T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền thoại Cuba

Nguyễn Thọ

Phần 1

Tôi quen nhiều bạn từng học ở Cuba và cả những người bạn chưa đến Cuba, nhưng rất ngưỡng mộ xứ sở này. Hồi 1980 tôi hay làm việc với Roberto Zayas, giám đốc trung tâm truyền hình quốc tế của OIRT [1] ở Praha. Anh kỹ sư Cuba này rất giỏi nên mới lãnh đạo được một trung tâm kỹ thuật như vậy, mặc dù đến từ thế giới thứ ba. Gần nhà tôi có cô Sol, người Cuba lấy chồng Đức. Cô hay kể cho tôi về quê nhà.

Trên hòn đảo 110.000km², bằng 1/3 diện tích Việt Nam, có 11 triệu người Cuba sinh sống (1/9 dân số VN). Khí hậu biển ấm áp, mưa gió thuận hòa giúp cho mảnh đất đó mầu mỡ, trù phú. Trước ngày 1.1.1959, Cuba là nước giàu có nhất Nam Mỹ và đứng thứ ba ở châu Mỹ, chỉ sau USA và Canada. Thủ đô La Habana từng là sòng bạc và trung tâm ngân hàng lớn cho du khách từ Mỹ.

Trước 1959 Cuba vốn là nước giàu có phát triển nhất Nam Mỹ. Ảnh tư liệu

Cuộc cách mạng 1959 của Fidel Castro và các trí thức cảnh tả trong phong trào “Moncada 26.7” [2] đã được loài người tiến bộ đón chào như một cuộc cách mạng dân chủ.

Tướng Batista, nhà độc tài tàn bạo và phái bộ Mỹ tại Cuba. Ngày 1.1.1959, chế độ của ông ta bị phong trào M.26.7 do Fidel Castro lãnh đạo lật đổ. Ảnh tư liệu

Ngày đó, cả châu Mỹ Latin chìm ngập trong bóng đêm của các chế độ độc tài quân sự nên sự kiện mấy trăm cậu sinh viên yêu tự do, thích phiêu lưu lật đổ được tên tướng Batista tàn bạo thậm chí đã được tờ “New York Times” ca ngợi hết lời.

Fidel thừa hiểu rằng sự phồn vinh của Cuba gắn liền với nước Mỹ nên tháng Tư 1959, chỉ ba tháng sau khi lên cầm quyền, ông sang thăm Mỹ. Hai bên lúc đó còn khá vui vẻ với nhau vì Fidel tỏ ra lạnh nhạt với mô hình Xô Viết.

Fidel Castro được tung hô tại Mỹ trong cuộc đi thăm tháng 4.1959. Ảnh tư liệu

Nhưng các chàng trai hãnh tiến, thích hành động kiểu hiệp sỹ đã giữ vững những cam kết với người nghèo nên họ quốc hữu hóa ngay lập tức một số đồn điền trồng mía và chia nhỏ các đồn điền khác xuống dưới 25 Hectar.

Tuy các hành động này chỉ nhằm khôi phục lại hiến pháp 1940 [3] mà Fidel đã hứa trước khi khởi nghĩa, nhưng nước Mỹ lúc đó bị chiến tranh lạnh ám ảnh nên nhìn đâu cũng thấy cộng sản (Đạo luật McCarthy cho phép đưa lên ghế điện bất cứ công dân Mỹ nào dính đến cộng sản). CIA đánh giá sai các hành động của nhóm “26.7” và Mỹ lập tức ra tay. Tổng thống Eisenhower ra lệnh cắt nguồn dầu, phong tỏa một số tài khoản sắp bị quốc hữu hóa khiến Cuba choáng váng. [4]

Chủ tịch Liên Xô N.Khrushev là người bị Trung Quốc và Việt nam phê phán là “trùm xét lại” vì tội nghi ngờ chủ nghĩa Marx, thân phương Tây. Nhưng Krushev lại là người chống Mỹ khôn ngoan và hiệu quả nhất. Trong thời gian ông cầm quyền, Liên Xô đã nhiều lần vượt Mỹ trong chạy đua vũ trang và vũ trụ. Khruschev chớp ngay cơ hội vàng, và tháng giêng 1960 cung cấp dầu thô cho Cuba.

Bí thư thứ nhất đảng CS Liên Xô Khrushev và Fidel Castro trong chuyến viếng thăm Liên Xô tháng 4.1963. Ảnh tư liệu

Các hãng lọc dầu Mỹ ở Cuba cay cú không nhận xử lý dầu thô Liên Xô. Fidel điên tiết quốc hữu hóa các hãng dầu này để tự mình lọc lấy xăng dầu. Tháng 8.1960, Mỹ đáp trả bằng việc cấm nhập đường của Cuba để rồi tháng 10.1960 La Habana “vui vẻ” quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của Mỹ. Cuộc chiến leo thang của ông già Eisenhower sắp về hưu khiến chàng trai mới dính quyền lực Fidel liếc mắt sang cô gái Nga. Cuối năm 1960, các đảng viên đảng Cộng Sản Cuba (trong đó có Raul, em trai Fidel và Che Guevara) được giao các chức vụ quan trọng trong phong trào “26.7”. Cuộc cách mạng dân chủ bắt đầu chuyển mầu theo hướng XHCN như vậy trong bầu không khí sặc mùi dầu lửa và mía đường.

