T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Cổ vật ngẫu chuyện

Vườn nhà tôi chỉ có dăm khóm trúc, ít cây tùng La Hán, hai ba hồ cá nho nhỏ, vài chiếc cầu bắc qua con suối khô, rải rác năm ba hòn đá…Vườn Nhật nghĩ cho cùng rối rắm với động và tĩnh quá lắm, mệt thật. Thôi vào nhà đi bác. Đi qua thảo lư mà tôi gọi bừa là trà thất, trên treo cái ấm sứt vòi, be rượu sành Saké Nhật. Cột kia treo tấm thiếc khắc chữ Tàu nhất tự thiên kim: “Hưởng”. Vì vậy được thể tôi quan quả đến câu thơ Hàn nho phong vị phú của cụ Nguyễn Công Trứ đồ chuyên trà ấm đất sứt vòi, cuộc sống rượu be sành chắp cổ…Nghe thủng rồi, bác tặc lưỡi bép một cái bảo tôi sướng. Dào! Bác dậy sao tôi nghe vậy. Chả dấu gì bác, chẳng qua ở trong cái vòng kim cô đọan tống nhất sinh duy hữu tửu, trầm tư bách kế bất như nhàn, từ chữ “hưởng” là…hưởng nhàn đó thôi, thưa bác.

***

Vừa vào nhà bác nhòm bên trái và đắng đót lại thêm ông La Hán nữa ư…

Dạ thưa không: Ấy là ông Bồ Đề Đạt Ma. Rất ngay tình, tôi tâm phục khẩu phục ở chỗ từ gỗ vàng tâm làm…quan tài cho hậu sự. Thế mà nghệ nhân nào đấy làm đồ gỗ ở Hải Dương đã đẽo gọt gốc cây một hình tượng nghiêng nghiêng như bức tượng Hy Lạp cổ đại Venus de Milo (Venus tiếng Ý là vệ nữ, Milo là tên hòn đảo, nơi tìm ra bức tượng) của Alexandro. Tôi dựa dẫm vào ông thi nhân Trần Đăng Khoa để vọng văn sinh nghĩa góc độ nghiêng của bức tượng xiên xiên như lá rơi nghiêng….

Bác lõ mắt nhòm ông thiền sư nào có thấy…”lá rơi nghiêng” ở khổ nào hay ra dáng…cổ vật đâu. Dào! Bác không thấy mặt mũi ông thiền sư…cổ lão, cổ lỗ à? Ngòai ra ông diện bích trong hang động chín năm, một ngày buồn ngủ, ông nhổ lông mi búng ra ngòai hang động cho đỡ buồn ngủ. Ấy vậy mà sợi lông mi theo gió xiên xiên như lá rơi nghiêng…rơi xuống đất mọc lên cây trà, vì vậy mới có ấm trà, mới có đồ cổ để tôi hầu chuyện với bác đây.

Khi không bác ậm ừ ba cái ấm đất mà chữ nghĩa văn vẻ gớm! Ừ thì cũng ngay đây, bác nhòm bên phải có cái ấm đất để có chuyện đào xới chữ nghĩa như thế này…

Một ngày, đọc bài biên khảo Trà Tàu và ấm Nghi Hưng của tác gỉa Nguyễn Duy Chính: Ngay trang đầu, đậu vào mắt cái ấm do Trần Minh Viễn nặn, thấy ngờ ngợ đọc tiếp mới hay ông nổi tiếng vào đời Thanh, ông nặn véo chỉ khỏang hai mươi ấm trà, những ấm kỳ cổ, không cái nào giống cái nào, quả là bậc thầy trong nghề với những nét tinh xảo đầy sáng tạo. Cái hình thù một gốc mai già, cái hình thù bó củi như một tác phẩm điêu khắc hơn là một trà cụ. Tôi ngờ ngợ vì trong nhà cũng có cái ấm y xì như ảnh chụp cái ấm của ông. Thấy người ta trồng khoai cũng vác mai đi đào, thế là mang cuốc xẻng ra vườn hì hục đào…cái lỗ.

