T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Mỗi năm hoa đào nở

clip_image002

Hình : Lưu Na

Từ ngàn xưa, cứ mỗi năm khi trời đất bắt đầu vào xuân nhằm tháng giêng ta (khoảng tháng hai dương lịch), người Việt mình lại tổ chức lễ mừng năm mới quen gọi là Tết. Tết trở thành một tập tục cổ truyền, một sự kiện văn hóa mang tính lễ hội đựơc lưu truyền, gìn giữ từ đời này sang đời kia. Tết đến là dịp để mọi người mừng Ơn Trên cho thêm một tuổi, để cùng nhau xum họp gia đình, bà con thân thuộc nội ngoại. Tết cũng là dịp để nghỉ ngơi sau một năm dài làm ăn vất vả, trùng lúc các nông gia đã thu hoạch xong vụ lúa mùa. Tết còn là một phong tục để con cháu tưởng niệm ông bà, tổ tiên những người đã khuất, để cháu con chúc thọ trao quà cho các vị cao niên, rồi các bậc cha ông lại mừng tuổi lì xì cho con cho cháu mặc nhiên nối kết mối giao lưu huyết thống vô hình, thắt chặt dây chuyền gia tộc qua nhiều thế hệ.

Có người nói ta với tàu có chung cái tết, thực chất về bản sắc Tết quê ta có nhiều đặc điểm khác biệt với Tết của người Tàu tuy cùng tổ chức trong ba ngày đầu năm mừng Xuân âm lịch (Lunar New Year). Tết Việt ngày nay là một lễ hội có từ vựng mang nét đặc thù trong ngôn ngữ và đời sống văn hóa Việt nam, nhất là sau biến cố Mậu Thân, chữ Tết trở thành một độc âm quốc tế: “Tet” được người Mỹ và thế giới biết đến như là tập quán thiêng liêng mừng ngày đầu năm của dân tộc Việt nam. Hết chiến tranh dắt díu nhau ra hải ngoại thì đối với cộng đồng người Việt, Tết trở thành sợi dây liên kết, biểu tượng ‘Về nguồn’ luôn được trân trọng bảo tồn của lớp người vốn dòng Lạc Việt do điều kiện chính kiến hoặc sinh kế đã phải sống xa quê hương, tạm dung trên đất khách quê người nhưng lòng thì luôn hướng về đồng bào ruột thịt, quê hương bản quán một thời đã sinh ra hoặc lớn lên.

Nếu so sánh với tập quán của dân Mỹ, ta có thể ví Tết của người Việt mình như là sự kết hợp hai lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) và mừng Năm Mới (New Year) được tổ chức hàng năm tại xứ sở có lịch sử di dân lâu đời này. Tết ta giống lễ Tạ ơn vì nó mang ý nghĩa xum họp đoàn tụ gia đình. Dù ai học hành làm ăn buôn bán tha phương thì cứ cuối năm đều thu xếp bằng mọi cách để về thăm nhà, xum họp với ông bà cha mẹ anh em. Trong khung cảnh trời đất giao hòa nhà nhà xum họp của những ngày đầu xuân, Tết mặc nhiên là dịp để tạ ơn Thượng Đế đã ban cho một năm làm ăn phát đạt, cho sức khỏe, bình an, cho thịnh vượng, thành đạt tùy hoàn cảnh từng người, từng gia cảnh.

Tết cũng là dịp để tiễn năm cũ qua đi, mừng năm mới sắp đến, nhìn lại việc cũ cái hay thì giữ cái dở cho qua, xích mích quên đi chín bỏ làm mười giữ tình bà con trong nhà ngoài phố chòm xóm yên vui. Chẳng vậy mà trong những năm tháng chiến tranh, hai bên chống nhau một mất một còn, nhưng mỗi khi Tết đến hai phe cùng gà một mẹ lại cùng nhau chơi trò hưu chiến, súng ngưng pháo nổ cốt vui trong mấy ngày xuân.

Nói đến Tết cũng là dịp để cùng nhau nói lời ân hậu, chúc nhau những điều như ý, tránh nói điều gì ân hận xui xẻo cả năm. Cho nên người lớn thì chúc cho sống lâu trăm tuổi, trẻ con thì ăn no chóng lớn, ngoan ngoãn vâng lời, thanh thiếu niên sớm dựng vơ gả chồng, vợ chồng trẻ chúc cho đầu năm sanh trai cuối năm sanh gái, gia đình thì chúc cho êm ấm hạnh phúc, làm ăn thì buôn may bán đắt, học hành thì đỗ đạt vinh qui, chốn công sở thì thăng quan tiến chức, làng xóm cộng đồng thì thịnh vượng an vui…

Quả thật Tết là một lễ hội dân gian mang nét đặc thù của dân tộc Việt. Ngoài ý nghĩa thiêng liêng đậm phần tâm linh văn hóa, Tết không hẳn chỉ nhằm thể hiện hiếu đễ gia phong, quan hệ tình người, giao lưu chòm xóm, thắt chặt cộng đồng mà còn là dịp nghỉ ngơi vui chơi thỏa thích, không câu nệ chuyện tốn kém trong miếng ăn thức uống, giúp bổ sức lại cho những ngày quanh năm vất vả, chuẩn bị sinh lực cho những tháng ngày sắp tới. Nhiều món ăn cổ truyền phong phú đa dạng của ba miền đất nước, nhiều trò chơi dân gian giao lưu lành mạnh, từ bắc chí nam, thôn quê đến thành thị trong khung cảnh của lễ hội vui xuân đã đưa con người, bất kể già trẻ lớn bé, sáp lại gần nhau tìm về tình tự dân tộc của một thời thanh bình thuở trước.

Rồi mỗi năm cứ thấy hoa đào nở, thấy bóng ông đồ già ngồi bên hè phố viết dòng câu đối Tết, bất giác những người mang tâm tư hoài cổ lại nhớ cảnh cũ người xưa vọng lại cái hồn quê của giây phút giao thừa, nhà nhà người người mang dòng máu Việt thảy đều chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền những vật thực hoa quả theo tập tục dân gian từng miền… Một đòn bánh tét, một cặp bánh chưng, một cành hoa mai, một nhánh hồng đào, vài trái dưa đỏ, một mâm ngũ quả, hai hàng câu đối, một phong pháo đỏ, một bức tranh quê, một cành lộc xuân, mấy bao lì xì, vài tấm áo mới, một cánh thiệp hồng, một hộp mứt sen, một chậu cúc vàng, vài đóa thược dược, ít nén hương trầm, một bầu rượu nếp, một nồi thịt kho… quả là những vật thực không thể thiếu trong khung cảnh đầu xuân ấm cúng của mỗi gia đình Việt nam, tự nó thể hiện phong cách độc đáo ‘chào mừng năm mới/cung chúc tân xuân‘ chỉ có ở con người và đất nước quê ta.

Đỗ Xuân Tê

(Xuân Nhâm Thìn 2012)

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search