Cú liếc mắt này khiến CIA chính thức đưa nhóm của Fidel vào danh sách các “Đảng cộng sản nguy hiểm” và sử dụng các Cuba-Kiều ở Mỹ để tiến hành một cuộc “Phản cách mạng” vũ trang. Vụ đổ bộ vào “Vịnh Con heo” tháng 4.1961 của 1300 Cuba-Kiều được Mỹ ủng hộ thất bại thê thảm. Cuba bắt sống hơn 1.000 tù binh và Fidel chơi đểu, đòi Mỹ chuộc cứ hai mạng lấy một cái máy kéo [5]. “Con heo” này trở thành cú hích cho Fidel lựa chọn đường lối chuyên chính vô sản kiểu Liên Xô để bảo vệ chế độ.

Krushev bị coi là thân Mỹ, nhưng lại rất cứng rắn trong vấn đề Cuba. Tháng 10.1962, ông ta đi thêm bước nữa, đưa tên lửa hạt nhân vào Cuba để đe dọa Mỹ. Tổng thống Mỹ Kennedy ra lệnh phong tỏa đường biển để chặn các tàu chở tên lửa Liên Xô có tầu ngầm hộ tống. Cuộc chiến tranh thế giới thứ ba xuýt nổ ra ở đây, nếu cả Kennedy và Krushev đều “anh hùng, không sợ chết” như người Việt. Cuối cùng hai bên tự xuống thang, Liên Xô và Mỹ đều rút tàu chiến ra khỏi vùng biển Caribe. [6]

Sau cuộc khủng hoảng này, tháng 4.1963 Fidel đi thăm Liên Xô. Ông nghiệm thấy mô hình Xô Viết có nhiều lợi thế cho mình. Từ Moscow trở về, ông hợp nhất phong trào “Moncada 26.7” với những người cộng sản, trở thành Đảng Cộng sản Cuba, công nhận chuyên chính vô sản, đoạn tuyệt với nguồn gốc dân chủ tư sản.

Một nhà nước XHCN, chuyên chính độc đảng ra đời cách mình 80 hải lý tất nhiên là một điều khủng khiếp cho Mỹ. Từ đó đến nay, cả 12 đời tổng thống Mỹ đều tìm cách nhổ cái gai đó đi. Kể cả chiêu kẹo ngọt của Obama cũng chỉ là một phương pháp “diễn biến”.
Như một phép lạ, thể chế đó dai dẳng sống sót qua mọi chưởng độc cho đến nay và tạo thành “Huyền thoại Cuba”.

Lúc đầu Cuba thừa hưởng di sản hoành tráng về kinh tế và con người của chế độ cũ nên chịu được mọi nghiệt ngã của cấm vận. Rồi không có Mỹ thì đã có Liên Xô. Nông nghiệp Cuba phát triển rực rỡ vì được Liên Xô bao tiêu gần hết mía đường. Xăng dầu Xi-bê-ry xài thoải mái. Còn rượu rum, xì gà thì Mỹ phải cay đắng nhập của Cuba với giá cắt cổ (vì dân Mỹ không chịu học thắt lưng buộc bụng). Cuba sử dụng ngoại tệ thu được để đầu tư vào y tế, khoa học, giáo dục. Khách thăm Cuba vào những năm 1980 đã không khỏi ngỡ ngàng bởi các bệnh viện đầy máy móc, các trường đại học với những phòng thí nghiệm hiện đại. Từng đoàn thiếu nhi, khỏe mạnh ăn mặc sạch sẽ đến trường, khác hẳn với các cháu bé bụi đời ở khắp châu Mỹ Latin.

Thời thế thay đổi, phe XHCN và Liên Xô bỗng biến mất, không ai bao tiêu nông sản và bù lỗ nhiên liệu nữa. Thời kỳ hoàng kim của Cuba chấm dứt từ năm 1991. Từ chỗ 9 triêu dân xuất khẩu gần 9 triệu tấn đường trong những năm 1970, nay 11 triệu dân chỉ còn làm ra 2 triệu tấn đường. Riêng con số đó đã nói lên sự bi đát của nền kinh tế Cuba. Nhiều người coi cấm vận là nguyên nhân khiến một nước giàu có hàng đầu thành nước sống bằng tem phiếu duy nhất ở Nam Mỹ.

