T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vương Trùng Dương: Alexander Solzhenitsyn, Chiến Hữu Văn Nghệ

clip_image002

(Năm 1974, Cộng Sản Liên Xô trục xuất văn hào Alexander Solzhenitsyn “lưu đày hải ngoại” vì xem nhà văn thuộc thành phần cầm bút phản động nguy hại cho chế độ. Trong thời gian đó, nhiều tác phẩm của A. Solzhenitsyn đã được chuyển ngữ và phổ biến lan rộng ở Việt Nam như Một Ngày Trong Đời Ivan Denitsovitch (One Day in The Life of Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Vòng Đầu (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Bài viết “Solzhenitsyn, Chiến Hữu Văn Nghệ” của tôi đăng tải trên Đặc San Ức Trai của Trường ĐH.CTCT Đà Lạt Với bút hiệu Trần Lư Nguyên Khanh vào thời điểm đó, giới thiệu tổng quát về giá trị tác phẩm của người cầm bút đang sống trong gông cùm của guồng máy cai trị độc tài đảng trị được phổ biến trên văn đàn quốc tế.

Năm 1990, Cộng Sản Liên Xô và các nước CS chư hầu Đông Âu cáo chung, cũng là thời điểm tôi được định cư tại Hoa Kỳ. Tháng 5 năm 1994, A. Solzhenitsyn trở lại cố hương. Tôi đã đề cập đến hình ảnh nhà văn qua bài viết “Solzhenitsyn, Tiếng Vọng Quê Hương” đã được đăng tải trên nhiều báo ở hải ngoại trong thời điểm đó.

Nhà văn, người lính, người tù và bị trục xuất “lưu đày” ở hải ngoại… khi đất nước thay đổi, ông trở lại cố hương với hoài bảo lớn lao sẽ đóng góp kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình cho quê hương. Thế nhưng ông thất vọng, lạc lõng vì bất đồng chính kiến. Tôi viết bài Alexander Solzhenitsyn, Ngày Dài Trên Quê Hương. Đây là nhà văn duy nhất rất ngưỡng mộ nên tôi đã viết 3 bài theo dòng thời gian.

Văn hào A. Solzhenitsyn tuy bị tù đày nhưng được sống thọ, được báo chí đề cập nhiều nhất với thái độ dấn thân vào sinh hoạt của đất nước. Với hoài bão của nhà văn “lưu vong” luôn luôn nghĩ vế đất nước nhưng trải qua 8 năm nơi quê nhà, hoài bão đó không thực hiện được qua ngòi bút trên hoang tàn còn lại vì sau chế độ CS thì nước Nga rơi vào chế độ độc tài. Năm tháng cuối đời, Solzhenitsyn liên tục đau yếu nhưng vẫn cố gắng viết cho đến hơi thở cuối cùng. Solzhenitsyn qua đời vào tháng 8 năm 2008 vì bệnh tim, thọ 90 tuổi.

Hình ảnh văn hào A. Solzhenitsyn từ thời ở trong nước trước năm 1975 và sau năm 1975 ở hải ngoại với những người cầm bút của chúng ta đã một thời ngưỡng mộ. Gần nửa thế kỷ trôi qua, đăng lại bài viết nầy có bổ túc thêm để nhớ đến Alexander Solzhenitsyn, Chiến Hữu Văn Nghệ – VTrD)

*

clip_image004

A. Solzhenitsyn đọat giải thưởng Nobel Văn Chương năm 1970 với toàn bộ tác phẩm của ông. Chân dung người tù trong một ngày cũng như qua bao thập niên cho đến hình ảnh quần đảo lao tù trên toàn cõi Liên Bang Xô Viết được mệnh danh là GULAG (Glavnoye Upravieniye Lagereiy) (Cơ Quan Quản Trị Các Trại Giam Lao Động Cải Tạo) dưới quyền điều hành của OGPU (tiền thân của NKVN, KGB) qua ngòi bút của nhà văn đã đâm thủng bức màn sắt bưng bít để phổ biến khắp năm châu. Tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi nguy hiểm đang đe dọa, khủng bố bản thân và cả gia đình nói lên thiên chức cao qúy của người cầm bút trong xã hội độc tài, đảng trị. Nhà văn, chứng nhân hùng hồn của thời đại, Solzhenitsyn dám đương đầu với bao áp chế của guồng máy cai trị qua “bốn triều đại” Cộng Sản Liên Xô: Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924), Jooseph Stalin (1879-1953), Nikita Khruschev (1894-1971) và Leonid I. Brezhnev (1906-1982). Solzhenitsyn mô tả hình ảnh đen tối trong lao tù, cuộc sống chìm đắm trong thế giới ngục tù qua từng lời văn, tác phẩm đã tạo dựng được hình ảnh cao đẹp của người cầm bút trên văn đàn quốc tế.

