T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 201)

clip_image002

 

Nguồn cội và tiếng Việt (1)

Địa đàng ở phương Đông của Stephen Oppenheimer là cuốn sách đồ sộ dày 560 trang với chữ nhỏ. Oppenheimer tốt nghiệp bác sĩ Đại học Oxford bên Anh năm 1971. Năm 1972 ông sang Viễn Đông hành nghề tại nhiều bịnh viện trong vùng. Ở vùng này gần 20 năm, ông du hành và nghiên cứu về nhân chủng học khắp Đông Nam Á (kể cả Việt Nam) và các đảo Thái bình Dương. Ông lặn lội nơi thâm sâu cùng cốc, tìm đến những bộ lạc còn giữ ngôn ngữ xưa với cổ tích truyền khẩu…Năm 80, ông chuyển qua làm việc ở New Guinea (đảo phía bắc Úc Châu). Ông để ý các nhóm dân New Guinea có những bộ lạc nói tiếng khác nhau nhưng có cùng cổ tích truyền khẩu thì có cùng di tố về cổ tích, tiền sử, ngôn ngữ, tập quán của họ.

Trong các huyền thoại, cổ tích truyền khẩu giữ vai trò đặc thù, thí dụ khi ta thấy Việt Nam, ngoài một số tập tục, cũng có những cổ tích và huyền thoại truyền miệng khá giống những vùng ở New Guinea. Như tích Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Trầu Cau của ta nói về hai người cùng yêu, tranh chấp một cô gái với một số khúc mắc éo le tương tự như tích Kulabob và Manup của các bộ lạc tại những hòn đảo nam Thái Bình Dương. Theo ông, chuyện tích này nhiều tình tiết, ở vùng đảo ấy người ta kể cả ngày; thỉnh thoảng phải ngưng kể để… ăn trầu. Kulabob trong tích vùng New Guinea được xem là thuỷ tổ dân nói tiếng Nam Đảo. Manup là anh ; còn người em Kulabob, đôn hậu, giỏi giang, đã sáng chế ra thuật xâm mình.

Theo Oppenheimer, người cổ thiên di từ Phi Châu làm 2 ngả: Họ đi về hướng tây và hướng đông:

Người cổ thiên di từ Phi Châu về phía đông tức Đông Nam Á. Đến khi gặp biển Đông (Nam Hải) ngăn chận, họ phải theo hai hướng. Về phía bắc, họ đến sống vùng nam Trung Hoa và dần dần tràn lên Mông Cổ, khi núi băng tan bớt, đi dần về phía bắc.

(Nguyễn Quang Trọng – Nguồn gốc tộc Việt & Ðịa đàng phương Ðông của Oppenheimer)

 

Chữ và nghĩa

Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

(Quang Dũng, Đôi bờ)

Miền Nam không dùng cốc, gốc gác của cốc lại là… miền Nam.

Tự vị Huỳnh Tịnh Của có cốc rượu (chén rượu). Nhưng Từ điển Génibrel (1898) không có cái cốc. Điều này cho thấy cuối thế kỷ XIX, cốc chưa được dùng rộng rãi trong dân chúng.

Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa:

Cốc: đồ dùng để uống rượu, thường làm bằng thuỷ tinh.

 Tên cốc từ đâu ra ? Xin tạm đưa ra hai cách giải thích.

Tự vị Huỳnh Tịnh Của có cái cúp (tiếng mới), nghĩa là cái chén có cán. Có thể cái cúp (coupe) của Pháp bị nói trại thành cái cốc.

(Nâng chén, cụng ly, chạm cốc và đụng lon – Nguyễn Dư)

 

Chữ nghĩa với ca dao dân gian

 Người mà phinh phính mặt mo,
Chân đi chữ bát, có cho chẳng thèm

 

Chữ và nghĩa

Lờ đờ, lừ đừ – Lờ đờ nói đến vẻ thiếu tinh khôn, dáng điệu không nhanh nhẹn. Còn lừ đừ có thêm nghĩa là dáng nặng nề chậm chạp, nhưng vẫn có thể còn tinh khôn.

Trong một truyện ngắn trên Thế Kỷ 21, tác-giả viết: “Bên tay phải, cầu Trà khúc nhộn nhịp xe cộ, dưới cầu dòng nước cạn chảy lừ đừ.’’ Có lẽ “lờ đờ” chính xác hơn chăng: lờ đờ là chậm chạp, uể oải. Thí dụ: nước chảy lờ đờ, cặp mắt lờ đờ, con sông lờ đờ trôi.

