T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Pháp nạn – Ma chướng trong chế độ Cộng sản (Phần cuối)

Chu Sơn

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5 phần 6phần 7phần 8phần 9

Hòa thượng Thích Không Tánh

Hòa thượng Thích Không Tánh tên khai sinh là Phan Ngọc An, sinh 1943, cùng thế hệ, cùng được giáo dục, đào tạo trong nhà trường dân chủ và nhân bản VNCH và các học viện Phật giáo trước thời điểm GHPHVNTN thành lập, như các sư tăng Thích Huệ Hiền, Thích Huệ Thâu, Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Hải…

Từ sau năm 1975, trong chế độ Cộng sản, ông là một sư tăng bất khuất, một con người hành động vì những giá trị tự do, nhân quyền, dân chủ, và xã hội dân sự. Đời ông là một chuỗi liên tiếp những nghĩa cử, khổ nạn và hoạt động thiện nguyện.

Năm 1976, Thích Không Tánh gởi thư cho thủ tướng chính phủ Cộng sản ở Hà Nội để phản đối chủ trương của chế độ bắt những tăng sĩ trẻ thi hành nghĩa vụ quân sự. Đảng Cộng sản đang trong thời kỳ thiết lâp guồng máy toàn trị không chấp nhận một con người ngang tàng như thế. Ông bị bắt và trải qua 10 năm tù (1976 – 1986) trong các trại cải tạo.

Ra tù, ông về chùa cũ Liên Trì ở phường An Khánh, quận Thủ Đức. Lúc bấy giờ Liên Trì còn là chùa vô danh và Thủ Thiêm chưa phải là khu đất vàng, khêu gợi sự thèm khát của các lãnh tụ cách mạng vô sản. Chùa Liên Trì chưa gây chú ý cho nhiều người ngoại trừ nhóm công an đặc nhiệm. Bởi vì trong cái chùa không mấy khang trang to đẹp này có một sư tăng bất phục chế độ làm trù trì.

Thượng tọa Thích Không Tánh lần hồi biến ngôi chùa vô danh của mình trở thành nơi giao tiếp, hội họp của những người cùng chí hướng, bất kể tôn giáo và tầng lớp xã hội nào. Ông tìm cách liên hệ với các đệ tử của thượng tọa Thích Huyền Quang ở Quảng Ngãi, Bình Định và các nhóm tăng thân, phật tử khắp các tỉnh thành miền Nam. Sau khi hòa thượng Thích Quảng Độ từ Thái Bình về tạm trú tại Thanh Minh thiền viện, ông trở thành người cộng tác đắc lực cho nhà lãnh đạo thứ hai của GHPGVNTN.

Tháng 10.1992, thượng tọa Thích Không Tánh bị bắt, bị kết án 5 năm tù vì tội lưu hành các tài liệu có nội dung chống phá nhà nước như kháng thư của hòa thượng viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVHTN Thích Huyền Quang gởi cho các lãnh tụ và cơ quan quyền lực của đảng Cộng sản, và thư từ liên lạc giữa giáo hội trung ương gởi đến các giáo hội địa phương trong và ngoài nước.

Được trả tự do trước thời hạn, thượng tọa Thích Không Tánh tiếp tục các hoạt động nhân quyền, tự do tôn giáo và xã hội dân sự. Tận dụng các khoảng thời gian tự do và khả năng vận động, thượng tọa Thích Không Tánh đã tiến hành các công cuộc từ thiện, như tặng quà cho các bệnh nhân ung bướu, các bệnh nhân phong cùi, các thương bệnh binh gốc Việt Nam Cộng Hòa, các gia đình thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương, các gia đình dân oan, đặc biệt là dân oan ở Thủ Thiêm.

Tháng 11.1994, thượng tọa Thích Không Tánh bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt vì tội quyên góp và phân phát phẩm vật cứu trợ các nạn nhân bão lụt miền Tây.

Tháng 8.1995, thượng tọa Thích Không Tánh cùng thượng tọa Thích Quảng Độ bị tòa án thành phố Hồ Chí Minh xử mỗi người 5 năm tù, vì tội “phá hoại chính sách đoàn kết của đảng Cộng sản và lợi dụng quyền tự do dân chủ phá hoại ích lợi nhà nước”.