Solzhenitsyn trải qua nhiều thế hệ, chế độ, môi trường cuộc sống… sức mạnh của ngòi bút được bùng lên trong bóng đêm nhưng rồi lu mờ trong hoàn cảnh tranh sáng tranh tối trong tuổi xế tà nhưng tâm huyết của nhà văn vẫn tựa ban mai.

* Nhập Cuộc

Alexander Solzhenitsyn sinh ngày 11-12-1918 tại Kislovodsk. Ra đời trong giai đoạn đất nước loạn ly, đẫm máu giữa phe Cộng Sản Bolshevik và phe Bạch Nga Menshevik. Thân phụ A. Solzhenitsyn qua đời trong tai nạn đi săn khi ông còn nằm trong bụng mẹ. Dòng họ Solzhenitsyn vốn được xem thuộc gia đình Cossak trí thức nên bị liệt kê vào thành phần tiểu tư sản vì vậy thân mẫu của Solzhenitsyn phải dọn về sống ở Rostow-in-Don trong túp lều tồi tàn để sống qua ngày. Solzhenitsyn trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn nhưng rất kiên trì và thông minh nên được học bổng để theo Toán Học tại đại học Rostow. Solzhenitsyn kết thân với người bạn học cùng tuổi Natalia Reshetovskaya. Ông tốt nghiệp về Toán học và Vật Lý, kết hôn với Reshetovskaya năm 1941.

Đệ nhị thế chiến bùng nổ, năm 1941 ông bị gọi nhập ngũ. Phục vụ trong binh chủng Pháo Binh, lập được nhiếu chiến công vì vậy tháng 2-1945, Solzhenitsyn mang cấp bậc Đại úy với nhiều huy chương khen thưởng. Thời gian chiến đấu ở mặt trận Âu Châu, Solzhenitsyn viết thư cho người bạn ở Moscow, bày tỏ mối ưu tư về chính sách độc tài Stalin đưa đẫy đất nước vào vòng khổ đau, thư bị kiểm duyệt. Solzhenitsyn bị ngưng chức và giải giao về Moscow. Tòa án với cơ quan mật vụ NKVD xét xử, Solzhenitsyn bị kết án với tội trạng phản động. Ông mang số tù 232, lao động khổ sai tại khu xây dựng Lenin. Năm 1946, ông bị chuyển sang khu vực khác bên ngoài thành phố Moscow. Trải qua 4 năm lao tù ở đó, ông lãnh thêm 3 năm lao động khổ sai ở Kazakhstan, phía Tây Nam của miền Siberia (Tây Bá Lợi Á) rộng mênh mông, băng giá và đầy khắc nghiệt.

Trong 8 năm (1945-1953) đó, sau nầy Solzhenitsyn ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong hai tác phẩm The First Circle (Vòng Đầu) và One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich).

Ngày 5 tháng 3, 1953, Stalin qua đời, kế thừa với khuôn mặt đổi mới: Khruschev. Giai đoạn Khuschev thổi luồng gió “cải cách” vì vậy Solzhenitsyn được trả tự do nhưng bị chỉ định nơi cư trú tại Ekibastus, ông được dạy Toán ở trường trung học. Thời gian nầy, ông có cơ hội để sáng tác những gì đã ghi nhận được trong thập niên qua. Đúng vào thời điểm Khruschev bài xích đường lối cá nhân chủ nghĩa, độc tài của Stalin. Năm 1962, tác phẩm đầu tay One Day in The Life of Ivan Denitsovich của ông gởi đến tạp chí Novy Mir (Thế Giới Mới) – tạp chí văn chương hàng đầu cùa Liên Xô – do nhà thơ cựu chiến binh A.T. Tvardovsky làm Tổng Biên Tập, đã công bố tác phẩm văn học đầu tiên của Solzhenitsyn, tên tuổi Solzhenitsyn được nổi danh ngay.