Đường phố La Havana ngày nay. Ảnh trên mạng

Nhưng mọi sự suy tàn đều xuất phát từ nội lực, từ chính sách. Để không bị tụt hậu, Đông Âu đồng loạt thay đổi thể chế. Để tránh sụp đổ, Trung Quốc, Việt Nam quay trở lại tư nhân hóa, học làm kinh tế tư bản. Nhưng anh em nhà Castro vẫn khăng khăng giữ khẩu hiệu “Socialismo o muerte” (CNXH hay là chết). Hình ảnh về Cuba mà người ta thấy ngày nay là những khu phố nghèo nàn, xuống cấp, những chiếc xe cổ vá víu, những con người lam lũ. Từ chỗ viện trợ cho Việt Nam, nay họ phải ăn gạo Việt Nam viện trợ. Từ chỗ đào tạo các kỹ sư điện tử cho Việt Nam, nay họ mừng húm khi được công ty HANEL tặng cho dây chuyền sản xuất TV đen trắng đã xếp xó.

Chính trong sự khốn cùng đó, huyền thoại Cuba mới nổi bật. Trong khi ở Việt Nam hay Trung Quốc, càng mở cửa càng tăng khoảng cách giàu nghèo, tệ nạn về an sinh xã hội càng gay gắt thì ở Cuba nghèo khó, không ai phải đút tiền để chữa bệnh. Cuba không có trẻ em suy dinh dưỡng, hoặc phải bỏ học để bán vé số. Trong các bảng xếp hạng HDI, GINI của Liên Hợp Quốc, Cuba luôn nằm ở nhóm các nước công nghiệp.

Hàng năm Cuba đón hàng triệu khách du lịch. Chủ nhân của các khách sạn mini đơn sơ luôn vui vẻ, nồng hâu. Nhiều câu chuyện về lòng trung thực của bà bán kem hay bác tài làm người ta ngạc nhiên. Dân Cuba cam chịu nghèo đói cho CNXH nhưng không đểu, lừa đảo hay chặt chém.

Từ đất nước suy kiệt này, từng đoàn bác sỹ, giáo viên, cố vấn quân sự vẫn tỏa đi khắp mọi ngõ ngách các nước nghèo. Đầu năm 2020, Tây Ban Nha và Ý đã đón nhận các đoàn bác sỹ Cuba sang cấp cứu bệnh nhân covid-19.

Giáo hội thiên chúa Cuba cũng chịu sự kiểm soát ngặt nghèo như như ở các nước XHCN khác, nhưng vẫn giữ được một khoảng cách nhất định để đủ đóng vai trò môi giới với phương tây trong các xung đột chính trị [7]. Cuba là nước XHCN duy nhất được cả ba Giáo hoàng La Mã đến thăm.

Một vài thực tế trên giải thích tại sao những người cánh tả hay nói về “Huyền thoại Cuba”, coi đó là chế độ XHCN chân chính duy nhất còn lại trên trái đất.

Những cuộc biểu tình ôn hòa đòi tự do, cơm áo của hàng chục ngàn người Cuba kéo dài ba ngày trong tuần qua, bất chấp đàn áp và bắt bớ của chính quyền đã khiến người nghiêm túc phải tìm hiểu về huyền thoại này.

_____

– Ghi chú:

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/International_Radio_and_Television_Organisation

[2] Ngày 26.7.1953, Fidel Castro cùng nhóm du kich của ông tấn công pháo đài Moncada ở tỉnh Santiago de Cuba. Cuộc tấn công thất bại, cả nhóm bị bắt. Nhưng sau ngày ra tù Fidel lấy ngày này để đặt tên cho phong trào đấu tranh của mình.

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/1940_Constitution_of_Cuba

[4]https://en.wikipedia.org/wiki/Cuba%E2%80%93United_States_relations

[5] https://en.wikipedia.org/wiki/Bay_of_Pigs_Invasion

[6] https://www.history.com/topics/cold-war/cuban-missile-crisis

[7] https://library.fes.de/pdf-files/iez/08771.pdf

 

Phần 2

Một số người đọc bài trước của tôi tỏ ý khâm phục một mô hình “XHCN Cuba”.

CNXH nào cũng phải chấp nhận nguyên tắc cơ bản mà Marx và Engels, những người sáng lập ra nó đã đề ra. Đó là xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất (nhà máy, hầm mỏ, ruộng đất v.v.), từ đó sinh ra sự điều tiết sản xuất tập trung và cuối cùng là sự phân phối công bằng của cải làm ra cho mọi thành viên trong xã hội (xã hội =society, tính từ = social và học thuyết là Socialism).

Theo khái niệm này thì việc gắn mác XHCN cho các nhà nước phúc lợi Bắc Âu là sai. Ở đó kinh tế tư nhân là chính. Nhà nước tư bản chỉ thu thuế và làm tốt việc chia lợi tức cho dân (vế sau của CNXH). Ngược lại, Bắc Triều Tiên cũng không phải là nước XHCN. Ở đó tuy không một sợi lông nào của kinh tế tư nhân mọc được (vế đầu của CNXH) nhưng của cải chỉ chia cho triều đình dòng họ Kim, dân chết đói.