Lờ-đờ như gà ban hôm. Lừ đừ cũng có nghĩa là uể oải, mệt mỏi, nhưng hay dùng để tả dáng điệu một người. Thí dụ: Người lừ đừ muốn bệnh; lừ đừ còn có nghĩa không linh hoạt: bộ lừ đừ dễ bị ăn hiếp. Lừ đừ như Ông Từ vào đền.

Lừ đừ có khi dùng như lừ khừ hay lừ thừ.
(Nguồn: Ngô Nhân Dụng)

 

Tên của Vodka

Tên gọi Vodka ngoài ở Nga, Ba Lan và Litva, còn thường được dùng để chỉ một số loại rượu khác có những đặc điểm chung với Voda về hình thức và cách sản xuất.

Vodka tiếng Nga là Водка, bắt nguồn từ Вода nghĩa là “nước nhỏ”.

Rượu Shōchū của Nhật Bản thường được gọi không chính thức là “Vodka Nhật”.

 

Nõ: bộ phận sinh dục của phái nữ

(cái nõ nường)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Văn hóa ẩm thực (6)

Nguyễn Tuân có mấy bài viết ca ngợi miếng ngon quê hương:

“Người Việt Nam ta (…) đến một vài cách chế biến thịt lợn, thì hình như (…) ra mặt có phần sáng tạo đấy. Thịt lợn đem gói giò chẳng hạn. Không sợ là huênh hoang thiếu khiêm tốn, ta có thể nói rằng biết chế lợn ra thành cân giò lụa, đó là đỉnh cao của một dạng văn hóa (…) trong số những dân tộc toàn cầu ăn thịt lợn (…) hình như giò lụa là một tiết mục độc đáo chỉ (…) chỉ người Việt Nam ta mới nghĩ ra và làm ra thôi (…) giò lụa Việt Nam tinh tế nhường ấy (…)” (Giò Lụa)

(Người Việt viết về ăn – Thu Tứ)

 

Lịch sử phở (23)

Phở Tầu Bay

Thân sinh ông Đỗ Thiếu Liệt  (ông Liệt là người chơi hồ cầm trong ban nhạc của trường Quốc Gia Âm Nhạc) nguyên là công chức của sở Hưu Bổng ở dốc Kèn Hà Nội. Khoảng năm 1938, có người phở gánh ở phố Hàng Kèn, Anh ta còn trẻ, khi bán phở lúc nào cũng đội cái mũ “cát-két” của pho công nên gọi anh ta là “Phở Tầu bay”. Tên phở Tầu bay xuất hiện tự dạo đó. Sau ở chợ Chổ Hậu Hiền xuất hiện một quán phở có tên “Phở Tầu Bay” do thân phụ ông Đỗ Thiếu Liệt làm chủ. Qua Phạm Duy và Mai Thảo, quán rất đông khách, trên tường ngoài quán có một bài thơ, đứng cả chục thước cũng trông thấy:

Ai qua chợ Chổ Hậu Hiền

Sẵn có đồng tiền ăn phở Tầu Bay

Giá tuy đắt đắng đắt cay

Ngon chẳng đầu tày, nức tiếng Thủ Đô

(Giai thoại phở Tầu Bay – Lê Quang Sinh)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Già thì già tóc, già tai

Già răng già lợi, đồ chơi không già

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

 

Đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo  thời nhà Đinh 

Trong lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc, dân Việt không có đồng tiền riêng. Mãi đến sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, dân Việt vẫn còn dùng đến đồng tiền của phương Bắc. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế với đế hiệu Đinh Tiên Hoàng, niên hiệu Thái Bình. Năm 970 nhà vua đã cho đúc những đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo.

Đây chính là những đồng tiền đầu tiên của người Việt.