Trước đó, những nhà văn công cụ của chế độ Cộng Sản để tuyên truyền như Gorky, Katayev, Aleksey, Shklovky… ca ngợi “công trình sáng tạo” của nhà nước qua nông trường, công trường tập trung cải tạo đã bưng bít thảm cảnh của “tù nhân cải tạo”, hình ảnh Ivan Denitsovich bằng xương bằng thịt mang số S-854 xuất hiện trên tác phẩm của Solzhenitsyn gây cơn chấn động trong lòng người với bao nỗi kinh hoàng, xúc động.

Trong thời kỳ của Khruschev, Solzhenitsyn đã hình thành được nhiều tác phẩm nhưng chỉ ấn hành có ba tác phầm: Matryona’s Home (Căn Nhà của Matryona), The Incident at Krechetvoskaya Staion, 1963 (Sự Thể Tại Trạm Krechetvoskaya), For The God of The Cause, 1964 (Lý Do Chính Đáng).

Tháng 10 năm 1964, Khruschev bị hạ bệ, Brezhnev lên cầm quyền, không khí độc tài, đảng trị lại bao trùm trên lãnh thổ Liên Xô, nhiều mũi dùi công kích trong cơ chế Hội Nhà Văn Liên Xô tấn công Solzhenitsyn. Từ đó, tác phẩm của Solzhenitsyn bị các nhà xuất bản từ chối nên ấn hành lén lút trong nước và gởi chui ra ngoại quốc. Quyền tự do của Solzhenitsyn đã bị xâm phạm, công an, mật vụ xâm nhập gia cư, tịch thu gíấy tờ, bản thảo của ông. Solzhenitsyn viết thư phản kháng lên Hội Nhà Văn Liên Xô nhưng rồi tháng 11 năm 1968, ông bị trục xuất ra khỏi Hội. Người bạn đời qua một phần tư thế kỷ nạp đơn ly dị. Trong thời điểm đó, hai tác phẩm The First Circle và Cancer Ward của Solzhenitsyn được xuất bản bằng tiếng Anh, đồng thời những bức thư của ông cũng được phổ biến ở Âu Châu đã gây tiếng vang lan rộng trước diễn đàn quốc tế.

Ngày 10 tháng 12 năm 1970, Hàn Lâm Viện Thụy Điển tuyên bố trao tặng giải Nobel Văn Chương trong tình trạng vắng mặt nhà văn Solzhenitsyn. Năm 1958, tác phẩm Doctor Zhivago của nhà văn Boris Pasternat được trao tặng giải thưởng Nobel Văn Chương nhưng nhà văn bị đe dọa nên không dám nhận lãnh. Lần nầy, Solzhenitsyn bị rơi vào tình trạng đe dọa trầm trọng hơn, ông muốn ở lại quê hương để chiến đấu với sứ mệnh của người cầm bút, ra đi, không có dịp trở về. Tên tuổi ông sáng chói nhưng tình trạng quản chế, kìm kẹp trong nước vẫn đè nặng trên bản thân ông.

Tác phẩm Một Ngày Trong Đời Ivan Denisvovich xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam vào cuối năm 1970 qua bản dịch của Thạch Chương và Trần Lương Ngọc thực hiện theo bản dịch Anh ngữ của Max Hayward và Ronald Hingley, xuất bản năm 1963, Frederich A. Praeger, New York.

Tác phẩm Vòng Đầu ấn hành vào tháng 3 – 1971 do Vũ Minh Thiều dịch, Ngàn Khơi xuất bản, dựa vào “Nguyên tác Le Premier Cercle của Alexandre Soljenitsyne”. Cùng thời điểm đó, bản dịch của Thạch Chương và Thanh Tâm Tuyền với tựa đề Vòng Đầu Địa Ngục, Nguồn Sáng xuất bản. Tác phẩm Tầng Đầu Địa Ngục, bản dịch của Hải Triều, ấn hành ở Sài Gòn năm 1972.