Về sau ông “Lenin ở nước Nga” đưa thêm vế “Nhà nước chuyên chính vô sản” vào học thuyết đó để xây dựng thành CNXH hiện thực (Real Socialism), nhằm phân biệt với CHXH không tưởng (Utopian Socialism) của các ông Saint-Simon và Fourrier [1], vốn không công nhận vai trò nhà nước.

CNXH hiện thực chủ trương thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản lên giai cấp tư sản (và các giai cấp khác trong xã hội). Giai cấp vô sản không chỉ độc quyền chiếm giữ tư liệu sản xuất, phân phối phúc lợi xã hội, mà nắm giữ quân đội, cảnh sát, điều hành xã hội, báo chí, giáo dục, y tế v.v. kể cả tôn giáo. Ở mọi nước XHCN Đông Âu, châu Á cũng như châu Phi [2] các nguyên tắc này được áp dụng triệt để. Cuba cũng không ngoại lệ.

Nhưng sự khác biệt về lịch sử, văn hóa, tâm lý (mentality) của từng dân tộc tạo ra lối sống khác nhau ở mỗi nước. Lối sống của cả một dân tộc ảnh hưởng đến đường lối chính trị của các đảng cầm quyền là điều hiển nhiên. Hungary và Ba-Lan là những trường hợp thú vị. (Khi nào sảng khoái tôi sẽ kể).

Nước Lào, tuy cũng theo đuổi mục tiêu XHCN, tuy cán bộ của họ đều học ở Việt Nam về, nhưng với bản chất hiền lành, chân thực của người dân, với nền tảng đạo phật ít bị phá vỡ, luôn tạo ra một cảm giác dễ chịu cho khách viếng thăm. Chỉ riêng việc chấp hành luật lệ giao thông, người Việt chưa biết bao giờ mới học nổi người Lào. Ngược lại, thói chụp giật, tham lam thì họ phải gọi người Việt bằng cụ.

Xếp hàng một cách kiên nhẫn và trật tự để hy vọng mua được chút ít thực phẩm là một đức tính đáng quý. Ảnh: alamy.com

Người Cuba đa số có nguồn gốc Tây Ban Nha, và khoảng 30% từ những người nô lệ gốc Phi. Trải qua mấy trăm năm chung sống và đấu tranh giành độc lập, họ đã trở thành một dân tộc, với một nền văn hóa đặc trưng. Siboney, Guantanamera… là những nhạc phẩm nổi tiếng thế giới. Người Cuba với tinh thần hiệp sỹ kiểu Tây Ban Nha, sống trong thiên nhiên ưu đãi khiến họ rộng rãi hào hiệp (như những người dân Nam Bộ). Họ hiền lành, chất phác, giỏi chịu đựng, thích đàn ca nhảy múa như anh bạn Lào. Người Cuba không láu cá, khôn vặt và không thích ngang tắt.

Một xã hội Cuba nghèo khổ nhưng ít nhem nhuốc là do yếu tố văn hóa và truyền thống dân tộc chứ không phải do chế độ chính trị. Mấy trăm năm qua, Cuba vẫn như vậy.Hình ảnh người Cuba trật tự xếp hàng dài chờ được mua một chút nhu yếu phẩm chứ không tranh giành, cướp giật khiến tôi nghĩ đến những người dân thật thà, tử tế trong một nhà nước thất bại. Anh hùng cũng thất bại chứ!

Chợ đen buôn bán trao tay được coi là bất hợp pháp ở Cuba. Ảnh trên mạng

Vì vậy khi những người dân hiền lành kia xuống đường hôm 11.7 đòi cơm áo thì chớ nên vội vã ghép ngay cho họ cái tội phản động, bị bọn xấu xúi giục. Ba hôm sau 14.7, phát biểu trên truyền hình, thủ tướng Marrero bên cạnh việc lên án những người biểu tình và các thế lực ngoại bang đã hứa sẽ mở rộng việc sản xuất điện và thuốc men, thực phẩm. Việc hạn chế người dân mang thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm về nước theo hàng xách tay sẽ được xóa bỏ ngay lập tức. Quyết định này có hiệu lực đến hết năm. Chủ tịch nước Diaz-Canel cũng hứa sẽ “phân tích một cách phê phán” (Critical analyze) tình hình đất nước [3].

