T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Cái nồi ngồi trên cái cốc

clip_image002[6]

( Đây là bài 2 trong lọat bài về Rượu gồm 4 bài của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.Bài 1 là “ Tửu Sư “, bài 2 : “ Cái nồi ngồi trên cái cốc “, bài 3: “ Nón lá áo tơi ra quán chợ “, và bài 4 : “ về Bài thơ Hồ Trường “. )

Qua những giao tiếp gần đây, tôi thường gặp nhiều “tuyển du học sinh” hoặc “nghiên cứu sinh” sang bên này du học, hay tu nghiệp. Trong số đó, tôi quen biết một gã phó tiến sĩ tốt nghiệp ở Ukraine làm việc cùng hãng với tôi. Gã là người Hà Nội nên nói chuyện rất thâm trầm và sâu sắc, thế nhưng qua giọng nói nghe có hơi…xa cách và nhất là khuôn mặt, tôi thấy…xa mặt cách lòng làm sao ấy.

Chẳng phải vơ đũa cả nắm, dường như họ đều có một mẫu số chung: Khi giao tiếp, thoạt đầu họ dè chừng giữ một khoảng cách đến…có khả năng phát chán. Nhất là đụng chạm đến những nhân vật có vấn đề nổi cộm trong nước, họ tìm cách tránh né vì nhậy cảm và tế nhị. Hỏi tới nữa, họ sẽ có những bài bản giống nhau là rất ít thật và rất nhiều giả. Nhưng với những chuyện cần nhờ cậy như mua xe, thuê nhà, tìm việc làm cuối tuần, hoặc làm thế nào để có vợ “thật” với giấy tờ “giả” thì họ vồn vã vồ vập. Xong chuyện, nếu có gặp nhau lại, thường là họ ngó lơ làm như chưa hề một lần quen biết.

Với nhiễu sự như thế, tôi đâm ra ngại ngùng và chợt nhớ lại chuyện của một người bạn cũ, mặc dù có hơi khác một chút…Chả là hiền nội nhí của tôi từ bé tí tới nhớn chỉ được ngắm nhà thờ Notre Dame, dòng sông Seine qua tôi…kể lại. Không thấy không tin, nên tôi phải cất công đưa hiền nội qua Paris nhìn tận mắt cho mãn nhãn. Một ngày nắng quái chiều hôm, hai vợ chồng lạc tới một tỉnh nhỏ hẻo lánh bên đường, thèm cơm Việt bèn dẫn xác vào…một tiệm Tầu để thành chuyện. Chuyện là quán hẹp và sâu hun hút, vài bộ bàn ghế xô lệch dọc theo hai bên vách dăm tấm ảnh nghệ thuật chụp cái ao và mấy con vịt con. Nói dối phải tội là quán không khá, cũ mèm cũ rích như vài món đồ cổ chai lọ là mấy chai bia 33, chai La de Con Cọp bầy trơ khấc trên kệ.

Vừa nhai mấy cọng mì dai nhanh nhách, tôi râm ran với hiền nội nhí tôi ở đây chỉ có món “đặc sản” dồi huyết, dồi xả và “bia của bổn tiệm” là tạm được. Thì vừa lúc đầu bếp, cũng vừa là chủ nhà hàng, đầu đội mũ trắng cao nghệu bước ra, nghe tiếng Việt liêu xiêu đầy hương đồng cỏ nội của vợ chồng tôi nên nhận ra là người đồng hương và tay bắt mặt mừng. Tôi tự giới thiệu tên tuổi, nhất là cái họ Tầu tầu, Lưu Bị chẳng ra Lưu Bị, Tào Tháo chẳng ra Tào Tháo, tào lao thì có và ngay sau đó là có cái màn hô hóan điểm mặt chỉ tên nhận ra nhau là bạn cũ trường xưa. Tiếp đến, sau hơn bao nhiêu năm những kỷ niệm học trò rơi rớt theo mưa nắng nên chẳng có bao nhiêu để hàn huyên…

Ăn xong ngáp dài, tôi hỏi cậu dọn bàn…cái nồi ngồi trên cái cốc. Vẻ mặt lạnh tanh, lạnh ngắt như tủ lạnh chạy đầy đường, cậu ta quay ngoắt vào trong bếp. Bạn cũ cười tủm cho biết cậu là người Hà Nội, nghiên cứu sinh hôm nay. Nhân đang rách chuyện, tôi kể cho bạn nghe mấy cậu sinh viên du học mà tôi từng giúp mua xe, thuê nhà có những cái đầu eo sèo, ẩn dật. Những khuôn mặt tiêu cực, xa vắng đầy hoài nghi, nghi hoặc trong cõi nhân sinh cùng thời thế, thời trước thế đấy, thời này thế đó vừa mới đảo qua ở trên.

Bạn đăm đăm nhìn mấy món đồ cổ trên tường và đăm chiêu: “Giống như cái chai bị rạn nứt kia, có người chỉ nhìn cái khiếm khuyết ấy như một một vết sẹo với một quên hai nhớ. Có người lại thích ngó nhãn hiệu La de Trái Thơm, như một dấu ấn nằm ẩn khuất trong tâm khảm của những ngày tháng cũ. Như chuyện của tôi đây chẳng hạn, thưa ông”.

Và bạn cũ dông dài với “chuyện của tôi đây chẳng hạn, thưa ông” như sau:

***

“…Chạy vạy thì tôi cũng chỉ là một người di tản buồn, buồn thảm thiết như ông. Nhưng khác ông, số tôi ruồi được tầu Đức vớt nên đành chọn nơi đây làm quê hương thứ hai. Mà dân tộc này đã từng nổi tiếng nắng nỏ với câu: Người Đức như viên gạch…nung. Như ông biết đấy, giống dân ấy vốn dĩ…khô sặc gạch, không chữ nghĩa nào trên thế gian này tả sao cho hết. Ngôn ngữ của họ cũng vậy, phụ âm nhiều hơn nguyên âm nên nghe như ếch nhái kêu. Năm đầu, thằng hàng xóm qua mời thằng “Vietnamesiche” là tôi đây ăn lễ Giáng sinh. Nó nói nghe òm ọp làm sao ấy, đến gần chót tôi mới vồ như ếch vồ hoa mướp được chữ “essen”. Bố khỉ, đời thưở nhà ai động từ chúng nhét tuốt luốt ở cuối câu, nghe lòi nhĩ mới hiểu ra “essen” nghĩa là “ăn”, nói chung thì khó nhai lắm. Ông chịu khó ráng mà nghe chữ Tây chữ u, vì chuyện ở xứ tôi thì buồn nhiều hơn vui, chuyện để mà cười được khí…hơi bị hiếm, thưa ông.