Qua vài tác phẩm tiêu biểu của nhà văn đoạt giải Nobel, tên tuổi Solzhenitsyn có ảnh hưởng rất nhiều cho công tác tuyên truyền vì khi đó ở miền Bắc chưa có tác phẩm nào có tầm vóc đề cập đến chế độ lao tù từ “Cải Cách Ruộng Đất” cũng như vụ án “Nhân Văn & Giai Phẩm”… Tiếc rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không biết khai thác để hỗ trợ và tiếp tay cho giới cầm bút phổ biến toàn bộ tác phẩm của Solzhenitsyn. Khoảng sáu tác phẩm của Solzhenitsyn được chuyển ngữ, do tư nhân ấn hành vào những năm đầu của thập niên bảy mươi, tiếng nói hùng hồn, gan dạ của người cầm bút, chứng nhân thời đại đang được ca ngợi, như lớp triều dâng trên văn đàn quốc tế nhưng chỉ là gợn sóng li ti trên văn đàn đất nước!.

Trước hào quang sáng ngời của nhà văn trong gọng kìm của chế độ chống trị, Văn Bút Quốc Tế và nhiều nhà văn danh tiếng viết thư gởi đến Chủ Tịch nhà nước Liên Xô Nikolai Pogonny để phản đối tình trạng khống chế, đàn áp tiếng nói của nhà văn Solzhenitsyn.

Năm 1971, tác phẩm August 1914 (Tháng Tám 1914) được phổ biến ở hải ngoại. Tác phẩm One Day in The Life of Ivan Denisvovich được Great Britain – Norway – U.S dựng thành phim, trình chiếu rộng rãi khắp năm châu.

Năm 1973, Solzhenitsyn lập gia đình với Yekaterina Svetlova, gọi là Nalalia, ở Moscow nhưng vợ chồng phải sống cách biệt vì ông bị quản thúc ớ ngoại ô Moscow. Theo thời gian, có được 3 người con trai. Natalia là hình ảnh người đàn bà cương nghị, chịu đựng bao nghịch cảnh mà Solzhenitsyn đã đề cập đến trong tác phẩm của ông. Người bạn đời tuyệt vời, cảm thông sự sáng tạo của nhà văn, đọc lại các bản văn, góp ý và cùng chồng dấn thân trong nỗi gian nguy.

Cuối năm 1973 và đầu năm 1974, cuốn I & II trong tác phẩm The Gulag Archipelago xuất bản ở Pháp, Quần Đảo Ngục Tù The Gulag Archipelago do ngọc Thứ Lang chuyển ngữ, ấn hành ở Sài Gòn, Trí Dũng xuất bản cuối năm 1974. Tác phẩm nầy gồm có 3 cuốn, cuốn thứ III được ấn hành năm 1976. Theo ông: “Tôi đã trải qua 11 năm trong quần đảo Gulag… nhờ đó, may ra, tôi có thể kể lại phần nào chứng tích thịt xương của chính con thằn lằn may mắn thay, còn sống sót”.

Tác phẩm The Gulag Archipelago là một công trình ghi chép, sưu tầm rất công phu của Solzhenitsyn để phơi bày hệ thống công an, mật vụ, lao tù quy mô và kinh hoàng dã man nhất trên thế giới. Theo ông, tất cả sự kiện trong quần đảo Gulag đều có thực, thấy sao viết vậy. Đó là bức tranh khổng lồ của hàng chục triệu Zek (gọi tắt của chữ Zecklychenny: tù nhân) trong guống máy cai trị, đàn áp của Cộng Sản Liên Xô. Con số ước tính của giới quan sát quốc tế, trong 4 thập niên từ 20 đến 60, có khoảng 20 triệu người chết trong “quần đảo Gulag”.