(Nguồn: Đồng tiền thời xưa – Khuyết danh)

 

Kinh thi Việt Nam (3)

TrươngTửu gọi ca dao của ta là Kinh Thi Việt Nam. Như: Trong thế chiến lần thứ nhất (1914 -1918) chính phủ Pháp mộ lính Việt qua Âu Châu tham chiến. Tàu thủy là phương tiện chuyên chở những người lính sang Pháp từ bến tàu Sài Gòn. Trước khi nhổ neo, tàu có lệ rúc lên 3 hồi còi “xúp lê” thật dài nghe thật ai oán cho kẻ ở, người đi:

Tàu xúp lê một: còn thương còn nhớ

Tàu xúp lê hai: còn đợi còn chờ

Tàu xúp lê ba: tàu ra biển Bắc

Tay vịn song sắt nước mắt chảy ròng ròng

Đôi ta mới gặp mà trời không thương

Thực ra, những câu liên quan đến lịch sử không có nhiều. Thường thì ca dao phản ảnh tình trạng xã hội, tình yêu, phong tục, tập quán, con người và thiên nhiên …

 (Kinh thi Việt Nam hiện đại – Trần Bích San, Trần Gia Thái)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ (2)

Gần đây có phong trào chị em so sánh trai Việt với trai ngoại quốc, đặc biệt là trai Tây. Tôi cũng biết vài phụ nữ Việt lấy chồng Đức ở đây, người tự hào thằng Tây nhà tao hiền lắm, người khoe Tây nhà em cực chăm chỉ, Tây nhà mình dễ nuôi, Tây nhà tớ trung thành, nghe tuy hơi giống người ta khen một con ngựa, thêm kích thước, độ khỏe nữa thì thành quảng cáo cái máy xúc, nhưng trong đó có một sự thật nho nhỏ là khá nhiều đàn ông Tây hiện đại đang được trang bị những đức tính mà khá nhiều đàn ông Việt hiện đại không phải là không sở hữu mà không thèm sở hữu. Hiền lành, chăm chỉ, chí thú gia đình, chung tình…, những phẩm chất đàn bà chán ngắt. Dù nói chung không biết mình là ai, đứng ở vị trí nào, đàn ông Việt luôn biết chắc một điều: mình là thằng đàn ông, đứng cao hơn đàn bà ít nhất dăm bảy bậc.

(Đông Tây nam nữ – Phạm Thị Hoài)

 

Truyện chớp – Thần chết (3)

Người đàn bà mặc toàn đen, mắt đen, tóc đen, da xanh mướt, đang lái xe thì thấy bên đường có một cô gái đang ra hiệu xin quá giang. Bà dừng xe lại.
– Chị cho tôi quá giang được không? Chỉ tới chợ thôi. – Cô gái hỏi.
– Lên đi, – người đàn bà đáp. Rồi chiếc xe chạy hết tốc lực trên con đường vòng quanh núi.
– Cám ơn chị – cô gái làm một cử chỉ thân thiện – nhưng cho người lạ lên xe như thế nầy chị không sợ sao? Người ta có thể làm hại chị đó. Chỗ nầy vắng vẻ quá!
– Không, tôi không sợ.
– Rủi họ cướp chị thì sao?
– Tôi không sợ.
– Rủi họ giết chị thì sao?
– Tôi không sợ.
– Thật hả? – Cô gái mở to đôi mắt long lanh, tinh nghịch, nín cười rồi giả giọng ma quái. “Để ta tự giới thiệu, ta là Thần Chết, T-h-ầ-n-C-h-ế-t.
Người đàn bà cười bí hiểm.

Đến khúc quanh kế, chiếc xe lăn xuống triền núi. Cô gái nằm chết giữa những tảng đá. Còn người đàn bà thì đi về phía đám xương rồng rồi biến mất.

 

Chữ nghĩa với ca dao dân gian

Người mà con mắt lá răm,
Chân mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

Chữ nghĩa làng văn…hàng xóm

Lão Tử (2)

 Viết về lý lịch Lão Tử có Tư Mã Thiên. Nhưng người sau (người Tàu) nghi ngờ là không chính xác và thậm chí cho là Tư Mã Thiên hoàn toàn sai lầm. Để có người cho rằng Lão Tử chỉ là nhân vật của huyền thoại. Vì vậy Đạo đức kinh mang tên Lão Tử nhưng kỳ thực do người khác viết.

(Tiến tình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

 Cúng giỗ

Lễ cúng giỗ vào đúng ngày mất hay trước ngày mất một ngày?