Ông chép miệng góp gió thành bão: Cũng vô tư thôi. Vô tư thế quái nào được! Đó là ông chửa biết đấy thôi, còn thảm sầu hơn nhiều vì nơi chốn tôi…tạm dung, tôi đặt tên là “Thị trấn bên đàng buồn hiu”. Vì đường phố chỉ có mỗi một ngã tư đèn xanh đèn đỏ đã được tắt ngúm từ đệ nhất thế chiến. Thêm một cái rạp hát, cũng chẳng sáng sủa gì hơn, nó đã được “phẹc mê bu tích” từ cuối đệ nhị thế chiến. Có một cây xăng chết tiệt, phải khom khom bơm bằng tay mệt nghỉ như bơm nước giếng đầu đình. Cũng có một quán cà phê đấy, mặc dù là miền đất lạnh tình nồng, nhưng cũng phất phơ với mấy cái quạt trần hai cánh, lừ đừ quay làm cảnh đuổi ruồi. Trước cửa ra vào, dọc theo hành lang là một dẫy ghế xích đu, khách thường ngày là ông già bà cả. Hôm nào ông thấy có ghế trống hoác, lơ đễnh cách mấy ông cố hiểu dùm tôi là: Mới có một con chiên vừa được ông thánh “Phê rô” vui vẻ gọi về chầu nước Chúa. Lẽ dĩ nhiên chẳng thể thiếu cái nghĩa địa, mà nghĩa địa thì có quái gì mà nói ngoài cái hàng rào sắt. Ngẫm chuyện thế gian thì nghĩa địa đâu cần phải có…hàng rào, thế nên chẳng dấu gì, tôi cứ phơi bụng ra với ông.

Điều tôi muốn thưa với ông là, dân cư ở đây không được đông đảo gì cho mấy. Tôi cũng chẳng rỗi hơi đâu mà đếm, đóan chừng đâu đó cũng chỉ khỏang gần hai nghìn người là hết đất. Sầu bi hơn nữa, trong đó lại có tôi. Mà ở cái thị trấn đèo heo hút gió này lại không có cái màn bán bia bọt và sách báo hở hang lỉnh kỉnh, thế mới…hốc. Tôi biết thế nào ông sẽ nói vuốt đuôi: Cũng thỏai mái thôi. Thỏai mái cái con khỉ! Vì lũ chúng tôi đây là ba gia đình Việt Nam thì thê thảm gì đâu! Như trạch bỏ giỏ cua, mắt trắng dã như phường mù dở với quần sắn móng lợn kẻ lột da, người lóc xương, bổ nháo bổ nhào làm thợ mổ bụng, sẻ thịt cho cái lò…lợn gần nhà. Chiều về mệt lử cò bợ, ngủ vùi, cuối tuần ngủ nướng cho thơm râu, nên ít khi gặp nhau. Cái lò lợn tênh hênh giữa… “.

Ông nheo mắt dấm dớ hỏi tôi: Vậy có gì vui chăng? Ấy là ông hỏi tôi đấy nhá:

“…Bước ra khỏi nhà là gặp ngay nỗi buồn chạm mặt, nèo neo là bìa ruộng của cái thị xã hoang vắng, nỏ mắt bẩy ngày không mò ra bò với trâu, chỉ thấy máy cầy, xe ủi đất. Đi mấy chục cây số có một làng Việt Nam có từ cuối thế chiến thứ hai. Ở thị xã tôi đây, thủ lợn, móng lợn, ruột non, ruột già, cứ ối ra. Vì theo lệ là cứ cuối tuần tụi tôi xách tới làng đầy bản sắc dân tộc để bán buôn, vừa để có tiền tiêu vặt, vừa để đàn đúm và ăn uống. Nói chung được mỗi món chả nướng của cụ Neugen là ngậy mùi, còn món bánh cuốn nhà Neulet thì nhão nhọet như bánh đúc. Tệ hại nhất là phở của lão Nouyen, lõng bõng nước, thịt nổi lều bều. Ông lỡ tống vào họng, ông cứ mặc tình hư cấu và hoang tưởng đó bánh canh gìò heo hay bún bò Huế cũng chẳng chết thằng Tây đen nào. Làm như quen thuộc mấy ông nhọ nồi gạch mặt này hồi tản cư, chạy loạn. Hay là ông muốn biết mấy người họ Ne, họ Nu trên là ai?. Ấy đấy, họ là lính thợ từ quê nhà qua giúp mẫu quốc. Chiến tranh chấm dứt, một số ở lại lập gia đình với người bản địa, để rồi nhớ quê cha đất tổ lập nên cái làng hẻo lánh này. Làng chỉ có nhăm chục nóc gia, cái bằng gỗ mái ngói, cái bằng gạch mái xi-măng, lụp xụp, cao thấp, úp lên nhau như chồng bát đĩa. Ngòai cái cổng làng bằng tre…Phi Châu là mát mắt. Trong sân, ngòai vườn, xi líp, váy, quần đùi, may ô phơi mắc la liệt, giống cờ đuôi nheo hội làng, trông cũng vui mắt đáo để, thưa ông.

Tôi biết ông đang đợi cà phê. Hay là kể chuyện thị xã tôi cho ông nghe nha:

“…Từ thị xã tôi ở lên tỉnh có một con lộ duy nhất, có hai “lên”…lên xuống vắng tanh vắng ngắt, ông muốn lái xe chạy “lên” nào cũng được nên chẳng có gì…lạ cả. Một buổi sáng, tôi nhòm ra đường thấy mấy chiếc xe ô tô đậu xếp hàng. Có ông bố hí hửng dẫn ông con xuống chăm chú chỉ chỏ ra cái điều như có gì đó lạ lẫm lắm. Nếu có thì ấy là…đàn vịt của tôi nuôi đang nhởn nhơ qua đường vậy thôi. Thế là tôi vác cái máy Nikon ra nháy lia lịa. A! Ông hỏi tôi cái máy hình đâu ra mà oách thế. Thế ông quên mớ ruột non, ruột già vừa rồi ấy à. Số là tụi Đức nó vất đi, tôi gom lại mang về. Bắt chước tụi Đức vùng Braufels làm xúc-xích, tôi làm dồi trường, dồi huyết, dồi xả cũng ngon ra phết và bán cho làng Việt Nam nên có “con Nikon” với giá “cứng” là vậy đấy.