* Lưu Vong

Ngày 14 tháng 12, 1974, chiếc phản lực cơ thương mại Aeroflat thả văn hào A. Solzhenitsyn xuống phi trường Frankfurt, Tây Đức. Hình ảnh đầu tiên trên bước đường “lưu đày hải ngoại” do nhà cấm quyền Liên Xô ra lệnh tước quyền công dân, tống xuất “con ngựa bất kham” nguy hiểm cho chế độ khi Solzhenitsyn nước xuống vùng trời tự do với đóa hoa hồng tươi thắm. Nhà văn hôn tay cô tiếp viên hàng không diễm kiều và được văn hào Đức Heinrich Boll, Nobel Văn Chương 1972, đại diện văn nghệ sĩ thế giới tự do đón tiếp về nơi cư ngụ. Solzhenitsyn bị “lưu đày hải ngoại” để lại người vợ hiền Natalia và hai đứa con thơ Yernolai và Ignat. Nhà văn lưu vong Hung Gia Lợi Lukacs ca ngợi Solzhenitsyn như vì sao Bắc Đẩu trong văn chương thế giới hiện đại, chứng nhân đặc biệt trong lịch sử. Những lá thư của Solzhenitsyn gởi cho nhà cầm quyền Liên Xô được văn giới ở Âu Châu xuất bản thành tác phẩm Letter to Soviet Leader cùng với tác phẩm Peace and Aggresion (Hòa Bình và Xâm Lược) trong năm 1974.

Tháng 12 năm 1974, Solzhenitsyn đến Stockhom, Thụy Điển để nhận giải thưởng trước đây của mình. Nhờ sự vận động của chính phủ Tây Đức cùng các cơ quan, hiệp hội báo chí, văn bút… không ngừng can thiệp, trong thời gian ngắn, vợ con ông được đoàn tụ tại Thụy Sĩ.

Năm 1975, ba tác phẩm của ông được ấn hành như sự chào đón của thế giới tự do trong sự hiện diện của Solzhenitsyn với The Nobel Prize Lecture (Diễn Văn Về Giải Nobel), The Oak and The Call (Cây Sồi và Con Bê), Lenin in Zurich (Lenin ở Zurich).

Năm 1976, được người bạn thân khuyến khích, gia đình ông đến định cư tại tỉnh lỵ Cavendish, tiểu bang Vermont – đây là thị trấn nhỏ, ít dân cư ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ – thích nghi với nếp sống ẩn dật của ông. Solzhenitsyn cho rằng nơi đó mang hình ảnh khí hậu lạnh buốt của mùa Đông nước Nga và phong cảnh bạt ngàn của rừng phong, thể hiện bóng dáng quê hương trong tâm trạng của kẻ “trục xuất lưu đày” có cơ hội chiêm nghiệm và sáng tác.

Trong thời gian ở Hoa Kỳ, Solzhenitsyn cho ra đời được những tác phẩm: thi tập Russian Nights, 1977 (Đêm Nước Nga), The Mortal Danger, 1980 (Nguy Hiểm Tử Vong), cùng vài tác phẩm liên quan đến sự kiện lịch sử như The Red Whell (Bánh Xe Đỏ), August 1914 (Tháng Tám 1914), October 1916 (Tháng Mười 1916), March 1917 (Tháng Ba 1917) và April 1917 (Tháng Tư 1917)… Đầu thập niên 90 với quyển Rebuilding Russia (Xây Dựng Lại Nước Nga).

Trải qua 18 năm sống thầm lặng nơi miền giá lạnh ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, Solzhenitsyn ít tiếp xúc và tránh mọi cuộc phỏng vấn nhưng vẫn tiếp tục sự nghiệp cầm bút, giáo dục con cái học hành, dạy dỗ về truyền thống, phong tục, tập quán của quê hương để mong có ngày quay về cố quốc. Khác với những nhà văn khác cùng quê hương với ông, Solzhenitsyn không học tiếng Anh và trao đổi với con cái bằng tiếng mẹ đẻ. Ông sống rất nghiêm khắc với con, mỗi tuần chỉ cho xem một tiếng TV, tập đàn để giải trí.