Số là cái ấm màu nâu gụ, màu áo u sầu của ông sư nên tôi không thích lắm. Thêm nữa vì là “đồ nhái” (reproduction) nên…mới cáo cạnh, trông mất sướng. Bèn học mót cách làm đồ cổ giả của mấy ông con trời trong Chợ Lớn làm giả tiền kẽm, tiền đồng bằng cách hấm húi giã nghệ rõ nhuyễn để sau này lên men màu vàng nghệ, vàng như…da gà luộc của ấm Thế Đức. Bọc cái ấm nhiều lớp vải bố, trải đều nghệ trên mảnh vải, rồi tưới trà lên (tưới…nước mắm nếu vật là tiền kẽm, tiền đồng Khang Hy, Vạn Lịch). Sau đấy lấp đất nhưng vẫn để chừa vũng nông choèn. Ngày này qua tháng nọ, có nước trà dư thừa tôi tống táng xuống cái vũng và nhủ thầm, ắt hẳn đợi dăm năm, cái ấm sẽ lên “meo”. Một từ chuyên ngành của cụ Vương Hồng Sển chỉ cổ vật già lão cũ kỹ, lạc tinh cũ rích như cái ấm Thế Đức mầu gan gà mà cụ Nguyễn Tuân tặng Thạch Lam. (nguồn: Nguyễn Tường Giang, con nhà văn Thạch Lam)

Nhân chén sành đụng chén sứ đến cụ Vương, ăn ngay nói thật với bác thì…

Thì mới tập tễnh vào cái thú cổ ngọan, kinh thi của cụ Vương Hồng Sển là sách gối đầu giường của mụ chữ tôi, nhưng mù mờ chỉ biết lò sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây, lò Thế Ðức Ðường huyện Nghi Hưng ở Giang Tô qua ba cái ấm Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần: với lò Thế Ðức màu gan gà vàng sậm, lò Lưu Bội màu gan heo đỏ, lò Mạnh Thần màu nâu thẫm da chu, thưa bác. Thưa với gửi thêm thì ký kiểu cho quân diêuquan diêu (diêu, dao là đồ sàhh, sứ) là vẽ kiểu trước và ký là dấu ấn hay bài thơ ngắn trên đồ gốm. Vì vậy mới có chuyện cụ Nguyễn Du đi sứ cụ lọ mọ tìm đến lò sứ Ngoạn Ngọc (?! – xem Chú thích) ở Giang Tây đặt bộ chén trà Mai Hạc có hai câu thơ chữ Nôm nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen.

Ăn chay nói dối không bằng ăn mặn nói ngay, rất ngay tình với bác và chả phải khoe mẽ gì nhà tôi có trên 70 cổ vật hết…của đi tìm người (1) đến nhất cổ nhì quái (2) thi…Thì cả đám cổ vật từ dưới đất bò lên tường, ngự trên kệ chỉ có ba, bốn món và không hơn tạm gọi là thật. Bởi chưng tôi trộm nghĩ dại nếu là của thật thì…”của đi tìm người” chả đên tay mình. Mà hú họa có đến tay mình cũng chả…đủ tiền mua (3).

Tôi nói thật đấy,.vậy bác để tôi dẫu chuyện về ba thứ tạm gọi là thật ấy nha.

Đĩa đời Trần; Hũ tiểu sành; Chảo đời Thương

Số là tôi có anh bạn người lập lên mạng lưới để trao đổi đồ cổ. Vì dư giả tiền bạc và quen biết nhiều nên anh đi Hà Nội như đi chợ để mua trống đồng, đồ gốm Lý Trần nhằm khi đào xới cổ thành Thăng Long. Anh lăn lội về tận Cà Mau để thăm chừng những thuyên bị đắm được vớt lên, nên anh có “một nhà” ngập đồ cổ. Anh để lại cho tôi cái đĩa đời Trần…bị nứt một vết dài. Như bác biết đấy, đồ cổ bị sứt mẻ chả có giá trị gì nên tôi mới có cổ vật…tạm gọi là thật trên. Nhưng bụng dạ tôi cứ đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ vì trống đồng giá cả chỉ 800 đến 2000 đồng. Một lần lén anh, tôi lấy cái bật lửa gõ vàp trống đồng nghe “bịch, bịch” như ai đó…đấm vào lưng mình. Tôi ngộ ra nó chỉ là những mảnh vụn được ráp lại của những cái trống đồng khác đã trở thành…đồng nát. Vì thế cái đĩa men lam của tôi có thuộc đời Trần hay không, ông cố nội tôi cũng không biết được! Ăn ngay nói thật là thế đấy, thưa bác.

Nhưng quý hóa nhất anh còn tặng tôi quyển Tàu cổ Cà Mau – The Ca Mau Shipwrech 1723-1735. Quyển này vừa to khổ, vừa dày nên nặng như cục gạch nung, trong có 386 ảnh chụp những món đồ cổ được vớt lên từ những con thuyền đắm ở Cà Mau. Bác gật đầu tắp lự còn gì nữa không. Nói xa chẳng qua nói gần, tôi còn hai tập cẩm nang khác nữa với rất nhiều hình ảnh: Một để tra cứu đồ cổ nhà Minh, nhà Thanh, một để tra cứu đồ cổ Tây phương. Nhưng ấy là chuyện sau, thưa bác.