Một ngày thấy gần nhà có một vũng nước to gần bằng…cái ao. Thế là tôi bật ra ý đồ nuôi vịt để chiêu hiền đãi sĩ. Vắng cảnh chiều hôm, tôi thịt một con làm tiết canh, rồi ới tụi bạn trước lạ sau quen tứ phương tám hướng tới. Nói cho ngay bè chứ không phải là bạn, không có cua thì bắt ốc thế thôi. Thằng nào vác xác tới cũng nên biết điều một chút, chỉ cần xách hai va li bia. Một va li cúng cô hồn. Một va li để lại cho gia chủ tỉ tê trong những lúc vắng gió đìu hiu. Mà giời ạ, đâu cũng vậy: Náo thị u lâm mạc luận, cổ kim hiền hữu năng tầm, nói xa chẳng qua nói gần là tôi đang bó rọ nên thèm…bạn. Một thằng bạn đúng nghĩa. Hắn cũng sắp xuất hiện, chắc như cua gạch ông sẽ chịu nó ngay.

Số là lụi đụi như con tôm, con tép nằm trong rọ nơi xó đồng, nên tôi phải lân la viết thư làm quen với nhóm “Cánh Én” để gửi báo cho tôi đọc. Và phải thú thực với ông một nhẽ, tôi chịu chữ nghĩa của họ, một phần vì họ viết ngắn gọn và trong sáng. Một phần vì có nằm trong chăn mới biết chăn có rận, nên qua họ, tôi mới hiểu được một phần nào những họat cảnh ở ngòai Bắc thời bao cấp. Đồng thời, tôi mới hiểu cái tận cùng của nhóm người mà một mảng chữ nghĩa trong nước gọi là “Hợp tác lao động”, nôm na là nhân công xuất khẩu miền Bắc qua Đông Âu. Họ bị kiểm soát qua đám thông dịch viên kiêm chính trị viên của sứ. Ông nhướng mắt ra điều như muốn hỏi “sứ” là gì ấy hả?. Dạ thưa “sứ” đây không phải là sứ cùi Thái Lan đâu mà là…tòa đại sứ “ta” đấy, thưa ông.

Bức tường Bá Linh sụp đổ, những người hợp tác lao động rơi vào cái tình trạng vất vưởng của một nhúm người bị bỏ rơi cùng cái nợ áo cơm với ba cái nghề vặt vãnh như “cõng” thuốc lá, “cửu vạn” dầu thơm, xà phòng. Nói đến xà phòng, tôi lại nhớ đến truyện họ viết về nhóm đàn bà con gái trong cảnh sống “chật hẹp”, chật hẹp đến độ cả năm lông nách không cạo. Và xin lỗi ông, chẳng hay ho gì chuyện này, tôi chỉ kể những gì họ viết: Đến ngày có tháng thấy…mưa sa trên mầu cờ đỏ, không có băng vệ sinh, đàn bà con gái phải “phấn đấu” lấy giấy đi cầu nhét vào để bịt mồm lão…Fidel Catro cho yên thân.

Còn đám đàn ông con trai, quanh quẩn với nhau như đèn cù trong những ngày cuối tuần. Thửa được con cừu bỏ vào bao bố, khiêng về treo trong phòng tắm, cắt tiết, cạo lông rồi ngả thịt. Cả nam lẫn nữ ngồi bó gối dưới sàn ăn uống nhồm nhòam, rượu Voka hay…những giọt nước mắt quê hương đổ ra. Tàn canh gió lạnh, người này gác chân lên người kia khoèo một giấc, tỉnh dậy thấy con bồ đang ôm thằng bạn mình ngủ vùi. Sáng hôm sau, như một lũ chuột thành phố, khi ẩn khi hiện với mấy tút thuốc lá quấn dưới ống quần, dầu thơm lẩn trong nịt vú. Giản dị có thể nói họ là những tay giác đấu cô đơn trong đấu trường. Những người vô tổ quốc bám cứng vào mảnh đất chẳng có ngày mai.

Với quá khứ vị lai thì sau này, ông thấy tôi hay làm dáng với dăm ba câu Hán tự, thực ra tôi chỉ bám víu vào chữ nghĩa để hoài cố nhân. Cố nhân của tôi là một gã hủ nho sa cơ lỡ vận để rồi cái khó nó bó cái khôn, nhưng trước sau vẫn là…bạn đời của tôi. Thôi thì trời chiều bảng lảng, ông hãy để mặc tôi như con cuốc gọi hồn râm rả với ông rằng cuối tuần nằm khểnh đọc báo và tôi hoa mắt như không tin ở mắt mình. Tôi bắt gặp một tay viết, có lối hành văn thật cứng cùng một mẩu chuyện thật giản dị, nhưng trải rộng tràn đầy tâm tư của những người bị kẹt lại và u hòai về một tương lai xa vắng nào đó, cùng những hòai vọng sâu kín cho một ngày mai, bên kia là núi, bên này là sông, thưa ông:

Truyện về một cậu bé, trước ở phố Hàng Ngang, theo gia đình tản cư một thời gian rồi hồi cư về Hà Nội sau năm 54. Nhà bị chiếm nên tạm trú ở căn nhà số 7A ngõ Phan Huy Chú. Ở đây, chiều chiều cậu nhìn qua bên kia vườn. Căn nhà số 7B. Cậu yêu thầm nhớ trộm cô hàng xóm đứng thẩn thơ dưới gốc cây. Truyện viết chỉ có vậy thôi. Nhưng đọc xong tim tôi thắt lại, bâng khuâng pha lẫn những bồi hồi. Vì điều ngẫu nhiên trùng hợp đến kỳ lạ là…là…căn nhà số 7B ấy cũng chính là căn nhà của ông bà cụ tôi để lại cho ông bác và người chị ruột tôi khi di cư vào Nam. Lặng người đi một lúc lâu, tôi nhỏm dậy viết thư cho tờ Cánh Én. Tháng sau, tác giả của bài viết có mặt trước ngưỡng cửa nhà tôi mà tôi nhẩm chừng hơn tôi một, hai tuổi. Hiểu theo nghĩa là cùng tuổi với chị tôi, hay cô hàng xóm bên kia vườn của một thời, một thưở…

Tôi đã gặp lại một người Hà Nội, như đã thưa với ông. Và cũng là “ông anh rể hụt” của tôi, thì cứ coi là như vậy đi vì có mất mát gì đâu. Nhưng sự thể ấy là chuyện sau.

