T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Thị Hồng Châu: KÝ ỨC – HỒN TA – HỒN QUÊ

Bên rổ rau muống – Tranh: Thanh Châu

 

 (Đôi dòng cảm nhận khi đọc HỒN QUÊ của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến)

Khi trên đầu đã 2 thứ tóc, đã sống đủ dài, đã trải nghiệm đủ lao đao lận đận, đã biết thế nào là “lên voi xuống chó”… đáng lẽ phải cố quên, cố buông bỏ, thi tôi lại cứ nghĩ nhiều về sự sống. Chả phải là vì còn nuối tiếc điều gì, mà chỉ là vì những mảng dĩ vãng không mời mà cứ ùn ùn đến…

Chả kể là tôi đang ở đâu, tâm trạng ra sao, thích hay không thích thì nó vẫn bất chợt xuất hiện những hình ảnh con người, sự việc… không cho ta quyền lựa chọn. Nhiều thứ tưởng chừng đã chìm sâu vào dĩ vãng muốn tìm, bây giờ có bới đất lật cỏ lên cũng chả thấy. Như cầu ao, bến nước sau nhà… hay một nơi nào đó đã ôm ấp một thời, một đoạn rất là đắm đuối và cũng vô cùng xót xa muốn đào sâu chôn chặt… thì nó lại nhảy bùm vào hộp KÝ ỨC. Nó ám ảnh, níu kéo… bắt tâm tưởng ta nhớ lại…

Có những KÝ ỨC nhớ lại làm ta giật mình, trăn trở, làm cho nước mắt ta chảy, mũi ta cay, cổ ta nghẹn cứng và đôi khi cũng có cả những thứ làm ta bật cười…

Và mỗi lần như thế KÝ ỨC cho ta biết thương, biết yêu hơn, biết hiểu thấu thế nào là đau là buồn hơn, biết tha thứ và ân hận nhiều hơn… KÝ ỨC dạy dỗ ta, làm ta thức tỉnh, nuôi tâm hồn ta lớn….

KÝ ỨC của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến còn cho ta thấy được HỒN QUÊ.

HỒN QUÊ

Ta về gặp lại hồn quê

Mẹ ta xưa quẩy nắng về hong mưa

Một đời sướng thiếu khổ thừa

Mẹ đan hạnh phúc vặn vừa nỗi đau

.

Heo may trở dạ mùa sau

Mẹ se gió lạnh khỏi nhàu nắng tươi

Chắt chiu ủ ấm nụ cười

Mẹ nhen lửa giữ cho “Người ở xa”

.

Tháng Mười, tháng Bảy, tháng Ba

Mẹ gom gió lạnh mưa sa bão dồn

Đổ vào sẫm đỏ hoàng hôn

Mẹ ru ta nặng trĩu hồn quê Cha

.

Ta về gặp lại hồn ta

Mẹ ta thì đã đi xa cuối trời…

Hà Nội, sáng 06 tháng 03.2018

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

——————-

Đọc bài thơ, trong đầu tôi liền hiện ra ngay một bức tranh được nhà thơ Đặng Xuân Xuyến tài tình dùng KÝ ỨC của mình để vẽ trên nền thơ lục bát một HỒN QUÊ khi tác giả: “TA VỀ GẶP LẠI HỒN QUÊ.”

Vậy HỒN QUÊ mà Đặng Xuân Xuyến gặp là gì? Sao được gọi là Hồn? có hình hài, dáng vóc, tính cách ra sao?… Chả chữ nào nói đến, mà chỉ thấy HỒN QUÊ vô cùng trừu tượng được lồng cùng bóng hình của MẸ trong ký ức nhà thơ ồ ạt tràn về.

Phải chăng HỒN QUÊ đối với nhà thơ này không phải là mấy cảnh quan Cổng làng, Mái đình, Cây đa… tất cả những thứ đó sẽ thay đổi theo năm tháng. Chỉ có cảm xúc của Trời Đất cho vùng quê nghèo khó này cái nắng, cái gió, cái mưa, cái bão khó ưa, khó sống vẫn muôn đời chứng nào tật nấy… mới là HỒN QUÊ. Mẹ đã gắn bỏ, đã chịu đựng với nó … để nuôi mình khôn lớn.

MẸ, người đàn bà yếu đuối hết lòng vì chồng, vì con phải chống chỏi, vật lộn với một HỒN QUÊ không hiền lành chút nào, mưa không thuận gió không hòa, quanh năm mưa dầm, bão nổi… nên đời mẹ “SƯỚNG THIẾU, KHỔ THỪA”.

Khi HỒN QUÊ trái gió trở trời, mùa vụ thất bát “tháng mười, tháng bảy, tháng ba”…

“Mẹ se gió lạnh khỏi nhàu nắng tươi

Chắt chiu ủ ấm nụ cười

Mẹ nhen lửa giữ cho “Người ở xa”…”

Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến được “Mẹ ru ta nặng trĩu hồn quê Cha” nên dù đi đâu, ở đâu vẫn luôn muốn quay về, vì nơi đây anh có rất nhiều KÝ ỨC đã khắc sâu, hằn kỹ trong tâm khảm tác giả:

“Ta về gặp lại hồn ta

Mẹ ta thì đã đi xa cuối trời…”

Với thể thơ lục bát, chỉ vỏn vẹn có 3 khổ rưỡi mà nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã khắc họa nên hình ảnh, tính cách một HỒN QUÊ khắc nghiệt, một người MẸ đảm đang, chịu thương chịu khó điển hình cho những vùng quê Bắc Bộ Việt Nam.

Chắc chắn những người con đã sinh ra và lớn lên ở những vùng quê này, dù họ đang ở đâu thì KÝ ỨC về quê hương cũng đang nuôi lớn tâm hồn họ. Khi họ trở lại thăm quê thì cũng sẽ gặp HỒN QUÊ mỗi người, mỗi vẻ. Có lẽ là qua hình bóng Cha, bóng Chị, bóng Bà và cũng có thể là người thương khác…

Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”.

TRẦN THỊ HỒNG CHÂU

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

Bài Mới Nhất
Search