Có người cho rằng phải cúng vào ngày đang còn sống (tức là trước ngày mất), có người lại cho rằng “trẻ dôi ra, già rút lại”, vậy nên chết trẻ thì cúng giỗ đúng ngày chết, còn người già thì cúng trước một ngày. Vậy có câu hỏi: “Người trung niên chết thì cúng vào ngày nào”?

Ngày giỗ theo âm Hán là huý nhật hay kỵ nhật, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng có nghĩa là ngày kiêng kỵ.

Nguyên ngày trước, “Lễ Giỗ” gọi là “Lễ chính kỵ”: chiều hôm trước lễ chính kỵ có “Lễ tiên thường” (Nghĩa là nếm trước), con cháu sắm sanh một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước. Ngày xưa, những nhà phú hữu mời thông gia, bà con làng xóm đến mời ăn giỗ cả hai lễ tiên thường và chính kỵ. Dần dần vì khách đông phải chia ra hai lượt; lại có những nhà hàng xóm mời cả hai vợ chồng nên luân phiên nhau, người đi lễ tiên thường, người đi lễ chính kỵ, tuỳ theo thời vụ, muốn “Vừa được buổi cày vừa hay bữa giỗ”, buổi chiều đi làm đồng về, sang hàng xóm ăn giỗ tiện hơn nên có nơi lễ tiên thường đông hơn là lễ chính kỵ. Dần dần hoặc vì bận việc hoặc vì thiếu người phục dịch, người ta giản lược đi, chỉ mời khách một lần nhưng hương hoa, trầu rượu vẫn cúng cả hai lễ. Một vài nhà làm, những người khác thấy thuận tiện bắt chước, dần dần trở thành tục của địa phương.

Việc cúng ngày sống (tức lễ tiên thường vào chiều hôm trước, nguyên xưa chỉ cúng vào buổi chiều vì buổi sáng còn phải mua sắm nấu nướng và ra khấn ở mộ yết cáo với thổ thần, long mạch xin phép cho gia tiên về nhà dự lễ giỗ). Cúng ngày sống hay cúng ngày chết, hay nói cách khác lễ tiên thường hay lễ chính kỵ, lễ nào là lễ quan trọng hơn, chẳng qua đó là phong tục từng nơi.

Nếu đúng phong tục cổ truyền thì trước ngày chết (lễ tiên thường) phải cúng chiều, cúng đúng ngày chết (lễ chính kỵ) phải cúng buổi sáng kể cả chiều hôm đó mới chết.

 

Nói dối trong sử học với…phường chèo (2)

 Rồi cành đào Thăng Long mà vua Quang Trung gửi tặng Ngọc Hân công chuá đang ở Phú Xuân (Huế) là do một nhà viết chèo …bịa ra. Sau này được sử dụng trong sách như một tư liệu chính thức về mối tình cao đẹp của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

 (Vấn đề nói dối – Trần Nhuận Minh)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Vua Tự Đức

Tự Ðức, một buổi chiều nhàn rỗi, bảo các quan lấy giấy bút, rồi đọc cho chép một bài thơ:

Tiêu hà tá hán khởi ư phong

Sấn nhập trùng vi nhiễu trướng trung

Bất luận huân tiêu phàn khoái lực,

Hốt văn hàn tín tự tiêu không.

Các quan ai nấy đều hiểu là Tiêu Hà giúp nhà Hán ở đất Phong Bái, không dùng tới sức mạnh của Phàn Khoái, chỉ cần ở tài Hàn Tín là nên việc. Có ngờ đâu bài thơ này tả con muỗi: Tiêu hà có nghĩa là tàu chuối, lá sen. Phong là gió, Hán là nó. Hàn tín là tin lạnh. Phàn khoái là hun đốt.

Theo chữ vua dùng, thì bài thơ có thể dịch như sau:

Bẹ chuối đài sen nổi cánh vung,

Bay vào màn trướng quấy lung tung.

Chẳng cần phải tốn công hun đốt,

Tin lạnh vừa đưa tẩu tán cùng.

Giả sử nhà vua biết hiểu thời vụ như sành văn chương, thì đâu đến nỗi sau này phải ta thán:

Võ tướng tiêu sầu duy hữu tửu,

Văn thần thoái lỗ cánh vô thi.

(Quan võ chỉ biết uống rượu giải buồn, còn quan văn, đến làm thơ đuổi giặc cũng không làm nổi!)

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc: Giai thoại làng nho)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

Bài Mới Nhất
Search