***

Vật đập chát vào mắt tôi là chiếc xe “Vốc-oa-gân” vàng tróc sơn và rỉ sét, loại xe thùng, trông như cái hộp biết đi. Với hắn, điều tôi ngạc nhiên nhất là khuôn mặt sạch nước cản, chỉ thiếu cái mũ phớt, cặp kính trắng gọng vàng, cái bút máy “Pác-ke”, một đặc thù của người Hà Nội trước 54 bây giờ vẫn còn rơi rớt lại trong tôi. Với hắn, tôi thấy khác hẳn với dân Bắc Kỳ hai nút sau năm 75 mặt mày ngu ngơ, nói chuyện thối inh. Vì vậy tôi có cảm tình với hắn ngay cái buổi đầu gặp gỡ ấy. Sau những hỏi han xa gần về căn nhà thân yêu tuổi ấu thời. Riêng chuyện bà chị tôi, hắn có vẻ tránh né vì một lý do nào đó chưa tiện nói, nên tôi đành đợi một dịp khác. Rồi bữa rượu tẩy trần cũng được bày ra với đĩa lòng, tim gan phồi phèo đủ cả. Thêm vali bia Kruerger của khách vãng lai để lại. Có thể vì trốn mây nấp gió tình cũ hay sao ấy, cầm chai bia cũ kỹ đóng ít bụi, hắn khơi khơi rằng bia chai giữ được một năm, còn bia loong chỉ giữ được sáu tháng. Để cho mình là đúng, gã tu cả chai cái một ngon ơ. Xong, hắn vỗ vai tôi thân mật ra cái điều tửu phùng tri kỷ, mà tri kỷ, tri bỉ, tri nhân thật, để rồi càng về khuya, câu chuyện càng đậm đà hơn và sau này trở thành cố nhân của tôi như vừa thưa chuyện với ông vừa rồi.

Ông biết không, có một chuyện chẳng bình thường mà tôi khựng lại như gái ngồi phải cọc khi hắn khoe là “Phó tiến sĩ cấp I khoa văn Nga ngữ”. Tôi hỏi mắc mớ gì hắn “lưu vong” tới đây để xổ…tiếng Đức thì hắn thuyết minh chuyện một quãng đời của hắn:

Để xuất ngọai du học lấy tiến sĩ tòan là con cháu bần cố nông, trong giảng đường bao giờ cũng phải có thông dịch viên của “sứ” đi kèm, nên thu họach chẳng là bao. Vì vậy đều đi tướt cả lũ, nhưng mỗi người đều được cấp một chứng chỉ đã thông suốt diễn trình. Về nước, với mảnh giấy lộn này, đương nhiên được gọi là…“phó tiến sĩ”. Sau mấy thầy Nga Sô, ông kễnh Trung Cộng đòi tụi “ấy ái uông” phải có cơ sở văn hóa cao, nên con cháu tiểu tư sản mới len chân vào được, trong đó có hắn.

Như con còng trong lỗ chẳng biết đến ai, tôi sống sít với hắn về mấy quan chức, cây đa cây đề…Được gãi đúng chỗ ngứa, hắn tung tẩy: Quốc lọan tri trung thần, gia bần chi hiếu tử. Hắn thở ra: Chán lắm, trong cung đình thiếu hiền tài, lùn trí tuệ, thiếu nhân đức. Đức ít mà ân sủng nhiều, tài thấp mà địa vị cao, công nhỏ mà bổng lộc lớn là tam đại họa, để đi đến quốc phá gia vong, lòng dân ly tán, hiền tài bỏ nước mà đi, cơ đồ đã đến hồi mạt vận. Hắn tiếc cho cái thời Nghiêu Thuấn, của bá tánh đánh rơi ngoài đường không ai nhặt, ngủ nghê không cần cửa đóng then gài, còn bây giờ trộm cắp như rươi ấy.

Nghe vậy, ai mà chả thấy buồn nẫu ruột. Học ông, tôi nói vuốt đuôi cùng thời thế, thời trước thế đó, thời này thế đấy. Đấy là láo ngáo qua đây, gia tài tôi chỉ có “con Nikon” chụp đàn vịt. Buột miệng tôi khoe với hắn ống “zoom” của máy to đùng như khẩu Sơn Pháo 76 ly. Hắn cười cái bép “Xưa rồi Diễm ơi”. Bị chê vỗ mặt tôi quê hết biết. Càng lúc tôi càng gần gũi với hắn, dẫu gì hắn cũng là nhà văn lưu vong, có bài viết trên sách báo với sự hiểu biết rộng như trời biển. Nói xa chẳng qua nói gần, hắn là một…nhân tài đấy, với địa linh nhân kiệt như Thăng Long nghìn năm văn vật thì nhân tài thời nào chẳng có.

Bỗng dưng hắn cầm…chai bia lắc lắc và ư hử: Lắc bầu rượu, dốc nghiêng non nước lại. Chén tiếu đàm, mời mọc trích tiên. Hóa ra tôi và hắn cũng bị biếm trích như…Lý Bạch, Tô Đông Pha chứ đâu có đùa. Sau đấy, tôi cứ mặc sức ngồi trơ thổ địa ra mà nghe hắn tầm chương trích cú từ Hán Sở Tranh Hùng đến thời Tam Quốc, cùng điển tích này, điển cố kia, luận cổ suy kim đâu ra đó. Như hắn…thuyết khách về Tần Thủy Hòang với Mao Trạch Đông, cả mấy nghìn năm chỉ có hai nhân vật này thống nhất được nước Trung Hoa…để rủ nhau đốt sách thánh hiền. Dậu đổ bìm leo, hắn luận về Mạc Đăng Dung với Hồ Chí Minh, với khoảng cách cả mấy trăm năm. Vậy mà cùng gốc dân ven biển, cùng đầu dây nhợ cho chuyện cắt đất ở Ải Nam Quan. Ực hết chai bia, hắn vỗ vai tôi chí chát và ngậm ngùi xa vắng: “Cổ lai danh lợi nhân, bôn tẩu lộ đồ trung, phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu, tỉnh giả thường thiểu, túy giả đồng”. Và hắn diễn nôm là xưa nay phường danh lợi, bôn tẩu trên đường đời, gió thoảng hơi men trong quán rượu, say cả hỏi tỉnh được mấy người? “. Khiến tôi cũng…tỉnh người ra vì ngồi trong nhà ực bia, cứ ngỡ là ngồi ngoài quán uống rượu như Cao Bá Quát, Phạm Thái. Thế đấy, thưa ông.

Nói thật cho ông hay, ông giận tôi chịu, nếu so với đám sĩ phu Bắc hà cỡ tuổi ông và tôi thì mình thua họ xa. Tôi đã gặp rồi. Chính hắn. Ngoài ra, hắn mê hoặc tôi với giọng nói đầm ấm của người Hà Nội, mà lâu lắm rồi tôi mới được nghe. Qua hắn, tôi bắt gặp lại cái cốt cách thanh tao lịch lãm, nhậy cảm và tinh tế, nhưng cũng không thể thiếu cái lãng mạn, thâm trầm mà điển hình là hắn. Và cũng xin thưa với ông, cứt người thì thối, cứt đầu gối thì thơm, mặc dù hắn cũng có đôi lúc…vồn vã quá lắm, thiếu hẳn cái khí khái tính, cái khách sáo của người Hà Thành thanh lịch trước kia. Nhưng hắn đúng là một kỳ nhân dị sĩ mà tôi ít gặp. Đúng là duyên kỳ ngộ ít thấy, ông ạ.

