trọn vẹn quan điểm tôi về nhân cách, hình ảnh của người phụ nữ đẹp. Cô gái làm cho tôi còn tin trên đời nầy vẫn có những tấm lòng sâu sắc, nhân hậu, thuỷ chung từ những nhan sắc nhất thời, phù phiếm mà chắc rằng ngày nào đó nó sẽ mất đi.

Tôi đợi Quang về! Câu đầu tiên ngày đầu năm mới tôi sẽ nói với cậu con trai bác sĩ của tôi là: Ba đồng ý chấp thuận người con sắp lấy làm vợ! Con đã cưới được một hoa hậu đúng nghĩa dù không qua bất cứ kỳ thi tuyển nào./.

Nguyễn Minh Phúc

(Nguồn: Văn Chương Việt)

Bài Mới Nhất
Search