Riêng cái tiểu sành, tôi tậu được ở thị xã Wimberley Ghost Town, thị xã là một trong “The Best 10 Antique Towns of Texas”. Tôi quơ ngay vì trộm nghĩ chả ai làm giả đồ đựng…tro người chết, chả ai rước của nợ này về nhà vì…xúi quẩy chết. Tôi không hay biết cái tiểu sành là đồ Bát Tràng hay của đám hậu duệ, hậu bối ông Bổn (Trịnh Hòa) bê sang An Nam đựng tro cốt mang về Tàu. (trong quyển “Tàu cổ Cà Mau”, ảnh chụp 169, tr 157 có hũ tiểu sành của Tàu). Tôi chả buồn lật cái trôn ngó chừng cái triện Tàu vì nếu có cũng chỉ là…triện giả. Ngẫu sự này tôi học khôn được ở tiệm bán đồ sứ sành Giang Tây, họ bê qua cả trăm ấm trà bày la liệt dưới sàn nhà, mỗi cái chỉ…10 đồng thì…thật thế quái nào được, thưa bác. Nói thì nói vậy nhưng tôi cũng lật cái trôn lên…

Một là dưới trôn không có triện gì sất, bởi chưng nghề đồ gốm ta ít có thói…đóng triện (đồ sứ Bát Tràng vào đời Tống, họ học theo nhà Tống cũng có triện, nhưng sau đó ít lâu họ bỏ). Hai là viền trôn sần sùi với màu gạch vàng tự nhiên, tôi lấy móng tay cạo cạo màu gạch vàng không bị tróc.

Ngẫu chuyện về trôn, vì đồ gốm đặt lên vật gì đó để nung, nung xong trôn sao thợ gốm người Tống để nguyên vậy nên hơi thô. Trôn sứ đời Minh lồi lõm, không đều vì họ gọt bằng dao, đời Thanh đều hơn vì họ dùng bàn quay. Sau này nhiều lò gốm cũng để nguyên trôn như đời Tống. Gần đây để làm đồ cổ giả, họ quét thêm lớp men màu gạch vàng cho ra vẻ cũ kỹ. Hoặc họ mài trôn cho mòn, làm như đồ cổ lâu ngày chày tháng nên…mòn mỏi như vậy. Bởi nhẽ ấy, mỗi lân hấm húi cổ vật sứ, sành, tôi lật cái trôn lên xoi xói như thầy bói múc canh đóan mò xem thật hay…giả.

Về sành, sứ: đồ gốm nung rồi đợi nguội phết lên lớp men (tráng men, émail) để tránh rạn, nứt nên được gọi là sành, sứ. Sau đó vẽ hoa văn lên lớp men này. Nhà Minh vì ảnh hưởng người Hồi nên đồ sành men lam, nhà Thanh có máu du mục của Mông Cổ nên màu mè rực rỡ. Vì vậy khi dòm cái tiểu sành của tôi hoa văn là con chuồn chuồn, cọng cỏ lất phất hương đồng cỏ nên tôi chắc như cua đinh là…gốm Bát Tràng.

Tôi còn hàng “độc” hơn cái hũ đựng tro: Ấy là cái “đù đì ông sư”…để đi tiểu.

Tôi vô phép vô tắc bác lộng ngôn vậy, vì học theo các cụ bà ta xưa cái không biết là gì thì cứ gọi là cái đù đì ông sư, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Bạn đến chơi, tôi dẫn tới cái “hốc” nằm ở hóc hẻm trong nhà, cái để đi tiểu lọ không ra lọ, bình chả ra bình được trang trọng ngự trên cái đế Tàu cao nghệu. Chỉ cho bằng hữu “thưởng lãm” hàng độc ngang ngay tầm mắt vậy mà họ đều…ngó lơ và tôi quên bu nó mất tiêu hồi nào không hay. Nói dối phải tội, hôm nay nhè vào năm 2019, vì tôi bã bời cơm niêu nước lọ…cái để đi tiểu của cụ vua Tàu nào đấy thuộc đời tam hòang ngũ đế nào đó? Thề trước bóng đèn hột đỗ, tôi dốc ngược cái trôn săm soi đế hiệu thì trong lọ rớt ra một cuộn giấy buộc cao su.

Bèn mang ra ngòai vườn, vừa cà phê thuốc lá vừa “ngâm cứu” Kim Dung…

Chuyện là tôi bơ ngơ với cái thú chơi đồ cổ, như tập chơi cờ tướng chỉ là quân ngòai bài trong. Như tầm sư học võ công trong Kim Dung, một chiều lạng quạng rơi cái bịch xuống hốc núi tối om om, tỉnh dậy gặp kỳ nhân dị tướng. Tôi cũng vậy, sư phụ tôi đưa tôi vào Hoa dung tiểu lộ với đồ cổ là bạn cũ trường xưa. Sư phụ tôi nặng nợ với kinh điển. Cuộn giấy vài trang trên là bút tích về những dấu triện đời Minh đời Thanhhình vẽ cổ vật với tên tuổi về đồ cổ Tau (ngoai ra sư phụ còn tống táng cho tôi quyển cẩm nang cũng với hình ảnh về đồ cổ Tây phương – xem tr 6)

Trong cẩm nang về đồ cổ Tàu, lòi tói ra bức vẽ và ghi chú về…cái để đi tiểu.