Bình cạn rượu khô chiều nắng tắt, bỗng hắn hồ trường: Giai nhân, hề, vẫn chiêm bao. Thất phu, hề, biết chỗ nào dung thân. Ông nghe đã không ông. Thì như tôi đã thưa với ông vừa rồi: hắn và tôi đều là …thất phu cả đấy. Bỗng khi không, không hỏi mà khai, hắn bắt qua chuyện vợ con hắn. Hắn lập gia đình với con của một thứ trưởng thân Nga, nhờ ông bố vợ với “nhất phe, nhì đảng”, hắn được cử sang làm việc ở tòa sứ Đông Đức. Nhờ biết ngọai ngữ, họ bổ trí hắn vào cụm phân tích tình hình, suốt ngày xem ti vi, đúc kết gửi báo cáo về nước. Hắn tiết lộ cho tôi hay, ngày Nga Sô ngất ngư con tầu đi, các quan chức ở Ba Đình sợ thọt dái lên cổ, quáng quàng tìm chỗ gửi gấm của chìm của nổi qua họ hàng hang hốc khi có biến động. Có quan chức nhanh nhẩu đỏang vù qua Thái Lan, tuần sau tẽn tò mò về như chó cụp đuôi. Hắn nói ai chả biết chúng khôn như rận, tự biết là đồ tể, chơi với dao có ngày chết vì dao. Nghe đến đây, tôi nhìn trộm hắn, vì như ông đã biết: Lúc đó, tôi cũng đang là…đồ tể như ai.

Hắn chép miệng xóng xả, lương sứ là cái lương chả bõ nhét răng, vậy mà hàng năm hắn phải cúng một phần ba lương cho các quan chức Bộ Ngọai Giao. Tết đến về thăm nhà, các quan sứ nhờ vả mua sắm, nhiều khi toi cả tháng lương. Bức tường Bá Linh sụp đổ, thế là hắn xin tị nạn. Tôi vội chặn hắn lại để hỏi cho ra nhẽ, vì qua những chuyện từ những báo Đông Âu của người Việt, sở di trú và cảnh sát làm khó dễ họ đủ điều. Hắn cười buồn trả lời, với hắn thì cũng vậy thế thôi, chỉ đau một cái là trên cái hộ chiếu, bộ Nội Vụ Đông Đức đóng cái dấu xanh mầu lá mạ:”Uprchlik”, nghĩa là…“Kẻ đào tẩu”.

Cực kỳ hơn cả cực kỳ nữa là một sớm hai sương vợ hắn bỏ…kẻ đào tẩu lấy ngay “sếp” cơ quan của hắn. Thế có kỳ không? Hắn hỏi tôi vậy thì ông cố nội tôi cũng không trả lời nổi! Thấy tôi im như thóc ngâm, hắn bèn ngâm thơ cụ Nguyễn Công Trứ mặc dù đang nốc bia: Rượu với sầu như gió mã ngưu, trong lai láng biết đâu tránh khỏi. Rồi thì chuyện trâu ngựa là ông bố vợ hắn bị thất sủng, thằng con hắn “được trúng tuyển nghĩa vụ quân sự” lên vùng mạn ngược và hiện đang…đầu đội nón cối vai mang súng dài, chẻ tre đốn gỗ biết phàn nàn cùng ai. Rang rức gì đâu chả biết nữa, như Lý Bạch, chỉ mong mượn rượu say lúy túy để quên thói đời, hắn âm ỉ: Đản nguyện trường túy bất nguyệt tỉnh. Vừa ư hử xong, chơi nguyên một chai bia đầy thì hắn vật ra…bất tỉnh luôn.

***

Sáng hôm sau tỉnh dậy, hắn khật khừ ra xe khiêng vào lỉnh kỉnh một đống đồ nghề. Trơ mắt chẫu ra nhòm: Giời đất ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem, bộ hết chuyện hay sao mà hắn dậy tôi…“nấu” bia. Cứ theo hắn kể thì khi là công nhân nấu bia, hắn sơ sịa được từ nhà máy Bia Hà Nội, tức nhà máy bia Hommel cũ trước năm 54, thưa ông.

Và đồ nghề hắn là hai cái thùng nhôm chồng lên nhau như hai cái chõ hấp sôi, hấp giò, thì hắn lại kêu là…cái gầu. Một từ “chuyên ngành” của rượu cuốc lủi, rượu chui. Chỉ khác một nhẽ chõ trên có gắn một cái nõ ngắn cũn như cái khăng con. Vung chõ có ống thóat hơi như ống khói cao lều bều, vì có “nắp” nên trông rất hiện đại…Nhìn thoáng qua, y chang…cái nồi ngồi trên cái cốc. Hắn bắt tôi ghi ra giấy là: “Để nấu một lít bia cần 95% nước, 20 gr lúa mạch, 1 chiếc hoa houblon và bột nổi. Lúa mạch phải ngâm nước ba ngày, lấy lúa ra đợi lên mầm. Mầm ấy biến thành mạch nha tạo mầu vàng cho bia”. Nhìn cái khăng con dài cỡ gang tay ngứa mắt, tôi ngứa miệng hỏi. Hắn cười toe ấy là cái “chọt gổ”, đun lửa để nước bốc hơi thành bia chảy…ra ngoài để uống. Dễ hiểu vậy thôi.

Hắn đọc tiếp: “Sau đó đun để chất đường trong mạch biến thành…đường. Vì đường sẽ biến thành bia. Đó chính là “bã bia”. Khi sôi, bỏ hoa houblon vào. Hoa bia này tạo vị đắng cho bia. Nhìn cái ống khói có cái “nắp” xốn xang, lại ngùng ngoằng, hắn cho hay rượu khác bia. Mấy thùng gỗ sồi rượu nho cũng có nắp đặc biệt cho khí CO2 thoát ra và không cho khí khác chui vào. Ngược lại, bia cần không khí qua “ống khói” để cho bia có…“gaz”. Cái nắp mở ra đóng vào theo thời gian đủ cho CO2 vào nồi để bia…”sủi bọt”.

Lúc này tôi mới vỡ nhẽ tại sao bia có gaz và đắng với bia bọt lại có…bọt. Tôi lẫm đẫm thêm là sao hắn biết chỗ tôi ở không bán bia? Lại nữa, “bã bia” nào có dễ sơi. Hắn hợp đồng với tôi bã bia hắn có cả đống, khi nào cần hắn sẽ gửi cho với…giá hữu nghị. Nghe vậy, tôi nghĩ xa hơn nữa, nay mai tôi dám phất lên với bia ở thị xã Duchkholyz lắm ạ. Chuyện đời ai học được chữ ngờ, làm chơi ăn thật, ai dè tôi lại dính dáng đến…”củi lửa” với bia bọt. Giờ nghiệm lại, hóa ra có mở hàng ăn, nay tôi mới gặp ông ở đây.