Các nhân nhượng này tạm thời giảm bớt căng thẳng cho thị trường, nhưng bi hài ở chỗ: Những người trung thành với chế độ tham gia các cuộc “phản biểu tình” hôm đó cũng được hưởng lợi từ các cuộc biểu tình mà họ lên án.Tin về các cuộc biểu tình khiến một số người hả hê. Họ lạc quan cho rằng nhà nước XHCN ở Cuba đã cáo chung. Họ đã nghĩ vậy từ khi Cuba thay đổi hiến pháp năm 2019, công nhận tư hữu và không nhắc gì đến mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng từ đó đến nay, xã hội Cuba hầu như không thay đổi. Một số khác thì buồn cho dân tộc Cuba thông minh, nhân đạo, nghĩa hiệp phải chịu đựng một số phận khắc nghiệt mà họ gọi là “Lời nguyền Castro”: XHCN Hay Là Chết.

Số còn lại thì hoang mang, không rõ thực hư thế nào, lo cho nhà nước XHCN anh em. Tôi thì biết chắc là người Cuba khổ lắm. Các bạn tôi học ở Cuba về, sau quay lại thăm trường cũ cũng thấy vậy. Cô Sol, hàng xóm của tôi ở đây cũng khẳng định điều đó. Khi ngồi nói chuyện với tôi, cậu em cô vẫn chat qua mạng kể chuyện nhà.

Co Sol và Joachim. Ảnh: FB tác giả

Để hiểu rõ tình trạng của xứ sở đáng ngưỡng mộ đó, tôi cất công tìm tòi và xin đơn cử một vài số liệu về cuộc sống vật chất.

Tháng 12.2020, Cuba đưa ra chính sách tiền tệ và lương mới. Đó cũng là một bước cải đi cách lại như thời kỳ “Giá-Lương-Tiền” ở ta 40 năm trước. [4]

Theo đó, từ ngày 1.1.2021 chế độ hai đồng tiền CUP (Cuba Peso = tiền Cuba) và CUC (Cuba Peso Convertible = tiền Cuba chuyển đổi từ ngọa tệ) tồn tại từ gần 20 năm qua bị xóa bỏ. Trên toàn quốc chỉ lưu hành tiền CUP. Ngoại tệ sẽ đổi trong các ngân hàng nhà nước với giá 1 USD = 24 CUP sang thẻ MLC (Moneda Libremente Convertible) để dùng trong các cửa hàng giao tế (Intershop).

Bảng giá các loại nhu yếu phẩm trên Numbeo.com. Ảnh chụp màn hình

Lương tối thiểu (công nhân, y tá) sẽ nâng lên 2.100 CUP/tháng = 87 USD. Tối đa là 9.510 CUP = 396 USD/tháng (Chủ tịch nước). Vì 1 USD gần bằng 24.000VND nên tôi cứ tạm tính 1 CUP = 1.000 VND.Ông bác sỹ Cuba nào đó may mắn được lĩnh 5.060 CUP/tháng (210 USD hay 5.000.000 VND), chưa bằng cô công nhân ở Bình Dương.

Nhiều người sẽ không tin vào mức lương thấp như vậy. Họ hỏi: Cuba có thu nhập đầu người khoảng 7.500 USD/năm, cao hơn gấp đôi Việt Nam, sao người lao động lại ít tiền như vậy? Chuyện này tốn khá nhiều giấy, xin để bài sau.

Chỉ biết rằng: Sau đợt cải cách tiền lương tháng 6.2019, dân Cuba đã hân hoan khi mức lương thấp nhất được nâng lên 400 CUP (16 USD). Ông giáo sư đại học mừng húm khi cầm 1700 CUP(68 USD), theo “Thời báo Havana” [5].

Nhưng chỉ sau 18 tháng, cải cách đó phá sản vì vật giá leo thang nhanh quá. Nay chính phủ phải tăng lương gấp 4-5 lần.

Người Cuba ngay thẳng, không hay ngang tắt, xé rào nên không có chuyện 6 triệu theo bảng lương nhưng lãnh 30 triệu như ở ta. Vậy ông bác sỹ Cuba với 5.000.000 VND/tháng có đủ nuôi một gia đình 4 miệng ăn?

Trang mạng Numbeo.com[5] thường xuyên cập nhật giá sinh họat ở từng nước. Người đọc có thể, quy ra tiền nước mình. Nếu chọn Cuba, dùng tiền VND sẽ thấy: 1kg gạo=24.600 VND, 1 cân cà chua= 54.000VND, một lít sữa 65.000VND, một cân hành 50.000 VND, đắt hơn ở VN. (Nhưng giá 12 quả trứng, chỉ có 18.600VND, rẻ bằng nửa ở ta).

Bác nào sống ở Cuba có thể xác định các số liệu về lương và giá ở đó thì tôi vô cùng cảm ơn.

Dù sao thì những ai lĩnh 2.100 CUP (2.100.000 VND) cũng đủ mua gạo và trứng ăn hà tiện cả tháng. Vậy thì lý do gì họ phải xuống đường để ăn đòn của cảnh sát và vào tù? (tin chưa kiểm chứng nói là 5.000 người bị bắt).