“…Chalice, Ku type, from Anuang, Shang perod. W. Rockhill Neison Galery of Art, Kansas City”. Rồi chả hiểu nghiệp ngão thế nào dưới tờ giấy, ngày xa xưa ấy tôi ghi chú: “Ku: a tall, slender wine beaker with the wide foot and trumpet mouth

Giời ạ, chả phải…cái để đi tiểu mà là…cái bình rượu.

Dốc ngược cái trôn có triện đúc nổi. Đối chiếu với 4 trang hình vẽ triện nhà Minh, nhà Thanh thấy lạ hoắc. Bèn ngẫm nguội đời Thương nào đã có triện (?), bởi đánh dấu niên hiệu có vào đời Nguyên (Hốt Tất Liệt), đế hiệu mới có vào cuối Mạt Minh vì Trịnh Hòa mang đồ sứ ra nước ngòai để giao thương và sau thịnh hành vào đời Thanh.

Chưa kể giữa thân bình khắc con rồng nằm tròn vo, tôi không biết rồng 5 năm móng (cho vua), hay rồng 3 móng (cho quan). Nhưng tôi đào sâu chôn chặt thì đời nhà Chu thế kỷ 10-8 B.C, mới có rồng. Bởi nhẽ đó tôi góp nhóp bình rượu là “đồ nhái”, họ bịa thêm con rồng, cái triện cho ra vẻ vương giả vậy thôi.

Bởi thế tôi bụng thầm bảo dạ chớ dại tin vào…cái triện.

Thành phố tôi “ngu cư” khoảng thập niên 80, các tiệm bán tủ giường bán ghế bán thêm đồ trang trí trong nhà, họ để trên bàn vật này vật nọ rất nhiều thứ. Lần trước tôi vớ được bức tượng La Pensee (hay The Thinker Statue 1840 – Người suy tư) của Auguste Rodin do hậu bối của ông người Úc tên Austin sao chép lại.

Quen mui thấy mùi ăn mãi lần sau dòm thấy cái đù đì ông sư nữa vì đĩa không là đĩa, nồi không là nồi nhưng bằng gang, tôi chớp ngay vì…“tự kỷ ám thị” giống giuộc này ắt thuộc…đời Thương, về mua cái đế gỗ mun, trưng trên kệ ngó chừng cũng hung hãn ra phết. Mang đến quầy trả tiền, bà Mỹ đứng sau lưng nói bà tới chậm…3 giây nên không mua được vi bà biết cái này đây trước kia trong bảo tàng viện. Thế là tôi được thể bán tín bán nghi hay là đồ thật của nhà Thương cũng nên? Về nhà mang tập hình vẽ cổ vật với tên tuổi về đồ cổ Tàu…

Bèn thấy cái này đây ghi chú là “Pan”. Chả lẽ pan là…cái chảo. Bèn hục hặc sang trang khác có hai hình vẽ nhang nhác vậy tựa đề là “Kuei”, một cái quai tròn đứng, một cái quai quai tròn ngang. Trở lại với đồ đồng đơi Thương ghi chú: quai hình vuông.

Bèn vội quơ đại “cái chảo”…thuộc về đời Thương.

(1) Của đi tìm người chả ngon ăn như ăn trứng luộc…bởi một ngày ghé tiệm đồ cổ Tàu dưới phố, len lén chui vào mắt tôi là cái đỉnh đồng to bằng quả cam sành. (xem tr 5)

Chuyện dây mơ rễ má đến cái lư đồng của nhà văn Nguyễn Đạt:

“…Điện thoại reo “Anh ơi, em vừa tìm thấy chiếc lư đồng mắt cua trong kho đồ cổ. Em đến tặng anh đây”. Điện thoại của người em bên vợ tôi, anh ta buôn bán đồ cổ ở đường Lê Công Kiều, hầu hết các nhà ở đây buôn bán đồ cổ, bao gồm đồ cổ thứ thật và đồ giả cổ. (…) Theo người vừa tặng tôi (Nguyễn Đạt), chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân có vào khoảng đầu nhà Nguyễn, dùng để đốt trầm, nó rất giống chiếc lư đồng của tôi đang có (…). Nguyễn Tuân để nó trên bàn viết để chặn giấy và đựng kim găm. Còn tôi đi đâu cũng xách nó theo bên mình để đựng tàn thuốc lá…“.