***

Trước khi hắn về lấy “bã rượu” cho tôi. Tôi ngầy ngật với hắn, kỳ tới qua mang theo ít “gầu”. Tôi sẽ dẫn đến làng Việt Nam, chém chết cũng quại được một mớ. Tôi biết hắn sẽ trở lại, vì hắn đã kinh tế hết cả rồi. Hắn trở lại thật đầy một xe với gầu to gầu nhỏ. Dẫn tới gặp mấy lão Neugen, Nougen và hắn đẩy được mấy cái…“gầu” bia.

Ở nhà tôi, hết thịt vịt luộc chọt với “Mely”, đến dồi chiên quệt với “Mostaza”. Hắn thảnh thơi thơ túi rượu bầu qua Lý Bạch: Quân nhược bất ẩm tửu, tích nhân an tại lai và an nhiên tự tại…uống tiếp. Hắn kinh qua nhân sinh qua kinh Di Giáo, Bụt đã dậy: Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng, do vi an lạc. Bất tri túc giả, tuy xứ cực lạc, diệc bất xứng ý. Hắn diễn nghĩa là biết thế nào là đủ, có người tuy nằm dưới lòng đất cũng thấy an vui. Người không biết đủ, luôn luôn chạy theo khổ lụy, có lên miền cực lạc cũng chẳng bao giờ tọai ý. Nên tôi tâm phục khẩu phục nỗi niềm tư duy logic của hắn quá sức. Tối đến, hai thằng gác đùi lên nhau nói chuyện nổ như gạo rang, chuyện dai như rẻ rách, chuyện đổ bốn chân giường, chuyện long ba bức vách. Tôi mách hắn trên tỉnh có nhà hàng xúc-xích, đi với bia Kronenbourg thì mả lắm. Cạnh lại có tiệm đồ cổ, có một gian trưng bày rất nhiều chai bia cũ từ thời tám hoánh nào. Thế là hắn rủ tôi đi tham quan nay mai.

Từ mấy chai bia cũ, hắn trở lại thời hắn nấu bia nhà máy Bia Hà Nội. Cứ như theo hắn giựt giọc tôi hiểu ra nhà máy bia Hommel chỉ bằng một phần mười nhà máy bia BGI Sài Gòn. Nên tôi cũng định vung vít với hắn, rằng hồi còn nhỏ, năm tám tuổi, ở Hà Nội tôi đã từng uống trộm bia 33 của ông cụ tôi và ngã cái đùng, say nhớ đời. Chưa hết, vào đến Sài Gòn, nhằm vào cái tuổi tập tành làm người nhớn, tôi cũng một đồng ba điếu Ruby với…bia 33. Tôi sẽ vung vít với hắn về một nhà văn nữ đã phóng bút: “…Nàng thấy cái cảm giác lâng lâng chạy suốt từ phía dưới chạy lên. Ngày còn trẻ nàng cũng có những lúc nàng lâng lâng một kinh khoái phần phật sau những hơi hướm của giống đực ếm vào môi và tai. Nhưng lúc trẻ nó chạy xuôi, xuôi qua cổ họng, xuôi xuống háng. Còn bây giờ nàng già, nàng lại thấy nó chạy ngược…”. Và tôi sẽ nói cho hắn hay cớ sự gì tôi uống…bia 33.

Sau đấy, rằng dựa vào báo bổ mà tôi đã đọc qua, tôi sẽ…hoa bia, hoa hòe với hắn những cái tên từ gốc Đức là “Bier”, qua Pháp là “Bière”, Anh Mỹ là “Beer”. Và ngoài Bắc tên “bia” có từ năm 1939 qua…Bière 33 Export. Tiếp đến, năm 1875 ở trong Nam, người thành lập hãng BGI để làm…nước đá là người Anh tên Victor Larue. Sau làm thêm bia, và chỉ duy nhất bia lớn vẽ đầu con cọp mầu vàng. Tết đến in lịch, một ông Tây của hãng đã viết tên của người sáng lập ra hãng nước đá và bia với hai chữ Việt – Pháp đề huề “Lave – Larue”. Từ chuyện chéo ngoe ấy mới có…”La ve” và tên… “La de Con Cọp”.

clip_image004[6]

Năm 1973, ở hai bên nhãn hiệu đầu con cọp vẽ thêm hai tràng hoa houblon. Nhưng vì họa sĩ là người Việt Nam chưa bao giờ nhìn thấy “hoa bia” tươi mà chỉ nhìn thấy hoa khô héo nên vẽ lộn ra…trái dứa nên có tên là…“La de Trái Thơm”. Vì vẽ…lộn, sản xuất ít, mỗi thùng La de Con Cọp chỉ thêm vào một chai…

…Khà! Đụng chạm đến La de Con Cọp tôi lại vấn vương tới cái ngày mười bốn, mười lăm tuổi. Bằng vào cái tuổi hắn nhòm trộm qua bên kia vườn “phải lòng” bà chị tôi. Thì tôi mầy mò ra cái quán Năm Dưỡng khu Bàn Cờ bắt cái “cà phê bí tất”, tức cái “xây chừng”. Thế nhưng chẳng có hơi hướng cà phê quái gì. Đúng ra lão Năm Dưỡng bỏ trái điệp rang vào cái túi vải, chế nước sôi cho ngấm, san vào chai La de Con Cọp vàng khè. Rồi rót ra ly, đổ qua đĩa, nốc vào hăng hăng khét đằng…Chẳng dấu gì ông, lúc ấy tôi chỉ ngó chừng …chai La de Con Cọp nên chả thống khóai gì sất cả, thưa ông.

clip_image006[6]

Ông lại thở ra vì chẳng thống khóai gì, chút nữa cậu nghiên cứu sinh mang cái nồi ngồi trên cái cốc ra ngay ấy mà. Trong khi đợi cà phê, trở lại chuyện vì vẽ…lộn, vì sản xuất ít, mỗi thùng La de Con Cọp chỉ thêm vào một chai La de Trái Thơm. Người tiêu thụ cứ nghĩ là La de Trái Thơm là…chai đặc biệt. Và tôi muốn lằng nhằng với hắn là miền Nam mưa nắng hai mùa đã nuôi dưỡng tôi từ cái buổi thiếu thời biết làm cái xây chừng, lớn lên chơi bia để thành người nhớn. Nếu bây giờ tôi có hoài đồng vọng về một Sài Gòn đâu đường cuối ngõ thì chẳng hẳn là bia 33 hay bia trái dứa mà là…La de Trái thơm.

