T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tuyển Tập Nhạc – Trên Ngọn Tình Sầu (10 ca khúc) – Giọt lệ cho ngàn sau

Giọt lệ cho ngàn sau – Nhạc: Từ Công Phụng

Ca sĩ trình bày: Từ Công Phụng

Đọc Thêm:

Tình ca Từ Công Phụng

Thy Nga, phóng viên RFA

“Giọt lệ cho ngàn sau” là một nhạc bản Từ Công Phụng nói là “lời tạ lỗi những người tình đã đi qua đời anh, dù một khoảnh khắc sớm phai tàn nhưng đã để lại những kỷ niệm, và đã nuôi lớn anh trong Tình Yêu dù không trọn vẹn”.

NStu-cong-phung-305

Nhạc sĩ Từ Công Phụng trong “Chiều Thính Phòng” tại San Jose hôm 09/5/2010

Photo by Don Ngo

Nhạc sĩ của tình ca

Người nhạc sĩ ấy không bao giờ thôi ca ngợi Tình Yêu. Từ Công Phụng, một đời viết nhạc tình, khởi đi từ đầu thập niên 1960 với những lần chàng sinh viên này trình bày nhạc của mình với bạn bè trong khuôn viên các trường đại học ở Saigon.

Nhà thơ Du Tử Lê từng mệnh danh Từ Công Phụng là “phát ngôn nhân tình yêu của tuổi trẻ miền Nam”. Thật vậy, qua những bài tình ca, anh đã nói lên hộ cho lớp trẻ thời đó những rung động của tuổi mới biết yêu.

“Bây giờ tháng mấy” là sáng tác đầu tay của Từ Công Phụng.

Theo tác giả cho biết thì viết nhạc bản này với tâm tư của mình lúc 18 tuổi“một tên học sinh đọc quá nhiều tiểu thuyết lãng mạn” nhưng không dám trình làng. Đến năm 1963, tức là ba năm sau, Từ Công Phụng mới hát bài ấy trên làn sóng đài phát thanh Đà Lạt.

Tiếp sau “Bây giờ tháng mấy”, lần lượt những ca khúc “Bài cho em”, “Lời cuối”, “Mùa Xuân trên đỉnh bình yên”, “Mùa Thu mây ngàn”, “Mưa trên ngày tháng đó”, “Tuổi xa người”, … ra đời trong những năm 1960.

Tình ca là con đường tôi đã chọn và cưu mang một đời. Dù tôi có là chứng gian cho những cuộc tình không thực nhưng ít ra, tôi đã mang đến một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, một chút kỷ niệm khó phai mờ cho những kẻ tình nhân của một thời yêu thương say đắm.

    NS. Từ Công Phụng

Những lời ca ấy trong “Tuổi xa người” từng làm thổn thức biết bao con tim. Giới trẻ miền Nam thời đó, hầu hết đều ưa chuộng và hát không biết mệt những ca khúc của Từ Công Phụng.

Rồi thì đất nước trải qua cơn biến động. Sau bao thăng trầm, những người trẻ năm nào, nay tóc đã ngả màu thời gian. Sau này, những khi có dịp nghe lại dòng nhạc Từ Công Phụng, các bài hát ấy dường như đem lại cho họ cả không gian và đời sống của một thời hoa mộng.

Trang Web của nhạc sĩ Từ Công Phụng mở đầu với “Lời ngỏ” có các đoạn sau đây, lẽ ra Thy Nga yêu cầu nhạc sĩ trình bày đến quý thính giả nhưng vì anh mới trở bệnh nặng, thành ra Thy Nga phải nhờ anh Việt Long đọc giùm:

“… Tình ca là những lời phủ dụ ngọt ngào của tình yêu như giòng suối róc rách từ thiên thu dành cho những đôi tình nhân của bao miên man thế hệ, như một kẻ đồng lõa cho sự tồn tại của nhân loại. Xin cám ơn Đấng Tạo Hoá đã ban cho loài người có trái tim biết rung động, có tâm hồn biết thổn thức để tình yêu và cuộc đời còn được thăng hoa bằng những bài tình ca.

tcp-vo-08-ngoisao.net-250
Nhạc sĩ Từ Công Phụng và vợ chụp năm 2008.
Photo courtesy of ngoisao.net

Nếu chim muông chỉ có một thời để ca hát, cỏ cây chỉ có một thời để xinh tươi, và loài người chỉ có một thời để sống và một đời để chết thì xin hãy hát lên những bản nhạc tình để ngợi ca một thời để sống trước khi bước vào những nỗi khốn cùng buồn thảm của cái chết lẻ loi.