Bác đơm chuyện đồ cổ nãy giờ ông Nguyễn Đạt nhiều chữ nghĩa nhất, vì văn chương thiên cổ sự với Nguyễn Tuân giang bạt kỳ hồ từ Hà Nội đến phố bán đồ cổ Lê Công Kiều bán cái lư hương để mua rượu Tây uống (Congac). Ấy, bác đọc chuyện nên cẩn thận đừng dại dột đi vào mê lộ, vì: Một là chiếc lư của ông Nguyễn Đạt chắc gi là chiếc lư của cụ Nguyễn Tuân. Hai là ông ta biết đồ cổ qúy; hiếm lại xách nó đi đây đi đó để đựng…tàn thuốc, nghe chướng sao ấy, thưa bác.

Như tôi đã mê muội khi mua cái đỉnh, mở nắp thấy bên trong dính cát sỏi. Cũng như bác, tôi vẽ chuyện chú Chệt nào đó chôn “cổ vật” này ở lục địa, khi chạy qua Đài Loan, chú đào lên, khi qua Mỹ, chú mang theo. Vì vậy tôi mừng quá đỗi nên tha về nhà. Ít lâu sau ghé nơi khác, thấy cái đỉnh đồng in hịt vậy, mở nắp sỏi cát y trang thế. Thế là tôi ớ ra vì bị lừa thấy rõ. Rõ ra mấy chú Chệt làm đồ giả ở đâu cũng có mặt, vì vậy cái lư đồng mắt cua của cụ Nguyễn ở đường Lê Công Kiều…bên hông Chợ Lớn chắc gì đã thật. Nhưng đồng tiền có hai mặt vì tôi chịu đèn câu kết của ông Nguyễn Đạt: “Biết đâu nó chính là hiện thân chiếc lư đồng mắt cua tôi đang giữ. (xem tr 8)

***

(2) Còn nhất cổ nhì quái thi tại garage sale của người Mễ quanh nơi tôi ngụ cư: Tôi túm tó được cái “Yoni” của người Mèo cũng bị chôm trong bảo tàng viện.

 

Cái âm hộ đá để trong hộp kính bằng bao thuốc lá với nhãn giấy máy đánh chữ cổ lỗ sĩ thập niên 50::”Kon-Gue/Bridal Dowery. Money Meo Hill Tribe. N.W. Viêt Nam Made to resemble female genetalia. The red color color is chicken blood”.

Hết ông con trời bắt cua bỏ gỉo với cái đỉnh đồng…Tôi còn bị ông con thiên hòang xứ mặt trời mọc bắt cóc bỏ đĩa…Đầu trỏ xuống cuống trỏ lên một bữa vào tiệm Nhật láo ngáo thấy cái gương đồng to bằng cái đĩa của mấy bà cung phi.

Cái gương mặt trạm nổi cây tùng Nhật, cán quấn sợi mây và cũng có nhãn giấy đã vàng ố viết bằng bút sắt dẹt đầu chữ cổ La Mã (với tiếng Anh) cho biết cái gương từ thế kỷ đã xa xưa đã thuộc vào quá vãng. Bèn trôm nghĩ đây là đồ cổ ….cổ lỗ sĩ nên mua ngay tức thì, mang về ghé tiệm làm khung ảnh để làm đóng khung kính treo trên tường. Tháng sau ghé lại tiệm đồ cổ Nhật ấy, chủ tiệm đang ở đâu đó nên tôi lẩn thẩn đi từ ngòai vào tận…trong kho thì ngớ ra…Vì trong kho có cả hai chục cái gương Nhật thuộc hàng hiếm có, ít thấy… thấy nằm lổm ngổm chen vai thích cánh với nhau dưới sàn nhà.

(3) “Không có tiền mua” với…cái tượng bán thân người da đỏ.

Ở ngọai ô thành phố có một tiệm đồ cổ, có cái đầu tù trưởng Crazy Horse của bộ lạc Lakota (“label” dán dưới đáy), tượng bằng đồng đen đặc to gần bằng đầu người. Bèn hỏi. Chủ tiệm ra giá 3000, nhè vào thời lương ba cọc ba đồng nên đi về. Ít âu sau trở lại, vì ở ngọai ô, tiệm ế ẩm nên hạ giá còn 1500, đứng một hồi lâu đành hậm hực bỏ về. Năm sau ghé lại, đại hạ giá còn 1000, thấy tôi tần ngần đứng như ngỗng đực, chủ tiệm làm như có gì suy nghĩ trong đầu lung lắm: Tôi đồ chừng hắn muốn ba điều bốn chuyện với tôi là ông tổ da đỏ da vàng qua đây (xem cuối tr 5 ở dưới) khai phá ra nước Mỹ, bây giờ hậu duệ của họ là thằng da vàng tôi đang có mặt ở đây. Trong khi ấy tôi lụi đụi hiện ở nhà có cái giáo của người da đỏ và cái sọ con bò rừng (Buffalo) trắng hếu. Nên vừa khi hắn nói: “Thôi để mày giá vốn 500”. Thế là nhà có ông…tù trưởng da đỏ tới trú ngụ.

