T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: LÊ GIANG TRẦN: TRẠM NGƯỜI QUÁ BƯỚC

Thơ của Lê Giang Trần là một trận gió “thơ mộng mãnh liệt” — khi bạn mở trang sách ra, sẽ thấy những dòng chữ được nhà thơ ném lên trời, và rồi biến thành những trận gió lạnh buốt làm cho chàng run rẩy đối mặt với cuộc đời thơ mộng.

Lê Giang Trần, trong phần Kết, cũng đã tự trình bày về thi tập này:

Những bài thơ này chuyên chở đời sống của những người đã sống một cách “thơ mộng” mãnh liệt mà nhờ tình cờ hay tình thân tôi được biết. Chính cái chất thơ mộng hay mãnh liệt ấy gây xúc động cho tôi viết xuống một mảng đời. Nhất là cuộc sống đau đáu ấy lại là đời sống tị nạn lưu vong.”(trang 153)

Thơ của Lê Giang Trần đa dạng, ngôn ngữ có nơi đùa cợt như khi gặp lại bằng hữu sau nhiều năm xa cách, có nơi bùi ngùi khi nhớ bạn đã bước qua cõi bên kia, có nơi tha thiết với mùi hương của tình nhân chợt nhớ lại…

Sống với những thơ mộng mãnh liệt, nghĩa là trực diện về tính cô đơn của cuộc đời, là thấy rõ những hư vỡ và bất toàn của đời, và cũng là nếm trải vô thường khi từng người tình biến mất — những ý nghĩa này lại nổi bật khi Lê Giang Trần đưa vào thơ thỉnh thoảng những dòng Kinh Phật.

Và ngay cả khi Lê Giang Trần phải chấp nhận tính vô thường của cuộc đời, trong thơ vẫn ẩn tàng những nét khó hiểu của đau đớn.

Trong bài “Nhớ nhà rừng mai,” Lê Giang Trần viết khi nhớ tới thi sĩ Phạm Công Thiện, chúng ta nhìn thấy những hình ảnh của thơ Thiền, như trăng sáng, rừng im, lạnh tỏa, rừng mai… và cả những bùi ngùi thương nhớ, trích:

…rằm tháng giêng mất ngủ

trăng sáng trắng trên đầu

rừng im sương lạnh tỏa

lòng cạn như hồ sâu.

.

lại lui về thị tứ

xuân nhớ nhà rừng mai

thương bạn bè quá cố

buồn bâng quơ tương lai…(tr. 23)

Trong chương “Vào Thơ,” Lê Giang Trần nóí về duyên khởi của thi tập:

…Khi chạm đến cái giới hạn của trí tuệ mới nhìn ra cái mông mênh của tri thức, như lời đức Phật dạy về hiểu biết bằng thí dụ nắm lá trong tay. Cho nên, dù tạm gọi là nghiệp dĩ thơ, sẽ có lúc thi nhân dừng lại vì năng lực chỉ đến đấy. Người nào luôn là kẻ lên đường sống từng giây phút mới lạ sinh động bất ngờ, người đó mới có thể có được sự mới mẻ đầy ân sủng, yêu đời tươi thắm trong tư tưởng.

Những bài thơ trong tuyển tập Trạm Người Quá Bước này là một số may mắn còn lưu giữ từ năm 1992 được gom lại và xuất hiện trong một ấn bản in năm 2013, do nhiều thân hữu góp tặng ấn phí và tuần báo Sống nhận phát hành. Từ nay đời sống của những bài thơ này tùy thuộc vào độc giả, ngoài tầm tay của tác giả.

Mai kia mốt nọ nếu tôi có vài bài thơ thất thểu lang thang, mong được xem như là vết chân của người quá bước ngang qua vườn thơ.” (Trang 8)

Có phải thi sĩ Lê Giang Trần đã “bước ngang qua vườn thơ” như vừa nói? Hay cõi này thực ra chỉ là một cõi đầy đau đớn của người lưu vong?