Sau 5 năm ở tù, thượng tọa Thích Không Tánh về chùa cùng thời điểm Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng trong bài “Tại sao nhà cầm quyền quyết tâm cưỡng chế và giải tỏa chùa Liên Trì” đã viết như sau:

Các tổ chức xã hội dân sự độc lập phát triển thì chùa Liên Trì là nơi họp mặt của các tổ chức Xã hội dân sự. Những tổ chức Xã hội dân sự họp tại đây để sáng lập và thành lập các hội đoàn độc lập nhằm phản biện xã hội, cải thiện nhân quyền, dân quyền. Hòa thượng Thích Không Tánh cũng là sáng lập viên của Hội cựu tù nhân lương tâm, Hội đồng Liên tôn Việt Nam”.

“Từ những việc làm nhân đạo, giúp đỡ các tổ chức Xã hội dân sự, đấu tranh cho tự do nhân quyền nói trên, hòa thượng Thích Không Tánh chùa Liên Trì đã bị nhà cầm quyền xem như thành phần đối kháng và họ đã quyết tâm cưỡng chế và giải tỏa chùa để họ bỏ đi cái gai này. Theo thông tin loan truyền trên mạng, hòa thượng Thích Không Tánh cho biết, mặc dù không có lệnh cưỡng chế nhưng chính quyền phường An Khánh và chính quyền quận 2 đã họp kín, quyết định ngày 23.6.2016 tới họ sẽ cưỡng chế và phá dỡ chùa”.

Chùa Liên Trì bị san bằng trong tháng 9.2016. Hòa thượng Thích Không Tánh khẳng định chùa và quí thầy không chấp nhận cơ sở do chính quyền dựng sẵn ở Cát Lái để đền bồi cho chùa. Linh mục Đinh Hữu Thoại, thuộc Phòng Công Lý và Hòa Bình, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, cho là việc san bằng này vì lý do chính trị.

Thượng tọa Thích Không Tánh ngồi tại đống đổ nát của ngôi chùa Liên Trì sau khi ngô chùa bị phá bỏ. Ảnh: Quảng Đức

Lý do chính trị đầu tiên và cuối cùng để chùa Liên Trì bị san bằng là vị trụ trì của nó. Hòa thượng Thích Không Tánh, chẳng còn chốn dung thân; các nhóm phản biện xã hội, các thành phần đối kháng chế độ, các tổ chức Xã hội dân sự không còn địa điểm để hội họp, và các cơ quan truyền thông, tổ chức nhân quyền quốc tế không biết hòa thượng Thích Không Tánh ở đâu để phỏng vấn, đưa tin. Đảng Cộng sản đã vô hiệu hóa sự tồn tại của hòa thượng Thích Không Tánh qua việc san bằng xóa bỏ chùa Liên Trì. Thủ đoạn này áp dụng vào hai năm sau, năm 2018, khi hòa thượng Thích Quảng Độ bị tống xuất khỏi Thanh Minh Thiền Viện.

Theo các thông tin trên mạng, hòa thượng Thích Không Tánh có tham dự đám tang hòa thượng Thích Quảng Độ, năm 2019. Ông không tuyên bố gì, cũng không có động thái nào thể hiện ý chí bất khuất như trước đây.

Hai nhân vật năng nổ nhất của GHPGVNTN, đến thời điểm này, một người thì chuyển hóa thành cát bụi, người còn lại, tuổi tác đã bào mòn ý chí đấu tranh. GHPGVNTN xem như cáo chung.

***

Khi MA CHƯỚNG HOÀNH HÀNH TRONG CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN thì PHÁP NẠN không thể nào tránh được, tôn giáo bị cấm cách là lẽ đương nhiên. Chắc là đảng Cộng sản Việt Nam thở phào nhẹ nhõm vì đã tiêu diệt được cái vật cản lớn nhất trên con đường kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Một thông tin đáng mừng cho đảng Cộng sản là con số tín đồ Phật giáo ngày một giảm. Cuộc tổng điều tra dân số do chính quyền tổ chức năm 2009, xác định số tín đồ Phật giáo trong cả nước năm 2009 là 6,7 triệu người. Cuộc tổng điều tra dân số cũng do chính quyền tổ chức năm 2019 xác định số tín đồ Phật giáo là 4,6 triệu người.

Thái Thanh, tác giả bài viết ngày 18/2/2021 “Thống kê số tín đồ Phật giáo: Nhà nước nói giảm, giáo hội hụt hẫng”, đăng trên Luật Khoa, còn cho biết là: Theo báo Giác Ngộ, các thông tin của nhà nước đã làm một số nhà sư “bị sốc toàn tập”, tín đồ thì “hụt hẫng và bật khóc”. Tín đồ Phật giáo nói riêng, tín đồ các tôn giáo nói chung, bật khóc và đảng Cộng sản thì sảng khoái cười. Bởi vì đảng Cộng sản chủ trương “vô tôn giáo” từ Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 và bài trừ tôn giáo từ sau năm 1975.