Như bác thấy đấy, nhà bé bằng cái lỗ mũi, nhưng để trang trí trần làm thêm kèo, đà cho ra dáng kiến trúc, tường khóet hộp để đặt tượng, gắn đèn rọi như phòng triển lãm.

Đỉnh đồng & Giáp cốt

Nhà được chia từng khu như viện bảo tàng, tôi o bế từng góc nhà thành góc Nhật, góc Tây phương, góc Tàu (có Quy lịch). Nay có thêm góc da đỏ với cái giáo và cái sọ con bò rừng. Gần xịt ngay đấy có cái tượng đá đen tuyền mọi Phi Châu (xem tr 6) cũng chịu khó lặn lội qua đây nhận nơi này làm quê hương thứ hai, như…tôi vậy.

(4) Theo Dr Silvia Gonzaler nghiên cứu một số xương sọ cổ đại, dẫn giải: “Chúng giống với xương của người Nam Á (Đông Nam Á) vùng nam Thái Bình Dương hơn là người Bắc Á (bắc Mongoloid). Họ nhập cư qua ngả Nhật và Polynesia tới bắc Mỹ châu, trước thổ dân da đỏ Kennewick 9.000 năm”. Các nhà nhân chủng học Tây Ban Nha, họ cũng tìm thấy những chứng tích là sắc dân này từ Nam Á (Đông Nam Á) tới đây.

Sọ bò rừng,

cái giáo, tượng đầu da đỏ.

Tượng mọi Phi Châu..

Quay quả trở lại với cái chảo Kuei mà tôi “hoang tưởng” thuộc nhà Thương…

Khi không bác ngẫn ngẫn như rắn ngày với sau nhà thương là…nhà xác, nhà quàn. Ấy đấy! Tôi muốn mọc ra chuyện với bác nhè chơi đồ cổ phải mày mò với dăm trang sử. Thảng như chung quanh nhà Thương có nhà Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu cùng thời với họ Hồng Bàng. Vậy là…“nhà tôi”, có cái tượng đầu da đỏ từ thời cổ đại Bắc Mỹ, đến chảo gang từ thời hồng hoang Hồng Bàng kéo dài từ…4000 năm văn hiến tới hôm nay qua những khúc quanh lịch sử của di dân, di cư đến…di tản, thưa bác.

Ừ thì bác hãy để tôi trâu dong bò dắt với di dân trước đã nha…

Cuối tuần, đang ngồi ở tiệm phở, bỗng sư phụ đồ cổ hỏi tôi: “Lêu bêu đồ cổ không mày?”. Tôi nao nuốt: “Còn chỗ đâu mà chứa”. Đột nhiên cái đầu đất tôi chui ra cái tẩu thuốc phiện và nghĩ dám “của đi tìm người” lắm ạ. Trở lại thị xã “Wimberley Ghost Town” ở Texas là một dẫy phố mấy trăm thước bán đồ cổ. Loanh quanh ở đây từ sáng đến chiều…Chiều về, ở đầu dẫy phố bán đồ cổ có tiệm lúc tới không ghé

Cấu vào mắt là…cái tẩu thuốc phiện giá: $50. Không tin vào cái kính cận, tôi mầy mò cái tẩu bằng tre thấy nứt một đường dài. Tuy đồ cổ bị mẻ, vỡ không có giá trị, nhưng đường nứt nằm ở phía dưới, ai biết đó là đâu bèn tha về nhà trong cái tâm thái…của đi tìm người.

Về nhà, tôi “tra khảo” quyển cẩm nang mà sư phụ cho để làm vốn với hình ảnh về đồ cổ Tây phương, dưới ảnh chụp có hàng chữ “Chinese pipe in the form of an umbrela (cái nồi ống), bamboo with silver hardware, early 20 century. $600 – $800”.

Thế là chó ngáp phải ruồi, tôi đớp được cái tẩu thuốc phiện của người Tàu di dân từ thời dân Mỹ mở mang bờ cõi về miền Viễn Tây (Western) năm 1848–1855. Cái tẩu thuốc phiện của người Tàu nào đó đã có mặt vào thời này có “niên đại” năm 1849.

Vì vậy tôi nặn óc ra vặn vẹo bài tạp bút Cái tẩu thuốc phiện 1849.