Bởi vậy, tình ca là con đường tôi đã chọn và cưu mang một đời. Dù tôi có là chứng gian cho những cuộc tình không thực nhưng ít ra, tôi đã mang đến một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, một chút kỷ niệm khó phai mờ cho những kẻ tình nhân của một thời yêu thương say đắm.

Và xin cảm ơn những kẻ tình nhân đã nâng niu những bản tình ca của tôi từ những thập niên qua như là nhân chứng cho tình yêu của mình, dù chúng có mang những nỗi hân hoan trong đôi mắt hay nụ cười, dù chúng có chứa chan những giọt lệ ngậm ngùi cho một đời tình ngắn ngủi …”

Ca ngợi cái đẹp của tình yêu

Nói đến tình yêu và đời sống thì thưa quý thính giả, cách nay vài năm, Thy Nga có dịp trao đổi với nhạc sĩ Từ Công Phụng về đề tài đó, và ghi cảm nghĩ của anh như sau:

“Tôi nghĩ trong đời sống chúng ta, có cái dòng sông định mệnh tức là mình gặp nhau đó, rồi mình xa nhau, cũng giống như là hơi nước tụ thành mây rồi tan đi, thế thôi!

Trong những năm dài qua, tôi đã viết để ca ngợi tình yêu. Ca ngợi cái đẹp cũng có nghĩa là ca ngợi những kỷ niệm còn đọng lại trong tâm hồn chúng ta khi mà cuộc tình không được trọn vẹn. Ca ngợi hạnh phúc cũng là một điều để chúng ta làm vơi bớt đi những khổ đau mà chúng ta gặp phải.

Ca ngợi cái đẹp của tình yêu không trọn vẹn, có nghĩa là mình đã nói lên được một cái gì đẹp trong khoảnh khắc thời gian mà mình gặp gỡ nhau, và khi mình xa nhau thì đó là những cái còn để lại trong ký ức của mình những hình ảnh đẹp. Nói một cách khác, hạnh phúc có nghĩa là mặt trái của khổ đau, và cũng có thể nghĩ ngược lại như vậy.

Trong những năm dài qua, tôi đã viết để ca ngợi tình yêu. Ca ngợi cái đẹp cũng có nghĩa là ca ngợi những kỷ niệm còn đọng lại trong tâm hồn chúng ta khi mà cuộc tình không được trọn vẹn.

    NS. Từ Công Phụng

Tôi nghĩ là định mệnh nó cho mình thấy ngay trong cuộc sống, tức là nếu mà không có những chia lìa, không có những đớn đau thì mình đâu có hiểu được cái định mệnh.

Bởi vậy, những cuộc tình mà không trọn vẹn thì người ta thường mơ ước là kiếp này không gần gũi nhau thì nếu mà kiếp sau có làm người, thì cũng xin tiếp nối cuộc tình đó cho trọn vẹn. Mơ ước mà thôi chứ còn mà kiếp sau thì tôi nghĩ là mình không biết được.”

“Như chiếc que diêm” cũng như bài “Mắt lệ cho người” đề cập đến cái chết. Khi được hỏi về chuyện này, nhạc sĩ Từ Công Phụng nói “suy nghĩ về sự sống chết không xuất phát từ chứng bệnh của anh dạo sau này mà đã từ lâu, anh nghĩ rằng cái gì rồi cũng tới lúc phai tàn. Nếu có điều gì vĩnh cửu thì đó là tình yêu”.

(Nguồn: RFA Tiếng Việt)

Bài Mới Nhất
Search