Trong số những tín đồ bật khóc, có nhiều người biết rằng, tại miền Nam, năm 1963, khi Phật giáo phát động cuộc đấu tranh đòi bình đẳng và tự do tôn giáo trong chế độ Ngô Đình Diệm thì con số đồng đạo của họ từ 9 đến 11 triệu, chiếm tỷ lệ từ 70% đến 80% (theo điều tra của CIA, Thái Thanh, tài liệu đã dẫn). Từ 70% đến 80% tổng dân số trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa rớt xuống 4,78% tổng dân số trong chế độ Cộng Sản, bật khóc thôi. Chắc là họ sẽ khóc to khi nhìn lại mô hình giáo hội Quốc Doanh được tổ chức theo hình tháp ngược, có ban bệ, chức sắc ở trên mà không có Phật tử ở dưới. Tôn giáo mà không có giáo đồ thì tiêu vong rồi, còn gì nữa?

Mô hình tháp ngược nếu để nó đứng tự nhiên trong không gian thì nó sụp đổ tức thì. Giáo hội Phật giáo Việt Nam quả thật là Giáo hội nhà nước, Giáo hội quốc doanh, Giáo hội công cụ, sẽ giải tán khi đảng Cộng sản thấy cần buông tay.

Vấn đề đặt ra cho các triết gia, các nhà văn hóa là dân tộc, đất nước (và cả nhân loại, thế giới) có cần tôn giáo không? Tiêu diệt nó có phải là tội ác không?

***

Tôi kể một câu chuyện nhỏ để kết thúc bài viết có nhiều chi tiết tự sự này:

Anh bạn tôi, cha mẹ đặt tên là Phan Chánh Dinh. Chánh Dinh là thi sĩ từ buổi thiếu thời. Yêu đương và khắc khoải siêu hình, anh làm thơ, ký tên là Phan Duy Nhân. Theo Cộng sản và làm cán bộ Mặt trận, anh sửa tên thơ là Thiết Sử, tên họ là Nguyễn Chính cho gần gũi với giai cấp công nông và thể hiện ý chí chiến đấu.

Phan Duy Nhân – Nguyễn Chánh Dinh – Nguyễn Chính khi còn trẻ. Ảnh: Báo Thanh Niên

Anh Nguyễn Chính đi kháng chiến, ở tù Côn Đảo, sau “giải phóng” làm cán bộ đến chức phó ban Dân vận Mặt trận tại tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1982, Nguyễn Chính được ông Xuân Thủy, bí thư trung ương đảng Cộng sản chọn làm “nhân tài” chuyển ra Hà Nội làm phó ban Tôn giáo chính phủ.

Sau nhiều năm công tác, Nguyễn Chính tiếp xúc nhiều với các vị chức sắc và nhân vật trong Công giáo, Phật giáo… mà đảng Cộng sản cho là trùm phản động như Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận, Thượng tọa Thích Trí Quang để vận động họ “gắn liền Tôn giáo với Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội”.

Thế rồi, chuyển biến chuyển hóa ra sao mà đảng viên – cán bộ tôn giáo vận Nguyễn Chính qui y Phật, được hòa thượng Thích Trí Quang nhận làm đệ tử. Ngưỡng mộ, tri ân và thương cảm, đệ tử Nguyễn Chính – Phan Duy Nhân đã làm thơ kính tặng Tôn sư Thích Trí Quang như sau: Tràn đầy mà rỗng lặng / Biển vô lượng thủy triều / Đường về tâm bất động / Tuyệt chiêu mà vô chiêu / Đã thương đời vạn dặm / Vân du vượt núi đèo / Thôi hòa lòng với bụi / Thanh tịnh vầng trăng treo. (Hành thiền – Nguyễn Chính PDN – Báo Thanh Niên thứ năm, ngày 5.12.2002).

Hòa thượng Thích Trí Quang là linh hồn, là trụ cột lớn nhất của GHPGVNTN. GHPGVNTN đã tiêu vong trong chế độ Cộng sản như tôi trình bày ở trên. Vậy thì đảng viên Nguyễn Chính PDN mong cầu được gì nơi một lãnh tụ giáo hội đấu tranh thất bại? Phải chăng anh nhận ra Phật pháp qua vị Thiền Sư anh đã theo lệnh đảng đi vận động làm sư quốc doanh?

Chúng ta biết rất rõ trước khi trở thành đảng viên, Nguyễn Chính đã khẳng định mình là một Con Người – DUY NHÂN. Đã là Con Người, tất nhiên, không thể không Từ Bi, Bác Ái.

Chu Sơn

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Bài Mới Nhất
Search