Xin thưa: Đây giá và lương theo quy định của chính phủ. Muốn có giá đó phải xếp hàng cả ngày để rồi có lúc về không. Ở chợ đen, giá một cân thịt bò là 24 USD= 570 CUP hay 560.000VN, một cân gạo 145 CUP hay 140.000 VND (Cô Sol cho tôi biết như vậy).

Khan hiếm hàng hóa và các vấn nạn tiền tệ (quan hệ giữa CUC, CUP, MLC), các quy định về ngoại hối, thuế nhập, Covid 19 v.v làm cho vấn đề gay gắt hơn nhiều.

*Ghi chú:

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Utopian_socialism

[2] Các nước Ethiopia, Angola và Mozambique đã có thời kỳ thử nghiệm chế độ XHCN

[3] https://www.faz.net/aktuell/politik/ausland/kuba-nach-protesten-zugestaendnisse-an-demonstranten-17438320.html

[4] https://www.dw.com/de/w%C3%A4hrungsreform-kuba-und-der-tag-null/a-56082952

[5] https://havanatimes.org/news/cuba-raises-minimum-wage-to-16-usd-a-month/

[6] https://www.numbeo.com/cost-of-living/country_result.jsp?country=Cuba&displayCurrency=VND

 

Phần 3

Vấn đề trầm trọng nhất ở Cuba không phải là lương thấp + giá cả cao như đã kể, mà khan hiếm hàng hóa. Ở Việt Nam nhiều người nghèo không có gì ăn, nhưng hàng hóa lúc nào cũng tràn ngập. Có tiền thì mua gì cũng có. Ở Cuba các cửa hàng đều trống trơn. Trong các cửa hàng dùng thẻ MLC cho dân có ngoại tệ cũng chỉ có 3-4 mặt hàng.

Cuba vẫn nhập được hàng từ các nước láng giềng không theo lệnh cấm vận. Nguyên nhân chính là không chấp nhận kinh tế tư nhân, không tạo ra nền kinh tế hàng hóa. Cải cách kinh tế của ông Raul Castro chỉ cho phép tư nhân làm các nghề vặt: Cắt tóc, taxi, nhà trọ, tiệm ăn, trồng trọt v.v. nhưng không ai đươc mở các xí nghiệp công nghiệp hoặc các cơ sở nông nghiệp ra hồn. Trong khi đó các xý nghiệp quốc doanh đã rệu rã từ khi hết viện trợ của Liên Xô 1991.

Thống kê của Ngân hàng thế giới và của CIA đều cho thấy GDP chính thức quy ra USD (GDP official exchange rate) của Cuba năm 2020 là 100 Tỷ/Năm, trong đó nông nghiệp chiếm 4,3%, công nghiệp 22,7%, dịch vụ 73%. Việt Nam có GDP official là 272 tỷ USD, trong đó nông nghiệp 15,3%, công nghiệp 33,3%, dịch vụ 51,4%. Mỗi năm Cuba xuất khẩu hơn 2 tỷ USD hàng hóa, nhập vào 11 tỷ USD, nhập siêu 9 tỷ. Việt Nam xuất 233 tỷ, nhập 245 tỷ. [1]

Tư nhân hóa ở Việt Nam tuy còn xa mới thỏa mãn yêu cầu xã hội, nhưng sản xuất hàng hóa của Việt Nam hơn hẳn Cuba, nền nông nghiệp đủ cung cấp lương thực cho 100 triệu dân. Với GDP 100 tỷ USD, 11 triệu người Cuba có thu nhập đầu người gần 9.000 USD/năm. 100 triệu người Việt chỉ có 2.700 USD/năm mỗi người. Lương tháng trung bình của người Việt là 200 USD (gần 5 triệu VND) hay 2.400 USD/năm là thực tế. Nước Đức có GDP/đầu người là 50.000 USD, lương trung bình 42.000 USD/năm cũng dễ hiểu.

Nhưng người Cuba sản xuất ra 9.000 USD/năm, hưởng lương trung bình là 1.500 đến 2.000 USD/năm là điều khó hiểu. Tôi suýt vỡ đầu khi đi tìm giải đáp cho câu hỏi này. Thống kê của Cuba dựa trên đồng Peso Cuba (CUP), mà đồng tiền này không có giá trị chuyển đổi. Đã có thời kỳ dài, ngân hàng Cuba áp đặt giá 1 Peso = 1 USD. Ngày đó Cuba khép kín và mất cân đối USD được Liên Xô bù lỗ bằng Rup vàng. Nhưng sau khi không còn Liên Xô thì nguồn ngoại tệ chính chỉ còn đến từ du khách, xuất khẩu chuyên gia và kiều hối.