Ngày 30 tháng 6 năm 1976, Solzhenitsyn đọc diễn văn tại trụ sở Nghiệp Đoàn Lao Động Hoa Kỳ AFL-CIO, trong đó có đoạn cảnh cáo Hoa Kỳ và thế giới tự do sau khi Việt Nam sụp đổ:

“Đứng nhìn thảm kịch Việt Nam, tôi có thể nói ngay cho quý vị biết rằng một triệu dân sẽ bị thủ tiêu ngay, từ năm tới sáu triệu người nữa sẽ bị giam trong các trại tập trung. Và quý vị cũng biết những gì xảy ra tại Cao Miên. Đó là những tội diệt chủng… Trong khi tôi ở tại xứ nầy, tôi đã được người ta giải thích về tình hình Việt Nam. Thí dụ có lời giải thích như sau: không thể bảo vệ được những người nào không có ý chí tự bảo vệ lấy mình. Tôi đồng ý việc ấy, nhưng đó là họ muốn nói về Việt Nam. Nhưng người ta thử đi hết một nửa Âu Châu ngày nay và đi hết 3/4 thế giới bây giờ thì sẽ thấy cái ý chí tự bảo vệ ở những nơi ấy lại còn yếu kém hơn ý chí của miền Nam Việt Nam ngày trước nữa!”.

* Trên Quê Hương

Trong thời gian Solzhenitsyn sống lưu vong tại Hoa Kỳ, tại Liên Xô thổi lại luồng gió mới “perestroika” và “glanost” của Gorbachev, tác phẩm của Solzhenitsyn chưa được quyền in nhưng tên tuổi ông được báo chí đề cập để phục hồi vai trò của người cầm bút bị tước đoạt.

Tháng 7 năm 1989, bài diễn văn của ông khi nhận giải Nobel được đăng tải lại trên tờ Nor Mir. Tháng 9, 1990 tác phẩm Rebuilding Russia được xuất hiện trên tờ K. Prada.

Sau thời gian Michail Gorbatchev loại bỏ Boris Eltsine, Cộng Sản Liên Xô sụp đổ vào tháng 12 năm 1991, tên tuổi của Solzhenitsyn được nhắc nhở rất nhiều. Dư luận trong và ngoài nước đưa ra vấn đề hồi phục quyền công dân và đề cao sứ mạng cầm bút của ông.

Ngày 17 tháng 9, 1991, Chưởng Lý Công Tố Viện Liên Bang Nga Nikolai Trubin tuyên bố bãi bỏ việc kết tội phản quốc của văn hào Solzhenitsyn hiện đang sống tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bà Natalya Solzhenitsyn trả lời và hủy bỏ ý định của chồng trở về cố hương. Theo bà, Solzhenitsyn làm vai trò với thiên chức của người cầm bút, nói lên sự thật trong chế độ độc tài, đảng trị… danh dự và sứ mạng của ông đã bị xâm phạm tước đoạt, trả lại cho ông là trả lại sự công bằng.

Năm 1992, chính quyền Liên Xô mời Solzhenitsyn trở về nước nhưng ông còn ngần ngại vì tình trạng phân hóa còn đầy dẫy trong nước. Nước Nga bị sát nhập vào Liên Bang Xô Viết vào đầu thập niên hai mươi, sau bảy thập niên bị mờ nhạt, trước tình thế mới, muốn khôi phục lại danh xưng trên chính trường quốc tế vì vậy trải qua giai đoạn tranh chấp để đi đến cộng đồng các quốc gia độc lập CIS. Và, từ đó, danh xưng Liên Bang Nga, theo cách gọi thông thường, thay cho lãnh thổ Liên Bang Xô Viết.

Năm 1993, Solzhenitsyn ký tên ủng hộ hành động của Yeltsin về việc tấn công vào Quốc Hội khi có sự chống đối chống giữ.

Năm 1994, khi quyết định trở về nước, Solzhenitsyn đã trao tặng thư viện Cavendish bản sao 14 thiên sách trong thời gian 18 năm “lưu vong” ở Hoa Kỳ để tạ ơn tình: “Tôi bị lưu đày quả là khó khăn, cho đến bây giờ tôi cũng không thể nào hình dung cuộc sống ở xa có một chỗ nào tốt hơn là xứ sở của mình, và tôi chờ đợi ngày đặt chân trở về… Giờ đây, tôi đã thật sự rời xa nơi nầy, xin cảm ơn quý vị”.