Được thể tôi lay lắt tới ông Tô Thùy Yên cùng nỗi cô lý, cô liêu: Tưởng tượng ta về nơi bản trạch – Con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn với cái điếu bát…

Số là tôi dở chứng làm quen với thú chơi đồ cổ. Sau lại làm quen với cụ bạn già qua những canh mạt chược. Nhà cụ có cái điếu bát hai lần di cư, di tản theo cụ, năm 54 cụ di cư vào Nam và 75 di tản sang đây. Cái điếu bát cụ để sau nải chuối ngắm con gà khỏa thân…Thấy cái điếu bát ngập nhang khói hương đèn, tôi gạ mua, cụ lắc đầu. Một bữa, cụ thua bét tĩ cấn cái điếu bát cho tôi. Mươi năm sau, cụ về cõi, năm thỉnh mười thoảng nhìn cái điếu bát như món đồ cổ, tôi lại hòai cố nhân đến cụ.

Bởi không có mây sao có mưa, tôi bung bét ra bài…Điếu tôi ký truyện.

Lấy ngắn nuôi dài vớp lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng…

Chuyện dây mơ rẽ má đến bạn cũ trường xưa Lê Thiệp, bạn ghé Trúc gia trang. Đang ngấu chuyện, bạn dòm thấy bức tượng thiền sư ăn không ngồi rồi ở cột thảo lư. Bạn nói cho bạn đi. Bạn là tay chơi đồ cổ lõi đời, tôi học theo thói bonsai Nhật, khi gần đến ngày chín tầng mây mười tầng trời, họ mang cây bobsai nhất hồ tính bất quý hồ đa gửi gấm như trao bình bát cho tay chơi bonsai đã đạt đạo. Thế là tôi ra nhà xe lấy thùng giấy tính đưa ông thiền sư về đất Phật. Bạn cười tũn ấy là đùa tí chơi..

Đĩa Bát Tràng Hũ Hán bản địa

Tượng thiền sư

Bạn hồi cố quận, tuần sau nhận được gói quà của bạn mở ra một cái đĩa bát tràng, một hũ Hán bản địa và…một chai vang Bordeaux. Riêng cái đĩa Bát Tràng, bạn khẽ khàng là của bà cụ thân sinh bạn hai lần di cư, di tản qua đây. Chai Bordeaux, tôi cứ cuộc sống rượu be sành chắp cổ để ngắm hũ gốm cổ Hán bản địa y trang cái “bình bát” của mấy ông sư khất thực. Bèn “tra cứu” Tàu cổ Cà Mau, ảnh 160 tr 154 và 264, tr 279 chụp hai hũ y xi vậy nhưng là đồ sành vẽ hoa văn và ghi chú là…hũ nhang.

Bác tha ma mộ địa cổ vật ngẫu chuyện chỉ có thế thôi ư…

Vậy thì tôi đành thưa với bác rằng chỗ bác đang ngồi ngay đấy, trên tường treo cặp kiếm Nhật. Bác ngước đầu lên, cũng chẳng có gì lạ lẫm cho mấy. Ừ không có gì lạ thật, vì chỉ là cặp kiếm để trưng ấy thôi. Nhân tiện thưa với bác: tôi…“chơi” đồ cổ không ngòai trang trí nhà cửa. Thế mà nó lại lay lắt tơi cụ Nguyễn Khuyến hỏi thăm bạn Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ôngNó lại lôi ông tới giữa đồngCướp của, bắt người, quân tệ nhỉ – Thân già, da cóc có đau không? Và chuyện không ra chuyện của tôi là…

Là nhà tôi bị cướp viếng hai lần, lần đầu thằng ăn cướp vồ thanh kiếm Tàu tôi tậu ở chợ trời, kiếm Tàu to bề ngang, hơi thô, bao kiếm gắn ba viên đá xanh, đỏ trông Tàu tàu thấy rõ. Sau tôi thửa được thanh trường kiếm Nhật, thanh kiếm này dài …như cái đòn gánh (1m2) dành cho kỵ binh.

Lần thứ hai nó viếng nhà tôi nữa, nó chỉ “mượn” đỡ cây trường kiêm Nhật rồi…dọt. Chỉ vì ông tướng cướp mê kiếm, tôi đanh phải treo cặp kiếm Nhật…giả. Cặp kiếm này của Samurai tên Daishò, cả hai đều cong, lưỡi sắc, xanh màu thép. Cây dài là Katana, cây ngắn là Wakizachi để Samurai…mổ bụng.