Ấy vậy mà khi không hắn lầu bầu với tôi: “Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân, tương phùng hà tất tằng tương thức”, và tôi hiểu lôm côm ra là cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ đã quen nhau. Nên tôi cảm khái quá lắm, chẳng dám loạn ngôn loạn chữ với bia bọt, ai mà dại gõ trống qua cửa nhà…máy bia Hommel Hà Nội.

A! Ông hỏi tại sao tôi uống bia 33 ở đoạn trên ấy hả? Thì đây là khúc nhà văn nữ khám phá ra cái khoái cảm, cái cảm giác kinh khoái chạy xuôi, chạy ngược: “…Tại sao và tại sao mình cứ du đời mình vào những phút giây này. Ba phút hạnh phúc. Ba phút run rẩy. Ba phút rạo rực. Ba phút bia 33.  La ze con cọp say ngà ngà. Nàng chưa bao giờ uống một tợp bia 33 này chỉ nghe người ta tả nhưng nàng thích nghĩ là khi hai kẻ mới bị con ma yêu tinh dẫn mối, mới khám phá về nhau, mới đê mê tìm hơi ấm, tìm linh hồn, tìm thân xác nhau, thì cơn say ngâm ngậm thịt da linh hồn và trí óc cũng ngà ngà tựa như say bia 33 nó ếm vào môi, vào ngực…” giữa hai loại bia với tuổi trẻ, tuổi già, thưa ông.

***

Trên đường lên tỉnh, hắn nhắc nhớm tôi, chuyến này để hắn đi chợ vì mới đẩy được mấy cái gầu, tôi nhủ thầm, thằng này đúng là dân chơi cầu ba cẳng nên chơi được. Ghé tiệm đồ cổ nhưng đúng ngày tiệm đóng cửa. Vào tiệm bia, cái thằng mắt bò hay sao ấy, hắn chơi nguyên “Một mét bia”. Còn xúc-xích, hắn ăn như tằm ăn rỗi. No say xong, hắn kêu tức bụng và phải mò vào…chuồng xí. Đợi mãi không thấy ra, tôi tự nhủ cái thằng ăn thùng bất chi thình như thế bị Tào Tháo đuổi là phải, phải đi thăm lăng bác thì cũng tốt thôi. Nhà hàng ra tính tiền, tôi móc túi trả vì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ, chẳng phải tôi một tấc tận giời gì vì cũng có khi cũng tướt ra cả đấy. Nghĩ lại một lần hắn nói với tôi: Hữu bằng tự viễn phương. Bất diệc lai hồ, và tôi hiểu là bằng hữu từ xa tới, không vui sao. Ấy đấy, ông thấy không, tôi không vui sao được khi gặp người chơi với bạn chí tình như hắn là nhất. Nhất hắn đấy, thưa ông…À! Ông hỏi “Một mét bia” là cái của nợ gì ấy hả? Ấy là một khay gỗ bia, bia hàng một đứng xếp hàng dài cỡ…một mét thôi, thưa ông.

Tửu vô kiềm tỏa năng lưu khách, nhưng hóa ra rượu bia cũng không cầm chân được hắn. Tối hôm ấy, hắn vật vã với thùng bia, với tôi và âm ỉ trong một cõi đi về: Hãy uống cho say trời sắp sáng, mai này hai đứa đã hai phương khiến tôi cứ nẫu người ra. Ngày về, hắn để lại cho tôi ba cái gầu hiện đại và dặn dò nhờ tôi đẩy dùm cho mấy gia đình quanh đây, rồi hắn lấy sau. Bước ra cửa, hắn bịn rịn với tôi cả một lúc lâu. Lúc ấy vì giao động, mắt tôi như chắn ngang một màn sương mờ và trong đầu tôi lại nghĩ có thể chẳng bao giờ gặp lại hắn nữa, một thằng bạn chí cốt, mới gặp nhưng như quen nhau từ kiếp nào. Ngồi trong xe, hắn vừa vẫy tay chào tạm biệt, vừa móc ví xem giấy tờ gì ấy, vừa lom lom nhìn vào trong xe. Để rồi hắn bước xuống, mặt mày lùng nhùng là xe gần hết xăng và hỏi tôi có thể “cấn” cho hắn ít tiền vào ba cái gầu của hắn được chăng. Đúng là cái thằng khỉ, có cái bình xăng cạn cũng lơ đễnh thì còn làm ăn buôn bán gì được.

Hắn đi rồi, trong một thóang cùng những hòai cảm lâng lâng, tôi nhớ lại câu chữ Nho của hắn: Tuế bất hàn vô dĩ tri tùng bách. Sự bất nan vô dĩ tri bằng hữu, hiểu theo nghĩa trong cơn họan nạn, mới biết thế nào là bạn. Để rồi cái đầu củ chuối của tôi đưa đẩy tiếp: Kẻ sĩ bách vi, thâm nho và hiền triết như hắn, trên đời dễ có mấy tay. Thầy tôi đấy ông ơi…Thoáng như ông đang lụi đụi: “Thì cũng tốt thôi mà”. Tôi cũng nghĩ như ông, hình như cuộc sống đến một lúc nào đó phải chấp nhận những gì…không tốt lắm và cứ xem nó như một cuộc chơi thôi. Chấp nhận những gì mà mình đã có, đang có được hay sẽ có hoặc không, để chịu đựng qua cơn bão, để làm sao để biết tìm nơi trú ẩn dưới cơn mưa. Và hắn thì đang cần một mái hiên trong những lúc nhiều mưa ít nắng, vậy thôi.

***

Hắn về rồi, ngồi cắc ca cắc củm hành lang trước cửa nhà, tôi lũn cũn đuổi theo những bước chim di của hắn: Rõ ra, nấu bia mà hắn dẫn giải đâu có gì hay ho! Nào có khác gì nấu rượu nếp của các cụ ta xưa? Thì cứ lấy nếp “hấp” không chín hẳn. Xong vớt ra ủ với men rượu nhăm bữa. Nấu lại thật chín. Rồi trải nếp đều lên rá, mẹt, nước chẩy …”tong, tong” xuống bát canh là thành rượu nếp chứ cần quái “cái chọt gổ” ngắn ngun ngủn như…“cái củ cải” để bia nhỏ giọt như chó đái giắt ấy. Chưa hết, một lần hắn còn chữ nghĩa về bia tươi, bia hơi của ta lẫn bia “bock”, bia “draft” của Tây. Chữ là nghĩa và sự hiểu biết quá nhiều đến độ tôi có ý ngờ ngợ cái cơ sở văn hóa quá mạng của hắn từ bia vàng nhờ mạch lúa, tới bia đắng nhờ hoa bia, đến bia bọt…sủi bọt nhưng chưa tiện hỏi cho ra nhẽ…Ừ thì chuyện đâu vẫn còn đấy, hỏi cho có chuyện vậy thôi, thưa ông.