Ngày 25 tháng 5, 1994, Solzhenitsyn cùng vợ và hai người con trai rời Hoa Kỳ trở vế cố hương. Ignat, 21 tuổi, đang theo học dương cầm và điều khiển dàn nhạc tại học viện Curtis ở Philadelphia; Stephan, 20 tuổi, đang theo học năm thứ hai tại Đại học Havard. (Năm 2000, Ignat Solzhenitsyn đến trình diễn dương cầm, bản Concerto số 5 của Beethoven tại Orange County với giàn nhạc Royal Philarmonic dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Daniele Gatti).

Thứ Sáu, 27 tháng 5, gia đình ông đặt chân lên thành phố Vladivostok. Hàng nghìn người đến đón chào, chia xẻ niềm vui mừng trong không khí tự do. Người con trai cả, Yermolai, 23 tuổi, làm việc cho công ty Đài Loan đã về trước tại Moscow để thu xếp chuyến hồi hương cho gia đình và đã vượt gần sáu nghìn dặm để có mặt tại phi trường.

Cuộc hành trình bằng xe trên quê hương của Solzhenitsyn từ Kazakhstan đến Moscow, cách nhau 11 múi giờ nhưng ông xem đó là cơ hội tốt để tiếp xúc và nhìn lại đất nước gần hai thập niên qua hai chế độ. Ngày trở về của ông rơi vào dịp nghỉ hè để con cái có dịp thăm quê hương.

Nhà văn không hoạt động nơi chính trường nhưng rất quan tâm đến cuộc diện đất nước. Solzhenitsyn đã lên tiếng chỉ trích điện Cẩm Linh không nhìn nhận nền độc lập của Cộng Hòa Checneya ly khai để gây thảm họa chiến tranh.

Sau hai tháng hồi hương, Solzhenitsyn tuyên bố: “Nước Nga còn ở trong tình trạng bất an. Hãy còn nhiều rên xiết trên khắp nơi”. Ông được đi đây đi đó và gặp gỡ với mọi giới, vì vậy ông đã lên tiếng báo động về tình trạng tham nhũng, thối nát, thiếu tôn trọng luật pháp trong môi trường tranh tối tranh sáng để xảy ra tình trạng rối ren. Bài viết của ông trên tờ Obshchaya Gazeta vào tháng 11-1996, Solzhenitsyn chỉ trích nặng nề guồng máy cai trị của nước Nga. Lần đầu tiên trong hai thập niên qua, bài viết của ông rất giận dữ để chỉ trích chế độ với giai cấp lãnh đạo đã thiếu trách nhiệm chung và thiếu sự trừng phạt được xuất hiện trên trang báo. Ông lên án chính quyền đã để cho tấng lớp lãnh đạo cướp đi của nhân dân sự nghèo khó, lầm than; móc túi của nhân dân hàng tỷ Mỹ kim. Người dân Nga vốn đã nghèo, lại bị nghèo hơn, cuộc sống của người dân trải qua bao thập niên trong lầm than vẫn chưa tìm được biện pháp để giải quyết.

Trong thời điểm Solzhenitsyn trở về đất nước, những tác phẩm lẫy lừng của ông đă một thời vang vọng khi lọt ra khỏi bức màn sắt giữa thập niên 60-70, không còn rực sáng trong hoàn cảnh hiện tại. Vài tác phẩm trong thập niên 60-70 của ông được ấn hành nhưng không lôi cuốn mọi người như niềm mong ước của ông.

Những phương sách tạo dựng nước Nga “hậu chiến” mà tâm thức Solzhenitsyn đã ấp ủ nhiều năm ở hải ngoại có lẽ không cần thiết với nước Nga dưới thời Tổng Thống Boris Yeltsin. Bao nhiêu hoài bảo của nhà văn trong suốt thời gian “lưu đày” trở nên lạc lõng với chế độ thực tại.