Tất nhiên nhà nước không thể ép những người có ngoại tệ bằng lòng với tỷ giá đó. Do đó năm 1993 ngân hàng phát hành tiền CUC (Cuba Peso Convertible) với tỷ giá 24 CUP= 1 CUC để dùng trong các cửa hàng ưu đãi như kiểu Intershop (giao tế). Mọi giao dịch bằng ngoại tệ đều bị coi là phạm pháp và xử phạt nặng. [2]

Chế độ 2 đồng tiền, 2 cửa hàng này tất nhiên tạo ra phân hóa xã hội. Người có ngoại tệ mua đồ ra ngoài bán với giá cao hơn. Chợ đen hình thành. Những người có ngoại tệ do bà con nước ngoài gửi về, nhà có người đi làm chuyên gia y tế, hay có phòng cho khách nước ngoài thuê bỗng nhiên trở thành một giai cấp khác, sống khá giả hơn. Đầu năm 2021, đồng CUC bị cấm lưu hành. Ai có ngoại tệ phải đổi thành thẻ MLC để sử dụng. Từ ngày 26.6.21, ngân hàng không cho đổi tiền mặt ngoại tệ lấy MLC nữa. Người nhà ở nước ngoài phải chuyển khoản vào ngân hàng để người thân rút ra bằng MLC, cũng với tỷ lệ áp đặt 24/1.

Nhưng tỷ giá 24 CUP =1 USD cũng không ổn vì đồng CUP mất giá rất nhanh. Giá chợ đen hiện nay là 65 CUP = 1 USD (Cô Sol cho biết). Giá chợ đen mới thể hiện đúng quan hệ tiền/hàng.

Mâu thuẫn này cho thấy 100 tỷ GDP của Cuba tính theo 24 CUP = 1USD là méo mó. Hàng công nghiệp hay nông sản thì LHQ và WB có thể kiểm chứng được, nhưng 75% dịch vụ trong đó thì không.

Để xóa cái gốc của nạn thiếu hàng hóa và ngoại tệ, thay vì thu nhỏ khối kinh tế quốc doanh trì trệ, phát triển kinh tế tư nhân năng động, ông Fidel đưa ra các giải pháp cũng rất là Cuba: Di dân ra nước ngoài và xuất khẩu chuyên gia.

Sau 1991 có hàng trăm ngàn người Cuba mất việc vì các xí nghiệp nhà nước khốn đốn. Từ 1992 trở đi, làn sóng người Cuba vượt biển (khoảng 150km) bằng thuyền tự tạo sang Mỹ tăng dần và đỉnh điểm là cuộc bạo động hè 1994. Hàng ngàn người bao vây các sứ quán phương tây để xin visa xuất cảnh. Ông Fidel tuyên bố ai muốn đi thì cho đi. Lập tức hơn chục ngàn người đóng các loại bè tạm bợ bằng gỗ, vỏ ô-tô, styropor v.v. để sang Mỹ. Chính quyền Clinton hốt hoảng vì làn sóng này, trở tay không kịp. Hải quân Mỹ đã vớt 33.000 “bè nhân” (Balseros) đưa về căn cứ Guantanamo.[3]

Cuba đổ tội Mỹ xúi giục dân ra đi thì phải nhận hết số này. Cãi đi cãi lại, cuối cùng hầu hết số người này được đưa về Mỹ. Năm 1995 hai nước đi đến thỏa thuận: Ai chân ướt (vào lãnh hải Mỹ), sẽ trả lại Cuba, ai chân khô (Lên đến bờ) Mỹ sẽ nhận. Ngoài ra Clinton còn cho Cuba mỗi năm 20.000 visa định cư.[4]

20.000 visa Mỹ đươc chính phủ Cuba phân phối theo nguyên tắc xố số. Tất nhiên các công thần của chế độ không lọt vào đây. Ngoài ra chính phủ cấp hộ chiếu cho dân để họ đi du lịch mang hàng về. Mỗi người dân được phép mang hàng hóa 120kg/năm. Thế là hàng triệu người Cuba tham gia ngành “Công nghiệp cửu vạn” này. Họ thường đi máy bay giá rẻ sang các nước láng giềng rồi mua hàng hóa xách tay đem về. Nhưng tiền ở đâu ra?

Ước tính có khoảng 3 triệu kiều dân Cuba sống ở nước ngoài, mỗi năm gửi về cho gia đình khoảng 6 tỷ USD. Có tiền mà không có hàng thì đi “cửu vạn”. Mỗi năm đi 6 lần, mỗi lần 20kg là nhà nước và nhân dân cùng vui vẻ.Nguồn thứ hai là du lịch, với khoảng 2-3 triệu khách/năm, cũng đem lại từ 4-5 tỷ USD. Khách du lịch rời Cuba đều muốn quay lại với dân tộc nghèo nàn nhưng luôn ca múa, ít tội phạm. Đó là sự quyến rũ của Cuba.