Và hắn ghé tôi nữa, và tôi hầu như hầu bố tôi không bằng, cơm bưng nước rót, quanh đi quẩn lại chỉ vịt luộc, lợn luộc. Trong bữa tửu lạc vong bần, vì đã có ý ngả ngớn thế nọ, thế kia từ trước. Tôi dọ dẫm kiến thức đóng hộp của hắn về gốc gác của bia. Hắn đáp ngay là qua công trình khảo cổ ở Ai Cập cho thấy khi những người nô lệ bị đi đày tới đây vác đá xây kim tự tháp. Họ được nuôi bằng cháo trái cây, không dè để qua đêm thành…bia. Từ đấy, tôi tin thằng Bắc kỳ Hà Nội hết biết, tin…chết luôn.

Nhắc đến chuyện đi đày. Hắn sơ sịa qua chuyện thằng con đang vất vưởng ở Cao Bằng nên hắn đang tìm cách mang qua đây nhưng phải qua thủ tục…đầu tiên. Cho đến khuya, hắn uống bia như sáo tắm. Sáng sớm, tôi đang cho vịt ăn thì hắn tới nói nhỏ là hắn…mất tiền, vì rõ ràng để trong túi xách mà không thấy. Tôi bổ nhào vào phòng để tìm kiếm cho ra. Hắn nói với theo là có mất cũng không sao, của đi thay người ấy mà. Nghe lạ, ai lại của đau con xót mà vẫn tỉnh queo vậy. Tôi bò vào cả gầm giường vẫn không thấy gì. Đang rối tinh, lại nghe hắn nói cho hắn lên tỉnh ngắm…mấy chai bia cổ. Tôi lắc đầu chịu không hiểu nổi, ve lọ gì trong cái lúc đang ngùng ngoằng như thế, cuối cùng tôi cũng phải cõng hắn đi. Ngồi trên xe, tôi chẳng mấy vui, và cũng đã nghĩ đến chuyện phải bù đắp cho cái thằng chết tiệt vô tâm, vô tứ để đâu quên đó này, vì dù sao tôi cũng là chủ nhà. Ông thấy tôi xử sự như vậy có phải nhẽ chăng?.

Đến tiệm đồ cổ của một lão Đức già, hắn cứ xum xoe với mấy cái chai mốc meo không biết chán. Hình như chai lọ có duyên với hắn vì đủ loại cách đây cả 100 năm. Lạ nhất là có cả một dàn bia của mình với bia 33, La ve Con Cọp, La ve Trái Thơm. Ra về, hắn ngỏ ý với tôi là muốn mượn cái máy hình để chụp mấy…cái chai ấy. Vì nào có khác gì chuyện lòng lợn của tôi mà tậu “con Nikon”, ít nữa về thành phố của hắn, hắn khuyến mãi với khách hàng để lo thủ tục…”đầu tiên” cho thằng con. Ngồi trong xe, hắn nồng nã mấy câu thành ngữ trong nước đang thịnh hành như: “San Miguel : Sao anh nhớ mà ít ghé uống, em lo!”, hay “Carlsberg : Cho anh ráng lấy sức bế em ra giường!” hoặc giả như: “Heineken : Hôn em ít nên em khều, em nhéo”.  Giời ạ, tôi còn đầu óc với hơi sức đầu mà “khều” với “nhéo”? Mà chỉ nghĩ cái thằng này hơi chướng và ám quẻ tôi quá thể. Hồn ma nát thần tính, tôi hình dung đến một tương lai chẳng mấy sáng sủa cho lắm, là thằng ôn vật này ăn vạ ở nhà tôi cả tháng nữa thì vịt cũng ngỏm củ tì vì không…biết bơi. Lợn cũng đột biến…chuyển qua từ trần như “bác” của hắn vậy thôi.

Về nhà, trong khi tôi đang lấy cái máy hình trong ngăn kéo, hắn tới, cười toe là vừa tìm thấy tiền rồi. Mừng quá đỗi. Hỏi thấy ở đâu. Hắn nói ở trong…gầm giường. Tôi nghĩ không ra. Như ông đã biết đấy, tôi bò ra bò vào trong ấy hai ba lần rồi. Hay là nhà có ma.

Trở lại tỉnh, ngồi trên xe hắn lại rọ rạy “Chỉ có bia mới hiểu bụng…mênh mông nhường nào – Chỉ có bụng mới biết…bia đi về đâu”. Sau khi chụp hình mấy cái chai thổ tả. Không biết hắn mặc cả với lão già Đức bán cho gã mấy chai bia cổ với giá mềm lúc nào tôi cũng chẳng biết nữa. Để rồi tôi bắt gặp hắn ở một góc tiệm, quay lưng phía tôi. Tay móc ví bỏ một mớ tiền lẻ vào túi. Đầu quay vội đằng sau. Mắt dáo dác nhìn quanh, vẻ không tự nhiên cho lắm. Diễn tả cho thật: Nói cho ngay, trông mặt hắn không…thật chút nào. Tôi biết ý quay đi, tự hỏi sao hắn phải làm như vậy, để làm gì, có giời mới hiểu được cái bụng…mênh mông của hắn sẽ đi về đâu. Thưa ông.

Chiều hôm ấy cho đến sáng hôm sau trước khi hắn về, tôi không dấu được nỗi ngán ngẩm và ghẻ lạnh của tôi với hắn. Tiễn hắn đi cho khuất mắt, nhưng tôi phải đợi cái xe của hắn đang chờ lũ vịt của tôi dang nhởn nha lững thững qua đường. Rồi cái xe khuất bóng ở cuối tỉnh lộ. Tôi thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng và tự thầm nhủ: Cánh cửa của quá khứ đã đóng lại. Bỗng dưng có linh tính ập đến với tôi đến thốn người.

Bèn nhẩy bổ vào trong phòng: Thôi rồi, cái máy hình không còn trong ngăn kéo nữa!

***

Chuyện của tôi là như vậy đấy! Giống như cái chai bị rạn nứt trên kệ kia…Bây giờ ngồi với ông, tôi chẳng biết ngắm cái nhãn hiệu La de Trái Thơm đánh dấu những gì đã qua với một nhớ hay quên. Hay là hãy nhìn…

Vừa lúc cậu nghiên cứu sinh người Hà Nội, mang cái nồi ngồi trên cái cốc ra…

Thạch trúc gia trang

Đông tàng, Canh Dần niên

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search