Một tác phẩm mới của ông xuất hiện năm 1997, Russia in The Abyss (Nước Nga Trong Vực Thẩm), dày 204 trang, giá bán 1,6 Mỹ kim, do nhà xuất bản Russky ấn hành với 5,000 số, không tạo sự quan tâm nào cả. Solzhenitsyn chú tâm vào tác phẩm The Russian Question at The End of The 20th Century (Vấn Đề Nước Nga Cuối Thế Kỷ XX) với quan điểm của ông bị chìm trong không khí của thời kỳ hậu Cộng Sản. Giới trẻ không thích với quan điểm ông nhận định, người dân cần áo cơm thực tiễn cho cuộc sống trong giai đoạn tranh tối tranh sáng, lý thuyết đã có nhiều rồi mà thực tế của cuộc sống luôn luôn đứng bên lề của lý thuyết. Con cái của ông không cùng hoài bão của phụ thân để trở về dấn thân trên mảnh đất của quê hương; vì vậy, tiếng nói của nhà văn năm xưa không được tác dụng với lớp trẻ đã từng thao thức, trăn trở trên quê hương của mình.

Nhân ngày sinh nhật thứ 80 của Solzhenitsyn, ông đề cập đến công việc sáng tác của ông với nhiều tác phẩm mang bối cảnh đất nước trong suốt chiều dài của lịch sử trong thế kỷ XX để thế hệ tương lai biết thêm hoàn cảnh, thực trạng của đất nước lớn rộng nhất thế giới nhưng cuộc sống luôn luôn đau khổ. Tác phẩm Red Wheel gồm 5,000 trang mở đầu trang sử được đề cập từ thời Đệ Nhất thế chiến, thời kỳ Bolshevik – Menshevik, cách mạng vô sản… đến The End of The 20th Century như tập trường thiên tác phẩm của ông.

Văn hào Solzhenitsyn mong ước trở lại cố hương khi chế độ Cộng Sản cáo chung, thế nhưng Vladimir Putin được Tổng Thống Yelsin chỉ định làm chủ tịch (Predsedatel, Thủ Tướng) vào tháng 8 năm 1999, với tham vọng của Putin dần dà nắm quyền Tổng Thống năm 2000, năm 2004… rồi dùng mọi thủ đoạn loại bỏ các đối thủ để nắm quyền thống trị. Putin hoạt động trong KGB. Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, sau đó KGB chia ra thành 2 cơ quan là Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga (FSB) và Cơ Quan Tình Báo Hải Ngoại (SVR), Solzhenitsyn nhận thấy chế độ độc tài đang cai trị đất nước! Niềm ước vọng của văn hào tan theo thời gian.

Văn hòa Solzhenitsyn vốn dĩ là nhà toán học nên công việc nghiên cứu, sưu tầm của ông rất có phương pháp. Trong thời gian còn lại của cuộc đời ông trên quê hương, ông vẫn luôn mang nặng tâm tư, tình cảm của mình để sáng tác, góp phần công việc cải tạo xã hội nhưng hoài bão đó không thực hiện được trong hoàn cảnh của đất nước còn nằm trong thời kỳ của cơn hậu chấn.

Thái độ của Solzhenitsyn là thái độ của người cầm bút, kẻ sĩ chân chính; với tấm lòng thiết tha cho quê hương, dân tộc, đã từng bất chấp hiểm nguy để phơi bày cái ác, đã từng một mình một ngựa để chống chỏi với tập đoàn cầm bút làm công cụ của chế độ. Tâm hồn nhân bản của Solzhenitsyn đã thể hiện từ những dòng chữ khi còn cầm súng chiến đấu trên trận địa, nhận chân được lẽ phải để bày tỏ quan điểm của mình trước hiện tình đau thương của dân tộc.

Thực trạng xã hội nước Nga đang xảy ra khi Putin cầm quyền đã làm thất vọng với ông và người dân đất nước này… Và, tuổi hoàng hôn của cuộc đời, ông sống chuỗi ngày còn lại sau tháng năm cống hiến văn nghiệp cho nền văn học Nga, hào quang của Solzhenitsyn vẫn lấp lánh trên văn đàn quốc tế.

Vương Trùng Dương

(1974-2021)

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search