Đau đớn đó được ghi lại trong bài “Câu hỏi không trả lời,” hình ảnh quê hương không mấy gì vui, trích:

…hãy đọc thơ văn những người cầm bút

người cầm bút như những kẻ chưa hoàn hồn

không có độc ác nào ác độc hơn

giam cầm tâm trí trong hồi niệm và ảo tưởng

quê hương có thể trở về thăm thú

là một quê hương xa cách nghìn trùng.(tr. 16)

Hay là như khi thương cảm cho người phụ nữ Việt Nam và thế hệ trẻ:

…hãy nghe tâm sự thiếu phụ phục hồi nhan sắc

làm sao có thể con gái họ về sống

nơi thân phận nữ nhân là nô lệ hay món đồ

và đối với tuổi trẻ Việt ngoài thế giới

Việt Nam như căn nhà xưa còn lại của ông bà. (tr. 17)

Do vậy, nhà thơ đã đau đớn ra đi. Lê Giang Trần viết trong bài “Tháng tư,” trích:

…tháng tư ơi ngồi xuống

để Việt Nam quỳ lạy tháng tư

rồi chia tay vĩnh viễn. (tr. 19)

Nhưng tuyệt vời thơ mộng là khi Lê Giang Trần tìm cách ướp xuống trang giấy những hương lay ngào ngạt, để rồi cảm nhận trên môi hôn là những mưa nồng và mùi hương cổ tích, qua bài “Mùa sương sớm” gửi tặng nàng, trích:

…tôi ở chỗ đầy hương lay ngào ngạt

xứ mùa sương đẫm ướt chồi non

có lần em ôm tôi như trẻ nít

mùi hương cổ tích nhớ còn mê.

.

có sông chảy trong vòng tay ôm siết

có mưa nồng trên những nụ môi hôn

mầm thơ xanh rêu sắp sớm nở

dậy mình như con gái đêm trăng.

.

mưa thơ ướt tràn trên giấy trắng

lòng rỗng không như trời rộng chim bay

tiếng chim hót rộn hàng cây trơ nhánh

như thời gian rớt vỡ rộn ràng.(tr. 27)

Ngay cả khi Lê Giang Trần chất vấn những ý nghĩa uyên áo của cuộc đời, cái nhìn thơ mộng vẫn lưu chuyển trong thơ anh. Như trong bài “Chuyện ngoài cửa thất,” sau khi nhà thơ quỳ lạy và hỏi Đức Phật, rồi chỉ nhận được câu trả lời là “kinh mất tích, tướng tuyệt ngôn”… chàng mới quay sang hỏi cô tình nhân bé nhỏ, trích:

…Dòng sông cuồng chảy rân trong mắt

sóng vỗ chập chùng lệ kim cương.

Ta hỏi, chuông ngừng, kinh mất tích

vấn lạy Như Lai, tướng tuyệt ngôn…

.

...Hỏi em, ta hỏi lời nhỏ nhẹ

yêu đương cho lịch lãm vô thường.

Nếu em thật sự là ánh sáng

sao đứng ngoài xa ngõ bóng đêm?

Tôi hỏi, như em huyền diệu sáng

còn tôi đêm quá. tìm không ra.(tr. 31-32)

Cuối bài, Lê Giang Trần ghi chú rằng: “Phần đời tôi cũng thấy giống, nên gởi đến một phần đời Du Tử Lê.” Hóa ra, phải chăng, chỉ vì Đức Phật “vô ngôn,” nên các nhà thơ mới tìm tới những nàng thơ trong đời để được nghe líu lo không ngừng?

Nhưng vẫn có một thế giới bao trùm trong tâm thức Lê Giang Trần, một khúc nhạc đệm không ngừng trôi chảy trong tâm thức nhà thơ Bạc Liêu này: hình ảnh quê hương.

Lê Giang Trần đã về thăm Việt Nam nhiều lần, thăm thân nhân dòng họ, thăm bạn, và những hình ảnh quê nhà lại dội vào thơ anh.

Xin mời đọc bài “Trạm người quá bước,” trích:

Ừ. Thì đi về Việt Nam

Lên Đơn Dương thăm người bạn rẫy

Xuống Cà mau thi rượu bác chèo đò.