Với giả là không thật…như tôi đã thưa thốt với bác một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng: nhà tôi chỉ có ba, bốn cổ vật tạm cho là thật. Đủng đỏang thế nào chả biết nữa, khi tôi vần câu như vần cơm, lùi chữ như lùi khoai bài tạp văn Điếu tôi ký truyện qua cụ Vương Hồng Sển, vua Tự Đức phong tước hầu cho cái nghiên mực là “Thủy mặc hầu”. Ăn mày chữ nghĩa câu thơ vì tam sao thất bản nên thiên hạ sự gán ghép cho Bà chúa thơ Nôm: Thủy hỏa tương giao sôi sịch sịch – Âm dương nhị khí, sướng làm sao. Thế là tôi bèn hư cấu thật, hiện thực giả vua Tự Đức cũng phong hầu cho cái điếu bát (của tôi) là “Thủy hỏa hầu”. Đùng một cái đọc Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của Trần Đức Anh Sơn, tôi mới vỡ ra ấy không phải là cái điếu bát mà là…cái điếu ống.

Điếu ống và thơ chữ Hán triều Tự Đức

Ăn ngay nói thật, lần đầu tiên tôi nghe tên này và nhà cũng có…cái điếu ống..

Một ngày cụ chơi đồ cổ lão làng từ Việt Nam qua chơi. Nhớ năm nào ghé nhà cụ ở Sài Gòn, cụ để lại cho tôi cái bình, cái lọ Nhật (xem tr 5). Tôi thật thà như đếm…đếm nhà có trên 20 đồ cổ tuổi đời trên 100 năm (kể cả “đồ nhái” và “cổ vật” mới…cáo cạnh), có thể vì vậy cụ cứ lúi húi với cái điếu ống để trên kệ. Lam như bị hồn ma ám chướng câu của ông Nguyễn Đạt: “Biết đâu nó chính là hiện thân món đồ cổ tôi đang giữ”. Tôi định mờ nhân ảnh với cụ: Cái điếu ống của tôi chính là cái điếu ống của vua Tự Đức. Nhưng nghĩ lại một là tôi so đo hai bài thơ ở hai cái điếu ống chả ăn nhập với nhau. Hai là nghĩ đến câu tu chùa chẳng bằng tu nhà, ăn ở thật thà mới là chân tu nên thôi.

Cái điếu ống như rách giời rơi xuống vì thằng bạn đời từ xa ghé nhà tửu lạc vong bần. Đang ngồi ăn, bạn nhòm kệ kính từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, thấy: cái tẩu thuốc phiện Bát Tràng bằng ngà, cái điếu bát, cái tẩu thuốc phiện 1789, cái điều cầy.

Về đến nhà, bạn gửi qua cho cái điếu ống. Một tối đang yên giấc nồng, bỗng nghe “xỏang” một cái rõ to. Vì nhà có chuột, tôi biết ngay chuột đi kiếm cơm thừa canh cặn rơi vãi ngòai phòng ăn, nhân tiện bò lên kệ “tham quan” đồ cổ. Thôi thì cũng đành ô hô ai tai theo người Trang Tử “Tiêu nhiên như lai, tiêu nhiên nhi vãng, kỳ nhập bất cụ, kỳ nhập bất hà”, Nôm là thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi, khi vào không lo lắng, khi ra không ngần ngại. Từ đó tôi tung tóe ra triết lý củ khoai cái gì đến dễ dàng thì đi cũng…nhẹ nhàng như sinh với tử. Tôi định triết lý cù nhầy tiếp đồ cổ cũng có cặp, có đôi như hai vợ chồng già…như cặp đĩa Bát Tràng (xem tr 5 – ảnh gương Nhật), cặp tiền kẽm Khải Định. Vừa định vật lộn với ba mớ triết Đông triết Tây về vợ chồng đồ cổ thì…

Thì vừa nghe thủng chuyện cái điếu ống, bác thở ra cũng chỉ vậy vậy thôi. Rồi bác lụng bụng chơi đồ cổ…sướng chăng. Đúng là bác già rồi nên lẫn, như tôi đã thưa gửi với bác ở khúc đầu: chẳng qua ở cái vòng kim cô của nhà Phật với Lão Trang đọan tống nhất sinh duy hữu tửu, trầm tư bách kế bất như nhàn ấy mà. Tuy nhiên theo một nhà chơi đồ cổ Tây phương thì nhân sinh hơn: Sướng nhất là mấy bà có chồng chơi đồ cổ vì suốt ngày được săm soi, sờ mó từ đầu đến trôn như…một món đồ cổ, thưa bác.

Thạch trúc thảo lư

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chú thích

“Ngoạn Ngọc” chỉ đồ sứ đẹp như ngọc. Bộ chén trà Mai Hạc của cụ Nguyễn Du được xem là đồ ngọan ngọc, có thể vì cụ đặt làm tại lò Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây. Nên sách viết đồ cổ viết cho “gọn” là: lò Ngọan Ngọc ở Giang Tây vào thời Khang Hy nhà Thanh.

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search