Nguồn thứ ba là xuất khẩu bác sỹ và giáo viên. Trước 1959 Cuba có 6.000 bác sỹ, nay con số này là 90.000, trình độ cao. Thị trường xuất khẩu là Châu Mỹ Latin nên vấn đề ngôn ngữ hầu như không có. Các nước châu Phi, kể cả các nước dầu lửa vùng Vịnh cũng nhận rất nhiều bác sỹ và nhà khoa học Cuba. Chuyên gia Cuba nói tiếng Anh như hát.

Lực lượng này được trả lương cao, từ 4.000-10.000 USD/tháng. Ước tính mỗi năm nhà nước thu được 11,5 tỷ USD. [5]

Tuy nhà nước giữ lại phần lớn số tiền, nhưng nếu chỉ được 15-20% thì họ đã là ông hoàng ở quê nhà, nơi mà các đồng nghiệp chỉ lãnh 100-200 USD/tháng. Người Cuba đi đến đâu cũng có uy tín. Châu Mỹ latin vẫn là mảnh đất của lầm than, của bất công xã hội. Do đó cánh tả luôn có cơ nắm chính quyền, từ Bolivia, Chile, Brazil đến Venezuela… Họ luôn coi Cuba là mẫu hình và buôn bán không hạn chế với Cuba. Do đó bảo nghèo vì cấm vận là nói sảng.

Với một nền giáo dục xấp xỉ Đông Âu, văn hóa Tây Ban Nha, lương rẻ hơn Việt Nam lại ở sát nách, nếu Cuba mở cửa thì giới tài phiệt Mỹ sẽ không bao giờ chịu để mất cơ hội. Tổng thống nào muốn cấm vận cũng sẽ đổ ngay.

Nhưng thôi, đó là việc của bạn, nói ra lại bảo là can thiệp vào công việc nội bộ. Các dữ kiện trên cho thấy: Người Cuba còn có những thu nhập phụ khác từ một nền kinh tế chìm. Do đó lương trung bình sẽ cao hơn 1.000-2.000 USD/năm. Nếu cao hơn rất nhiều thì sẽ nguy hiểm.

Khi đó phân biệt giàu nghèo sẽ phá vỡ an bình xã hôi. Hình ảnh những người Cuba béo tốt, xài Smartphone, ăn mặc sạch sẽ chính là những người có dính đến nền kinh tế chìm kia. Kẻ không may, chỉ sống bằng nền kinh tế nổi khổ vô cùng. Có người mấy năm liền không nhìn thấy thịt bò. (Hạn chế giết bò là chính sách để đảm bảo sữa cho thiếu nhi). Những người này sẽ không cam chịu khẩu hiệu “CHXH hay là chết” nữa.

Covid-19 và khủng hoảng Venezuela là hai đòn nặng cho Cuba. Mất dầu lửa giá rẻ, mất nguồn khách du lịch. Nguy hiểm nhất là các đường bay đình trệ khiến “công nghiệp cửu vạn” tê liệt. Hiện nay có ngoại tệ cũng chẳng sướng gì, từ thực phẩm đến thuốc men đều khan. Bệnh nhân Covid cần nhiều bác sỹ, nhưng phần lớn đều đang ở nước ngoài…

Cuộc biểu tình được tổ chức bằng mạng xã hội, không có phong trào đối lập nào đủ mạnh lãnh đạo hôm 11.07 đã đánh thức chính quyền Diaz-Canel. Ông đã hiểu khẩu hiệu “Tổ quốc và cuộc sống” của dân thay vì “Tổ quốc hay là chết” của tiền nhiệm. Ông nới lỏng các quy định mang hàng xách tay để cứu vãn tình thế. Nhưng các nước xung quanh đều đóng cửa chống dịch. Cách duy nhất là mở cửa để tạo ra nội lực thì đang chờ…

Khẩu hiệu mới của người Cuba “Patria y Vida” (Tổ quốc và cuộc sống), thay cho khẩu hiệu “Patria o Muerte” (Tổ quốc hay là chết) từ 60 năm qua. Ảnh trên mạng

Nhiều người chúc Cuba yên bình trở lại. Nhưng là bạn tốt thì chớ nên chúc họ đi con đường cũ.

Tôi còn rất nhiều dữ liệu về Cuba, vì tôi phải đọc để khi có dịp sẽ đến đó.

Tôi xin tạm dừng tại đây. Ai có ý kiến phản biện, xin cứ đàng hoàng phát biểu.

Ghi chú:

[1] https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.CD, & https://www.cia.gov/the-world-factbook/countries/cuba/

[2] https://hackerette.com/traveling-cuba-deal-currency-exchange/

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/1994_Cuban_rafter_crisis

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Wet_feet,_dry_feet_policy

[5] https://www.deutschlandfunk.de/kuba-aerzte-als-exportschlager-nr-1.799.de.html?dram:article_id=409339

 

(Nguồn: Báo Tiếng dân)

Bài Mới Nhất
Search