.

Kể cho người rừng, tôi thương em điếm nhỏ

Đôi mắt bán thân nâu thẳm sóng vô thần

Cánh lưng cong lên, vòng môi mím chặt

Ngọn vú non hồng se buốt ngực vô tâm

Những dày vò không phải trả thù trên thân thể

Những con sói cuồng hoang về phá nát đồng thơm.

.

Kể cho người sông nghe, em ăn mày giữa chợ

Hai bắp chân khô xanh rợn những đường gân

Thớt thịt chợ lồng, khóm cỏ công viên, hốc cùng bến cảng

Là nhà đêm trằn trọc ngắm trăng sao

Tuổi ấu thơ như những đồng tiền rách nát

Đổi được gì đâu, ngoài một nắm hàn vi.(tr. 45)

Bạn có thể đọc lại lần nữa, và đọc thêm lần nữa. Để thấy rằng thơ của Lê Giang Trần đau đớn như thế. Với hình ảnh em điếm nhỏ, với em ăn mày giữa chợ…

Trong thi tập, Lê Giang Trần cũng giới thiệu về “Phan Thanh Thúy, nhà tôi.”

Ngay sau trang đăng hình phu nhân, Lê Giang Trần khởi đầu chương “Kể chuyện tình” với bốn câu thơ mang đầy những cảm nhận về tính mong manh vô thường của đời:

Mỹ nhân bất quá như chén rượu

Thi phú coi như khói phù du

Nghiệp duyên đôi khắc như quỳnh nở

Lại say tình chẳng biết hổ ngươi! (tr. 65)

Mỹ nhân như chén rượu? Chỗ này xin không đồng ý, và hy vọng các nhà nữ quyền lên tiếng chỗ này.

Trong tập thơ “Trạm Người Quá Bước,” Lê Giang Trần cũng có những bài thơ tặng hay tưởng nhớ bạn hữu, trong đó có Lê Uyên Phương, Nguyễn Tất Nhiên, Mai Thảo, Phạm Công Thiện, Cao Xuân Huy, và nhiều nữa.

Thi tập cũng có một số ca khúc, do Việt Dzũng, Lê Uyên Phương phổ thơ Lê Giang Trần.

Trong phần “Kết,” Lê Giang Trần đã có lời tự bạch như sau:

Hai mươi năm thơ ấy, có bài như giọng điệu một kẻ trưởng thành, có bài vẫn như lời lẽ đứa trẻ ngu ngơ. Là tác giả, xem lại mấy bài như trẻ con vớ vẩn ấy, vậy mà trong lòng có phần vui cái lãng mạn ngây ngô của nó.

Bài thơ nào cũng hình thành từ một sự thật. Có cái gì ẩn trong đời thật ấy reo rắc, réo rắc, réo gọi… để thành hình nên thơ. Bài thơ ra đời xong, sau đó tùy thuộc vào độc giả. Còn thì lưu danh, ngược lại, không khác lý vô thường.

Xin cảm tạ những tấm lòng chia sẻ cùng tập thơ này.

Trang trọng.”

Để nói ngắn gọn về tập thơ của Lê Giang Trần, chúng ta có thể mượn bốn chữ trong bài để nói, rằng thơ của anh thực sự là những dòng chữ “thơ mộng mãnh liệt.” Và để viết như thế, lòng anh tất là như thế, cũng cảm nhận đau đáu nỗi vô thường trên thịt da.

Không phải là tuyệt vời sao, không phải chỉ là đọc, mà chúng ta còn có thể tới bá vai, rót rượu, cụng ly với mảng đời “thơ mộng mãnh liệt” như thế.

Nguyên Giác Phan Tấn Hải

(Trích trong tập bản thảo chưa xuất bản “Khoảnh Khắc Chiêm Bao” với tấm lòng trân trọng tất cả những người đã đem chữ nghĩa, âm nhạc, hội họa để làm đẹp hơn cho cuộc đời, cùng lúc là để làm sáng tỏ ý nghĩa Phật pháp – Lời Thưa).

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search